Chuyện đời thường....
Trên một con đường vắng, một chiếc xe đang phóng nhanh chợt đột ngột thắng gấp lại và tấp vào lề đường.
Ai đó vừa ném một viên đá vào cánh cửa chiếc xe.
Bước ra khỏi xe, liếc nhìn chỗ xe bị ném, người lái xe bực tức chạy nhanh đến tóm ngay thằng bé đứng gần đó – chắc chắn nó là tác giả của vết trầy trên chiếc xe.
Trước đó anh đã thấy nó vẫy xe, chắc là để đi nhờ.
- “không cho đi nhờ mà mày làm như vậy hả?”.
Anh vừa gằn giọng vừa nắm chặt cổ áo đẩy cậu bé sát vào chiếc xe…
Cậu bé lắp bắp sợ hãi:
“Em xin lỗi! nhưng em… em… không biết làm cách nào khác. Nếu em không ném vào xe của anh thì anh đã không dừng xe… Nãy giờ em đã vẫy biết bao nhiêu xe mà không có ai chịu dừng”.
Nói đến đó, nước mắt cậu bé lăn dài trên má. Cậu chỉ tay về vệ cỏ phía bên kia đường.
-“Có một người… anh ấy bị ngã và chiếc xe lăn của anh ấy cũng ngã. Em tình cờ đi ngang qua thấy vậy nhưng không thể đỡ nổi anh ấy vì anh ấy nặng quá”.
Giọng ngắt quãng vì những tiếng nấc liên tục, cậu bé nài nỉ:
-“Anh có thể giúp em đưa anh ấy trở lại chiếc xe lăn được không ạ? Anh ấy ngã chắc là đau và đang bị chảy máu”.
Lời nói của cậu bé khiến anh thanh niên không thể thốt lên được lời nào.
Anh thấy cổ mình như nghẹn lại vì bất ngờ và xúc động.
Anh đến đỡ người bị ngã trở lại ngồi ngay ngắn trên chiếc xe lăn, băng vết thương và cùng cậu bé kéo xe lên đường.
Người bị ngã cảm ơn anh rồi chiếc xe bắt đầu lăn đi về phía đường ngược lại, cậu bé phụ đẩy phía sau.
Anh dõi mắt nhìn theo cho đến khi hình ảnh cậu bé và chiếc xe lăn khuất hẳn.
Anh bước thật chậm về phía chiếc xe của mình, cảm giác giận dữ trong anh không còn nữa và những bước chân ngập ngừng cũng không thể diễn tả hết tâm trạng của anh lúc này.
Anh quyết định không sửa lại vết trầy trên xe.
Anh muốn nó sẽ nhắc anh về câu chuyện xúc động hôm nay, về một điều mà trước nay anh không để ý đến và cũng không có thời gian để ý đến.
Anh đã không nhận ra, không có được lòng trắc ẩn như cậu bé kia, anh đã tiếc thời gian và đi quá nhanh đến nỗi phải có một ai đó ném một viên đá mới làm anh dừng lại.
Để tôi nghĩ cách
xem sao
Đêm đó đã rất khuya, một đôi vợ chồng cao tuổi tìm đến một khách sạn ở khu du lịch hỏi thuê phòng. Người lễ tân, một thanh niên trẻ nhã nhặn đáp: “Xin lỗi, khách sạn chúng tôi đã kín khách, không còn chỗ nào cả”.
Song, khi thấy bộ dạng mệt mỏi và thất vọng của 2 vị khách, người lễ tân lại nói: “Tuy nhiên, để tôi nghĩ cách xem sao…”.
Anh đương nhiên không muốn họ tiếp tục phải đi gõ cửa từng khách sạn mà xem ra cũng đã kín đặc người trong thị trấn, rồi cuối cùng phải ngồi vật vạ đâu đó bên lề đường suốt cả đêm.
Vậy nên, anh dẫn hai vị khách ấy đến một gian phòng nhỏ nhưng ngăn nắp và sạch sẽ: “Đây không phải gian phòng tốt, nhưng lúc này tôi chỉ có thể làm được đến vậy”.
Ngày hôm sau, khi hai vị khách đến thanh toán, người lễ tân từ chối: “Không cần, vì đó chỉ là phòng nghỉ của tôi, cho ông bà mượn tạm qua đêm. Chúc ông bà lên đường may mắn”.
Hóa ra, cả đêm hôm đó người lễ tân đã không ngủ mà ngồi làm việc trong quầy. Hai vị khách vô cùng cảm động. Khi họ đã đi khỏi, anh tiếp tục bận rộn với công việc của mình và quên hẳn chuyện đó.
Không ngờ một ngày kia, anh nhận được một tấm vé máy bay cùng thư mời đến New York làm việc. Hóa ra hai vợ chồng già ấy thuộc hàng tỷ phú, sau khi quay về họ quyết định mua hẳn một khách sạn sang trọng để kinh doanh và mời người lễ tân tốt bụng đến làm quản lý với niềm tin chắc chắn anh sẽ làm rất tốt công việc này.
Đó là câu chuyện truyền kỳ về người giám đốc đầu tiên của chuỗi khách sạn hàng đầu thế giới Hilton. Nó nhắc nhở chúng ta rằng: Nếu biết yêu thương đồng loại, nếu con người đối đãi với nhau bằng chân tình, bất cứ việc gì cũng có thể “nghĩ cách xem sao…”
304Đen -Llttm
No comments:
Post a Comment