CHÚA
KHÔNG ĐẾN NGÔI NHÀ THỜ ĐÓ
Ngài
là linh mục không có nhà thờ. Như đại đức không có chùa, như người cầy không có
ruộng. Ngài lại không thích hạc nội mây ngàn và càng không thích giảng kinh thu
môn đệ. Người ta bảo ngài thiếu tinh thần thi đua xây cất giáo đường. Ngài đã
cười. Và, thay vì biện bạch mất công, ngài dùng một danh ngôn của một vị Hồng y
trả lời tất cả: “Nếu phải chọn, hoặc dựng một giáo đường, hoặc xuất bản một
nhật báo, tôi sẽ xuất bản nhật báo.” Và ngài làm theo lời vị Hồng y. Dù sống
đạo giữa đời hay sống đời giữa đạo, ngài vẫn chỉ là một người có số phận và
chịu sự an bài của Thượng đế. Nghĩa rằng, được cái nọ, mất cái kia.
Ngài
không có nhà thờ thì ngài đành xin làm lễ nhờ ở nhà thờ khác. Như nông dân mướn
ruộng của điền chủ. Tôi là phóng viên nhật báo do ngài làm chủ nhiệm nên thường
dự những buổi lễ của ngài. Ngắm ngài nghiêm trang dưới chân Chúa hay tặng bánh
Thánh con chiên hay nghe xưng tội, tôi lại nhớ ngài ngồi im lặng ở bàn viết tòa
soạn, tìm chữ nghĩa độc địa nhất để nghị luận tội lỗi của loài người. Và tôi tự
hỏi ngài sẽ xưng tội với ai. Những vị linh mục công kích thiên hạ, xúi dục tuổi
trẻ phá phách, xách động con chiên xuống đường, chiếm đất công hữu đuổi nhà dân
nghèo sẽ xưng tội với ai. Hẳn có ngày họ sẽ chịu sự phán xét khắt khe của Chúa.
Bởi vì, Chúa dạy gây tình thương yêu, họ đã tạo nên thù hận. Bởi vì, Chúa bảo
bọn nhà giầu khó lên nước Thiên Đàng, họ đã là chủ trường cá mập, chủ cơ sở ấn
loát bóc lột công nhân, chủ ngân hàng cho vay ăn lãi. Vị linh mục của tôi, chắc
chắn, sẽ về nước Thiên Đàng bằng chuyến tầu chót. Nghị luận tội lỗi của bọn giả
hình là đưa chúng về đường thiện, là giải thoát chúng. Bọn giả hình năm 20 hay
năm 1970 đều giống nhau. Chúa đã chả nặng lời mắng bọn giả hình đó ư?
Tuy
thế, vị linh mục của tôi vẫn cần có một ngôi nhà thờ riêng. Người ta chờ nhật
báo của ngài bán chạy, người ta chờ cơ sở ấn loát của ngài đông khách, sẽ tính
chuyện. Và người ta mua cái vi-la của ông Tây lai già đằng trước tòa báo. Để
chuẩn bị “hữu sản hóa” cho ngài. Để ngài khỏi bị đi làm lễ nhờ mỗi sáng chúa
nhật. Tôi không được chứng kiến lễ đặt viên gạch đầu tiên. Tại tôi nghỉ việc
quá sớm. Ở xa, tôi nghe nói vị linh mục của tôi đã có nhà thờ vào dịp chính phủ
ban hành luật người cày có ruộng.
Tôi
trở lại nơi cũ như một thân chủ của cơ sở ấn loát của vị linh mục chủ nhiệm của
tôi. Báo của ngài đã đình bản. Ngài không có mặt thường xuyên ở văn phòng của
ngài đã đành, ngài còn không có mặt thường xuyên ở nhà thờ riêng của ngài. Phải
vì giáo đường chỉ là căn nhà cũ của ông Tây lai sửa chữa chút đỉnh? Hay phải vì
đám con chiên trung thành nhất của ngài chỉ là lũ buôn bán Thần Thánh? Chỗ tôi
ngồi làm việc, hàng ngày, đằng sau nhà thờ. Như từ phòng khách ra phòng ăn.
Trong phạm vi giáo đường, sát cạnh nơi người ta kể Phúc Âm mỗi tối, là cái
trường mẫu giáo. Cách bàn giấy của tôi năm thước là cầu tiểu. Học trò đã tự do
phóng uế. Mùi khai nồng nặc. Chiều thứ bẩy, người ta bơm nước rửa sạch sẽ cầu
tiểu. Vì sang chủ nhật có “cha xuống làm lễ”. Cha, vị linh mục của tôi, làm lễ
sáng chủ nhật thì sáng thứ hai bàn giấy của tôi bị lục bừa bãi bởi các đồng tử
ham nghịch ngợm. Điều đó tôi rất thú vị. Tuổi thơ không biết nghịch là tuổi thơ
ốm yếu. Đáng buồn. Điều tôi thú vị hơn là chiếc áo thầy tu của vị linh mục đã
treo ở văn phòng tôi rất đều đặn, mỗi sáng thứ hai. Ngài chỉ mặc áo dòng sáng
chủ nhật để làm lễ. Sáu ngày trong tuần, ngài mặc y phục thế nhân dạo phố, y
phục thể thao đánh quần vợt… Tôi yêu ngài bởi tâm hồn đạo của ngài chứ không
bởi hình thức tu hành. Ngài cũng hiểu thế. Và ngài đã ngạc nhiên thấy tôi đọc
Thánh kinh một cách say mê. Chúng tôi thường bàn về kinh cựu ước. Và tôi nói:
–
Cựu ước kinh như truyện phòng thân. Có phải Moise viết? Nếu vậy Moise đã làm
mất người trong Chúa. Chúa rất người. Chúa đâm xa lạ. Chúa gần gũi chúng ta.
Nhất định Chúa đã là người. Cha có đọc bộ Lịch sử nhân loại của Will Duran
không? Đoạn viết về Đức Phật, Will Duran mạt sát thậm tệ bọn đời sau đã thần
thánh hóa vĩ nhân, đã làm mất hẳn tâm hồn người huyền diệu của vĩ nhân.
Linh
mục cười:
–
Nói nữa đi!
Tôi
hỏi:
–
Cha không giận chứ?
Linh
mục đáp:
–
Chẳng có gì vui hơn được nghe chuyện đạo của người ngoại đạo. Và người ngoại
đạo lại là anh, một kẻ hoang đàng…
Tôi
nói tiếp:
–
Ở Tân ước, Chúa dạy mọi người đều là anh em. Thế mà ở Cựu ước, Chúa lại sai anh
chàng Samson dùng sức khỏe vô địch của mình xô đổ cái cột đá sát hại cả một
làng là nghĩa gì? Chúa chê lũ giả hình, ghét bọn Pharisien nhưng Chúa đâu có
thù hận ai?
Linh
mục gật gù:
–
Nhiều chỗ anh chưa rõ. Nhưng anh chịu đọc Thánh kinh là quý rồi.
Tôi
hỏi:
–
Quý ở nơi nào?
Linh
mục đáp:
–
Ở nơi chúng tôi có khá đông đạo hữu chỉ biết cầu Chúa ban ân huệ. Tôi lại hỏi:
–
Cha có đọc Nam Hoa kinh?
Linh
mục đáp:
–
Có.
Tôi
nói:
–
Thưa cha, cụ Trang mấy nghìn năm cũ bảo, đại ý, người xưa chết rồi, vả lại, lời
người xưa chỉ đúng khi áp dụng vào việc đời xưa, cha nghĩ sao?
Linh
mục trả lời:
–
Chúng tôi đã có Cộng đồng Vatican II.
À,
chúng tôi đã nói chuyện thật cởi mở. Linh mục kiên nhẫn nghe một gã ngu dốt xâm
phạm vào sở trường của mình, mà không hờn giận. Mà không xua đuổi. Cho nên tôi
mới tin rằng ngài thật lòng, phụng vụ Chúa và muốn con chiên của ngài thật lòng
như ngài. Chúa không ưa bọn giả hình. Chúa không ưa cả bọn giả hình quỳ dưới
chân Chúa, bọn sáu ngày gây tội lỗi để chủ nhật xưng tội. Do đó, ngôi nhà thờ
người ta xây dựng có toan tính và cốt làm vui lòng ngài, ngài đã chẳng vừa
lòng. Trước hết, kẻ chuyên đọc kinh Phúc Âm là một tay biện lận. Ông này đã sửa
chữa hóa đơn chi thu, đã ăn gian tiền lương của ngài, đã mua cái Harmonium cũ
rích trả giá cao hơn cái đàn mới, đã pha thêm nước đường vô rượu lễ, đã mua
bánh men thay bánh thánh. Vân vân. Đám phục dịch nhà thờ chuyên lấy báo mới cho
mướn và trả báo cũ về. Một vị có công lao nhất thì xử dụng nhà thờ ngót nửa
tháng đọc kinh cầu hồn cho bố mẹ bị chết lụt ngoài Bắc. Vị này mắc máy phóng
thanh khắp ấp, kinh cầu thu băng nhựa, vặn suốt ngày. Vị linh mục của tôi chán
nản, tâm sự riêng với tôi:
–
Nó lợi dụng nhà thờ. Nó tưởng ông thân sinh của nó là cha già dân tộc. Nó làm
thiên hạ ghét Cha ghét Chúa.
Tôi
biết rõ về bọn lợi dụng nhà thờ. Nhất là bọn lợi dụng nhà thờ riêng của vị linh
mục của tôi. Cuối cùng, vì kẻ biển lận đọc kinh Phúc Âm và cầu hồn cho bố mẹ
người có công tu sửa nhà thờ ròng rã nửa tháng nên nhà thờ, đúng nghĩa, là nhà
thờ riêng của cơ sở ấn loát. Nhưng nhân công không thích cầu nguyện ở đây. Họ
mất công đến nhà thờ khác. Còn lại là bà con, gia đình các “chức sắc” của cơ sở
ấn loát. Vị linh mục chỉ tới làm lễ sáng chủ nhật, vì vậy.
Những
hôm đang viết bài bị “bí”, tôi thường vào nhà thờ ngồi suy nghĩ. Tôi ngắm Chúa
Cứu Thế gắn trên tường và ngỡ đang nhìn rõ từng giọt máu ứa ra từ những nơi
Ngài bị đóng đinh chịu tội. Ơ kìa, khuôn mặt rực rỡ của Ngài sao không tươi vui
như hạnh phúc của loài người, như ở những giáo đường khác? Mà có vẻ phiền muộn.
Chắc Ngài ngó xuống chiếc chén mạ bạc dâng rượu lễ đầy bụi bậm. Chắc Ngài ngó
xuống chiếc chuông đồng nổi teng. Cái Ngài ngó xuống chỗ đọc kinh Phúc Âm. Và,
Ngài chưa quay lại nên chưa ngó xuống cái bàn nhỏ kê gần bàn giấy của tôi. Ở
đó, có hai chai nước. Một chai khô queo dán miếng bìa trắng viết hai chữ nước
phép. Một chai còn chút nước đầy cung quăng, cũng dán miếng bìa trắng viết ba
chữ Nước rửa tội! Hai cái chai đó vẫn bất di bất dịch trên chiếc bàn nhỏ. Có
lẽ, vỏ chai bây giờ đóng đầy bụi. Vị linh mục của tôi thở dài:
–
Chúng nó giả dối!
Tôi
không hiểu sao ngài chấp nhận sự giả dối ấy.
Năm
nay người ta sửa soạn mừng Chúa Giáng Sinh tại ngôi nhà thờ tôi vừa kể. Người
ta đánh bóng chiếc chén bằng bạc dâng rượu lễ, chiếc chuông đồng, sơn quét bên
trong, bên ngoài nhà thờ. Người ta dựng cổng chào, kết hoa, giăng đèn. Người ta
lại vừa thay chiếc chuông lớn hơn. Nhưng người ta quên hai chai nước phép, nước
rửa tội. Ông chuyên viên đọc kinh Phúc Âm thì biển lận gấp ba năm ngoái. Ông
đóng góp công đức nhiều vào việc trùng tu giáo đường mới từ khám Chí Hòa ra.
Tất cả đều hy vọng mùa Giáng Sinh này Chúa sẽ ban ơn thật nồng hậu. Nhưng mọi
người đã mỏi mắt trông đợi vị linh mục xuống làm lễ. Mãi tới nửa đêm Giáng,
linh mục vẫn biệt tăm. Đi tìm Ngài khắp nơi, không thấy. Và đám con chiên thích
riêng biệt không chịu hòa đồng có dịp suy ngẫm trầm lặng trong đêm thánh thành
phố.
Lúc
đó, cha của họ, linh mục của tôi, đang làm lễ ở một ngồi nhà thờ còn ngập nước
lụt ở miền Trung. Thánh lễ vô cùng đơn sơ. Tôi tưởng tượng thế. Và tôi mơ hồ
nghe tiếng cầu nguyện của những con chiên chân thành nhất, đáng thương xót nhất
của Chúa. Những bước chân đạp nước lạnh kính cẩn gửi lời mừng Chúa giáng sinh.
Những hơi thở làm ấm một vùng cóng buốt. Một ánh lửa từ trời cao rớt xuống. A
men. Chúa đã đến nơi đây. Chúa không đến ngôi nhà thờ riêng của vị linh mục của
tôi. Chẳng bao giờ sai cả, Chúa chỉ đến với niềm tin còn nguyên vẹn sau những
đọa đày, cơ cực.
(Tháng
12-1973)
Duyên
Anh
No comments:
Post a Comment