Sunday, December 3, 2023

Ngỡ Như Giấc Mơ - Nguyễn Vĩnh Căn

 

NGỠ NHƯ GIẤC MƠ

 

Đang ở một mái nhà tranh vách đất tồi tàn, bỗng nổi lên một ngôi nhà mái Thái rực màu ngói đỏ khang trang, xóa sạch vết tích của ngôi nhà tranh tiêu điều đã tồn tại trên 30 năm, bảo sao dân làng không bàn tán xôn xao được.

-Nhà thằng nớ nghèo kiết xác cả mấy đời, có nằm mơ cũng không thấy, bây giờ tự dưng có được một ngôi nhà hoành tráng như thế là răng?

-Của mô ra mà hắn xây như rứa hè?

-Hay trộm cắp mô về làm?

-Con người ốm yếu bát văn như hắn, không phải mặt!

-Hay hắn trúng số?

-Cơm gạo chẳng có đủ ăn nữa là mua vé số.

Thường ở nhà quê, người ta hay sĩ diện ta đây, để không bao giờ thổ lộ vốn liếng tài sản của mình, kể cả trúng số cũng giấu kín không cho mọi người biết, làm như mấy tay đánh xì tố, giấu con tẩy cho nhà làng đoán non đoán già chơi. Ở lâu với dân làng, tôi cũng bị phơi nhiễm cái tật ấy. Có lắm bạn bè hỏi:

-Chứ tiền mô mà mi xây nhà rứa?

Tôi cũng chỉ cười cười úp mở:

-Tiền trên trời rớt xuống chứ ở mô.

Mà quả tiền trên trời rơi xuống thật!

Cuộc sống của tôi đang bươn chải tối tăm mặt mày với nợ cơm áo gạo tiền muốn đứt hơi, đâu dám mơ ước chi cao sang, chỉ ước có được cái ăn cái mặc, và khỏi nợ nần chồng chất là mãn nguyện lắm rồi. Và cũng để vợ khỏi phàn nàn: “Làm ăn chẳng ra chi, lại còn đa mang đàn ca gừng nghệ, rỗi hơi viết lách văn vẻ linh tinh, chẳng nên cơm cháo chi”.

Thế rồi khi xây được nhà cao cửa rộng, tôi được cá hát giọng dạ, nổ với nhà tôi:

-Bây giờ em đã sáng mắt ra chưa. Có nghề gì ngon ăn bằng nghề viết văn. Chỉ với một truyện ngắn là xây được nhà ngay.

-Chứ không phải chó ngáp phải ruồi. Vợ tôi day lại.

-Ngáp hay không ngáp, có nhà cao cửa rộng ở là sướng rồi.

Có lẽ các bạn đang nôn nóng muốn biết đầu cua tai nheo như thế nào, mà vợ chồng tôi dễ dàng xơi ngay một ngôi nhà đẹp như thế?

Chuyện kể cũng hơi dài dòng, mong các bạn kiên nhẫn cho…

oOo

Ngày đó, mặc dầu có tiếng là dân ăn chơi ở tỉnh lẻ, nhưng lên Đô thành Sài Gòn vẫn chưa là cái đinh gì cả. Dẫu có muốn tân trang cách mấy, cũng chưa thể gột rửa được dấu tích của một học trò nông thôn tỉnh lẻ “buồn muôn thủa”, mới lần đầu lên phố thị. Và câu chuyện ngu ngơ dưới đây cũng nói lên điều đó.

Lần đầu tiên, một chú mán lên xe buýt có vẻ ta đây lắm! Hắn phì phèo điếu thuốc Captain – lúc đó đang được chuộng, nhả khói ra vẻ sành điệu, cộng với cặp kiếng cận trệ xuống mũi trông cũng sáng sủa lắm đấy chứ! Ngồi vắt chân chữ ngũ trên băng ghế xe buýt trầm tư, ra vẻ ta đây lắm, chứ không phải là kẻ ngu ngơ mới đi xe buýt lần đầu.

Hôm đó, tôi có việc lên đường Trương Minh Giảng, kiếm thằng bạn vừa mới Ban Mê Thuột xuống. Xe buýt chật ních người. Cũng may tôi kiếm được một chỗ ngồi. Đang quay ra xem cảnh nhà cửa phố xá san sát bên đường, bỗng một cô bé đập nhẹ vào vai tôi: “Làm ơn chú nhường chỗ cho cháu ngồi được không ạ? Vì cháu bị đau chân”.



Tôi quay lại. Nhận ra một cô bé khá xinh xắn và duyên dáng với nụ cười trên môi, pha chút tinh quái nơi khoé mắt, khiến chàng trai mới lên phố thị như tôi, làm sao cưỡng lại lời ngỏ ý để không ga lăng cho được. Tôi đứng vội lên rồi đưa tay chỉ chỗ: “Xin mời cô bé!”. Cô bé ngồi xuống và nở thêm một nụ cười tươi tắn với lời cám ơn nữa, khiến tôi tưởng như mình đang mơ về một câu chuyện cổ tích: Hoàng tử gặp Công chúa trong rừng xanh với câu chuyện tình đầy hứa hẹn sắp xảy ra với mình đây. Còn đang thêu hoa dệt mộng, cô bé lên tiếng hỏi:

-Chú về đâu hả chú?

-Tôi về Trương Minh Giảng, gần nhà thờ ba chuông.

Cô bé kháo lên:

-Cháu cũng về đó đấy! Thế nhà chú ở khu vực nào

Mới lần đầu tiên lên đường TMG, làm sao biết mô tê chi mà trả lời.

-Gần khu vực công viên chức.

Tôi trả lời đại như thế, vì có lần thằng bạn bảo tôi, chú nó làm công chức, ở khu chung cư công chức, gần nhà thờ ba chuông.

-Thế cháu ở khu vực đó sao không biết chú nhỉ?

Tôi hơn bị bí và lúng túng. Đúng lúc đó, xe dừng lại và số người xuống rảnh trên xe, nên cô bé cầm tay tôi bảo:

-Chú ngồi xuống đây nè!

Trời nóng. Tôi cởi áo khoác và ngồi xuống bên cô bé. Tôi gợi chuyện:

-Thế cháu đi đâu về vậy?

-Cháu đi học thêm sinh ngữ ở hội Việt Mỹ về.

Như mọi thủ tục làm quen, tôi được biết cô bé ấy tên là Vân Nhi, học lớp 10, trường Gia Long. Phải nói con bé nói chuyện hồn nhiên và vui đáo để. Cứ làm như thân quen nhau lâu rồi. Tôi tự hỏi: hay tại người dân thành phố họ vồn vã tự nhiên như thế?

 

Đang nói chuyện vui vẻ, bỗng cô bé cầm lấy áo khoác của tôi và bảo:

-Làm ơn nhờ chú lấy chiếc cặp cháu gác trên khoang xe kia ạ!

Khi tôi trao chiếc cặp cho cô bé, cô bé cũng đứng lên trao lại cho tôi chiếc áo khoác, rồi bước ra cửa.

-Cám ơn chú, cháu phải xuống đây để vào nhà một người bạn. Hẹn gặp lại chú sau nhé!

Cô bé xuống xe, rồi vẫy tay cười chào tôi, khiến tôi cảm thấy tiếc nuối, vì không được đi thêm một đoạn đường nữa, để trò chuyện với cô bé vừa xinh xắn vừa ăn nói dễ thương nhí nhảnh chi lạ.

Xuống xe. Vào đến nhà người bạn, tôi mới phát hiện ra chiếc ví của mình không cánh mà bay mất. Nghĩ mãi không biết nó rơi khi nào. Kể chuyện cho tụi bạn nghe, tụi nó phá lên cười:

-Gã nhà quê, gặp phải mấy con ghệ ca ve rồi!

Tôi không tin, và trướng cổ cãi:

-Làm gì có. Trông con bé hồn nhiên và thơ ngây lắm!

-Thôi đi ông cụ ơi! Ông cụ ngu ngơ bỏ mẹ. Trông nai thế, chứ ma mảnh lắm đấy! Ông cụ không đọc báo: từ thành phố đến thôn quê, nên không biết mánh khóe của mấy con ghệ đó, giả ngu ngơ để đánh lừa cụ đấy thôi.

Tôi thầm nghĩ: nó lấy ví của mình, hèn chi xuống xe giữa đường để vào nhà con bạn. Nhưng mình đâu dám kể cho tụi bạn nghe, vì sợ tụi nó cười giễu.

Đó là lần đầu tiên tôi bị lọc lừa trong đời. Mất mấy ngàn bạc trong ví, hồi đó đối với sinh viên xa nhà là to lắm! Lòng cứ mãi ấm ức, tức cái con nhãi ranh cứ chú chú cháu cháu thế mà lừa được mình khi nào không hay, khiến cho mấy tuần sau phải ăn bánh mì xì dầu thay cơm quán nghèo sinh viên.

Cuộc sống ở đô thị vốn đã tất bật nhộn nhạo, thì những năm 72, sau mùa hè đỏ lửa lại càng thêm bát nháo, xô bồ hơn, vì ảnh hưởng bom đạn của chiến cuộc đang ngày một xâm lấn vào đô thị. Sục rục xộn xạo đang nóng trên các mặt báo với những tin chiến sự đang dồn dập báo tin thất trận liên tục là thế, nhưng trong tâm tưởng của người miền Nam, không bao giờ lại nghĩ là Việt Cộng có thể chiếm được Sài Gòn. Vì mọi người dân tự nghĩ rằng: Sau lưng họ đã có vị quan thầy vĩ đại đầy đủ binh lực, chiến cụ hiện đại như Mỹ bảo kê rồi, còn lo cái nỗi gì nữa!!??

Còn tôi, khi đó là sinh viên Luật năm thứ hai, cũng đang ươm cho đời mình nhiều ước mơ đẹp ở phía trước. Và muốn giao dịch tiếp xúc với người nước ngoài, hay để tham khảo sách vở công pháp quốc tế, nên tôi phải đi học thêm Anh văn. Đó cũng đang là mốt thời thượng, để ra đường chuyện trò vung vít với người nước ngoài mấy câu, dượt le cho bà con lé mắt chơi.

Cuộc đời của một sinh viên nghèo xa quê như tôi, không dám lãng phí tiền bạc và thời gian cho những trò vô bổ như đi dạo chơi dông dài, sợ giẫm bể bánh đa không có tiền đền thì khốn.



Một chiếc xe đạp cà rịch cà tàng. Đi, về, lo chúi đầu vào nấu ăn cho rẻ tiền, rồi cắm cúi học hành. Rảnh rỗi thì ôm đàn guitar chơi mấy bài Classic cho khuây khoả đỡ buồn.

Một hôm, tôi vừa ra khỏi lớp học Anh văn. Bỗng có một cô bé chạy theo gọi:

-Chú Kim ơi, Chú Kim! Chú đi đâu mà vội thế, làm cháu theo chú muốn đứt hơi luôn.

Gặp tôi, cô bé có vẻ mừng rỡ lắm, tưởng như thân thiết nhau lâu ngày mới được gặp lại. Còn tôi nhíu mày, chợt nhận ra cái con nhãi ranh lừa lấy ví mình hôm trước, nên chẳng mặn mà chi khi gặp lại nó. Tôi những muốn hỏi chuyện cũ cho ra lẽ, nhưng thấy nó vui vẻ vồn vã với mình, lẽ nào hỏi chuyện làm bẽ mặt nó, thật không nỡ lòng nào. Tôi tự nhủ: “Thôi thì cứ dằn lòng, xem con bé thế nào đã, sau hỏi tội cũng không muộn.

-Chú cũng học ở đây à? Đã lâu chưa, sao bây giờ cháu mới gặp.

Tôi miễn cưỡng trả lời:

-Cũng mới năm này thôi.

-Hơn một năm rồi không gặp chú, thôi vào Căng tin làm ly nước cho mát mẻ đã rồi hẵng hay.

Thế là con bé cầm tay lôi tôi vào quán nước. Chẳng lẽ nó tốt với mình thế mà mình lại tiểu tâm nhắc chuyện cũ ra. Mà con bé lại xinh đáo để, làm sao một chàng trai mới lớn như tôi, nỡ nhẫn tâm với nó được. Quả người xưa nói không sai: Sắc đẹp của đàn bà lợi hại vô cùng; đến tên đạn mà còn tan chảy nữa là trái tim con người.

Nó hồn nhiên vui vẻ ríu rít như một con chích choè lửa, lảnh lót đủ chuyện trên đời dưới đất. Rồi bỗng nó đưa tập ra:

-À, chú ơi! Cháu có mấy bài tập Anh văn. Bí quá, cháu nghĩ mãi không ra, chú biết chỉ cho cháu với.

Tưởng chuyện gì khó khăn, chứ chuyện đó là chuyện nhỏ đối với tôi.

Rồi cứ tuần hai bữa, trùng ngày học với con bé, nên khi nào nó cũng chờ tôi tan học. Con bé có chiếc Babeta, mỗi khi tan học, nó cứ bắt tôi chở đi hết nơi này đến nơi kia. Nhưng thông thường là hay lên góc đường Lê Văn Duyệt ăn chè thập cẩm ngon tuyệt. Quán chè ở góc đường này nổi tiếng thơm ngon, bùi ngận, lại vừa giá rẻ. Ăn một vài lần là ghiền ngay.

Bữa nào lưng bụng, chạy lên góc đường Pasteur ăn phở gà, ngon không chê vào đâu được. Nước lèo óng vàng béo ngậy với những miếng thịt gà sợi trắng phau, làm cho những sợi phở, chưa kịp nuốt đã trôi tuột vào trong bụng. Ăn một bát, thấy vẫn còn thòm thèm.

-Chú ăn nữa đi chú!

Nói thế chứ đã ăn của chùa, làm sao dám ăn thêm nữa. Nhà quê cách mấy cũng phải có chút tự trọng mà chối khéo chứ!

-Ngon quá, mà chú no mất rồi.

Bữa nào rềnh ranh vui vẻ, lên Nguyễn Tri Phương, đá đòn ngồi vỉa hè ăn nghêu sò ốc hến cũng thú vị lắm! Chú cháu tẳn mẳn khều từng con ốc, chấm muối tiêu vắt chanh, ngon ơi là ngon! Rồi hai chú cháu thi nhau mút chùn chụt.

Những lần như thế làm tôi ái ngại và khổ tâm vô cùng. Khốn nỗi, cái túi lẹp kẹp của tôi bắt tôi phải cam chịu. Mỗi lần ăn xong, chường mặt ra cho con bé trả tiền thì còn mặt mũi nào nữa. Nhưng được cái con bé biết điều lắm. Mấy lần sau, nó lén đưa ví cho tôi trả. Nhưng tôi phải thú thật với con bé:

-Bữa nào cũng như thế này, cháu làm chú ngượng, muốn độn thổ luôn.

-Chuyện nhỏ! Mấy đồng bạc cắc có đáng là chi mà chú phải áy náy. Hơn nữa, chú là sinh viên xa quê đang khó khăn, nên phải dành dụm mà chi tiêu.

Bây giờ thì con bé đã biết tôi quê ở Ban Mê, vì hôm con bé lấy thẻ để mua cơm sinh viên cho tôi.

Từ đó về sau, tôi không bao giờ dám nghĩ xấu về cô bé ấy nữa. Tôi thầm nghĩ: nếu nó gian xảo, đời nào nó bao đãi mình rộng rãi thế. Có lẽ, vì ăn của chùa nên ngọng miệng, nên tôi thấy con bé ngày một dễ thương và tốt bụng hơn chăng? Nhưng tôi lấy làm lạ: tại sao con bé lại kết thân được với mình chứ? Đẹp trai và hào hoa ư? Tiền nong thì ky bo, dáng người nhà quê bỏ mẹ, lấy chi mà nó thích đây.

Có lần, chạy vòng vo mãi cũng chán. Con bé bảo:

-Chú ơi, vào công viên Tao Đàn nghỉ mát đi chú.

Đi ăn hàng quán, vỉa hè, chú cháu ngồi với nhau không thấy chi ngượng ngùng, thế mà vào ghế đá công viên này, khiến tôi cảm thấy ngượng ngập sao ấy. Vì chỉ có tình nhân mới vào đây tâm sự tình tứ với với nhau, chứ chú cháu như tôi với con bé vào ngồi đây trông dị lắm!

-Vào đây, chú cảm thấy ngượng cho cháu lắm!

-Sao lại ngượng cho cháu?

-Người ta vào đây xứng đôi vừa lứa, chứ đâu già khè như chú, chỉ tổ làm cháu phải xấu hổ mà thôi.

-Bậy nào, chú mà già cái nỗi gì! Trên cháu có mấy tuổi, có chi mà không xứng hợp chứ!

Nói chuyện tầm phào một lúc rồi con bé hỏi tôi:

-Chú đã yêu ai bao giờ chưa?

Con bé này hỏi hay thật. Hỏi thế thì bố ai trả lời được. Nói chưa, thì tỏ ra mình cù lần không biết chi, mà nói có, lỡ con bé buồn, rồi giận nghỉ chơi thì khốn. Tôi trả lời lập lường:

-Hơi biết tí tí.

Con bé tò mò:

-Yêu là yêu, chứ sao lại hơi biết tí tí hả chú?

Tôi hơi bị bí, bèn phịa đại:

-Thấy chiếc lá vàng rơi, bỗng thấy tâm hồn xao xuyến nhớ nhung ai, là dấu hiệu tình yêu đấy thôi.

-Thế là yêu hả chú. Thế thì cháu cũng lắm khi thấy thoáng buồn vu vơ rồi chú ạ! Thế có phải là yêu không chú?

-Đại khái là thế.

Tôi trả lời cho qua chuyện.

-Thế người con gái nào được diễm phúc chú yêu vậy? Chắc là đẹp lắm phải không chú? Bữa nào chú cho cháu xem mặt đi chú.

Nó nói như thế có ngọng không chứ?

Tôi định nói: là cháu đấy! Nhưng sợ con bé giận nghỉ chơi thì khốn, nên lập lờ con cá vàng.

-Chú yêu đơn phương thôi. Cô ấy không biết chú yêu, nên chẳng có gì đáng nói cả. Quê cục như chú thì ai mà yêu cho nổi.

Con bé cười, nháy mắt tinh quái:

-Có đấy! Tại chú không biết đấy thôi.

Không biết con bé đùa hay thật, nhưng trong tôi cảm thấy có chút ấm áp và phấn kích hơn lên.

-Chắc cháu biết là ai rồi? Vậy cháu chỉ cho chú đi, chú sẽ thưởng công bội hậu cho cháu đấy!

-Có người yêu mình, mà không biết. Tưởng phải là con người vô tình lắm sao?

Và những cuộc trò chuyện ngày một thân mật hơn, nhưng rồi cứ lập lờ qua lại như mèo vờn chuột mà không ai dám tỏ rõ ý mình ra cả. Có lẽ, ai cũng sợ nói ra rồi bị lố?

Một lần nọ. Có lẽ vì quá nôn nóng mà tôi làm đã làm tan vỡ những bọt bong bóng linh ảo sắc màu của câu chuyện tình yêu đó chăng?

Bữa đó, đúng ngày sinh nhật của cô bé. Thực tình tôi không nhớ, nên không chuẩn bị quà. Cô bé cứ khư khư đòi tôi tặng quà sinh nhật. Bí quá tôi chơi trò liều.

 

-Muốn có quà sinh nhật, Vân Nhi hãy nhắm mắt lại, chú mới có thể tặng quà cho cháu được chứ!

Cô bé thật thà nhắm mắt lại. Tôi đánh liều hôn lên môi cô bé. Kịp khi cô bé mở mắt ra. Cô bé bị bất ngờ với cái trò liều lĩnh của tôi. Cô bé quắc mắt tức giận tôi lắm! Bất ngờ, vung tay đánh tôi một bợp tai khá đau, khiến tôi ngẩn ngơ như trời trồng. Tôi chỉ biết lí nhí:

-Cho chú xin lỗi. Chú đùa cháu hơi quá trớn.

Cô bé quay ra, lấy xe chạy về, để một mình tôi lại hết sức bẽ bàng. Tôi chỉ còn biết tự trách mình, là quá ngu ngơ để tưởng bở: cứ đỏ ngỡ là chín. Ai ngờ tình yêu có những quy luật riêng trái khoáy như thế!

Những ngày sau đó, tôi buồn lắm! Vì cô bé không đến đón tôi nữa rồi.

Tôi phải nghỉ học, vì chiến cuộc đang đi vào giai đoạn quyết liệt. Thị xã Ban Mê quê nhà bị thất thủ, nên tôi chẳng còn lòng dạ nào để buồn vẩn vơ chuyện giận hờn của cô bé ấy nữa.

Tháng ngày trôi đi nặng nề trong lo âu thấp thỏm của mỗi sinh viên xa nhà: không biết cha mẹ và người thân ở quê nhà sống chết ra sao? Trong khi chiến cuộc đang sôi sục trên khắp các mặt trận miền Trung. Hết nơi này thất thủ đến nơi kia tháo chạy. Và cuối cùng là cả miền Trung vỡ trận, chạy cuống cuồng bất nháo vào Sài Gòn. Một thành lũy cuối cùng của chế độ.

Nhưng đau đầu nhất cho những sinh viên xa nhà bị mất liên lạc với người thân cha mẹ. Rồi phải đối diện với cái ăn cái học ra sao, khi không còn nguồn trợ cấp cho những tháng ngày sắp tới nữa đây?

oOo

Một Sài Gòn hỗn mang xao xác như đàn chim vỡ tổ. Người chạy ngược kẻ chạy xuôi, rồi người người chạy loạn từ miền Trung tràn về như một dòng thác lũ đổ vào thành phố một cách quá tải. Họ ăn nằm ngủ nghỉ trên các hè phố ngổn ngang tơi bời tất bật…

Chính phủ cũng lo sút vó cho cái ngai vị chính thể của mình cũng đang bị lung lay, còn lòng dạ đâu mà lo cho người dân nữa. Đã thế, những người lính đào ngũ bỏ đơn vị, tháo chạy trà trộn vào người dân lành đổ vào thành phố, gây sự nhiễu loạn, cướp bóc, khủng bố thanh toán nhau bằng lựu đạn, gây chết chóc và hoang mang cho cả thành phố.

Cũng may, những ngày ấy có các hội ái hữu và các cơ quan từ thiện đứng ra cứu trợ cho các sinh viên ở miền Trung thất lạc gia đình, để phát tiền cho họ có cái sinh sống.

Bữa đó, tôi phải rất vất vả để chen lấn vào lãnh tiền trợ cấp. Người vả cả mồ hôi vì chen lấn đã đành, mà còn vì không khí ngột ngạt oi bức của cái nắng hè gay gắt trong những ngày ấy. Tôi vừa lãnh tiền ra thì có tiếng gọi ơi ới!

-Chú Kim ơi, chú Kim!

Tôi quá đỗi bất ngờ khi nhận ra Vân Nhi. Tôi cứ tưởng là cô bé giận rồi không thèm gặp tôi nữa chứ! Ai ngờ…Cô bé cười tươi tắn:

-Chú bỏ học hội Việt Mỹ hay sao mà cháu tìm chú hoài không thấy.

-Cuộc chiến như thế, bảo lòng dạ nào chú học cho nổi.

-A lê hấp, chú lên đây cháu chở chú đi ăn phở.

Con bé nói chuyện huyên thuyên, và chẳng nhắc đến chuyện cũ, khiến tôi khá yên tâm. Hình như biết hoàn cảnh tôi bị mất liên lạc với gia đình, nên nó tỏ ra quan tâm tôi lắm!

Có hôm nó mua thức ăn đến nhà trọ, rồi nấu nướng cơm nước cho tôi, như một người em gái tận tụy với người anh trai. Thông thường, tôi với nó hay đi ăn cơm sinh viên vừa rẻ tiền, lại đỡ mất công nấu. Tôi đã lãnh được khá khá tiền, nhưng nó dứt khoát không cho tôi trả. Nó bảo: “ Chú cất dành mà trả tiền nhà , điện nước, tiền ăn tiêu…”.

Rồi một hôm, khi đó chiến sự đang cực kỳ căng thẳng với người dân thành phố. Cô bé chở tôi lên lãnh tiền ở hội ái hữu sinh viên Ban Mê. Thấy chen lấn vất vả quá, cô bé bảo tôi: “Chú đưa túi xách cho cháu giữ, kẻo bị bọn trộm thừa cơ giật mất đấy!”. Tôi trao túi xách cho cô bé, rồi đứng xếp hàng chen chân vào. Mồ hôi mồ kê vã ra, ướt đẫm cả áo. Và khi gần đến phiên tôi lãnh tiền, bỗng đâu, một tiếng nổ vang trời, khiến tất cả sinh viên tá hỏa tam tinh, chen lấn xô đẩy nhau chạy tán loạn. Rồi một tiếng nổ rền vang tiếp theo, khiến tôi cũng lo chạy tháo thân ra xa khỏi khu vực hội quán.

Lúc bấy giờ, tôi mới lo cho con bé. Không biết nó có sao không? Một lúc yên ắng, tôi trở lại thì không con thấy bóng dáng con bé đâu nữa. Cả hội quán vắng hoe.

Một tuần. Hai tuần. Rồi cả tháng sau không thấy tăm hơi con bé đâu. Khốn khổ là số tiền gần 20.000 ngàn đồng mới lãnh được, lại để cả trong túi xách trao cho con bé giữ. Sự bặt vô ấm tín của con bé khiến tôi đâm ra nghi ngờ: Chắc là tiền làm mờ mắt, nên con bé chơi bài xù đây.

Những ngày sau đó, tôi phải sống trong cảnh hết sức túng quẫn và khốn khổ. Nhà trọ hết tiền bị đuổi ra. Tiền không có một đồng xu trong tay. Không có ai thân quen, để vay vát mượn tạm. Đói lả người không còn cách nào xoay xở. Trộm cắp thì sợ bị đánh đập nhục nhã.

Cuối cùng, đành phải dày mặt đánh liều vào các quán hàng, chịu nhục nhã để húp những bát phở dư thừa của thực khách để lại cho đỡ đói lòng. Có khi đói quá, phải ngửa tay xin bà Tư mấy mẫu bánh mì cháy cho đỡ đói. Còn khát nước thì đã có vòi nước công cộng. Càng đói khổ, tôi càng hận con bé. Nghĩ lại thấy mình ngu ngơ: Nó ngon ngọt, bao đãi để mình tin tưởng, cuối cùng mình bị nó lừa đến hai lần.

Cũng may sau đó, tôi xin vào làm chân bồi bàn bưng bê cho một quán ăn, nên có cái ăn và chút tiền còm tiêu pha. Tối đến, vào các lèn đá nhà thờ Công giáo, làm bạn với muỗi mòng qua đêm.

oOo

Nhưng rồi cái ngày 30 tháng 4 lịch sử đã đến. Cái ngày mà cả bầu trời Sài gòn mây mù âm u trĩu nặng, tưởng như sắp đổ ập những tai họa xuống cho người dân thành phố. Từ các tuyến đường ngã tư Hàng Xanh, các thiết giáp T54 sầm sập chia nhau các ngã rẽ vào thành phố.

Lần đầu tiên, tôi được trông thấy những chú bộ đội mặc đồng phục màu xanh xúng xính với mũ cối kết lá, trông dung dị và ngô nghê, chứ không như trong tâm tưởng của tôi: một lũ quỷ đỏ ác ôn gớm ghiếc! Từng đoàn xe thiết giáp và Môlôtôva nối đuôi nhau lũ lượt kéo vào các đường phố Sài Gòn ngập tràn. Người dân thành phố hiếu kỳ cũng đổ ra hai bên đường, lấy cờ, khăn, áo, mũ…vẫy phất, đón chào một cách rất hồn nhiên vô tư, tưởng như họ đón chờ Bộ đội giải phóng vào thành phố từ lâu lắm rồi. Hình như không khí tưng bừng của ngày giải phóng thành phố, làm cho họ quên đi nỗi lo sợ hãi trước đó: sẽ có một cuộc tắm máu dã man với họ trong ngày giải phóng.

Bây giờ hồi tưởng lại, tôi vẫn còn nhớ rất rõ cái cảm xúc của ngày ấy: Vừa sợ hãi vừa nhục nhã ê chề cho cái ngày thất trận đắng cay ấy. Còn những người con dân Nam bộ thì có vẻ vô tư với câu nói thường ngày: “Ông nào cũng dậy!”.

Ngày giải phóng đất nước, cũng kéo theo sự giải phóng các sinh viên khỏi trường Đại học để trở về quê quán. Ở tỉnh thành thì làm một người vô công rỗi nghề ăn bám gia đình. Còn ở miền quê thì trở thành một nông dân chân lấm tay bùn.

Tôi trở về quê nhà, xếp bút nghiên theo nghiệp nông dân: theo sau đuôi trâu bò, để ngày ngày cày sâu cuốc bẫm như một nông dân thực thụ. Những kiến thức của bao năm thâu lượm, giờ đây cũng chẳng ích gì cho đời sống nông nghiệp, mà còn thêm bức bối cho một sự cùng bí để tư tưởng không thông, bình đông không cũng nặng.

Cuộc sống của những năm tháng thời hậu chiến, trôi đi trong cực nhọc lao động vất vả trên các mặt trận sản xuất qua các thời kỳ: Tập đoàn, Hợp tác xã, khoán 10, cửa hàng mua bán tem phiếu…Đó là bước ngoặt quá độ của thời kỳ bao cấp, đầy gian nan khổ cực cho người dân.

Tôi lấy vợ sinh con đẻ cái theo cái quy trình của cuộc sống. Và một người nửa thầy nửa thợ như tôi, quả vợ tôi đưa ra lời nhận xét không sai: “Chỉ được cái bát văn, chứ không làm chi nên cơm cháo. Đã thế lại còn vướng lấy cái nghiệp đàn ca hát xướng, văn nghệ văn gừng, viết lách văn vẻ lung tung nữa chứ!”.

Tập tành viết lách mãi rồi tôi cũng có truyện ngắn đăng trên các tuần báo: Văn nghệ, Vào đời,…khá thường xuyên. Khi có chút nhuận bút còm, tôi liền khoe với vợ:

-Kể ra, anh cũng không đến nỗi vô tích sự đấy chứ!”

Vợ tôi bĩu môi:

-Nhuận bút bồi lộp, anh cứ giữ lấy mà nuôi thân anh đi, để vợ con phải lo cho anh là mừng rồi.

Tôi cười cầu tài:

-Một chút hoa thơm cho hưng phấn cuộc đời, chứ đòi hỏi chi hơn ở một truyện ngắn hả bà xã.

Và cái nghèo nó cứ bám víu gia đình tôi mãi, kể cả khi đất nước mở cửa, kinh tế đất nước tăng vượt bậc, mà người nông dân cứ ì ạch mãi không thoát ra khỏi cái thân trâu ngựa: Bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Lợi nhuận tính trên từng hạt thóc thì lấy đâu mà làm ăn nên nổi được cơ chứ!

Gia đình tôi, những tưởng rồi: “Hãy để ngày ấy lụi tàn”.

oOo

Rồi bỗng một hôm…

Có người đàn bà ăn mặc sang trọng, tuổi trên tứ tuần, nhưng dáng người thon thả với với nét mặt xoan trẻ lắm! Cô ấy bước vào nhà rồi hỏi tôi:

-Chú có phải là chú Nguyễn Anh Kim không?

Tôi hơi bị bất ngờ, vì tự nghĩ, mình đâu có ai bà con bạn bè sang trọng như dáng một Việt kiều thế này?

-Vâng tôi là Kim đây! Cô tìm tôi có việc chi không ạ?

Cô ấy nhìn cái nhà tranh xập xệ, rồi lại nhìn tôi từ đầu tới chân rồi bảo:

-Chú ở trong cái nhà khốn khổ này ư? Một chú Kim thời sinh viên trẻ trung đâu rồi mà để cho thân hình tiều tuỵ tàn tạ thế này?

Cô ấy tỏ ra xúc động để quay đi, như để che giọt nước mắt đang lăn dài trên bờ má, khiến cả vợ chồng tôi rất ngạc nhiên: Cớ sao lại có người xa lạ, đang không đến nhà để thương cảm xót xa cho mình như thế nhỉ? Chắc có sự lầm lẫn nào đây? Bỗng cô ấy tươi tắn lại.

-À không, có một người bạn ở bên Mỹ gửi quà về cho chú, nhờ cháu đưa cho chú thế thôi. Bây giờ, chú theo xe cháu ra ngoài nhà nhận, chứ cháu không mang theo đây.

-Nhưng cô có lầm không đấy?

-Nguyễn Anh Kim là chú chứ còn ai vào đây nữa.

Trong khi tôi còn nghi ngại, vợ tôi đã rất thực dùng để giục giã tôi:

-Thôi anh cứ đi đi, phải thì nhận, bằng không thì thôi chứ có mất mát gì đâu.

Trên đường ra phố, tôi cứ băn khoăn mãi: Mình có ai thân quen ở Mỹ đâu mà gửi quà cáp cho mình? Hay người đàn bà này có âm mưu chi đây? Có điều, người mình trên răng dưới cà tút, có chi mà để mất đâu mà sợ chứ!

Cô ấy đưa tôi lên một căn phòng thoáng mát của một khách sạn sang trọng cao cấp, khiến tôi hết sức ngỡ ngàng. Rồi cô ấy đưa cho tôi xem mấy tấm hình trắng đen, và hỏi:

-Bây giờ chú đã nhận ra cháu chưa?

Tôi quá đỗi bất ngờ, để không thể tin vào mắt mình: một con người mà tôi hằng oán ghét, lại dám đến gặp tôi như thế này?

-Trời đất ơi! Vân Nhi đây ư? Trông cháu bây giờ cao lớn đẫy đà ra và khác xưa quá, khiến chú nhận không ra.

-Mà cũng phải thôi. Gần 30 năm rồi còn gì nữa. Chú cũng còm cõi lắm rồi. Lúc nãy gặp chú, cháu suýt bật khóc khi thấy cảm cảnh cho chú quá!

-Nhưng tại sao cháu tìm được địa chỉ của chú.

-Chuyện dài lắm!

-Chú còn nhớ cái ngày hai chú cháu mình đi lãnh tiền sinh viên không? Cháu đang thơ thẩn đợi chú ra, bỗng đâu một tiếng nổ vang trời, khiến cháu bị bất tỉnh tại chỗ. Sáng hôm sau cháu tỉnh dậy trong bệnh viện. Cháu hốt hoảng lo cho chú, không biết chú có mệnh hệ nào? Nhưng vì bị thương nặng, cháu không thể ra viện sớm được.

Phải hai tuần sau cháu mới được xuất viện. Cháu vội tìm đến nhà trọ, chú đã không còn ở đó nữa. Cháu nghĩ chắc chú giận cháu lắm, vì bao nhiêu tiền chú để hết nơi túi xách cháu giữ hết.

Cuộc chiến kết thúc. Sài Gòn giải phóng. Cháu theo gia đình lên tàu vượt biên qua Mỹ. Nhưng những ngày đó, cháu nóng lòng muốn tìm chú để trả lại mà không sao gặp chú được, khiến cháu cứ mải ân hận.

-Thế nguyên do nào mà cháu tìm ra chú được.

-Theo địa chỉ trong giấy tờ sinh viên, cháu gửi cho chú biết bao nhiêu thư, nhưng cứ bị gửi trả lại. Bây giờ, cháu biết là thôn xã quê chú đều đã thay tên hết rồi. Mấy lần về Ban Mê, cháu tìm chú mãi mà không ra. Cháu tưởng như tuyệt vọng để chẳng còn gặp lại chú để chuộc lại lỗi xưa với chú nữa.

Tình cờ, cháu xem tờ nguyệt san Hạ trắng và khi đọc truyện ngắn: “Cô bé trên chiếc xe buýt vàng”, cháu thấy câu chuyện sao giống giữa mình và chú vậy? Xem lại thì thấy tác giả Nguyễn Anh Kim, cháu biết đích thị là chú rồi. Đọc truyện ngắn đó, khiến cháu bồi hồi xúc động mà cảm thương cho chú quá! Cháu đâu ngờ những ngày thất lạc đó, chú phải sống cơ cực và khốn đốn như thế!

Cô gái ngừng kể, rồi khóc sụt sùi…

-Cháu cứ mãi xót xa cho số phận chú phải lao đao khốn khổ vì cháu. Thế là cháu tìm đến toà soạn để xin địa chỉ của chú. Ban đầu họ không cho, khi chưa có sự đồng ý của tác giả. Sau cháu trình bày hoàn cảnh: “Chính cháu là người thật trong truyện ngắn đó, và mong tìm tác giả để giãi bày chuyện năm xưa”.

Nhân đây, cháu xin đính chính với chú: Lần chú bị mất ví trên xe buýt mà chú nghi cháu lấy là oan cho cháu lắm đấy!

-Cho chú xin lỗi! Thôi đừng nhắc đến chuyện xưa nghe buồn lắm!

Câu chuyện của tôi và cô ấy trở nên vui vẻ hơn khi gợi nhớ về những kỷ niệm xưa. Những ngày mà hai chú cháu dung giăng dung giẻ khắp Sài Gòn hết kem đến chè cháo…làm cho cả hai chúng tôi như sống lại những ngày ấy.

Bây giờ tôi đã biết đôi điều về Vân Nhi: Cô ấy đã có chồng và hai con, hiện đang sống bên Mỹ. Thấy vui chuyện cô ấy gợi lại chuyện cái tát năm xưa, và tỏ ý xin lỗi tôi, vì lúc đó cô ấy quá đỗi bất ngờ khi tôi hôn, để hành xử nóng vội như thế. Về sau cô ấy hối hận lắm! Chuyện trò một lúc, cô ấy cầm một phong thư lớn trao cho tôi:

-Cháu xin trả lại chú món nợ ngày xưa, mong chú nhận cho cháu đỡ áy náy. Chú về xây lại căn nhà cho khang trang, năm sau vợ chồng cháu sẽ về chơi nhà chú đấy nhé! Tôi ngại ngùng để từ chối:

-Chú không thể nhận số tiền lớn như thế này của cháu được, bởi số tiền ngày xưa của chú đáng là bao. Cháu về thăm lại chú, là chú mừng lắm rồi.

-Chú nhận cho cháu vui, nếu không cả đời cháu sẽ day dứt mãi đấy!

Ngày tiễn đưa cô ấy về Mỹ, cô ấy khóc rấm rức trong tay tôi:

-Cháu hỏi thật chú: ngày đó chú có yêu cháu không?

Phải chi ngày ấy, Vân Nhi hỏi tôi câu này thì quá dễ dàng để tôi trả lời. Nhưng bây giờ nó lại không cần thiết để trả lời nữa rồi. Tôi cười đùa:

-Lâu quá rồi, bây giờ chú cũng không còn nhớ nữa.

-Chán chú ghê! Sao chú đoảng thế!

Cô ấy vẫy tay chào, rồi bước vào phòng cách ly. Trong lòng tôi, bỗng mênh mang một nỗi buồn. Phải chi…

Bước chân về lại quê nhà, mà ngỡ như mình đang mơ…

Nguyễn Vĩnh Căn

Nguồn : văn học nghệ thuật

Từ trang DĐQGHCUC

 

 

No comments: