Ý
NGHĨ NGOÀI CỬA TRƯỜNG
Tôi bỏ trường ra đi đã trên hai mươi năm rồi. Hai mươi năm sau
này, tôi ghi danh học ở Trường Đời. Hàng năm, thay vì cuối thu, ngày ra trường
của tôi vào đầu xuân. Khi hương vị của Tết tàn phai, đó là lúc người chủ gia
đình cắp sách đến trường. Với ủ ê, chán nản. Với toan tính thiệt thua. Mùa hè
của tôi thường chỉ kéo dài từ hai mươi tám tháng chạp tới mồng tám tháng giêng.
Mùa hè đàn ông không còn tươi non như mùa hè niên thiếu. Những bước chim nhẩy
nhót tuổi hồng là những bước chân trâu i ạch bây giờ. Hồn đào năm xưa đã rám
nắng, cháy thui. Nếu ta biết Trường Đời bắt ta uống mật đắng và khiến ta húc
vong mạng trong những cuộc ăn thua, ta đã tận hưởng giọt mật ong thơ ấu cuối
chót, ta đã ngủ vùi trên hoa mộng niên thiếu sau cùng. Người bạn nhỏ, đừng hắt
hủi tôi, cho tôi theo bạn ngồi dưới gốc cây phượng giữa sân trường, nhìn gian
lớp vắng, nghe tiếng ve kêu, nhớ thầy thương bạn mà mong đợi tàn hạ. Cho tôi
theo bạn đứng trước cổ ng trư ờng hôm khai giảng. Tôi muốn làm cái cặp sách của
bạn. Vì nó chứa nặng kỷ niệm học trò. Tôi muốn làm bộ quần áo mới của bạn. Vì
nó thơm nồng dĩ vãng. Tôi muốn làm đôi giầy của bạn. Vì nó được in dấu lối xưa.
Tôi muốn làm bạn, làm một học trò tiểu học để có bộ mặt hớn hở, vui cười của
“ma cũ”. Đã không một quyền uy nào dẫu là quyền uy của Thượng Đế, thỏa mãn nỗi
ao ước của tôi. Không hề thấy phục sinh của con người, một phục sinh của ý
nghĩa gấp ngàn lần phục sinh của Thần Thánh. Đôi khi, lẩn thẩn suy nghĩ, tôi
nhủ với tôi rằng, cũng chả có luôn phục sinh của Thần Thánh. Thần Thánh sống
lại, đi từ đầu, hẳn đã chán làm Thần Thánh. Con người sống lại, đi từ đầu, dễ
gì thèm uố ng mật ngọt ấu thơ, dễ gì thích dầm mình dưới sông hồn nhiên. Vậy
thì cả Thần Thánh lẫn con người không nên sống lại. Để có chiến khu kỷ niệm mà
rút về khi bị ưu phiền bủa vây cùng khắp, sự sống lại không tuyệt vời bằng sự
ước mơ sống lại. Thiên đường là cõi tưởng tượng. Thiên đường còn là cõi ký ức
chim nghỉm trong những lớp sương mù dầy đặc. Kẻ dẫn lối đưa ta về với thiên
đường ký ức của ta là hồi tưởng. Như ng có hồi tưởng nào không phải phúc? Ôi,
ta bất hạnh quá, làm sao ta thấy rõ một đoạn đầu đời ta! Làm sao ta sống lại,
sống lại thật khỏi cần mơ ước. Sống lại thật với những rung động mà ngày
ấy tôi không biết ghi, ngày nay tôi không nhớ hết.
Người bạn nhỏ, thấy chưa một buồn bã tròn khuây? Hãy đến trường
sáng nay dù chiều qua quên học bài. Cái lỡ trớn của học đường chỉ là một thoáng
mộng thả ngoài khung cửa sổ, gửi hồn theo âm điệu của một chàng chim lãng tử
mời gọi lãng du. Nó đưa đi và dẫn về. Bình yên như mực tím trên trang giấy kẻ
của bài tập chép. Nó chẳng đe dọa như bài toán nhân chưa thuộc cửu chư ơng. Nó
không đoan chắc đẩy ta rớt vực thẳm như cái lỡ trớn đời. Hãy khóc nhiều nước mắt
dù ngọn roi mây dơ cao đánh khẽ. Yêu biết mấy ngọn roi êm ái đó. Bấy giờ, ngọn
roi chứa đầy hận thù. Dấu vết của nó khác hẳn dấu vết con lươn hướng thiện. Nó
bắt ta nuôi căm hờn, dạy ta khơi phẫn nộ. Nó thúc dục ta dùng roi vọt trả roi
vọt thay vì gửi hoa hồng tặng kẻ quất vụt ta. Hãy gục xuống bàn lâu dù lời mắng
chứa chan thương mến. Lời mắng thơm tho tình nghĩa. Lời mắng không nọc độc rắn
rết và dao găm nhọn hoắt đâm nát tim ta. Cám ơn cái gậy và quả trứng ở bài luận
văn. Cám ơn những giờ cấm túc. Cám ơn giòng chữ phê mất mặt trong học bạ cuối
năm. Cám ơn đôi bận quỳ gối trước bảng đen. Bảng không đen. Bảng trong suốt pha
lê ta có thể nhìn rõ tương lai huy hoàng bằng hối hận. Cám ơn thầy và hân hoan
đứng đậy và nãy chớp mắt, ứa lệ nghe giọng thầy sũng ướt buồn bã:
“Này con, thầy chả nỡ phạt con, thầy thương con, muốn con nên
người.” Nhẩy ra sân trường, quên ngay phiền muộn. Bài cách trí đã thuộc lòng.
Cứ dứt một cành lá nhớ ép vào sách cạnh một xác bướm vàng. Thỉnh thoảng, hãy
trốn học một hôm để chăm ngoan nhiều hôm. Và đừng ngần ngại viết lá thư tỏ tình
xếp chiếc tầu bay, phóng lên bàn trên, trúng mái tóc của cô bạn đẹp nhất. Hãnh
diện khi được cô bạn lườm nguýt. Bồi hồi khi được cô bạn mỉm cười. Trái ổi ngon
chớ quên tới lớp sớm đặt dưới ngăn bàn. Chùm nhãn ngọt chớ quên tìm cách bỏ vô
cặp sách. “Cho con bé”. Khó lắm ư? Ồ, hãy mạo hiểm. Nhổm người nhìn ban đầu lớp
hôm thi toán. Thấy cô bạn ngậm quản bút chứ? Quên mình đi. Quên lời phê học bạ
cuối năm đi. Hãy viết cẩn thận. Cộng đúng. Trừ không sai. Nhân chia bảo đảm. Xé
tờ giấy khỏi tập nháp. Gấp nhỏ vừa lòng bàn tay. Kiếm cớ đau bụng xin phép thầy
rời lớp. Ngang chỗ “con bé”, tim đập thình thình, mặt mũi nóng ran, tưởng chừng
sốt rét, thấy nhẹ cơ hồ hơi thở chim khuyên và rồi, dưới gốc cây bàng hay dưới
gốc cây ngâu, nuốt nước bọt tưởng tượng nỗi vui mừng của “con bé”. Ngủ thiếp đi
càng hay. Ngủ và về học trễ nhất. Và bằng lòng dăm bẩy cái bợp tai của ông bố
khó tính.
Người bạn nhỏ, ngày ấy tôi không biết ghi, ngày nay tôi
không nhớ hết, quả thật, ngày ấy tôi không biết mình có là con gấu ham
thích mật ong, nhưng ngày nay, khi ước mơ sống lại đoạn đầu đời, tô i nhủ tôi
rằng, tôi sẽ đi những bước vụng khờ như thế. Đi làm sao được nhỉ? Giữa tôi và
cái thiên đường tuổi nhỏ đã có một biên giới mịt mù mà ánh sáng hồi tưởng có
cực mạnh đến đâu cũng chẳng đủ soi rõ một lối mòn thơ dại. Đành đứng ngoài cửa
trường, ngoài những cửa trường mộng tưởng y hệt một kẻ bị khai trừ khỏi vùng
đất hứa vẫn ước ao có buổi hớp được một ân sủng hồi hương. Người bạn nhỏ, ý
nghĩ vụng về của tôi có gợi một chút lăn tăn xao xuyến trên mặt hồ tâm hồn bạo?
Đừng vội nghĩ tới Trường Đời, người bạn nhỏ!
(29-9-73)
Duyên
Anh
Trong
tập truyện “Đêm Thánh Vô Cùng”
No comments:
Post a Comment