Cũng đủ lãng quên đời
Người
Việt có câu ca dao: Lời nói chẳng mất tiền mua. Liệu lời mà nói cho vừa lòng
nhau. Vì thế đi đâu đâu, mọi cơ hội giỗ Tết, cưới hỏi, tiệc tùng, tiếp tân,
mừng con đỗ đạt, ra mắt sách, khai trương ta nghe tràn đầy những lời chúc tụng
tốt đẹp, văn hoa, những lời giới thiệu, những câu tâng bốc, khen ngợi nhau ngọt
hơn mật ong.
Đặng
Trần Huân
Trong
lãnh vực văn chương thì những lời khen ngợi còn lên cao độ, siêu đẳng vì các
nghệ sĩ là gì nếu chẳng phải là những chuyên viên làm cho mọi sự đời thêm hồng,
thêm thắm. Đây không phải là chuyện mới lạ mà là chuyện từ ngàn xưa. Còn nhớ
khi văn Nôm bắt đầu có, và truyện Kiều của Nguyễn Du ra đời thì đã có biết bao
nhà văn nhà báo ca tụng tác phẩm này. Số sách báo ca tụng Kiều chắc dầy gấp mấy
chục lần chính cuốn Kiều. Tuy cũng có người chê Kiều nhưng chỉ chê một khía
cạnh nào đó như trường hợp học giả Huỳnh Thúc Kháng.
Điển
hình về những lời ca tụng Kiều chắc phải là nhà văn Phạm Quỳnh. Khi đó, ngày 8.
9. 1924, Phạm Quỳnh tổ chức một cuộc nói chuyện về truyện Kiều ở trụ sở Hội
Khai Trí Tiến Đức, Hà Nội với hai diễn giả làTrần Trọng Kim và chính ông. Phạm
Quỳnh ca tụng Kiều với một giọng say sưa, xuất thần như trong mộng. Ông nói
Kiều là một áng văn hay nhất thế giới, không nói đâu xa chỉ so sánh với văn học
hai nước trực tiếp ảnh hưởng tới Việt Nam hồi đó là Pháp và Trung Hoa thì Kiều
cũng xếp hạng trên cơ rồi.
Ông
thao thao ca tụng Kiều vừa là kinh vừa là truyện vừa là thánh thư Phúc âm của
dân tộc là quốc hồn quốc túy. Phạm Quỳnh nói như hát rằng:
Thử
hỏi cổ kim đông tây đã có một áng văn chương nào cảm người được sâu và được
rộng như thế chưa?. . . Than ôi mỗi lần nghĩ tới mà không khỏi rùng mình, chột
dạ sửng sốt rụng rời, tưởng như hòn ngọc trên tay bỗng rơi xuống vỡ tan tành.
Rồi mới tỉnh ra sực nhớ đến mấy câu Kiều, vỗ bàn đập ghế, gõ nhịp rung đùi, lớn
giọng cao ngâm: Lơ thơ tơ liễu . . . bỗng thấy trong lòng vui vẻ, trong dạ vững
vàng, muốn nhảy muốn múa, muốn reo muốn hò, muốn ngạo nghễ với non sông mà tự
phụ với người đời: truyện Kiều còn, nước ta còn Nghe đã thấy mê ly ngây ngất
chưa?
Những
lời văn của Phạm Quỳnh có ảnh hưởng chăng tới các thế hệ phê bình đi sau không?
Hay là những linh hồn lớn gập nhau, các nhà phê bình giới thiệu những thế hệ
sau cũng luôn luôn có những lời mật ngọt.
Hồi
sinh thời y sĩ đại tá Nguyễn Tuấn Phát, ông có viết những bài phiếm về y học
trên vài tờ báo Sài Gòn. Ông cũng vẽ và làm thơ. Ông viết có duyên, ngoài đời
ông rất vui vẻ, cởi mở, có cảm tình với anh chị em nghệ sĩ. Có lần người viết bài
này tặng sách ông đề nghị đề tặng: “Tặng anh Nguyễn Tuấn Phát, người nghệ sĩ
lạc đường vào y học”, ông dẫy nảy lên đáp “Đừng đề thế, mày! Chẳng gì nghề bác
sĩ cũng nuôi sống mình, không nên bội bạc”. Khi xuất bản cuốn sách đầu tay và
duy nhất Một Vài Cảm Nghĩ Của Người Thầy Thuốc, Anh Tuấn Nguyễn Tuấn Phát được
đón nhận với nhiều nồng nhiệt, và những nhà văn quen biết ông cũng dành cho ông
những cảm tình đặc biệt. Một phần cũng nhờ các đơn vị cảm mến ông y sĩ trưởng
của ngành, cuốn sách được tái bản ngay vài tháng sau đó. Một nhà văn có tiếng
đã viết bài giới thiệu sách có một câu đại ý là Lâm Ngữ Đường viết Một Nghệ
Thuật Sống thật là xuất sắc nhưng so với Anh Tuấn Nguyễn Tuấn Phát thì còn kém
xa. Vị bác sĩ nghệ sĩ đọc lời phê bình, má hơi ửng đỏ.
Trên
Sài Gòn Nhỏ số ra ngày 17. 1. 1997, Tố Mai kể rằng nhà thơ Hà Thượng Nhân viết
bài khen bài Bát Phở Đầu Đời của Nguyễn Tử Đóa như sau:
Chỉ
với bài thơ nhỏ tôi dám nghĩ rằng Nguyễn Tử Đóa có cái phong cách của Bạch Cư
Dị lẫn Đỗ Phủ. Bạch trong sáng và Đỗ thẳm sâu.
Trong
Đêm Giữa Ban Ngày, Vũ Thư Hiên kể Kim Lân có một truyện ngắn nhan đề Thằng Câm
và so sánh Kim Lân với văn hào Nga Tourgueniev cho rằng nhà văn Nga này khó
vượt nổi được Kim Lân. Lúc thanh niên, Kim Lân có dịp tới thăm tôi vì quê
anh ở Phù Lưu (Bắc Ninh) cách làng tôi chỉ một cánh đồng, và anh em vẫn thường
gọi là Tài Rỏm (tên thật Nguyễn Văn Tài) vì anh ốm yếu gày gò, lúc đó mới bắt
đâu tập viết. Nếu tôi không lầm thì hình như Kim Lân chỉ có một tác phẩm khá là
Vợ Nhặt. Bây giờ mới thấy Vũ Thư Hiên ca tụng Kim Lân với truyện Thằng Câm viết
nhưng chưa bao giờ đăng báo, còn ở trong vòng bí mật.
Khi
viết lời giới thiệu cho tập truyện Tiểu Thư Con Gái Nhà Ai? của Hoàng Dược
Thảo, Trần Bích San cũng liên hệ tới nhà văn Nga Chekhov và viết: Anton Chekhov
để lại cho nhân loại những truyện ngắn hoàn hảo đến độ một ngự sử văn học danh
tiếng Tây phương cho là không ai có thể thay đổi một chữ, dù chỉ một chữ thôi,
trong các đoản thiên của ông.
Khi
đọc đoạn văn này, có người bạn ngồi bên cạnh tôi đã nói đùa:
–
Thay đổi luôn cả câu hay bỏ luôn cả truyện cũng được. Có chết ai đâu?
Thói
quen dẫn chứng quá nhiều bằng văn học ngoại quốc, ít tự tin vào văn tài của
mình, mà thích dựa vào bóng một cây cổ thụ sẵn có khiến người ta nhớ đến những
đoạn văn của nhà phê bình Trương Tửu viết trong cuốn Kinh Thi Việt Nam từ hơn
năm chục năm trước.
Đại ý Trương Tửu thắc mắc sao hồi đó có thể có những con người Việt Nam từ đầu
móng chân đến cuối sợi tóc mà lại chỉ đi tìm thú văn chương, thú tinh thần ở
những thơ Quan Thư, Cát Đàm, Thảo Trùng, Hàng Lộ của Kinh Thi là một tác phẩm
thuần chất Trung Hoa.
Ông cũng dẫn chứng câu Khổng Tử nói Bất học Thi vô dĩ ngôn, không đọc Kinh Thi
thì không có chuyện gì mà nói và cho rằng câu đó chỉ đúng với đồng bào Tàu của
ông Khổng Tử chứ đâu đúng với chúng ta. Từ xưa hàng chục triệu người Việt không
hề biết tới Kinh Thi trong ngũ kinh Trung Quốc thì họ không nói được hay sao?
Có hay không có Kinh Thi với người Việt có hề chi?
Khi
không muốn dẫn chứng bằng văn phẩm ngoại quốc để so sánh, một vài tác giả có
tinh thần độc lập đôi khi lại chủ quan thổi phồng giá trị tác phẩm.
Bài
thơ Một Thế Kỷ Mấy Vần Thơ của Truy Phong đăng trên tuần báo Tiến Thủ được Sơn
Nam nhận xét là “một trong những bài thơ đẹp nhất của thế kỷ hai mươi”.
Xuân
Vũ khi giới thiệu cuốn Qua Các Nẻo Đường Quê của Xuân Tước xuất bản năm 1994,
ca tụng truyện ngắn Con Rắn Vú Nàng như sau: Trước nhất đây là một truyện ngắn
kiệt xuất có thể xếp vào loại truyện hay nhất Việt Nam. Nếu có nhà xuất bản nào
in một tập truyện chọn lọc Việt Nam thì xin hãy đọc truyện này . . . Theo tôi,
nói về cuộc sống nông thôn ở Nam Kỳ chưa có một truyện ngắn nào hay bằng truyện
“Con Rắn Vú Nàng” của Xuân Tước tính cho đến nay. Nó có thể xếp ngang với bất
cứ truyện ngắn hay nào của thế giới . . . Về bố cục thì thật là tài tình. Nó
chuyển biến nhanh chóng, khoa học và đưa tình cảm của người từ thấp lên cao
chót vót, rồi đổ lộn nhào một cách khoái trá, bất ngờ nhưng rất lô gích.
Có
những áng văn phải hay như thế nào thì mới có người la lên mà ca tụng tận tình
như thế chứ mà lại bị chìm lấp trong bóng tối thật là phí uổng. Có nên lập lại
đề nghị của nhà văn Xuân Vũ rằng có nhà xuất bản nào in tuyển tập hãy nhớ đừng
quên những áng văn này. Ít nhất để chúng trình diện với độc giả xem độc giả có
đồng ý là những áng văn được ca tụng vào hàng quốc tế không, có làm cho văn học
Việt Nam nở mày nở mặt hay không? Nếu không thì cũng được biết chân giá trị của
tác phẩm theo khiếu thưởng ngoạn của riêng mình và lần sau không nghe lời giới
thiệu của các vị đó nữa. Chúng ta đã có hàng chục tuyển tập xuất bản ở hải
ngoại rồi mà các nhà sưu tầm, phụ trách tuyển chọn đã bỏ quên những tác phẩm
lớn kể trên hay là đã tuyển chọn theo cảm hứng, theo sự thân quen, sự thù tạc
hàng ngày.
Trong
bài phỏng vấn luật sư Nguyễn Văn Chức đăng trên báo Con Ong Texas ngày 10. 10.
97, ông Chức cho biết ông nhận được năm cuốn Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên
của những người đề nghị ông viết bài ca tụng. Trong số những người đó có cả
những bậc đàn anh có nhận thức cao về văn hóa và chính trị đã ca ngợi Đêm Giữa
Ban Ngày là một kiệt tác của thế kỷ thứ hai mươi. Những lời tâng bốc ngọt như
mía đó hẳn ẩn dụ một ý đồ chính trị, đón gió trở cờ. Những lời khen quá đáng,
cũng có khi rất thành thực vì quá chủ quan, quá hài lòng về những điều mình
thấy, mình đọc và vì cảm tình đã lấn át lý trí, lấn át sự vô tư?
Trong
làng báo Nam Cali cũng có một hiện tượng một tờ tuần báo sinh sau nhưng đã nổi
lên và đứng vững là tờ Saigon Post. Số đầu tiên ra mắt cuối năm 1995, nhờ kỹ
thuật ấn loát tờ báo trông đẹp mắt, rực rỡ nhất là cái bìa, tiếc rằng tấm bìa
in công phu chỉ là một tờ quảng cáo, với cái tên báo nhỏ xíu. Thường thường bìa
một tờ báo tuần giá trị phải là một bức ảnh, một họa phẩm, hay đơn giản là mục
lục nhưng không để cho quảng cáo lấn lướt. Nhưng tiếc thay quảng cáo lại là lẽ
sống còn của nhiều tờ báo.
Ở xứ
Mỹ này ngay đối với những tờ báo thâm niên nhiều khi quảng cáo vẫn nắm sự sinh
tử của chúng, trừ khi được tài trợ bởi những thế lực giấu tên. Tờ tuần báo ảnh
lâu đời của nước Mỹ (hình như Saturday Evening Post) đình bản chỉ vì bị truyền
hình tranh mất quảng cáo sau cả trăm năm làm mưa gió trên thị trường báo chí.
Tờ Life cũng ngắc ngoải phải ra khổ nhỏ hơn, xuất bản khi trồi khi sụt vì lý do
như thế. Tờ báo in đẹp như Saigon Post đứng vững được hơn một năm phải là lý do
để cho anh em tòa soạn hài lòng. Trong bài xông đất đăng số Xuân Đinh Sửu nhà
văn Nhật Thịnh và nhà thơ Nguyên Phương đã tỏ ra phấn khởi khi so sánh Saigon
Post với tờ báo ảnh Paris Match ở tận Paris, Pháp quốc.
Paris Match có cả trăm tuổi thọ vẫn cải tiến liên miên để mong tiến thủ. Có
thời tờ báo này đã đổi mới bằng cách thay vì khuôn khổ hình chữ nhật thì báo in
vuông như hòn gạch bông cho lạ mắt, mục lục thì đảo lộn thông lệ thay vì in ở
cuối hay đầu thì cho vào giữa các trang báo cho độc giả mất thì giờ lần mò cho
vui. Loanh quanh rồi cuối cùng trở về dạng bình thường thôi. Và tờ báo đứng
vững, có uy tín quốc tế chính vì nội dung của nó hơn là báo đẹp và đổi mới lố
lăng, lập dị. Khi nghe các bạn so sánh báo nhà với Paris Match tôi cũng hơi
chột dạ, hơi ngượng vì mình cũng có chân trong ban biên tập mà không đóng góp
đựơc là bao nhưng vẫn phải chia sẻ hoài bão của các bạn mình dù thấy rằng so
sánh hơi quá đáng.
oOo
Việc
giới thiệu sách nhiều khi cũng đưa đẩy người viết say sưa, xa rời thực tế. Một
trường hợp điển hình là nhà văn Hồ Trường An khi viết lời bạt cho tác phẩm đầu
tay của một nhà văn nữ khoan khoái quá, ca tụng tác phẩm chưa đủ còn ca tụng cả
nhan sắc và duyên dáng của tác giả cuốn sách mặc dầu ông chưa gập mà chỉ nhìn
qua ảnh. Ông viết:
Ở bìa sau quyển sách có in tấm ảnh màu của chị . . . Có lẽ nếu đem thơ của cụ
Tiên Điền Nguyễn Du khi cụ mô tả Thúy Vân ở hai câu:
Vân
xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
thì
đúng diện mạo chị . . . ngay. Khuôn mặt chị tròn nét mày hơi dầy và đậm nhưng
tỉa gọt rất thanh nhã. Thúy Vân có thêm Hoa cười ngọc thốt đoan trang. Trên tấm
ảnh kia, nụ cười của tác giả . . . tươi ơi là tươi, như hoa hồng buổi sáng tinh
mơ với cặp môi rõ nét và thanh tú được tô hồng đào ngọt lịm. Nụ cười rất tự
nhiên không chút điệu đà, không chút nắn nót để phô bày đôi hàm răng ngọc trai
khít khao và đều đặn. Đó là hoa cười . . .
Còn tới mười hai giòng nữa tả giọng nói và mầu áo của tác giả nhưng xin thôi
không trích nữa. Chẳng trách gì người thưởng ngoạn khi gập áng văn hay, hợp gu
mình thì ngất ngư khoan khoái như ca dao: Chim khôn thì khôn cả lông. Khôn cả
cái lồng người xách cũng khôn.
oooOooo
Trên
lãnh vực văn thơ báo chí thì vậy, nhưng trên lãnh vực ca nhạc còn du dương gấp
trăm lần vì ca nhạc bản chất vốn đã du dương. Chỉ xin cử một đoạn – coi như lạc
lõng – để mời quý vị thưởng lãm thêm. Đoạn này trích trong bài viết về ca sĩ
Bích Chiêu của Vũ Xuân Hùng khi nàng tới thăm Cali, đăng trên nguyệt san Hồn
Việt số158, tháng 11. 1996:
Phải nhìn và nghe Bích Chiêu hát mới thấy hết được chất quyến rũ, sinh động của
nàng. Ở Bích Chiêu lúc đó là nam châm, là giòng điện cao thế, là cái ngọt của
đường phèn. Hát Nỗi Lòng thì chẳng ai có thể ngậm ngùi, chua sót như Bích
Chiêu. Hát Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa thì chưa tiếng ca nào ăn đứt được cái
đằm thắm, nũng nịu, tình tứ của Bích Chiêu. Ca Gái Xuân thì chao ôi, lẳng tơ
tình ái đến độ ta muốn ôm chằm mà cắn một cái cho đã cái hàm răng. Sang
đến nhạc twist, Bích Chiêu đốt lửa chuốc rượu vào lòng khách nghe bằng lối
trình diễn của loài trăn, loài cọp. Nàng hát đâu ra đó. Điệu nào cũng hay, nhạc
nào cùng tuyệt.
Quý
vị hết bàng hoàng chưa?
Sống
tha hương nơi xứ lạ, ngày đêm lăn lóc với nhiều công việc hai ba ca không ngừng
nghỉ để có tiền trả tiền nhà, tiền xe, tiền bệnh viện, thì giờ nghỉ ngơi hạn
hẹp có khi cả ngày chỉ có vài chục phút không có lúc nào rảnh để đọc sách,
thưởng văn, không có thì giờ đi phòng trà ca nhạc thì cứ nghe kể lại cũng đủ
lâng lâng, thả hồn lên tận Thiên Thai rồi.
Tiết kiệm gì một lời khen, không mất lòng ai cả. Người được khen, cũng có khi
biết là hơi quá nhưng vui mừng trong bụng, người khen viết xong cũng thở phào
khoan khoái. Và người đọc thì cũng được vài phút mê ly, lâng lâng như đang mừng
đám cưới, như đang uống rượu trước giờ hợp cẩn và nói như mấy chữ trong thơ
Đinh Hùng mà Mai Thảo đã mượn làm tên cho tiểu thuyết của mình: Cũng Đủ Lãng
Quên Đời.
Đặng
Trần Huân, tháng 1. 1998
Đặng
Trần Huân sanh năm 1929, trung tá phục vụ tại Cục Tâm Lý Chiến quân lực
VNCH. Sau năm 75, ông phải đi cải tạo. Định cư tại Hoa Kỳ H.O năm 1992 theo
diện H.O.. Qua đời ngày 21/3/2003.
Tác
phẩm : Chuyện cấm đàn bà (tập I, II), Thành phố buồn thiu (bút ký),.. Sau năm
75 : Hành trình một Hát-Ô, Những người thích dấu huyền, Chữ nghĩa bề bề..
No comments:
Post a Comment