Saturday, April 30, 2022

Hồi Tưởng Tháng Tư - Trần Lâm Phát, Hương Lệ Oanh, Nguyễn Cang & Mỹ Ngọc

HỒI TƯỞNG THÁNG TƯ: THƠ TRẦN LÂM PHÁT, HƯƠNG LỆ OANH, NGUYỄN CANG, MỸ NGỌC

              

EM DU KÍCH ĐẤT ĐỎ
















Đất Đỏ* trong một chiều anh  bước vội

Trên đường về nơi quán trọ nhà bên

Nào ai ngờ sóng gió chợt nổi lên

Em du kích bắt anh vào lòng chợ

Với AK em trừng trừng ánh mắt

Thốt nặng lời và đòi giết chết anh

Em bảo rằng anh vi phạm thông hành 

Ra ngoài phố vào anh giờ bị cấm

 

Phút phút giây giây em gầm khẩu súng

Chỉa vào anh và xỉ vả không ngừng

Em nhìn anh như ngọn lửa đang bừng

Để thiêu rịu căm hờn em sẵn có

Em bắt anh đứng như pho tượng gỗ

Mặt xanh rờn và nước đổ từng cơn 

Tủi cho mình với thân phận cô đơn

 

Hung tin đó truyền nhanh nơi Đất đỏ

Người quanh làng lũ lượt kéo nhau lên

Mở lời xin cho anh được tha về

Em du kích vẫn một lòng lạnh giá

Không xiêu lòng để anh được buông tha

 

Anh: con tàu trong bão tố phong ba

Và thương cảm thân mình như Đất đỏ

Ngôi trường xưa dập vùi trong lửa khói

Mà tay anh đã góp sức dựng lên

Nay đành vùi thân xác lạnh buồn tênh

 

Ba mươi năm sau nhớ về Đất đỏ

Anh bồi hồi nhớ rỏ chuyện năm xưa

Vẫn một lòng thương hại bé ngây thơ

Vì không được đến trường nơi anh dạy

Nên mới có những nghĩ suy man dại

Và điên rồ đã tính hại thân anh

Em bé ơi! đời em có yên lành?

 

Trần Lâm Phát

Virginia tháng 10 năm 2009

Đất Đỏ*: Trước 75, Đất Đỏ là một quận thuộc tỉnh Phước Tuy. Sau năm 1975, chính quyền sáp nhập quận Đất Đỏquận Long Điền thành huyện Long Đất, ...

 

CẢM XÚC KHI ĐỌC THƠ TRẦN LÂM PHÁT

(Hương Lệ Oanh)

 

NỖI NIỀM CỦA THẦY GIÁO TLP MỘT CHIỀU SAU GIỜ DẠY TRÊN ĐƯỜNG VỀ NƠI NGHĨ TRỌ NHỮNG NGÀY SAU 30/4/75 ANH GẶP NẠN!



Đọc bài thơ “EM DU KÍCH ĐẤT ĐỎ” của Trần Lâm Phát lòng tôi bồi hồi xúc động nhớ lại chuyện năm xưa!

 Giờ đây là quá khứ nhưng nỗi đau chưa nguôi dứt từ những tháng ngày chiến tranh dai dẳng tàn khốc trên quê hương!
Những cảnh tượng xảy ra mồn một trong lòng người dân miền Nam Việt Nam thời bấy giờ đến nay ngót gần nửa thế kỷ!
Bài thơ đơn sơ mộc mạc đã nói lên tấm lòng của người thầy giáo với lòng vị tha thương hại cậu bé du kích ngây thơ không được đến trường nơi anh dạy nên có những nghĩ suy man dại định giết anh.
Anh phân vân suy nghĩ sau nầy đời bé có được an lành không?

Trong lúc thập tử nhất sanh anh trơ trọi cô đơn giữa đôi bờ sinh tử.
Tôi chạnh lòng cảm xúc nước mắt rơi tự lúc nào. . . ! 

Thương quê hương và ông thầy giáo trường Đất Đỏ Phước Tuy với lòng bao dung anh vẫn xem em là em dại không được đến trường. . . Và mơ ước giáo dục tuổi thơ. . . Trong thơ tác giả vẫn gọi tên du kích bằng "em" và xưng "anh" như cách gọi đứa em trong gia đình hay đứa học trò nhỏ trong lớp vậy. Điều nầy có thể làm khó chịu đối với người khó tính, nhưng tôi thông cảm cho tác giả vì anh là một nhà giáo trước 75, đã thấm nhuần đường lối  giáo dục thời bấy giờ là :nhân bản, dân tộc, khai phóng.

Đọc thơ mà lòng tôi tuôn bừng lửa giận, nếu  có mặt hôm ấy, với tính khí của tôi, chắc chắn là tôi sẽ giăng 2 tay lấy thân làm tấm bình phong che thân xác thầy để chia xẻ lúc cận kề cái chết của người thầy, của dân tộc tôi . Nguồn cảm xúc muộn màng mong thầy quên đi ác mộng! 
Tôi xin Cảm tác bài họa qua thể thơ thất ngôn trường thiên dựa theo bài thơ EM DU KÍCH ĐẤT ĐỎ của tác giả TLP, cựu giáo sư Trung Học Đất Đỏ, là câu chuyện có thật xảy ra cho anh ấy cách  nay 47 năm về trước! HLO


Bài họa:
                

DU KÍCH ĐẤT ĐỎ 


Đất Đỏ chiều về anh bước vội,

Lối qua nhà trọ cạnh đường đi,

Bắt anh em dẫn vào lồng chợ

Trước tử thần hàng vạn hiểm nguy

*

Súng AK chỉa thẳng người anh

Tia mắt trừng trừng liếc thật nhanh 

Như muốn giết anh ngay lập tức 

Cho rằng anh phạm luật thông hành
*
Mạt sát anh như kẻ tội đồ
Súng gườm muốn giết thỏa căm thù
Buộc anh đứng lặng như pho tượng
Hồn phách tiêu tan nước rỉ dò!*
*
Tin dữ truyền nhanh vùng Đất Đỏ
Dân trong làng kéo đến xin tha 
Em du kích trái tim băng giá
Thừa thắng xông lên lý tưởng tà
*
Vận nước thân anh như ngọn sóng
Bập bềnh đưa đẩy đến trời xa
Bao nhiêu bão tố ngôi trường cũ
Đốt cháy ra tro chẳng chịu tha
*
Nơi đất lạ thương về chốn cũ
Bùi ngùi nhớ lại chuyện ngày xưa 
Em du kích nghĩ suy man dại

Anh ước rằng dìu dắt tuổi thơ
*
Em bé ơi sao em máu lạnh
Hại anh muốn giết chết thân anh
Em cuồng điên dại vì ai thế?

Không biết đời em có được lành???


huongleoanh va

* rỉ dò: ý nói tè trong quần

 

Dưới đây là bài họa ý của Nguyễn Cang, đóng vai TLP, chia sẻ nỗi sợ hãi của tác giả.

 

Họa ý:

 

TÊN DU KÍCH XÃ

 

Tan học, chiều về, tôi bước vội

Lối qua nhà trọ thấy xa thêm

Bất ngờ du kích  xông ra chận

Cho biết rằng tôi phạm giới nghiêm!

 

Tuổi hắn độ mười lăm mười sáu

Súng AK chĩa  thẳng đầu tôi

Miệng còn hôi sữa sao hăng quá

Như sẵn sàng nhả đạn, trời ơi !

 

Hắn lùa tôi bước vô lồng chợ

Chưởi  bới răn đe chẳng tiếc lời

Tôi chết đứng  như  pho tượng gỗ

Tiêu tan hồn vía toát  mồ hôi!

 

Tin dữ loan truyền  vùng Đất Đỏ

Phụ huynh kéo đến để xin tha

Tên du kích trái tim băng giá

Quyết phen nầy rỡ mặt mẹ cha

 

Vận nước chông chênh như ngọn sóng

Bập bềnh trôi giạt lạnh bơ vơ

Nhớ trường xưa bảng đen phấn trắng

Của một thời gắn bó đã qua!

 

Nơi  đất lạ thương về chốn cũ

Lòng bùi ngùi nhớ chuyện năm xưa

Phải chi du kích vào trường học

Tôi  dạy em  luân lý tuổi thơ

 

Du kích ơi sao em máu lạnh?

Hại người đời hại cả thân tôi

Em hăng máu bắt giam tất cả!

Không biết đời em có thắm tươi ???

 

Nguyễn Cang (25/4/ 2022)

Cảm tác:

           

XÓT BÉ MƯỜI LĂM....

 

Xót bé mười lăm tuổi học trò,

Cơm ăn áo mặc mẹ cha lo.

Đi trường học hỏi nên người tốt,

Sao lại gươm đao chốn rủi ro.

 

Cưỡng bức trẻ thơ nhập chiến trường,

Làm bia đỡ đạn thật vô lương.

Bần cùng hóa nước non dân tộc,

Bán nước buôn dân lũ bạo cường.

 

Trẻ chăng tha già cũng chẳng thương,

Lấy nhà cướp đất của dân thường.

Dân oan kêu khóc trời không thấu,

Mất chỗ nương thân khắp nẻo đường.

 

Bốn bảy năm rồi vẫn thám thương,

Nhà nghèo đành phải bỏ sân trường,

Tương lai mờ mịt không phương hướng.

Thế hệ trẻ thơ chịu cụt đường.

 

Xin Trời phù hộ Việt Nam con,

Áo ấm cơm no để sống còn.

Chờ đợi một ngày hưng phục đến,

Học đường trở lại nét vàng son.

 

Mỹ Ngọc.

Apr. 28/2022.

 

 

No comments: