Tuesday, December 12, 2023

Duyên Anh Cuối Đời - Đổ Tiến Đức

DUYÊN ANH CUỐI ĐỜI





Tối thứ sáu 29 tháng 9, 1995, tôi đến thăm Duyên Anh để xem ba cuốn sách mới nhất của anh vừa in xong mà anh mang từ Santa Ana về hồi chiều. Duyên Anh ở nhờ nhà một người bạn trong một chung cư ngay chợ Tàu Los Angeles. Anh ngồi ăn một mình. Anh chỉ dùng được một tay trái để xúc thức ăn và cơm đưa lên miệng. Cánh tay phải của anh bất động, buông thẳng trước ngực anh như một cành cây chết.

Tôi hỏi cho có chuyện :

– Dạo này bạn thích ăn cơm với món gì ?

– Canh thôi. Vì canh chan với cơm, xúc bằng muỗng ăn được dễ dàng là ngon rồi. Ăn một tay mà, dù mấy năm rồi nhưng vẫn khó nên tôi chỉ thích món gì có nước. Mà lại phải nấu nhừ nữa. Cái gì phải cắn, nhai thì khổ sở lắm, thành thử ngon thế nào được.

– Nhớ lại thì theo ý bạn, cơm Mỹ, cơm Tây, cơm Tàu, cơm Việt, cơm nào ngon hơn cả ?

– Úi giời, tôi thấy cơm Việt là số dách. Việt Nam có nhiều món ngon lắm. Ngay cả cách ăn của người Việt cũng đáng nói. Ở bên Tây ít năm, có dịp quan sát, tôi thấy người Pháp khi ăn thì đều cúi mặt nhìn chăm chăm vào dĩa đồ ăn để dưới bàn, còn người Việt thì khi ăn, vì cầm bát cầm đũa mà nên khi ăn thì nhìn thẳng, nhìn ra ngoài trời.

– Thế thì theo ý bạn, sự nhìn thẳng của người Việt và sự cúi mặt khi ăn của người Pháp, nó mang cái triết lý gì ?

– Thì khi người ta để ý tới miếng ăn nhiều quá thì người ta coi cuộc đời sinh ra chỉ để ăn thôi. Trái lại, người Việt Nam mình, ăn thì nghĩ đến cái gì khác.

– Vậy bạn ở Paris được bao lâu rồi ?

– Từ 84 tới nay, nhưng tôi chưa ăn cơm Tây một bữa nào, chỉ cơm Việt Nam thôi.

– Ở Paris mười năm mà không ăn cơm Tây một bữa nào, thế thì Paris đối với bạn là vui hay buồn ?

– Chẳng buồn mà cũng chẳng vui. Ở nơi nào cũng thế thôi. Mình là dân lưu vong mà…

– Nhưng Paris có cho bạn cảm hứng để sáng tác không ?

– Chẳng nơi nào cho tôi cái cảm hứng sáng tác cả.

– Nếu thế thì tại sao mấy năm qua bạn viết hăng thế ?

– Là như thế này : Tôi còn nhiều hơi thở của quê hương cho nên, tôi lại chịu nhiều đau khổ vì quê hương, thí dụ như mấy năm ngồi trong tù chẳng hạn, vào tù đối với một nhà văn thì cũng như đi nghỉ mát ấy, đi nghỉ mát thì có nhiều cảm hứng, đấy là những chất cay đắng mà tôi thấy cần phải viết lại. Tuy viết nhiều thế mà tôi vẫn cảm thấy chưa đủ, chưa nói hết những điều mà quê hương mình bảo mình phải nói.

– Đi tù khổ nhục chết chứ nghỉ mát nỗi gì !

– Mình là nhà văn mình cần nhiều cuộc giỡn chơi chứ. Giỡn chơi mới nảy ra những cảm xúc thực, không vay mướn, không tưởng tượng…

Tôi quen biết Duyên Anh từ năm 1954 khi chúng tôi cùng ở trong trại di cư nhà hát lớn Sài gòn. Hồi ấy bọn chúng tôi gồm Đằng Giao, Dương Kiền, Hà Huyền Chi, nhưng chỉ có tôi và Hà Huyền Chi „làm văn nghệ“ còn Đằng Giao và Duyên Anh thì chưa. Kỷ niệm mà tôi còn nhớ được về Duyên Anh vào thời đó là anh đã mê cô Anh rất xinh đẹp, con gái một ông giáo nổi tiếng đang tạm trú trên tầng lầu ba.

Thấm thoắt thế mà gần một nửa thế kỷ. Hai chúng tôi giờ đây tóc đã điểm sương rồi. Nhớ lại hồi ở Sài gòn, có khi cả chục năm chúng tôi không gặp nhau, tôi trở thành viên chức nhà nước, thỉnh thoảng cũng viết văn rồi cuối cùng đi vào lãnh vực điện ảnh còn Duyên Anh thì làm báo chuyên nghiệp và có tiểu thuyết được phóng tác thành truyện phim như Điệu Ru Nước Mắt và Trần thị Diễm Châu thời tôi làm Giám đốc Nha Điện ảnh, phát động phong trào làm phim Việt nam. Tôi hỏi Duyên Anh :

– Nghe bạn trả lời như thế thì tôi có thắc mắc khác. Hồi trước 1975, Duyên Anh nổi tiếng với những tác phẩm viết về du đãng nhiều hơn mà theo tôi biết thì bạn chưa thuộc băng đảng du đãng…

– Vậy để tôi nói cho bạn nghe. Thời đại mà tôi viết cuốn tiểu thuyết du đãng đầu tiên là cuốn Điệu Ru Nước Mắt là lúc các tướng lãnh mình đảo chánh nhau, ông tướng này bắt ông tướng kia, nay là tướng anh hùng mai là tướng gian, lung tung hết. Dưới mắt một nhà văn thì tình trạng đó nản quá, tôi thấy chẳng còn thứ gì đáng ca ngợi nữa. Với phản ứng đó, tôi mới đem du đãng ra ca ngợi, thế thôi.

– Và những nhân vật du đãng đó là những du đãng có thật ?

– Toàn là tưởng tượng.

– Tưởng tượng ? Tuần vừa rồi, tôi có đọc tờ Công An Thành Hồ của Việt cộng, có bài viết về du đãng ngày nay, tác giả của bài này nhắc lại du đãng của thành phố này trước năm 1975 và viết rằng bạn đã viết về nạn du đãng đó, đề cao du đãng khiến thanh niên thích làm du đãng. Bài báo này nhắc tới tên những nhân vật của bạn như Đại Ca Thay, Tứ Đại Thiên Vương … Nhân vật Châu Kool của Duyên Anh là Lệ Hải, vợ Đại Ca Thay.

– Nó viết sai rồi. Nhân vật Trần Đại giống Đại Ca Thay thôi. Hồi đó, Đại Ca Thay có lần mời tôi đi nhảy, tôi nhận lời dù có biết nhảy chó gì đâu. Buổi đó nói nói với tôi rằng : „Anh viết chuyện về tôi không đúng tí nào cả“. Tôi trả lời : „Tôi viết về anh bao giờ ? Nhân vật của tôi chỉ là sự tưởng tượng“. Tôi nói thẳng là Đại Ca Thay làm sao mà bằng Trần Đại của tôi. Nhưng mà tụi du đãng đàn em của Đại Ca Thay như Huỳnh Tỳ thì chúng nó thích, chúng nó bốc thơm đại ca nó bằng cách rêu rao là đại ca nó là Trần Đại, đại ca nó là người đã được Duyên Anh viết thành tiểu thuyết.

– Bạn kể cho nghe những gì bạn biết về Đại Ca Thay và những điểm khác nhau giữa du đãng Đại Ca Thay và nhân vật Trần Đại ?

– Đại Ca Thay tên thật là Lê Văn Đại, cháu cựu thủ tướng Lê Văn Hoạch. Sau một thời làm dân anh chị, nó mắc bệnh ghiền nặng lắm. Thời ông Nguyễn Ngọc Loan mới đưa nó ra Phú Quốc rồi nó chết ở ngoài đó. Bạn nên nhớ là cảnh sát mình ngày xưa cũng nuôi du đãng ở một cái trại của Biệt Đoàn Dã Chiến để xử dụng và khi không nuôi nữa thì bắt chúng nó ở tù thôi.

.

– Lần này sang Mỹ, bạn in một lúc bốn cuốn mới viết, trong đó ba cuốn về ca dao. Vậy bạn còn bao nhiêu cuối chưa in nữa ?

– Còn 16 cuốn chưa in.

– Bạn chỉ viết bằng tay trái mà được như thế thì mỗi ngày bạn phải viết mấy tiếng ?

– Tôi làm việc bình thường thôi, nhưng sở dĩ viết được nhiều vì què quặt rồi, không đi đâu được, cứ ngồi ở nhà nên chỉ viết hoặc là hút thuốc lá thôi.

– Từ ngày bạn viết bằng tay trái thì đề tài nào là chính ?

– Chuyện người Mỹ dính dáng với Việt Nam nhưng là những người Mỹ không giống như những người Mỹ trong những sách những phim ảnh đã có. Người Mỹ sẽ yêu ca dao Việt, và từ ca dao Việt sẽ hiểu dân tộc Việt nam.

– Bạn định cư ở Paris, sao bạn không chú ý tới người Pháp mà lại „bắt“ người Mỹ yêu ca dao Việt nam ?

– Bây giờ thì mình phải theo thời đại chứ. Người Pháp thì bây giờ họ muốn quên lãng người Việt Nam mình rồi. Người Pháp cũ thì còn được chứ người Pháp mới thì nó cũng chẳng biết Việt Nam là cái đếch gì.

– Bạn tính làm cách nào để người Mỹ hiểu ca dao Việt Nam chứ ?

– Thế mới là vấn đề. Tôi thấy Mỹ nó cũng có nhiều người tạm gọi là quái đản đi, nó thích cái này thích cái kia thì có thằng Mỹ thích ca dao Việt Nam.

– Như thế thì được mấy thằng.

– Thì mình làm thành số nhiều, ai cấm mình.

– Nghe bạn nói thì bạn coi ca dao là kinh rồi, có phải thế không ?

– Tất nhiên là mình phải viết về những tinh túy, những cái hay của ca dao chứ. Đây này ba cuốn sách mới lấy từ nhà in về, tôi viết về ca dao đây. Mới lạ lắm. Một khám phá mà. Một trong những truyện mới viết của tôi là người thằng lính Mỹ, thằng trẻ con Việt Nam và con dế, thế là thành một truyện dài rồi. Tôi đã định viết từ hai mươi năm trước rồi. Tôi tả một trận càn quét của lính Mỹ vào một làng có nhiều Việt cộng. Mỹ nã pháo vào làng đó thì có một thằng bé nó chạy ra. Khi gặp mặt thằng lính Mỹ trẻ thuộc loại lính đi quân dịch, thằng bé cứ khóc. Thằng lính Mỹ không hiểu tại sao nó khóc. Hai đứa ngôn ngữ khác nhau nên không nói gì cả. Thằng Mỹ dỗ nó, cho nó kẹo bánh, nó không lấy. Cho cả đồng hồ mà nó cũng không lấy. Rồi thằng bé mới chỉ vào cái hộp quẹt, thằng Mỹ chẳng hiểu thằng bé muốn gì. Cuối cùng thì thằng lính Mỹ theo đơn vị rút đi, thằng bé con nhìn theo. Đến khi được giải ngũ, trở về Mỹ, thằng lính vẫn cứ bị ám ảnh hình bóng thằng bé con này với cái hộp quẹt. Đó là động lực thúc đẩy thằng Mỹ đi học tiếng Việt. Lúc học tiếng Việt, thầy giáo giảng cho nó nghe các câu ca dao Việt Nam. Với các câu đơn giản mà vô cùng ý nghĩa đó đã làm thằng Mỹ này say mê và để tâm nghiên cứu ca dao Việt Nam. Nó yêu ca dao nên nó yêu dân tộc và đất nước Việt Nam thôi. Nó bèn trở lại Việt Nam. Nó tìm tới nơi trận chiến năm xưa để mong gặp thằng bé. Thằng bé hồi ấy nay đã lớn. Hai người đã truyện trò được với nhau. Thằng bé đưa thằng Mỹ đi chơi, xem các buổi đá dế. Một hôm thằng Mỹ thấy những đứa trẻ Việt Nam cầm những cái hộp quẹt, mở ra thì bên trong chứa dế. Bây giờ nó mới hiểu năm trước khi thằng bé Việt Nam này khóc và chỉ vào chiếc hôp quẹt là bởi vì con dế của nó trong đó đã mất. Thằng bé thương con dế như người bạn. Đại khái thì cứ thế mà kéo dài ra… thành tiểu thuyết thôi.

Tôi để ý Duyên Anh tuy đã bình phục trí nhớ nhưng khi nói, anh vẫn còn đôi lúc phát âm còn hơi ngọng, hơi khó khăn như phải tìm kiếm chữ nghĩa. Nhưng anh vừa kể chuyện thằng bé với con dế vừa cười, nụ cười thật tươi, tiếng cười thật giòn. Nếu tôi tưởng tượng thì tôi sẽ nghĩ rằng người bạn tôi đang hồi tưởng về thời thơ ấu của anh ở làng Tường An, tổng Ô Mễ, tỉnh Thái Bình. Nhiều lần Duyên Anh nói về quê quán của anh rằng nơi anh sinh trưởng là một làng nghèo nhất tỉnh, cơm không đủ ăn nên cho tới năm 1954 khi anh di cư vào Nam, cả làng chưa ai có mảnh bằng trung học phổ thông, kể cả anh.

 

Duyên Anh tên thật là Vũ mộng Long, là con cả của một gia đình 7 anh em. Mãi gần đây tôi mới hay anh lấy vợ rất sớm. Khi bỏ vô Nam, Duyên Anh đã để lại ở miền Bắc người vợ và một người con gái. Cô này mới gởi ra hải ngoại cho bố tấm hình chụp năm cô tròn 42 tuổi.

Trong cuốn tiểu thuyết Áo Tiểu Thư, Duyên Anh viết về giai đoạn anh mới đặt chân lên Sài gòn, sống ở nhà hát lớn. Anh ghi lại trong tác phẩm này rằng lúc đó nhìn thấy tôi hàng ngày đi làm ở tòa soạn báo Ban Mai, cầm tờ báo về nhà hát lớn, là một hình ảnh mà anh mơ ước. Quả nhiên, Duyên Anh đã đi vào nghề báo. Đầu tiên anh viết truyện ngắn, ký tên Duyên Anh. Tôi hỏi tại sao lại lấy biêt hiệu là Duyên Anh thì anh kể cho nghe, Duyên Anh là tên một bản nhạc của người bạn cùng lớp ba với anh, tên là Nguyễn Thịnh. Khi Nguyễn Thịnh sáng tác xong bản nhạc này đã nhờ anh mang tới đài phát thanh Hà nội, tìm ca sĩ Quách Đàm đưa tặng và nhờ ông hát. Ít lâu sau thì anh nghe tiếng Quách Đàm hát bản Duyên Anh trên làn sóng điện. Duyên Anh rất thích bản nhạc này. Nên khi viết xong truyện ngắn đầu tay, anh đã lấy biệt hiệu là Duyên Anh cũng là để nhớ người bạn ở lại miền Bắc. Năm 1975, khi Việt cộng chiếm được Sài gòn, Duyên Anh được tin người bạn này trở thành giám đốc nhà xuất bản nhạc của chế độ Hà nội. Nguyễn Thịnh được đảng chỉ định tiếp thu nhà in Trương Vĩnh Lễ. Nguyễn Thịnh cũng tìm vào khám Phan Đăng Lưu ở Gia Định để thăm và tiếp tế cho Duyên Anh đang bị giam cầm trong đó.

Tôi quay qua hỏi Duyên Anh :

– Thời trước, tôi thích bạn với tờ Tuổi Ngọc, viết cho tuổi thơ. Tôi thích cái tiếng mà một số người gọi bạn là nhà văn của tuổi thơ.

Duyên Anh cười :

– Gọi thế có quá đáng chăng ?

– Cộng sản rất chú ý tuổi thơ nên chúng nó dựng lên nhiều huyền thoại cho tuổi thơ bắt chước, chẳng hạn như Kim Đồng. Bộ đội cộng sản vào Sài gòn năm 1975 là thế hệ Kim Đồng cả đấy. Vậy không hiểu khi bạn làm tờ Tuổi Ngọc cho tuổi thơ, bạn thấy độc giả của bạn học được những gì ?

– Tôi viết về tuổi thơ thực sự không mang một hoài bão nào mà chỉ vì tôi, tôi không có tuổi thơ. Tôi thèm tuổi thơ nên viết về tuổi thơ để giải tỏa những ẩn ức, những thèm khát… Nhưng khách quan mà nói thì những bài viết mang nội dung giáo dục đó cũng có một số ảnh hưởng tốt. Những độc giả tuổi thơ thời đó nay ở lớp tuổi bốn mươi cũng vẫn còn nhắc nhở tới Duyên Anh với những bài như Mơ Thành Người Quang Trung… Tôi cũng được an ủi.

– Bây giờ xin hỏi bạn, tại sao người Pháp lại chọn tiểu thuyết viết về tuổi thơ mới đây của bạn để làm phim và dịch sang tiếng Pháp ?

– Dịch ra tiếng Pháp là cuốn Những Đứa Trẻ Thái Bình, còn làm phim là cuốn Đồi Fanta. Nó dịch cuốn Những Đứa Trẻ Thái Bình vì nó là cuốn tiểu thuyết lịch sử Việt Nam trong bối cảnh từ năm 1944. Những nhân vật chính vào thời đó là những đứa trẻ rồi từ đó lớn lên theo những cuộc biến động của đất nước, thành những người thanh niên. Và những thanh niên này thằng thì bị thương tàn phế, thằng thì nổi trôi tàn mạt. Kết quả chúng nó thấy tuổi thơ của chúng nó đã mất vì chiến tranh giống như đất nước bị tàn phá về chiến tranh.

– Thế thì có thể hiểu Những Đứa Trẻ Thái Bình là hồi ký hay tự truyện của chính tác giả không ?

– Không, tuy viết về quê của tôi là Thái Bình, về những đứa trẻ như tuổi của tôi nhưng không phải hồi ký, tự truyện. Không có gì của riêng tôi trong đó. Nó là vấn đề của thế hệ của tất cả chúng ta. Tôi nhắc lại là tôi không có tuổi thơ.

Chúng tôi rời bàn ăn sang phòng khách, ngồi ngả người trên những chiếc ghế nệm dày. Tôi đảo mắt nhìn quanh phòng, đồ đạc đơn sơ, một chiếc ti vi cũ để trên kệ tủ, một chiếc thu phát băng video phía dưới, tất cả đều im lìm nhưng rõ ràng chứa đựng biết bao nhiêu bí mật. Chỉ cần nhấn ngón tay vào cái nút, luồng điện sẽ làm màn ảnh sáng lên và chiếc máy sẽ bắt được những làn sóng đang tràn ngập căn phòng này, đang vây quanh tôi mà tôi không thấy không biết, rồi mang lên màn ảnh những hỉ nộ ái ố… Ý nghĩ của tôi đưa tầm mắt tôi chú ý vào cánh tay phải của Duyên Anh đang nằm xuôi bên sườn, những ngón tay như nải chuối cau cằn cỗi đặt trên đùi. Bất giác tôi hỏi người bạn tôi một câu rất thừa :

– Thành ra bây giờ bạn chỉ viết bằng tay trái ?

Duyên Anh cười :

– Tại vì tay phải bị người ta cướp đi rồi.

– Bạn thật là người can đảm.

– Nhiều người cũng nói như vậy. Nhưng với tôi thì là can đảm bất đắc dĩ thôi. Tôi như một người bị đẩy xuống cho chết chìm trong bóng tối thì phản ứng đương nhiên là mình phải ngoi lên.

– Ai muốn đẩy bạn vào bóng tối ? Bạn có thể thuật lại ngày mà bạn bị „người ta“ đánh bạn không ?

Duyên Anh ngập ngừng :

– Thì đó là ngày 30 tháng 4. Trần Đình Thục nó chở tôi đi ra ngoài Bolsa xem đồng bào biểu tình… Thôi, tôi quên bố nó hết rồi. Tôi chỉ nhớ đại khái lúc ấy vừa mới ở tiệm ăn trong khu Tú Quỳnh bước ra, đang đi lông nhông. Khi tỉnh dậy thì thấy mình nằm trong nhà thương.

– Bạn không trông thấy thằng đánh bạn ?

– Không. Tôi chỉ nghe người ta nói lại là trước khi đánh tôi, nó gọi tên tôi, tôi mới xoay mình về phía nó là nó đập vào đầu tôi rồi.

– Bạn nghĩ kẻ đánh bạn thuộc thành phần nào ?

– Trước đây, tôi nghĩ nhiều lắm nhưng nay thì với tôi, mọi chuyện đã qua cả rồi, không còn nghi ai nữa hết. Tôi nghĩ rằng người đánh tôi phải là một tay võ sĩ hạng giỏi, chơi nhẹ một phát vào trán, đánh thẳng vào huyệt. Nhưng tôi phải cảm ơn Chúa, cảm ơn Trời, cảm ơn Phật đã khiến tôi quay đầu nên cú đấm hơi chệch đi một chút. Nếu họ đánh đúng huyệt, nghĩa là tôi không có phản ứng tự nhiên lúc đó thì tôi đã vĩnh viễn sống mà như chết từ ngày đó rồi.

– Thằng đó chỉ đánh bạn có một cái thôi ?

– Ừ, nó đấm có một cái. Bạn thử tưởng tượng nếu tôi trúng „trực tiếp“ cú đòn đó, tôi sẽ cứ nằm một chỗ, muốn ăn thì phải có người đút vào miệng, muốn đi tiêu đi tiểu cũng phải kêu gọi, có người bưng bô tới…

– Bạn còn căm thù kẻ đã làm hại đời bạn ?

– Có lẽ tôi cần phải nói là tôi biết ơn người đã đánh tôi đấy. Tôi nói thế, bạn hiểu không ? Vì nhờ cái vụ bị đánh này mà tôi được chính phủ Pháp trợ cấp tàn phế, ăn cho đến lúc chết. Tôi được hưởng nhiều thứ lắm. Tôi không phải lo về áo cơm như một số đồng nghiệp tuy đã lưu vong mà vẫn không có tự do để viết vì thì giờ còn bận chuyện áo cơm. Nhờ vụ đánh này mà tôi được ngồi viết, như thế không khoái sao ? Thành ra, nếu có dịp nào đó, tình cờ được gặp người đã đánh tôi, tôi sẽ mời người đó sang Paris chơi như một người bạn. Tôi mời tới ở trong nhà tôi, mình có gì cùng ăn để tôi bày tỏ lòng cám ơn.

– Nhưng có dư luận cho rằng kẻ đánh bạn thuộc thành phần cộng sản ?

– Biết rõ hơn kẻ đó để làm gì ? Biết hay không biết thì chân mình đã què, tay mình đã liệt rồi. Giờ có giết được họ, bắt họ vô tù đi nữa thì bệnh tật của mình có nhờ đó mà khỏi chó đâu. Thành ra, tốt nhất là quên hết chuyện cũ. Tôi mong anh bạn nào chơi tôi một quả rất đẹp đó cũng nghĩ thế để mình thân thiện với nhau đi.

Nói xong, Duyên Anh cười sảng khoái, rít một hơi thuốc thật dài rồi chu miệng thổi khói lên không trung. Từng sợi khói lãng đãng bay. Những sợi khói gợi nhớ trong tôi những hình ảnh hợp tan tan hợp, hình ảnh của có không, không có, còn mất, mất còn. Tôi chợt nhớ giọng hát karaoke của một người bạn gái trong cuốn cassette có câu „Em là mây bốn phương trời“… Tại sao em lại là mây bốn phương trời ?

Tôi vội trở lại với Duyên Anh. Người bạn gái của anh đã mang tới trước chúng tôi hai ly cà phê sữa nóng. Tôi kể cho Duyên Anh nghe khi Thời Luận đăng cuốn truyện dài „Hồn Say Phấn Lạ“ của anh, nhiều độc giả cho rằng đó là một tác phẩm chống cộng có giá trị. Nhưng sau đó Duyên Anh ra khỏi đề tài này. Giờ đây anh mê say ca dao. Tôi hỏi :

– Lúc này đây bạn nghĩ thế nào về cộng sản ?

– Nhiều người đọc sách của tôi, cho là tôi căm thù cộng sản ghê lắm. Không, tôi không căm thù. Ngòi bút tôi chỉ theo lẽ phải, chỉ theo sự thật. Người cộng sản không yêu sự thật và lẽ phải nên tôi chống họ, buộc họ phải tôn trọng sự thật và tôn trọng lẽ phải. Ngoài cộng sản, những người nào không yêu sự thật và lẽ phải, tôi cũng chống. Những kẻ bị tôi chống kêu ầm lên rằng tôi hay đánh phá. Họ tạo nên một dư luận xấu về tôi để mọi người ghét tôi. Có điều này nữa, cộng sản chúng nó căm thù tôi vì tôi chỉ là con một nhà nông nghèo. Thành phần này trên nguyên tắc thì là giai cấp vô sản rồi, phải là người của đảng rồi. Nhưng từ khi cầm bút, tôi thấy cộng sản không thực sự làm những gì họ nói. Giai cấp vô sản à ? Chỉ là đồ bỏ trước nhu cầu của đảng. Họ không yêu sự thật và lẽ phải thì mình với họ phải chống nhau thôi.

– Như vậy thì tại sao chúng nó chỉ giam giữ bạn trong nhà tù có 6 năm ?

– Đúng. Tôi ở tù 6 năm. Nói thật với bạn là lúc đầu tôi không tin các ông ấy chơi tôi kỹ thế. Tôi thành thực tin là các ông ấy chỉ giỡn chơi tôi chừng một năm rồi thả tôi về, mặc cho tôi viết lách những đề tài cho tuổi thơ và quê hương… Không ngờ các ông ấy om tôi tới sáu năm. Khi được thả, một số các ông lớn của phía các ông ấy tới gặp, nói rằng tôi ở tù 6 năm thì hơi lâu, đó cũng là một sơ suất của cán bộ cấp dưới, đảng không chủ trương giam kỹ thế. Các ông ấy chiêu hồi mà. Tôi còn lạ gì hồi Nhân Văn Giai Phẩm nhiều anh đi tù hàng chục niên mút mùa chứ sáu năm đã thấm gì. Các ông bảo tôi, thôi bây giờ về thì viết lại đi. Nhưng tôi bảo tôi đâu có biết viết cái gì vì „học tập“ chưa thông. Các ông ấy bảo, không, tôi không cần anh viết ca ngợi đảng và bác. Anh cứ viết về tuổi thơ như anh từng viết. Tôi ậm ờ cho có chuyện. Thế rồi đến ngày vợ con tôi được đi chính thức sang Pháp, các ông ấy không cho tôi đi. Đấy, cộng sản lúc nào thì vẫn là cộng sản. Cộng sản lúc nào cũng sợ sự thật và lẽ phải. Tôi phải trốn ra biển để đi đoàn tụ với vợ con tôi. Thành ra nếu ngòi bút tôi hung hãn với cộng sản thì cũng dễ hiểu thôi.

Lời cuối Duyên Anh nói khiến tôi chợt nhớ lại hồi 1975 ở Sài gòn. Đó là tối 22 tháng 4, 1975 khi tôi ở phim trường Mỹ Vân đường Ngô Thời Nhiệm bước ra sau một buổi chiều ngồi ráp nối đoạn chót cho cuốn phim Giỡn Mặt Tử Thần, thì gặp Duyên Anh tình cờ phóng xe hơi chạy ngang. Duyên Anh nhìn thấy tôi nên anh thắng xe thật gấp rồi cho xe chạy lùi tới chỗ tôi. Anh thò đầu ra ngoài khung cửa xe, giọng hốt hoảng : „Này thằng Thiệu nó từ chức rồi, Sài gòn sắp mất mẹ nó rồi, doọc lẹ đi“. Tôi hỏi : „Mày có đường nào binh chưa ?“. Duyên Anh trả lời : „Rồi. Tụi Mỹ nó sẽ đón tao“. Thế nhưng vài ngày sau, khi Sài gòn đã rơi vào tay cộng sản, tôi tình cờ gặp Duyên Anh. Chúng tôi đưa nhau vào tiệm bánh cuốn thanh trì khu Đa Kao. Duyên Anh kể cho tôi nghe khi xe của một cơ quan Hoa Kỳ tới đón thì hai vợ chồng anh đang gây gổ nhau. Việt cộng vô, anh đưa gia đình về Long Xuyên rồi xuống Rạch Giá, cùng một số người chung mua một ghe đánh cá, thuê tài công chở sang Thái Lan. Nhưng khi ghe ra giữa biển, tài công nhảy xuống lúc nào không ai hay, rốt cuộc đành quay về. Tôi cũng kể cho Duyên Anh nghe trường hợp của tôi. Một ông chú của vợ tôi làm trong tòa đại sứ Úc, đã lo mọi giấy tờ để chúng tôi sang Úc tị nạn. Tôi còn kéo theo gia đình ông bà Lưu Trạch Hưng, chủ nhân hãng phim Mỹ Vân đi chung với dự tính sang Úc làm phim tiếp. Ngày 28 tháng 4, 1995 khi phi trường Tân Sơn Nhất bị oanh tạc, người chú này đưa chúng tôi tới tạm trú tại tư thất của ông đại sứ Úc trên đường Phan Đình Phùng, xế đại học Luật Khoa, để chờ giờ xe chở ra phi trường. Nhưng chờ cho đến lúc Dương Văn Minh đầu hàng thì chúng tôi lên xe phóng ra Vũng Tàu, tin rằng nếu thuê được ghe, phóng ra ngoài khơi thì vẫn hy vọng còn gặp hạm đội 7. Chúng tôi vượt biên lần đầu tiên vào sáng 3 tháng 5, 1975 có bộ đội Việt cộng đứng trên bờ vẫy tay chào vì khi rời bến, chúng tôi khai là hồi hương về Phan Thiết. Vợ chồng tôi cũng bị tài công lừa sau một đêm cho ghe chạy vòng vòng quanh Côn Đảo.

Ăn bánh cuốn xong, Duyên Anh và tôi tới trụ sở hội Văn nghệ Giải phóng ở đường Trương Minh Giảng để „đăng ký“ theo thông cáo của nhà cầm quyền mới vừa đọc trên đài phát thanh. Khi đến lượt, Duyên Anh cầm bút ghi, bắt đầu là cột „số thứ tự“, sang cột „họ và tên“ anh viết ba chữ Vũ Mộng Long, rồi cột „biệt hiệu“ anh đề hai chữ Duyên Anh, tới cột „nghề nghiệp“, Duyên Anh đề „nhà văn“. Lúc đó, một người trong giới văn nghệ sĩ Sài gòn ngồi ở đấy như để theo dõi, bèn nói : „Mày phải đề mày là „nhà văn chống cộng“ mới đúng chứ“. Lập tức tôi thấy mặt Duyên Anh đanh lại, nhìn tròng trọc vào người vừa nói, miệng anh gằn từng tiếng : „Đ.M. tác phẩm của Duyên Anh còn đó, hiểu chưa“. Rồi Duyên Anh bỏ đi.

Người bạn gái của Duyên Anh nhắc tôi uống cà phê kẻo nguội. Tôi gật đầu cảm ơn xong nhìn Duyên Anh, hỏi :

– 6 năm trong tù, bạn được chiếu cố đi những trại nào ?

– Tôi ở tù ba năm và đi „học tập cải tạo“ ba năm. Phải nói rõ như thế vì ở tù khác học tập cải tạo. Ở tù là vì họ đến tận nhà mình, đọc bản án rồi còng tay bắt mình đi. Họ đưa tới Sở Công an Nội chính, ở đó ba bốn tháng lấy cung rồi đưa về nhà tù Phan Đăng Lưu Gia Định giam một năm, rồi đưa về nhà tù Chí Hòa giam thêm một năm, tổng cộng là ba năm. Sau đó mới được đưa đi „trại học tập“ Xuyên Mộc, rồi „trại học tập Hàm Tân“, tất cả là thêm ba năm nữa.

– Bạn có nghe người ta đồn bạn làm ăng ten trong tù không ?

– À có chứ. Nói về ba năm ở tù thì khổ ghê lắm, khổ tận cùng, không thể khổ hơn nữa. Thế mà người ta không đồn tôi làm ăng ten trong giai đoạn ở tù. Người ta bảo tôi làm ăng ten thời ở trại học tập Xuyên Mộc. Ở tù Phan Đăng Lưu, Chí Hòa khổ như chó không làm ăng ten mà sang trại Xuyên Mộc sướng lắm rồi thì lại đi làm ăng ten là nghĩa lý gì ? Tôi nghe người ta nói tôi làm ăng ten từ lúc tôi chuyển trại từ Xuyên Mộc sang Hàm Tân. Xuyên Mộc cách Hàm Tân có một dãy núi Mây Tào thế mà ngày đầu tiên tới Hàm Tân, tôi đã nghe những anh em tù ở đây xì xầm tôi làm ăng ten, điều đó mới lạ, và điều đó đã cho tôi câu trả lời từ đâu phát xuất ra sự đồn thổi tôi làm ăng ten.

– Bạn nói rõ hơn đi.

– Có gì đâu, cộng sản tuy căm thù tôi nhưng chúng nó cũng biết sẽ có ngày phải thả tôi vì nhiều áp lực quốc tế như Ân Xá Quốc Tế, như Văn Bút Quốc tế. Theo tin tôi biết thì đáng lẽ tôi được thả sau 5 năm, nhưng chúng nó xỏ lá, nhốt thêm một năm nữa để có thì giờ bôi bẩn và làm cô lập hóa tôi nơi quần chúng. Trước khi thả tôi ra, họ phải thấy tôi là kẻ tật nguyền rồi, trúng thương rồi, hết múa may rồi. Tôi đã bị họ bắn mũi tên độc đó.

– Bạn cho là chính Việt cộng chủ trương vụ phao tin bạn làm ăng ten ?

– Thì chính chúng nó chứ còn ai nữa. Chúng nó thổi cái tin đó ra hải ngoại để tôi có muốn viết chống cộng cũng không ai tin nữa.

– Phản ứng của bạn về vụ bạn làm ăng ten thế nào ?

– Tôi buồn cười. Bạn nhớ là tụi cộng sản nó khinh chúng mình lắm. Bằng cớ là nó chỉ sai những thằng mười tám hai chục, hạ sĩ trung sĩ làm quản giáo, làm đội trưởng, làm giảng viên cho tù cải tạo dù tù đó là ông tướng, ông bộ trưởng hay văn nghệ sĩ. Thế mà chúng nó bảo là mình đi học tập cải tạo để thành con người mới xã hội chủ nghĩa. Nếu nó thực tâm hay nếu nó trọng mình một tí thôi thì chúng nó phải đưa xuống nói chuyện với mình những thằng tương đương chứ. Ở trại Xuyên Mộc của tôi cũng thế, chỉ có các ông bộ đội canh gác và dạy dỗ mình là những ông thanh niên mười tám hai chục tuổi. Chúng nó biết cái chó gì. Mà mình thế này không lẽ có thể muối mặt đi nịnh bợ mấy ông nhóc đó ? Mình thế này mà có thể đi làm ăng ten thì thụt cho mấy ông nhóc tì đó ? Về tuổi tác thì chúng nó chỉ bằng con cháu mình. Về quyền hành thì chúng nó bắt mình thì không có quyền, mà thả mình thì lại càng không có quyền thả. Chỉ có quyền hành hạ ấm ớ mấy thằng tù tội ca cóng chứ làm đếch gì hơn thế. Mà làm ăng ten thì hỏi tất cả anh em cựu tù ở đây xem, những người bị ăng ten báo cáo bị chúng nó phạt thế nào ? Cao nhất là cúp thăm nuôi một kỳ, một kỳ thôi, hay nặng nữa, với những bằng cớ cụ thể thì nằm trong biệt giam vài ngày một tuần. Ăng ten có giết được ai đâu ? Tội lỗi thì mọi người đã tự khai, đã viết hết cả rồi. Mà cũng chưa có vụ ăng ten nào trong 6 năm tù mà tôi nghe liên quan đến hồ sơ lý lịch, tội lỗi trước năm 1975, toàn là chuyện ca cóng vớ vẩn thôi. Ăng ten đâu có giết nổi ai.

Tôi nói cho Duyên Anh nghe về một cách giải thích khác của một người bạn tôi sau năm 1975 có làm việc với cộng sản ở Sài gòn, tới đầu năm 1982 mới vượt biên. Theo lời người bạn này thì chính anh ta nghe một cán bộ Việt cộng nói trong buổi học tập ở cơ quan về sự „bách chiến bách thắng của đảng ta“ vì đảng ta có những lãnh đạo là „đỉnh cao trí tuệ loài người“ như các „đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng vân vân“. Người cán bộ này dẻo miệng kể huyên thuyên mọi thí dụ để chứng minh là ngay cả bọn sừng sỏ phản động nhất của Mỹ ngụy cũng phải đầu hàng đảng ta nếu không muốn bị đảng ta nghiến nát. Trong những thí dụ này, tên cán bộ nói nhiều lần đến tên nhà văn Duyên Anh, như „tên Duyên Anh nay đã biết thành tâm hối cải“, „tên Duyên Anh nay đã thú tội và được đảng khoan hồng vì dù sao anh ta cũng có tài“, „Duyên Anh đang lập công chuộc tội đã đánh phá đảng và nhà nước“…

Tôi hỏi Duyên Anh :

– Nhưng bạn giải thích thế nào khi mà chính tù cải tạo, chính độc giả của bạn cũng đồn là bạn làm ăng ten trong tù ?

– Có thể là vì mình đã có tí danh còm, lại chuyên viết chuyện du đãng, nhân vật ghê gớm lắm, mà khi mình vào tù, mình không có hành động nào anh hùng như nhân vật của mình chăng ? Mình cúi mặt trước cán bộ nên bị khinh chê là hèn chăng ? Hay cũng có thể vì khi trước mình viết báo chửi bới quá nên nhiều người không ưa mình chăng ?

– Thế thái độ trong tù của bạn là cúi mặt chịu đựng chứ không chống đối ?

– Chống đối ai trong tù ? Chống mấy anh mười tám hai mươi tuổi canh giữ mình thì chống làm cái chó gì ? Bạn dù có muốn làm gì hơn thì cũng vô ích vì chúng nó độc tài, tin về chống đối của bạn có ra khỏi hàng rào nhà tù đâu mà mong có tiếng vang, có áp lực ?

– Nghe bạn nói thế, tôi lại nhớ tới vụ chống đối của anh Nguyễn Mạnh Côn ở trong tù. Mà cũng có người đồn rằng bạn trách nhiệm về cái chết của anh Côn. Bạn có thể kể cho nghe không ?

– Trước hết là tôi ở một đội và ông Nguyễn Mạnh Côn ở đội khác do Đằng Giao làm đội trưởng. Hai đội ở hai chỗ xa nhau thì làm sao mà tôi làm cho ông Côn chết được ?

– Ông Côn chết trong trường hợp nào ?

– Ông Côn thì bạn còn lạ gì. Tôi rất thương ông ấy chứ. Ông ấy chết một cách lãng nhách. Thế này này. Trong thời ở Công an Nội chính hay đề lao Gia Định, tôi cũng không ở chung phòng với ông Côn. Chỉ có lúc ở Chí Hòa thì hai người bị nhốt chung thôi. Thời đó ông Côn đã suy nhược nhiều vì ông ấy thiếu thuốc. Tôi còn nhớ một chuyện về giai đoạn đó. Lúc trại nó cho tin là có Hội Nghiên cứu Mác xít tới thăm nhà lao thì ông Côn bèn làm đơn cho trại xin gặp những người này. Trại nó thuận cho ông Côn ra gặp. Nhưng ông Côn nói những gì thì tôi không biết nhưng ông ấy lại vào tù thôi. Có những lúc ông ngồi nói chuyện với Đoàn Kế Tường, Đằng Giao… Hoàng Mạnh Hùng, hắn ta đang ở Costa Mesa đấy. Ông Côn nói như thế này : „Các cậu nay mai phải có độc giả mới“. Đoàn Kế Tường mới hỏi : „Độc giả gì nữa, anh. Tù là hết rồi“. Ông Côn đáp : „Có chứ. Khi tù ra, mình viết đúng đường hướng là được“. Đoàn Kế Tường nó nói : „Anh làm thế thì vợ anh khinh bỉ anh“. Ông Côn đáp : „Cần gì, lấy vợ khác“. Đại khái là ông Côn đã nói không giống ai khiến Đoàn Kế Tường nó tức, nó đá ông Côn ngay tại chỗ. Anh em phải xúm vào ôm giữ nó. Nó to con, dân Quảng Trị, khỏe như trâu, lại rất phản động, từng nằm cát xô rồi.

– Bạn có nghĩ rằng ông Côn đóng kịch để qua mắt tụi nó vì người như ông Côn thì tụi nó choảng cho hai cái án, án phản khảng chiến và án phản cách mạng…

– Ai biết tim gan ông ấy. Chỉ thấy những sự kiện như ông ấy khai bệnh, xin ở nhà. Một hôm ông rủ tôi : „Tớ với cậu viết chung một quyển sách đi“. Tôi hỏi : „Thưa anh viết sách gì ?“. Ông Côn nói : „Cậu viết làm sao cho trại vui vẻ lên đi“. Tôi trả lời ngay : „Thưa anh, em còn đang học tập nên chưa thông, chưa viết được“.

*

Tôi kể thêm cho Duyên Anh nghe một số điều dư luận đồn đại về anh liên quan đến cái chết của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn. Theo những tin này thì ông Nguyễn Mạnh Côn vào ngày hết hạn ba năm „học tập“, bèn đòi ban quản trị trại thả ông về. Việt cộng không thỏa mãn yêu sách của ông, ông tuyên bố tuyệt thực và Việt cộng đem nhốt giam ông. Một số anh em tù thấy ông Côn ốm yếu nên tìm cách lén tiếp tế thức ăn cho ông nhưng Duyên Anh đã làm ăng ten, báo cho trại biết khiến cho việc tiếp tế này không thành, kết quả là ông Nguyễn Mạnh Côn chết.

Chúng tôi thảo luận về ông Nguyễn Mạnh Côn, người mà tôi kính trọng từ khi được đọc cuốn Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử, người mà tôi cảm mến khi được quen biết, đã thấy ở ông một thái độ điềm đạm, giản dị, đôi môi luôn luôn có nụ cười. Ông Côn khi đề nghị Duyên Anh viết sách, ông Côn khi đến ngày đúng ba năm ở tù đã ngang nhiên ra trước trại đòi phóng thích và rồi tuyệt thực, những hành động này của ông Côn hẳn phải có một ý nghĩa. Bởi vì ông từng tham gia kháng chiến, từng là dân biểu quốc hội thời Việt Minh, không thể nói ông không hiểu Việt cộng.

Tôi cũng kể lại cho Duyên Anh nghe thêm, trong một buổi trò truyện với nhà văn Hà Thúc Sinh, anh đã nhắc lại cho tôi nghe buổi anh tới thăm ông Côn sau ngày 30 tháng 4, 1975. Hà Thúc Sinh nói : „Ông ấy ít nói, mãi mới bảo mình : „Rồi có lẽ tôi sẽ sướng hơn các cậu“. Theo Hà Thúc Sinh thì anh hiểu câu nói ấy là một quyết định của ông Côn, nghĩa là chỉ có cái chết tự chọn, thì ông Côn mới có thể sướng hơn những người sẽ sống vất vưởng trong trại tù cộng sản. Nghe tôi kể, Duyên Anh nằm ngữa mặt nhìn trần nhà, hút thuốc. Nét mặt anh đanh lại, vẻ cay đắng hiện lên sau cặp kính trắng. Mãi lúc sau, Duyên Anh mới nói :

– Hiện ở Nam Cali này có một số cùng tù chung với tôi thời đó, họ biết sự thật. Tôi mong họ nói ra đi. Còn tôi, nếu cứ phải đi cải chính thì biết bao giờ mới cải chính xong trước cả một âm mưu triệt hạ tôi ? Tôi có thể khẳng định thêm điều này, sự thực của nhiều nhân vật trong tù nó còn thối hơn nhiều, tôi đã không thèm viết ra… Tôi không thèm viết ra…

Tôi nói với Duyên Anh :

– Nếu bạn thấy những chuyện mà bạn bảo là thối đó, mà bạn không thèm viết thì cũng là một điều đặc biệt. Bởi vì cho đến bây giờ, người ta vẫn cho rằng bạn là một tay chuyên đánh phá tàn bạo…

– Tôi nói thật với bạn, mà tôi chẳng sợ gì mà không nói thật, rằng tôi không cộng sản mà cũng chẳng quốc gia nếu hiểu chữ quốc gia như một số người ở đây đang tự nhận, đang hành động ở đây.

– Có phải đó là động lực khiến bạn viết báo chửi không ?

– Chắc phải nói hơi dài. Trước hết, bạn chưa biết gốc gác tôi nhiều đâu, tôi là con một gia đình bần nông ở Thái Bình. Từ nhỏ, tôi đã sống nghèo khổ, chứng kiến cảnh bố mẹ chạy ăn từng bữa mà còn bị bọn cường hào ác bá hành hạ, ức hiếp. Tới khi khôn lớn lên, sống bằng nghề báo thì mỗi khi cầm bút, viết về câu chuyện bất công của thời đại, tự nhiên tôi lại nhớ tới dĩ vãng thù hận. Thành ra giọng văn trở thành phẫn nộ, ác độc.

– Bạn cũng biết điều đó ?

– Biết chứ. Lúc đầu thì chửi sơ sơ thôi, rồi độc giả khoái, gửi thư về bơm mình lên làm mình sướng, chửi nữa.

– Giờ nghĩ lại, bạn có bao giờ hối hận vì những điều mình đã viết không ?

– Tôi công nhận là đôi khi tôi đả kích quá đáng nhưng tôi không đánh sai mục tiêu nào nên không có gì hối hận.

– Thế bây giờ bạn còn ý định làm sống lại ông Thương Sinh trong người bạn nữa không ?

– Không. Tôi muốn từ nay tôi không phải đả kích ai nữa.

– Lí do ?

– Giờ đã già rồi. Vả lại mình nhận thấy rằng dù có vung dao phạt cỏ thì cỏ vẫn cứ mọc mà. Bạn thấy đó, tiểu Sài gòn ngày nay thì có khác gì đại Sài gòn ngày xưa ? Có chửi cũng thế thôi. Xã hội nó thê thảm quá rồi. Nhưng tôi rất muốn làm sống lại biệt hiệu Thương Sinh chứ.

– Khi bạn lấy biệt hiệu Thương Sinh là bạn nghĩ gì ?

– Lúc đầu tôi lấy chữ Thương Sinh với ý nghĩ là thương kiếp nhân sinh. Nhưng sau này khi tôi tra tự điển thì thấy chữ Thương sinh lại là một gã đau ốm. Thành ra cũng định mệnh thôi. Thuở nhỏ tôi cũng là đứa trẻ đau ốm. Nay về già lại là một ông già bán thân bất toại.

– Bạn nói bạn không đánh phá ai thì còn muốn làm sống lại biệt hiệu Thương Sinh làm gì nữa ?

– Tại vì tôi rất yêu văn chương hài hước của người mình. Mà văn chương hài hước thì đã chết trên quê hương ta từ 50 năm nay, tức từ ngày có đảng rồi.

– Nhưng thực sự thì vẫn còn một số người viết văn hài hước đấy chứ. Theo bạn thì người viết nào mà bạn nể nhất ?

– Tôi chỉ thấy ông Chu Tử.

– Và Thương Sinh ?

– Thương Sinh sẽ viết văn hài hước.

– Làm sao để phân biệt khi nào hài hước khi nào đánh phá ?

– Rất dễ hiểu lắm. Tinh thần hài hước là phải dùng ngôn ngữ của thời đại, mà ngôn ngữ của thời đại thì rộng lắm. Đại khái là năm 1996 tới nơi rồi mà ta còn dùng nhân vật Ba Giai Tú Xuất hay Lí Toét Xã Xệ thì ai cười nổi.

– Vậy theo bạn thì tờ Con Ong trước đây là báo hài hước hay đánh phá ?

– Đó là tờ đánh phá thôi.

– Paris, nơi bạn ở có tờ „Con Vịt Buộc“, đó là tờ hài hước hay đánh phá ?

– À, tờ đó ghê lắm. Đó là tờ hài hước. Mà muốn hài hước thì độc giả phải biết yêu tiếng cười. Từ xưa đến nay, dân tộc ta là dân tộc thích cười nên hài hước mọi chuyện dù là chuyện tôn nghiêm nhất. Ông Nguyễn Văn Vĩnh viết : „An Nam ta cái gì cũng cười, người ta khen cũng cười mà người ta chê cũng cười. Nhe răng hì một phát là mọi chuyện coi như hết“. Chính cái cười đó nó mới đẻ ra cái tinh thần dân chủ. Mấy ông bây giờ cứ nhân danh dân chủ mà lại sợ nụ cười của dân chúng. Muốn có dân chủ mà lại sợ cuời thì dân chủ thế chó nào được ? Các ông các bà ấy làm gì tầm bậy, người ta cười thì kêu ầm lên là bị đánh phá. Các ông các bà ấy hối lộ tham nhũng, thụt két, vợ nọ con kia, người ta cười thì cũng la lên là bị bọn báo chí nó chửi bới làm tiền. Mà thời đệ nhị Cộng Hòa, bọn lố lăng đó nhiều lắm, một tờ Con Ong viết không hết các chuyện dởm, chuyện phản dân hại nước của các ông các bà tập sự lãnh đạo đó, vì thế mà Con Ong bị gán là tờ báo chửi mà người ta quên gía trị hài hước của nó.

– Bạn lăn vào lãnh vực đó, bạn cũng biết gió tanh mưa máu, nhưng sao bạn cứ tiếp tục ?

– Không lẽ mũ ni che tai à ? Không lẽ câm miệng khi thấy những chuyện thối tha ăn hại đái nát à ? Tôi đã nói với bạn, tôi là gốc bần cố nông, thuở nhỏ đã chứng kiến cảnh bố mẹ tôi bị ức hiếp, bị đì mọi thứ đè lên đầu nên tôi hay nổi giận khi thấy bọn cường quyền làm bậy. Chúng nó khi thấy tôi chửi thằng khác, chúng nó khoái lắm chứ, chúng nó khuyến khích tôi chửi thêm mà, cho tôi tài liệu để đánh cho trúng huyệt mà, thế nhưng khi tôi quay ngòi bút hỏi thăm nó thì nó nổi giận, nó tấn công tôi, bôi nhọ tôi…

– Nếu quả như bạn nói thì người dân thầm lặng phải khoái bạn lắm chứ, sao cũng có nhiều người không thích bạn ?

– Dân mình khoan dung lắm. Nhưng dân mình cũng đa nghi. Một số hay nghĩ rằng bọn nhà báo ăn tiền phe này đánh phe kia vì quyền lợi cá nhân, phe nhóm mà không nhớ cũng còn một số ngòi bút bảo vệ lẽ phải và sự thật. Tôi cũng được an ủi là rất nhiều người thương tôi, hiểu tôi chứ.

– Vì thế bạn vẫn muốn làm báo hài hước ?

– Có thể nói tôi thích loại văn chương này. Cũng có thể nói tôi yêu dân tộc tôi. Thời xưa, trong xã thôn, dân ta đã biết cười. Những bài văn hài hước của cổ nhân, gần đây như Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương vân vân đều được coi trọng. Các cụ ấy chỉ làm mấy câu thơ thôi, đả kích một hiện tượng xấu nào đó và dân gian truyền tụng thì bố bảo kẻ đã gây hiện tượng xấu đó dám tái diễn. Chính bọn độc tài ở cả hai miền đã dập tắt nụ cười của dân chúng. Bọn này được một số trí thức vô tài toa rập để xin miếng đỉnh chung. Chúng nó chỉ mang cái bằng cấp để lòe thiên hạ nên chúng nó sợ thiên hạ biết bộ mặt thật của chúng nó. Vì thế chúng nó tấn công các cây viết hài hước trước bằng luận điệu như nhà báo nói láo ăn tiền, và đánh phá để moi tiền vân vân. Bây giờ thì dân ta hết cười nổi rồi.

Duyên Anh trở mình đứng dậy một cách khó khăn. Thân thể anh bự hơn trước nhưng đó là kết quả của những ngày ít vận động. Nhìn theo dáng anh đi chập chững nhờ công sức dồn từ tay trái xuống chiếc ba toong bằng nhôm xám, tôi thở một tiếng thật dài. Chàng thanh niên 19 tuổi làng Tường An ở Thái Bình, năm 1954 thực hiện một chuyến đi dài, vào miền Nam cùng lớp người đi tìm tự do nhưng chàng thanh niên này không ý thức mình bỏ quê hương vì phản kháng cộng sản. Chàng ta đi một mình, tới Sài gòn mưu sinh bằng đủ công việc lặt vặt từ giữ xe đạp tới quảng cáo cho gánh xiếc trên hè phố để bán thuốc kiểu Sơn Đông mãi võ, rồi kèm trẻ tư gia, rồi dạy đàn guitare ở Hậu giang. Bây giờ thì chàng thanh niên ấy thành một lão già tàn phế. Lão già này đang trôi dạt tới Los Angeles. Mai đây, định mệnh sẽ đưa lão già này tới đâu và nơi nào sẽ là chốn an nghỉ cuối cùng của lão ?

Nhớ lại tôi đã quen biết Duyên Anh hơn bốn mươi năm, và lúc này nhìn Duyên Anh trong tôi cũng sống dậy những hình ảnh trong bốn mươi năm đó, lòng tôi chùng xuống một nỗi buồn man mác… Một đời của chúng tôi đã gần qua. Tôi nhớ lại có lần đi ăn cưới mà chú rể 61 tuổi, tôi lại nghe một ca sĩ giúp vui lên sân khấu ca bài „60 năm cuộc đời“. Cuộc đời dưới mắt người nhạc sĩ này chỉ tính có 60 năm mà 20 năm đầu thì thơ dại, 20 năm sau thì bết bát, thành ra chỉ có 20 năm giữa. Thế mà chú rể đã 61 tuổi. Chú rể đã là người ở lậu, cư trú bất hợp pháp trên cõi trần gian này. Hôm đó tôi đã yêu cầu cô ca sĩ nâng cuộc đời lên 80.

Tuy quen biết Duyên Anh trải gần cả cuộc đời nhưng chúng tôi lại ít gặp nhau. Sau khi chia tay ở trại di cư Nhà Hát Lớn Sài gòn, mãi đến năm 1962 tôi mới gặp lại Duyên Anh khi anh xuất bản cuốn Hoa Thiên Lý, tập truyện đầu tay của anh. Năm ấy Duyên Anh đã 27 tuổi, đã mưu sinh bằng nghề viết báo. Rồi tôi nghe Duyên Anh làm ở tờ Xây Dựng, cơ quan ngôn luận bán chính thức của Thiên Chúa giáo Việt Nam năm 1964. Từ 1968 thì Duyên Anh biến thành chục biệt hiệu khác nhau, tung hoành trên tờ Con Ong, trở thành tay đánh phá với phe quốc gia và trở thành tên Biệt Kích Văn nghệ với đảng cộng sản. Cuốn „Những tên Biệt kích của Mặt Trận Văn Hóa Tư tưởng Miền Nam“ của Việt cộng in năm 1980, Duyên Anh bị Việt cộng coi là một cây bút nguy hiểm cho chế độ của họ. Đang miên man nghĩ thì Duyên Anh đã chập chọang trở lại ghế ngồi. Tôi hỏi :

– Tới nay bạn đã viết được bao nhiêu tác phẩm ?

– Tôi đã in 64 cuốn truyện ngắn truyện dài.

– Vậy là kỷ lục trong lịch sử văn học Việt rồi.

– Tôi không viết vội để đạt một kỷ lục về số lượng. Tôi viết vì sự thôi thúc của dĩ vãng và của sự quằn quại với lịch sử đất nước. Như mọi người trong thế hệ chúng ta, khi mới 10 tuổi tôi đã chứng kiến cảnh Nhật đảo chính Pháp. Rồi sau đó, tôi đã đi đếm xác những dân làng tôi bị Nhật làm cho chết đói. Rồi thì cách mạng Tháng Tám tiêu thổ kháng chiến, dân làng tôi bồng bế chạy lọan. Tuổi thơ và tuổi trẻ của tôi đã mất hết trong cách mạng và chiến tranh. Nếu cộng sản không bắt tôi tù 6 năm, nếu tôi không bị người ta đánh liệt óc, liệt tay phải thì tôi đã có trên 100 tác phẩm.

– Ở Sài gòn, tôi có nghe bạn còn viết một số bài diễn văn, phát biểu trước nghị trường cho một số chính khách, phải không ?

– Có.

– Động lực nào khiến bạn viết ?

– Họ trả tiền thì tôi viết ?

– Những ai nhờ bạn viết ?

– Hai nghị sĩ và 4 dân biểu. Họ nói với tôi là nhờ những bài của tôi mà họ nổi đình nổi đám.

– Tôi thấy bạn đa diện, viết nhiều thể loại, lại sáng tác nhạc, làm thơ nữa… Bây giờ, theo bạn thì bạn thích nhất diện nào ?

– Tôi thích làm thơ nhất. Nhưng tôi làm thơ không hay. Thời gian mà tôi làm thơ nhiều nhất là lúc ở trong tù. Lúc ra tù tôi còn nhớ lại được 34 bài.

– Kinh nghiệm trong tù của tôi là rất nhiều người tù làm thơ, và thơ viết về vợ con…

– Không, đề tài của tôi là thân phận của mình.

– Bạn vượt biên năm nào ?

– Năm 1983. Vợ con tôi đi chính thức năm 1982, chúng nó không cho tôi đi cùng danh sách nên tôi phải tìm đường vượt biên. Tôi xuống ghe ở Nhà Bè, 6 ngày sau thì tới đảo Paulo Bidong của Mã Lai. 6 tháng sau thì sang Pháp. Cũng may là do sống ở Pháp mà tôi có cơ hội quen biết với một số nhà xuất bản và họ đã mua bản quyền, dịch sách của tôi ra Pháp ngữ. Tới nay họ đã dịch xong 5 cuốn, còn hai cuốn mới ký. Cuốn Đồi Fanta đã được tái bản và được làm thành phim.

Duyên Anh ao ước sách của anh cũng sẽ được dịch ra tiếng Mỹ. Để đạt mục tiêu này, anh viết về chủ đề người Mỹ, chẳng hạn cuốn Một Người Mỹ ở Sài gòn và mới đây là cuốn Những Đứa Trẻ Con lai Mỹ Hẩm Hiu… Ngồi bên tôi, anh mơ ước người Mỹ sẽ hiểu văn hóa văn nghệ của dân tộc Việt Nam nhiều hơn. Theo anh thì khi người Mỹ tới giúp Việt Nam chống cộng là tốt nhưng vì không hiểu gì về dân tộc ta, coi thường, coi khinh người Việt, thành ra thấy bọn nịnh bợ, thích làm tay sai là khoái, điều này đã gây bất mãn cho dân chúng mà hậu quả là thái độ chống Mỹ lan tràn khiến Mỹ không còn là đồng minh mà trở thành kẻ thù.

Tôi ngồi yên không hỏi thêm, mặc cho Duyên Anh sống với chính anh. Trong giờ phút thành phố Los Angeles đã ngủ thì quê hương của Duyên Anh và của tôi đang thức. Tôi nghĩ, tôi hy vọng trái tim Duyên Anh đang đập chung nhịp với Việt Nam dù đất nước cách xa chúng tôi nửa vòng trái đất.

 

Đỗ Tiến Đức

Tháng 10.1995.

  

No comments: