TẠI SAO “MẸ TRÒN
CON VUÔNG?”
Mới đây, trên Facebook của mình, anh Mưu Thái (tức Thái Quốc Mưu, một
nhà văn, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng ở nước ngoài) có đặt câu hỏi: “Mẹ tròn con vuông, vậy bố hình gì?”
Thiếu
Khanh
Có lẽ chủ ý của anh Thái chỉ là hỏi trào phúng cho vui, (và những câu
trả lời của các facebookers là theo hướng đó) nhưng đây là một câu hỏi rất thú
vị. Từ trước đến nay câu “Mẹ tròn con vuông” luôn được mọi người nói ra, nhất
là để chúc sự an lành cho một sản phụ sắp sinh hay vừa sinh con, nhưng dường
như chưa bao giờ có ai đặt câu hỏi nghiêm túc “Mẹ tròn con vuông” nghĩa là gì.
Trong câu hỏi của anh Thái có thêm ý “cha hình gì?” vẫn là một câu hỏi
rõ ràng ngắn gọn, nhưng câu trả lời chắc là dài dòng.
Khái niệm TRÒN và VUÔNG này có lẽ từ sự miêu tả hình thức Trời và Đất
rất quen thuộc trong Nho giáo. Từ sự quan sát hình tượng biểu kiến, người xưa
cho Đất là một nền phẳng hình vuông (địa phương) mà ở
trên nó bầu Trời tròn (thiên viên) như cái lồng bàn úp
xuống. Theo quan niệm “Thiên viên địa phương” này, trời và
đất là hai thực thể đẳng lập, mang tính lưỡng nghi (âm dương). Như vậy, với
tinh thần triết học Nho giáo, trời đất cũng như vợ chồng, “có âm có dương.”
“Lưỡng nghi (âm dương) giao hòa sinh tứ tượng; tứ tượng sinh bát quái; bát quái
sinh vạn vật.”
Đó là văn hóa du mục của người Tàu, trong đó Trời là một đấng đàn ông –
ông Trời, và Trăng là thuộc phái NỮ, Hằng Nga tiên nữ.
Dân tộc Việt, trong đại chủng người Việt phương Nam với nền văn hóa nông
nghiệp thấm sâu trong tinh thần và máu thịt của mỗi con người, cho nên dù nhiều
lần bị Tàu đô hộ, bị tẩm ướp văn hóa Tàu một cách cưỡng bức suốt hàng ngàn năm,
rốt cuộc khi giành lại độc lập, người Việt vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng
của mình, không trộn lẫn với văn hóa của người cai trị. Quan niệm “Mẹ tròn con
vuông” là một trong nhiều bằng chứng rưc rỡ trong lãnh vực này.
Theo tinh thần văn hóa nông nghiệp của đại chủng người Việt phương Nam,
trái với văn hóa Tàu, Trời thuộc phái nữ – Bà Trời, và Trăng là Ông Trăng.
Trong một bài đồng dao cổ của người Việt có câu:
“Ông Trăng mà lấy Bà Trời
Tháng
Năm đi cưới tháng Mười nộp cheo…”
Trong bài hát “Ông Trăng xuống chơi” của trẻ em
hiện đại thường hát trong dịp Trung Thu, người nhạc sĩ khuyết danh cũng viết:
Ông
trăng xuống chơi cây cau
Thì
cau sẽ cho mo
Ông
trăng xuống chơi học trò
Thì
học trò cho bút
Ông
trăng xuống chơi ông bụt
Thì
ông bụt cho chùa
Người Nhật, một chi trong Bách Việt, trong cùng nền văn hóa nông nghiệp
phương Nam cũng gọi Trời là Bà. Đến nay dân tộc Nhật vẫn còn thờ Bà Trời
– Thái Dương Thần Nữ.
Trời tròn đất vuông là quan niệm chung của cả nhân loại từ thời thượng
cổ cho đến thế kỷ 15; với sự ra đời của nhà thiên văn học người Ba Lan Nicolaus
Copernicus (1473 – 1543), người ta mới xác định đất không phẳng, không vuông mà
có hình cầu.
Nhưng trong khi người Tàu quan niệm bầu trời (tròn) ôm mặt đất
(vuông) trong sự kết hợp âm dương như vợ chồng để sinh ra vạn vật, thì người
Việt nguyên thủy nhìn thấy hình ảnh biểu kiến Bà Trời cúi xuống ôm lấy mặt đất
là hình ảnh mẹ ôm con trong tình thương yêu và bảo bọc. Ở đây không phải là
triết lý “Thiên viên địa phương” nữa mà là niềm hạnh phúc “mẹ
tròn con vuông.”
Tại sao là Mẹ ôm con mà không phải là Cha ôm con? Cha cũng thương yêu
con nên cũng ôm con được chớ?
Hình ảnh người cha được cho là biểu hiện của sự mạnh mẽ (mà người Tàu
gán cho tính chất Dương), chủ yếu hoạt động ngoài gia
đình, không thích hợp là biểu tượng của tình thương âu yếm, trong khi tình mẹ
dịu dàng, bao dung và chăm chút cho con cái chu đáo, tỉ mỉ hơn. Hơn nữa, Trời của người Việt là phụ nữ. Bà Trời ôm mặt đất
như Mẹ ôm ấp con, tự nhiên và phù hợp hơn. Mẹ là Trời, con là Đất, cho nên
Mẹ tròn con vuông.
Nhưng tại sao trong khi đề cập mẹ con, người ta không nói đến người cha?
Quan niệm “mẹ tròn con vuông” đã có từ rất lâu đời, nhiều ngàn năm
trước, khi dân tộc ta còn ở chế độ mẫu hệ. Trong chế độ này, người phụ nữ không
chỉ là người “chủ quản” của mỗi gia đình (hay mỗi gia tộc) mà còn đứng đầu cả
thị tộc, thậm chí lãnh đạo cả quốc gia. (xin đọc Thiếu Khanh, VƯƠNG ĐẠO VÀ VỊ
HÙNG VƯƠNG THỨ 19:
Người đàn ông trong chế độ mẫu hệ không có địa vị nào trong gia đình và
chịu sự cai quản của những người phụ nữ. Chỉ người phụ nữ mới đáng kể. Dường
như không có chỗ nào trong các sách lịch sử nói người Việt thượng cổ có tục đa
phu, nhưng có nhiều bằng chứng lịch sử cho thấy trong chế độ mẫu hệ, người ta
chỉ biết mẹ, mà không biết và không quan tâm cha mình là ai. Trong tình hình
đó, quan niệm “mẹ tròn con vuông” không kèm theo hình ảnh người cha là điều tự
nhiên. Người cha vắng mặt vì chưa là gì cả, nên không có hình dạng nào cả
trong triết ly tròn vuông này.
“Mẹ tròn con vuông” là hình ảnh lớn lao hàm nghĩa TRỜI ĐẤT TRONG NIỀM YÊU THƯƠNG, AN TOÀN VÀ BỀN VỮNG, vì
vậy người Việt luôn dùng cụm từ thiêng liêng này để chúc sự an lành cho mẹ con
sản phụ. Nên biết, văn hóa của người Tàu khác của người Việt, cho nên trong
trường hợp tương tự, họ chỉ chúc “Mẫu tử bình an” (母子平安), trong đó hoàn toàn không có khái niệm gì về trời
đất lớn lao này.
Thiếu
Khanh
Nguồn: https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=27870
304Đen
– llttm -sgtc
No comments:
Post a Comment