Có hai Nguyễn Bính
Nếu anh chủ bút không nhắn tôi viết một bài về Nguyễn Bính, chính tôi
cũng yêu cầu anh dành cho tôi mấy trang trong số đặc biệt này để có dịp nói lên
một tâm tư thắc mắc từ lâu về Bính.
Vũ
Bằng
Nguyễn
Bính (1918–1966)
Thắc mắc này chôn chặt trong lòng tôi từ hơn ba chục năm nay. Bài này là
một bài tự kiểm thảo, tự thú, mà độc giả có thể do đó nhìn thấy một khía cạnh
kém phần đẹp đẽ của một người bạn đối với một người bạn, của một nhà văn đối
với một nhà văn, và nói rộng hơn một chút, của một người đối với một
người.
Nguyễn Bính, đối với tôi không từng là một đôi bạn thân thiết bao giờ
hết. Bây giờ tôi không còn nhớ tôi đã gặp Bính lần đầu đi với ai và gặp ở đâu.
Tôi chỉ biết rằng Bính biết tôi sơ sơ mà tôi đối với Bính cũng chỉ lơ là xã
giao, nói dăm ba câu chuyện với nhau cho phải phép, nhưng có lẽ Bính vốn là
“nông dân” trời phú cho cái tính thực thà, đôn hậu đặc biệt nên anh không biết
như thế mà cứ coi tôi là một thứ bạn chân thành có thể cởi mở nỗi lòng mỗi khi
“đầy vơi tâm sự”. Không. Dù biết là có tội và rất có thể bị nhiều văn hữu khinh
khi, tôi cũng cứ phải nói thật: ở Hà Nội, vào lúc Nguyễn Bính ra những bài “Lỡ
bước sang ngang” tôi đã coi thường anh và không chịu đăng thơ anh trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy lúc đầu. Tôi cho anh là một
thứ thi sĩ “nhà quê”, không, làm thơ như làm vè và có lần tôi đã nói thẳng với
Thâm Tâm rằng “thơ của Nguyễn Bính là thơ “Tống Trân Cúc Hoa” không thể nào
chịu được”. Và tôi hay lấy hai câu này trong “Phạm Công Cúc Hoa” nhái thơ
Nguyễn Bính:
Thịt
mỡ thái vuông con cờ
Lấy ai chấy rận cho bà, bà ôi.
Không phải tôi chỉ chê thơ Nguyễn Bính. Chính cá nhân Bính tôi cũng
không có cảm tình. Đời có những sự kỳ lạ như thế, đến bây giờ tôi vẫn không thể
nào hiểu nổi. Tại Bính thành thực đến vụng về? Tại giữa Bính và tôi không có
một thứ nhân điện hút lấy nhau? Hay là tại Bính có một tác phong thi sĩ mà tôi
một văn sĩ kiêm ký giả, mới gặp lần đầu đã nuôi ngay một thành kiến cho là giả
tạo?
Tôi cũng chẳng bao giờ phân tách và tìm hiểu sâu hơn trạng thái tâm lý
đó làm gì, nhưng về sau này, lúc Nguyễn Bính ở Nam, nhớ đến Bính, tôi có lúc
ngờ rằng tôi đã có hồi coi thường Bính chính là vì tôi đã mắc một thứ bịnh ghê
tởm bịnh “tự cho mình là nhà văn, nhà báo lớn coi thường các bạn hữu chưa tên
tuổi, các bạn hữu mà lúc đó chúng tôi kêu là bọn mới lớn, bọn tép ranh”. Có lẽ
chính vì bịnh ấy nên mấy lần Nguyễn Bính tìm đến thăm tôi ở đường Hàng Da, tôi
đều tỏ ra vẻ lạnh nhạt, chuyện trò lấy lệ, không chút mặn mà. Làm được một bài
thơ hay, Bính đọc cho tôi nghe tôi ừ ào và khen lếu mấy câu cho phải phép. Bởi
vì đã nuôi một thành kiến về bạn như thế rồi, làm sao mà tôi tìm ra được cái
hay, cái lạ, cái mới, cái đẹp? Đúng như tâm trạng này anh em hiện nay thoá mạ
các nhà văn tiền chiến tôi chỉ thấy cái dở của Nguyễn Bính và do đó có những cử
chỉ rất thường của Bính cũng làm cho tôi khó chịu. Bực nhất là cái đầu bù của
Bính và cái dáng điệu uốn éo của Bính khi trò chuyện. Cái gì mà “đàn ông đàn
ang” với nhau, nói chuyện văn chương, báo chí lại không xưng là anh và tôi như
mọi người, mà lại lập dị “làm ra cái vẻ ngây thơ cụ” một điều xưng mình là
Bính, hai điều xưng mình là Bính? “Bính nghĩ thế này… Hôm qua Bính vừa làm được
mấy câu thơ đắc ý xin đọc hiền huynh nghe… Bính tức quá vì nhà xuất bản nó trả tiền,
Bính đi hát cô đầu hết, bây giờ nó đòi lại, và nó dọa nếu không trả thì nó đưa
ra toà”.
Thành ra tôi bị một cái thiệt không tả được, đến bây giờ còn tiếc: anh
em không nói chuyện nhiều với tôi về Bính, Bính không viết truyện làm thơ cho
mấy báo văn nghệ tôi làm lúc đó như Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Phổ Thông bán nguyệt san, Ích Hữu và riêng về đời
sống của Bính, cách sống hàng ngày tôi không được biết nhiều, cũng như tôi
không biết Bính ở đâu ở với ai – nhưng có một điều chắc chắn là Bính không có
lúc nào sung sướng và đời anh là một đời “bô-hê-miêng” chữ của Nguyễn Tuân gần
hết kiếp người ở nhờ nhà các bạn, tại Trung Nam cũng như tại Bắc và có khi ở
nhờ luôn cả những người chỉ quen biết sơ sơ.
Bóng
giai nhân và Nguyễn Bính
Thật cũng là một cái may mà người ta thỉnh thoảng lại đi chơi tếu. Một
buổi sáng thu ở Hà Nội tôi đương thơ thẩn một mình trên con đường Nghi Tàm để
lựa vài cây thế về trồng thì gặp Trần Huyền Trân và Thâm Tâm ngồi chung một
chiếc xe vẫy tay gọi tôi. Đầu họ bù xù, ca-vát xộc xệch: tôi đoán là đêm trước
họ vừa “ngủ trọ” ở đâu mới về. Sau câu chuyện “tốc hành”, tôi biết là trưa đó,
họ đi Hải Phòng. Anh đi không? Có trò lạ! Muốn gì cũng được.
Nghe thấy câu chuyện “hấp dẫn” tôi bỏ luôn cây thế kêu một cái xe “tháp
tùng” liền. Đúng vậy, chiều hôm ấy, chúng tôi xuống đến Hải Phòng và công việc
đầu tiên là kiếm một nhà hát thật sang để thiết lập “tổng hành dinh” và đến lúc
anh kép già lên giây cây đàn đáy dạo bài bất hủ “xanh, chín chùm sung xanh,
chín chùm sung xanh” tôi mới vỡ lẽ ra rằng bọn này đến đây đợi Nguyễn Bính, Vũ
Hoàng Chương và một vài bạn khác để trình diện một vở kịch thơ mới nhan đề là
“Bóng giai nhân”.
Hồi đó là tháng chín năm 1942. “Bóng giai nhân” trình diễn lần đầu. Sau
đó, đưa về Hà Nội trình diễn ở nhà Hát Tây khoảng tháng 10, tức là cùng năm
trình diễn vở kịch thơ “Vân Muội” của Vũ Hoàng Chương. Tôi còn nhớ bầu không
khí hôm ban kịch Nguyễn Bính – Thâm Tâm diễn “Bóng giai nhân” lần đầu. Bởi vì
lúc đó phong trào văn nghệ lên rất cao, mà kịch thơ lại không có mấy nên khán
giả mua vé trước rất đông vào khoảng sáu giờ chiều thì vé hết, không còn một
cái. Nhà hát chật ních người. Tiếng vỗ tay hoan hô đoàn nghệ sĩ vang lên không
ngớt. “Bóng giai nhân” được hoan nghênh nhiệt liệt. Mấy vai chính trong vở được
công kênh lên từ rạp ra đến chỗ xe hơi. Thời gian đã trôi qua nhiều rồi nhưng
tôi vẫn nhớ như ngày hôm qua từng cái cất tay, lắc đầu, từng nét giận hờn cười
nhạt, từng câu dằn xuống, từng tiếng ngâm cao vút của Vũ Hoàng Chương, Trần
Huyền Trân và Nguyễn Bính, thứ tự thủ vai tráng sĩ, vai đạo sĩ và vai người đúc
gươm trong kịch.
Kịch chỉ có ba vai. Còn vai “giai nhân” thì chỉ có cái bóng hiện ra rồi
mờ đi rồi lại hiện ra, không nói, không ngâm gì hết nên ban kịch không phải mất
công lựa người. Tôi nhớ mang máng vai ấy do một cô đào ở Vạn Thái hay Khâm
Thiên gì đó thủ vai.
Vở kịch toát ra một bầu không khí cách mạng, kích thích người coi đi
theo ba vai chính để cứu nguy dân tộc. Vào đây tôi không thấy ai có vở kịch đó.
Gặp Vũ Hoàng Chương tôi có đem ra hỏi thì Chương cho biết hình như chính Bính
cũng không giữ được, một hai bản thảo do mấy người bạn không quan hệ giữ sau
khi trình diễn ở nhà Hát Tây.
Nguyễn
Bính và Yến Lan
Thực ra, kịch “Bóng giai nhân”, không phải có một mình Nguyễn Bính soạn
thảo. Anh viết vở kịch này cùng với một người bạn mà anh đã từng sống chung ở
Huế: Yến Lan. Yến Lan là thi sĩ có tiếng ở miền Trung, hiện nay không biết còn
sống hay đã mất, nhưng theo lời những người thân thiết của anh thì khoảng năm
1945-1946 Yến Lan đã từng cùng Chế Lan Viên, Phạm Đăng Chí, Nguyễn Hữu Ba họp
thành một phái đoàn đi từ Trung ra Bắc, ngừng lại từng tỉnh một để làm đề tài
viết văn, làm thơ. Vẫn theo nguồn tin trên thì phái đoàn văn nghệ của Yến Lan
đã tìm được nhiều tài liệu quý ở làng Cổ Đạm (làng của thi sĩ Nguyễn Du) để làm
giàu cho kho tàng văn học Việt Nam, và một số tài liệu ấy đã được ghi lại cho
nhà học giả Đào Duy Anh để thảo về nền văn minh Á Đông giữa hai địa điểm Nghệ
Tĩnh Tuy Hoà và Ấn Độ.
Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, tác giả bản nhạc danh tiếng “Lửa rừng đêm” chỉ biết
Yến Lan mà không biết Nguyễn Bính nhiều. Nhân một buổi chiều họp trò chuyện vào
lúc trà dư tửu hậu, Nguyễn Hữu Ba, nhân danh một nhạc sĩ, cho hay rằng theo ý
anh thì có lẽ trong các thi nhân hiện đại, Nguyễn Bính là người có nhiều thơ
phổ vào nhạc nhất. Tại sao? Có lẽ tại Bính là một nhà thơ bình dân đã gảy đúng
khúc đàn lòng của con người, Nguyễn Bính đã tạo nên những chữ, những vần mà bất
cứ giai cấp xã hội nào nghe cũng thấy hợp với họ và sau hết là tại Bính đã đem
vào trong thơ một thứ nhạc mới nhưng thực ra thì cũng phản ảnh một cách trung
thành dân tộc tính.
Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba còn cho biết thêm:
Trong tất cả các bài thơ được phổ nhạc từ trước tới nay, kể từ bài
“Thằng Bờm” của Nguyễn Xuân Khoát cho đến các bài mới như “Sơn Tinh, Thuỷ Tinh”
“Thơ Hồ Dzếnh” kể cả thơ phổ nhạc của Phạm Duy, theo ý tôi, không có bài nào
thành công vẻ vang như bài “Cô lái đò” của Nguyễn Bính do nhạc sĩ Nguyễn Đình
Phúc phổ nhạc.
“Xuân đã đem mong nhớ trở về…”
Trong suốt bản nhạc, thính giả không một lúc nào cảm giác thấy bản nhạc
bị gò bó trong một bài thơ, mà chính bài thơ cũng không hề bị nhạc hãm hiếp làm
cho mất tính cách nguyên thuỷ và trong trắng của nó. Nghe thì việc đó tầm
thường, nhưng công việc tạo tác một bản nhạc qua một bài thơ mà làm cách nào
cho thơ và nhạc hỗ tương nhau thơ không bị nhạc hãm hiếp, thực quả là một công
việc hết sức khó khăn, hết sức vất vả, nếu nhạc sĩ không yêu bài thơ triệt để,
không thông suốt tinh thần của nhà thơ, không cảm thông với nhà thơ như hình
với bóng thì không thể nào làm nổi.
Vũ
Hoàng Chương và thơ Nguyễn Bính
Tôi quay sang hỏi Vũ Hoàng Chương:
– Còn anh, có thể cho chúng tôi biết một hai ý kiến về thơ Nguyễn Bính
không? Tôi hỏi vậy là vì tôi biết Vũ Hoàng Chương trước khi thủ vai tráng sĩ
trong vở “Bóng giai nhân” của Nguyễn Bính đã là bạn thân của Bính và, cũng như
tôi đã biết trong nhiều cuộc đi giang hồ vặt (như lên Bắc Giang thăm Bàng Bá
Lân), Bính vẫn cập kè bên Chương và có hồi Bính đã xách va ly về Nam ở nhà Vũ
Hoàng Chương hàng tháng.
Vũ Hoàng Chương suy nghĩ một giây lâu rồi cười khà khà mà lắc đầu:
– Không thể nói được. Thực vậy, tôi là bạn thân của Bính, nếu tôi nói
thật, e rằng có người cho là tôi thiên vị. Duy có một điều này nói ra mà không
sợ ai cải chính: thơ Nguyễn Bính so với thơ bây giờ là thứ thơ được phổ biến
nhất trong dân chúng.
– Đúng thế theo nhận xét của tôi thì trước 1945, thơ Nguyễn Bính không
được lưu ý nhiều nhưng từ 1949, 1950 trở đi thì những người yêu thơ Nguyễn Bính
mỗi ngày mỗi nhiều hơn. Không phải chỉ có nữ sinh tìm mua thơ Nguyễn Bính hay
chép lại thơ Nguyễn Bính vào sách vở để ngâm nga những lúc mây chiều gió sớm,
ngay các học sinh, sinh viên cũng vậy. Đặc biệt là có những người lớn tuổi,
trước đây, chê thơ Nguyễn Bính là “buồn vay khóc mướn” là uỷ mị, ướt át, bịnh
hoạn, lúc này vô tình cũng ngâm lên mấy câu thơ của Nguyễn Bính và nhận là
tuyệt cú, như những câu:
Thôn
Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
Hay:
Bảo
rằng cách trở đò giang
Không sang là chẳng đường sang đã đành.
Nhưng đây cách trở đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi!
Hay:
Nhà
em có một giàn giầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?
Hay:
Xuôi
dòng nước chảy liên miên,
Đưa thân thể chị tới miền đau thương.
Mười năm gối hận bên giường
Mười năm nước mắt bữa thường thay canh
Mười năm đưa đám một mình
Đào sâu chôn chặt mối tình đầu tiên,
Mười năm lòng lạnh như tiền
Tim đi hết máu cái duyên không về!
Hay:
Thế
là tan một giấc mơ,
Thế là cả một bài thơ não nùng
Tuổi son, má đỏ, môi hồng
Bước chân về đến nhà chồng là thôi.
Đêm qua mưa gió đầy trời
Trong hồn chỉ có một người đi qua
Em về thương lấy mẹ già
Đừng mong ngóng chị nữa mà uổng công
Chị giờ sống cũng bằng không
Coi như chị đã ngang sông đắm đò
Đại khái một ít vần thơ của Nguyễn Bính lúc đầu như thế. Có nhiều người
trí thức không thích thơ vè, có nhiều lúc vô tình ngâm lên rồi sau mới nhớ là
thơ Bính. Nhưng đặc biệt là ở trong Nam số người yêu thơ của Bính có phần là
đông hơn ở Bắc và Trung. Rất nhiều người đàn bà nằm võng ru con bằng thơ Nguyễn
Bính, có nhiều cô gái quê gặt lúa, hái dâu buồn buồn cũng cất tiếng ngâm thơ
Nguyễn Bính, còn chị em buôn bán ở các chợ thì thuộc thơ Nguyễn Bính vào hạng
nhất.
Hoàng
Lan nhận xét ra sao về Nguyễn Bính?
– Còn Hoàng Lan, anh có nhận xét gì về Nguyễn Bính?
Vừa rồi, anh có dùng chữ “bịnh hoạn” để nói về thơ Nguyễn Bính. Tôi nhớ
đã dùng chữ đó để phê bình thơ Nguyễn Bính lúc tôi giữ mục phụ nữ nhi đồng trên
báo “Tin mới” ở Hà Nội của bác sĩ Luyện và “Việt Nữ”, báo phụ nữ văn học của Tô
Châu Nho. Hồi đó, Bính giận tôi lắm, nhưng tôi không quản ngại. Anh có xa tôi,
ít lâu, nhưng có lẽ về sau anh cũng thấy rằng nhận xét của tôi có đúng một phần
nào nên anh em lại giao du như trước, nhưng lúc nào tôi cũng vẫn giữ nguyên lập
trường: thơ anh hay đọc lên nghe sướng lỗ tai, việc đó đã đành, nhưng ở một
nước đang tìm cách vươn lên để phá đổ xiềng xích của thực dân phong kiến, những
lời thơ uỷ mị, bịnh hoạn như thế có hại nhiều hơn có lợi.
Tại sao Bính lại tạo ra những vần thơ như thế lúc bấy giờ? Theo tôi, đó
là tại lúc bấy giờ Bính sống vật vờ, vô định sở, không có bạn dẫn dắt, không có
một phương châm tranh đấu. Chính anh cũng là một người bịnh hoạn cho nên chỉ
tìm một lề lối sống còn dễ dãi, mặc cho đời muốn lôi kéo đến đâu thì kéo, không
kỳ quản. Vì thế anh ham tất cả các dật dục vong nhân: rượu thích, phiện thích,
nhưng đặc biệt nhất trong con người Nguyễn Bính là mê gái, mê không tả được, mê
bất cứ người nào để ý đến anh một chút, mê không cần phân biệt đẹp hay xấu, dở
hay hay, mê đến nỗi anh em có người phải lấy làm lạ sao lại có thể yêu vô lý
đến thế, yêu kỳ cục đến thế, yêu điên cuồng như thế. Nói cho cùng, người đàn
ông nào nhất là các người “có nhiều văn tinh chiếu mệnh hay chiếu thân” – mà
lại chẳng có thời kỳ say sưa mê mệt một vài người đẹp, nhưng tất cả những người
đó đều không có nghĩa lý gì bên Nguyễn Bính. Là vì Nguyễn Bính yêu ai – dù là
yêu vụng nhớ thầm, yêu mà không được chia sẻ tình yêu thì anh tưởng như có thể
chết ngay vì người đẹp, do đó nhiều khi anh thành ra một thứ người si ngốc, một
thứ người “lẩm cẩm”. Mà đặc biệt nhất là cứ yêu như thế chớ không cần biết là
yêu để làm gì, yêu để đi đến đâu, yêu để thành một cặp nhân ngãi hay để thành
vợ thành chồng… Không Nguyễn Bính không cần gì hết, cứ biết yêu là yêu thôi,
phàm ai nói trái lại thì Bính cho là “không thực tế ai biết ngày mai ra thế nào
mà xây mộng tương lai” và anh kết luận “yêu mà dự định thế này thế nọ là… phong
kiến”.
Nhắc tới đây, tôi không thể không nhớ lại nhiều câu thơ của Nguyễn Bính
– nhất là những bài “Lỡ bước sang ngang” – trong đó hay nhắc nhở đến một người
đàn bà tên “chị Trúc”.
Em
đi theo đuổi mối tơ duyên
Dò mãi lòng sông, sắm mãi thuyền.
Cho đến một hôm em mới nhớ
“Lòng người… chị Trúc nhớ hay quên?”
– Đúng vậy. Không cứ tôi, nhiều người đọc thơ Nguyễn Bính cũng băn khoăn
muốn biết “chị Trúc” là ai. Đó là một người bạn gái mà Bính gọi là chị? Hay là
chị thực của Bính, mà nếu như thế thì là chị ruột hay chị họ? Hay là một người
nào đó lớn tuổi hơn Bính mà Bính nhận là chị?
Điều này, tôi không muốn nói ra, nhưng bởi vì anh hỏi, tôi đành phải
nói. Theo lời tâm sự của thi sĩ Trúc Đường, một thân hữu của tôi từng sống gần
gũi với nhau ở Hà Nội cũng như ở ngoài kháng chiến, “chị Trúc” trong các bài
thơ của Nguyễn Bính có ý chỉ đến vợ Trúc Đường. Nguyễn Bính và Trúc Đường là
anh em với nhau – nhưng anh em thế nào thì tôi không rõ. Hai người thân yêu
nhau, có hồi cùng sống với nhau một nhà. Bính yêu thương chị Trúc mà Bính cho
là “người đàn bà lý tưởng”.
Trúc Đường cũng biết như vậy, nhưng anh không hề cho việc ấy là quan hệ
và có lần chính anh đã nói: “Như thế lại càng hay vì đó là cái cớ để cho Bính
yêu đời hơn một chút”.
Nguyễn
Bính thứ hai xuất hiện hồi Nhật đến Đông Dương
Riêng phần tôi, cho đến lúc Tây xuống nước, Nhật hồi đầu đổ bộ Đông
Dương, thì cảm tình của tôi đối với Nguyễn Bính đã có phần nào thay đổi. Sự
thay đổi về tình cảm đó bắt đầu khi tôi đi coi vở kịch “Bóng giai nhân” ở Hải
Phòng: hôm ấy ba vai chính trong kịch đều tỏ ra xuất sắc, tôi bị hấp dẫn từ đầu
đến cuối vở kịch và ngay lúc ra về tôi cảm thấy yêu cả Trần Huyền Trân, Vũ
Hoàng Chương và Nguyễn Bính, và đêm hôm đó nằm chưa ngủ, tôi lẩm nhẩm một câu
trong “Tỳ bà hành”, bản dịch của Phan Huy Vịnh:
Mâm
ngọc đâu, bỗng nẩy hạt châu
Ngày một ngày hai, tôi không có ác cảm với Nguyễn Bính nữa và nhiều lần
tôi muốn gặp lại anh, nhưng không may là từ lúc Nhật đến đuổi Tây đi thì không
ai còn thấy bóng dáng Bính ở dưới trời Hà Nội nữa. Hỏi thăm các anh em thì có
người bảo Bính đi Huế, có người bảo không biết anh ta ở đâu, lại có người bảo
Bính cùng đi với Tô Hoài vào Nam. Đến tận lúc Việt Minh về, dành lại chính
quyền cũng không thấy Bính đâu. Rồi Pháp trở lại, miền Nam kháng chiến, dân ta
nổi dậy đánh Anh, Pháp bằng gậy tầm vông, tôi mới lại nghe thấy nói đến Bính và
lần này thì tôi biết đích xác là anh ở trong Nam. Thỉnh thoảng một vài bạn gặp
tôi lại đọc cho nghe một vài câu thơ mới của Nguyễn Bính gửi về:
Quán
trọ nhà thơ, như chiêm bao
Khi thì chợ Quán, khi Đa Kao.
Hiện nay sống tạm bên cầu Muối,
Rồi biết mai kia ở chốn nào?
Kính thăm tất cả người thân thích
Còn chuyện phương xa để lúc về
(Là lúc khải hoàn thân gió bụi)
Quê nhà, em sẽ kể anh nghe.
Lúc này tôi cũng được tin cho biết Nguyễn Bính từ lâu vẫn hoạt động cho
kháng chiến. Từ lâu, dưới chiêu bài giang hồ vô định sở, Bính đi khắp đó thì
đây và chính vào lúc Anh, Pháp mở những cuộc hành quân kêu là “càn quét” thì
Bính ở Nam. Theo lời một người bạn đã chung sống với Bính lúc ấy thì thực dân
đã bắt Bính ở Phú Nhuận đem về cầm giữ một thời gian và họ đã giữ nhiều giấy
tờ, trong đó có bài thơ “Hành phương Nam” mà lối thơ hoàn toàn khác hẳn lúc
Nguyễn Bính ở Hà Nội thương mây khóc gió, hận cho chị, giận cho mình.
Một Nguyễn Bính thứ hai xuất hiện với những bài thơ đanh thép, nuốt căm
thù, thi gan cùng gian khổ với một ý chí sắt đá là đánh Tây, diệt Nhật, như
những câu:
Tâm
giao mấy kẻ thì phương Bắc,
Ly tán vì cơn gió bụi này.
Người ơi buồn lắm mà không khóc
Mà vẫn cười qua chén rượu đầy.
Rẫy ruồng châu ngọc thù son phấn,
Mắt đỏ lên rồi cứ chết ngay.
Hỡi ơi nhiếp chính mà băm mặt,
Giữa chợ ai mà khóc nhận thây.
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ,
Uống say mà gọi thế nhân ơi…
Hay
những câu trong bài “Đồng Tháp Mười”:
Kể
từ khi
Đặt chân lên đất nước này
Giặc Pháp giở trò xâm lược,
Ngậm hờn vong quốc.
Tháp Mười chung oán hận với non sông.
Bông súng ngoài đồng
Bầm gan tím ruột
Nước phèn chua chát.
Lắng nỗi đau thương…
Đốc binh Kiều thiên hộ Dương
Bóng cờ khởi nghĩa mà trong gió sương
. . . .
. . . . .
. . . . . .
. . .
Chưa được mấy ngày vui độc lập
Miền Nam khói lửa đã tơi bời.
Giặc
Pháp mặt người dạ thú
Toan bè nuốt sống ăn tươi
Cả nước Việt Nam
Cả người Việt Nam
Giặc thừa cơ hội
Gây cuộc xâm lăng.
Nối cuộc xâm lăng
Gây chinh chiến đất bằng nổi sóng,
Xua binh qua chiếm đóng miền Nam
Xứng đáng đồng bào Nam Bộ,
Tháp Mười thét lên:
– Không hàng
Bao nhiêu tình cảm của tôi đối với Nguyễn Bính lúc này vụt thay đổi hết.
Nhân một chuyến vào Nam công tác cho tờ “Trung Bắc chủ nhật”, tôi cố ý đi tìm
Nguyễn Bính, nhưng vì công việc bận rộn một phần vì thời gian lưu lại Nam Bộ bị
hạn chế phần khác tôi không thể nào tìm được Nguyễn Bính để bắt tay một cái,
trò chuyện đôi câu. Tôi đi tìm Nguyễn Doãn Chu một người bạn Bắc nổi tiếng là
“thổ công Sài Gòn” thì được biết Chu đã mất, vợ về ruộng còn con trai anh, một
bạn của Bính thì đã đi khu rồi. Thế là tôi đành phải về không và từ đó không
còn bao giờ được gặp Nguyễn Bính nữa, cho tới sau vụ án “Trăm Hoa”, “Nhân Văn”.
Và năm 1966 thì được tin Bính đã ra người thiên cổ.
Hận
mang mang
Sống trong thanh bình, cơm no bò cưỡi, mà một hôm xấu trời được tin hết
người bạn nầy đến người bạn kia tạ thế, lòng mình đã buồn lắm lắm rồi; riêng
tin Nguyễn Bính qua đời không những làm cho lòng tôi thêm rầu rĩ mà lại còn làm
cho lòng tôi thêm khốn khổ. Mỗi khi nghe ngâm thơ Nguyễn Bính, lòng tôi lại nao
nao nhớ lại thái độ của tôi đối với Nguyễn Bính lúc ban đầu. Đến lúc bắt đầu
hiểu Nguyễn Bính một chút thì anh em đã mỗi người một ngả, trời dài đất rộng,
hối hận mang mang vô tuyệt kỳ… nhưng bây giờ thì cũng chẳng còn cách gì mà cứu
vãn được cái lỗi lầm chua chát cũ. Hôm nay, ngồi viết bài nầy nhớ thương Nguyễn
Bính, tôi muốn khóc một người bạn không may, nhưng chính tôi cũng cảm thấy mình
không may vì đã mù loà không nhận thấy một tài hoa, hơn thế lại còn khinh
thường đả kích… để đến khi tự cảnh giác, muốn gặp Nguyễn Bính để tự thú và tạ
tội thì đã muộn.
Nguyễn Bính của “Lỡ bước sang ngang”! Nguyễn Bính của “Đồng Tháp Mười!”
Viết bài này, tôi nhớ anh không biết chừng nào, thương anh không biết bao nhiêu
vì tôi biết rằng không phải chỉ có một mình tôi không yêu anh, không hiểu anh
ngay lúc sống, mà còn bao nhiêu người khác nữa cũng thế, cả đàn ông lẫn đàn bà
cả bạn trai lẫn bạn gái, nhất là bạn gái:
Người
ta đã lấy cái giầu sang
Bỏ cả keo sơn cả đá vàng…
. . . .
. . . . .
. . . . . .
. . .
Em đi mất tích một mùa xuân
Đi để chôn vùi hận ái ân
Không hiểu nghe ai mà chị biết
Em về chị gửi một vuông khăn.
. . . .
. . . . .
. . . . . .
. . .
Em
đã dùng khăn chị để lau
Bao nhiêu nước mắt của u sầu.
Em còn sợ nữa mùa thu tới
Người ấy còn đan áo nữa đâu!
. . . .
. . . . .
. . . . . .
. . .
Em vẫn nghe lời chị “Thuỷ Chung
Cho nên khăn chị vẫn phai hồng,
Đem thân về ở vườn dâu cũ
Buồn cũng như khi chị lấy chồng!
Vũ
Bằng
(Trọng Đông Kỷ Dậu) Văn học, số 100, (1.1.1970)
No comments:
Post a Comment