Sunday, May 31, 2015

Người Cộng Sản Cô Độc (Chương Hai) - Thuyên Huy


Người Cộng Sản Cô Độc (Chương Hai)
 
 
Chương Hai
 
 
      Vợ chồng anh tư Lậy, từ Đồng Cò lên cô nhi viện Tòa Thánh tìm con, ở đây cho biết Bon đã được nhận làm con nuôi mấy năm nay, họ viết cho địa chỉ nhà ông bà Đốc Nhân ngoài phố tỉnh. Hai người cầm tờ giấy, đón xe lôi máy ra chợ. Anh Lậy đứng ngập ngừng trước cổng nhà, một hồi lâu mới đập vào cánh cửa sắt gọi, chị Búp lặng thinh sau lưng chồng. Bon đang ngồi hóng mát dưới bóng cây sa-bô-chê cuối sân, nghe có tiếng kêu ngoài cổng, chạy vụt ra, thấy người lạ, cúi đầu chào, bỏ đi vào trong gọi ơi ới:

-Má ơi có khách.

    Bà đốc Nhân sửa lại vạt áo ngắn, vuốt mấy sợi tóc trắng phao trước trán, theo Bon đi ra. Vợ chồng anh Lậy đứng yên một chỗ, nhìn thằng Bon không chớp mắt. Bà Đốc thấy người lạ, sợ là tìm lộn nhà nên chậm rãi hỏi:

-Hai cháu muốn tìm ai?

    Chị Búp giành lấy tờ giấy trong tay chồng, ấp úng:

-Dạ phải đây là nhà của ông Đốc Nhân không?

    Bà Đốc gật đầu, kêu Bon mở cửa rộng ra:

-Tôi là bà Đốc Nhân, hai cháu có chuyện gì không, thôi mời vô nhà rồi nói gì thì nói.

    Bà quay vào, Bon bỏ chạy trước, đứng ngay bực thềm đá chờ, vợ chồng anh Lậy khép nép theo sau. Ông Đốc từ trong bước ra mời ngồi, bà Đốc bỏ xuống nhà sau. Bon phụ bưng nước lên rồi cầm cuốn sách “Tập Đọc Vui” đi ra sân. Ông Đốc Nhân lập lại lời vợ hỏi:

-Vậy hai cháu tìm tôi có chuyện gì?

    Anh Lậy kéo tờ giấy cho con, ngã màu vàng nâu bèo nhèo trong túi áo ra, đưa cho ông Đốc, rưng rưng nước mắt kể chuyện đói nghèo, thương con vô tội chịu cảnh bần cùng, nên đành phải bỏ con vào cô nhi viện, chị Búp nức nở khóc sướt mướt theo. Ông bà ngồi nghe cũng bùi ngùi tội nghiệp. Bà Đốc kêu thằng Bon vô, nó đứng kế bên ghế ông Đốc, không hiểu gì, ngơ ngác nhìn qua nhìn lại. Anh Lậy ngưng câu chuyện, ngước lên, Bon mở tròn xoe mắt, bà Đốc nắm tay Bon, kéo đứng sát vào bà, ngó chị Búp thông cảm:

-Thằng Bon đây, dù sao cũng là con ruột của hai cháu.

    Bà quay qua Bon, chỉ tay về phía anh Lậy, giọng rung rung:

-Bon con, ba má ruột của con đó, thưa ba má đi.

    Bon nghe nói, chẳng biết ất giáp gì cũng cúi đầu:

-Thưa ba má.

    Ông bà Đốc nghe Bon nói tiếng chào, rươm rướm nước mắt. Vợ chồng anh Lậy, ngồi chết trân, nửa muốn ôm lấy con, nửa ngại ngùng không dám. Ông Đốc Nhân xót xa đứng dậy, nhìn bà Đốc nói:

-Thôi để cho hai cháu nói chuyện với thằng Bon, vợ chồng tôi vô trong, có cần gì thì hô lên một tiếng.

    Bà Đốc bước theo sau, vò đầu Bon:

-Ở đây chơi với ba má ruột con nghe, nhớ giỏi nghe Bon.

    Chập sau, ông bà Đốc trở lên nhà trên lại, Bon ngồi im lìm trên ghế, ông Đốc bảo Bon ra ngoài chơi, Bon vòng tay chào rồi chạy ùa đi, chị Búp vói theo:

-Bon coi chừng té!

-Bây giờ hai cháu tính sao? Ông Đốc sửa gọng kiếng trên mặt, nhìn vợ chồng anh Lậy hỏi.

    Lần này chị Búp lên tiếng, giọng bùi ngùi:

-Vì nghèo quá nên phải cắn lòng bỏ con, bỏ mà đứt từng khúc ruột, mong có ngày khá hơn, xin nhận nó về, hai vợ chồng cháu xin ông bà thương tình, cho phép tụi cháu đem thằng Bon về, công nuôi dưỡng của ông bà bấy lâu nay, tụi cháu xin ông bà nhận nơi đây mấy lạy, đáp đền ơn sâu nghĩa nặng.

    Vợ chồng anh Lậy, quỳ bẹp xuống nền gạch bông, xá tay cúi đầu lạy. Bà Đốc vội vàng, nắm lấy tay chị Búp kéo lên. Ông Đốc gở cặp mắt kiếng xuống, đôi mắt đỏ hoe:

-Ba năm nay, trong nhà có nó, vợ chồng tôi cũng vui, nó ngoan, dễ dạy lại học giỏi nhưng dù sao, hai cháu là ba má ruột, có công lặn lội đến đây, không còn nó tụi tôi cũng buồn, nuôi thì mến tay mến chân nhưng biết làm sao hơn, thôi con của hai cháu thì trả lại cho hai cháu..

    Ông ngừng ngang đó, đưa tay quẹt nước mắt, bà Đốc thổn thức tiếp lời:

-Hai cháy yên tâm, tụi tôi không giành giựt gì đâu, nói chắc nó cũng hiểu thôi, tôi mong là sau khi đem nó về, nhớ cho nó đi học tiếp, nó học giỏi lắm, ham học nữa bỏ uổng lắm.

    Anh Lậy chấp tay xá thêm mấy cái, nghẹn lời không nói được tiếng nào. Bà Đốc đưa cho vợ chồng anh Lậy, cái túi xách đựng đầy quần áo, giày dép của thằng Bon cùng sách vở. Thằng Bon khóc rấm rứt, ông bà Đốc khóc theo, bà trao cho chị Búp một số tiền, gọi là cho thằng Bon ăn bánh. Ông bà tiễn vợ chồng anh Lậy ra tới cổng, ông Đốc Nhân ôm Bon vào lòng khuyên lơn vỗ về, bảo nó về ba má chơi vài hôm, ông bà sẽ xuống thăm. Chiếc xe lôi máy chạy khuất cuối dốc đường Võ Tánh rồi, ông bà Đốc vẫn chưa chịu vào nhà, trời giữa trưa nắng chang chang đổ.

    Lập Đông, gió heo may hiu hiu thổi, lá úa phủ rục cả góc vườn sau, lâu rồi không ai hốt dọn. Thằng Bon đi rồi, ông bà Đốc buồn không biết là bao nhiêu, căn nhà dường như vắng vẻ hơn khi thiếu nó. Sáng sớm bà Đốc thôi còn nhóm lửa ngoài sân, thui thủi một mình nhìn sương lạnh. Chiều về, ông Đốc se thắt lòng già, nghe tiếng chuông tan học reo vang nhưng cánh cổng sắt nặng nề không thấy mở. Tiếng đám bạn nhỏ cùng lớp gọi Bon hởi Bon ơi ngoài đường, vọng lồng lộng vô nhà nghe buồn da diết.

     Ông bà không nghĩ đến chuyện xin con nuôi lần nữa, sợ phải lâm vào tình cảnh vừa qua. Bà Đốc nhấp hớp trà nóng, ngó mông lung qua khung cửa sổ, buổi sáng trời mù mờ sương, bà chợt thấy chạnh lòng, không biết thằng Bon ở dưới có lạnh. Cái cổng sắt nhà ông Đốc Nhân ít khi mở cửa từ những ngày Đông năm sau.

 


Thuyên Huy
(Còn tiếp)

 

 

Càng Nói, Càng Viết, Càng Dốt - Bùi Bảo Trúc


Càng nói, càng viết, càng... dốt
 
 

 
Hồi học tiểu học ở Hà Nội tôi có một người bạn ngồi cạnh bị cụ giáo dạy chúng tôi ở lớp Nhì ghét thậm tệ.

Trong suốt mấy tháng đầu của niên học, người hàng xóm của tôi bị ăn bao nhiêu là roi mây, cho đến khi bạn tôi bỏ hẳn cái thói quen thay tất cả “ph” bằng “f,” thói quen không biết chàng học ở đâu, có thể là chàng mang từ “hậu phương” về Hà Nội không chừng. Tôi chắc chàng học của “bác Hồ” của chàng, vì “bác” là người đã nghĩ ra cái lối viết mà thầy giáo của chúng tôi rất ghét đó.

Nhiều năm sau, trong bản di chúc anh già này viết để lại cho đàn em với ghi chú “tuyệt đối bí mật,” ai cũng đọc thấy tận mắt lối viết ấy.

Ngay ở đầu, là hai hàng chữ “Việt nam zân chủ cộng hòa độc lập, tự zo, hạnh fúc,” rồi trong suốt 7 trang di chúc viết tay đó, là những lối viết quái đản gọi là “cải cách” đó.

Cách viết đó hình như về sau cũng không có được bao nhiêu người bắt chước làm theo. Người ta không thấy (mấy) ai dùng “f” thay cho “ph,” dùng “k” thay cho “c.” Nhưng mới đây, lối viết ngớ ngẩn đó lại được thấy trong một tấm bằng do một trường bách khoa cấp cho các học viên tốt nghiệp. Trong tấm bằng này, trường đã ghi môn học của học viên là “Major in Farmacy Technician.”

Có tới hai lỗi trong hàng chữ vừa dẫn ở trên.

Thứ nhất là danh từ “Pharmacy” bị viết sai là “Farmacy” với “f.” Không thể thay “Ph” bằng “f” được. Tiếng Anh cũng không được, mà tiếng Pháp cũng không được. Khi cái lỗi này được báo chí nêu ra, thì một anh cóc nhái của trường giải thích rằng đó là cách viết tắt nên không có gì là sai cả.

Nói vậy là nói láo, là dốt mà là cãi chầy cãi cối. Nếu viết tắt (abbreviate hay shorten) thì Pharmacy phải viết là “Pharm.” Không bao giờ là “Farmacy” cả.

Lỗi thứ hai là chữ “technician.” “Technician” là chuyên viên kỹ thuật, là kỹ thuật viên. Môn học là “technology.” “Technician” là người nghiên cứu hay theo học môn “technology.” Không thể có môn học “technician” bao giờ.

Những sai sót như thế không phải là ít. Trên một số văn bằng cấp cho các sinh viên người ta thấy rất nhiều những lỗi rất sơ đẳng như vậy. Cả những chữ giản dị như tên tháng ghi “July” thành “Yuly”; “Hiệu Trưởng” ghi là “Hệu Trưởng”; “Information” thành “Infomation” (thiếu chữ “r”; “very” thành “verry” thừa chữ “r”...

Thí dụ văn bằng Bachelor of Engineer do trường Đại Học Kiến Trúc cấp chẳng hạn. Không bao giờ có thứ bằng cấp này cả. Nếu đó là bằng kỹ sư thì phải ghi là Bachelor of ENGINEERING. Không bao giờ là Bachelor of ENGINEER . Danh từ ENGINEERING là môn (học) kỹ sư trong khi ENGINEER là (người) kỹ sư. Học thì học môn ENGINEERING. Không ai học ENGINEER cả.

Những sai sót như thế là những sai sót không thể chấp nhận được khi nó xuất hiện trên những văn kiện của những cơ sở cao cấp trong lãnh vực giáo dục. Các sinh viên, học viên tốt nghiệp của các trường đó khi xuất trình các văn bằng do các cơ sở cấp phát chắc chắn sẽ gặp phải những thái độ nghi ngờ về khả năng của họ, và cơ hội được tuyển dụng chắc chắn cũng giảm đi không ít. Một cơ sở giáo dục cao cấp mà để lại những sai sót ngu xuẩn như thế thì trình độ của những người được các cơ sở đó đào tạo như thế nào thì người ta không cần phải tìm hiểu lâu la gì cũng biết.

Vậy thì cách hay nhất là đừng xuất trình những thứ bằng cấp như thế làm gì. Cứ khai phứa phựa là có bằng nọ bằng kia là đủ. Như trường hợp của tên y tá chích đít nọ rồi cũng làm tới chức thủ tướng mà không ai biết nó học ở đâu mà vẫn nhận là có bằng cử nhân luật vậy.

Đúng là “nói láo mà chơi, nghe láo chơi” như câu thơ của Bồ Tùng Linh vậy.

 Bùi Bảo Trúc

304Đen - Llttm

 

Oan Trái - Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích


Oan trái !

  

 

    Sau ngày đình chiến theo Hiệp định Geneve năm 1954, Đỗ Thị Tình kết hôn với Phan Văn Anh, một Chính Trị Viên tiểu đoàn của bộ đội Việt Minh.
Một tháng sau, chồng đi tập kết ra Bắc để nàng ở lại trong Nam. Tình có nhan sắc mặn mà nên lắm người tán tỉnh. Vài anh thanh niên trong xã , dăm cán bộ Dân Sự Vụ năng lui tới nhà, khiến Tình lo ngại bỏ quê đến đất Gia Ðịnh vào chùa lánh thân giữ mình. Nàng có hạnh nguyện ở chùa hai năm, chồng về sẽ trở lại đời sống bình thường hưởng cảnh hạnh phúc trần tục. Thời gian kéo dài, người chồng năm xưa vẫn biền biệt. Tình không ngờ nàng đã chôn gíấu cuộc đời son trẻ của mình trong chiếc áo nâu sòng lại lê thê vô vọng. Và từ một ni cô “Kệ kinh câu cũ thuộc lòng, hương đèn việc trước, trai phòng quen tay.”(*) Ni cô Thích Tâm Ngọc (tục danh Đỗ ThịTình) đã trở thành Sư trụ trì chùa D.Q. thay Sư Bà Thích Tâm Huệ viên tịch.
Bà Đỗ Thị Thân là chị ruột của Sư Trụ trì Thích Tâm Ngọc gởi con trai là Bùi Hữu Thiệt vào chùa D. Q. tạm trú để theo học đại học tại Sài Gòn. Thiệt chỉ lo ăn học, tính tình chất phát ,vô tư.
Một hôm, Thiệt nhận được một số sách tái bản của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn do một phật tử vô danh gởi tặng. Các tác phẩm nổi tiếng ngày xưa mà Thiệt rất mê đọc như Gánh Hàng Hoa, Ðọan Tuyệt… Thiệt giật mình bởi khoảng mười trang đầu là truyện, còn những trang trong thì in toàn tài liệu tuyên truyền của Việt cộng như “Những Mẫu Chuyện Trong Ðời Hồ Chủ tịch”, “Ba Mươi Năm Ðời Ta Có Ðảng”… Thiệt bắt đầu lo ngại và nghi ngờ những hoạt động của chùa D. Q. , vì vậy, hắn quyết định xin phép bà dì Trụ trì được vào ở khu nội trú sinh viên với lý do dành thì giờ đến thư viện đọc sách tham khảo.
Vừa tốt nghiệp đại học lại trúng đợt Tổng động viên, Bùi HữuThiệt không chần chừ nhập ngũ khóa Sĩ quan Trừ bị Thủ Ðức. Bà Thân , Mẹ của Thiệt bảo chạy giấy tờ hoãn dịch vì “hoàn cảnh con một” nhưng Thiệt từ chối. Hắn khuyên mẹ yên tâm, sau khi mãn khóa hắn sẽ làm đơn xin phục vụ tại đơn vị không tác chiến. Qua giai đoạn 2, Thiệt được chọn vào khóa sĩ quan kỹ thuật không quân.
Sau bốn năm phục vụ tại phi trường Biên Hòa, Trung úy Bùi Hữu Thiệt cưới vợ và yêu cầu mẹ bán nhà vào ở với hắn nơi cư xá không quân. Bà Thân luyến tiếc ngôi nhà, không nỡ dứt bỏ cái thị trấn mà bà đã gắn bó từ thời ấu thơ, dù biết rằng nơi nầy không còn an ninh nữa.
Ðêm 24 tháng 3 năm 1975, Bộ Chỉ Huy Tiểu khu QN được lệnh rút quân về Chu Lai, nơi đóng quân của BTL Sư đoàn 2 BB. Người người tranh nhau theo chân quân đội rời thị trấn hướng về Chu Lai tìm nơi an toàn. Bà Thân mệt mỏi, cô đơn chẳng màng chạy lánh nạn. Bà chỉ sốt ruột lo lắng cho gia đình con trai ở Biên Hòa có mệnh hệ nào không. Bà hối hận đã không nghe lời con. Tháng trước đây, Thiệt có đánh điện nhắn mẹ vào Biên Hòa gấp vì tình hình bất ổn. Bà Thân cứ chần chừ mãi đến nay thì muộn rồi. Thôi thì phó mặc cho số mạng. Ý nghĩ như thế, nhưng trước tình hình bất lợi cho phía Quốc gia, trong thâm tâm bà Thân lại mừng thầm rằng bà có cơ hội gặp lại ông Dinh chồng bà và đứa con trai út tên Bùi Văn Thà đã tập kết ra ngoài miền Bắc đã gần hai mươi mốt năm. Niềm hy vọng đoàn tụ với chồng con ngày càng gần giúp cho lòng bà yên ổn trở lại.

* * *

Chiếc xe con kiểu Liên xô băng qua cổng vào chùa D. Q., theo sau là chiếc Molotova chở đầy bộ đội cộng sản Bắc Việt, kéo theo một khẩu đại pháo. Tất cả dừng trước sân chùa. Người chỉ huy và hai lính bảo vệ xuống xe vào thẳng khu chánh điện.
A Di Ðà Phật, giọng trầm trầm của một Ni cô vẳng lên từ trên điện thờ. Trong bộ cà sa màu khói hương , Ni cô tiến đến trước mặt ba người bộ đội:
- A di đà Phật, quý khách cần gì ?
Người chỉ huy lên tiếng :
- Tôi cần gặp chủ hộ ngôi chùa nầy.
- A Di Ðà Phật, Ni cô quay mặt đi vào cửa hông chánh điện. Một lát sau, sư Trụ Trì đến trứơc mặt ba người đang giương mắt nhìn những tượng phật mạ vàng trên bàn thờ sáng trưng. Không biết trong đầu họ đang nghĩ gì trước cảnh chùa lộng lẫy đến khi vị Sư Trụ Trì lên tiếng A Di Ðà Phật họ mới giật mình hỏi :
- Bà đứng tên chủ hộ chùa nầy phải không ?
- A Di Ðà Phật, thưa phải .
- Tôi là Thủ trưởng của trung đoàn pháo của Cách mạng, được cơ sở địa phương chỉ dẩn đến đây thông báo cho bà rõ một đơn vị pháo của lực lượng cách mạng sẽ đóng chốt tại vườn chùa nầy.
Nghe giọng nói của người xứ Quảng pha giọng Bắc , vị sư Trụ trì ngước nhìn gương mặt người chỉ huy, đột nhiên sư cúi xuống thầm thì: “Ôi, Anh …” rồi ngã khuỵ xuống. Ba lính Bắc Việt quay lưng rời khỏi chánh điện. Các ni cô bên sau điện thờ vội chạy ra dìu sư phụ mình vào trong.


Ðặt sư nằm trên chiếc giường tại phòng tĩnh tâm, các đệ tử nhìn nhau lo ngại. Lần đầu tiên họ thấy tâm tư thầy bất an dường như có điều gì đó đang khuấy động đời sống tu hành . Họ nào biết khuôn mặt người chỉ huy Trung đoàn pháo đã đánh thức ký ức của Sư Trù trì nhớ lại kỷ niệm của hai mươi mốt năm về trước. Lòng rạo rực yêu đương của người con gái trong tuổi xuân thì đã bị lừa dối làm con tin trong sách lược cài người của CS Hà Nội chuẩn bị cho cuộc lấn chiếm Miền Nam sau này càng làm nhói buốt tim bà. Khuôn mặt lạnh lùng khắc khổ của người chồng cũ khơi thêm nỗi đau làm rối loạn Bồ Ðề Tâm của bậc tu hành.
Sư trụ trì ngồi dậy, chậm rãi đi về hướng chánh điện gióng hồi chuông đảnh lễ trước điện thờ Phật rồi tọa thiền dưới chân Ðức Thế Tôn tụng tạng kinh Bát Nhã lấy lại sự yên tĩnh tâm hồn.

 
* * *

Hai mươi mốt năm sống ở miền Bắc, Bùi Mậu Thà được chế độ đào tạo thành một bác sĩ. Đầu năm 1976, Thà về Nam gặp lại mẹ . Người anh cả Bùi Hữu Thiệt sĩ quan miền Nam đang ở trong tù. Bà Đỗ thịThân mừng rỡ khi gặp lại đứa con trai út sau bao năm trời xa cách. Bà đã ngoài sáu mươi tuổi, dành dụm được một số vàng, thương đứa con xa cách lâu năm nên chia cho Thà một nửa. Năm lượng vàng đối với một bác sĩ ở miền Bắc là cả một gia tài. Thế nhưng,vợ chồng hắn nghi ngờ số vàng mẹ chia có thể chỉ một phần mười hay một phần hai mươi.
Ba tháng sau do vợ hối thúc, Thà quay về đòi mẹ phải đưa thêm vàng. Mẹ thực lòng nhưng con không tin, bà cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Thương con, bà đã gom góp chút của cải cuối cùng chia đều cho hai đứa, thế mà hắn vẫn ngờ vực tấm lòng rộng rãi của mẹ. Bà giận lắm, bèn bảo :
- Năm cây vàng đó là ân huệ của tao cho, mầy chẳng có quyền gì đòi hỏi. Số còn lại là phần của thằng Thiệt, anh ruột mầy đang ở trong trại tù cải tạo, và một ít của tao dành để dưỡng già.
Thà nói :
- Bà quên rằng tên lính ngụy đó đã đi ngược lại truyền thống cách mạng của gia đình ta, mượn bom Mỹ giết chết người cha suốt đời tận tụy với Ðảng để lại những đứa con côi cút ở Hà Tỉnh.
Nhắc đến người chồng phụ bạc, bà Thân không nén được cơn đau. Lão Dinh ra Bắc chưa đầy ba năm là lấy người vợ khác, riêng bà vẫn chung thủy chờ chồng. Sau ngày Ba Mươi tháng Tư 1975 bà Thân mới biết được tin chính xác ông Dinh đã tử thương dưới chân súng phòng không đặt tại cầu Hàm Rồng trong trận máy bay Mỹ ném bôm.
Mối hận tình âm ĩ làm khô héo tim bà. Giờ đây chính miệng thằng con trai út giở giọng chửi anh ruột mình là ngụy lại còn bênh vực người cha đốn mạt , cơn giận ập đến như thác vỡ bờ, bà hét lên :
- Cả lũ bay là đồ bất nghĩa, vô ơn. Cút ! cút ra khỏi nhà tao ngay !
Thà đứng lên, từng bước một đến sát bà mẹ, miệng gầm gừ :
- Không cần bà đuổi, tôi đi ngay bây giờ, nhưng hãy đưa hết vàng đây.Vừa nói hắn vừa chụp lấy cổ mẹ hăm dọa. Bà Thân cảm thấy bị xúc phạm, đưa cao hai tay dùng hết lực cấu vào mặt hắn. Cơn giận sôi lên, Thà siết mạnh tay hơn. Hơi thở bà Thân khò khè, chân tay giựt lên từng hồi rồi cả người bà rũ xuống. Thà hoảng hốt buông tay. Hắn vội vàng vào buồng ngủ lục tìm được gói vàng giấu bên dưới đầu giường rồi lên xe đò ra Bắc, trốn biệt từ ngày đó.
Sau cơn ngất vì nghẹt thở, bà Thân dần dần hồi tỉnh. Khi nhớ ra hành động của thằng con đòi thêm vàng, bà vội vàng vào xem lại số vàng đã cất giấu thì hỡi ôi , thằng con khốn nạn đã lấy đi hết số vàng bà đã dành dụm, gồm 5 cây vàng cho thằng con lớn và 5 cây bà để dành dưỡng già. Bà Thân ngã vật trên giường rồi ngất đi, đến ngày hôm sau bà trút hơi thở cuối cùng.
Ba năm sau ra tù, Bùi Hữu Thiệt ôm mộ mẹ khóc suốt một ngày. Chàng vì mẹ đã trễ chuyến bay cuối cùng ra hạm đội. Mẹ vì chàng quyết giữ năm cây vàng để chàng có phương tiện vượt biên đoàn tụ với vợ con đang ở nước ngoài. Thiệt giận em thì ít, nhưng căm thù cộng sản đã tạo cho con người sống trong chế độ mang tính ác thú.


* * *

Người chỉ huy của Trung đoàn pháo Bắc Việt có toán quân đóng chốt tại chùa D. Q. trong những ngày đầu của 30 tháng Tư, bây giờ là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện . Ông vừa ký lệnh trưng dụng ngôi chùa D. Q. làm Trung tâm thương nghiệp và ra lệnh trục xuất tất cả những ai cư trú bất hợp pháp trong chùa.

Sư Trụ trì Tâm Ngọc buông tờ công lệnh có chữ ký của chủ tịch huyện Phan Văn Anh. Bà không tưởng tượng được lại có ngày oan trái đến với bà. Ngôi chùa đã che chở bà những năm tháng còn trẻ trung để tránh cạm bẫy trần tục, giữ trinh tiết chờ chồng. Ngôi chùa đã che giấu cán bộ hoạt động nội thành mỗi khi cơ sở bị phá vỡ. Bà, các sư muội cùng thiện nam tín nữ đã góp công góp của xây dựng, tu sửa ngôi chùa để bây giờ “Cách mạng” gom vào tài sản nhà nước và tước đoạt quyền hành đạo của nhân dân.
Nỗi đau của bà là đã hi sinh cả một thời xuân sắc cho chồng, ngược lại chồng đã quên hẵn bà, xem bà như không còn hiện hữu trên cõi đời nầy !
Ðúng giờ Ngọ ngày Rằm tháng Tư Âm lịch (1978) Ni Sư Thích Tâm Ngọc đã châm lửa tự thiêu giữa sân chùa D. Q. để phản đối chính quyền cộng sản biến ngôi chùa thành trung tâm thương nghiệp. Công an thành phố đã cướp xác sư Trụ trì kín đáo mang đi. Trên cổng chùa, cửa chánh điện được dán đầy những bản sao lệnh trưng dụng ngôi chùa có chữ ký của Chủ tịch huyện Phan Văn Anh.
Ngày hôm sau, Nhật báo “Sài Gòn Giải Phóng” đăng mẩu tin ngắn :
“Một phụ nữ quê quán miền Trung tên Ðỗ Thị Tình mắc bệnh tâm thần, có lẽ vì trắc trở tình duyên nên đã tự thiêu tại sân chùa D. Q. Thi thể đã được chính quyền địa phương an táng.

* * *

Chủ tịch huyện Phan Văn Anh đọc lướt qua bản tin trên rồi bình thản đặt tờ báo lên bàn. Cùng lúc, ban văn thư mang vào văn phòng một phong bì lớn, ghi tên người nhận : Phan Văn Anh . Khui bao thư khác thường nầy ông lấy ra một chiếc khăn trắng đã ố màu có thêu hai đóa hoa hồng đan chéo với nhau, một lọn tóc đen dài và một lá thư. Ông tái mặt, vội vàng lùa những món “tang tóc” ấy vào ngăn kéo rồi thẫn thờ đọc lá thư :
Thưa ông Phan Văn Anh,
Tôi viết thư nầy với tư cách của một người phụ nữ mang tên Ðỗ Thị Tình.
Trước tiên, tôi gởi lại chiếc khăn tay mà ông đã tặng cho tôi trong ngày cưới, đó là món quà duy nhất của cô dâu nhận được khi về làm vợ ông. Thứ hai là lọn tóc của tôi đã cất giữ suốt hai mươi năm từ lúc vào chùa quy y. Tôi đã lặng người và khóc hết nước mắt khi mái tóc dài óng mượt của tôi được mẹ bảo dưỡng từ lúc còn bé thơ bị cắt đi. Người con gái mới hai mươi ba tuổi đời đã chịu xuống tóc vào chùa là một quyết định hi sinh vô bờ bến cũng chỉ vì muốn giữ lâý lòng trung trinh tiết nghĩa đối với chồng. Thế mà ông đã nhẫn tâm quên hẳn người vợ ở lại trong Nam. Ngày tôi gặp lại ông sau hơn hai mươi năm xa cách là lúc ông đưa đơn vị pháo đến giẵm nát cảnh chùa mà tôi đã tu tịnh trong suốt thời gian qua. Hành động tiếp theo cuả ông là ký lệnh biến chùa làm nơi buôn bán của nhà nước.
Thần tượng “Cách mạng” trong tôi hoàn toàn sụp đổ . Tài sản đồng bào miền Nam đã bị đảng các ông cướp đọat một cách trắng trợn và chà đạp lên cả quyền sống con người.
Khi ông nhận được thư nầy, tôi với tư cách là Sư Trụ trì chùa D. Q. đã tự thiêu để phản đối chính sách cướp chùa phá đạo của Cộng sản Việt Nam. Tôi vì Ðạo pháp mà thắp sáng ngọn lửa Từ bi Vô úy trong tinh thần Ðại ngã Tinh tấn của Phật Giáo để soi đường cho chúng sanh và hi vọng soi sáng cả lương tri ông .
A Di Ðà Phật.
Ni Sư Thích Tâm Ngọc, trụ trì chùa D.Q.



Ðặt bức thư trên bàn, Phan Văn Anh đưa mắt nhìn khu cây kiểng trước phòng làm việc. Gương mặt ông tối sầm. Kéo chiếc hộc bàn ông nhìn lại lọn tóc đen tuyền nằm khoanh tròn trong bao nylon. Chợt khuôn mặt của người vợ trẻ ngày xưa như thoáng hiện chập chờn bên lọn tóc, ông trầm ngâm, nghĩ ngợi. Một hồi lâu, ông cầm điện thoại gọi phòng công an bảo vệ chính trị hỏi cái xác thiêu ở chùa D. Q. chôn ở nơi nào.
Một tuần lễ sau, đích thân ông lén lút đặt trên ngôi mộ người vợ cũ một bia có khắc hàng chữ : “Nơi an nghỉ của Ðỗ Thị Tình, sinh ngày 18 tháng 4 năm 1931 tại Q. N. Chết ngày 15 tháng 4 năm 1978 tại Gia Ðịnh, thọ 47 tuổi”.
Ông âm thầm thực hiện công việc nầy có lẽ để lương tâm ông đỡ cắn rứt. Nhưng ông không ngờ cử chỉ đó lại càng xúc phạm đến linh hồn người tu sĩ đã dày công tu luyện. Bởi vì trên bia ông đã cố ý giấu nhẹm Pháp danh “Sư Nữ Trụ Trì Chùa D.Q. Thích Tâm Ngọc.”

* * *

Trước khi thực hiện một chuyến vượt biển, Bùi Hữu Thiệt tìm đến mộ bà dì ruột Ðỗ Thị Tình thắp hương từ biệt. Nhìn tấm bia mộ không tên người phụng lập, lòng Thiệt quặn thắt. Thiệt chấp tay khấn nguyện : “ Dì đã hiến thân cho Ðạo Pháp mang ý nghĩa vô cùng lớn lao. Ngọn lửa Bi Trí Dũng của Phật pháp bùng lên từ thân xác Dì đã thắp sáng lương tri loài người và soi đường cho chế độ này ra khỏi vòng mê lụy.
Thưa Dì, ngày mai nầy con sẽ ra đi, không may gặp hiễm nguy, thân con có thể chìm tan trong biển cả mênh mông nhưng hồn con sẽ nhập cùng với hàng vạn linh hồn của những người bỏ nước ra đi bị tử nạn làm nên những con sóng thần đánh động lương tâm thế giới. Linh hồn Dì linh thiêng xin phò hộ cho con trong chuyến đi này được bình yên đến được bến bờ Tự do . Con hứa với Dì , nơi vùng đất mới , con sẽ ươm mầm hạt giống Tự do để chờ ngày mang về trồng lại trên mảnh đất quê hương Việt Nam mà hiện nay đang tràn ngập cảnh khổ đau đầy máu và nước mắt !”


 
Thứ Sáu, 22 tháng Năm năm 2015

 
Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích

 
Người chuyển bài – Hồ Khánh Dũng

 

 

 

Hoài niệm Đà Lạt - 304Đen


Hoài niệm Đà Lạt
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Chiều Đà Lạt ai ngồi gom sương lại
Tựa lưng chiều nghe lơ lửng lạnh buông
Langbian trăng trắng mờ hoang dại
Prenn buồn để mặc con nước tuôn

Camly ơi! cớ chi mà réo rắt
Thông già ơi!sao cứ đứng suy tư
Và Đà Lạt là em gầy dáng nhỏ
Quây kín trong ta lớp lớp sương mù

Con phố nhỏ lượn quanh về một ngõ
Đường nhấp nhô, đồi núi cũng nhấp nhô
Qua Xuân Hương rồi tạt về Than Thở
Đi một ngày chưa hết được xứ mơ

Em có lên đồi Cù không hở nhỏ
Nhớ hái thật nhiều những đóa mimosa
Rồi nhè nhẹ rải hoa vào trong gió
Sẽ thấy chiều Đà Lạt rất kiêu sa

Anh biết rồi em vì sao má đỏ
Có phải những chiều Đà Lạt kín mùa đông
Em gom hết vào lòng những tia nắng nhỏ
Đà Lạt lạnh muôn năm cho đôi má em hồng

Rời Đà Lạt mới thấy thương Đà Lạt
Về đồng bằng mới thấy nhớ cao nguyên
Mimosa đâu thể vàng nơi khác
Xa em rồi mới biết đã thương em


 
 
 
 
 
 
 
 
304Đen - Llttm

 

 

Saturday, May 30, 2015

Mưa Tháng 5 - Nguyễn Cang


MƯA THÁNG 5

 (Để tưởng nhớ người chị Hai kính yêu của tôi)
 

 


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Tháng sáu sắp đến ngày giỗ chị
Lần nầy tính nhẫm nữa là hai
Chị đi thanh thản không hờn tủi
Con cái nên người chị xuôi tay

Nhớ thuở xưa em còn nhỏ dại
Chị theo mẹ quảy gánh đi buôn
Rừng Dầu* xa tít theo chân bước
Khập khễnh bờ đê khuất cuối thôn

Thời gian mới đó mà trôi nhanh
Vạn nẽo đường đời biệt tuổi xanh
Gian khổ cuộc đời chị nếm trải
Nuôi con cho đến lúc trưởng thành...

Nhớ lúc tiễn em qua bến mới
Bùi ngùi chị nắm chặt bàn tay
Cầu mong em được nhiều may mắn
Xứ lạ quê người biết cậy ai?

Giây phút chạnh lòng em đứng lặng
Biệt ly giờ biết nói năng chi
Nhắc rằng mẹ yếu chị chăm sóc
Mãi mãi đời nầy em khắc ghi

Có lần nhớ chị gọi về thăm
Nghe tiếng bên kia giọng thật trầm
Lời chị thều thào hơi thở yếu
Như hồn còn ở cõi xa xăm !

Một hôm nóng bức buồn hiu hắt
Bỗng nhận tin nhà chị mất đi
Trời đất bỗng dưng mưa thác đổ
Nghe lòng đau xót lệ tràn mi

Chị ơi ! sao chị đi nhanh thế
Chưa đáp đền ơn chị kính yêu
Hai mươi năm bão đời ngăn cách
Nhìn về quê cũ nhớ bao nhiêu!

Hình chụp gởi qua em xót dạ
Trần gian chị để ngậm ngùi thương
Cháu con mấy đứa sụt sùi khóc
Đốt nén hương lòng lệ vấn vương!

 
Nguyễn Cang
(05/25/2015
)

Rừng Dầu*: một làng nhỏ nằm giữa làng tôi (Rừng Da) và quận Bến Cầu, cách xa nhà 6 cây số.

Tâm Sự Người Thương Binh - Trang Y Hạ & Gởi Súng Cho Tao- Nguyễn Cung Thương


TÂM SỰ NGƯỜI THƯƠNG BINH





 
 
 
 
 
 
Tao bị thương hai chân,
Cưa ngang đầu gối ! Vết thương còn nhức nhối.
Da non kéo chưa kịp lành...
Ngày " Giải phóng Miền nam "
Vợ tao " Ẵm " tao như một đứa trẻ sơ sanh...!
Ngậm ngùi rời " Quân-Y-Viện "

Trong lòng tao chết điếng,
Thấy người lính Miền bắc mang khẩu súng AK !
Súng " Trung cộng " hay súng của " Nga " ?
Lúc này tao đâu cần chi để biết.
Tao chiến đấu trên mảnh đất tự do Miền nam
-Nước Việt,
Mang chữ " NGỤY " thương binh.
Nên " Người anh,em phía bên kia..."
Đối xử với tao không một chút thân tình...!

Mày biết không !
Tao tìm đường về quê nhìn không thấy ánh bình minh.
Vợ tao: Như " Thiên thần" từ trên trời rơi xuống...
Nhìn hai đứa con ngồi trong căn chòi gió cuốn,
Bụi đất đỏ mù bay !
Tao thương vợ tao yếu đuối chỉ có hai tay,
Làm sao " Ôm " nổi bốn con người trong cơn gío lốc.
Cái hay là: Vợ tao dấu đi đâu tiếng khóc.
Còn an ủi cho tao,một thằng lính què !

Tao đóng hai cái ghế thấp,nhỏ bằng tre,
Làm "Đôi chân" ngày ngày đi lại
Tao quét nhà; nấu ăn; giặt quần; giặt áo...
Cho heo ăn thật là "Thoải mái" !
Lê lết ra vườn: Nhổ cỏ, bón phân
Đám bắp vợ chồng tao trồng xanh tươi
Bông trổ trắng ngần !
Lên liếp trồng rau,thân tàn tao làm nốt.
Phụ vợ đào ao sau vườn,rồi thả nuôi cá chốt.
Đời lính gian nan sá gì chuyện gío sương...

Xưa, nơi chiến trường
Một thời ngang dọc.
Cụt hai chân. Vợ tao hay tin nhưng không "Buồn khóc"!
Vậy mà bây giờ...
Nhìn tao...nuớc mắt bả...rưng rưng !

Lâu lắm, tao nhớ mầy qúa chừng.
Kể từ ngày, mày "Được đi Cải tạo"!
Hàng thần lơ láo - Xa xót cảnh đời...
Có giúp được gì cho nhau đâu khi:
Tất cả đều tả tơi !

Rồi đến mùa "H.O"
Mầy đi tuốt tuột một hơi. Hơn mười mấy năm trời...
Không thèm quay trở lại
Kỷ niệm đời Chiến binh
Một thời xa ngái.
Những buổi chiều ngồi hóng gió nhớ...buồn hiu !

Mai mốt mầy có về thăm lại Việt nam
Mầy sẽ là "Việt kiều"!
Còn "Yêu nước" hay không - Mặc kệ mầy.
Tao đếch biết !
Về, ghé nhà tao.Tao vớt cá chốt lên chưng với tương...
Còn rượu đế tự tay tao nấu
Cứ thế, hai thằng mình uống cho đến...điếc !


Trang Y Hạ

 


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
GỞI SÚNG CHO TAO


Tao cụt một chân, mất một tay
Nhưng còn một tay
Để viết thơ dùm cho thằng mù hai mắt
Nghe nói ở xứ người chúng mày “cày” như trâu
Nhưng không quên Đồng Đội
Chia đô la cho chúng tao, như chia máu ngày nào …
Tao cũng sớt cho mấy thằng bạn: Phế Binh Việt Cộng !
Chúng cũng què đui sứt mẻ như nhau
Bởi Đảng của chúng bây giờ là lũ đầu trâu…
Có điều tao không thể hiểu
Bao nhiêu năm qua
Chúng mày cứ mãi dặn dò
Thế giới văn minh, đừng làm gì bạo động
Liệu chúng mày có thể hòa hợp được không
Với lũ kên kên, hổ báo?
Những con thú cực kỳ giàu có
Mang “thẻ đỏ, tim đen”
Nợ Nga, sợ Tầu, lạy Mỹ
Với Quan Thầy cung cúc tận tụy
Quay về đàn áp dân đen
Chúng đóng đinh Chúa Jesus lần nữa
Bịt miệng Cha, trói Phật, nhốt Sư, quản lý Chùa
Chúng tao lê lết trên thành phố Cáo Hồ
Nên biết rất rõ từng tên đại ác
Trên bàn tiệc máu xương dân tộc
Nhà hàng nào chúng cũng ăn nhậu
Bé gái nào cũng bị chúng mua trinh
Chúng ta sẽ tỉa từng thằng
Đất nước cần nhiều “quốc tang”
Bớt được mạng thằng Cộng Sản nào
Thì địa ngục xã hội chủ nghĩa này
Còn có chút sáng láng hơn
Hãy gửi tiền cho những nhà tu
Để họ mở cửa nhà tù
Còn chúng tao là chiến sĩ
Hãy gửi về cho chúng tao vũ khí
Thằng cụt tay sẽ chỉ cho thằng mù mắt bấm cò
Thằng còn chân sẽ cõng thằng què quặt
Trận chiến sau cùng này sẽ không có Dương Văn Minh


Nguyễn Cung Thương
Sài Gòn – Việt Nam

304Đen - Llttm


Luật Bá Đạo - Bảo Giang


Luật… bá đạo.
 
 
  
Hôm rồi, khi vào mạng VN express, một trang thuộc biên chế của nhà nước Việt cộng, tôi đọc thấy một số bản tin trong mục pháp luật như sau:

1. Ghen tức vì người "trong mộng" chuẩn bị lấy chồng, Tuấn Anh cầm dao đến nhà đoạt mạng cô gái rồi bỏ trốn. Ngày 17/5, Công an tỉnh Nam Định đã khởi tố,tạm giam Phạm Tuấn Anh, 23 tuổi, để điều tra về hành vi giết người. Tuấn Anh có cảm tình với Thi nhưng bị cô gái từ chối, Đêm 15/5, Anh đâm Thi nhiều nhát rồi bỏ trốn, Thi tử vong.

2. “Sát hại bạn gái vì bị từ chối yêu. Bị nói lời chia tay, Long vác dao đến nhà sát hại bạn gái. Công an huyện An Lão (Hải Phòng) đang điều tra vụ sát hại bạn gái ở xã An Tiến. Kẻ gây án là Nguyễn Văn Long ,18 tuổi.( 5/5/15)

3. Trước đó 6/4 có bản tin hãi hơn: ”Nghịch tử hại bố trong đêm. Sau chầu nhậu, Mạnh về nhà hỗn hào với bố, cầm chày đánh và khống chế, ép bố viết giấy chuyển nhượng nhà đất khiến đấng sinh thành tử vong”.

Đọc sách báo, tôi th ấy những ngày sống dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, không phải là không có kẻ thất tình, không phải là không có kẻ bất hiếu. Nhưng cung cách hành động theo kiểu côn đồ, vô giáo dục này hầu như không thấy có ở trên các trang báo tại miền nam trước ngăy 30-4-1975. Nếu có thì cũng là một con số qúa nhỏ không làm cho người người kinh hãi, khủng hoảng. Hoặc không thấy là bởi vì,
ở đó có một nền giáo dục đặt nền tảng trên khuôn mẫu đạo đức, luân lý của xã hội và tôn giáo. Ở đó, trẻ đến trường được học về Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín Trung, được học về lòng bao dung, tôn trọng lẫn nhau. Được học yêu thương trong nghĩa đồng bào, bảo vệ tổ quốc và giống nòi. Không một trường học, lớp nào mà không có khẩu hiệu “ Tiên học lễ hậu học văn” hay “Ngày nay học tập ngày mai giúp đời”.

Nhưng sau khi cướp được chính quyền tại miền nam vào 30-4-1975 và trước đó ở ngoài bắc vào sau 2-9-1945, Cộng sản đã triệt tiêu nền giáo dục nhân bản, đạo đức và luân lý của xã hội, rồi thay thế vào đó là nền văn hóa vô gia đình, vô tôn giáo, rập khuôn theo kiểu “đạo đức” Hồ chí Minh, một thứ đạo đức vô luân giết vợ đợ con. Một thứ “đạo đức” phải “ căm thù và đoạn tuyệt với bố mẹ” phải thoát ly cuộc sống của gia đình. Một thứ đạo đức vô tổ quốc, bán rẻ giang sơn và nòi giống cho kẻ thù phương bắc vì quyền lợi của đảng phái. Kết qủa, sau 40 năm áp đặt nền giáo dục vô đạo này cho hai thế hệ, loại “ hỏi ý” côn đồ như những bản tin trên đã xuất hiện nhan nhản trên các loại báo chí, truyền thông từ tỉnh, thành đến trung ương của nhà nước Việt cộng. Sự xuất hiện này xem ra đã làm cho đời sống của người dân bất an, nhưng có lẽ lại là tín hiệu reo vui của nhà nước và băng đảng Việt cộng.?

Thứ nhất, nó báo cho nhà nước biết việc áp bức người dân học tập và làm theo gương “đạo đức” HCM đã nở hoa. Vì các loại tội phạm và tệ nạn đã tràn lan và đang tàn phá xã hội. Thứ hai: Nó ngầm thông báo đến người dân là phải tiếp tục đáp ứng những yêu cầu, hỏi ý còn bá đạo hơn thế do chính nhà nước đưa ra. Muốn từ chối, chống đối là đồng nghĩa với tai họa.

Về điểm một. Hãy nhìn con số thống kê về những tệ nạn xã hội hôm nay như: thanh thiếu nữ phá thai, học sinh nam cũng như nữ, đánh đấm, lột quần áo nhau ra, đâm chém giết nhau ngay trước cổng trường. Rồi nạn đĩ điếm, hộ lý, trộm cướp lan tràn khắp phố phường, khắp mọi cơ quan, lan đến đường quê. Hay những loại tội đại ác, đại nghịch giết cha mẹ, ông, bà, chú bác… thì thấy thành qủa của cái lối giáo dục đào tạo theo gương “đạo đức” của HCM ra sao. Đến nay, mới có khoảng 5 đến 7% dân số đi theo cái lối giáo dục này, nó đã gây tác động vào xã hội, đã tạo ra các tệ nạn kinh hoảng đến như thế. Nếu chẳng may, có khoảng từ 10- 15% dân số trung thành với “đạo đức” HCM, không biết gian trá và tội ác sẽ tàn phá xã hội ta ra sao? Có nhiều phân tích cho thấy rằng, cộng sản chỉ có thể tồn tại trong một xã hội vô văn hóa, nhưng đầy gian dối do chính chúng tạo ra để “ người ta phải nói dối nhau mà sống” (TQT). CS tuyệt đối không thể tồn tại trong một xã hội có đủ văn hóa nhân bản, luân lý và đạo đức. Đó là lý do tại sao, CSVN ngày đêm tuyên truyền và áp đặt cái lối giáo dục bá đạo, theo gương Hồ chí Minh vào mọi tầng lớp dân chúng.

Về điểm hai: Nhìn chung, cả ba bản tin trên đều có một chủ đích: Kẻ thủ ác, đưa ra những đòi hỏi, những yêu cầu hay là hỏi ý mang tính cưỡng đoạt, khống chế đối tác. Kết quả, vì không nhận được câu trả lời đáp ứng, thuận tình theo ý muốn, chúng liền tặng cho đối tác mà trước đó năm bảy giây, một phút có thể còn được coi là người chúng thương yêu, qúy trọng nhất, bỗng trở thành nạn nhân, lãnh trọn những nhát dao “đạo đức” Hồ chí Minh, mất mạng. Điều này thật ra không lạ. Bởi vì, chính bản thân Hồ chí Minh cũng đã từng đưa ra những yêu cầu bá đạo, đầy tính cưỡng đoạt, khống chế tồi tệ như thế. Rồi sau khi được thỏa mãn, HCM còn bất nhân, bất nghĩa lên án những đối tác đã bị cưỡng đoạt tài sản, hay tình cảm kia như là những tội phạm ghê gớm để tặng cho họ những con dao, nhát búa. Nạn nhân thời mất mạng sống, phần gia đình của họ thì dở sống dở chết. Trong số có hai trường hợp điển hình. Đó là trường hợp của bà Nguyễn thị Năm và cô Nông thị Xuân!

Thực tế, nếu đem trường hợp của Hồ chí Minh ra so sánh với trường hợp của Nguyễn đức Nghĩa, ( tử từ vì tội giết người tình với hành vi côn đồ) hay bất cứ một tử tù nào phạm cùng một loại tội tương tự, thì hành động của Hồ chí Minh còn man rợ, tàn độc, đáng nguyền rủa hơn gấp nhiều lần. Bởi lẽ, các tội phạm có thể thủ ác trong nhất thời, mất lý trí. Y còn sợ tội nên chạy trốn. Kế đến, đối tác của y đã trưởng thành, có tự do giao du và cũng chưa có con với tội phạm. Trong khi đó, Xuân còn ở tuổi vị thành niên, không được tự do chọn lựa, hẳn nhiên là đã bị bắt, bị cưỡng hiếp trong một thời gian dài, đã có con với Hồ, nhưng vẫn bị HCM tặng cho một cái búa và quăng xác của Xuân ra đường để gỉa tai nạn lưu thông. Lúc đó, nếu chẳng may có chiếc xe nào chạy qua, dù có gây ra tai nạn hay không thì cũng bị buộc vào cái tội gây tai nạn chết người và lĩnh án thay cho HCM. Phần y ngồi cười! Nhưng trời cao có mắt, đã chẳng có một chiếc xe ma nào chạy trên quãng đường đó để gánh tội cho HCM. Nếu xét trên dấu tích và căn bản gây tội ác. Hồ chí Minh, bá đạo gấp nhiều lần những tử tội trên. Ở trường hợp giết bà Nguyễn thị Năm cũng thế, Y đã quyết tâm, viết ra một bản cáo trạng vu khống cho bà phạm nhiều tội ác để giết bà và theo đó mà giết những người khác. Rõ ràng y có một tâm địa cực độc ác thuộc loại không thể nào có thể cải tạo được. Kết qủa, theo Luật của kẻ bá đạo, HCM đã không bị đưa ra pháp trường, còn được bầy đoàn đảng cộng sản ca tụng và thi đua, quyết tâm học tập theo gương “đạo đức” của “bác”. Hãi chưa!

Trở lại việc hỏi ý kiến, và sự trả lời. Tôi cho rằng, bắt nguồn từ việc tìm kiếm những điều hay, điều tốt đẹp, điều khôn ngoan, điều bổ túc mà người đi hỏi không có, hay không đủ thì ai cũng có thể làm. Làm trong sự tôn trọng đối tác, chấp nhận nguyên tăc bình đẳng, tự do của đối tác. Với tập thể, chuyện hỏi ý dần biến thành một nguyên tắc dân chủ, là đi tìm lấy quyết định chung tốt nhất cho một vấn đề đã bàn thảo. Rộng rãi hơn, biến thành một cuộc trưng cầu dân ý về một quyết định trọng đại cho đất nước, hay một cuộc bầu cử trên toàn diện lãnh thổ…. Tiếc rằng phương cách, hay quy lệ hỏi ý kiến này không hề được tôn trọng trong chế độ cộng sản, nơi mà đảng cộng sản đã tự viết ra mệnh lệnh “đảng cộng sản…là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” (điều 4). Điều 4 này, tự nó trở thành căn nguyên, đầu mối cho mọi loại tội ác phát sinh. Từ sự cưỡng đoạt vô đạo lý này, CS đã tự cho mình là kẻ lãnh đạo tuyệt đối trên tất cả mọi sự kiện, kể cả việc đứng trên luật pháp và dân tộc. Nó hủy bỏ công quyền và quyền bình đẳng của con người. Từ đó, những việc CS gọi là hỏi ý kiến, nó chỉ là một trò hề, mang tính chất thông báo phô trương.Trong thực tế, nó là sự cưỡng đoạt, đòi buộc mọi đối tác phải tuyệt đối thi hành những điều mà CS đã viết ra trong bản dự thảo. Điển hình:

a. Dự thảo gọi là hiến pháp 2013.

Có lẽ độc gỉa chưa quên câu chuyện nhà nước Việt cộng “ kêu gọi” nhân dân đóng góp ý kiến về việc sửa đổi hiến pháp vào năm 2013? Kết quả, một nhóm có 72 người, được mô tả là bao gồm thành phần trí thức, nhân sỹ, các cựu đảng viên, cựu viên chức cộng sản, cựu “ trí thức” ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản, cùng hồ hởi ký tên viết kiến nghị và giao cho một ủy ban do một cựu viên chức nhà nước, nghe nói là đồng chí cựu bộ trưởng tư pháp VC đứng đầu phái đoàn đem đến tận nhà… quốc hội để trình bản kiến nghị này. Chuyện buồn cười để đời là, ngay khi Việt cộng chưa hề nhắc gì đến bản góp ý kiến ấy, mới chỉ nghe Nguyễn phú Trọng nói xa xa là “ bỏ điều 4 hp là tự sát”. Nghe thế, viên trưởng phái đoàn tự nhiên bị ướt quần, vội vàng xin rút tên ra khỏi cái danh sách những ngươì ký tên gởi kiến nghị! Đến đây, ai cũng biết,
nó là một trò hề được đạo diễn từ cả hai phía. Phía “kêu gọi” đóng góp ý kiến và phía “ quyết tâm làm trò” gởi kiến nghị!

Tuy nhiên, cũng trong thời gian đó, dù biết rất rõ trò hề của nhà nưóc Việt cộng trong việc họ kêu gọi công dân đóng góp ý kiến về việc sửa đổi HP. Hội Đồng GMVN trong tinh thần nhân bản, vẫn gởi đi một Lá Thư góp ý. Phải thành thực mà nói rằng, Lá Thư góp Ý của HĐGMVN như một làn Gío Mới, một chuyển bến tốt lành, không phải cho riêng ai, mà cho tất cả mọi người Việt Nam. Nội dung Lá Thư có khả năng làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của xã hội và mở ra một hướng đi chung cho mọi người cùng bước tới trong tin yêu, cùng chia xẻ với nhau mọi thao thức trong tự tình dân tộc và cùng xây dựng một niềm tin mới cho đất nước. Lá Thư góp ý này đã nói lên tâm huyết của những người Việt Nam thiết tha đến tương lai của đất nước và hạnh phúc của dân tộc. Những điểm chính được ghi nhận như:

Về hình thức, Lá Thư đề gửi cho ” ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992” là một ủy ban đặc biệt nghiên cứu về tiến trình sửa đổi HP 2013, nhưng nó không gò bó, không mang một hình thức trình diễn, không có hàng chữ dài vô cảm mang nhãn hiệu “ CHXHCNVN” đi kèm với khẩu hiệu rêu rao của nó ở trên phần đầu trang. Trái lại, phong cách Lá Thư ngắn gọn, trực diện, nhân văn, trí tuệ. Viết những điều cần viết. Nói những diều cần nói. Tuy là ngắn, nhưng chứa đựng hầu như tất cả tâm nguyện, khát vọng, không phải chỉ của người viết, hay của hơn tám triệu thành viên trong tôn giáo mà họ là đại diện, nhưng có thể là của tất cả mọi ngưòi, không trừ ai. Bởi vì, suy cho cùng, xét cho tận, tất cả mọi người đều muốn nói lên một tiếng nói chung, quang minh chính trực là: Chẳng còn một ai thiết tha quan tâm đến cái hàng chữ quảng cáo vô nghĩa CHXHCHVN nữa. Nên quẳng nó đi thì hơn. Kết qủa, khi không có hàng chữ đó, mọi người thấy thoải mái, riêng Lá Thư thì thêm nét đẹp trong sáng, đáng trân trọng hơn.

Về nội dung. Lá Thư mang những lời giảng giải ý nghĩa đích thực của những ngôn từ, lý lẽ trong cuộc sống nhân bản, mà không ai có thể phủ nhận, hay có thể tước đoạt được. Trái lại, những quyền thuộc về con người, làm nên phẩm gía con người như sự tự do, chính trị, đoàn thể, tôn giáo, ngôn luận, tư tưởng là bất khả xâm phạm. Theo đó, không ai có đặc quyền chính trị, cũng chẳng ai có quyền từ khước, tước đoạt quyền làm ngưòi của con người mà xã hội tiến bộ đã công nhận. Kế đến, phải trả quân đội, các lực lượng võ trang, công an, an ninh, tình báo về với chức năng của họ. Hai tổ chức này không thể thuộc một lực lượng chính trị nào, nhưng là của toàn dân với nhiệm vụ giữ an ninh, bảo vệ cương vực và lãnh thổ. Dĩ nhiên những điều tâm huyết, dù có khả năng làm thay đổi cả bộ mặt và cơ chế của đất nước như thế, cộng sản sẽ không bao giờ biết lắng nghe.
Họ không nghe vì đã có điều số 4 và “ dạo đức” HCM dẫn đường!

b. Dự thảo 4, luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Mới đây, HDGMVN, và các tôn giáo bạn lại nhận được một bản hỏi ý kiến khác từ nhà nước Việt cộng gởi đến. Vừa đọc qua cái tên ” Dự thảo 4- Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo” ký ngày 10-4 là rớt mồ hôi hột. Trước tiên, không biết gởi đi là ngày nào, nhưng phải gởi trả lời trước ngày 05-5-2015. Kế đến, Tôn Giáo nào thì cũng đã có luật lệ riêng cho người theo tôn giáo ây giữ gìn. Nghĩa là, luật lệ về tôn giáo thì do các chức sắc có thẩm quyền trong tôn giáo đưa ra, quy định cho phù hợp với đời sống tìn ngưỡng và sinh hoạt của tôn giáo trong xã hội cho các tín đồ, bổn đạo của họ đi theo.
Nay Việt cộng, những Kẻ Vô Đạo, vô thần, chuyên nghề đập phá đền chùa, tôn miếu, cướp của, cướp tài sản của nhà thờ lại đứng ra làm luật cho người Có Đạo thì họ sẽ làm ra những thứ luật lệ gì? Có phải chăng là để cấm cách, để quy hoạch và đáp ứng cho nhu cầu vô thần, vô đạo của CS?

Đặt ra câu hỏi vậy thôi, chứ thực ra chẳng cần tìm hiểu làm gì. Bởi lẽ, chỉ cần đọc đến cái thời hạn gởi trả lời (5/5/15) và kèm theo câu rất ấu trĩ, nếu như không muốn nói là không có lễ giáo, văn hóa: “ hết thời hạn trên nếu không nhận được văn bản góp ý của qúy vị, xin được hiểu là đã đồng ý với dự thảo” là biết cái luật lệ ấy “ gía trị” như thế nào. Theo đó, chả nên để mất thờ giờ, cứ vò và ném cả thư ngỏ cũng như cái bản dự thảo kia vào đống…. rác, mọi người đều đoán biết trong cái bản dự thảo ấy đã viết ra những gì, và với những mục đích gì?” Chắc chắn nó không đi ra ngoài những điểm sau:

1. Cấm cản, kiểm soát. Việt cộng sẽ đặt ra nhiều cái bẫy, nhiều hình thức để cấm cản và kiểm soát những sinh hoạt của các tôn giáo.

2. Áp đặt hiệu ứng vô thần vào tôn giáo. Để phá hoại đời sống linh thánh của các tôn giáo, Việt cộng sẽ tìm cách kiểm soát và áp đặt giáo án thuộc hệ vô tôn giáo, vô thần thánh vào trong việc đào tạo các chức sắc của tôn giáo.

3. Cài cắm, gài người vào trong các tôn giáo với mưu đồ phá họai niềm tin và đời sống linh thiêng, hợp nhất của các tôn giáo. Để từ đó Việt cộng sẽ cơ cấu những kẻ vì dảng vì lợi danh để phá hoại đời sống của người dân như Phạm văn Bồng tức Thích trí Quang. Làm dâm ô, bại họai cửa Phật, hay nhà thờ như Thích nhuận Tiến (Đồng Nai), Thích thông Anh,( Khánh Hoà) như Phan khắc Từ ( họ đạo Vườn Soài) Rồi từ những kẻ bất giáo này, CS sẽ dồn ép tôn giáo, làm ô uế cửa phật, nơi tôn nghiêm, phỉ báng tôn giáo
, phỉ báng thần thánh bằng cách đưa cái đầu lâu của HCM vào chùa, đền miếu, ngồi ngang hàng với Thần Phật.

4. Và sau cùng, cướp đoạt tài sản của nhà thờ, của các chùa chiền theo diện quy hoạch để lấy tiền chia nhau hành lạc.

Ngoài những mục đích này ra, có thể còn có những chủ trương mờ ám khác nữa. Nhưng tuyệt đối không có một điểm đứng đắn nào, tử tế nào, khả dĩ được gọi là tốt đẹp hay bảo đảm quyền tự do tôn giáo của người dân sẽ được viết ra trong cái bản dự thảo này. Đã tệ hại như thế, “dự thảo 4, luật về tín ngưỡng, tôn giáo” là một thứ luật hoàn toàn khác với các luật lệ khi được áp dụng. Khác vì nó chỉ chế tài phía các tôn giáo, là đối tác buộc phải thi hành luật. Nó không bao giờ chế tài phía làm ra luật.

Ai cũng biết, luật lệ đều phải áp dụng cho mọi người. Thi dụ, luật hình sự, dân sự. Luật về gian dâm, trộm cướp, phản quốc thì từ Hồ chí Minh, các viên chức, hoặc thường phạm đều có thể vi phạm và đều bị chế tài. Riêng luật về tôn giáo thì chỉ có những “ tội phạm” là người trực thuộc trong các tôn giao mà thôi. Riêng bộ phận của phía người làm luật ( phía nhà nước) thì sẽ không bao giớ có thể bị kết tội vi phạm vào luật tôn giáo. Bởi lẻ, toàn là những kẻ vô đạo thì làm sao có thể vi phạm luật tín ngưỡng và tôn giáo được? Ấy là chưa kể đến trường hợp, chỉ một giới chức nhỏ nhoi tại địa phương như phường khóm thôn, cũng có quyền giải thích về những điều khoản ghi trong bản dự thảo này tùy theo sinh hoạt trong khu xóm của mình! Như thế, nó khác gì cái thòng lọng buộc vào cổ các tôn giáo, cộng sản muốn xiết chặt lại lúc nào tùy thích.
Nếu địa phương muốn được dễ thở thì lại phải Xin và dĩ nhiên là phải chi tiền để được Cho!

Tóm lại, không một người nào mà không nhăn mặt, khó chịu, bực mình nếu như không muốn nói là muốn nổi giận, phẫn uất vì những hành động côn đồ của những tên sát thủ trong những bản tin nhỏ tôi trích dẫn ở trên. Tuy nhiên, theo tôi, những bản tin này chỉ như một cái gai qúa nhỏ bé, lỡ đâm trúng da thịt chúng ta mà thôi. Nó thực sự không đáng để đem ra so sánh với những đòi hỏi cưỡng đoạt côn đồ của HCM với Nông thị Xuân, hoặc những luật lệ bá đạo của chúng với dân ta. Sự cưỡng đoạt khống chế này không phải chỉ có trong thời cải cách ruộng đất, thời chiến, nhưng còn là đòi hỏi cưỡng đoạt trong mọi giây, mọi phút trong đời của chúng ta hôm nay nữa. Đó là những đòi hỏi lộng quyền, bá đạo, côn đồ gấp trăm lần những đòi hỏỉ mang tính cá nhân trong những bản tin như cái gai nhỏ ở trên. Nó là một con dao cực bén đã thọc vào cổ, vào trái tim, vào buồng phổi của tất cả mọi ngườì. Hoặc gỉa, nó là cái búa tạ đã đập vào đầu vào cổ toàn dân tộc Việt Nam ta. Đó là cái điều số 4 ghi trong bản văn gọi là HP tự biên tự diễn của nhà nước Việt cộng. Từ khởi điểm cưỡng đoạt bá đạo này, người dân Việt Nam đã mất tất cả. Mất từ quyền sống đến công quyền.

Thật vậy. Nếu không có cái điều cưỡng đoạt này, không có gương “đạo đức” HCM, nền luân lý đạo hạnh và văn hóa của dân tộc ta không thể bị phá sản, sẽ không có nhiều những loại tội đại ác côn đồ như trên xảy ra. Chưa chắc gì những thanh niên trên xa đà vào tội ác để bị kết án. Sẽ không có nhiều những tệ nạn trộm cướp, đĩ điếm, ma tuý, đâm chém nhau như hôm nay. Nếu không có “đạo đức” HCM, tài sản của nhà thờ, của chùa chiên không bị vi phạm, tôn giáo không thể bị phỉ báng vì Kẻ Vô đạo làm luật cho Người Có Đạo. Nếu không có điều cưởng đoạt số 4, tập đoàn Cs không thể bám vào cái đầu lâu của HCM để từ đó thêu dệt, vẽ vời ra, và thay nhau đánh bóng tội ác để tiếp tục trấn lột máu xương của nhân dân và phục vụ cho mưu đồ bành trướng Bắc Kinh. Nếu không có cái điều cưỡng đoạt số 4 này, đất đai của ngưòi dân không thể bị quy hoạch tùy tiện, đất nước không có những dân oan. Không có cái điều 4 này, những người hy sinh bảo vệ quê hương sẽ có một vị trí sứng đáng trong lòng dân tộc. Không phải hẩm hiu, bia tàn, nhang lạnh và nằm dưói chân những nghĩa trang, những ngôi mộ hoành tráng mang tên “ Liệt Sỹ Trung Quốc” ngay trên đất nước mình. Không có điều số 4 này, Việt Nam đã không bị mất biển đảo, không thể bị bất cứ kẻ nào vẽ lại đường biên giới. Dân ta sẽ không gặp đại họa, không bị bất hạnh như hôm nay.

Như thế, điều số 4 này có phải là con dao đã thọc sâu vào trong tim vào buồng phổi, vào lá gan của từng người, hay như cái búa đã đập vào đầu, vào cổ toàn thể dân ta hay không?
Điều số 4 này có phải là một thứ luật lệ của kẻ bá đạo, đang từng giờ, từng phút giết chết cuộc sống của cả dân tộc ta, hay nó phục vụ cho Việt Nam ta đây?

Hơn lúc nào hết, chúng ta nên nhớ rằng, Nhân quyền, công quyền của ta đã mất, ta đã như một kẻ nô lệ. Việc ta còn sống hay chết. Việc ta có bị tập đoàn cộng sản phanh thây, giam cầm, hay tôn giáo, tín ngưỡng của ta có có bị phỉ báng hay không, không phải là vấn đề để CS quan tâm. Với CS, dân ta đã bị coi là nô lệ, thì tên nô lệ ấy mang tên Việt Nam hay Trung quốc cũng chẳng có gì khác biệt. Có chăng là khi đất đai biển đảo và các công trình kinh tế của ta sau khi đã lọt vào tay Trung cộng thì quan cán CS được hưởng hàm thái thú, còn ta thêm một cái tròng mới vào cổ mà thôi.

Hỡi thanh niên, học sinh Việt Nam. Hãy tránh xa những trò bá đạo của HCM, đừng bao giờ dại dột theo gương y để tự gây họa cho mình và cho xã hội.

Hỡi người dân nô lệ, chúng ta chỉ có một con đường duy nhất để đi. Hãy cùng nhau đứng dậy, đập tan xích xiềng, xé nát tất cả những luật lệ bá đạo của chúng đi. Chúng ta và con cháu chúng ta phải lấy lại quyền làm người. Lấy lại Tự Do, Công Lý. Lấy lại quyền sống của một chủng tộc bất khuất trong dòng máu Độc Lập Việt Nam mà Tạo Hóa đã trao cho chúng ta.

Bảo Giang
5-2015