Hui nhị tỳ
Nếu bạn không tin dị đoan và không sợ rông trong
tháng đầu năm thì tôi xin bạn… hui nhị tỳ với tôi chơi. Hui nhị tỳ là một động
từ kinh khủng, kinh khủng cho đến nỗi người ta không dám nói tiếng Việt mà lại
dùng tiếng Tàu để cho cái nghĩa bí ẩn của ngôn ngữ ngoại quốc giúp cho đỡ
sợ.
Bình Nguyên Lộc
Người chết bị bỏ quên ! Cho đến cả người thân yêu của họ cũng bỏ quên
họ. Bạn sẽ chết. Như thế bạn có tủi trước cho số kiếp bạn hay không ? Nếu có
thì nên đi thăm họ vậy.
Bước lên xe kiếng đi viếng mả chồng (1),
Cỏ non chưa mọc trong lòng thọ thai.
Hai câu ca dao Sài gòn trên đây cho ta thấy cả cái chua xót của một
người bị bắt an trí ở một xó nào đó để họ rảnh nợ mà trở vô guồng sống quay
cuồng của họ.
Hui nhị tỳ buồn lắm. Để cho bạn khỏi thấy cảnh “Sè sè nấm đất bên
đàng…” mà mủi lòng rồi vạch da cây mà đề thơ cho ma nó hiện lên lôi thôi
lắm, tôi xin đưa bạn đến một nhị tỳ vui. Đó là nhị tỳ của các Hội đồng
hương của các tỉnh miền Nam.
Đường đi Bà Quẹo. Khỏi cột dây thép gió một đổi, bạn quẹo qua tay mặt để
vào chùa Ông Tạ. Qua khỏi chùa, cảnh như cảnh quê miền Đông với những con
đường mòn núp bóng bờ tre, với các cây rơm phơi giữa đám gốc rạ. Rồi thì tới
nghĩa địa.
Bạn ở Sađéc trôi nổi lên đây làm ăn mà rủi có mạng hệ nào, bạn đừng lo
bỏ thân xứ người. Trong nghĩa địa, bạn sẽ gặp đủ mặt người đồng hương giữa một
ô riêng dành cho tỉnh Sađéc.
Những đêm mưa dầm, ma ở đây chắc không lạnh bao nhiêu, vì quanh họ đông
đúc những gương mặt thân yêu, tha hồ trò chuyện cho ấm lòng. Tỉnh nầy muốn
qua tỉnh kia thăm bạn, chỉ phải bước qua một hàng rào. Gần hai mươi tỉnh sát
cánh nhau để dựng lên lên một miền Nam trong cõi âm.
Người sống hay đòi thống nhất nhưng họ lại bắt người chết phân ly: Bắc
Việt nghĩa trang, Trung Việt nghĩa trang, và Nam Việt nghĩa trang nầy là ba thế
giới riêng biệt không có đường xe lửa nối liền.
Riêng dân chết của Nam Việt họ tự trị mỗi tỉnh một ô riêng ngăn ranh
giới bằng giây kẽm gai, ý chừng để ngừa xâm lăng.
Có một bà kia người Cần Thơ mà lấy chồng là dân Biên Hòa. Khi bà mãn
phần, gia đình bà bối rối hết sức không biết đưa linh cửu của bà về xứ hay về
quê chồng, mặc dầu hai nơi đó chỉ cách nhau có mấy mươi bước.
Rốt cuộc người ta kết luận : Cần Thơ và Biên Hòa xa nhau không tới một
cắc tiền xe thì ai nằm xứ nấy. Ngày sau hai vợ chồng ông nầy thăm nhau
chắc tiện lắm.
Về tới nửa đường, bạn quẹo qua tay trái, theo đường Hai Mươi (Phan Thanh
Giản) để vô vườn Bà Lớn ! Đây là nhị tỳ tư gia, nhưng đồ sộ không kém một
nhị tỳ công cộng.
Trước chiến tranh, từ đường của họ Đỗ Hữu nầy nằm riêng biệt một nơi hẻo
lánh, đứng trước cổng có thể ngắm mặt trời lặn trên cánh đồng hoang bên kia
đường Hai Mươi. Nghĩa địa ngày trước được một lũy tre dày mịt bao học
lấy. Nhưng vì chiến tranh ở thôn quê nên người sống đã tràn đến đây đốn
rụi lũy tre xanh mà cả vườn xoài bên trong cũng không còn một cây để che mồ.
Những con đường trải sạn trắng trong nghĩa địa đã biến thành những lối
mòn ngập đất bột và cáo ao sen ở giữa ngày xưa liễu rũ soi bóng dưới nước xanh
lơ, bây giờ dùng làm hầm đổ rác.
Kẻ chết củng cố thành trì cẩn thận bằng dây kẽm gai nếu không, làn sóng người
cứ xung phong vô mãi thì nguy mất. Tuy thế, đám đất giữa nhà mồ và những ngôi
mộ chánh cũng đã bị người ta vun vồng để trồng hoa và người ta thả bò nghỉ
mát. Nơi đây là nơi mà các học sinh thi sĩ của trường P.Ký thời tiền chiến
thường lui tới để tìm yên sĩ. Ngày nay thơ ở đây vẫn còn, nhưng không phải
là thơ tươi đẹp nữa, mà là những vần tuyệt vọng khóc cảnh điêu tàn.
Tôi đi vòng quanh đó để tìm ngôi mộ của cô V.T.L. chết năm 18 tuổi. Hồi
còn là nội trú trường P.Ký tôi đã nghịch về ngôi mả nầy khiến một số học sinh
kinh hoảng và khiến cô bạn đang duy vật bỗng ngả qua duy thần (2). Tấm mộ
bia vẫn còn tươi nét vàng nhưng nhiều tảng xi-măng của ngôi mộ đã long ra, nằm
lăn lóc trước đó. Vô số là chó hoang chơi giỡn trước mộ của cô gái nửa
chừng xuân gãy cành thiên hương ấy, còn ngôi mộ của ông phi công vị Pháp quốc
vong xu là nơi trẻ quanh xóm xé rào vào đánh đáo.
Ai ôi, có lập nghĩa địa thì nên đoán trước sức bành trướng của thành phố
trong vòng một trăm năm để khỏi đào hào đắp lũy mà vẫn bị xâm lăng như
thường. Về vụ người sống lấn người chết, cảnh rõ rệt nhứt là cảnh đất
thánh của nhà thờ Cầu Kho. Đất thánh ấy ở giữa trung tâm thành phố, bạn
bước tới mà xem.
Những ngôi mộ bia bị giấu mật dưới những nếp nhà lá nhỏ như chiếc khăn
mu soa, rồi trong đó, đám người kẻ dương gian người âm cảnh, ngủ chung với
nhau. Nếu có ma thì ma ở đây rất sợ người ta, những người lì lợm; mả mới
mả cũ gì họ cũng cất nhà chồng tưới lên. Nhiều nhà mồ biến thành trại mộc
và có vài ngôi mộ có rào sắt, bị người ta dùng làm chuồng heo.
Ở đây dương thịnh mà âm suy, ông lang nào có muốn bốc thuốc hiệu nghiệm
thì tôi xin mách một toa toàn vị bổ âm :
1/ Đất trống vài mẫu.
2/ Cây lá vài trăm xe.
3/ Sở phí dọn nhà vài trăm ngàn.
Mấy vị thuốc nầy uống vào thì âm hạ ngay cho dương trở lại. Toa gia
truyền nầy là toa “giải tỏa và định cư” (3)
Các bạn có muốn xem một nhị tỳ tản cư hay không ?
Các bạn cứ lên đất thánh Chà. Đất thánh ngày nay là trú xá của nhân viên
Sở rác và là cái kho chứa xe của Sở rác. Ở đây âm đã hoàn toàn suy liệt và
cõi âm đã trong sáng những ngôi nhà xinh xắn và những tiếng trẻ vui
tươi. Nhưng dấu vết âm vẫn còn ràng ràng. Một đống đá xanh, tấm nào cũng
to gần bằng bộ ván chất cạnh câu lạc bộ giữa sở đất. Đó là mộ bia nằm,
theo lối Âu Châu của những ngôi mộ bị bốc.
Tại sao gọi là đất thánh Chà ?
Thật là bí mật. Tôi đã xem kỹ những nấm mộ bia ấy. Tấm nào cũng khắc tên
Tây cả, những ông Tây bà đầm đã tới đây trong thời chinh phục. Ngày nay họ
tản cư về đâu không biết, ta hui nhị tỳ để thăm họ, họ dời nhà mà không để địa
chỉ lại thì thôi vậy.
Từ đây âm dương đôi ngã, người chết ôi ! kẻ sống đã quên các người sau
khi đọc bài nầy.
Bình Nguyên Lộc,
Nhân Loại 1957
(1) Một thứ xe bốn bánh do hai ngựa
kéo, rất thạnh hành ở Sàigòn ngày xưa.
(2) Câu chuyện đã kể rõ trong bài “Ma
Đề Thơ” in thành sách trong quyển “Tân liệu trai”.
(3) Nghĩa địa nầy đã gợi hứng cho tác
giả viết truyện Ba Con Cáo (Ký thác) và ngày nay đã bị giải tỏa để làm phố
Nguyễn Cư Trinh
304Đen – llttm - sgtc
No comments:
Post a Comment