NGHÈO
- Mình đã đỡ chưa?
Thấy vợ ngồi dựa vào tường, mắt có ngấn lệ, Trọng
không biết là nàng khóc hay vì tại trong nhà đầy khói. Chàng thở rất khó, ngồi
ghé vào đầu phản, hai khuỷu tay chống nặng nề xuống đùi và bàn tay bỏ thõng, có
vẻ mệt nhọc. Tuy trời nóng như hâm, mồ hôi ra ướt đầm áo trong mà Trọng cũng
không buồn cởi áo bành tô xanh đầy vết dầu xe ôtô.
Nhìn qua cái mành rách sang góc nhà bên kia, Trọng
thấy bác Phác, người đàn bà bán hàng rong ở chung với chàng cũng đương ngồi, hai
khuỷu tay chống vào đùi có vẻ ngẫm nghĩ. Trọng thấy buồn cười nên vội vàng ngồi
khác kiểu đi: ở trong một cái nhà lúc nhúc hơn mười gia đình, lúc ăn lúc ngủ,
ai cũng nhìn thấy ai, nên Trọng luôn luôn khó chịu, cử động không được tự do.
Người đàn bà đột nhiên chửi lên mấy tiếng, rồi tiếp
theo một tràng dài:
- Đôi guốc bà vừa để đây, ngoảnh đi một cái, hừ đã
mất biến! Vật thứ không là bao, nhưng mà tức chứ! Hừ, ở lẫn với những quân ăn
cắp!... Xin đừng ai chạnh lòng. Tôi mất của thì tôi nói, chẳng ông bà nào cấm
được tôi.
Trọng biết là người ấy nói đã lâu rồi, mà nói câu ấy
có lẽ đã hơn vài chục lượt. Họ vừa ngồi nghỉ cho đỡ mệt, nay lại bắt đầu. Vì
chiều nào, những người ở trong nhà cũng tìm dịp to tiếng với nhau, nên chàng
không để ý. Nhưng đến lúc thấy người đó mon men lại gần chiếc mành, cúi nhìn
xuống gầm cái giường của chàng, vừa nhìn vừa nói: "Vụt một cái biến mất,
nhậy thực!" như có ý đổ cho vợ con chàng lấy đôi guốc, thì chàng không giữ
được giận, muốn chạy ra nắm tóc người ấy dúi xuống thềm gạch cho bõ tức. Chàng
lẩm bẩm:
- Hừ, quá lắm. Dám nghi cho mình ăn cắp.
Nhưng chàng vẫn ngồi yên: hai tay nổi gân bám chặt
lấy thành giường. Chàng trấn tĩnh lại ngay, tự bảo:
- Mình hãy còn giữ những thói của cuộc đời sang
trọng cũ. Nếu cứ tức giận họ thì tức giận cả ngày.
Quay lại, thấy vợ vẫn ngồi yên trong góc giường.
Trọng đoán là nàng không biết chuyện. Bảo thấy chồng nhìn mình chăm chú, nên
nhếch mép hình như nàng phải cố hết sức, phải khó nhọc lắm mới nhếch nổi một nụ
cười đón chồng.
Trọng đau đớn nghĩ đến rằng vợ chàng con một nhà gia
thế, lấy chàng không phải vì tình yêu, cũng không phải vì chàng có tài cán, mà
chỉ vì cha mẹ nàng ham cái gia tài của chàng. Hơn sáu năm ở với nhau, lúc nào
chàng cũng nhận thấy lòng khinh rẻ của vợ đối với mình, mặc dầu lòng khinh rẻ
ấy rất kín đáo. Ngờ đâu nay nàng ngồi kia, mình mặc chiếc áo cánh vá vai, chiếc
quần lĩnh bạc màu, gày gò, ốm yếu, ở lẫn với những người nghèo cùng mạt trong
xã hội, mà lại còn nghèo hơn họ.
Xảy ra như vậy chỉ vì mấy cái tai nạn dồn dập đến
một cách bất ngờ. Chàng không biết lo xa, quá tin ở của cải mình. Sau khi gia
tài khánh kiệt, chàng sống vất vơ vất vưởng, ngửa tay xin anh em quen thuộc mỗi
người một ít để nuôi vợ, nuôi hai đứa con đẻ và hai đứa cháu bồ côi cha mẹ mà
chàng đã nhận làm con nuôi. Như thế được mấy tháng, sau không ai giúp nữa,
chàng đưa vợ đến đây, thuê một cái giường năm hào một tháng và đã kiếm được
việc làm ở một nhà chữa ôtô.
Một người gánh nước đi ngang qua, nước bắn vào bàn
chân làm chàng giật mình. Chàng nhìn cái nền gạch long lở ướt sũng nước, nhìn
những làn khói tỏa ở các bếp hỏa lò ra, lẩm bẩm:
- ở thế này chỉ vài tháng là ho lao.
Trước kia, khi còn có nhà cho thuê, chàng chỉ cốt
thu về nhiều tiền, không bao giờ cho thế là vô nhân đạo. Nay chàng mới nhận
thấy một cách rõ rệt, tuy rằng cách cho thuê ấy đã giúp chàng có nơi trú ngụ
bằng một giá rất rẻ.
Chàng cần đến, nhưng chính vì sự cần ấy mà việc cho
thuê như vậy là độc ác. Chàng ngẫm nghĩ:
- Nếu phen này ta có nhà cho thuê thì ta nhất định
bỏ.
Chàng mỉm cười nói:
- Phen này!
Tự nhiên chàng thấy vui vẻ và nghĩ thầm:
- Bây giờ mình đâm ra có lòng tốt, lạ chưa.
Chàng nhận thấy chàng trước kia tàn ác, mà tàn ác
chỉ vì vô tâm và ích kỷ. Bây giờ chàng mới biết không ai muốn giúp mình lúc
nghèo, chỉ vì lúc giầu mình không nghĩ đến ai. Chàng sung sướng, mà cái sung
sướng ấy mới lạ lắm, chàng thấy vụt có cái quan niệm cao quý về nhân phẩm của
mình. Trọng ngửng lên nhìn vợ, mà lần đầu chàng nhìn vợ không có ý thẹn lại có
vẻ hơi kiêu. Mấy đứa con chàng ở ngoài chạy vào, cười nói, đứa nào cũng thở
hồng hộc. Trọng âu yếm hỏi:
- Các con đi chơi đâu về?
- Chúng con đá bóng ở bờ sông vui quá.
Trọng nhìn những gò má hồng hào, lẩm bẩm:
- Chỉ ít lâu nữa là hết cả hồng.
Thấy một đứa kêu đói, chàng mới sực nhớ đến giờ nấu
cơm. Chàng cho tay vào túi áo, vân vê ba đồng hào một cách âu yếm, vì ba hào
chỉ ấy là tiền của chàng kiếm ra lần đầu tiên. Nó lại quý nữa là vì không có nó
tất chàng và vợ con phải nhịn đói.
Tuy trước kia giàu có hàng nghìn, hàng vạn, mà bây
giờ chàng mới thấy mình "có tiền". Chàng kều mấy hào chỉ ở đáy túi
vào lòng bàn tay và nắm lấy thật chặt.
*
Trọng thấy tiếng guốc của mình nện trên gạch hè
đường kêu to một cách khó chịu vì chàng đi guốc chưa quen. Chàng tưởng như
tiếng guốc xui bảo mọi người để ý đến mình. Trước khi rẽ vào một cái hàng cơm,
chàng tự nhiên quay đầu nhìn lại phía nhà ở, có vẻ một người vụng trộm. Chàng
rẽ vào đấy ăn quà sáng để lấy sức làm việc, trong khi vợ con chàng phải nhịn.
Chàng không muốn ăn ở nhà một mình trước mặt vợ con.
Vào hàng, Trọng mua một xu xôi đậu đen, vì chàng
đoán thứ quà đó no lâu. Chàng lấy đũa xắn từng miếng chấm muối vừng rồi nhai
thong thả, vừa nhai vừa ngẫm nghĩ, nghe ngóng. Chàng gật gù lẩm bẩm:
- Càng nhai lâu càng thấy bùi miệng.
Bà hàng tưởng chàng khen xôi của mình thổi khéo,
liền mời:
- Bác ăn xu nữa!
Trọng không ngờ xôi đậu đen lại ngon đến thế; chàng
đặt đũa xoa hai tay với nhau, có vẻ khoan khoái, bảo bà hàng: - Bà cho tôi thêm
một xu. Bà lấy ở đáy rá cho nóng.
Trọng lấy làm tiếc rằng một thức ngon thế này mà ăn
vụng trộm, vợ con không được hưởng. Chàng cảm động nghĩ đến những cái vụng trộm
khác, trốn vợ đi hát mở từng chai sâm banh, và lấy làm lạ rằng những lúc đó sao
không áy náy bằng khi ăn có hai xu đậu đen chấm muối vừng rang mặn.
Công việc của chàng cả ngày hôm ấy là nằm dưới gậm
ôtô thay "láp" xe. Trên má chàng, những giọt mồ hôi hòa với dầu máy
từ từ chạy xuống tai, xuống cổ. Mới đầu, chàng tưởng không sao chịu nổi, nhưng
sau chàng nghiệm ra rằng sự nóng bức càng tăng lên, sự khó chịu càng bớt dần.
Nếu chàng là một người giàu có đứng ở ngoài, tưởng tượng phải làm việc như vậy,
tất ghê sợ lắm, cho cuộc đời là khốn nạn, không đáng sống, không có nghĩa lý
gì. Trước kia, chàng cũng tưởng thế, vì chính chàng giàu có; trước kia không
thiếu thứ gì, không bao giờ phải mệt nhọc đến thân mà không lúc nào chàng được
yên tĩnh, luôn luôn tự hỏi sống để làm gì, và cố tìm một cái nghĩa cho sự sống
của mình, của mọi người mà không tìm ra.
Bây giờ cái băn khoăn ấy đã mất hẳn. Chàng thấy công
việc chàng có nghĩa lắm, vì nhờ nó mà chàng và vợ con chàng được no bụng. Cái
nghĩa ấy không cao thượng gì cho lắm, nhưng nó có. Còn hơn là trước kia chàng
không biết làm gì để sống, tuy bụng lúc nào cũng no. Bây giờ chàng mới hiểu
rằng xã hội khốn nạn không phải là xã hội những người làm việc, tuy làm việc
một cách khốn khổ.
Đương khi những ý nghĩ ấy lộn xộn trong óc, Trọng
vẫn không quên cắn răng lấy hết sức xoay "bù loong". Mồ hôi chẩy ròng
ròng trên cánh tay chàng. Mồ hôi chảy cả vào mắt làm chàng hoa mắt nhìn không
rõ. Chàng thấy hiện ra một cốc nước chanh với một miếng nước đá trong veo,
chàng đã uống bên bờ biển Đồ Sơn một buổi chiều mùa hạ năm nào...
*
Trọng chúi đầu vào một góc màn nằm duỗi thẳng chân
tay, thiu thiu ngủ.
Hé mắt nhìn qua vải màn, chàng thấy lấm tấm ở các
góc nhà tối om những ngọn lửa đèn Hoa Kỳ xanh lè nhỏ bằng hạt thóc. Một vài
tiếng ho, tiếng khạc nhổ, rồi lại đến những tiếng ngáy đều đều, tiếng vo ve của
những con muỗi chui qua lỗ màn rách bay vào. Hơi nóng làm mờ những ngôi sao ló
trong khung cửa sổ. Không có một làn gió nhẹ; vải màn rủ nặng nề xuống chiếu.
Trọng tưởng như nằm trong một cái địa ngục tối, và tưởng thấy thấm vào người
hơi nóng của một cái vạc dầu để gần đó. Chàng gục đầu vào cánh tay, nhắm chặt
mắt lại và muốn đắm mình trong giấc ngủ như một người đắm mình trong cõi chết.
Nửa đêm Bảo thức giấc ngồi dậy. Nàng vừa phe phẩy
quạt, vừa đưa mắt nhìn chồng, rồi chép miệng nói:
- Ngủ gì mà quên cả thay quần áo.
Trọng nằm ngủ cứ để nguyên cả quần áo làm việc: một
cái quần tây nát nhầu và một cái áo "sơ mi" rách vá vai, dầu dây be
bét.
Bảo dịu dàng ngắm nghía chồng nằm ngủ mê mệt; thấy
đứa con cựa quậy, nàng chỉ lo sợ chồng tỉnh giấc, mất một giấc ngủ rất cần để
lấy lại sức mai làm việc.
Nàng ngồi lại gần chồng, gượng nhẹ nhắc đầu chồng,
đặt lên đùi mình. Lần đầu nàng thấy yêu người chồng đã vì nàng làm lụng vất vả
suốt ngày, không có một lời than vãn.
Nàng giơ tay phải quạt rất nhẹ, còn tay trái âu yếm
vuốt ve những làn tóc ướt đầm mồ hôi của chồng. Nàng thấy thổn thức trong dạ,
rồi tự nhiên nước mắt ứa ra chẩy ướt đầm hai bên má. Nàng không giữ được nữa,
cúi xuống hôn một cái lên trán chồng, và như người mê man, nàng ôm lấy chồng,
gục đầu vào vai, không nghĩ gì đến mồ hôi và mùi dầu máy khét ở quần áo chồng
xông ra nồng nặc. Trọng thức dậy hơi lấy làm lạ về cử chỉ khác mọi ngày của vợ;
chàng hiểu và sung sướng ngẫm nghĩ:
- Có lẽ lần đầu tiên mình và vợ mình biết thế nào là
tình yêu.
Tuy hiểu vậy nhưng chàng không nói ra, chỉ hỏi:
- Hôm nay em làm sao thế, em Bảo?
Nhất Linh
Rút từ tập truyện ngắn Tối tăm,
Nxb. Đời nay, Hà Nội, 1936
No comments:
Post a Comment