Thursday, April 13, 2023

Căn Nhà Dốc Đồi, Bài Hát Và Mối Tình Lỡ - Thuyên Huy

 

CĂN NHÀ DỐC ĐỒI, BÀI HÁT VÀ MỐI TÌNH LỠ

    Con sông chia đôi bờ khu phố, qua khỏi cầu gỗ nâu bạc rộng chừng ba người bắt ngang cho người lại qua, tắt ngang thay vì phải từ đầu ngã ba trên xa đánh một vòng đi xuống, ngay khúc quanh lên dốc không xa, ngó ra sông, bờ bên này, căn biệt thự có lầu, nằm chênh chếch cạnh đường trên dốc đồi, bờ tường leo đầy một màu hoa cánh nhỏ tim tím, đẹp thật đẹp, nắng lưng chiều trải vàng dài ngập sân, lối sỏi trắng đi vào nhà đỏ rợp mấy cụm hoa Sứ nở.



*

    Chuyến xe buýt chiều từ phố chính, tới trạm này thì rẽ qua đường khác, cũng như mọi ngày, tới đây, từ chỗ làm về anh phải xuống, rồi đi bộ về nhà trọ như thường ngày, nơi anh ở từ những ngày tay trắng theo người ra biển tới xứ người, sau ngày 30 tháng 4 uất hận, buồn thảm. Thường thì vậy, nhưng chiều này, vì muốn về nhà sớm, lần đầu anh thả bộ qua cầu đi tắt thay vì theo con đường cũ, dài và lâu hơn, con đường chắc cũng đã mòn dấu chân mình hơn một nửa năm nay mùa qua mùa.

*

    Vừa qua ngang cái biệt thự trên dốc đồi, anh đứng khựng lại, có tiếng ca sĩ cũ nào đó trong máy, hát vang vọng ra “đêm chưa qua mà trời sao vội sáng” từ cái cửa sổ mở rộng trên lầu, trời đứng gió, nghe rõ từng chữ một, anh ngạc nhiên, không ngờ là có người mình ở đây, chắc nhà giàu, một chút rồi bỏ đi nhưng đi chậm, cố chậm để chờ nghe câu cuối, bài hát quen “rượu cạn ly uống say tình còn giá., lá trên cành một chiếc cuối bay xa”. Nhìn lại căn biệt thự sau lưng, anh chợt nhớ, buồn.

*

    Anh con nhà nghèo, cha mẹ lam lũ đồng chua nước mặn, cơm mắm rau chua, nhà tranh vách cây, ở một xã quê xa của một tỉnh nhỏ miền Đông, trời còn thương học hành khá giỏi. Cô, con gái một, con nhà giàu, người Sài Gòn, phồn hoa đô hội, son phấn ngựa xe, gia đình cha mẹ làm chủ một số cửa hàng buôn bán đủ loại xe gắn máy Honda, Suzuki, Vespa... và tủ lạnh máy giặt lớn nhỏ trên hai ba con đường đông người trong thành phố. Hai người quen học cùng chung ban tại một trường Đại học, mến rồi thương nhau, chung đường chung lối, cũng hẹn một ngày mai “yêu nhau dài lâu”.

*

    Năm học thứ hai, tuy bịn rịn rồi cũng phải xa, cô vào trường khác, nhắm vào mảnh bằng Dược Sĩ, vì nhà cô còn có một tiệm thuốc Tây lớn trên đường có cái quán chè Hiển Khánh, cái quán quá quen của cô cậu học trò mới biết thương biết nhớ, trong đó có anh có cô. Đường đi về từ ngày đó, không muốn, cũng phải có đôi lần chia hai lối rẽ và cũng từ đó, anh một mình với bàn không ghế trống giảng đường. Anh có mạo muội đến nhà chơi vài lần nhưng hình như, phận đời mình xem ra, không dễ gì vói tới, nhưng trót thương nên vẫn ôm giấc mơ trong lòng với một chút hy vọng nào đó.

    Ra trường, anh xuống miền Tây, làm kẻ ở miền xa, dạy tại trường trung học Mộc Hóa, cô lên năm cuối, chắc bận học, ngoài mớ thư gởi vẫn còn chữ thương chữ nhớ, cô ít khi xuống tỉnh, hè, bài trường, trên đường về thăm nhà, ngang qua Sài Gòn anh có ghé thăm, nhưng anh vẫn thấy khoảng cách nghèo giàu chưa thấy gần nhau hơn.

*

    Ba mươi tháng Tư, miền Nam thua cuộc, sụp đổ, anh cũng như nhiều người bạn cùng ngành mất việc, lang thang về quê ở với cha mẹ, đổi đời từ cầm phấn bảng đen qua vác cuốc vác cày, anh có lần trở xuống Sài Gòn, thành phố đã bị đổi tên, cô con gái anh thương và cũng nói thương anh, năm cuối trường Dược đã cùng gia đình rời Sài Gòn từ lâu, theo chuyến tàu vượt biển nào đó. Hết rồi thật sao, anh nghẹn ngào, câm nín. Cũng còn may, rồi nhờ bạn quen thầy cũ, cho theo chân không tiền không bạc, anh thoát ra xứ người trong một đêm tối trời mưa tầm mưa tả từ Bến Đáy Trà Vinh.

*

    Sau giờ học, trưa thứ bảy, trời giữa Đông, mùa đông xứ này lạnh đúng nghĩa lạnh, không như cái mùa đông làm dáng quê nhà, ở đây không có  áo len đủ màu khoe sắc như cánh bướm mà chỉ toàn một màu đen hay xanh đậm của áo khoát , cái dài cái ngắn, cái cổ cao cái khăn quàng quấn chặt, họa hoằn lắm mới thấy đâu đó lẻ loi hai ba cái màu tươi hơn, nhưng chung chung thì giữa trời sương mù mờ, đường phố âm u  trời cũng âm u. Co ro lạnh, áo khoát phủ trùm đầu, một lần nữa, anh thả bộ qua cái cầu gỗ bắt ngang sông đầu dốc, đi ngang qua cái biệt thự lần trước, mong là sẽ nghe được một bài hát tình ca quen thuở nào nữa. Phía trong sân nhà, có người con gái đi trước, con bé gái nhỏ hai ba tuổi theo sau, gọi “mẹ mẹ”, loanh quanh chỉ mấy con bướm trắng vàng “bước đi bước ở” trên những cánh hoa Sứ đỏ.  Anh nhìn vào, chưng hửng, chết trân, đúng là cô nàng, nhiều năm rồi vẫn hình dáng cũ, anh chết lặng, đứng yên đó, chưa tỉnh hồn dù trong lòng chợt có nhiều lời muốn nói, không bao lâu, có người con trai, trạc tuổi anh từ trong nhà đi ra, con bé chạy lại, nắm tay gọi “ba ba”, chỉ ra đường. Anh quay mặt đi, hai vợ chồng ung dung, tay nắm tay nói cười, con bé chạy trước, ra đường, đi về hướng khúc sông trên, có nhà hàng nhô ra khỏi bờ, cái nhà thủy tạ và vườn chơi trẻ em nho nhỏ.

    Anh nhìn theo họ một khoảng khá xa, lầm lũi trở ngược đường cũ về, cúi mặt, thôi cũng đành “đường thênh thang gió lộng một mình ta”, anh bước nhanh, lòng se thắt lạnh, một lần nữa anh thầm hát “lá trên cành một chiếc cuối bay xa”. Bỗng dưng khóc.

*

    Từ ngày đó căn biệt thự trên dốc đồi không còn thấy một người lạ mà quen, chậm bước, chờ nghe bài tình ca trước nhà và anh, cũng không có lần nào nữa hối hả qua cầu.

Thuyên Huy

Essendon tháng mưa sớm 2020    

 

 

No comments: