ĐẦU ĐƯỜNG XÓ CHỢ!
Từ năm
thầy tôi mất, anh chị tôi rời bỏ chốn quê nhà đi tha phương cầu thực, đến ở một
túp nhà tranh ở ngay đầu chợ C... Bắt đầu từ đó, tôi bỏ cái đời cũ là cái đời
một cậu con quan ăn sung mặc sướng, bước chân vào một cuộc đời riêng mới cho
tôi: tôi gọi là cái đời đầu đường xó chợ. Năm ấy tôi mới mười ba tuổi.
Cái xã hội xó chợ ấy khác hẳn với cái xã hội quí
phái của tôi ngày trước: này gia đình bác Tèo bán bánh đúc, vợ chồng bác xã Tắc
kéo xe, mẹ con nhà hai Lộc bán nồi đất.
Từng gia đình nho nhỏ lúc nhúc trong những gian nhà
xiêu vẹo, tối tăm, bẩn thỉu. Trước nhà một cái rãnh nước dài, đầy những vỏ dưa,
lá chuối, giẻ rách.
Thật là một xã hội xấu xa, mà xấu xa vì nghèo khổ
quá. Tự nhiên tôi đem lòng mến những đứa trẻ cùng trạc tuổi tôi của những gia
đình hèn hạ ấy: cái Nhớn, thằng Cu, con Tẹo là bạn tôi cả. Tôi đã trông thấy
chúng ăn cả bữa cơm có dúm muối, vài quả cà thâm hay đĩa rau sam luộc, tôi đã
thấy chúng nhặt những gốc mía người ta vứt đi mà chia nhau hít cho đỡ thèm, nên
tôi thương; chiều mát tôi đi với chúng ra đồng, xem chúng đặt những cái lờ vào
các lạch con để bắt tôm cá. Chúng được nhiều tôm cá, tôi cũng mừng hộ và tôi
đợi đến bữa cơm của chúng để xem trong mâm có được thêm đĩa cá rô kho hay mấy
con tôm đỏ nào không.
Người mà tôi quí nhất hồi đó là chị Hiên, vợ một
người phu xe ở xế cửa nhà tôi.
Nguyên anh chị tôi được lĩnh một cái ty bán thuốc
phiện, nên chị Hiên thường lui tới mua thuốc cho chồng. Lần đầu tôi trông thấy
chị ta, tôi đem lòng thương hại ngay. Bây giờ tôi mới rõ rằng tôi có cái cảm
tình đó vì chị Hiên còn trẻ, xinh và có duyên, lại lấy phải chồng nghiện ngập,
xấu xí. Nhưng chị Hiên thì không nghĩ như tôi. Cả ngày chị cặm cụi ngồi đan lờ
trong khi chồng đi kéo xe vắng. Hôm nào chị bán lờ được một hào, chị mua cho
chồng một hào thuốc thì chị lấy làm vui vẻ, sung sướng lắm.
Chị không nghĩ gì đến thân chị, có cái áo nâu đã
bạc, đã vá tay, vá vai, vá lưng mà chị không chịu để dành tiền may cái áo mới.
Trí non nớt của tôi không sao hiểu được cách hành
động của chị đối với một người chồng nghiện ngập, hèn hạ như thế.
Một hôm, tôi sang bên nhà chị, thấy chị ngồi gục đầu
vào cánh tay, bên cạnh mấy chiếc lờ đan dở. Tôi vào, chị ngẩng lên nhìn, hai
con mắt như có ngấn lệ. Tôi vừa định quay ra thì chị ta vẫy tôi lại gần hỏi
khẽ:
- Này cậu, cậu có một hào, cậu cho tôi vay, vài hôm
tôi giả.
- Tôi làm gì có tiền cho bác vay! Bác vay làm gì?
Chị Hiên lẳng lặng chỉ vào trong buồng. Tôi hỏi:
- Bác giai đau phải không? ốm hay sao mà rên dữ thế?
- Cậu ạ, hai ngày hôm nay, nó lên hai cơn sốt rét,
không đi kéo xe được. Nhà không có tiền, tôi phải nhịn cơm từ hôm qua, nhưng
nguy nhất là hết tiền mua thuốc. Đã ốm mà cơn nghiện lên thì chết mất. Hay cậu
về ăn cắp ở nhà một hào chỉ cho tôi vay.
Tôi mỉm cười, lắc đầu:
- Chiều tối, bác mang tiền lại mua thuốc, tôi thêm
cho ít nhiều thì họa may... còn tiền thì tôi không thể nào có được.
Vừa lúc ấy con gà trống to của anh chị tôi nuôi lởn
vởn đến bên cạnh mẹt vừng của chị Hiên phơi trước cửa. Chị Hiên tay xua con gà,
miệng nói đùa:
- Giá được con gà này mà bán thì chồng tôi tha hồ
hút.
*
Đã khuya, nhà tôi đóng cửa đi ngủ, bỗng có người gọi
mua thuốc.
Tôi nhanh nhẹn cầm cây đèn hoa kỳ ra vì tôi biết
chắc đấy là chị Hiên mua thuốc cho chồng. Qua khung cửa bán thuốc, một cái bàn
tay thò vào cầm một cái vỏ hến trong có một hào chỉ đã nhẵn mặt. Chị tôi cầm
lấy đồng hào, nhìn đi nhìn lại rồi nói:
- Đưa hào khác thì bán, hào này nhẵn mặt lắm không
tiêu được.
Tôi lo lắm, và tôi chắc chị Hiên đứng ngoài cửa còn
lo gấp mấy. Tôi vội bảo chị tôi:
- Thôi, chị cứ nhận cho người ta, mai giả nhà đoan
cũng được.
Tôi không dám nói rõ vì tôi biết chị tôi ghét vợ
chồng nhà này lắm.
Khi chị tôi cân thuốc xong, quay lưng đi, tôi vội
cầm cái que thuốc rỏ thêm vào trong hến một giọt. Lúc đưa cho chị Hiên, tôi bảo
khẽ:
- Thêm cho rồi đấy nhớ.
Tôi vừa đóng xong cái cửa bán thuốc thì ở ngoài bỗng
có tiếng kêu:
- Chết tôi rồi, cậu cho tôi mượn cái đèn, đổ cả rồi!
Tôi đưa đèn ra xong rồi nhìn qua khe cửa, thấy một
cảnh tượng không bao giờ tôi quên được; hến thuốc đổ sấp xuống đất, thuốc bắn
tung ra thành từng chấm đen nhánh. Chị Hiên cúi xuống lật cái hến lên, cái hến
chỉ còn rây một ít thuốc; trong lúc hấp tấp chị lấy ngón tay quệt thuốc dưới
đất cho vào hến, nhưng thuốc lẫn cả với đất còn hút gì!
Không làm sao được, chị nhặt cả những hòn đất có dây
thuốc để vào bàn tay - Rồi chị cứ ngồi đấy khóc thút thít. Sau thấy chị tôi
giục đem đèn vào, tôi phải để mặc chị Hiên ngồi khóc trong bóng tối. Tôi vừa
đặt mình xuống giường nằm thì vẳng có tiếng người cãi nhau, tôi chắc là ở nhà
chị Hiên, chồng chị đương đánh mắng chị ta.
Sáng hôm sau, tôi sang nhà chị Hiên sớm, thấy chị ta
ngồi dựa vào góc, đầu tóc bù xù, vẻ người mệt mỏi, trên trán có một chỗ sưng
tím lên. Tôi không thấy mấy cái lờ nan đan dở để đấy, liền hỏi:
- Bác bán lờ đi rồi phải không?
- Không, tôi cất ở dưới bếp.
- Thế hào chỉ hôm qua?
Chị ta thấy tôi hỏi đường đột, nhìn tôi có vẻ sợ
hãi, nói một cách hoảng hốt:
- Tôi vay của.... Không! Người ta trả nợ tôi.
- Bác mà có người nợ tiền.
- ấy nợ cũ... đã lâu.
Vừa nói đến đấy thì nghe bên nhà tôi có tiếng người
nói to, con đỏ nhà tôi chạy ra ngơ ngác như tìm một vật gì. Tôi hỏi thì nó trả
lời:
- Nhà mất con gà, con gà sống thiến to nhất...
Chị Hiên hỏi tôi:
- Con gà nào thế cậu nhỉ!
- ấy con gà hôm qua nó sang đây mổ vừng của bác ấy.
Chị Hiên thốt nhiên nói:
- Chết tôi rồi! Gà nhà cậu!
Tôi hỏi:
- Làm sao mà chết?
Chị Hiên luống cuống như định nói lại thôi, nhưng
cái trí non nớt của tôi đã hiểu rõ, đã đoán ra hết. Tôi ngắm lại chị ta thấy vẻ
mặt tái mét, nửa vì đói, nửa vì lo mà tôi đem lòng thương hại vô cùng. Vì hết
lòng với chồng phải đi ăn trộm gà lại bị chồng mắng. Tự nhiên tôi muốn tìm cách
chống chế cho người đã ăn cắp gà nhà tôi. Tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo chị ta:
- Được! Bác đừng lo, bác để mặc tôi!
Rồi tôi về nhà chạy thẳng ra cổng sau nhìn xuống
sông, bảo chị tôi rằng:
- Nhà mất gà phải không, thôi đừng tìm nữa vô ích,
hôm qua tôi thấy con gà giống con gà nhà ta đậu ở dưới thuyền buôn nồi đất. Bây
giờ họ đi họ cuỗm đi rồi. Còn biết thuyền ai mà hỏi.
Tôi lấy làm tự đắc rằng đã tìm được một kế hay và
rất mừng rằng cái kế đó hiệu nghiệm, vì chị tôi coi như mất hẳn con gà rồi,
không cho người đi tìm nữa.
Tôi còn bé không hiểu rằng giúp đỡ một người ăn cắp
thế là tốt hay xấu, tôi chỉ biết rằng trong lòng tôi lúc bấy giờ vui vẻ lắm,
vui vẻ vì cứu thoát được một người khổ sở, đáng thương.
Về sau, tôi càng ngày càng cách biệt với cái xã hội
đầu đường xó chợ ấy. Đến nay đã gần hai mươi năm, cái cảnh đời cũ đã lờ mờ trong
trí nhớ, nhưng câu chuyện của chị Hiên thì không bao giờ tôi quên được.
Cái đời đầu đường xó chợ ấy ngay từ thủa còn nhỏ đã
dạy cho tôi hiểu rằng: muốn cho người ta dễ có lòng thiện thì phải làm thế nào
cho người ta khỏi nghèo khổ, mà một xã hội nghèo khổ thì bao giờ cũng dễ thành
một xã hội xấu xa.
Nhất Linh
Rút từ tập truyện ngắn Anh phải sống,
Nxb. Đời nay, Hà Nội, 1934
No comments:
Post a Comment