Friday, April 1, 2022

Gái Quảng Trị - Nguyễn Đạt Thịnh

 

GÁI QUẢNG TRỊ




Tôi tuổi Giáp Ngọ, năm nay 62; Tâm 59.

 

Chúng tôi yêu nhau từ 42 năm trước, năm nàng mới 17, tôi 20, cái năm mà đất nước còn đắm chìm trong máu và nước mắt.

Không kể đám trẻ dưới 60 hiện nay, ngay cả những người chạng tuổi tôi, hay già hơn, cũng không mấy người chứng kiến nhiều giết chóc như tôi chứng kiến, kể cả Tâm, người đàn bà tôi yêu giữa vô vàn xác chết, giữa những vũng máu nối tiếp mà chính nàng góp sức gây ra.

Chỉ cần nhắc đến Tâm là tai tôi nghe tiếng đại bác 130mm của Việt Cộng, mũi tôi ngửi mùi tử thi- từ những xác chết của thường dân và quân nhân Nam Việt Nam.

Vừa tròn 20, tôi lớn lên trong tiếng súng tàn sát, và trong cảnh giết người không nhợn tay – cảnh Huế năm Mậu Thân – tâm trạng tôi ngây ngây như người say rượu không biết sợ chết, không biết sợ nguy hiểm; tôi bình thản lái chiếc Jeep được biến cải thành xe tản thương với 2 chiếc cáng đặt từ mũi xe ra đến cuối xe, đặt chồng lên nhau, cái này cách cái kia đúng 7 tấc. Tôi lái xe vào con đường mà mấy anh phóng viên Pháp gọi là “con đường buồn thiu” – Quốc Lộ số 1, đoạn 60 cây số từ Huế ra Quảng Trị.

Ngày đó tôi là binh bét Nguyễn Tuấn, thâm niên quân vụ 4 tháng, gồm 2 tháng quân trường, và 2 tháng chiến trường. Tôi là lính Sư Đoàn 1, nhưng thường xuyên làm việc trên “con đường buồn thiu” – tăng phái cho bất cứ đơn vị nào hành quân tại đó.

Nói chuyện tăng phái thì Quân Khu I thường xuyên cần tăng phái; vì là quân khu địa đầu của miền Nam, nằm sát vĩ tuyến 17 chia cắt, nên Quân Khu I trở thành điểm “tấn công thí nghiệm” cho quân lực Bắc Việt, là chỗ cho chúng thử vũ khí, thử chiến thuật.

Tăng viện cho Quân Khu I thường là những đơn vị tổng trừ bị – Nhẩy Dù và Thuỷ Quân Lục Chiến; dĩ nhiên đó là những đơn vị thiện chiến nhất trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa; nhưng dù tài giỏi đến đâu, hễ đặt chân lên đoạn đường “tha ma” này rồi, là đơn vị nào cũng cần đến tôi, vì họ cần thêm xe tản thương. Bao nhiêu xe tản thương cũng không đủ. Tôi đã chứng kiến nhiều nạn nhân dân sự, chết không vì vết thương quá trầm trọng, mà vì không được chăm sóc, chết vì mất máu.

Việt Cộng không giỏi gì hơn quân ta, nhưng chúng có địa lợi; chỉ cần đặt vài chục khẩu đại bác cách bờ biển khoảng trên chục cây số sâu vào phía Tây – dưới chân núi Trường Sơn, là chúng thừa sức uy hiếp khúc đường 60 cây số buồn thiu, giết 1 người Nam Việt – dân hay lính – trên mỗi thước đường; 60 cây số -60,000 ngàn thước, là đủ 60,000 xác chết, một số không được chôn cất.

Sau 2 tháng huấn luyện quân sự, và căn cứ theo hồ sơ lý lịch là sinh viên y khoa, tôi được bổ về Ban Quân Y sư đoàn với vai trò lái xe cứu thương. Tổng số 26 chiếc xe cứu thương đã được phân phối về cho các tiểu đoàn, tại bộ tham mưu sư đoàn chỉ còn 2 chiếc, một trong 2 chiếc này là loại jeep biến cải thành xe cứu thương – chiếc xe tôi đang lái.

Tôi thường xuyên không có mặt trong đơn vị; tháng tháng tôi lãnh lương nhét vào túi để thỉnh thoảng móc ra mua chai rượu đế bỏ trong bọc quân trang, lãnh đủ 30 khẩu phần lương khô chất lên chiếc xe đóng vai trò căn nhà, rồi ngày ngày tôi rong ruổi trên con đường xác người.
Tôi làm việc giữa vô vàn tiếng khóc – người thoát chết khóc thương người không thoát chết, không ai còn kịp chít khăn sô để tang ai nữa cả, cũng không ai còn đủ sức chôn người chết.

Tôi không biết vị trí Việt Cộng đặt pháo trong rừng, nhưng tôi biết những đoạn đường thường bị chúng pháo; vào mùa khô, đôi khi tôi lái xe vòng xuống bờ đường – tại những đoạn nguy hiểm này – để tránh pháo. Tránh được pháo, nhưng không tránh được cảnh thê lương “mỗi thước đường một xác người”, nhất là xác thường dân vô tội ngồi xe đò bị pháo trúng.

Tôi ăn giữa tiếng khóc Quảng Trị, vì chỉ có người Quảng Trị mới xuôi đường về Huế; người Huế an hưởng cảnh thanh bình tương đối, không ngược lên Quảng Trị tìm khó khăn; tôi ngủ giữa xạ trường pháo kích của Việt Cộng, nhưng biết chọn thế đất tương đối an toàn, tránh được đạn pháo địch.

Tuần chót của tháng Tám 1974, tôi được lệnh trình diện Đại Úy Lê Thọ, đại đội trưởng Tổng Hành Dinh Sư Đoàn 1.

Ông Thọ hỏi tôi, “con muốn trở về làm việc văn phòng không?”. Tôi trả lời không, và xưng tôi, gọi ổng là đại úy, chứ không xưng con hay cháu và gọi ổng là chú như ổng thường bảo tôi.

“Con muốn gì?”

“Thưa đại uý, tôi không muốn gì cả.”

“Con dấu bằng cấp để đi lính; tại sao vậy?”

“Thưa đại úy, tại tôi thích như vậy.”

“Bổn phận của chú là gửi con vào trường Võ Bị Thủ Đức.”

“Do quen với gia đình tôi, đại uý biết tôi có bằng cấp tú tài; một vị đại đội trưởng khác đã không biết, và do đó không gửi tôi đi học”.

“Con không thích trở thành một sĩ quan?”

“Vâng. Tôi không thích.”

“Vì con giận ba con?”

“Thưa đại úy, đó là chuyện riêng của tôi”.

Ba tôi tử trận năm Mậu Thân trong lúc tử thủ Cổng Hậu, một trong nhiều cổng của Thành Nội Huế.

Năm đó tôi 12, được mẹ dắt trốn qua Cồn Hến, cuộc chạy trốn kéo dài suốt một tháng trời. Giữa thành phố Huế mà mẹ con tôi phải đào khoai, đào mọi thứ củ, mọi thứ rễ cây lên bỏ vào miệng nhai để sống.

Chú Lý, một người lính làm việc với bố tôi, vì không kịp vào trại cũng sống trốn lánh như mẹ con tôi. Chú giúp chúng tôi rất nhiều trong việc kiếm ăn, và việc tìm chỗ trốn Việt Cộng.

Ngày quân đội tái chiếm Huế, chú đưa mẹ con tôi vào Thành Nội tìm bố tôi. Một quân nhân cho biết bố tôi đã tử trận, chú Lý đưa mẹ con tôi sang Quân Y Viện Huế, nhận xác bố đã bỏ vào quan tài vì rữa nát.

Cuối cùng Đại Úy Thọ bảo tôi, “Thê nào chú cũng thuyên chuyển con về ban chỉ huy đại đội làm việc với chú; ba con ngày xưa là đàn anh của chú; ổng thương chú, nâng đỡ chú nhiều lắm”.

“Xin đại úy nghĩ lại, tôi đang thích công việc tôi làm”.

Ông cúi xuống một tờ văn thư trên bàn, để không đối diện với tôi nữa; nghiêm chỉnh tôi gõ 2 gót giầy vào nhau, chào tay, rồi “đằng sau quay”, đi ra.

Lên xe, tôi trở lại nhiệm sở của tôi: Quốc Lộ 1. Tôi đang được tăng phái cho Tiểu Đoàn 5 Nhẩy Dù; họ mới xuống phi trường Phú Bài hôm qua, và hiện đang hành quân tại thôn Trường Phước, khoảng 6 cây số bên trái thiết lộ.

Tôi mới qua khỏi cầu Giáp Hậu thì nghe tiếng hú “đạn đến” của một quả đại bác; lủi mũi xe xuống bờ đường bên phải, tôi vói tay lấy khẩu M16, rồi phóng mình nằm dài bên bờ đường; khẩu súng chỉ là vũ khí tự vệ chống một vài tên du kích làm ăn lẻ dọc theo đường; để chống đại bác địch tôi đã có vũ khí macmeno, (mặc mẹ nó).

Quả đạn rơi bên trái Quốc Lộ – quả ngắn; quả sắp tới sẽ được điều chỉnh vói dài hơn, kinh nghiệm 2 tháng tránh đạn địch dạy tôi như vậy. Nhẩy trở lên xe, tôi rồ máy, chạy băng qua đường, rồi xuống thửa ruộng khô bên trái đường, gài số 2 chạy với tốc độ nhanh nhất tôi có thể chạy trên mặt ruộng lồi lõm – khoảng 15 cây số giờ.

Đang hào hứng chạy đua với tử thần, tôi bỗng đứng tim vì nghe tiếng thét đau đớn dưới gầm xe. Thắng xe lại, tôi nhẩy xuống – lần thứ nhì trong vòng 5 phút ngắn ngủi – để thấy một người đàn bà nằm dưới bánh sau chiếc jeep, miệng xoen xoét chửi rủa, “thằng ngụy con khốn nạn, sao đường cái mày không đi, mà lại lủi xuống ruộng cán chết bà; trước khi chết bà cũng bắn nát đầu mày ra”.

Tiếp theo câu nói, bà bóp cò khẩu AK47 đang cầm trên tay, mũi súng hướng ra đường, vì bà đang trong thế nằm nhìn ra đường quan sát.

Nhắm vào khẩu súng không thực sự tác hại, tôi bắn một viên M16, khẩu AK văng khỏi tay bà; bà tru tréo, giọng cao hơn một cung, “thằng ngụy con, cán bà bị thương chưa vừa lòng mày sao mà mày còn bắn bà”.

Tôi tiến lại gần nạn nhân hơn và bật cười vì người xoen xoét chửi tôi là thằng ngụy con, chỉ là một con bé trẻ hơn tôi đến vài tuổi; tôi bảo nó, “lần sau đi làm tiền sát viên pháo binh, cụ nên nằm xa đường hơn một tí, để tránh bị xe cán”.

Nó nhìn tôi, giọng cáu kỉnh, “tại mày chạy xe xuống ruộng mới xẩy ra tai nạn”.

Lại gần nó hơn, tôi cúi xuống nhặt cái máy truyền tin nó bỏ rơi bên cạnh, rồi bảo nó, “cụ cần tôi gọi đồng chí pháo đội trưởng cho người ra đây khiêng cụ vào rừng không?”.

Nó nhìn tôi, chưng hửng vì không biết là tôi nói đùa; rồi thật thà bảo tôi, “đội không dự trù công tác tản thương tiền sát viên đâu”.

Tôi cúi xuống nắm hai tay nó kéo ra khỏi gầm xe; có thể tôi hơi mạnh tay, làm con bé đau, nó thét lên, “thằng ngụy chó đẻ, chắc bố mày cũng là một thằng ngụy đắc tội với nhân dân nên mày mới tàn nhẫn với tao đến như vậy; rồi đây, nhân dân sẽ phán xử bố con mày”.

Tôi tát cho con bé một cái thật mạnh, khiến đầu nó nghiêng trẹo qua một bên; nó nhìn tôi khiếp sợ, rồi cất giọng ngơ ngác hỏi, “sao mày đánh tao?” Vừa hỏi nó vừa mếu.

“Tại mày chửi bố tao, mày chửi nữa, tao đánh nữa”.

“Tao không chửi nữa”.

Nó sợ ra mặt; con bé dám gọi đại bác sát hại xe di chuyển trên đường, lại còn dám bắn một loạt AK định giết tôi mà lại sợ một cái tát; tôi tự trách mình quá mạnh tay.

“Kéo ống quần lên tao xem mày bị thương chỗ nào,” tôi bảo nó.

“Tôi không kéo, ai lại kéo quần lên cho đàn ông xem.”

“Tao là y tá, nếu mày bị thương, tao băng bó cho mày.”

Đang mếu máo, nó bật cười bảo tôi, “Xạo, anh mà là y tá.”

Con bé thật thà, đang hỗn như gấu, nó quay ra khóc ngay được chỉ vì bị một cái tát, và giờ này bật cười vì tôi bảo nó kéo ống quần lên.

Tôi bảo nó, “mày nằm ngửa ra là thấy trên xe tao chở 2 cái cáng để khiêng người bị thương”.

Con bé quay mình định ngồi dạy, nhưng lại thét lên đau đớn, nằm vật trở xuống; tôi lại xe lấy thùng y cụ cấp cứu.

Lúc tôi trở lại, nó nhăn nhó bảo tôi, “kéo ống quần lên không được. Quần bị ướt quá”.

Tôi hỏi nó, “Chân nào bị xe cán?”.

“Chân trái”.

Tôi lấy kéo cắt ống quần trái của nó ra, và thấy vết bánh xe cán trên đầu gối nó khoảng gần một tấc. Sợ nó gẫy xương, tôi lấy nẹp, nẹp đùi nó lại rồi băng bó kỹ lưỡng.

Bồng nó lên xe, đặt nó lên cáng, tôi cài giây an toàn cho nó; con bé nhìn tôi cặp mắt bớt ác cảm, tôi đặt tay lên đùi nó, rồi bảo nó, “cái lưỡi mày xấu, cặp môi mày hỗn, nhưng cái đùi mày trắng bóc, thon thả, đẹp quá”.

Quay mũi xe trở về Huế; tôi băn khoăn không biết phải đưa nó vào bệnh viện dân y hay giao nó cho phòng nhì Sư Đoàn. Giao nó cho Phòng Nhì thì sau khi được điều trị, nó sẽ trở thành tù binh.

Tôi nghĩ tội nghiệp nó; nó chỉ là Việt Cộng vì bố nó là Việt Cộng, mọi người quanh nó là Việt Cộng, cũng như nó gọi bố tôi là ngụy, gọi tôi là ngụy.

Nó nằm trên cáng, đầu đưa ra phía trước nên đầu nó chỉ cách đầu tôi vài tấc; giọng yếu đuối nó hỏi, “Anh tên gì?”.

“Mày biết để làm gì?”.

Không trả lời tôi, nó cứ nói, “Em tên Tâm, gái Quảng Trị; em biết anh là con trai Huế, nhưng chưa biết anh tên gì”.

“Tao tên Ngụy, mày réo tên tao ra chửi cả buổi rồi, còn hỏi gì nữa”.

“Em xin lỗi anh, em tưởng anh là nguỵ, nhưng bây giờ em biết anh không phải là ngụy”.

Tôi cũng đang nghĩ như nó: Nó không phải là Việt Cộng mặc dù nó gọi pháo giết tôi, nó dùng AK bắn tôi.

Tiểu Đoàn 5 Nhẩy Dù đụng nặng với địch, họ phá vỡ 3 vị trí pháo 130, giết trên 200 địch quân nhưng cũng mất một đại đội trưởng cùng với 44 quân nhân tử thương, và trên 30 anh nữa bị thương.

Tôi tận tuỵ làm bổn phận tản thương và giúp Đại Úy Cảo – y sĩ trưởng tiểu đoàn – một vài dịch vụ về y khoa. Có lần ông bảo tôi, “cũng như anh, tôi hết lòng, hết sức tham dự cuộc chiến tranh mà tôi không thích”.

Một trung uý trung đội trưởng góp chuyện, “thích chiến tranh thì không ai thích cả, chúng ta không chủ trương cuộc chiến tranh này; nhưng tôi hết sức, hết lòng tác chiến.”

Sau 3 tháng chiến dịch, Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù trở về Sài Gòn dưỡng thương, bổ xung quân số, tôi trở về Huế lãnh 3 tháng lương mà tôi không có thì giờ lãnh, vì bận tối mắt với chuyện tản thương, cứu thương.

Tôi dự trù sẽ mời mẹ tôi đi ăn một bữa thật thịnh soạn, tại một nhà hàng thật sang như thỉnh thoảng bố tôi vẫn cho mẹ con tôi đi ăn.

Trên sân cờ tôi gặp Đại Úy Thọ; ôm tôi vào ngực, giọng ông nghẹn lại, “Mới 3 tháng trời mà con đen thui, ốm nhom, chú buồn quá”.

Tôi không thích thái độ che chở của ông, nhưng cũng cảm động vì tình ông thương tôi. Ông bảo tôi, “Thiếu tướng tư lệnh sư đoàn cho con 15 ngày phép; lãnh lương rồi, ghé văn phòng chú lấy giấy phép.”

Tờ giấy phép và trên 50 ngàn tiền 3 tháng lương tạo hứng khởi cho tôi; ra khỏi cổng trại, tôi leo ngay lên một chiếc xe ôm, ‘bay’ về nhà. Tôi thầm tính sẽ không gõ cửa, mà đi luồn cổng sau vào nhà để tạo ngạc nhiên cho mẹ tôi.

Cổng sau gài bằng một cái chốt, và chỉ cần cao như tôi là có thể vói tay mở chốt vào sân sau.

Tôi vào sân sau, vào bếp, rồi chưng hửng đứng đối diện với một người đàn bà lạ; bà cũng chưng hửng khoảng 10 giây, rồi phóng lại ôm cứng lấy tôi, mếu máo, “Anh Tuấn, sao bữa nay anh mới về?”

Tôi chưa kịp trả lời, nàng đã quay ra gọi, “mạ ơi, anh Tuấn về nè.”

Người đẹp là Tâm, nàng đẹp thật trong trang phục thông thường – một bộ “đồ bộ” của phụ nữ Việt Nam, đẹp đến mức tôi không nhận ra; mẹ tôi từ nhà trên xuống bếp, đè đầu tôi xuống hôn xối xả, rồi chửi, “mẹ mày, đi đâu mà đi mất hút, không cho mẹ biết lấy một tiếng”.

Chúng tôi líu tíu mừng, nói huyên thuyên đủ thứ chuyện, nhưng tôi vẫn chưa hỏi được một câu quan hệ nhất là tại sao Tâm lại sống trong nhà tôi.

Mẹ tôi chỉ bảo tôi, “có được con dâu như con Tâm, là mẹ mừng lắm, nó hiếu thảo, thương mẹ, lại tháo vác bầy ra việc làm bánh bỏ nhà hàng, khiến 2 mẹ con bận bịu tối ngày, mà cũng có đồng ra đồng vào, đủ sống”.

Tôi hỏi, “Tâm là dâu của mẹ?”

“Nó là vợ con thì là dâu của mẹ chứ còn là gì nữa?” mẹ tôi hỏi lại.

Tâm là vợ tôi? Tôi nhìn Tâm, nàng chỉ cười. Tối hôm đó nàng hỏi tôi, “Ai khen đùi em trắng quá, đẹp quá?”

“Anh”.

“Sao không xưng tao nữa đi?”.

Đêm hôm đó chúng tôi gần nhau, khi tôi tỏ ý mừng vui trước những dấu vết tiết trinh của nàng, Tâm tặng tôi một bạt tai về tội dám nghi ngờ nàng.

“Gái Quảng Trị, yêu thương chung thủy,” nàng nghiêm giọng bảo tôi.

Tôi tát Tâm vì nàng nhục mạ bố tôi, Tâm tát tôi vì tôi nghi ngờ tiết trinh của nàng.

Giờ này sống tại Houston, thành phố lớn thứ tư của Hoa Kỳ, tôi không biết có anh chồng nào đêm tân hôn còn bị vợ tát vì kinh ngạc trước tình trạng trinh nguyên của vợ hay không?

Cái tát của cô “gái Quảng Trị, yêu thương chung thủy” đã khiến tôi tôn thờ hình bóng con bé “hỗn như quỷ” suốt 42 năm trời.

Tôi trở lại đại học nhưng chỉ học làm y tá, để có đồng lương, sống chờ Tâm.

Ngày mất Huế, tôi đưa mẹ và vợ xuống một chiếc xà lan để ra tầu di tản vào Nam; một quả pháo 130 bắn vỡ toang chiếc xà lan chở khoảng 200 người di dân. Trong hoảng loạn, tôi và một vài người được vớt lên.

42 năm là bao nhiêu đêm tôi ngồi một mình, nhâm nhi li rượu chờ tiếng chuông cửa? Nhưng con bé đen thui, dữ như quỷ, vẫn không đến.

Nó không đến, nhưng tôi vẫn bồng nó lên xe, đặt nó lên cáng, cài giây an toàn cho nó; con bé nhìn tôi, tôi đặt tay lên đùi nó, rồi bảo nó, “cái lưỡi mày xấu, cặp môi mày hỗn, nhưng cái đùi mày trắng bóc, thon thả, đẹp quá.”

Tôi còn sống? Trong lúc Tâm, một nạn nhân của cuộc chiến tranh nó không gây ra, tôi cũng không gây ra, lại chết vì một quả pháo 130 không do nó hướng dẫn. Mẹ tôi cũng chết.

 

Bố chết, mẹ chết, vợ chết, tôi còn ai, và còn cần gì đến ai nữa trên cõi đời này?

Tôi bàng hoàng trước những mất mát toàn bộ, những tàn phá khiếp đảm của cuộc chiến tranh tưởng như đã chấm dứt từ 42 năm trước.

 

Nguyễn Đạt Thịnh

Người chuyển bài – HHM - USA


 

 

No comments: