Monday, January 22, 2018

Quê Tôi Cai Lậy Quốc - Trần Láng Biển



Quê tôi Cai Lậy quốc
 
 

Từ chợ Kênh 12 chiếc ghe bầu nhỏ lợp mui lá - tôi bơi dầm mủi, cha tôi chèo mái lái đuôi – thả xuôi theo con nước lớn, nhẹ trôi vô miệt Kênh Bà Bèo, Cống Huế, bán hàng rong tạp hoá. Cha con tôi không bán hết hàng, cũng phải chống mủi ghe quay về cho kịp con nước ròng.

Thả thuyền trôi sông, tấp vô vài cái bến nước cạn, thấy có dân đi cấy  mướn hay vần công đang rửa ráy, coi có ai mua hàng chợ chiều bán rẻ cho bà con, vớt vát vài ký đường tán, muối hột, vài quặng dầu lữa hay kẹo bòn bon cho con nít…

Cha tôi hối con tháo dây buột ghe, vén lục bình, chống sào ra giữa lòng con kênh đang rút nước.

-“Hò ơ….Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi

-Buôn bán không lời… hò ơ… chèo chống mõi mê. Hò ơ…!”

Ngã ba rạch tẻ, cha ra lệnh cho con ép mái dầm hướng mủi ghe vô Rạch Nàng Chưng; vô đó coi nhà vườn có ai bán soài, ổi, cam, quít gì không, mua bậy ba mớ trái cây vườn, để kịp ra Ngã Ba Kênh Xáng bán chợ đêm.

Hôm nào trời còn sớm, nước ròng chưa rút hết mức, hai cha con ráng sức bơi thêm chèo mau ra chợ đêm Thiên Hộ, nhiều người bán kẻ mua hơn. Chợ đêm này đông người họp nên xuồng ghe tấp nập, bà con trong miệt Tháp Mười đổ về, mang cá mắm ra trao đổi muối đường, đồ hàng bông, mua cây kim sợi chỉ, vải đen may quần áo bà ba, khăn rằn quấn cổ.

 Đèn chai, đèn dầu lữa lập loè lập loè nhấp nhánh như đóm bay trên mặt nước; ghe nhà giàu họ có đèn măng xông sáng trưng, coi mát con mắt hơn đèn khí đá khịt lữa xanh xè xè chao đảo trước ngọn gió đồng. Có ghe lớn họ vặn hát máy trong khoang, văng vẳng tiếng ca cải lương vọng cổ, chen lẫn tiếng bạn hàng ồn ào ăn uống, buôn bán, trả giá tính tiền.

-“Đồng bạc này xé làm đôi

Thối bậu 5 cắc, phần tui nữa tiền

Nếu mà tui bậu còn duyên

Hai tờ nối lại thành nguyên một đồng”.

Cha con tôi đêm khuya khoắt mới quay ghe về nhà. Mẹ tôi đã đóng cửa tiệm, nhưng còn để đèn leo lét trong nhà; bên ngoài cầu ván một ngọn đèn bảo lắc đòng đưa theo ngọn gió đêm, nhưng cũng đủ cho cha con tôi thấy đường cho ghe vô bến.

Mẹ tôi không theo ghe, ở nhà trông coi cửa tiệm hàng xén bên chợ Kênh 12. Bà vừa bán hàng lặt vặt vừa giữ con, vừa trông chừng hàng dự trử gối đầu mà mỗi tháng một chuyến do cha tôi ra chợ quận Cai Lậy bổ hàng về. Vợ chồng trẻ với hai đứa con còn nhỏ, có nghề buôn bán, dù ở quê nên đủ sống qua ngày, không tay lấm chơn bùn.

Tôi đã 8 tuổi đầu nhưng chưa cắp sách đến trường học, vì giữa buổi giao thời chữ nho ít người theo học, còn chữ quốc ngữ chưa thông dụng. Con nhỏ em gái cũng đã 5 tuổi nhưng tối ngày lúc thúc bên mẹ. Là con nít quê, tôi được coi là đủ lớn để được theo cha học nghề buôn bán.

Chợ Kênh 12 lúc đó còn nghèo lắm, dân cư từ tứ xứ đổ về, thời buổi không yên nên bọn con nít như tôi không đi học ở nhà, phải phụ giúp cha mẹ.Tôi may mắn hơn các trẻ khác, khỏi lội ruộng chăn trâu, dang đầu ngoài nắng, mò cua bắt cá…

Thấy người khác có hát máy, cha tôi trong một chuyến đi bổ hàng ngoài chợ Cai Lậy cũng muốn đua đòi, mua về một cái máy hát đĩa quay tay lên dây cót (dây thiều), hiệu Columbia chế tạo từ bên Tây.

Đó là một cái máy có bộ phận quay đĩa, mang cần gắn kim sắt nối qua cái loa phát tiếng, được bắt ốc gắn chắt trong thùng cây, bộc vải dầy. Nấp thùng mở ra được do có bản lề; lấy rời ra hoặc chống đứng một mặt nhờ hai cái then chịu, có mốc điều chỉnh độ thấp cao. Chính giữa thùng máy là một chiếc hộp sắt và bộ cốt lõi dây thiều bằng thép mỏng; bị ép chặt lại vòng xoay; lên dây cót quay tay, từ cần quay bên ngoài.

Khi lên dây cót, dây thiều bị ép tròn lại; nó bung ra làm lực đẩy quay cái trục, làm quay tròn bàn quay; mặt bên trên để nâng đĩa hát, quay vòng theo chiều kim đồng hồ. Trước khi khởi độngmáy người ta dùng cái tay quay, đẩy vô lổ bên hông cho ăn khớp với bộ phận lên dây bên trong, rồi lên dây cót vừa cứng tay. Cái loa kèn nằm trên cần mang đầu kim; có chốt giữ để thay kim cũ mòn, đổi kim mới.

Đĩa hát đặt lên bàn quay cho chạy tự do để canh vòng quay tốc độ; nhanh hay chậm để chỉnh, hảm bớt lại hay lên thêm dây cót. Một lúc khi máy chạy êm, đĩa quay vòng đều, mới nhẹ nhàng đở nhẹ cần mang kim, thả nhẹ mũi kim xuống mặt đĩa; vòng lớn bên ngoài cùng không ghi âm. Những vòng xoay từ ngoài vào trong trên mặt đĩa đều ghi âm, nên khi mũi kim chạm vào, kim nhẹ nhàng lên xuống vạch ghi âm, chuyển tần số âm thanh vào loa kèn, phát thành ra tiếng.

Đĩa hát vào thời đó gọi là đĩa đá hay đĩa than, lớn bằng nấp vung nồi cơm, màu đen thui cứng còng, nhưng cũng dễ bể dễ trầy.Bao đựng đĩa bằng giấy bồi, có in hình tên hảng thâu thanh như Pathé hình con chó thổi kèn, Asia, Hoành Sơn…in hình màu tên tuồng, bài hát, tên tài tử và tên soạn giả. Thời trước ông bà mình không để từ “sĩ” trước tên diễn viên, nhạc công (ca sĩ, nhạc sĩ), vì cho rằng “xướng ca vô loài”; sĩ, nông, công,thương...phân biệt rõ ràng theo giai tầng xã hội. Soạn giả là người viết, đặt “bài bản sao” cho các bản cổ nhạc, không phải là tác giả sáng tác; ông Cao Văn Lầu mới là người đầu tiên sáng tác ra bản vọng cổ Dạ Cổ Hoài Lang 2 nhịp.

Trước khi hát phải chùi bụi bậm, đĩa dơ hát một hồi buị rác dính đầy mũi kim. Đĩa bị trầy chạy kim mòn, nhảy đứt đoạn, hay cà lăm tiếng nghe lập đi lập lại, chừng nào cho kim nhảy qua mới thôi. Lúc mới chạy, dây thiều căng, tiếng hơi nhanh, giọng the thé; để chạy lâu quên lên dây cót, dãn dây thiều, âm thanh xuống thấp rè rè, nghe như hụt hơi!

Tôi là con chủ máy hát vừa ngồi nghe, thay đĩa theo thứ tự tuồng hát, mài kim, thổi bụi, thoa dầu bóng lên mặt đĩa, lên dây thiều không để dãn hết tua..; một nhơn vật vô cùng quan trọng, có lúc được thưởng có khi ăn đòn!

Dù là trí óc hãy còn non nớt, nhưng tôi cũng biết cái máy hát lên dây thiều hồi đó là một sáng chế văn minh nhứt thời đại; tự nó phát ra tiếng nói, tiếng ca tiếng đờn; mang đi đâu hát cũng được. Ngoài cái việc rớ mó, dù chưa đi học chữ, học nghề mà tôi đã trở thành chuyên viên; ngoài cha tôi, không ai dám đụng tới cái máy hát!

Tôi mê vọc cái máy hát, mê tiếng hát tiếng đờn, vắng một bữa ăn cơm không ngon! Nghe riết rồi mình thuộc lòng luôn bản hát, tiếng đờn lời ca, tên đào kép, tên tuồng hát bộ, cải lương.Nhờ đó mà sau này lên Saigon tôi không là một gã trai quê, ai bàn chuyện văn chương thơ phú (cải lương!) tôi không thua ai.(Nhưng không dám nói leo ăn cơm hớt, sợ nói trật chìa ra ngoài đề!).

Từ khi có cái máy hát gia đình tôi được bà con chòm xóm trọng vọng, hết sức (?). Cha tôi trước là học trò chỉ học chữ Nho, thuộc Tam Tự Kinh, lấy nhơn chi sơ tánh bản thiện làm gốc, nay lên chưn (!); bà con phong lên chức cậu, cậu Bãy Tân Thời! Biết mình bảnh tỏng cha tôi thay đổi cách ăn mặc cho ra vẻ thành thị, ăn nói  có vần có điệu có thơ có văn, để khi ra ngoài chợ quận lỡ có người kêu bằng thầy Bãy thì không mắc cở là mình là dân quê, làm nghề thương hồ, bán tiệm chạp phô hàng xén!

 Có chút tiền lời nào ổng ra chợ quận Cai Lậy, về thành phố Mỹ Tho mua thêm chục đĩa hát mới, sách truyện Lục Vân Tiên, Thạch Sanh Lý Thông, Con Tấm Con Cám… Đi xa biết chuyện thị thành, giải nghĩa mặt chữ theo quốc ngữ, ngâm nga vài câu thơ Sáu Trọng, nói thơ thầy thông Chánh, kết bạn tài tử đờn ca xướng hát, bài bản Dạ Cổ Hoài Lang hay hoà đờn khúc hành vân lưu thuỷ.

 Khi về làng có chuyện mà nói, nào là đi coi hát gánh hát Thầy Năm Tú ngoài chợ Mỹ, thấy mặt cô đào Phùng Há, Năm Phỉ, kép Tư Chơi, Năm Châu…gánh Đồng Ban, Phước Cương…chuyện đào kép hát Nam Kỳ Lục Tỉnh..v…v….Làm bà con thân thuộc làng trên xóm dưới phục lăn. Ông thường xuyên làm khách mời đám cưới đám giổ, đám ma; làm người thuyết khách đại tài(!).

Cái máy hát được chủ đám mời, cho người gánh thúng tòng teng hai đầu: một bên là cái máy, bên kia là chồng đĩa hát. Xứ quê mùa ít có người học cao, nghị luận bàn thơ văn, chưa có thầy đờn, nên nghe hát máy là phương tiện văn nghệ truyền thông, giải trí đặc sắc thời bấy giờ.

Đi buôn, đi bán không lỗ thì lời

Đi ra cho thấy mặt trời mặt trăng

Đi ngày đàng học một sàn khôn, cha tôi chống sào mát mái, bất chấp nước lớn nước ròng, thả thuyền trôi theo dòng sông Ba Rài đi xa hơn về miệt dưới, qua khỏi cầu Cai Lậy. Xuôi nam qua Cẩm Sơn, Xuân Sơn, Hội Sơn, ghé Ba Dừa, ra cửa sông Tiền, lặn lội tuốt qua cù lao Năm Thôn Ngũ Hiệp.

Vào những năm 30, 40, thôn xã quê nghèo: trên bờ đường đấp bùn lầy trơn trợt, cầu khỉ lắt lẻo bắt qua kênh rạch, dưới sông vắng vẻ nhà cửa mái tranh thưa thớt, hai bên bờ vắng lặng…. Nên một chiếc thuyền nhỏ, thả trôi theo con nước xuôi, nhẹ mái chèo trên dòng sông bát ngát mênh mông (đối với đứa trẻ nít như tôi con sông Ba Rài lúc đó lớn lắm).

Tôi theo cha trên ghe bán hàng rong: chiếu bó, giỏ đệm đóng xấp, tập sách thơ văn, bài hát, vỡ học trò, ve mực chai thuỷ tinh, mấy ống mực viên, mực bột màu xanh màu tím, mấy cái thùng thiết chứa đựng bánh khô kẹo bột, khạp đựng đường, hủ chứa muối hột… thùng thiết dầu hôi (có cái bơm tay rút dầu ra bán lẻ từng lít để đốt đèn hột vịt hoa kỳ).

-Hò ơ…Nước trong rữa ruột sạch trơn

Một câu danh lợi chi sờn lòng đây

Rày doi, mai vịnh vui vầy

Ngày kia hứng gió đêm này chơi trăng

Mõt mình thong thả làm ăn…

(thơ Lục Vân Tiên)

-Hò ơ…Gió thổi hiu hiu,

Mặt trời chiều sắp lặn

Ghe tui bán chiếu chưa có ai mua

Tội người dệt chiếu đang chờ…

Thân tôi sông nước… nắng mưa… sá gì!…hò ơ!

Không biết cha tôi có gian buôn bán ra sao, chớ nhiều lần ổng vác  bó chiếu lên bờ, cắm sào buột ghe, để thằng con nằm chèo queo muỗi cắn, chờ ông  o mèo hay gò gái cả buổi quên con, còn doạ đừng mét má mày, dìa nhà tao cho mày nghe máy hát cả ngày!

-” Cho con nghe hát tuồng Mỹ Lệ Dung nghe cha?”, tôi bắt hứng cao giọng ca lối theo cách của ông kép hát Bãy Cao:

“Mỹ Lệ Dung… có phải em là Nguyệt Thu Nga?…. mà sáu năm qua nó đã đơm bông nở nhuỵ trong quả tim ….này?”

Chưa vô hết nhịp hò, cha tôi cú đầu tôi một cái cốc, nghe đau điếng; chắc ổng nghĩ rằng tôi dám chọc quê!

Có lần cũng trên dòng sông cũ, cha tôi không ghé lại bến nước xưa nữa, mà cất giọng hò áo não:

-Hò ơ…Bậu nói với qua rằng bậu không có hái lựu bẻ đào.

Vậy chớ lựu đâu bậu bộc, còn đào nào bậu cầm tay… Hò ơ….

Trên bờ nghe có tiếng đàn bà hò đáp:

                                    -Hò ơ…Con thơ tay ẩm tay bồng

Tay dắt mẹ chồng đầu đội thúng bông…

…Ai ơi tui đâu có phụ lòng

Ngặt vì có câu tứ đức… ba chữ tam tòng tui phải theo… Hò ơ…

-Hò ơ…Sông sâu sào vắn khó dò

Muốn qua thăm bạn, sợ đò không đưa….

……Không đưa mượn chén ăn cơm

Mượn ly uống rượu, mượn đờn khảy chơi…. Hò ơ…

………………………

Phía nam Cai Lậy, đất giồng, nhờ phù sa sông Tiền Giang bồi đấp lên gò cao, nhiều sông rạch, miệt vườn cây trái; miền đất lành chim đậu trên nhánh văn nghệ đờn ca xướng hát, văn chương thơ phú…. Con gái nhà vườn coi thiệt ngộ, má hồng môi thắm, còn có giọng ca hay hát giỏi. Nhiều ông thầy đờn lập ra nhóm đờn ca tài tử miệt vườn, dạy học trò con trai đờn biết đờn cò đờn kìm, con gái ca hát bài bản cổ nhạc. Cha con tôi hay chèo ghe xuống đây, ham vui nhập đám. Tôi cũng mê coi nhạc đám hát đình, đám cưới…

Trái lại, người ở bắc Cai Lậy sống trên vùng đất thấp ngập phèn, nước nổi từ Đồng Tháp Mười đỗ xuống, quanh năm nghề làm ruộng; ít thơ phú văn chương, nhưng thích ăn nói văn hoa có vần có điệu, hát hò đối đáp, học nghề võ để đánh ăn cướp. Cha tôi có kể chuyện ăn cướp nhà giàu; bọn cướp ban đêm chèo ghe chài lớn, đến đánh cướp nhà ông bá hộ. Hai bên đốt đuốt sáng trưng, nổi trống đập thùng thiết nhoi trời, la làng dậy xóm. Ăn cướp có võ, bên nhà ông bá hộ cũng có thủ hạ giỏi nghề, thanh niên trai tráng trong làng đến coi ngứa tay, xông vào đánh nhau loạn xạ.

Chuyện ăn cướp thời xưa nhiều khi nói thêm bớt. Ai đời đi ăn cướp mà hẹn ngày giờ trước? Có chuyện đàn bà con gái biết múa quyền, đánh roi, hạ gục chúa đảng?! Làng này tổ chức đánh cướp làng kia để thử nghề gia truyền, phái võ? Ăn cướp mà lên tiếng hành hiệp, cướp của nhà giàu chia cho người nghèo? Những nhơn vật anh chị du côn như Bãy Viễn, Ba Dương, Mười Trí cũng có lúc bỏ căn cứ Rừng Sát chạy về Đồng Tháp Mười thu hút thêm nhơn lực, kết nạp thêm “anh hùng hảo hớn”!

Dân Cai Lậy xưa là con cháu di dân từ đàng Ngoài xứ Quảng vào; vừa chuộng võ để có sức thủ thân khai phá miền đất mới, vừa chuộng văn chương thi cử theo lối học trò nhà Nho. Trong lịch sữ di dân mở ấp, vùng  Cẩm Sơn, Long Trung(Ba Dừa), Vỉnh Kim nhiều người học cao, đỗ đạt làm quan. Miệt Nhị Quí, Tân Hội có nhiều thầy nghề võ.Tân Bình, Mỹ Hạnh Trung có nhiều vị danh sư tu hành. Mỹ Phước Tây, Tân Hội là nơi bưng biền ẩn núp chống Tây…

Bởi vậy hồi thời kỳ ông Nguyễn Văn Tâm ngồi  chủ Quận – lời cha tôi nói lại – Hùm Xám Nguyễn Văn Tâm là người thủ đoạn, biết tâm lý quần chúng, chia  dân để trị.

Ông ta lập ra hai hội thi văn đàn và võ đài ra để chiêu dụ người tài. Tổ chức thách đấu võ đài, lựa võ sĩ bổ sung binh lính, lập hội thi văn đàn kiếm sĩ phu ra giúp việc trị dân. Người nào thuận tình, ông Quận cho làm quân dưới trướng, quân sư dưới cờ; ai nghịch ý thì ông tìm cách tiêu trừ, trù dập; thiệt là tiện lợi đôi bề!

Con nhà võ hay thách đố võ đài như đá gà không cho rót, trâu báng không chịu lùi. Nhưng vì chí thú làm ăn, nhiều thầy võ giỏi con nhà nòi chỉ tập luyện món nghề gia truyền giữ làng bắt cướp, ra tay khi hữu sự.

Phía nhà văn, hay tranh hay cãi; tài tử ca đờn, thi thơ, khen chê chỗ dỡ chỗ hay. Nhưng quá sợ huý kỵ, ngờ vực tư tưởng chống thực dân, nhà nho chỉ dám lẫy Kiều, nói thơ Lục Vân Tiên giới bình dân ai cũng thuộc qua ít nhiều:

Dè chừng, hoặc làm cao:

Anh hoa phát tiết ra ngoài

Ngàn thu bạc mệnh một đời tài hoa

Trông người lại nghĩ đến ta

Một dày, một mỏng, biết là có nên??? (Kiều)

Chê bai:

Rằng hay thì thật là hay

Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào? (Kiều)

Thích chỗ vui chơi ăn nhậu:

Quán rằng: “Thịt cá ê hề”,

          Khô lân chả phụng bộn bề thiếu đâu.

       Kià là thuốc lá ướp ngâu,

          Trà ve tuyết điểm, rượu bầu cúc hương.

          “Để khi đãi khách giầu sang,

          “Đãi người văn vật, đãi trang anh hùng.”

                                                  (Lục Vân Tiên)

Đờn ca xướng hát:

Tân nhạc cải” xà lách” (cải cách),Do, Ré, Mi, Fa , Sol, La, Si,

7 nốt (notes) đờn, vô còn trật nhịp.

Vọng cổ “tạp tàng”, Hò, Xự, Xang, Xê, Cống,

5 chữ nhạc, hát vẫn sai câu (6 câu)

Nhưng có một câu đối bình dân trứ danh, người Cal Lậy còn truyền lại:

“Ông mượn cháu, đi giồng dứa, mua dừa giống, về ông mượn.”

Câu đối đố này vừa đối từng chữ trong câu: chữ sau đối với chữ trước, chữ cuối câu đối với chữ đầu câu, tròn vo!. Một câu nói bình dân không văn hoa chữ nghĩa, không nói bóng nói gió: mãi về sau này tìm kiếm qua văn học, tôi vẫn chưa nghe có một câu nào đối địch lại?

Dân Cai Lậy có nhiều chuyện kể lúc trà dư tửu hậu, nhàn rỗi công việc đồng áng. Hoặc tụm năm tụm ba, ngồi chồm hổm kiểu nước lụt trong nhà chòi, uống UTQ (uống trà quạu,) nhai đường tán, chờ con nước lũ rút ra sông, kể chuyện “Cai Lậy quốc” xứ mình:

Cai Lậy đất của anh hùng, địa linh nhân kiệt thời chống Pháp.Tục truyền bốn vị anh hùng có tên là Long, Thân, Rộng, Đước, là nghĩa quân chống Tây vào những năm cuối thế kỹ XIX. Quân Pháp nhiều lần mua chuộc, treo giá, vây bắt không được,vì Bốn Ông võ nghệ cao cường, còn có phép phân thân ẩn trốn, phi thân chống sào tre nhảy qua sông rạch dễ dàng (?).

Dụ hàng không được, Tây mới bày kế bắt giữ mẹ Bốn Ông làm con tin, vì trọng chữ hiếu, Bốn Ông ra hàng, bị Tây xữ chém, bêu đầu ngoài chợ Cai Lậy. Người dân lén lấy xác, đem chôn cất, lập miếu thờ bốn vị anh hùng vị quốc vong thân, tôn kính danh xưng là Tứ Kiệt.

Có lẽ vì lý do chính trị, vì dân chúng quá tôn sùng cúng bái Tứ Kiệt Anh Hùng, mãi đến năm 1997 chính quyền sở tại mới cho phép trùng tu lại Lăng Tứ Kiệt như bây giờ.

 -Hùm Xám Cai Lậy. Khoảng những năm 30, 40 của thế kỹ trước, chủ quận Nguyễn Văn Tâm, cứng rắn đến tàn bạo truy lùng, tàn sát Việt Minh thẳng tay. Nên ông có biệt danh là “Cọp Cai Lậy” hay “Hùm Xám Cai Lậy”. Năm 1945 trên đường trốn thoát về Mỹ Tho, ông bị Thanh Niên Tiền Phong bắt tại chợ Đệm, chặt đứt một ngón tay trỏ.

Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm (từ ngày 23 tháng 6, 1952 đến ngày 7 tháng 12, 1953) dưới trào Vua Bảo Đại, là người thân Pháp chống Việt Minh triệt để.

Ngoài ra có thêm môt truyền kỳ giai thoại hay về các cụ đồ nho chơi chữ:

Ông Hương nghị Sảnh ở Ba Dừa là người thâm nho, giỏi văn chương thi phú, hay làm câu đối chơi chữ nổi tiếng trong vùng. Ngày Quận Tâm làm lễ nhận chức Chủ Quận Cai Lậy, Hương nghị Sảnh đem tặng bức hoành phi viết bốn chữ “Đại điểm quần thần”. Quận Tâm treo bức hoành phi ấy hơn một năm mới phát hiện “Đại điểm quần thần”. Nghĩa bóng là “quan lớn trong cánh quan lại”, nhưng dịch ra theo từng chữ nghĩa đen là “chấm to bầy tôi”, nói lái là “chó Tâm bồi Tây”.

ĐẠI                              là to

ĐIỂM                           là chấm

QUẦN                         là bầy

THẦN                          là tôi

ĐẠI ĐIỂM                    là “chấm to”, nói lái lại là “chó Tâm”

QUẦN THẦN             là “bầy tôi”, nói lái lại là “bồi Tây”

Quận Tâm tức lắm, quan chủ quận tìm đến nhà và đem tên cúng cơm của cha ông Hương Sảnh  là Mười Trận ra thách đối “Mười trận thất cả mười”.

Những chuyện kể về sau này:

Trước năm 1975 ông xã trưởng Long Trung (Ba Dừa) tên là Ba Săng, nổi tiếng là “Cọp Ba Dừa” do Việt Cộng đặt. Ai là người được Việt Cộng đặt tên là “Cọp” thường bị chúng căm thù bất cộng đáy thiên, nhưng cũng sợ bóng sợ vía, hồn phi phách tán!

 –Việt Cộng pháo kích vào trường Tiểu Học Cai Lậy. Hồi thời Việt Nam Cộng Hoà lăng Tứ Kiệt được di dời về một bên mặt thành Chi Khu Cai Lậy, đối diện trường Tiểu Học. Có câu chuyện truyền khẩu, rằng Việt Cộng muốn lấy chánh trị lòng dân, cho người ra cúng bái, cầu khẩn xin xâm ba lần(?)  để đánh quận Cai Lậy. Nhưng Tứ Kiệt linh thiêng không thuận! (mặc dù hồi năm 1870, Bốn Ông dẫn nghĩa quân về tấn công vào đồn Cai Lậy, đốt dinh Tham Biện). Đến năm 1974 VC pháo kích vào Chi Khu Cai Lậy, đạn rơi vào trường Tiểu Học làm chết nhiều học sinh.

Sân Trường Cai Lậy

(9 tháng 3 năm 1974)

của thi sĩ Ngô Văn Thọ

“Tôi vẫn nhớ buổi kinh hoàng Cai Lậy

Giặc pháo vào trường học lúc giờ chơi

Tuổi thơ ngây đang đùa giỡn vui cười

Nằm phơi xác miệng còn trơ viên kẹo

Tôi thấy những người mẹ đi lẽo đẽo

Quanh ngôi trường tìm nhặt mớ thịt xương

Gỡ tóc tai, lẫn máu dính trên tường

Của hai mươi chín thiên thần bé bỏng

Tôi đã thấy hai hàng lệ nóng

Chảy không ngừng trên gương mặt xanh xao

Của người mẹ buồn héo hắt khổ đau

Nhận xác con nhờ áo lem mực tím…”.

-Cai lậy còn là quê hương của các nghệ sĩ tài danh như ca sĩ Hoàng Oanh quê Nhị Quí, thầy đờn cổ nhạc Văn Giỏi người miệt Ba Dừa.

-Sau 1975, V.C. Lê Văn Phẩm làm Bí thư Tỉnh Tiền Giang. Đảng bộ tỉnh Tiền Giang thành phần chủ yếu là bần, cố nông. Chín Phẩm là người dốt, ký tên bằng cách đánh dấu chữ thập, nhưng theo chủ trương hồng hơn chuyên của Đảng, ông ta giữ chức bí thư Tỉnh Ủy Tiền Giang; gây ra bao điều cười ra nước mắt: xây dựng, qui hoạch vùng trồng cây, khu kinh tế mới…làm:

“sai đâu sửa đó,

sửa đó có xong đâu

xong đâu nhưng lại sai đấy”.

Sai đâu sửa đấy,

sửa đâu sai đấy,

sai đấy sửa đâu?”

Nhưng có một việc làm hết sức thành công, đáng “biểu dương” là nuôi cá vồ ao trong trại cải tạo “Vườn Đào” ở xã Mỹ Phước Tây trong mùa lũ lụt. “Ao cá vồ của cán bộ”nuôi bằng phân của tù cải tạo; dù nước ngập lụt hết cả trại, nhưng ao cá phải được “bảo quản” hằng ngày: tù móc sình đấp bờ cao không cho cá thoát ra ngoài, bảo đảm tù không để thiếu thức ăn cho cá !

…………………………

Cha t ôi là đệ tử của thầy trụ trì và là bạn đồng đạo với Phật tử chùa Khánh Quới thuộc Xã Tam Bình gần chợ quận, nên những ngày lễ vía, cha tôi hay ghé chùa lễ Phật.Tuy tuổi hãy còn thơ, nhưng những ngày tháng đó tôi đã có ý thức”tâm lành Phật độ”: ở hiền gặp lành, thiện ác đáo đầu qua lời dạy của các thầy, qua lời kinh tiếng kệ tụng tán:

               Nam mô Phật Tổ Di Đà

Độ cho bá tánh nhà nhà yên vui

Cầu cho đất nước nơi nơi

Đồng bào hưởng phước an vui thái bình

Cầu cho thập loại chúng sanh

Vãng sanh siêu thoát, hương linh về trời

Ngày đó tôi không hiểu ông Phật Tổ Di Đà là vị Trời Thần nào, ở đâu, thập loại chúng sanh là ai, hương linh, siêu thoát, vãng sanh, là gì? Nhưng tôi rất sợ mình làm sai trái chuyện gì, sẽ bị trời phật thánh thần quở phạt! Trí óc non nớt của tôi được êm ái qua nghe tụng tán kinh Phật biết sợ luật trời đất nhân quả, an vui v ới hiện tại nhưng cũng phải nhớ đến ông bà đã quá vãng.

Nghe thơ “Lục Vân Tiên” để học đạo làm người:

Hỡi ai lẳng lặng mà nghe

Dữ răn việc trước, lành dè thân sau

Trai thời trung hiếu làm đầu

Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình

Nhớ câu kiến ngãi bất vi

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.

Người xưa trọng “nhân nghĩa”, lấy chữ “kiến nghĩa” để làm thuật xử thế:

Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả,

Lâm nguy bất cứu mạc anh-hùng.

(Thấy việc nghĩa trước mắt mà không làm không phải là tráng sĩ;

thấy chuyện nguy nan không cứu giải không đáng mặt anh hùng)

Dù không hiểu nhiều, nhưng trí óc non nớt của tôi cũng đã  thâm nhập lời người lớn dạy dỗ con trẻ về cách làm người phải biết: nhân, nghĩa, lễ, trí tín; phải có tâm “Từ Bi “ theo Đức Phật, nhưng cũng phải có cái “Trí Dũng” của bậc anh hùng.

Thời cuộc thay đổi, Tây ngoài chợ quận xua “lính săng đá (soldat), lê dương mặt gạch (légionaire afrique) “vào lập bót, đóng đồn. Du kích trong bưng ra lệnh cho dân tiêu thổ kháng chiến, vườn không nhà trống.

Tây từ ngoài bót vô ruồng

Du kích gỏ mõ, cắc bùm rồi dong

Hai phe thằng chỏng trôi sông

Nước lớn vô rạch, nước ròng trôi ra

Trong một trận ruồng bố lớn của Tây, cha mẹ tôi bỏ của bỏ nhà, đẩy con lên ghe chạy giặc, thoát ra ngoài ngoài Quận. “Ra đi không ngó lại” cha tôi nói với mẹ, “Thôi tiếc của làm gì, lên Saigon cho con nó đi học!”

Gần đây tôi có về thăm lại quê nhà; ghé chợ Cai Lậy, viếng chùa Khánh Quới, qua xã Tam Bình; đứng bên cầu chợ Kênh 12, nhìn dòng sông Ba Rài, ngã chạy lên tỉnh Đồng Tháp, ngã rẻ sang kênh Bà Bèo vô Ấp Bắc.

Đồng Láng Biển tôi không nhận ra được là ở đâu, nhà cửa san sát nhau bờ đường, lấn sát bờ sông, kênh rạch. Ít thấy xuồng ghe trên mặt nước; dưới lòng kênh lục bình bị vét sạch; con đường xáng múc đấp bờ cao, xe gắn máy qua lại; hàng quán nhạc mới xập xình, thôn nữ tóc vàng xanh đỏ, trai làng nhậu nhẹt om sòm.

Bà con tôi người già đã mất, người trẻ ít biết chuyện xưa, thâm tình giả lã họ hàng. Quê tôi có thời được gọi là “Cai Lậy quốc”; chỉ còn là mớ ký ức của người già, để viết lại hồi ký chuyện xưa như trái đất.

 

Trần Láng Biển

304Đen – Llttm - VT

No comments: