Friday, August 20, 2021

Nhớ Thời Tiểu Học - Nguyễn Đắc Thịnh

 

Nhớ thời tiểu học




 

Vào cổng trường, qua hai hàng dàn chào là mấy anh lớp nhì, lớp nhất với chốt chặn là thùng sữa nóng thật to (mẹ tôi nói đó là sữa bột viện trợ của Mỹ), uống hết một ly mới được đi vô sân trường rồi đến lớp.

Nguyễn Đắc Thịnh

 

Ký ức của tôi vẫn còn hằn một vệt trẻ thơ về thành phố Sài Gòn yên bình, vắng vẻ.

Sau khi qua hai năm mẫu giáo tại trường Mạnh Mẫu, số 96 Lý Trần Quán và trường mẫu giáo Michelet, số 30 Lý Trần Quán thuộc khu Tân Định – Sài Gòn.

Tôi vào học lớp năm (lớp một) niên học 1965-1966 tại trường Tiểu học Con Trai Tân Định, số 12 Huỳnh Tịnh Của.

Những ngày đầu nhập học, mẹ dẫn tôi đi bộ, đường từ nhà đến trường phải qua bưu cục Tân Định thấp bé với sân đất khá lớn có cây mận, cây trứng cá, quả rơi đầy sân cũng là nơi bọn lau nhau xóm Mayer thường vào chơi nhảy dây, bắn bi, … thêm mấy chục bước bên kia đường là nhà thờ Tân Định cao chót vót, tiếp đến là trường Thiên Phước, qua đường Đinh Công Tráng, Trần Văn Thạch gặp chợ Tân Định, tại đây qua đường rồi quẹo trái, đến giữa đường Nguyễn Đình Chiểu (ngang trường Đổ Chiểu) có lò bánh mì, được mẹ mua cho một khúc bánh mì bơ đường (hoặc bánh mì móng ngựa để ăn giờ ra chơi), lại qua đường đi tiếp đến trường Tân Định.

Sau này khi đã quen, mẹ tôi chỉ dẫn đến tiệm mua bánh mì rồi đưa tôi qua đường và tự đi đến trường. Mẹ tôi cũng chỉ đi đón tôi ít ngày đầu rồi sau đó tôi tự đi về nhà khi tan trường, lúc cần qua đường thì nhờ người lớn giúp.

Vào cổng trường, qua hai hàng dàn chào là mấy anh lớp nhì, lớp nhất với chốt chặn là thùng sữa nóng thật to (mẹ tôi nói đó là sữa bột viện trợ của Mỹ), uống hết một ly mới được đi vô sân trường rồi đến lớp. Một số bạn không quen uống sữa thì rất ngại, luôn tìm cớ để tránh nhưng với các bạn thích sữa như tôi thì giờ ra chơi lại đến uống thêm ly nữa.

Lúc đấy, mình bé xíu nên nhìn dãy lớp học sao mà sừng sững khổng lồ, sân trường rộng và dịu mát với các cây thấp. Đến vị trí lớp đứng xếp hàng, hướng về cột cờ để thượng cờ và hát quốc ca mỗi ngày thứ hai, bài hát với giai điệu và lời ca hùng tráng khiến học sinh chúng tôi vô cùng yêu thích và nhanh chóng thuộc nằm lòng, đến chết cũng không thể nào quên.

Đã năm mươi sáu năm rồi, có những việc gần đây lại không thể nhớ, nhưng những bài học vỡ lòng ở lớp năm, sao chẳng thể quên, như hai bài sau:

              

Sách quốc ngữ

 

Sách quốc ngữ

Chữ nước ta

Con cái nhà

Đều phải học

Miệng thì đọc

Tai thì nghe

Đừng ngủ nhè

Chớ láu táu

Em lên sáu

Đang vỡ lòng

Học cho thông

Thầy khỏi mắng.

              

Hè về

 

Ngày nghỉ hè

Ta về quê

Nhà ta ở

Mé bờ đê

Ở nhà có

Mẹ cha ta

Ông và bà

Quý ta quá.

Các bài đọc còn được minh họa bằng những hình vẽ chân chất, dễ thương làm cho học sinh mau thuộc và nhớ lâu bài học.

Và bài Trận túc cầu quốc tế (năm học lớp nhì – lớp 4) 

Bóng vừa xế, cổng thao trường rộng mở

Cả hai đoàn cầu thủ bước ra sân

Tiếng hoan hô vang dội khắp xa gần

Để cổ vũ cho trận cầu quốc tế

Đoàn tuyển thủ nước nhà tuy nhỏ bé

Vẫn xông pha tranh bóng khắp cầu trường

Thủ môn khách cũng nhiều pha vất vả

Bốn khán đài hò reo như sấm dậy

Thủng lưới rồi, đội khách dẫn 1-0

Chí không nản, cầu thủ nhà dấn bước

Rê dắt bóng về cầu môn đối diện

Dù đuối sức quyết cân bằng tỷ số

Đem niềm vui đến toàn thể đồng bào.

Thời gian thấm thoắt trôi, thế hệ chúng tôi được ươm mầm, dạy dỗ trong một nền giáo dục thật sự vì tri thức, thuận tự nhiên, không khiên cưỡng. Trong đó môn công dân giáo dục là một môn khá quan trọng, chính nó kết hợp với nền tảng gia đình đã hình thành nên tính cách của từng học sinh thế hệ chúng tôi, rèn luyện mỗi học sinh thành một người tử tế, có hành xử nhân văn, một công dân tốt của quốc gia trong tương lai.

Ở trường học, thầy cô, giám thị giám sát chặt, rèn dũa mỗi ngày. Dặn dò nơi đám đông đừng nên cà rà. Không tụ tập bát nháo ồn ào. Việc đi đứng (như đi phải nhấc chân không được kéo lê giày dép), chào hỏi, ăn nói nơi công cộng chúng tôi đều được dạy bảo cẩn thận từ trong gia đình trước khi bước ra khỏi nhà.

Ở gia đình thì ông bà, cha mẹ luôn nhắc nhở cháu con tránh xa những suy nghĩ bất lương, bỉ ổi, những toan tính hèn hạ, lưu manh phải tránh xa không được nghĩ đến dù nó có đem lại hiệu quả nhất thời, nhưng hậu quả là khôn lường được, đừng nghĩ như vậy là hay là thành công.

Một triết gia đã nói: ‘‘Giáo dục là khởi nguồn của mọi điều, là gốc rễ sự hưng thịnh của một quốc gia, là nền móng của mọi sự phát triển, ở bất kỳ một quốc gia hay một xã hội nào, bất kỳ người nào cũng có thể trở nên xấu xa tuy nhiên có ba loại người không được trở nên xấu xa, đó là: giáo viên, bác sỹ và thẩm phán. Giáo viên trở nên xấu xa sẽ khiến các thế hệ học trò lầm lỡ. Bác sĩ trở nên xấu xa sẽ coi mạng người như cỏ rác. Thẩm phán xấu xa sẽ làm mất đi sự công bằng của pháp luật. Nếu ba kiểu người này trở nên xấu xa, xã hội sẽ đảo lộn, đạo đức luân thường về cơ bản là chẳng còn’’.

Đọc, suy ngẫm phát biểu trên cho thấy có lẽ nền giáo dục xưa đã thực hiện đúng con đường phải đi, phải nghiêm túc, thực tế, thuận tự nhiên, không có những giáo điều, ý thức hệ cũ rích vô bổ, từ đó sản sinh ra những con người hữu ích cho xã hội.

Đối với thế hệ chúng tôi thời ấy, Người Thầy (Cô) luôn được trân trọng, là tấm gương của học sinh, thầy giáo là một nghề cao quý. Bác sỹ là một nghề được trọng vọng mà học sinh cũng như phụ huynh luôn hướng đến vì có chức trách cứu người. Thẩm phán, có lẽ rất ít người nghĩ sẽ đảm đương công việc cao quý là giữ sự công bằng của pháp luật.

Vài dòng ghi vội để ngậm ngùi, để nhớ một thời xưa ấy.

Nguyễn Đắc Thịnh,

Sài Gòn, ngày 05 tháng 8 năm 2021

304Đen – llttm - sgtc

 

No comments: