Wednesday, April 5, 2023

Mua Cỗ - Ngô Tất Tố

 

MUA CỖ



 Đấy! Bác vào nói với nhà tôi! Ông ấy có giúp được bác thì giúp. Chứ tôi bây giờ chẳng có đồng nào. Bác nói mãi cũng đến thế thôi!


Tôi đương nói chuyện với ông chủ nhà trong buồng học, những tiếng the thé bỗng tự đầu thềm đưa vào, khiến tôi và ông chủ nhà đều phải trông ra phía sân. Bà chủ nhà đương cầm cái gậy đuổi chó để dẫn một người đàn ông lạ mặt đến sân nhà học, rồi lại trở xuống nhà dưới. Với cái nón cụp gãy cạp cầm tay, người ấy khúm núm bước lên thềm và rụt rè đi vào trong nhà. Sau khi đã nâng vạt áo nâu cũ lau qua những giọt mồ hôi đọng lại trên trán, hắn đặt cái nón xuống bậc cửa và nhìn thẳng vào ông chủ nhà:

- Lạy cụ ạ! Con sang từ nãy... Nhưng tưởng là cụ có khách, nên không dám lên.

Như sợ tôi lầm người ấy là một người bạn hay một người có họ thì có hại đến danh giá của mình, ông chủ nhà vội vàng giới thiệu bằng một cách trống suông:

- Bố thằng bé ở. Tưởng là ông khách quý nào!

Rồi bằng một giọng xách mé của kẻ cả, ông ấy ngước mắt nhìn người kia.

- Anh sang hỏi gì? Vay tiền chứ!

Người ấy vẫn quanh co ở ngoài bậc cửa, vì chưa được lệnh ông chủ bảo nên chưa dám ngồi. Khi thấy ông này gạn hỏi, anh ta liền tựa vào cột và nói giọng van lơn:

- Vâng! Cháu muốn kêu cụ giúp cháu ít đồng. Vì mấy hôm nữa, cháu phải "mua cỗ" cho em thằng Tý.

Thằng Tý là một thằng nhỏ mới đến ở nhà ấy được vài tháng nay, năm nay nó mới mười bốn tuổi. Theo sự tưởng tượng của tôi lúc ấy, thì chính nó cũng chưa từng dùng gì đến cỗ, huống chi em nó chắc còn bé nhỏ hơn nó... Thế thì người ta mua cỗ cho nó làm gì.

Tôi đương phân vân suy xét, ông chủ nhà lại ngó người kia và chối bai bải:

- Thấy nhà tôi nói, tiền công năm nay của thằng Tý, anh đã lấy trước rồi kia mà. Bây giờ còn tiền nào nữa mà giúp?

Người ấy vẫn cố nằn nì:

- Phải, tiền công năm nay của nó, cháu đã mượn trước của cụ bà rồi. Nhưng vì làng cháu mới gọi "bán cỗ" cho thằng bé con, cháu đi vay mãi không được, cho nên lại phải sang kêu với cụ... Xin cụ nhón tay làm phúc, cho cháu lo đủ lệ làng. Nếu cụ không cứu giúp cho, có lẽ vợ chồng cháu sẽ phải bỏ làng mà đi.

Câu nói khẩn thiết của anh ta làm tôi phải cảm động. Nhân lúc ông chủ đi ra, tôi mời anh ấy vào ngồi trong phản bên cạnh và hỏi:

- Bác ở làng nào?

Anh ta đáp rất lễ phép:

- Thưa ông cháu ở C.L.

À, C.L cái làng rất cổ trong tỉnh P.A tôi đã có dịp đi tới. Thoáng nghe tên nó, như nhắc cho tôi nhớ lại mấy người quen. Sau khi hỏi thăm qua loa về cận trạng của họ, tôi bắt sang chuyện người em thằng Tý:

- Thằng cháu thứ hai nhà bác năm nay mấy tuổi? Anh ta nhanh nhẩu trả lời:

- Thưa ông, nó mới năm tuổi.

- Năm tuổi mà đã mua cỗ của làng? - Vâng ạ! Theo lệ làng cháu con trai đẻ trong một tháng thì phải vào ngôi. Hễ ai có ngôi rồi thì làng cứ việc theo sổ mà bán cỗ cho! Có đứa mới có hai tháng đã phải mua cỗ rồi, nữa là năm tuổi!

Tôi càng không hiểu anh ta nói thế nghĩa là thế nào. Cái tính hiếu kỳ bắt buộc tôi cố hỏi cho hiểu:

- Đứa trẻ hai tháng hẳn chưa thể ăn được cỗ. Sao làng lại bắt chúng nó phải mua?

Anh ta bật cười, như muốn chế tôi là kẻ ngu ngốc. Rồi hắn cắt nghĩa:

- Thưa ông, gọi là mua cỗ chẳng qua nói theo tiếng của các cụ ngày xưa. Kỳ thực nào có cỗ bàn gì đâu! Số là hàng năm cứ đến thượng tuần tháng giêng làng cháu vào đám, trai đinh phải cắt lượt nhau làm cỗ bưng ra đình, để từ bàn trùm trở lên uống rượu nghe hát. Lệ của các cụ đặt ra thế. Nhưng đã lâu nay, làng không có nhiều của công, cho nên, mỗi khi làng cần đến tiền lại bắt những người sắp đến lượt phải làm cỗ, chồng tiền cho làng, chứ làng không lấy cỗ nữa. Vì vậy kêu là bán cỗ.

Bây giờ tôi đã hiểu bán cỗ tức là nộp tiền cho làng. Nhưng còn muốn biết rõ hơn, nên lại hỏi thêm:

- Mỗi năm làng bác dùng hết độ bao nhiêu cỗ?

Anh ta ra bộ đắc ý: - Ôëi chà! Làng cháu to lắm, tất cả đến ba nghìn suất đinh. Riêng từ bàn trùm trở lên cũng có hơn bốn trăm người. Tục làng sáu người một cỗ, cứ thế mà tính hết bao nhiêu thì gọi cho đủ bấy nhiêu. Mỗi năm chừng phải bảy mươi cỗ trở ra.

Con số to khiến tôi hết sức kinh ngạc:

- Một người phải làm bấy nhiêu mâm cỗ hay bao nhiêu người?

Anh ta lắc đầu lia lịa:

- Nếu một người làm cả bấy nhiêu mâm cỗ thì có bán cả đình làng cũng không đủ. Mỗi người phải làm có năm mâm thôi, nhiều cỗ nhiều người, ít cỗ ít người!

- Nếu mua cỗ thì mỗi người phải chồng cho làng bao nhiêu? - Cái đó không nhất định. Càng nhiều tuổi càng nhiều tiền. Càng ít tuổi càng ít tiền. Bởi vì nhiều tuổi là người sắp phải làm cỗ, mà kẻ ít tuổi thì lượt "làm cỗ" còn lâu mới đến mà lại!

- Những năm bán cỗ, làng sẽ thôi uống rượu chứ? - Sao lại thôi! Bán lớp người trên thì làng gọi lớp người dưới làm cỗ; bán lớp người dưới thì gọi lớp người dưới nữa. Hễ có vào đám thì làng cứ việc đánh chén như thường.

- Nếu bán hết lượt thì làm thế nào?

- Hết lượt thì lại vắt lại, chẳng bao giờ làng chịu hết người làm cỗ. Đáng lẽ mỗi người một đời chỉ phải gánh cỗ một lượt, nhưng vì có lệ "bán cỗ" thành ra có người phải mua đến bốn, năm lần. Như cháu, năm nay mới bốn mươi mốt tuổi đã phải mua đến bốn lượt rồi, có lẽ còn phải mua một lượt nữa.

- Những lúc thế nào thì làng có quyền bán cỗ? - Chẳng có lệ ngạch nào cả. Các ông kỳ dịch muốn bán lúc nào thì bán. Đại khái thiếu tiền việc quan, hay là chữa chùa, chữa đình chẳng hạn, thì làng gọi người mua cỗ. Nhưng cũng có khi không có việc gì, các ông kỳ dịch bảo nhau thuê thợ đảo lại ngói đình, hoặc là phá đoạn tường này xây đoạn tường khác để lấy cớ mà bán cỗ. Bởi vì số tiền của người mua cỗ đem nộp, các ông ấy lại tiêu với nhau, trai đinh biết đấy là đâu? Nhiều người đã định bướng không chịu mua, nhưng không mua thì họ bắt phải làm cỗ, cũng chết, thì thà mua cho rảnh.

- Thế sao trai làng không kiện?

- Năm xưa cũng đã có người kiện rồi. Nhưng không đổ. Vì bọn kỳ dịch có tiền. Mà nào họ có mất gì của nhà họ đâu? Tiêu hết bao nhiêu họ cứ đi vay, xong việc, họ lại bán cỗ mà trả. Chẳng những họ không lỗ vốn, có khi còn được lãi nữa. Bởi vậy, họ đã bán cỗ cho ai, người ấy nhất định phải mua. Không mua họ bảo là người thiếu đóng, thiếu góp với làng rồi họ sổ ngôi. Nghe đến câu đó, tôi rất phục cái thủ đoạn của mấy ông kỳ dịch làng ấy. Có lẽ họ không thua gì những nhà chính trị đại gia.

Tôi còn đương muốn hỏi gì thêm thì ông chủ nhà vừa ở ngoài sân đi vào. Người cha thằng Tý bỏ tôi, để quay ra van lạy ông ấy lấy tiền mua cỗ cho thằng con út.

Ngô Tất Tố

 

No comments: