Người Cộng Sản
Cô Độc
Ấn bản tiếng Việt của cuốn “The
Lonely Communist Man”, I,Universe, New York 2009
Price: $US 22.95
Chương Một
Anh
tư Lậy bỏ cuốc xuống cái bờ đê ngăn đôi miếng ruộng còi, chừng hai mẩu đất, mướn
của ông chủ điền ở Trâm Vàng từ ngày vợ anh, chị Búp, sinh ra thằng Bon, đứa
con đầu lòng tới bây giờ vửa hơn bốn tuổi. Nắng giữa trưa nóng cháy người, mặc
dù ngoài đổng lúc nào cũng có gió. Kéo cái áo thung rách tả tơi lên lau mồ hôi,
ngồi bệt xuống nghỉ tay bên mấy cây bình bác say trái, anh mở mo cau đựng mớ
cơm nguội và hai ba con cá khô ra, bốc ăn vội vã để còn kịp làm xong phần đất
khô nứt trước khi trời mưa xuống.
Đám ruộng không tốt, chỉ cấy được hai phần
ba, vợ chồng ráng dành dụm chắt chiu, làm thuê làm mướn, từ ngày lấy nhau trên
Dầu Tiếng, bỏ về Trà Cao, mướn với giá rẻ, hy vọng có ngày dễ thở hơn. Năm năm
rồi, tay chân chai cứng, sớm nắng chiều mưa vẫn không đủ cho ba miệng ăn, bữa
no bữa đói, tội nghiệp cho thằng Bon miệt mài uống nước cơm thay sữa. Năm nào
thất mùa, dù chủ đất thương tình thông cảm, giảm bớt số lúa trả, nợ vẫn ngập đầu,
hẹn lần hẹn lựa. Chị Búp cắn răng cam chịu, phụ chồng đầu tắt mặt tối. Anh Lậy
thương vợ xấu số lấy chồng cùng đinh, một thân dãi dầu mưa nắng không từ nặng
nhẹ. Chữ nghĩa học lớm người, cha mẹ mất sớm, suốt đời đi chăn trâu, không đầy
nắm tay nhưng cũng ráng dạy con tập đánh vần mấy chữ á a, trong ước mơ thấy con
đến trường làng một ngày nào đó.
Cuối mùa gặt, lại mất mùa, lúa đập được
không đủ trả, chị Búp dẩn con đón xe đi Trâm Vàng, xin chủ ruộng thương tình
cho khất số lúa tới năm sau. Đứng chờ xe lam về Trà Cao, chị Búp mằn mò chục đồng
bạc trong túi áo lót, mua cho thằng Bon nửa ổ bánh mì chiều có cá mòi đỏ, chị
sung sướng hôn con, ngồi đại xuống lề con đường trải nhựa đen giữa chợ quận mặc
thiên hạ lại qua. Thằng Bon nuốt nước miếng ngấu nghiến ăn ngon lành.
Anh Lậy từ ruộng về, tay xách cái đục tre với
vài ba con cá rô nhỏ xíu, thằng Bon chạy lăng xăng ra đón. Anh cho nó con cá
lia thia xanh đen, trò chơi duy nhất mà nó có. Khói lam cơn chiều quyện lững lơ
trên dăm ba mái tranh lác đác xa xa ngoài đồng vắng. Ở đây, nhà trong ấp gần
nhau ít nhất cũng vài bờ đê ruộng. Trời tối, nhìn con nằm ngủ trong cái võng bằng
vải bố rách bương, nhìn mái nhà tranh ủ dột, tấm liếp tre che cửa trống trước hụt
sau, tiếng chị Búp thở dài nảo nuột không thua gì tiếng ểnh ương gọi mưa trong
đêm lạnh anh Lậy trăn trở, xót xa nghe.
Xuống xe đò tại ngõ vào cổng
chánh tòa thánh, anh Lậy ôm cái túi xách bằng dây lác đi trước, chị Búp dắt con
theo sau. Cả hai tìm ngay đến văn phòng ông Chánh đầu sư, người giữ nhiệm vụ
cai quản cô nhi viện. Thằng Bon ngây ngô chạy nhảy tung tăng trên nền gạch bông
đủ màu bóng láng. Hai vợ chồng rưng rưng nước mắt, ký giấy tờ cho con. Ông
Chánh đầu sư không cầm được lòng, gỡ cặp mắt kiếng già ra lau ngấn lệ. Thằng
Bon theo ba người lớn qua nhà chơi, thấy đám con nít trang lúa đùa giỡn ồn ào,
la hét, chạy vào nhập bọn quên hẳn cả cha mẹ. Hai vợ chồng ở lại đó cho tới giờ
ăn chiều rồi từ giã ông Chánh đầu sư lặng lẽ bỏ con trốn đi. Thằng Bon chưa biết
gì cứ mãi mê vui chơi. Chị Búp khóc vật vã trên chuyến xe chiều về Gò Dầu Hạ.
Anh Lậy cắn chặt vành nón vải rác tả tơi, cỏi lòng tan nát.
Mùa nước tới, đám ruộng vợ chồng anh Lậy
không thấy ai làm đất. Cỏ hoang mọc cao đến đầu gối. Cái chòi tranh, mái dột cột
xiêu chừng như muốn ngã theo tấm liếp dừa che cửa, đánh qua đánh lại khi trời nổi
gió. Dãy mồng tơi úa vàng lặng lẽ phơi mình bên sàn nước ọp ẹp. Anh Lậy không
còn ở đó không lâu sau ngày dân ấp bắt đầu gieo mạ. Vợ chồng, hai ba cái túi
xách, một vài cái túi mang cùng mấy trăm đồng bạc của bao nhiêu lâu dành dụm, bỏ
Trà Cao đi trong một ngày mưa tầm mưa tả. Hàng bình bác say trái ửng vàng chín
rộ bên bụi chuối hột buồn thiu, chị Búp kéo tấm ni-lông, nhặt từ bao phân bón
nào đó, cất làm áo mưa, che vội vàng trên đầu. Anh Lậy đi sau mặc tình cho nước
mưa tuôn xối xả.
Sau tết ta, ông bà đốc Nhân, trên đường đi
cúng lễ chùa trong Trí huệ cung về, ghé vào cô nhi viện, gặp ông Chánh đầu sư hỏi
thăm chuyện xin con nuôi. Thằng Bon bây giờ được sáu tuổi, đứng xớ rớ ngoài sân
một mình, lấm lét nhìn. Ông bà tự dưng thấy thằng nhỏ tội nghiệp, trông nó cũng
dễ thương nên ngỏ ý với ông Chánh đầu sư muốn nhận nó. Ông Chánh đầu sư kêu thằng
Bon lại, đứng gần ông bà khoanh tay cúi đầu chào, rồi cho hai người biết sơ qua
câu chuyện. Bà đốc Nhân vò đầu, vuốt tay, thằng Bon cười tủm tỉm. Ông bà đốc
Nhân trở lại cô nhi viện vài lần sau đó, cuối cùng quyết định xin thằng Bon làm
con.
Sáng thứ bảy, bà đốc thức dậy thật sớm, cẩn
thận xếp bộ quần áo mới, mua ngoài chợ mấy ngày trước cho thằng Bon và hộp bánh
tây lạt thơm phức mùi bơ, vào túi xách, pha tách nước trà đậm nóng, ngồi nhìn
ra cửa sổ chờ sáng. Ông đốc ngủ cũng không yên, rục rịch thức theo. Con sáo
hoang xoãy đôi cánh ướt mềm sương sớm trên bực thềm đá ngoài sân bên gốc cây
mai già, tết qua rồi mà hoa vẫn còn vàng hực một màu. Tách trà vừa nguội, xe cộ
bắt đầu rộn rã ngoài đường, ông đốc quơ vội cái nón nỉ đội lên đầu, bà đốc sửa
lại chiếc khăn lụa quàng cổ, đóng cổng rào.
Sương đêm tan dần ở cuối đường, trời đã có
chút nắng ấm. Thằng Bon lùng thùng xúng xính trong bộ quần áo mới tinh, ôm hộp
bánh tây chạy qua chạy lại, lăng xăng nói năng với mấy đứa bạn cùng tuổi, rồi đến
vòng tay chào từ giã ông Chánh đầu sư và người đàn bà giúp việc, đứng chờ. Ông
bà đốc chậm rãi ra đường, thằng Bon lửng thửng đi sau, thỉnh thoảng quay đầu
nhìn lại. Đám bạn mồ côi ngoài hành lang không còn ai ở đó nữa.
Nhà bây giờ có ánh đèn khuya. Thằng Bon
không bao lâu đã đọc chữ làu làu, thuộc cữu chương ngược xuôi xuôi ngược. Ông
bà đốc đi đâu nó cũng đòi theo, dạ thưa quấn quýt. Vào lớp năm, chưa đầy nửa
năm, cô giáo cho lên lớp tư. Ai cũng nể nang, một hai gì cũng con ông đốc học. Bon
dễ dạy, không thấy bị rầy la lớn nhỏ chuyện gì, ham đọc sách ôn bài. Lúp xúp
loanh quanh phụ ông đốc nhổ cỏ quét lá trong vườn nhà quanh năm suốt tháng. Buổi
chiều nào ông bà cũng đứng ngoài cổng rào, chờ thằng Bon về mỗi khi nghe tiếng
chuông tan học reo lên từ sân trường tiểu học tỉnh nơi mà ông đã có thời đứng
nhìn bọn trẻ ra về với hàng trăm nụ cười trọn vẹn.
Còn tiếp
Thuyên Huy
No comments:
Post a Comment