Tuesday, April 5, 2022

Quanh Mình - Võ Phiến

 

QUANH MÌNH



 

Nàng giặt mấy món đồ. Hai con vịt xiêm loanh quanh bên cạnh, tìm bắt những con bọ màu đen, nhỏ bằng hạt cải, sinh sôi rất nhiều ở những chỗ đất ướt.

Hai con vịt nhỏ bằng hai cái hột xoài, mình cũng dẹp như hột xoài. Chúng lại ưa nằm bẹp xuống đất, vừa nằm vừa ăn: từ xa chạy tới nơi, rồi nằm xuống, mổ lia mổ lịa. Trông chúng lăng xăng, láu táu.

Sống lưng và chóp đầu màu đen, còn lại là vàng. Ở khoảng đen trên sống lưng có bốn chấm vàng, tròn. Hai bên đuôi mắt lại có hai vệt đen kéo dài ra đến tận sau cổ: hai vệt ấy như hai nét vẽ nghịch ngợm làm cho con vịt trông buồn cười, lố bịch.

Lộc được một người đàn bà trong xóm cho hai con vịt từ năm hôm trước. Bà ta mua sáu con, đem về nuôi, một đêm chuột cắn chết ba con, đêm sau lại cắn thêm con nữa. Nàng đến chơi nhà bà ta sáng hôm ấy, đúng lúc bà tìm thấy xác con vịt thứ tư. Người đàn bà nóng tính xách chân con vịt chết giơ lên cao la lối om sòm, rồi tức mình cho nàng luôn hai con vịt còn lại.

Lộc chưa bao giờ nuôi vịt xiêm, không biết tính chúng, nên ngạc nhiên thấy chúng mau quyến luyến mình quá sức: nàng giặt đồ, chúng theo ra giếng, nhưng lát sau nàng vào nhà, chúng sẽ bỏ ăn lúc thúc chạy vào, quanh quẩn và phóng uế đầy bếp. Mới nuôi có mấy hôm, chúng đã mến nàng, không chịu rời.

Người con gái lấy tay lật một mảnh gạch bể: đám bọ rúc dưới gạch hoảng hốt nhảy lung tung, vịt mừng rỡ đuổi bắt. Nàng trông theo vịt, và khi lũ bọ đã tẩu tán hết, nàng ngước mắt lên thì bắt gặp ngay Tín đang rình mình.

Tín đứng ngoài rào nhìn vào. Không biết chàng đã đứng đó từ lúc nào. Bị bắt gặp, Tín cười xòa, cười thật lớn. Người con gái đã bối rối, may nhờ tiếng cười ấy nên lấy lại được bình tĩnh.

Tín bảo “nhân đi ngang qua… tình cờ trông thấy…sẵn dịp v.v…” Chàng giải thích đại khái, qua quít. Rồi chàng ném qua rào cho nàng một quả cam lớn. Lộc đón bắt, quả cam đã rơi đúng vào tay, nhưng vì nàng không giữ kịp nó lại lăn xuống chậu nước. Tín cười lớn lần nữa, rồi vẫy chào, đi luôn.

Vợ Tín đẹp lắm, Lộc không dám tự so sánh. Thiếu phụ ấy vừa đẹp vừa sang trọng, lại khôn ngoan và có trình độ học vấn cao hơn Lộc nhiều. Vả lại trong gia đình đó, người chính là bạn của nàng là chị ấy chứ không phải là anh Tín.

Hồi nàng còn ở Plei-Piom, có một độ Tín thường lui tới địa điểm dinh điền để theo dõi việc khoan mấy cái giếng nước. Tín là kỹ sư học ở Mỹ vừa về được vài năm, dáng dấp nhanh nhẹn, trẻ trung; người ta có cảm tưởng chàng chưa vợ con gì. Một hôm, chàng trông thấy Lộc ở văn phòng địa điểm trưởng, vô ý để lộ một vẻ ngạc nhiên sững sờ. Người con gái đỏ mặt. Tín vội vàng nói chữa thẹn:

–Các cô tài thật. Ðến đây mà vẫn giữ đầu tóc uốn: mỗi bận làm tóc phải đi hàng trăm cây số. Khiếp.

Người chung quanh cùng cười với chàng. Và sự việc không hề đi xa hơn những câu chuyện trao đổi lớt phớt. Sáu tháng sau, khi gặp người vợ xinh đẹp của Tín, người con gái chợt đau nhói trong lòng, nhưng nàng tự dưng muốn làm quen cho kỳ được. Vợ Tín là một người vui vẻ, không bao lâu hai bên chị chị em em với nhau thân mật. Mối quan hệ giao du với gia đình người kỹ sư ấy thật lành mạnh. Vả lại họ không có dịp ở gần nhau lâu: trong những năm qua hai bên đã nhiều lần thuyên chuyển, mỗi bên mỗi nơi tháng, khi Lộc đến Bảo Lộc thì gặp gia đình Tín đã ở đấy từ ba tháng trước. Vợ Tín mở một quán cà-phê, nhạc hay, trang hoàng khéo, thu hút được giới trẻ đông đảo. Chị đề nghị với Lộc:

–Em rảnh không? Tối tối em đến giúp chị một lát đi. Ðược không?

Nàng chưa kịp trả lời, chị đã mau mắn phân trần:

–Cả ngày chị ngồi hoài ê ẩm cả người, mà không giao được công việc cho ai. Ờ, ngồi két ấy mà. Em làm việc ở sở ban ngày, chứ ban đêm… Quán chị không mở cửa khuya đâu.

Sự thực chị Tín đâu có cần thuyết phục? “Giúp” chị, Lộc quá sẵn sàng. Nàng mơ hồ lo lắng về cái tâm lý sẵn sàng của mình: chính vì vậy mà nàng chùng chình, ngại ngùng, không dám mở miệng nhận lời ngay.

Tới lui nhà Tín để làm gì? Nàng cần gì, mong đợi gì ở Tín? Nàng không biết, không có ý định nào rõ rệt cả. Tuy nhiên, một cảm tình mơ hồ, khuây khỏa, nhạt nhòa, từ nhiều năm tháng, vẫn hướng nàng về phía gia đình ấy. Làm sao nàng không nhận lời đến “giúp” chị Tín được?

Quán cà-phê ấy, ban ngày với “bà kỹ sư” ngồi két, ban đêm với Lộc, càng thu hút nhiều khách, mà một thiếu phụ một thiếu nữ, cả hai đều kín đáo đoan trang. Chính cái vẻ hững hờ, thản nhiên của họ làm họ càng xa cách và càng có sức hấp dẫn.

Ðêm đêm đến quán cà-phê của Tín, thực ra Lộc không có mấy dịp gặp chàng. Nàng gặp chàng ở sở này sở nọ hay ngoài phố nhiều hơn. Tuy vậy, cái việc ngồi két ở quán của chàng khiến Lộc có cảm tưởng gần với chàng hơn. “Gần” một cách hết sức mơ hồ.

Vào tuần lễ cuối cùng trước nghỉ Tết năm vừa qua, một buổi chiều, sau giờ làm việc, Tín đến sở của nàng trong lúc nàng sắp mãn phiên trực. Sở không còn ai, nàng thờ thẫn ra sân rồi đi lần ra đứng bên cánh cổng sắt, chờ người nhân viên trực đêm đến thay thế.

Ðúng vào lúc ấy, Tín đến. Chàng hỏi:

–Giờ này cô còn ở sở?

–Em trực, sắp về.

–Ông cụ có trong ấy chứ?

Nàng lắc đầu:

–Ðâu có. Ông ấy về từ bốn giờ rưỡi.

“Ông cụ” là trưởng ty của nàng. Tín tới tìm ông ta tại nhà, không gặp, tưởng ông ta còn bận việc ở sở. Sau câu trả lời của Lộc, hai người không thấy có gì để nói về vấn đề “ông cụ” nữa. Và cái phút lặng yên, kẻ phía trong người phía ngoài cánh cổng một tòa nhà vắng vẻ làm cho họ bất ngờ lúng túng.

Hồi sau Tín hỏi:

–Ngày mốt cô về Sài Gòn?

–Có lẽ em ở lại thêm một hôm nữa.

–Mùng mấy lại lên?

–Có lẽ đến mồng mười.

–“Có lẽ” hoài. Không cái gì nhất định hết.

Giọng hai người bất giác thấp xuống. Tiếng cười cùng hạ thấp. Lộc đang nắm mấy cái kẹo trong tay, đưa ra mời. Nàng lặng lẽ mở bàn tay, không nói gì. Tín đưa tay nhón lấy một cái. Hình như chàng toan làm một cử chỉ gì hay nói một câu gì đó thì có tiếng dép ở xa xa.

Không cần quay lại, Lộc đã biết đó là vợ người lao công. Nàng rút tay về, xô rộng cánh cổng, nói lớn:
–Mời anh vào. Chờ một tí, không chừng ông cụ lại đến.

–Thôi khỏi cô. Tôi sẽ lại đằng nhà đúng vào giờ ăn tối, thế nào cũng bắt được.

Sáng hôm sau thật sớm, Lộc đang giặt giũ ở giếng nhà trọ thì Tín “nhân đi ngang qua” gọi chào nàng, và ném vào cho nàng một trái quít, bảo vừa hái ở đồn điền ông Tâm về. Rồi một hôm khác nữa…

Những chuyện như thế, tự nó cũng chưa có hẳn một ý nghĩa gì, một hứa hẹn gì rõ rệt. Nhưng thỉnh thoảng Lộc chợt nghĩ đến, nhớ lại một vài chi tiết, và nàng nhận thấy nó có một sức “ngấm” đáng sợ. Nó ngấm dần, ngấm dần.

Cuối cùng Lộc nghĩ: nên về ở hẳn với mẹ nàng, ở Thủ Ðức. Mẹ nàng nhắn đã nhiều lần. Lương bổng chẳng bao nhiêu, trước đây đã có lúc nàng muốn xin nghỉ việc về ở với mẹ. Lần này thì không nên dần dà nữa. Về đi thì hơn.

Một mặt nàng đã chán cuộc sống lênh đênh, lẻ loi, đầy bất trắc. Mặt khác nàng về với mẹ, việc ấy có nghĩa như một sự tha thứ, sẽ đem lại cảm tưởng yên ổn để mẹ nàng vui sống trong tuổi già.

Tha thứ tội lỗi gì? Lộc cũng không rõ lắm. Cái biến cố kinh khủng ấy trong quá khứ của mẹ nàng, nàng chưa gặp một người nào chịu trình bày đầy đủ cặn kẽ cho nàng biết. Những người thân thì vì cảm tình đối với mẹ nàng mà không nỡ nói đến chuyện ấy, nhất là nói với đứa con gái của bà. Nhưng cũng có lẽ là thực ra chẳng mấy ai hiểu biết tường tận câu chuyện xảy ra làm sao.

Mẹ nàng mà lấy một lượt hai người chồng? Không tưởng tượng được. Bà đâu phải con người lẳng lơ. Từ ngày khôn lớn tới giờ Lộc càng ngày càng ngạc nhiên về mẹ mình. Nàng đâu có ngây ngô gì? Nàng biết phán đoán chứ, nàng đi đây đi đó nhiều, giao thiệp nhiều hạng người, nàng biết nhận xét chứ: mẹ nàng không những không phải một người đàn bà lẳng lơ, bà lại còn quá bảo thủ, cố chấp. Mẹ nàng cũng kín đáo như nàng, ngoài ra bà lại là con người nề nếp thuộc lớp trước.

Người đàn bà như thế lấy hai chồng cách nào? đã ăn ở, chung sống một lượt với hai người đàn ông nọ ra sao? Trời ơi, mẹ nàng! Không tưởng tượng được.

Mà chính bà mẹ của Lộc, chính bà, bây giờ có lẽ cũng không nhớ, không nghĩ ra thái độ của mình hồi đó. Biến cố nọ như một chuyện dị thường, từ đâu xảy đến, rồi mất đi, không cắt nghĩa nổi. Trong số những người ngạc nhiên có cả chính bà.

Ðại khái những điều Lộc được biết là sau khi cha mẹ nàng sống với nhau êm đềm được ba năm, nàng đã được một tuổi rưỡi, thì trong số bạn bè của cha nàng có một kẻ bỗng tới lui thân mật. Hình như là một người làm thầu khoán gì đó. Người ấy đau một trận thập tử nhất sinh tại nhà gia đình nàng, mẹ nàng săn sóc. Lành bệnh, người đàn ông nhất định không đi đâu nữa: Chết sống chỉ biết có một người đàn bà là mẹ nàng, ông ta nói vậy. Nói thành khẩn, chí tình.

Tất cả gia đình, họ hàng, xóm giềng v.v… đều lấy làm một sự kinh hoàng. Nhưng còn biết làm gì được nữa?

Cuộc sống của bộ ba kéo dài ba năm. Có nhiều sóng gió dữ dội xảy ra trong thời gian ấy, đưa tới hai kết quả: thứ nhất, Lộc được bà nội đem về nuôi, không cho ở chung với mẹ (từ đó nàng sẽ lênh đênh từ nhà nội đến nhà bà cô này bà dì kia cho tới lớn); thứ nhì, cha nàng bỏ nhà đi biệt tích.

Nghe nói ông đi vào dịp mẹ nàng hạ sinh một đứa con trai. Con của ai? Mẹ nàng không trả lời được cái thắc mắc ấy. Cha nàng và cả người đàn ông kia, cả hai không thể không băn khoăn. Rồi lồng lộn lên. Cho nên một người phải ra đi.

Còn người chồng sau của mẹ nàng thì ông ta không thể đi đâu, không thể rời được mẹ nàng. “Sống chết” với mẹ nàng, “ông Trời bắt tôi…”, ông ta phân trần với mọi người như thế. Ðó là một người đam mê liều lĩnh đến bất thường. Mẹ nàng vốn điềm đạm bình tĩnh như vậy mà rồi cũng lao vào cuộc tình này, ấy có lẽ là do sức lôi cuốn khốc hại của người đàn ông nọ. Sức đam mê của ông ta lôi cuốn như cuồng phong, như lốc bão. Mẹ nàng bấy giờ còn trẻ, không đủ sức tự chủ, lại vì tính tình chậm chạp cho nên bà đã bị hút vào trận lốc mà vẫn chưa kịp hiểu tình thế.

Ðứa em trai duy nhất của nàng sinh ra chẳng bao lâu rồi mất. Mà người chồng sau của mẹ nàng cũng chết trong một tai nạn lao động: ông ta bị ngã từ trên trần nhà xuống, đập đầu vào một đống gạch, ngắc ngoải năm tuần lễ, rồi đi luôn.

Sau khi chôn cất người đàn ông ấy, mẹ nàng như tỉnh một giấc mơ. Bà bước ra khỏi một thời kỳ cuồng loạn, và như thể không bao giờ dám ngoảnh mặt ngó lại. Không ai nghe mẹ nàng nhắc một lời nào tới quá khứ. Mẹ nàng dứt khoát: bà không có quá khứ nữa.

Cái việc mẹ nàng trôi giạt vào tận Thủ Ðức, lập nghiệp ở đây, một phần là do sự run rủi của công việc làm ăn, nhưng một phần khác chắc chắn cũng là do ý bà muốn rời xa quê hương, thân thuộc. Trong nhà, Lộc đã để ý tìm kiếm mà không hề thấy một vết tích gì của đời vợ chồng hay tình ái của mẹ nàng xưa kia: không một món đồ nào của đàn ông còn sót lại, không một tấm hình của người nào trong hai người.

Mẹ nàng mất hẳn quá khứ, tưởng như cũng không còn tình cảm nữa. Từ ngày khôn lớn, Lộc tuyệt nhiên không biết đến một mối tình nào của mẹ. Thậm chí nàng cũng không hề có lúc nào bắt gặp ở mẹ nàng một lời nói, một cử chỉ, một ánh mắt biểu lộ sự xúc động đối với nam phái. Bà như tắt ngấm đi. Nguội lạnh, uể oải.

Càng lớn Lộc càng thương mẹ. Những bất trắc tình cảm ở đời, ai cho khỏi? Chẳng qua là tai họa, có gì đáng trách đâu. Bấy lâu nàng không về ở được với mẹ không phải là vì thành kiến gì đối với chuyện cũ của bà, thực ra chỉ vì tính nàng dùng dằng bất quyết. Bây giờ nàng về, chắc bà mừng lắm.

Nàng về chứ. Lúc này nàng đang cần một chỗ để về, để trốn nấp. Nàng đang bối rối vì sự đe dọa của một thứ tình cảm không lành.

Hôm qua, hai con vịt đã biểu diễn một màn thân ái làm nàng ngạc nhiên. Nàng ngồi lặt mớ rau muống ngoài sân, chúng chạy loanh quanh, vung vung cái đuôi, rồi nằm bẹp xuống bên cạnh. Một lát, nàng bưng rổ rau đã lặt xong vào bếp. Nàng vừa ngồi xuống trước cái hỏa lò, nghe có tiếng líu ríu sau lưng, quay lại thì đã thấy đủ hai con vịt xiêm con. Chúng nằm bẹp từ lúc nào sát chân nàng, nghểnh cao cổ, mở những con mắt đen lay láy, vung vung cái đuôi… Buồn cười, chúng bám theo nàng như trẻ con theo mẹ. Trông ngây ngô, tội nghiệp.

Vài ngày nữa Lộc về với mẹ, và sẽ bỏ lại hai con vịt xiêm con với sự quyến luyến của chúng. Nàng đã bỏ sau lưng những “tình cảm” quấn quít như thế ở nhiều nơi. Một con chó quắn ở Gia Nghĩa mỗi lần trông thấy nàng bế một đứa bé trên tay hay ôm một con gà ra vẻ tưng tiu là nó khốn khổ chạy quýnh lên, rên ư ử. Nó ganh tị. Nàng đi đâu vắng vài ngày, lúc về tới nhà, nó lăng quăng, sủa ăng ẳng, mừng vãi cả nước tiểu ra, lúc được bồng lên nó ngậm lấy tay nàng giữ trong miệng thật lâu.

Còn những con mèo của các nhà trọ ở đây đó chúng đều tinh khôn và mến nàng kín đáo. Có con ngày đêm quanh quẩn bên gối giường nàng, nó quen hơi hướng của nàng và nàng quen nó. Có con mỗi bữa ăn lặng lẽ nép bên mình nàng, và thỉnh thoảng lấy chân trước khều thật nhẹ để nhắc nhở, để xin món ăn. Nó khều nàng mà như biết tránh sự chú ý của mọi người khác.

Hồi ở trên Pleiku, công việc bàn giấy tại địa điểm dinh điền chẳng có bao nhiêu; nàng vẫn lãnh phần đi chợ hàng ngày cho mấy anh chị em cán bộ ở chung với nhau. Lần nào đi chợ Lộc cũng xin một ít đầu tôm đuôi cá đem về cho mấy con gà. Gà ăn quen, riết rồi mỗi lần nàng đi chợ về, nghe tiếng nói hay tiếng chân của nàng từ ngoài sân hay trước ngõ, chúng nó đã mừng rỡ rối rít, đập cánh, nhảy nhót, la lên quang quác trong chuồng. Người đàn bà ở căn nhà sát vách bật cười, kêu: “Má về, tụi bay ơi. Má về rồi đó”. Ít khi lũ gà lầm lẫn: chúng phân biệt tiếng chân và bóng dáng của nàng từ xa thật đúng.

Những thứ tình cảm như vậy đều có đi có lại. Ðối với những con gà, con vịt, con chó, con mèo ấy Lộc cũng có một thái độ âu yếm theo cách riêng. Nàng có cảm tưởng mình sống ở đâu xung quanh cũng có một bầu không khí tình cảm ấm áp bao bọc. “Bao bọc những người con gái muộn chồng”, có lúc nàng chua chát.

Lần này tại sở của nàng làm, vợ chồng người lao công có một đứa con trai vào khoảng tám, chín tuổi gì đó. Gia đình người lao công ở một căn nhà phụ ngay trong sở, cho nên nàng vẫn trông thấy đứa bé hàng ngày. Hai tháng gần đây, Lộc nhiều lần bắt gặp nó hoặc quanh quẩn bên chiếc xe gắn máy của nàng, hoặc đứng từ xa nhìn nàng làm việc, hoặc lảng vảng đón đợi nàng lúc đi lúc về.

Cái rung động mông lung, ngây thơ trong lòng một đứa trẻ ấy, có mấy người khác trong sở cùng để ý. “Nó yêu đấy”. Nàng cười: “Nếu tôi có chồng sớm con tôi cũng bằng nó.”

Nàng nói để đuổi câu chuyện đi. Nhưng thực sự, nàng không thể xua đuổi được khỏi tâm trí “mối tình” nọ. Quanh nàng bầu không khí tình cảm bao bọc càng ấm càng nồng.

Lộc lúc nào cũng được yêu mến. Nhưng yêu mến vậy vậy thôi, chẳng đi tới đâu, mà tuổi trẻ của nàng thì… tuổi trẻ bất cứ của ai cũng thế, nó không chịu chờ đợi. Chờ đợi mỏi mòn trong những tình yêu gà yêu vịt.

Lộc không ở hẳn với cha, không ở với mẹ. Từ bao nhiêu lâu nàng không có hẳn một quê hương, dù là quê cha hay quê mẹ. Dần dần, lớn lên, nàng thấy mình sắp mất đi một thứ quê hương nữa: là tuổi trẻ. Xa tuổi trẻ nàng mất tự tín, nàng bơ vơ, hoang mang.

Tự nhiên Lộc thấy mình cần về ở với mẹ, về hẳn.

Khi cha nàng bỏ nhà ra đi, ông bặt tin luôn bốn năm. Rồi vẫn không thư từ tin tức gì, một hôm thình lình ông về thăm nhà thì bấy giờ ông đã thành một quân nhân rồi. Cũng như nhiều người khác từ ngoài Trung ra đi, ông cũng vào trong Nam tìm sinh kế, nhưng không hiểu làm sao ông lại vào lính. Bây giờ cha Lộc là một đại úy ở dưới Cần Thơ.

Hình như mẹ nàng có biết về những điều đó: cha nàng lấy vợ ở Vĩnh Long, có thêm hai con trai ba con gái, cha nàng thỉnh thoảng về thăm nhà ngoài Trung, vẫn gặp Lộc, cha con vẫn liên lạc với nhau, lâu lâu cha nàng gửi cho nàng một món tiền, một món quà v.v… Mẹ nàng không biết gì rõ rệt lắm, bà cũng không trực tiếp hỏi nàng lần nào. Tuy nhiên mỗi khi có cái áo dài, cái ví của cha nàng mới cho, Lộc vẫn khéo léo cho mẹ biết.

Thái độ của người đàn ông làm cho nàng ngạc nhiên. Cha nàng không giấu được sự thù hận. Thật lạ lùng: Ông không phải không biết đại khái mẹ nàng bây giờ sống ra sao, nhưng càng ngày ông càng thâm thù. Sau cuộc đổ vỡ, giữa hai người ông được nhiều “thành công” hơn chứ, ông vẫn lập lại một gia đình, ông đang sống sum vầy. Còn người đàn bà thì cuộc đời tan hoang rồi, còn gì đâu. Vậy mà ông không tha thứ được. Ông vẫn như còn ngượng ngùng, dằn dỗi: không bao giờ về quê mà ông chịu đem theo người vợ sau hay những đứa con của người vợ sau. Lộc chưa gặp bà dì Vĩnh Long và mấy đứa em. Bà nội nàng thì có một lần vào Cần Thơ nửa tháng, nhưng Lộc và bao nhiêu người khác ở phía nội đều chưa được ghé mắt nhòm vào cuộc đời sau của cha nàng.

Quả là khi cần về, nàng chỉ có thể về ở với mẹ mà thôi, dù bà có ra sao đi nữa.

Phơi xong các món đồ vừa giặt lên dây, Lộc xách cái thau nhựa và nhặt trái cam lên. Nàng vừa bước vào nhà vừa nghĩ: “Anh ấy mà biết những trái cam trái quít này tống xuất mình ra khỏi Bảo Lộc?”

Người con gái nghĩ đến những giây phút xúc động, những cái nhìn những câu nói trao đổi với Tín… Nàng nghĩ đến những cái nhìn những câu nói đêm đêm trong quán cà-phê của những người con trai, trong số đó có mấy khuôn mặt mà chắc chắn nàng sẽ không quên được, dù không quen biết… Trong cái quán cà-phê mà nàng sẽ rời bỏ mãi mãi.

Nàng nghĩ… quanh nàng không phải chỉ có những cặp mắt đen láy của vịt xiêm con, của thằng bé nhà bác lao công, không phải chỉ có tình gà tình vịt. Quanh nàng không phải chỉ là một bầu không khí ấm áp, mà có cả một bầu không khí chất chứa những luồng điện nguy hiểm, luôn luôn sẵn sàng phát nổ vì một tia lửa, một bầu không khí đầy bất trắc…

Nàng mà ngại sự bất trắc? Vâng, chán cảnh lênh đênh thì có, chứ còn đối với sự bất trắc…

… Một người con gái chỉ thực sự “sống” trong sự bất trắc. Ðến lúc quyết định về với mẹ, với cảnh an toàn, Lộc mới cảm thấy mình đang thu xếp cho một cái gì như là một cảnh hạ màn. Thu xếp rời bỏ cuộc sống thực sự. Không còn đe dọa bất trắc nào nữa, đời nàng còn gì sống động? Ðối với một người con gái, như vậy có còn là sống nữa chăng?

Những ánh mắt lén lút, những câu nói lập lờ…: tới phút chót người con gái đoan trang bỗng thấy mình vẫn yêu thích sự bất trắc.

Khi bất trắc bùng nổ như bom trong đời mẹ nàng thì suốt một đời bà không lấy lại được thăng bằng. Trái lại ở một cuộc sống như của nàng thì nàng gần như không ngớt chờ đợi sự bất trắc, những bất trắc làm run rẩy cuộc sống. Chờ đợi âm thầm, vô ý thức, nhưng mà thiết tha, như thể mong mỏi cái ý nghĩa của cả cuộc đời, ít ra là ý nghĩa của tuổi xuân mình vậy. – Ô hay!

Võ Phiến
(1974)

Từ trang QGHCUC

No comments: