SỐNG,
CHẾT Ở SÀI GÒN…
Bồi hồi tưởng nhớ những cây mưa đầu mùa năm
xưa ở quê nhà. “Cây mưa”! Đúng là cây mưa. Những năm 1956, 1957 xanh xưa tôi còn
trẻ, trong loạt bài gọi là phóng sự tiểu thuyết Vũ Nữ Sài Gòn, tác phẩm đầu tay
của tôi, tôi viết: “Sài Gòn sau cơn mưa lớn sạch như người đàn bà đẹp vừa mới
tắm xong…”
Hoàng Hải Thủy (trích
“Sống, chết ở Sài Gòn)
Ôi cố hương xa nửa địa cầu
Ngàn trùng kỷ niệm vẫn theo nhau…
Ôi cố hương xa nửa địa cầu
Ngàn trùng kỷ niệm vẫn theo nhau…
Ngày mới đến Hoa Kỳ tôi nói: “Tôi mang Sài gòn
trong trái tim tôi…” Tôi muốn nói tôi yêu Sài Gòn, tôi đã sống đến bốn mươi năm
trong lòng thành phố Sài Gòn thương yêu, tôi đã vui buồn, đã đau khổ với Sài
Gòn. Nay phải đi xa, tôi mang Sài Gòn theo tôi nên tôi sẽ không thấy nhớ Sài
Gòn!
Sự thật không như tôi nói, không như tôi tưởng.
Trước hết, câu nói ấy có cái giọng của Sáu Keo: “Miền Nam trong trái tim tôi…”
Dù tôi có yêu thương Sài Gòn đến chừng nào đi nữa – là Công Tử Hà Đông bên hông
Hà Nội, Bắc kỳ chính cống Bà Lang Trọc nhưng tôi yêu Sài Gòn hơn tôi yêu Hà Nội
-, dù tôi có sống với Sài Gòn lâu đến chừng nào đi nữa, khi phải xa Sài Gòn tôi
vẫn nhớ thương Sài Gòn. Nhớ thương vỡ tim, xé gan, cháy lòng, đứt ruột như nhớ
thương người đàn bà mình yêu, người đàn bà đa tình yêu mình cực kỳ, cho mình
hưởng tất cả, mình từng sống hạnh phúc bên nàng mà mình phải xa nàng.
Đêm cuối năm, mưa rơi suốt đêm trên Rừng Phong.
Canh khuya trằn trọc nằm nghe tiếng mưa đập vào khung kính cửa sổ, tưởng như
đang nằm nghe mưa rơi trên mái ngói xanh rêu trong căn nhà nhỏ ở Cư Xá Tự Do,
Ngã Ba Ông Tạ Sài Gòn.
Bồi hồi tưởng nhớ những cây mưa đầu mùa năm xưa ở quê nhà. “Cây mưa”! Đúng là
cây mưa. Những năm 1956, 1957 xanh xưa tôi còn trẻ, trong loạt bài gọi là phóng
sự tiểu thuyết Vũ Nữ Sài Gòn, tác phẩm đầu tay của tôi, tôi viết: “Sài Gòn sau
cơn mưa lớn sạch như người đàn bà đẹp vừa mới tắm xong…”
Hơn bốn mươi mùa mưa sau nhớ lại, thấm và thấy đúng biết chừng nào. Sài Gòn của
tôi thuở 1956-1960 thanh bình sau những cơn mưa lớn, nhất là những cơn mưa đêm,
sạch như người đàn bà đa tình yêu tôi, tôi yêu, khi nàng mới tắm xong.
Sáng nay mưa vẫn rơi trên Rừng Phong.
Người tha hương lúc nào cũng nhớ quê hương.
Tết đến. Tết là dịp đoàn tụ gia đình. Tết đến, người tha hương nhớ thương quê
hương hơn. Những lời thơ Thanh Nam ray rứt trong tim tôi:
Ôi cố hương xa nửa địa cầu
Ngàn trùng kỷ niệm vẫn theo nhau.
Đâu đây trong khói trầm thơm ngát
Hiện rõ trời xuân một thưở nào.
…..
Tỉnh cơn mê sảng âm thầm
Ngó ra đất khách mưa xuân hững hờ
Tháng Tư, cơn sốt đầu mùa
Gợi trong tiềm thức những giờ oan khiên
Ghé thân lữ thứ trăm miền
Nỗi buồn nào cũng mang tên Sài Gòn!
Tháng Chạp Tây, bánh xe lãng tử đưa tôi đi một vòng Cali. Đêm cuối năm trong
một thành phố nhỏ, tôi xem một phim video về Hà Nội do những người Hà Nội làm.
Thành phố Hà Nội được người Hà Nội yêu thương quá cỡ. Hà Nội được yêu thương
trước 1945, Hà Nội được yêu thương sau 1945. Có đến 50 bài thơ, bản nhạc được
làm để ca tụng Hà Nội và diễn tả tình yêu Hà Nội. Trong khi đó thành phố Sài
Gòn thương yêu của tôi có gì? Thành phố Sài Gòn của tôi được thương yêu, được
ca tụng như thế nào? Bao nhiêu? Một bài Sài Gòn Đẹp lắm Sài Gòn ơi của
Y Vân, một bài Vĩnh biệt Sài Gòn của Nam Lộc.
Còn gì nữa??
Tôi sẽ viết về thành phố Sài Gòn và tình yêu Sài Gòn.
Hoàng Hải Thủy ,
Rừng Phong, Hoa Kỳ 2002
Gửi các bạn tôi, sống, chết ở Sài Gòn…
No comments:
Post a Comment