CUỘC CHƠI ĐÃ KẾT THÚC
Lời giới thiệu:
Bốn mươi năm trước, khoảng trước
Tết Nguyên đán Năm Con Mèo 1975, tôi viết truyện ngắn này. Vì là viết cho báo
xuân năm Con Mèo, cho nên truyện được đặt tựa là “Chuyện người con gái tuổi
Mèo” cho nó hợp với không khí tết nhất. Truyện do chủ bút Viên Linh của tạp chí
Thời Tập đặt. “Lâu lắm không thấy bà viết truyện. Tết này viết cho Thời Tập một
cái gì đi cho vui,” Viên Linh nói. Từ hồi ra làm nhật báo Sóng Thần và nổi trôi
với những thăng trầm của nó từ cuối năm 1971, tôi đã ngưng sáng tác. Tôi ậm ừ
nhận lời. Viên Linh là chủ bút duy nhất xin bài tôi năm ấy, vì thân hữu bên văn
chương ai cũng biết tôi bận, đúng ra là không còn đầu óc để tha thẩn chuyện văn
chương. Đã cận ngày phải giao bài, một bữa ngồi tại tòa soạn Sóng
Thần trước xấp giấy mầu ngà được cắt thành từng trang từ những mẩu thừa thẹo lẽ
ra vất đi của những cuộn giấy in báo, tôi nhìn quanh, rồi ngắm ký giả Hùng
Phong đầu hói, vóc người nhỏ bé, vui tính, và nữ văn sĩ kiêm ký giả
Thục Viên, có dáng cao lớn, tính tình ngay thực bốp chát, đang trao
đổi vài câu chuyện tin tức trong ngày. Và tôi viết, bằng tay, xong cái
truyện nội một buổi sáng, đọc phớt qua, rồi nhờ người mang lại tòa
soạn Thời Tập.
Hùng Phong và Thục Viên quen
biết nhau rất sơ sài qua tình đồng nghiệp, nhưng tôi cho hai người đó
là bạn thân trong truyện. Đó là câu chuyện về một nữ ký giả không
lấy gì làm nổi lắm, nhưng độc lập, tên Bích. Bích có người cha vì
tính tình quá ngay thực nên suốt đời chỉ gặp toàn những đổ vỡ,
thuộc cái thế hệ bị dằng co giữa hai thế lực hoặc theo kháng chiến chống Pháp
hoặc về với Pháp phối họp với lực lượng quân đội Việt Nam chống lại cộng sản
trong lực lượng Việt Minh; và một bà chị góa chịu đựng, làm chủ một
tiệm bán hoa giả mà tôi mượn của một chị bạn trên đường Lê Thánh Tôn (làm
chị trách quá trời khi đọc truyện). Câu chuyện xoay chung quanh cái chết
dần mòn của người cha vào một dịp cuối năm khi tất cả mọi người
đều vội vã tất tả như thể cái Tết có khả năng “ngắt thời gian ra
làm hai” và khiến cho ai nấy vội vã hối hả như thể ngày mai sẽ không
bao giờ đến nữa.
Tôi nói về cuộc chiến tuy
không được đề cập đến trong truyện nhưng ẩn hiện qua từng nhân vật:
người cha đại diện cho thế hệ gồm những hư sự chỉ vì thực thà, cả
tin. Người con gái lớn đại diện cho cái thế hệ chịu đựng của những
người đàn bà thời chiến. Và người con gái thứ hai là ký giả, đại
diện cho thế hệ đang lớn bơ vơ, lạc lõng, xa lạ với xung quanh và cả với
chính mình.
Tôi thực sự quên hẳn cái truyện
ngắn viết một cách rất bột phát đó vì nhiều biến cố đã dồn dập xẩy ra từ sau
Tết – cuộc di tản đẫm máu và nước mắt khỏi cao nguyên, rồi lần lượt các tỉnh
miền Trung mất vào tay cộng quân kéo theo các cuộc di tản vô cùng thương tâm
khác, trong một nỗi hoang mang cùng tột. Trong khi đó anh chị em Sóng Thần như
bị cụt tay cụt chân vì tờ báo thình lình bị rút giấy phép và phải đóng cửa,
cùng với hai, ba tờ nhật báo khác, với không một lời giải thích về phía chính
quyền của Miền Nam.
Một buổi sáng sau khi báo bị
đóng cửa, theo thói quen tôi vẫn đến tòa báo – đang bị chủ nhà dọa
đóng nốt – để nghe ngóng tin tức về vụ kiện chính quyền đã “vi hiến
vi luật khi rút biên lai đóng cửa năm tờ báo” trong có Sóng Thần; để
khất nợ, để đòi nợ; và để có lý do ra khỏi nhà mỗi buổi sáng,
trong khi ao ước mình có thể được có mặt tại những trại tạm trú cùng với các
đồng bào đã “bỏ phiếu bằng chân” chạy nạn cộng sản.
Khi tôi đang ngồi bên quán
nước ở trước cửa tòa soạn, có một người đàn ông dáng cao phục sức xuề
xòa áo sơ mi trắng, quần kaki, trạc 50 tuổi, ôm theo một cái cặp da, do
một em tùy phái của tòa báo đưa sang, bước vào quán đến chỗ tôi ngồi, tự
giới thiệu là Thạch Trung Giả. Tôi đứng dậy tiếp ông. Tôi nghe biết về học
giả Thạch Trung Giả, nhưng chưa hề gặp. Tôi như kẻ ngã ngựa, được một học
giả đi tìm không khỏi ngỡ ngàng và cả hãnh diện, đặc biệt hơn nữa người
đó lại là người đã từng phản đối việc người ta bốc đại tên ông bỏ
vào danh sách Hội đồng chấm giải văn học nghệ thuật của Tổng thống.
Ông Thạch Trung Giả cho biết
lý do ông đến tìm tôi, là để hỏi xem tôi có nhận được một lá thư
“dài lắm” mà ông viết và gửi bảo đảm cho tôi nhân đọc truyện “Người
con gái tuổi Mèo” đã đăng trên tạp chí Thời Tập số Xuân cách đó một, hai
tháng. Tôi nói không, mở to mắt nhìn ông. Đọc được thắc mắc trong ánh mắt tôi
nhìn ông, ông nói ngay là ông đã ngạc nhiên lẫn thích thú khi đọc truyện
ngắn đó. Sự ngạc nhiên lẫn thích thú ấy đã khiến ông phải xét lại
cái thành kiến đối với các cây bút phụ nữ, mà ông cho rằng chỉ
toàn sáng tác ra những truyện tình ướt át, tô đậm những khổ đau cá
nhân, có tính cách mua vui hơn là nói lên một cái gì có tầm vóc hơn
là những riêng tư. Và với tác phong cố hữu của một học giả, ông đi
tìm sách của tôi đọc. Ngoài tiệm thì không có bán sách tôi vì phần
lớn sách tôi được in dưới hình thức tạp chí, một cách để khỏi bị
kiểm duyệt, nhưng ngược lại, nếu Bộ Thông tin không hài lòng vẫn có
thể tịch thu. Thư viện thì chỉ có thư viện Quốc gia là lớn nhất
nhưng khó mượn sách. Chỉ còn cách đi mướn sách tại những nhà cho
mướn truyện, những “thư viện tư” có tiếng là đầy đủ sách nhất, từ
thượng vàng hạ cám.
Ông Thạch Trung Giả cho tôi
biết ông đã dành ra mấy ngày Tết, đóng cửa nằm nhà đọc hết những
cuốn sách của tôi, không nhiều nhặn gì vì tôi không phải là người viết
truyện chuyên nghiệp, nghĩa là kiếm sống bằng ngòi bút, và cũng chỉ sản xuất
“xuân thu nhị kỳ”. Sau đó, ông bảo ông đã ngồi viết cho tôi một cái thư
rất dài, nhận xét về các truyện của tôi, còn khuyên tôi nên bỏ báo chí
về với văn chương, rồi cẩn thận gởi thư bảo đảm hẳn hoi tới toà sọan Sóng
Thần. Kết quả là tôi không nhận được cái thư dù đã được gửi bảo đảm
đó của ông. Ông Thạch Trung Giả nói còn giữ bản sao lá thư đó, sẽ đưa
tôi đọc. Tôi hứa sẽ xuống thăm ông ở bên Gia Định một ngày gần.
Kế tiếp sau cuộc tiếp xúc
với ông Thạch Trung Giả là những biến cố Ban Mê Thuột, rồi Quảng
Trị, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ngãi, v.v…. và những hoang mang băn
khoăn đi hay ở. Tôi không còn tâm trí, dù rất nhiều thì giờ, để xuống
thăm ông Thạch Trung Giả như đã hứa. Ngày sửa soạn ra đi, tôi tình cờ
bắt gặp cái truyện ngắn “Người con gái tuổi Mèo” trong cuốn Thời Tập
Xuân 1975 nên xé ra, nhét vội vào đống giấy tờ mang theo. Tôi bùi ngùi
nhớ tới cái hẹn vẫn chưa thực hiện… Có tin đồn ông Thạch Trung Giả đã tự
tử chết sau khi cộng sản thôn tính Miền Nam. Nhưng học trò của ông, theo một
bài viết của Viên Linh, thì nói sau 1975 ông thường đi lại một ngôi chùa và
tham thiền mỗi kỳ vào hạ với các vị tăng ni; và đã ngã bệnh và chết tại chùa,
không thấy nói năm nào.
Những năm đầu tị nạn nhìn lại từ
bên này bờ đại dương, tôi cảm thấy hình như truyện ngắn này, mặc dù được viết
trong một cơn bột phát – và có lẽ vì bột phát? — và một thời gian vỏn vẹn có
một buổi sáng, đã chứa trong nó một “điềm báo” về một cuộc đổi đời không chỉ
cho riêng tôi, mà còn của bao nhiêu triệu con người, không chỉ ở Miền Nam và cả
Miền Bắc, khi những người Miền Bắc vào một Miền Nam “giải phóng” để thấy họ đã
bị chế độ của họ lừa bịp như thế nào từ mấy chục năm qua. Truyện này đã được
một tờ báo ở hải ngoại, vào cuối thập niên 1970, đăng lại dưới tựa đề do tôi
chọn,“Cuộc chơi đã kết thúc.” Cuộc chơi cũ đã kết thúc, nhưng, như cố thi sĩ
Nguyễn Chí Thiện đã viết, “Cuộc chiến đấu này chưa phân thắng bại / Ta vẫn còn
đây và sắt thép còn kia…”
Phổ biến lại truyện này (do
người bạn trẻ Lý Đợi, Sàigòn, giúp chuyển sang dạng điện tử) trên trang báo
điện tử Da Mầu này nhân kỷ niệm 40 năm ngày 30 tháng 4, tôi muốn dùng nó như
một nén nhang thắp lên để thành kính tưởng nhớ tới học giả Thạch Trung Giả, một
người cầm bút ngay thẳng, bất khuất, xứng đáng là biểu tượng của một nền văn
học tuy bị vùi dập, khai tử một cách cuồng điên bởi cộng sản 40 năm trước,
nhưng vẫn tồn tại vì tính chất nhân bản, tự do và khai phóng của nó. [TD,
03-2015]
Cuộc chơi đã kết thúc
Cuộc hội thảo chấm dứt
bằng quyết định đình công tập thể một ngày của toàn thể công nhân
giới xe đò để phản đối giới chủ nhân vì nhu cầu cạnh tranh đã hạ
thù lao anh chị em công nhân xuống tới một mức mà họ không thể tiếp
tục “một mức sống tối thiểu cho gia đình”. Một bản thông cáo chung
được soạn thảo tại chỗ và đọc cho mấy phóng viên vài đứa bọn tôi ghi
chép. Giữa tình hình chính trị chiến sự sông động như thế này,
quyết định đình công của họ quả thất lợi vì khó gây được tiếng
vang.
Giấy mời dự cuộc hội thảo
được gửi tới tòa soạn chằng có ma nào muốn đi. Cuối cùng anh tổng
thư ký gọi tôi tới và bảo đi, vì ông chủ nhiệm không muốn giới công
nhân xe đò phật lòng dù họ biết ông vốn quen với giới chủ nhân. Theo
ông chủ nhiệm thì chính giới công nhân mới là những người đem tờ báo
tới quần chúng, chỉ thị của chủ nhân dù sao cũng chỉ được thi hành
một cách tắc trách nếu chúng ta không lấy được lòng giới thừa hành.
Được rời khỏi không khí bận rộn với những tin chính trị, chiến sự
bi quan và ngó mắt vào một góc cạnh nào đó của đời sống xã hội,
thảm hại này lại có vẻ là một phút giải trí cho một đầu óc căng
thẳng. Hơn thế nữa, quả thực là tôi đã chán ngấy với những tuyên
bố, tuyên ngôn nọ kia của phe này, nhóm nọ, như đã chán ngấy cái cửa
hàng bán hoa giả của bà chị mà ngày ngày tôi phải chui ra chui vô và
thỉnh thoảng bị trưng dụng đứng bán (dù vậy chớ bà chị tôi phải
nhìn nhận là tôi có khiếu bán hàng, khuyên tôi bỏ nghề báo hoài để
theo phụ với bả, và tôi đã cho bả biết là để tôi lâu lâu làm diễn
viên tài tử cho bà thì còn hay chớ làm thực thụ thì có ngày bả
sập tiệm).
Khi tôi tới phòng hội, việc
đầu tiên khi gặp anh bạn đồng nghiệp Hồ Vân người nhỏ thó đầu hói
mà tôi rất thích anh ta ở tính tình ngay thẳng, là tôi nói với anh ta
cho tôi xin một bản các-bon bài viết của anh ta và được anh ta gật
đầu liền. Việc đó là thường giữa tụi tôi bởi tôi vẫn thường giúp
anh ta như vậy mỗi khi anh ta kẹt đào không đi săn tin được. Bỗng dưng tôi
không thích ghi chép gì cả mà chỉ muốn ngồi lơ mơ ngắm những khuôn
mặt xạm nắng với những góc cạnh thật bắt mắt, và hồi tưởng độ
nào đi học dự thính ở trường vẽ sau khi thi hoài mà chẳng bắt lấy
nổi cái tú tài I để tiếp tục con đường cử nghiệp của minh, lại
cũng chẳng đậu được vào trường vẽ để được quyền học lấy một cái
nhất định cho xong. Bây giờ người ta đã bỏ thi tú tài I nhưng tôi thì
quá lười biếng để tiếp tục. Cao không tới thấp không thông về cả mọi
phương diện, tôi như một kẻ dở dở ương ương khiến gia đình rất lấy
làm phiền. Không phải là tôi ế muộn gì, vì bằng cớ là cũng có vài
đám tới coi mắt tôi, nhưng tính tôi lại bộc tuệch hay bốp chát nên ai
cũng chỉ tới có lần coi mắt… rồi thôi. Tôi chơi với rất nhiều bạn trai
nhưng vì họ thích chơi với tôi như bạn nên cuối cùng họ… lấy người
khác làm vợ, và tôi thấy sự đó thường quá rồi nên cũng thành quen.
Bà chị tôi nói là tôi có cái gì đó không ổn trong người. Bà chị tôi
nói tại tôi bị “tẩu hỏa nhập ma” vì có một dạo tôi theo một người
bạn luyện tập theo môn phái Pháp Hoa khi viết bài phóng sự về những
người theo môn phái này. Cái đó thì tôi biết bả lầm lớn khi mỗi bữa
cơm tôi đều đem chuyện Pháp Hoa ra kể và lâu lâu bả để moi tiên bằng
cách giả bộ như nói chuyện với những người ở âm thế. Riêng tôi, tôi
khoái với trò chơi làm-người-khách-lạ kiểu Camus trong cuộc sống. Và
trong thâm tâm thì tại tôi… lười, lười đủ thứ, lười cả yêu đương cả
chồng con. Tôi vốn tuổi Mèo và tôi cũng thích giống mèo lắm, coi nó
như một nhà hiền triết. Ở phòng ngủ của tôi, tôi có treo một tấm
hình con mèo ngồi lơ mơ trên một bức tường đổ lỗ mỗ những vết đạn
vào một buổi trưa, tấm hình được phóng lớn do một nhiếp ảnh viên
ngoại quốc chụp và tặng tôi (hồi đó nếu tôi không lười viết thơ cho
anh ta, nếu tôi không lười lo giấy tờ xuất ngoại thì tôi đã là vợ anh
ta rồi. Bà chị tôi nhắc hoài về chuyện đó, cho rằng tôi đã bỏ lỡ
một cơ hội tốt vì bà cho rằng đàn bà Việt lấy chồng ngoại quốc là
tiên.)
Bởi lười cho nên tôi chẳng
bao giờ tranh chấp với ai. Dĩ nhiên tôi muốn nói lười đây là “lười có
giới hạn”. Vẫn có cái làm tôi thích, chẳng hạn như viết báo. Như Hồ
Vân, tôi làm tròn bổn phận sự được giao phó, chẳng bao giờ làm thừa
để được tiếng hoặc hạ người khác hầu tiến thân. Do lẽ đó mà mỗi
lần toà báo chỗ tôi làm việc họp để thu hẹp nhân viên, tôi thường
được giữ lại. Tôi cũng còn biết rằng tôi được giữ lại vì tôi chỉ
làm cho có tờ báo đó, thay vì như đa số bạn đồng nghiệp của tôi quen
thói “đi khách” nhiều báo. Bởi vì tôi không có nhu cầu vật chất
nhiều, tôi chẳng có ai để phải cưu mang. Và lâu lâu cần moi tiền bà
chị (cửa hàng hoa giả của bà phát đạt dễ sợ) bằng ngón nghề “nói
chuyện với ma” vì thích hơn là vì cần tiền – hai con ma mà tôi ưa “nói
chuyện” với nhiều nhất là mẹ tôi với ông anh rể chết trong trận Hà
Lào 70.
Chỉ có ba tôi là có vẻ như
hiểu tôi nhất, nhưng ông chỉ hiểu tôi khi nào tỉnh rượu thôi, mà ông
thì uống rượu và say liên miên tới độ bị lở dạ dày. Ông ấy tuổi
chuột. Chuột dĩ nhiên phải hiểu mèo.
oOo
Mấy bữa rày gần cuối năm,
cửa hàng hoa giả của chị tôi khách khứa đông nghẹt. Người ta đi mua
hoa về trưng bày Tết. Đó là lý do chị tôi không thể đóng cửa hàng
để vô nhà thương lo cho ba tôi. Đó là lý do mà tôi phải tạm thời hy
sinh sự nghiệp báo chí của mình để ở nhà trông nom cửa tiệm cho chị
tôi.
Buổi tối hôm thứ hai sau hôm
giao cửa hàng cho tôi, bà chị tôi sau khi ở nhà thương về cho biết ba
tôi sẽ phải mổ để cắt đi nửa cái dạ dày (vị chi là ba phần tư cái
dạ dày cả thẩy của ông vì đây là lần mổ thứ hai), rồi bà kêu tôi
mang sổ sách cho bả coi và bà phát kêu trời sau khi xem xong. Vốn chịu
đựng đã quen nên bà chị tôi có một cái đức tính thật hay là nói
ít. Bà kêu trời xong, ngó lên khuôn mặt tỉnh queo của tôi thì bà bèn
thở dài tuyên bố:
–Thôi, mai mày vô coi cho ba.
Và là thế tôi được thoát ra
khỏi không khí ngột ngạt của tiệm hàng hoa giả của bà chị mặc dù
thực tâm tôi không tính hại bà chị đáng kính của mình một mảy may.
Chẳng qua tôi là chân chạy, bây giờ mà giam tôi vào một chỗ, giữa
những đống giỏ những chậu hoa giả thì có khác nào liệm sống tôi.
Nghĩ cũng tội nghiệp cho bà chị. Nhưng không nên để lộ tình cảm xót
thương người khác khi mình tự lượng không thể giúp người ta cách tích
cực.
Buổi sáng khi tôi chuẩn bị
tới nhà thương thăm nuôi ba tôi, tôi không quên mang theo cuốn truyện “Một
bản tình ca” của một nữ sĩ Nhật mà tôi đã đọc cách nay mấy năm và
vẫn thích thú khi đọc lại, và một tập truyện tiếu lâm cho ba tôi. Tôi
bỏ hết vào một cái giỏ và để ở bàn ăn để bà chị tôi chất thêm
những gì cần chất vào đó. Khi tôi từ dưới bếp trở lên, tôi thấy chỉ
còn cuốn “Một bản tình ca” ở trong giỏ. Bà chị tôi đã tịch thu mất
cuốn truyện tiếu lâm mà bà biết tôi có nhã ý đem vào cho ba tôi. Dĩ
nhiên là tôi đòi lại. Và bà trừng mắt nhìn tôi:
–Mày định để ổng chết vì
cười sao?
–Em hỏi chị chứ một người
ở tuổi ba, chỉ còn có một phần tư cái dạ dày thì còn gì nữa để
mà vui sống? Chị đưa lại cuốn sách cho em.
Trong khi bà chị tôi há hốc
miệng nhìn tôi thì tôi mở ngăn kéo đựng tiền của bà lấy cuốn truyện
bỏ lại trong giỏ. Khi tôi bước ra cửa, như sức nhớ ra chuyện gì, bà
chị tôi bảo với:
–Này, Bích. Lại biểu.
Khi tôi trở lại, bà chị tôi
xuống giọng dễ thương:
–Ba lúc này hơi khó tính,
mày ráng chiều ổng nhưng đừng quá lố.
–Đừng quá lố là làm sao?
Mỗi lần bị tôi vặn vẹo bà
chị về phương diện ngôn ngữ, bà chị tôi ít khi giữ nỗi bình tĩnh.
–Mày biết ông hay đòi rượu
và ống bị cấm uống rượu chớ?!
Tôi gật đầu nhưng nghĩ bụng
khi bước ra khỏi nhà: Ba tôi năm nay đã ngoài sáu mươi tuổi, đã bị
cắt mất một nửa cái dạ dày, đã mất tất cả mọi sinh thú, trừ uống
rượu và đọc truyện tiếu lâm…
oOo
Khi ba tôi nổi khùng từ chối
không chịu ký giấy cho giải phẩu mặc chị tôi và họ hàng năn nỉ khóc
lóc tùm lum, chỉ có mình tôi hiểu ông, như ông vẫn hiểu tôi.
Trông ông không còn là ông
nữa với thân hình gầy gò thảm sầu. Điều mà ông mong mỏi là làm sao
được chết sớm sớm. Ông đuổi mọi người ra khỏi phòng, chỉ giữ lại
mình tôi. Ông nén cơn đau một cách can đảm và điều này làm tôi thêm
thương yêu ông, quên cả nỗi sợ phải đối phó một mình với cơn đau của
ông.
Khi cơn địa chấn qua đi, ông
nằm thở dốc, mệt nhọc nhưng cũng cố nhếch môi cười nhợt nhạt khi
cảm thấy bàn tay tôi bóp mạnh tay ông như nhắc nhở ông tới sự hiện
diện của tôi. Ông nghiêng mặt về phía tôi nói:
–Con thấy không… chúng nó đâu
có thực tình lo cho ba. Trong thâm tâm, chúng nó mong ba chết đi cho
rồi.
Tôi bóp mạnh tay ông một lần
nữa.
–Này, Bích. Ba biết thế nào
người ta cũng đuổi ba ra khỏi nhà thương vì ba không chịu để giải
phẫu. Con hứa không đưa ba về nhà, nghe con. Ba ghét về nhà đó. Đầy
những hoa giả giống như một cái nhà mồ.
Tôi lại bóp mạnh tay ông một
lần nữa, tay kia vỗ nhẹ vào mu bàn tay ông như thầm thỏa thuận với
đề nghị của ông mặc dù tôi cũng chẳng biết nếu không đưa ông về đó
thì sẽ phải đưa ông về đâu.
Đêm về trong bệnh viện thật
yên tĩnh và buồn. Cha tôi đã thiếp ngủ. Nếu có cách gì để giúp ông
chóng kết thúc cơn đau, tôi cũng không từ nan… Tôi muốn nói tới việc
kết thúc cuộc sống đối với một trường hợp như ông. Tôi kéo mền đắp
cho ông rồi bước ra ngoài hành lang, ngó ra khoảng sân với những bóng
cây tối om và đôi ba bóng trắng của những bệnh nhân dạo đêm di động
lặng lẽ như những bóng ma. Ba tôi cũng thù ghét cửa hàng hoa giả của
chị tôi, và càng ghét nơi ấy hơn khi thấy thiên hạ ra vô tấp nập chứng
tỏ lòng ham thích đồ giả của họ; nhưng ba tôi kín đáo hơn tôi, không
để lộ sự thù ghét đó ra vì ông còn phải sống nhờ vào đó. Tôi chợt
nghĩ tới công việc làm ăn bỏ bê từ một tuần nay đằng tòa báo, hay
đúng hơn là phó mặc cho Hồ Văn anh bạn tốt bụng. Nếu tình trạng này
kéo dài, chắc tôi sẽ bị thất nghiệp mất và một khi thất nghiệp,
khéo tôi lại phải đi bán hoa giả cho chị tôi thì khổ. Tôi hơi cảm
thấy bồn chồn. Dầu sau, tôi tự trấn an, cũng sắp tới ngày báo nghỉ
Tết rồi.
Tôi quay trở vào phòng ba
tôi. Ông đã thức, đang đọc cuốn truyện nữ văn sĩ Nhật Bản mà tôi mang
theo. Tôi ngồi xuống bên giường ông:
–Ba đâu thích được loại đó
mà đọc.
–Ba liếc qua xem tại sao con
thích. Lâu nay ba không để ý tụi trẻ bay thích cái gì. Con vừa đi đâu
về đó?
–Con ra ngoài hóng mát lúc
ba ngủ.
Đôi mắt ba tôi thật sâu. Ông
nắm lấy bàn tay tôi:
–Con nghĩ gì trong lúc ba
ngủ?
–…
–Tết năm nay con đã hai mươi
lăm rồi…
–Ba nhớ cả tuổi con?
–Nhớ chứ. Vì ba nhớ tuổi
ba, tuổi chuột. Nên ba nhớ tuổi con, tuổi mèo. Từ đó ba suy ra. Này
Bích…
–Ba?
–Ba chắc không sống lâu…
–…
–Ba hài lòng con không bao
giờ nói cái câu thông thường như “Ba đừng nói thế”, “Ba sẽ sống lâu”
v.v… như chúng nó thường nói dù biết là mình nói láo.
Nói tới đây, ông chợt nhăn
mặt, mắt nhắm nghiền và lịm đi tới mấy phút, mồ hôi vã ra. Khi cái
đau qua đi, ông lại cố nhếch môi cười nhợt nhạt với tôi. Thường ông
không làm vậy nếu không phải là tôi ngồi trước mặt ông. Ông sẽ vật
mình vật mẩy, quát tháo om sòm, hất tung đồ đạc nếu người ngồi
trước mặt ông không phải là tôi. Ông giải thích cho thái độ đó là
tại ông cầm tinh con chuột và tôi cầm tinh con mèo, là hai con vật cừu
địch của nhau – vì là cừu địch nên không bao giờ để kẻ thù của mình
thấy nhược điểm của mình. Thực ra thì tại ông thương tôi. Những người
ưa nói thật lại thường rất gượng nhẹ với nhau.
–Ba muốn con yên bề gia thất
trước khi ba nhắm mắt. Sao cười, bé con?
–Tại… ít khi nào con thấy ba
nói những câu mà người ta thường nói.
–Tại rồi cuối cùng tao cũng
chết như mọi người thì tại sao tao không được quyền nói những câu mà
người ta thường nói?
Tôi yên lặng, thấm thía điều
ông vừa nói. Cuối cùng tất cả cuộc sống bình thường vẫn tiếp diễn
như một chuyến tầu tiếp tục trên đường sắt và bỏ lại dọc đường
những kẻ nào không thể tự thích nghi được với cuộc sống. Vở kịch
“Người khách lạ” rồi cũng phải kết thúc nếu tôi không có cái xe hơi
để lái hết tốc độ và tự gây cho mình một tai nạn như Camus hay James
Dean. Người khán giả duy nhất ngồi lại xem tôi “diễn kịch” là ba tôi
đang chuẩn bị bỏ đi… Tôi bỗng ứa nước mắt.
-Á à… bé con cũng biết
khóc hả? Vậy là ba yên tâm rồi. Thế bé con đã chọn được người nào
vừa ý chưa?
Tôi nghĩ tới Hồ Vân lúc nào
tới giờ chơi với tôi thật tình nhất bởi vì giữa tôi và anh ta không
còn một mảy may tình ý để phải giữ gìn lên lớp lên màu với nhau. Tôi
thường xoa đầu và quang vai anh ta vì anh ta đứng thấp hơn tôi. Tôi vẫn
nghĩ rằng giá mẹ tôi sinh tôi ra với một thân xác cao độ một thước năm
mươi hay một thước năm mươi lăm thôi thì định mệnh của tôi đã trùng
với những vì sao khác hơn là hiện mệnh của tôi với một thước sáu
mươi lăm. Đàn ông Việt thường chỉ thích đàn bà nhỏ con mà tôi thì
quá dềnh dàng. Tôi tuổi mèo mà thân xác không được như con mèo để
tạo cho người khác cái ước muốn ôm ấp vuốt ve. Lần đầu tiên tôi xúc động
và thực sự thấy đó là mối bận tâm. Tôi nghĩ có lẽ vì sự thay đổi
nơi chính ba tôi, một người cả đời gặp toàn những đổ vỡ vì đã quá
thực và cái bản chất đó đã được truyền sang tôi.
–Có nhẽ muốn được xã hội
chấp nhận, mình phải đôi khi biết nói dối, con à, có nghĩa là phải
biết giao tế đó. Ba giờ thì… xong phần rồi. Còn con, con còn trẻ, còn
có thể chuyển hướng cuộc đời. Với lại…
Một cơn đau khác lại tới,
dữ dội hơn vì mặc dù cố đè nén, mồ hôi ba tôi vã ra dữ dội như
người đi trong mưa rào.
Cuối cùng, ông nói như nói
với chính ông qua hơi thở đứt đoạn:
–Cuộc chơi đã chấm dứt…
Và ông nhìn tôi, cái nhìn
nói thật nhiều mà tôi không thể diễn tả lại. Tôi bỗng hoang mang cách
khốn khổ…
oOo
Tôi đi tìm Hồ Vân tại tòa
soạn anh làm việc. Từ một tuần lễ nay anh ta đã thế tôi, bằng cách
gửi những tin gì anh săn được cho tờ báo mà anh cộng tác tới tờ báo
của tôi. Gặp tôi anh ta mừng như thấy mẹ về chợ.
–Má! Trời ơi, gặp má con
mừng quá. Chừng nào má đi làm lại để con được khỏe cái thân già
chút đây, má?
Anh ta bỗng khựng lại khi
nhìn thấy vẻ mặt phờ phạc có vẻ không sẵn sàng để nhập cuộc nói
bỡn của tôi.
–Có chuyện gì không ổn hả?
Tôi kéo Hồ Vân ra quán nước.
–Tôi sắp phải nhờ anh thêm
một việc nữa đây.
–Chết, chết! Gì nữa đây?
Tết nhất tới nơi rồi…
–Bình tĩnh nào. Chỉ mất
một buổi tối thôi và một chút son phấn hóa trang…
–Trời đất! Mặt tôi mà đánh
phấn thoa son ai coi cho được?!
–Người ta nói “một chút son
phấn hóa trang” là nói bóng vậy thôi. Ý người ta muốn nói là anh
chỉ cần đóng kịch chút đỉnh thôi…
–Đóng kịch! Trời đất, tôi
có bao giờ đóng kịch đâu?!
–Ai biểu anh đóng kịch
thiệt. Người ta nói đóng kịch là kịch đời. Sao anh cứ ngắt lời không
cho tôi nói hết vậy?
–Ừ thì nói hết đi.
Và tôi tuần tự trình bày
đều mà tôi tính nhờ anh ta…
oOo
Đám tang ba tôi tổ chức vội
vàng vào đúng chiều Ba mươi Tết. Ngoài những bà con thân thuộc đi đưa
vội vã, bên phía bạn bè tôi chỉ có mình Hồ Vân mà dưới mắt họ là
chồng tương lai của tôi. Bỗng dưng tôi thù oán ngày Tết cách đặc biệt
bởi vì tôi không thể hiểu được tại sao nó có thể ngắt thời gian ra
làm hai và khiến cho ai nấy vội vã hối hả như thể ngày mai sẽ không
bao giờ đến nữa
Mọi người đã ra về và Hồ
Vân tần ngần đứng cạnh tôi dường như cũng muốn chuồn nhưng không nỡ
bỏ tôi một mình. Tôi bỗng cảm thấy không muốn anh ta bỏ tôi. Tôi níu
tay anh ta ngồi xuống một nấm mồ cũ làm anh ta như ngồi phải đống
lửa. Cuối cùng, anh ta bảo tôi:
–Thôi, về đi, má.
Tôi nói thành thực:
–Ngồi nghỉ một lát đã. Anh
đâu thể bỏ tôi một mình.
–Ý! Bộ má nói thiệt hả?
–Thiệt thì sao?
–Thôi mà má. Má cho con về
để còn sửa soạn Tết nhất chớ.
Tôi nhìn trừng trừng anh ta.
Có lẽ cái khung cảnh nghĩa trang xung quanh đã khiến cho cái nhìn của
tôi có vẻ ghê khiếp liêu trai sao đó khiến Hồ Vân có vẻ kinh hãi:
–Ê, Bích! Bà làm cái gì
vậy? Coi chừng tôi nhát ma lắm à nghe. Tôi bỏ chạy đừng có trách à.
Tôi chợt phá lên cười và
không thể nào ngăn lại được.
Khi tôi ngưng tiếng cười thì
chỉ còn lại mình tôi trong nghĩa trang vắng vẻ. Tôi lau nước mắt đứng
dậy ra về với ý nghĩ một phần đời tôi đã được chôn theo với ba tôi.
Bắt đầu từ ngày mai, tôi sẽ sống với một con người khác…
Trùng Dương, 1975
Nguôn:
Da Màu
Từ
trang DĐQGHCUC
No comments:
Post a Comment