Monday, August 30, 2021

Chín Lợi Dụng - Sưu tầm

 

Chín Lợi Dụng


 


Chín Lợi Dụng. Ban đầu nghe thiệt chỏi tai mà còn tức muốn ói máu nữa, rồi cũng quen quen từ từ, có khi nghĩ lại còn hãnh diện. ‘Ở đời mà, có thằng nào sống mà không lợi dụng người khác hay bị người khác lợi dụng đâu. Đố đó. Đâu chỉ cho tui người nào đâu, tui kêu người đó bằng ông nội.’ Chú nói lầm thầm, lúng búng trong miệng rồi cười toe toét. Cúng Trời cúng Phật, vái ông Địa ông Làng cũng là lợi dụng thôi. Chú cười mím chi, xăn ống quần lên khỏi gối, vác cây đờn cò lội qua mương bông súng đi te te thẳng về phía nhà Tư Đấu.

‘Đi đâu mà sớm bửng bưng vậy chú Chín ơi, kiếm gì lợi dụng hả chú?’ Có tiếng ai đó trong nhà chú đương băng ngang qua sân hỏi vọng ra, giọng thiệt là mai mỉa.

‘Thì lợi dụng đám giỗ của ông già Tư Đấu, tới đờn vài bản kiếm bữa cơm trưa luôn thể cháu ơi!’

Buột miệng ra rồi chú ngẫm nghĩ có lẽ cũng tại mình. Giống như người bị mắc chứng nói lịu, vừa mở miệng thì tiếng “lợi dụng” nằm sẵn ở đầu lưỡi nhảy vọt ra trước, trăm lần như một, bụm không kịp.

Coi vậy chớ chòm xóm láng giềng ai cũng thương chú. Trong làng, hễ chỗ nào động dao động thớt, không cần ai bắn tiếng mời mọc, một lát cũng thấy chú lù lù xuất hiện. Cái quần ống cao ống thấp, điếu thuốc trên môi và cây đờn cò vác trên vai. Mua vui cho tất cả mọi người mà không làm phiền lòng ai. Các bài nằm lòng của chú là Nam Ai, Văn Thiên Tường, Tứ Đại Oán và Dạ Cổ Hoài Lang. Dạ Cổ Hoài Lang thứ thiệt chứ hỏng phải thứ Vọng Cổ mắc dịch dài sọc đời bây giờ. Chơi luôn cho cả đám cưới lẫn đám ma. Đám nào cũng có bài ruột, vui thì vui tới mây xanh mà buồn thì buồn tận mạng..

Tiếng đờn cò của Chín Lợi Dụng có sức hút mê tơi theo điệu nghệ của người chơi đờn sành sõi chớ không phải đơn thuần dừng lại ở tiếng đờn của dân ba mứa mới học chưa biết cầm cây đờn cho đúng điệu. Môi dưới kéo xệ xuống, trề trề dán đuôi điếu thuốc gò, vấn thiệt mỏng. Lâu lâu nước miếng nhiễu ra thấm ướt nhẹp. Mắt tim híp mơ màng cõi Tiên. Khói thuốc thưa mịn bò lần vô gần tới miệng. Có lúc không thấy lên tiêm. Tưởng đâu tắt ngúm rồi chớ. Rồi chú vội chép miệng cái phẹp như bà bầu ăn me chua chưa đã thèm. Rồi thì đâu vô đó, thuốc tiếp tục cháy, nước miếng tiếp tục chảy dộng ngược vô tuốt cổ họng. Mắt lại sụp mí, lờ đờ trôi nổi vô cõi Thiên Thai. Ngó vô cây đờn với cái mã vĩ chạy qua vuốt lại một hồi thế nào cũng bị thôi miên. Nghe người đờ đẫn ra, hồn phi phách tán, tha hồ bỏ quên cõi trần mà chờn vờn bước vô cõi mộng.

Cuộc cúng kiếng gần xong thế nào rồi gia chủ cũng cho dọn riêng một mâm, chắc chắn là bĩ bàng, dành cho các bô lão trong làng ngồi tiếp chuyện với Chín Lợi Dụng. Đá động tới tuồng tích hát bội hay cải lương là gảy đúng chỗ ngứa của chú. Chú buông đũa nói quên ăn. Chú nhắc tới hành trạng của ông nhưn nầy, thầy tuồng nọ. Chú kể chuyện đi ghe vô lạch Cùng, vàm Hẻo cúng đình nằm ngủ dưới bàn Thần, xa cạ, lộn lạo.. Còn gợi tới đời tư, chú đánh trống lãng băng đồng qua chuyện khác. Có bữa cao hứng chú nhập vai một hai khúc ngay trong bàn, khiến nhiều ông buông đủa, trố mắt ếch.

Hôm nay bỗng nhiên gia chủ mở màn.

‘Đâu anh Chín biểu diễn khúc Tang Đại từ giả người yêu coi. Hèn lâu chưa được thưởng thức lại tài nghệ của bạn mình cũng nhớ nhớ.’

Có tiếng ai đó chỏ mỏ vô vừa hổn hào vừa vô duyên.

‘Thì cũng giống như ổng từ giả má thằng Tửng hồi đó vậy mà!’

Chín Lợi Dụng giả đò không nghe. Thị tụi nó như ruồi, như muỗi, biết gì chuyện ở đời! Chú nuốt nước miếng cất giọng ca bài Dạ Cổ ruột.

Vì lâm cơ nguy khổ,
Nên mới giả gái theo nàng,
Hồi trưa lúc đi ra đàng,
Tôi muốn dông nhưng ngỡ ngàng,
Nơi bỡi nơi y phục,
Đó đã giành ôm để vào kiệu kia,
Nầy vừa đêm khuya vắng,
Tôi đổi đồ đặng có dời chơn.
Nhưng phải kêu cô dậy,
Cho biết rằng đây đứng hùng-anh.
Lòng đây lòng dám đâu vong tình,
Chờ sau liệu nỗi mình.

Chú ngừng thiệt lâu, uống nước. Chờ đợi tác dụng của tiếng hát. Cả đám giổ lặng trang. Có tiếng mấy con ruồi vo ve. Cuối cùng, chịu không được vợ Tư Đấu lên tiếng.

‘Thôi mà anh Chín, đừng nhận lớp, còn nàng An Lệ Tiên khóc từ giả đâu không thấy. Tôi thích lời hứa của cô ta. Hứa mà giữ lời. Đời bây giờ hứa dỡm tràn đồng, bắt ngán.’

Chú làm bộ khóc rồi chuyển sang giọng con gái, tỉ tê.

Lời lời sắt đinh,
Thiếp thương chàng nên cũng lòng tin.
Đó mực đổi thay nghĩa tình,
Thiếp quyết gìn lòng son, dám nào vong.

Rồi giọng chắc nịt của đàn ông:

Biết nhau rồi,
Đây kiếu đặng tầm phương,
Sao mai mọc đoái xem sáng hừng,
Xin đó đừng bâng khuâng để tôi đi.

Chú nhắm mắt, tiếng vỗ tay kéo dài. Có tiếng hít hà. Có tiếng phẩm bình trân trọng. Để cho tiếng vổ tay trở thành lác đác chú Chín mới đủng đỉnh sửa dây cho cao hơn, kéo một bản Bình Bán Vắn……

Bị tiếng đờn nầy mà vợ con bỏ chú đi biệt tăm biệt tích và cũng nhờ tiếng đờn nầy mà chú chui lọt được vô cửa sau chị Hai Bông chó cụp đuôi không sủa tiếng nào. Chị Hai Bông hạ trống xuống, không treo nữa, để cho chú đánh thùng. Chị Hai nhỏ tuổi hơn chú tới hai con giáp, mặc áo bà ba ôm eo sát rạt, ngày nào cũng bưng thúng bánh ít chàng ràng mời mọc trước nhà máy chà lúa. Mấy đứa trai trẻ vác lúa mướn cho những người cặp xuồng đi chà cứ kêu em em ngọt sớt, vậy mà gặp chú Chín đi trờ tới là xếp re, cúi đầu chào. Cha mẹ tụi nó rất nể trọng chú. Đôi khi mang ơn nghĩa nữa là đàng khác. Còn hồi nhỏ, mấy đứa nhóc nầy theo chú ra lung hoặc vô rừng lá học cách bắt le le, ốc cao, bìm bịp. Đến khi tụi nó nhổ giò lớn lên đi làm thì chim chóc vùng nầy cũng gần tuyệt chủng.

Mấy bà ở xa chỡ lúa đi chà thường nằm ngồi lê lếch trên bộ ván ngựa trong quán cóc bên hông nhà máy bàn qua tán lại không mệt ba cái chuyện của chú.

‘Đó, đó! Là thằng cha Chín Lợi Dụng đó. Làm biếng quá bị vợ bỏ, lấy con Hai Bông bán bánh ít, nhỏ còn hơn con thằng chã nữa. Con nhỏ nầy chồng chết mất xác, chưa có con nên còn ngộ lắm. Không biết nó trúng bùa ngải gì mà vướng vô Chín Lợi Dụng, tối ngày đi bán bánh ít nuôi chã ngồi lê lếch kéo đờn cò hết đám ma tới đám cưới. Nghe nói hồi xưa chã trốn quân dịch đi theo gánh hát bội mà cha cô ta làm bầu. Chả làm thẻ căn cước giả, gắn râu làm ông già thủ cây đờn cò từ lúc con Hai chưa ra đời. Vậy mà quân cảnh nó cũng biết được, xông vô bắt giữa lúc đương hát cúng đình dịp lễ Kỳ Yên. Cái nòi xướng ca, cái máu nghệ sĩ nầy họ dễ quến nhau lắm chị ơi! Nhưng chị cứ chống mắt lên coi. Được vài tháng là họ bỏ nhau liền hà. Với nữa, trâu già cỏ non làm sao lâu dài…’ Có những tiếng cười nức nẻ và những cái đấm lên lưng nhau..

Chồng chị Hai đi bộ đội, hy sinh ở chiến trường Cam Pu Chia. Hôm tìm được hài cốt mang về chôn trên nghĩa trang liệt sĩ Huyện, chú cũng mang đờn cò đi theo chị Hai ra cúng mâm cơm rồi ngồi kéo đờn cho các anh bảo vệ ca vọng cổ, nhậu rượu đế suốt đêm ngoài mả. Chú cũng lít rít khóc theo chị Hai, đốt nhang chổng khu xì xụp lạy, khấn vái lia chia. Chẳng biết thiệt tình hay làm màu làm mè. Vậy mà chị cảm thấy ấm lòng phần nào với người đã mất.

Hồi mấy năm còn ăn độn, chỉ có một mình chú biết được chỗ chiếc xe nhà binh Mỹ chỡ đồ quân nhu bị trúng mìn lật chỏng gọng nằm dưới con rạch bên hông sân chùa. Xe được cẩu lên từ lâu rồi. Con nước lớn, ròng mang theo bùn sình chôn vùi mọi dấu vết vô quên lãng. Vậy mà Chín Lợi Dụng tìm đâu ra hai kí nếp, vô chùa cúng dường rồi xin thầy trụ trì ra sau mương mò vớt đồ hộp Mỹ đem về cho mấy nhà quá đói khổ trong xóm.

Tư Đấu lật đít lon lấy nùi giẽ chùi đi chùi lại rồi tắt lưỡi tiếc hùi hụi làm như mình là người chữ nghĩa.

‘Toàn là đồ quá đát hết rồi. Ăn vô là bỏ mạng cả đám. Thôi bỏ hết đi bà con ơi!’

Vừa nói dứt lời, Tư Đấu quay lại đã thấy vợ mình cạy hộp thịt múc cho ông già mình ăn hết hơn phân nữa hồi nào rồi. Ăn ngon lành như đứa con nít bị cha mẹ bỏ đói lâu ngày. Chú Tư chưng hửng đứng nhìn cảnh tượng nầy như bị trời trồng, buông phịt hộp thịt rớt lăn vòng trên nền nhà lộ vẽ đăm chiêu, tư lự.

Mà sao hay thiệt. Chuyện hồi đời nẳm nào mà thằng chả cũng biết. Hay ở chỗ lợi dụng luôn được quá khứ. Thiệt hết chỗ nói. Tư Đấu vừa nghĩ vậy vừa định bụng chắc mớ đồ hộp quá đát nầy vẫn còn ăn được. Y tá còn lấy thuốc quá đát chích đại cho người. Có ai chết đâu. Mô Phật! Của đâu mà bỏ uổng vậy?

Ban đầu, sau khi lợi dụng cúng Phật xong, chú Chín đi mình ên xuống rạch mò thử. Rồi sau đó, chú về rủ rê mọi người trong xóm rần rần kéo theo. Chỉ qua một ngày, con rạch bị chắn đập hai đầu, tát sạch nước, mút lên từng bụm đất bấy nhậy, nằm phơi bùn non tận đáy. Vườn mía của nhà chùa, hom mới nhú lên độ gang tay, đùng một cái là chìm lĩm dưới lớp sình sâu cả sãy tay. Thầy trụ trì và các nhà sư trong chùa đánh chuông gõ mỏ tụng kinh râm ran liên tục nhưng không lay chuyển được bụng dạ tà ma của con người. Chín Lợi Dụng vô xin lỗi nhà chùa, hứa sáng mai sẽ huy động người ra bươi lại gốc hom mía cho chùa. Rồi họ đốt đuốc ở nán lại quần vét vài lon đồ hộp còn xót trong sình lầy miết cho tới nửa khuya mới chịu bỏ về.

Lúc thím Chín bỏ nhà, dẫn thằng Tửng lên thành phố rồi nghe đâu trốn qua Lào buôn bán gỗ lậu, Chín Lợi Dụng thức suốt đêm kéo bài Dạ Cổ Hoài Lang mà không cầm được nước mắt. Xách đờn cò đi đám là đờn chùa, đờn miễu, lợi dụng kiếm được vài chầu nhậu chớ có thấy đem về nhà được đồng nào đâu. Có dạo chú dẫn thằng Tửng đi cặp theo mé sông Cái bứt lá thuốc dòi hay rau đắng đất về bán cho ông thầy Tàu hốt thuốc ở đầu Vàm kiếm được vài lon gạo mỗi ngày. Bọn con nít trong xóm cũng bắt chước đi theo. Riết rồi cỏ thuốc cũng sạch sẽ lán gốc. Lại nằm nhà kéo đờn cò. Tiếng đờn và hoàn cảnh bây giờ thiệt là chướng tai gay mắt. Chín Lợi Dụng thấy cuộc đời mình trở thành thừa thải hơn bao giờ hết. Nhiều hôm gặp đám, uống say mèm lăn ra ngủ luôn, không muốn về nhà nghe vợ mình nặng dao, nặng thớt.

Xách ba cặp vịt xiêm ra tỉnh bán xong xả, chú ghé tạt qua nhà Ba Hậu. Nhìn đám ốc bưu vàng Ba Hậu nâng niu nuôi trong hồ xi măng, chú chợt nghĩ bụng đây mới là con đường thoát khỏi cảnh bần cùng mạt kiếp. Phải lợi dụng sự quen biết, phải lợi dụng thời cơ. Rồi nhơn giống lên. Rồi chia xẻ với bà con lối xóm người một ít. Rồi xúm nhau đợi ngày làm giàu. Cùng lắm cũng có cái ăn, cái mặc. Chín Lợi Dụng khoái chí cười một mình, mở gói thuốc gò ra se se, liếm liếm.

Hồi nhỏ, chú và Ba Hậu cùng đi chăn vịt mướn cho ông già của Tư Đấu nên rất thân nhau. Ba Hậu có nghề xem tử vi và bói toán nên thời nào cũng nuôi được sáu miệng ăn trong gia đình. Năm ngoái bị bắt đi học tập cải tạo bốn tháng nên bây giờ Ba Hậu làm ăn cẩn thận hơn. Ai mời tới nhà mới chịu coi. Người lạ không có ai giới thiệu thì từ chối thẳng thừng. Mới đây vừa chộp được một mối khá sộp. Tay Giám Đốc lem nhem công quỹ rất dầy, chạy vạy khắp nơi mà bụng dạ vẫn còn hồi hộp. Ba Hậu bói xong rồi chỉ cho ông ta cách cúng sao hạn. Cách sửa lại vị trí cái nhà bếp để hoán chuyển điều xui theo phép phong thủy. Y như rằng, ông ta chỉ bị xử lý hành chánh, thuyên chuyển qua chỗ khác, không phải ra hầu tòa ngồi tù gở lịch, hi sinh đời bố. Ngoài chuyện tiền bạc hậu hỉnh, ông nầy còn biếu cho Ba Hậu năm kí ốc bươu vàng. Ba Hậu sáng mắt thấy đời lên hương trong gang tấc.

Chú Chín líp chíp từng giọt trà sen thơm phứt, cạn hết hai chung mới nghĩ ra cách lợi dụng được Ba Hậu:

‘Tui nói thiệt với anh Ba nhen. Lần nào tui ghé thăm anh vẫn thấy anh đi cà nhắc. Tui đố anh tìm ra ông bác sĩ nào mà chữa cho hết chứng thấp khớp nầy. Mấy ổng kê toa uống cho giảm đau vài ngày rồi anh cũng nằm rên trở lại. Tôi nói vậy đó. Rồi để anh coi.’

‘Coi cái con khỉ. Anh biết bịnh tui từ lâu rồi. Tui có tiền để mua thuốc ngoại mà! Uống êm êm được vài bữa rồi cũng đau buốt trở lại. Để lâu nó chạy lên tim. Tôi lo lắm.’

‘Chớ anh còn nhớ ông thầy Tàu hốt thuốc ở đầu Vàm không?’

‘Ủa? Ổng còn sống sao?’

‘Còn. Già lắm rồi. Nhưng ổng trị bịnh thấp khớp, nhức mỏi bá phát. Có nhiều người hết bịnh bỏ gậy lại để ổng treo dọc trên vách chứng minh thành tích của mình. Các loại cây cỏ khác mà ổng trộn thêm thì tôi không rõ lắm nhưng chủ yếu là dây Thần Thông. Cha con tôi thường lợi dụng lúc ở không, đi hái cỏ thuốc về bán lại cho ổng mà! Loại dây nầy có thân nước, lớn hơn đầu đủa, lá xanh dầy, giống như lá dây trầu bà nhưng lúc nào cũng đóng lớp phấn trắng trên mặt. Phải nhìn đúng, hái đúng thì ông thầy Tàu mới trả tiền. Đảm bảo với anh là nó đắng hơn kí nin nữa. Nếm vô lưỡi một chút thôi là miệng đắng suốt ngày. Nhưng nó là thần dược. Anh khỏi cần đi đò khám bịnh làm gì cho mệt xác. Tôi nói bịnh là ổng hốt cho anh mấy thang ngay.’

‘Bỏ quê lâu quá nên tôi quên bẳng ông thầy Tàu. Đây đây, tôi gởi tiền anh giùm hốt cho tôi vài thang. Thuốc Tây bây giờ có tiền cũng khó tìm mua được. Phải canh me mấy người lãnh hàng từ nước ngoài gởi về. Hơn nữa bác sĩ nói uống hoài có khi bị tác dụng phụ. Chẳng biết tác dụng phụ là cái con mẹ gì, nhưng nghe tới bị nầy bị kia là tôi ớn rồi. Hết gan dạ uống nữa.’

‘Không, không. Lấy tiền anh làm gì. Thuốc Nam đâu có bao nhiêu tiền. Để tui mang về vài thang cho anh uống thử coi có bớt bịnh không cái đã. Bạn bè ai mà lợi dụng nhau, coi sao đặng!’

Thấy Chín Lợi Dụng cứ lần quần theo mép hồ nuôi ốc, khen lấy khen để, Ba Hậu vớt cho hai lon sữa bò rồi chỉ dạy cách nuôi thiệt tỉ mỉ. Chú Chín mừng húm ôm kè kè sát bụng như nâng niu đứa bé còn trong tháng. Ba Hậu vỗ vai tiễn chú ra cửa, căn dặn:

‘Mau đẻ trứng khủng khiếp. Nhiều quá thì vét ao nuôi thêm. Ban đầu anh cứ bán con giống hốt trước mớ bạc. Sau đó có bao nhiêu cứ thả ra đây. Người ta bao tiêu sản phẩm. Bao nhiêu cũng mua. Mua hết ráo. Không sợ ế. Hàng xuất khẩu mà!’

Thời may Ba Hậu uống chịu thuốc. Chú Chín bổ thuốc tiếp mang ra tỉnh thấy Ba Hậu đi đứng không còn lượng sượng như trước nữa. Ba Hậu cho tiền, cho thêm ốc giống biểu chú về xây hồ xi măng nuôi mở rộng ra. Dân tình đồn rần lên. Mấy người có tiền đổ xô nhau đi kiếm mua ốc bươu vàng. Nhưng Ba Hậu dặn chú Chín đừng bán. Cứ để dồn lại bán một lần là đổi đời luôn. Nhưng thiệt ra chú Chín cũng xúc mấy lon cho lối xóm rồi.

Độ rày đêm xuống, Chín Lợi Dụng thường ở nhà nhiều hơn. Chú ôm cây đờn cò nằm lắc lư trên cái võng vừa đờn vừa nghe mơ hồ trong tiếng nhạc đưa đám của mình phưởng phất cảnh đời đầy tráng lệ. Chị Hai Bông vẫn trong dáng vẻ kham khổ hằng ngày. Chị ngồi quay mặt vô bếp, gác củi vô lò hấp thêm vĩ bánh ít. Ánh lửa loé sáng gương mặt hiền từ, tóc buộc sợi dây thun vén lên làn da cổ dài mỏng màu ruột măng tre tươm đẫm mồ hôi đầy nét nhọc nhằn. Chị là mẫu người đàn bà im lặng và chịu đựng mọi truân chuyên trong đời. Chín Lợi Dụng buông đờn ngó chăm bẵm chị để thấy ra đôi vai xương xẩu gánh đầy bất hạnh. Tiếng đờn cò của chú rót nỗi niềm hiu quạnh vô tâm trạng cô đơn của người góa phụ quá trẻ tràn đầy sinh lực và mộng mơ. Nhưng tiếng đờn vẫn chỉ là tiếng đờn. Nó không nối dài được thành bàn tay mơn trớn cho êm dịu cuộc đời. Nó không thêm được món ăn nào cho thực đơn quá đạm bạc từng ngày. Cho dầu có lợi dụng được kẻ đến nhưng làm sao đủ sức giữ chân lại người đi. Và bây giờ chú mới cảm thấy thấm thía lý do tại sao thím Chín dẫn thằng Tửng bỏ chú ra đi.

Chú đương nhìn chị Hai, nhận ra sự mất mát và thấy được cái sẽ mất mát. Ánh lửa trải hình hài trước mặt cũng là trải ra một ảo ảnh thùy mị in trên vách lá. Rồi trước sau gì chị cũng sẽ bỏ chú ra đi. Chắc mẫm là như vậy. Cuộc đời nầy không ai cần chú. Hay nói đúng hơn, không ai cần tiếng đờn lợi dụng kiếm cơm của chú trong thời buổi thóc cao gạo kém như thế nầy. Một cuộc sống quá thừa thải và chật đất. Chú thầm vái Trời Phật cho lần nầy thay đổi được kiếp nghèo. Đúng là lúc phải làm sao lợi dụng được lòng tốt của Trời Phật. Trong bụng chú vẫn nghĩ cầu Trời khẩn Phật trong lúc cùng đường mạc vận thiệt ra cũng chỉ là một hình thức lợi dụng mà thôi. Nhớ lại hồi lúc hát bội cúng đình, chú đương thắp nhang cúi rạp người vái lạy Thành Hoàng Thổ Địa Trời Phật cho chú được tai qua nạn khỏi trong đêm nay vì nghe nói quân cảnh đương bố ráp dữ lắm. Chú vừa đứng lên. Hai tên quân cảnh mắc dịch đứng chờ sau lưng đẩy chú ra ngoài, tống lên xe thùng. Từ đó chú không còn tin vô đấng linh thiêng nào nữa. Chỉ tin vô tánh hiền lành lương thiện của mình thôi.

Chín Lợi Dụng rời võng đi thắp nhang lạy tứ phương rồi xà lại ôm choàng lấy chị Hai, hôn thiệt sâu lên cổ như cố núm níu một tình yêu lửa rụi sắp tàn. Chị xoay người kéo ghì mái tóc bạc nửa đầu của chú, úp mặt lên đó nghe người chợt nóng ran lên, lâng lâng trong âm thanh mơ hồ vẳng lại đầy êm ả của bản Văn Thiên Tường.

‘Không bao lâu nữa em khỏi phải vất vả như thế nầy. Ngày mai bắt đầu đi tìm mối bán ốc giống được rồi.’

Chú không nghe chị Hai ừ hử gì hết. Chú ấn vai chị nằm xuống manh đệm, cởi tung nút áo phơi bày da thịt trắng ruột măng tre. Tay chị vẫn quấn chặt lấy cổ chú. Gió thổi sập tấm phên cửa. Bên ngoài mưa bắt đầu rớt hột.

Sáng ra, khi xách bịt đệm lát đi chào hàng chú mới tá hoả lên vì loa phóng thanh ở nhà máy chà lúa yêu cầu bà con không được nuôi ốc bươu vàng. Phải ra sức tận diệt ốc bươu vàng vì nó tàn phá mùa màng tàn bạo hơn rầy nâu và châu chấu. Không có thuốc nào xịt cho nó chết hết được. Nuôi ốc bươu vàng là tiếp tay cho bọn phản động phá hoại nền kinh tế nước nhà.

Chín Lợi Dụng xách bịt đệm lửng thửng trở về, lòng nghe nặng trịt như treo đá. Cũng ai đó trong làng cất tiếng chào xã giao bâng quơ:

‘Trời trưa trờ trưa trật, nắng đổ lửa mà chú đi đâu về vậy, chú Chín ơi?

Chú cúi gầm mặt, thấy bờ mẫu lồi lõm lớp chớp đổ hào quang, nhưng không đời nào đầu hàng hai chữ “lợi dụng”:

‘Ờ.. ờ.. thì lợi dụng người ta không mua ốc bươu vàng mình hốt về bán lại cho mấy người nuôi vịt ấy mà, cháu ơi!’

Chị Hai, vẫn gương mặt điềm tĩnh, bước ra cửa phụ tay xách chiếc bịt lát vô nhà. Chú nhìn vô trong thấy nhà cửa tối sầm.

‘Em có nghe loa phóng thanh ở nhà máy chà lúa nói gì chưa?’

‘Em có nghe. Họ lập tới lập lui như trời sắp sập tới nơi.’

Phải mấy phút sau Chín Lợi Dụng mới xua được bóng đen, nhìn rõ mặt mũi chị. Tóc tai còn lệt bệt mấy vệt bột trắng đọng lại khô quánh như bông ô rô rắc lên không đều. Chị trở vô ngồi xuống manh đệm tiếp tục nhồi bột. Chín Lợi Dụng duổi người lên võng, xe điếu thuốc gò, nghĩ ngợi miên mang.

Ăn giỗ xong, Chín Lợi Dụng móc đờn lên vách lá, nằm sát vô góc ván ngủ một giấc tới chạng vạng mới tỉnh rượu. Thiệt ra đêm nay chú không muốn về nhà ngó mớ ốc đói và chứng kiến cảnh chị Hai ngồi im thinh thít canh lửa nấu bánh. Chú không còn ý nào nữa để mở lời an ủi. Lời lẽ trốn chạy khỏi trí não chú. Im lặng của chị hàm ngụ lời hờn trách và ngao ngán ngút ngàn.

Từ ngày về sống với chú, dường như chị đã bằng lòng với số phận, không tỏ ra hớn hở khi chú mang mấy lon ốc quí từ tỉnh về, cũng không buồn rầu khi thấy chú lửng thửng xách bịt lát đứng trước sân, chùn chân không muốn bước vô nhà. Giặc giã đã chừa mạng sống chị lại trong cảnh mồ côi. Chiến tranh đã cướp mất người chồng đầu đời kết nối bằng yêu thương thời con gái. Chị đã nghe súng nổ đạn bay quá nhiều rồi. Chị thèm thuồng tiếng nhạc lời ca, không đòi hỏi gì hơn ở Chín Lợi Dụng ngoài tiếng đờn từ cây đờn của chú hay tiếng ê a đóng tuồng mỗi buổi chiều khi chú hứng chí lúc sần sần. Chị thông hiểu tiếng đờn cò theo ý riêng của mình và đã cuốn hồn theo dáng vẽ thoát tục cô quạnh của Chín Lợi Dụng trước sự thờ ơ của mọi người. Tiếng đờn của chú làm chập chờn sống lại cả một gia đình đoàn tụ thời thơ ấu, cho chị một điểm tựa bình yên không sao tìm đâu ra được. Một bước lùi trốn chạy trước trãi nghiệm đầy giông bão của người con gái mồ côi đầu hàng trước định mệnh. Chín Lợi Dụng không sao vói tay bắt tới ý nghĩ thầm kín của chị. Trong tầm mắt của chú, tất cả mọi người đều phải lợi dụng nhau để sống. Một khi vợ con thấy mình trở thành vô dụng thì bỏ đi, bỏ đi là phải rồi. Chú ngồi dậy gảy đầu, lo nghĩ lung tung, không muốn bước chân xuống đi rửa mặt.

‘Ăn cơm chiều với tôi đi anh Chín. Tôi chuẩn bị đồ đạc xong xuôi hết rồi. Chờ trăng lặn tụi mình xuất phát chắc êm hơn. Mà anh có nhớ chính xác không?

Chín Lợi Dụng kéo Tư Đấu ra sau hè, ngồi chồm hỗm, lượm cây que vẽ đi vẽ lại trên nền đất khô:

‘Là chỗ nầy nè. Bỏ doi lá dừa nước bơi chừng tàn điếu thuốc tới cây mắm cao nghệu gie dài ra sông thì tới nơi. Hồi đó anh là dân C. Ô. C. C [con ông cháu cha] nên làm lính kiễng, chỉ đứng gác dinh Tỉnh Trưởng biết khỉ mốc gì. Còn tui là lính lao công đào binh. Nhớ mùa nước lụt năm đó, thằng cố vấn Mỹ theo lính đi “phum”, xả hết tốc độ rượt bắn du kích trên kinh Xẻo Mây. Đâu ngờ “phum” vướng dây ny lông gày sẳn trái nổ hất tung cả đám chết banh xác. Nghe tiếng súng nổ là tụi tui biết ngay bị lọt vô ổ phục kích. Họ đưa du kích ra trước để nhử mồi thôi. Mấy chiếc “phum” chạy sau quính quáng trở mũi. Tụi tui bị xô xuống sông lội ngược lên kinh kéo xác. Đứng giữa hai lằn đạn. Một bên xung phong, bên kia tháo chạy bắn đoạn hậu. Tới bờ sông tụi tui hè nhau dập xác dưới gốc cây mắm rồi tuông vô rừng lá, mạnh ai nấy chạy. Ra khỏi bìa rừng, chỉ còn lại hai đứa: tui và thằng Hải. Nó bị trúng đạn ngay bã vai mà cố chạy theo tôi tới đó mới té xỉu xuống đám cỏ bồn bồn nước ngập mênh mông. Anh đâu bao giờ hình dung ra được sức mạnh của con người trước cái chết ha? Khi xé áo tính buộc vết thương cho nó, tui mới nhận ra nó chết từ hồi nào không biết. Té ra nảy giờ cái xác chết chạy theo sau lưng tui chớ không phải một con người. Tui lấy hơi lặn một mạch ra giữa sông Cái, đội giề lục bình, nằm ngữa thả tàu trôi theo con nước lớn. Sau đó tui lại tiếp tục đào ngũ.’

‘Vậy là chỉ mình ên anh biết chỗ đó héo?’

‘Chớ sao! Bốn đứa mới khiêng nỗi xác thằng cố vấn Mỹ. Có một dạo đi tìm cỏ thuốc gần đó da tui bỗng nổi ốc trâu khi nghe tiếng cười khanh khách chỗ gần ngọn mắm. Tui mau mau kéo tụi nhỏ quay về. Ở lại chết sao? Mà kỳ cục thiệt. Họ chỉ cười cho một mình tui nghe thôi. Tiếng cười giọng Mỹ rõ ràng tôi biết quá mà. Cho nên anh nhớ đem theo bó nhang và xị rượu khấn vái trước khi mình bắt tay nhe! Lợi dụng nghỉ xả hơi lúc mới tới mình cúng là đúng điệu rồi.’

‘Anh thấy đường dây của Ba Hậu có chắc ăn không?’

Chín Lợi Dụng liệng cái que cũi ra xa, hịt mũi giọng chắc chắn.

‘Lần chót Ba Hậu cho tui giáp mặt với tụi Sài Gòn. Xuống tận nhà! Tụi nầy từng đánh nhiều lần rồi. Tất cả đều trót lọt. Ấm. Tụi nó tinh mắt lắm. Mình chỉ cần cho thấy bộ hài cốt là tụi nó biết thiệt giả ngay. Rút tiền chung liền tại chỗ. Kiếm được tấm thẻ bài kèm theo thì được chung đậm hơn, xấp đôi xấp ba.’ Chín Lợi Dụng kê mõ vô nói bên tai Tư Đấu: ‘Nói thiệt với anh nghe, nửa tháng nay tui lợi dụng lúc xế xế cúng kiếng hết rồi, thế nào cũng gặp. Cô hồn nào cũng vậy, đâu ai muốn lạnh lẽo muôn đời đâu. Tối hôm qua tôi còn nằm chiêm bao thấy nó nữa. Nó nói nó phù hộ tụi mình đi Mỹ nếu mình tử tế, có phước có phần…Nó lợi dụng lòng ham hố của mình để khỏi cô đơn lạnh lẽo đó mà.’

Tư Đấu đẩy xuồng ra khỏi ụ, băng qua cánh đồng mùa nước nổi. Trăng lưỡi liềm xụp xuống đường biên rặng cây mù mờ nằm mút tầm nhìn. Chín Lợi Dụng bơi mũi, nghe mái dầm cọ nhịp đều đều vô be xuồng như hơi thở. Xuồng ra giữa con kinh, trở mình lao mau như ngày xưa chú lao vô thời lửa đạn, một thời mà từ lâu rồi chú không dám nhớ đến, không dám kể lể cho ai, ngay cả lúc gục gặc say cũng cố gắng lấy chút tỉnh táo nhỏ nhoi còn xót lại để kiềm chế lời nói. Bây giờ phải bươi lên cái quá khứ muốn chối bỏ kia để sống. Một lợi dụng tàn bạo không ngờ và chắc cũng là một lợi dụng cuối cùng trong đời mình. Chín Lợi Dụng ngó cảnh sông nước, thở dài.

Tư Đấu đâm mũi xuồng vô bờ theo hướng Chín Lợi Dụng chớp chớp đèn pin. Hai người lật đật phóng xuống nước, cột mũi xuồng vô gốc mắm. Đơm đớm đậu sáng lòe như ma trơi. Chín Lợi Dụng lần quần một vùng đất khá rộng chung quanh, cố hình dung lại cảnh xưa trước mọi vật đều đã thay đổi mấy lượt. Sau cùng chú chọn một gò đất nước ngập lé đé, bày biện nhang đèn ra khấn vái.

Hai người bắt đầu đào bới. Nước từ từ ngập sâu tới lưng quần rồi tăng lần tới ngực. Họ bắt đầu móc đất theo miệng hầm cá trê, moi sâu dọc ngang, vì theo Chín Lợi Dụng, lúc đó không có thì giờ đào đất chôn sâu hơn nữa được.

Tư Đấu mệt đừ tỏ vẻ nản lòng. Chú leo lên gò ngồi thở dốc, bắt đầu hoài nghi Chín Lợi Dụng đầu óc lú lẩn không còn nhớ rõ vị trí ngày xưa. Chín Lợi Dụng rất quyết tâm. Chú lặn mấy hơi thiệt sâu và đâm xẽng bươi khoét rộng thêm. Bất thần đầu xẽng đụng nhẹ vô một bã vải rách mềm nhũng. Chú lẹ làng như con rái cá buông xẽng trồi lên, hai tay vuốt nước, gật đầu cười. Tư Đấu mừng quýnh, lấy lại sinh lực, một mình nhảy đùng lặn xuống trồi lên nhiều lần, hốt hết một đống bầy nhầy chuyền tay cho Chín Lợi Dụng. Hai người moi đất rộng thêm và rà lại nhiều lần trước khi lên gò đất bấm đèn pin sắp sắp xếp xếp lại mấy miếng xương người và cái đầu lâu. Xương không đủ bộ lại ngắn ngủn. Bỗng Tư Đấu mằn mò trong miếng vải đồ nhà binh chỉ còn là miếng nùi lau bỡ rệu, đưa cho Chín Lợi Dụng, một phát hiện tràn đầy hy vọng tỏ lộ trên nét mặt cả hai: Tấm thẻ bài nhôm sáng giới, chấp chới trong ánh sao đêm. Chín Lợi Dụng cọ quẹt tấm thẻ bài vô quần xà lỏn nhiều lần trước khi rọi đèn soi thiệt kỹ. Rồi chú bùi ngùi thả tấm thẻ bài xuống đất, thều thào với Tư Đẩu mà cứ ngỡ như đương trối với chính mình:

‘Không lợi dụng được. Tấm thẻ bài tên Việt Nam, không phải tên Mỹ. Chắc là của thằng Hải. Tôi nhớ có lần nó nói tên trên giấy tờ nó khác với tên ở ngoài! Tức thiệt. Tôi thấy Mỹ ràng ràng hồi hôm qua đây mà! Chắc chết quá!’

Lần đầu tiên Tư Đấu mới nghe Chín Lợi Dụng buông ra câu “Không lợi dụng được.” Và đó cũng là lần cuối cùng Tư Đấu ngồi cạnh một người bạn có một quá khứ đầy thăng trầm không ai hiểu hết. Ai chú tâm lắm thì cũng bắt gặp đôi mắt híp lại, môi dưới trề xuống gắn đuôi điếu thuốc gò với làn khói mỏng sắp tàn lụi nhưng vẫn còn đủ sức che khuất quá khứ của một đời người.

Bơi xuồng về tới xóm, Chín Lợi Dụng bỏ làng đi biệt tích. Sau mấy ngày chị Hai tở mở tìm kiếm mới ôm được cây đờn cò máng ơ hờ trên vách nhà Tư Đấu về móc trên đầu võng nhà mình. Chị vẫn lúi húi đẩy thêm que củi vô lò, ngồi canh vĩ bánh ít mỗi ngày như mọi khi. Có cơn gió thốc nào đập sầm tấm phên cửa thổi vô mặt muốn phát lãnh. Chị thẩn thờ bưng ngọn đèn trứng vịt đứng lên, ngó mong lung ra ngoài.

‘Có phải anh vừa trở về với em đó, phải không anh? Phải không, hả anh Chín? Em nhớ anh, nhớ tiếng đàn gợi hồn quá khứ của anh!’

Trời bắt đầu rớt hột lộp độp trên mái lá mà sao chị nghe ra âm thanh ai đó dạo bản Dạ Cổ Hoài Lang. Từ là từ phu tướng. Sắc phong sắc phong lên đàng. Thiếp đợi chàng….Ruột héo gan vàng…

____________________

Ghi chú: Bài Ca trích theo Tuồng Cải Lương Tang Đại Giả Gái, bản in tại Sài Gòn, 1930

 

Không đề tên tác giả - sưu tầm - llttm - tvvn

No comments: