XÓM TÔI
Con đường Nguyễn tri Phương chỉ dài khoảng 2
cây số. Đầu đường là nhà máy phát điện của tỉnh, dạo đó ai cũng gọi là Nhà Đèn.
Cuối đường là một vựa thu mua ve chai lông vịt. Chủ vựa là chú Bảy Phát. Chú
mua đủ thứ vật dụng phế thải, từ sách báo cũ, bao xi măng, thùng các-tong cho
đến lông gà lông vịt, đồ đồng nát. Ngoài việc cân mua tại chỗ, chú Bảy còn có
một đội ngũ gồng gánh đi khắp thị xã, gom mua mấy thứ này, rồi về bán lại cho
chú. Tôi nghe nói có một ông Hoa kiều, tên Hui Bon Hoả, từ Trung quốc qua Việt
nam với hai bàn tay trắng, mà nhờ nghề mua bán đồ phế thải, sau này ông trở
thành một trong bốn người giàu nhất nước Việt nam. Người ta thường truyền khẩu
cho nhau nghe bài vè kể tên mấy đại phú gia nước Việt “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam
Xường, tứ Hoả”. Giàu nhất nước là ông huyện Sỹ tức là ông ngoại của Nam Phương
hoàng hậu, vợ của vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn. Kế là ông
Tổng đốc Đỗ hữu Phương, thứ ba là bá hộ Xường và thứ tư là chú Hoả. Trong tương
lai chắc chú Bảy Phát cũng giàu nhất nhì trong tỉnh, vì sau mấy năm làm nghề
mua bán đồ phế thải, chú Bảy đã khai trương một tiệm cầm đồ bề thế, cũng lấy
tên là Bảy Phát.
Bây giờ xin trở lại với cái nhà đèn ở đầu
đường Nguyễn tri Phương. Nhà đèn này được xây cất từ thời Pháp thuộc, chiếm một
diện tích khá lớn. Nó cung cấp điện năng cho cả thị xã Bến tre. Ban ngày cũng
như ban đêm, tiếng máy nổ ầm ì nghe điếc con rái.
Dân trong thị xã quen miệng gọi khu nhà tôi là xóm nhà đèn, còn ở cuối đường là
xóm ve chai lông vịt, hay gọi tắt là xóm lông vịt. Từ đó tên tuổi của bọn học
trò chúng tôi cũng được gắn liền với các địa danh này. Bạn bè thường gọi tôi là
thằng Danhn nhà đèn. Còn thằng Tài, nhà xích xuống dưới một chút, thì có tên là
thằng Tài lông vịt, nghe không được văn chương hoa mỹ chút nào. Nhưng rồi nó
cũng cắn răng mà chịu, chứ không lẽ bảo cha mẹ dọn nhà đi nơi khác, hay ít ra
cũng dọn về đầu đường cho gần nhà đèn. Bọn con trai thì như vậy, không biết bên
cánh con gái có những bí danh như Phượng nhà đèn hay Loan lông vịt không?
Cách tôi năm căn nhà, có nhà của dì hai Tằm.
Dì chuyên nghề bán xôi. Tờ mờ sáng, dì Hai đã gánh hàng ra chợ. Hai đầu gánh là
hai thúng xôi, thúng xôi bắp và thúng xôi đậu xanh. Bán đến khoảng 10 giờ là
hết sạch, dì Hai đi chợ mua nếp, đậu, đường, dừa khô để chuẩn bị cho buổi chợ
ngày hôm sau. Tôi là thân chủ trung thành của dì Hai. Mỗi tuần bảy ngày, có đến
bốn năm ngày tôi ăn xôi, có ngày xôi bắp có ngày xôi đậu xanh, xen kẻ nhau.
Nhưng muốn ăn thì phải dặn trước, vì sáng sớm khi dì Hai đi ngang qua nhà, thì tôi
chưa thức. Dì hai có hai người con, thằng Linh và con Thục. Linh trạc tuổi với
tôi. Thuở nhỏ hai đứa vẫn chơi bắn bi đánh đáo với nhau. Linh thi rớt lớp đệ
thất bậc trung học, từ đó nó đi phụ nghề thợ nề để kiếm tiền.
Sau này khi lên Sài gòn học, mỗi kỳ nghỉ hè trở về quê, tôi vẫn là khách hàng
trung thành của dì Hai. Khi dì Hai quảy giống gánh từ chợ trở về ngang qua nhà,
em tôi lớn tiếng dặn “Sáng mai dì Hai nhớ cho gói xôi 10 đồng nha”. Dì Hai cười
hỏi “Xôi bắp hay xôi đậu?. Cậu Danh mới dìa hả”.
Hồi đó dân trong xóm tôi sao mà chất phác và
tử tế quá. Nhà nào có việc quan hôn tang tế là cả phường phụ giúp, kẻ góp công
người góp của. Tôi nhớ khi mẹ của dì hai Tằm qua đời, dân trong xóm hùn tiền
lại để giúp dì Hai mua cái áo quan khá tốt cho mẹ. Khi thằng Linh đi lính Cộng
hoà bị thương, cả xóm hùn tiền mua sửa hộp, trái cây gởi cho, lúc nó còn nằm
trong bệnh viện. Nó đạp phải mìn cóc mìn nhái gì đó, bị dập nát một bàn chân.
Sau khi xuất viện, mang một bàn chân giả, đi cà thọt, Linh được chú Bảy Phát cho
một chỗ làm nhàn hạ. Nó chỉ ngồi tại vựa lông vịt, thu mua đồ phế thải. Công
việc tất bật vào buổi chiều, khi đội ngũ gồng gánh trở về. Linh phải cân đong
đo đếm các loại hàng, ghi vào sổ và cấp giấy thu mua, để chú Bảy chi tiền cho
người bán. Linh vừa lãnh tiền phế binh, vừa thêm tiền lương của chú Bảy, nên
đời sống của nó có vẽ lên hương. Nó bắt đầu có bạn gái, hẹn hò nhau đi coi hát
bóng, cải lương. Dì hai Tằm mừng ra mặt, mong cho nó mau cưới vợ, để dì có cháu
nội mà nựng.
Phần cô Thục, con gái của dì Hai, đã lập gia
đình. Hôm đám cưới Thục, dì hai Tằm mời gần như cả xóm. Dì cho che rạp phủ
nguyên cái sân rộng, cổng vào nhà làm bằng tàu dừa nước, bên trên có tấm bảng
vẽ chữ “Lễ vu quy”. Thục lấy chồng là thiếu úy Địa phương quân, đóng ngay tại
tỉnh lỵ. Đám cưới xong, Thục dọn về ở bên nhà chồng.
Riêng Linh và tôi chưa kịp lập gia đình thì biến cố 30/4 xảy đến. Dân xóm tôi
cũng có một số dính líu đến chế độ cũ. Nếu không đi lính thì cũng làm công
chức. Số còn lại là dân lao động, buôn gánh bán bưng. Nhà nào thuộc ngụy quân
ngụy quyền thì im lìm nín thở, chờ đợi một tương lai bất định. Vì chính sách
giản dân buộc những người có vườn đất phải hồi hương, ai không có đất đai, hoặc
vô công rỗi nghề, thì được chỉ định đi vùng kinh tế mới.
Trong lúc mọi người đều xanh xao vàng vọt, thì
nhà dì hai Tằm lại có quới nhơn xuất hiện. Dượng hai từ trong khu trở về thành
phố. Nghe nói dượng Hai giữ chức vụ lớn trong Thị xã ủy. Dì hai vẫn đi bán xôi.
Thằng Linh vẫn đi làm vựa lông vịt. Nó chỉ còn lãnh một đầu lương, tiền phế
binh của nó bị cúp ngang xương, làm nó chửi thề quá trời.
Dượng hai Tằm bảo cả nhà dọn về căn biệt thự
của một gia đình di tản bỏ trống, nhưng dì hai không chịu. Dì bảo “Đâu phải nhà
của mình mà vô ở, ông có đi thì đi. Mẹ con tui ở đây hơn 20 năm quen rồi”. Sau
đó, dượng hai phải sửa lại căn nhà đang ở, từ vách ván qua vách tường gạch, từ
nhà trệt lên nhà lầu ba từng, coi cũng huy hoàng lắm.
Thời gian sau, chính quyền cách mạng tịch thu tiệm cầm đồ và vựa thu mua ve
chai lông vịt của chú bảy Phát. Chú phải đi học tập trong đợt cải tạo tư sản
mại bản. Thằng Linh được ba nó cho lên chức Chủ nhiệm công ty mua bán vật dụng
phế thải, tức là cái vựa lông vịt mà nó đang làm công, nhưng nó nhứt quyết từ
chối. Cũng như dì hai Tằm, thằng Linh cằn nhằn ba nó “Tài sản của người ta chứ
có phải của con đâu, mà bảo con lên làm chủ nhiệm hay chủ tiệm”. Dượng hai rầy
rà nó mãi, nó mới chịu … hạ mình làm Trưởng khâu thu mua. Dượng hai còn bảo dì
hai Tằm nghỉ bán xôi, để dượng sắp xếp cho làm Trưởng cửa hàng Bách hoá Tổng hợp,
nhưng dì hai cũng mè nheo “Tui một đồng một chữ cũng không có, lấy gì mà làm
trưởng với phó cái cửa hàng to chảng đó”. Cuối cùng dì hai đành phải vào làm
nhân viên đứng bán hàng. Một phần dì đã lớn tuổi, không còn dãi dầu mưa nắng,
một phần khi đi bán xôi ở chợ, cứ bị bọn Cờ đỏ và ban quản lý chợ đuổi tới đuổi
lui, có bửa chạy đứt quang gánh mà cụt vốn.
Chồng cô Thục, mang lon Trung úy Địa phương
quân, đi học tập cải tạo. Dượng hai Tằm làm giấy bảo lãnh cho nó. Không biết
dượng phù phép ra sao, mà nó chỉ đi học có một năm thì về nhà, trong lúc sĩ
quan cấp úy phải học tập khoảng hai ba năm hay hơn nữa, nếu phục vụ ở các cơ
quan ác ôn như Tâm lý chiến, Chiến tranh chính trị. Cuối cùng chồng của Thục
cũng chui vào làm ở vựa ve chai lông vịt. Mấy năm sau, khi Mỹ cho phép cựu sĩ
quan Việt nam Cộng hòa đi tù cải tạo từ ba năm trở lên, được qua Mỹ theo diện
HO, chồng của Thục chửi thề quá trời. Nó than “Phải chi ông già đừng bảo lãnh,
để mình đi học ba năm, thì được qua Mỹ rồi!”. Dượng hai Tằm nghe được, chửi đổng
“Đúng là một bọn phản động, chỉ ôm chưn theo đế quốc Mỹ”.
Riêng tôi, vì là quân nhân biệt phái nên bị
chính quyền mới cho nghỉ việc. Thằng Linh rũ tôi đi làm chung với nó, nhưng lý
lịch của tôi không có màu hồng, nên khó mà lọt được vào quy chế cán bộ công
nhân viên. Rồi không biết thằng Linh năn nỉ ba nó thế nào, mà ổng chịu đưa tôi
vào làm việc trong cửa hàng thu mua phế liệu, dưới quyền của Linh. Từ đó tôi
cũng là công nhân viên chức. Khỏi phải đi đào kinh thủy lợi, khỏi phải dọn nhà
đi kinh tế mới. Cũng may, bạn bè thời Tiểu học, Trung học đã tứ tán. Thằng hi
sinh ở chiến trường, thằng vượt biên di tản, thằng hồi hương hay đi kinh tế
mới. Chứ nếu chúng nó mà còn đông đủ và biết tôi đi làm ở vựa ve chai lông vịt,
chắc tụi nó sẽ thay đổi tên tục của tôi từ Danh nhà đèn thành Danh lông vịt.
Ba đứa tôi, thằng Linh, chồng cô Thục và tôi,
trở thành bộ tam sên trong vựa ve chai lông vịt. Cuối tuần là nhậu nhẹt bia
hơi, nghêu sò ốc hến. Thỉnh thoảng, dượng hai Tằm, ba của Linh, cũng tham gia
tiệc nhậu. Ngày qua ngày, tôi thấy ông lộ vẽ an phận thủ thường, không còn hồ
hỡi phấn khởi, tin tưởng vào một tương lai rực rỡ cho đất nước, như lời Tổng bí
thư Lê Duẫn đã dạy “Chỉ trong vòng năm năm nửa, nước ta sẽ phát triển hơn Thái
Lan về mọi phương diện!!!”.
Một hôm Linh thố lộ với bọn tôi:
– Vân ơi, hồi trước vựa chú Bảy năm nào cũng lời dữ lắm. Tháng Tết là tao có
tiền thưởng khá bộn. Còn mấy năm nay về tay Cách mạng sao lại lỗ te tua.
Linh muốn đặt vấn đề với ban chủ nhiệm. Tôi khuyên nó nên hỏi ý kiến Ba nó
trước. Quả thật, Ba nó lên lớp cho nó một trận:
– Con à, con coi chừng mang hoạ vào thân đó. Cả nước có hàng ngàn cơ sở quốc
doanh, có cái nào lời lãi đâu, mà con thắc mắc. Sao hồi trước, ba đưa con vô
làm chủ nhiệm, con không chịu, bây giờ bức xúc cái gì. Bứt mây động rừng đó
con. Im cái miệng đi cho ba nhờ.
Từ năm 1978 trở đi, phong trào vượt biên lên
cao. Người đi chui, người đi bán chính thức. Người tàu cây, người tàu sắt. Thị
xã Bến tre nhộn nhịp hẵn lên. Người Hoa từ Sài gòn đổ xuống rần rộ. Công an và
mấy ông chủ tàu, ăn nhậu ngày đêm, chung nộp vàng lá ngay trong tiệm nước. Lúc
đó, tôi cũng được một người bạn thân cho đi ké với điều kiện góp trước hai cây
vàng, để anh ta lo đóng tàu. Sát ngày đi, tôi thố lộ cùng Linh:
– Tuần tới nếu thấy tao vắng mặt là mày biết tao thăng nha.
Linh trách tôi:
– Sao mày không cho tao biết sớm, để chồng con Thục đi với.
Tôi ngạc nhiên:
– Trời đất, rể cán bộ gộc mà cũng đi sao. Ba mày chửi chết.
Linh thấp giọng:
– Mày thấy đó. Có ai muốn sống ở cái thiên đường xã-nghĩa này đâu. Tao cũng
muốn đi, nhưng mẹ tao chỉ có một mình tao con trai. Vã lại tao ở lại cũng không
đến nỗi nào, vì còn có cái lộng dù của ông già.
Tôi xin lỗi Linh, bởi chủ ghe bảo phải giữ bí mật tuyệt đối, và thực tình tôi
không có quyền kêu khách, nên không thể rũ rê thêm ai được.
Những người bỏ nước ra đi ai cũng có nhiều nỗi
nhớ. Riêng tôi khi đã an cư lạc nghiệp ở nước ngoài, tôi vẫn nhớ về quê hương
xứ dừa hiền hoà. Tôi nhớ dì hai Tằm với món xôi bắp thơm lừng xác hành chấy, và
món xôi đậu có mấy cộng dừa nạo, mộng nước ngọt dòn, nằm dằn trên mấy hạt đậu
xanh vàng hực. Tôi nhớ thằng Linh bạn tôi, đã hi sinh một phần thân thể
trong cuộc chiến bảo vệ quê hương, nhằm chống lại tà thuyết Mác Lê mà ba nó là
một tác nhân. Tôi cũng nhớ dượng hai Tằm, một cán bộ miền Nam chân chất. Cả đời
dượng đi theo Cách mạng, với tâm huyết thực hiện một xã hội công bằng dân chủ,
để rồi cuối đời im lìm sợ sệt, sợ ngay cái guồng máy khổng lồ mà dượng đã hi
sinh xương máu để xây dựng nó.
Nguyễn đồng Danh.
Feb 22, ’10 6:43 AM
for everyone
No comments:
Post a Comment