Duyên Anh qua Võ Phiến
Theo bản danh sách các tác phẩm đã xuất bản in
trong Đêm thánh vô cùng thì đây là cuốn truyện thứ 4 của tác giả. Sách ấy in
năm 1973. Vậy đến giữa năm 1975 có lẽ Duyên Anh đã cho ra đời ước chừng năm
chục tác phẩm. Như thế là rất nhiều, bởi vì cuốn sách đầu tiên của ông (Hoa
thiên lý) in vào năm 1963: Vừa làm báo vừa viết truyện, mà viết tới năm chục
cuốn trong vòng mười hai năm. Mấy ai được thế?
Võ Phiến
(Sau 1975, bị giam cầm sáu năm, ở tù ra, sang Pháp ông lại viết, viết
nhiều, viết hăng. Nhưng cái đó thuộc một thời kỳ khác.)
Nguyên trong thời từ 1975 về trước, trong một Duyên
Anh đã có hai tác giả. Tâm hồn ông có hai phương diện khác nhau. Một mặt là
những xúc cảm dịu dàng, chan chứa yêu thương, thi vị, tràn đầy luyến tiếc đối với
những kỷ niệm êm đềm, mộng mơ. Đó là cái phương diện tâm hồn đã khởi hứng cho
những tác phẩm như Hoa thiên lý, Ngày xưa còn bé,
Áo tiểu thư v.v… Mặt khác là một thái độ sát phạt, tàn ác, bạo
động, táo tợn; tức cái thái độ phản ảnh trong các cuốn Sa mạc tuổi trẻ, Kẻ bị xóa tên trong sổ bụi đời, Luật hè phố v.v…,
trong loại truyện viết về du đãng.
Cả hai phương diện đều biểu hiện trung thực Duyên Anh, đều bắt nguồn từ
chỗ sâu thẳm của tâm hồn ông.
Ông thơ mộng? Ông không nói đùa, không dối trá,
không làm dáng đâu. Người ta không dối, không đùa được bằng những dòng như sau
viết về kỷ niệm những chiều từng đứng trước cổng trường nữ sinh chờ người yêu:
“Những người đang đứng dưới những gốc cây trước và gần ngôi trường con gái đều
là những người tuổi vừa lớn, vừa biết đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư.
Họ đứng đó. Khói thuốc vàng ngón tay. Hồn thả trong mộng, mộng lẫn vào thơ (…)
Họ ngớ ngẩn, khù khờ, lố bịch, chẳng ra cái thể thống gì cả. Bởi vì, họ vừa
lớn. Họ đem sự ngớ ngẩn, lố bịch vào tình yêu, tình yêu rất thơ và rất buồn
cười. Tôi thương họ, tôi yêu thương tuổi trẻ biết mộng mơ. Thiếu mộng mơ tuổi
trẻ sẽ tàn nhẫn lắm. Gốc cây kia, tôi đã đứng. Chẳng có gì làm cho tôi phải xấu
hổ. Niềm vui nhẹ nhàng và nỗi buồn man mác. Tình yêu học trò là tình yêu phù du,
là những cơn mưa bóng mây, là một kỷ niệm buồn cười đáng ghi nhớ.” (Áo tiểu thư, trang 221).
Trước cổng trường, dưới gốc cây là thế; trên chuyến xe buýt mỗi chiều xa
xưa, đâu kém lâm ly? “Những người con gái thuở ‘tuổi hai mươi đến’ của anh đều
đã lần lượt đi lấy chồng. Nói theo Hàn Mặc Tử, họ đã “theo chồng bỏ cuộc chơi”.
Và em, em là người bỏ cuộc chơi muộn màng nhất. Anh vừa biết ngày cưới em trên
một nhật báo. Em còn nhớ bến xe ô-tô-buýt xanh ở đường Aviateur Garros? Em còn
nhớ những chuyến xe chiều về đường Eyriaud des Vergnes? Xe buýt xanh đã chết.
Những chiếc xe buýt nhỏ bé chở chúng ta vào tình yêu chẳng bao giờ sống lại.
Họa chăng nó sống lại ở hồn anh (…). Khói của chiếc xe buýt già làm cay mắt
anh. Anh mơ hồ nghe tiếng gió êm đềm mười sáu năm qua luồn vào tâm tưởng. Anh
đứng im lặng giữa chiến khu kỷ niệm. Để ngơ ngẩn vời trông một tà áo tiểu thư.”
(Sđd, trang 10 và 12).
Nhưng cảm động hơn cả có lẽ không phải là những tưởng nhớ hướng về thuở
thiếu thời, mà là cái phần hướng về ấu thời. Không phải những kỷ niệm yêu
đương, mà là những hình ảnh chỗ quê hương làng mạc, là bóng dáng bà mẹ, bà nội,
là cái giàn hoa. Là hoa thiên lý, vâng cái hoa thiên lý đã ám ảnh Duyên Anh
suốt đời.
Tác phẩm đầu tay của ông mang tên Hoa thiên lý. Sau mấy chục cuốn sách khác, lúc chọn
thiên truyện ưng ý hơn cả để đưa vào bộ tuyển tập Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta ông
lại quay về một truyện trong tác phẩm đầu đời. Mở cuốn truyện ra đời cách trịnh
trọng với lời giới thiệu của Nguyễn Mạnh Côn, tức cuốn Thằng Vũ, tại trang đầu, và ngay tại dòng chữ đầu tiên,
người ta đọc thấy câu: “Vũ và Côn nằm dài trên chiếc chiếu rách trải dưới giàn
hoa lý sau vườn.” Chao ôi, dưới cái giàn hoa lý ấy ở làng Thanh Triều, tỉnh
Thái Bình, thì chiếu dẫu rách vẫn hơn mấy lần chiếu hoa mới toanh.
REPORT
THIS AD
Dưới giàn hoa lý ấy cái gì cũng tuyệt vời: chiếu
rách tuyệt, một chiếc võng đu đưa càng tuyệt: trong cuốn Đêm thánh vô cùng, xuất bản cuối năm 1973 (chỉ còn một
năm rưỡi nữa thì Miền Nam sụp đổ), có thiên truyện “Con chích chòe đã trở về”,
con chích chòe ấy kể lể tình tự quê hương: “Nằm trên chiếc võng mắc dưới giàn
hoa thiên lý trưa hạ, nghe con chích chòe kể “tự truyện” tận ngọn cây xoan cao
như nghe rõ tất cả tình tự của quê hương mình.” (Đêm thánh vô cùng,
trang 110, 111). Trong thể loại truyện, những đoạn nói về tình quê mà làm xúc
động độc giả nhất có lẽ là những đoạn truyện trong cuốn Nhà tôi. Này là lúc nhân vật “tôi” nằm bên vợ: “Những
buổi chiều mưa, con cái lên gác nô đùa, vợ chồng tôi thường nằm bên nhau mơ ước
(…) Em còn nhớ chứ, Phương? Anh kể chuyện mùa hè về quê với bà nội. Anh nằm
trên manh chiếu dưới giàn hoa lý. Bà nội anh bỏ hai chiếc vỏ tôm xuống ao, rắc
vào chút cám rang.” (trang 172). Rồi “tôi” ăn bát canh vợ nấu còn động lòng
người bằng mấy lúc nằm bên vợ: “Một buổi tối mùa hạ, ngồi vào bàn ăn, tôi đã
cảm động muốn sốt rét khi thấy có bát canh hoa lý nấu với cua đồng. Tôi chưa
kịp thẩm vấn’ nhà tôi đã khai: “Sách dạy nấu các món ăn Bắc kỳ không có món
này. Em đọc truyện ngắn ‘Giàn hoa lý quê nhà’ của anh, bắt chước mẹ, nấu canh
hoa lý cua đồng cho anh ăn đó. Tiếng “mẹ” nghe thật nồng nàn, thiết tha. Mẹ tôi
ở tận làng Thanh Triều, bên dòng sông Trà Lý, không biết mặt con dâu. Nhưng con
của mẹ đã biết tình thương yêu của mẹ trong bát canh cua đồng nấu với hoa lý.
Nhìn xuống bát canh, tôi tưởng chừng gặp khuôn mặt thân yêu của mẹ tôi và những
nụ cười.” (trang 65, 66).
Cái truyện của chàng với nồi canh của thiếp, hư cấu với thực tại, tác
giả với nhân vật, mẹ Bắc với dâu Nam v.v…, tất cả quấn quít vào nhau trong một
tình cảm thắm thiết, đẹp đẽ biết bao.
Hai mươi năm sau ngày rời khỏi đất Bắc, rời xa tỉnh Thái Bình, năm 1975,
có lần Duyên Anh xua tay vẹt đuổi hết các nhân vật tiểu thuyết, ông không cần
đến trung gian của mọi nhân vật – cả nhân vật “tôi” lẫn không tôi -, lần ấy
Duyên Anh đích thân cầm lấy ngọn bút ngồi tại Sài Gòn viết về quê xưa:
“Quê
nhà có giàn hoa thiên lý
Những chuyện nghe hoài không biết chán
Bắt đầu là ngày xửa ngày xưa
(………..)
Quê người không có giàn thiên lý
Trưa nắng đường oan cháy bỏng vai
Và những chuyện nghe xong chẳng khóc
Chẳng buồn và chẳng thiết yêu ai
Đời rất hiếm hoi lần Bụt hiện
Nên chi đoạn kết thảm vô cùng
Bộ xương cá bống là dao nhọn
Đâm nát hồn ta lũ Lý Thông
(“Nhớ cổ tích”)
Rồi lại hai mươi năm sau nữa, tháng 11 năm 1995, ở Los
Angeles, Hoa Kỳ, trả lời cuộc phỏng vấn của Đỗ Tiến Đức, khi được hỏi ông thích
thể loại nào nhất, Duyên Anh đáp: “Tôi thích làm thơ nhất. Nhưng tôi làm thơ
không hay.” (Báo Thời Luận, số ra ngày 18-11-1995).
Ấy! thơ hay với không hay chẳng qua là chuyện về cái tài, là chuyện hơn
thua với người thiên hạ. Hãy để đấy, khoan nói tới. Ở đây đang nói về cái tình,
thì thơ ấy đọc thấm lắm: thơ hoa thiên lý đầy chân tình. Và tình ấy là cái tình
cảm của tác giả thứ nhất trong ông Duyên Anh.
Tôi tưởng tượng ông thi sĩ đa cảm trên đây bỗng dưng mà gặp, mà đối diện
với tác giả “Kẻ bị xóa tên trong sổ bụi đời”, chắc chắn ông ta sẽ đâm khớp.
Chịu sao thấu? Một kẻ bình thường không thi sĩ, cũng không đa cảm gì ráo, mà
đọc tới cái chỗ Mừng Lác bị Tám Dao Cạo ra lệnh cho hai tên đàn em thanh toán,
kéo xác bỏ bên đường, lái xe hùng hổ xông tới cán bể sọ rôm rốp, bộ không phát
hải sao?
Vụ Mừng Lác cố nhiên không phải là vụ giết người
duy nhất trong truyện Duyên Anh, cũng không phải vụ ghê rợn nhất. Trong loại
truyện du đãng, giết qua giết lại xảy ra liên miên, mỗi vụ một vẻ, biết đâu là
nhất đâu là nhì. Để tranh nhau một chức vị vua tù, Tám Quản với Đực Lì đánh
nhau tàn nhẫn hết cỡ. Tám Quăn giết Đực Lì, chưa kịp “lên ngôi” đã bị Hội Ghẻ
ục cho mấy quả chết tốt (“Cách mạng”). Thằng Lựa với thằng Danh là hai đứa trẻ
đánh giày ở vỉa hè Sài Gòn, bạn thân với nhau. Quý Đen giết thằng Lựa. Thằng
Danh xuống Mỹ Tho tìm thằng Quyền xin con dao, tập phóng dao thật cừ, rồi về
Sài Gòn giết Quý Đen. Thằng Danh giết người để phục thù mà không có ý làm vua,
cho nên nó bị đứa khác thanh toán dễ dàng, chiếm ngôi. Lúc ấy thằng Quyền lại
vào cuộc, giết phăng vua mới, lên làm vua đánh giày Sài Gòn! (Luật hè phố).
Cứ thế: bé giết bé, lớn giết lớn. Ngay tại thủ đô Sài Gòn âm thầm diễn
ra một thế giới sinh hoạt thật ác liệt hãi hùng.
Trong ngôn ngữ ta, tiếng “đánh” còn có một nghĩa bóng dùng vào chuyện
viết lách, cũng như các tiếng quạt, khệnh vv… Lối viết ác liệt ấy cũng là một
sở trường của Duyên Anh. Ông trao vai trò nọ cho tay chuyên môn mang tên riêng:
Thương Sinh. Trong cuộc trò chuyện với Đỗ Tiến Đức hồi tháng 11-1995, ông cho
rằng về mặt này ở Sài Gòn Thương Sinh chỉ “nể” có một Chu Tử thôi. Đám nhân vật
của người tác giả thứ hai trong ông Duyên Anh – tức đám du đãng – họ giết nhau
đều đều. Một tác giả thì không giết ai. Ngòi bút không phải thứ dùng để đâm
chém. Bất quá chỉ để “đánh” thôi. Hình thức khác nhau, cùng là bạo động. Người
tác giả một thời chỉ chịu “nể” một người, trong nhận định ấy có sự hãnh diện.
Nhưng Duyên Anh đã lấy làm nghĩ ngợi, đã biện giải về đề tài du đãng.
Bé hạng thằng Vũ thằng Danh vv…, đứa ăn cắp đứa giết người; lớn thì Lê
Hùng, Lâm Đào Già…, cầm đầu băng đảng dao búa. Đám trẻ của Duyên Anh không
lành, không giống đám trẻ của nhiều nhà văn chuyên về tuổi trẻ khác: Lê Tất
Điều, Nhật Tiến chẳng hạn. Đám trẻ Duyên Anh là những nhân vật đáo để dưới ngòi
bút một tác giả đáo để. Tại sao vậy?
Ông nói với Đỗ Tiến Đức: “Tôi viết về tuổi thơ thực
sự không mang một hoài bão nào mà chỉ vì tôi, tôi không có tuổi thơ. Tôi thèm
tuổi thơ nên viết về tuổi thơ để giải tỏa những ẩn ức, những thèm khát…” Về
chuyện không có tuổi thơ, nhân nói về cuốn Những đứa trẻ Thái Bình,
ông giải thích: “Những nhân vật chính vào thời đó (1944) là những đứa trẻ rồi
từ đó lớn lên theo những cuộc biến động của đất nước, thành những người thanh
niên. Và những thanh niên này thằng thì bị thương tàn phế, thằng thì nổi trôi
tàn mạt. Kết quả chúng nó thấy tuổi thơ của chúng nó đã mất vì chiến tranh
giống như đất nước bị tàn phá vì chiến tranh.” (Thời Luận, số ra
ngày 5 tháng 11-1995).
Còn về du đãng, ông chỉ đích danh thủ phạm: Đàn anh. Do đàn anh mà ra
cả. Đàn anh là chúa bậy. Người trẻ vừa lớn lên, ngây thơ, lý tưởng, đầy nhiệt
tình. Đàn anh lợi dụng, dụ dỗ đi làm cách mạng, hoạt động, chống đối, gian khổ,
tù đày. Rồi đàn anh bất thần bắt tay thỏa hiệp với nhau, tham chánh, chia ghế
trong chính phủ, hưởng quyền uy lợi lộc, bỏ tuổi trẻ bơ vơ. Trong thiên truyện
“Ngủ sầu trong đất” một nhân vật gào la: “Tôi ghê tởm đảng phái. Ngoài tôi, còn
bao nhiêu người tuổi trẻ là nạn nhân của bọn phù thủy cách mạng. Mỗi giai đoạn
lại một thế hệ thiêu thân (…). Tôi thù bọn đạo diễn khốn nạn. Quãng đời còn lại
của tôi, nếu cần chiến đấu, tôi sẽ chiến đấu tiêu diệt phù thủy, tôi sẽ đào
huyệt chôn bọn đàn anh chúng ta.”
Trong cuốn Sa mạc tuổi trẻ, cầm
đầu du đãng là Lê Hùng, tú tài bán phần, bị đàn anh phản bội, không chấp nhận
xã hội. Làm du đãng đã đời, có lần trốn trên tàu Laos, định qua Pháp du học,
thành tài sẽ về nước xây dựng một thế hệ thanh niên tốt đẹp. Nửa đường bị bắt đưa
về, tiếp tục làm du đãng. Bên cạnh Lê Hùng, có Lâm Đào Già đã đậu tú tài toàn
phần, chết giữa trận tiền, trong tư cách du đãng.
Đàn anh là chính. Ngoài ra còn có cái phụ nữa: thời
cuộc. Ông tâm sự với bạn Đỗ Tiến Đức: “Vậy để tôi nói bạn nghe. Thời đại mà tôi
viết cuốn tiểu thuyết du đãng đầu tiên là cuốn Điệu ru
nước mắt là lúc các tướng lãnh mình đảo chánh nhau, ông tướng
này bắt ông tướng kia, nay là tướng anh hùng mai là tướng gian, lung tung hết.
Dưới mắt một nhà văn thì tình trạng đó nản quá, tôi chẳng thấy còn thứ gì đáng
ca ngợi nữa. Với phản ứng đó, tôi mới đem du đãng ra ca ngợi, thế thôi.” (Bài
đã dẫn).
Đàn anh hay thời cuộc đều là những cái chung cho cả một thế hệ. Ngoài ra
Duyên Anh còn có riêng một nỗi phẫn nộ nữa. Ông cắt nghĩa về giọng văn của ông:
“Trước hết, bạn chưa biết gốc gác tôi nhiều đâu, tôi là con một gia đình bần
nông ở Thái Bình. Từ nhỏ, tôi đã sống nghèo khổ, chứng kiến cảnh bố mẹ chạy ăn
từng bữa mà còn bị bọn cường hào ác bá hành hạ, ức hiếp. Tới khi khôn lớn lên,
sống bằng nghề báo thì mỗi khi cầm bút, viết về câu chuyện bất công của thời
đại, tự nhiên tôi lại nhớ tới dĩ vãng thù hận. Thành ra giọng văn trở thành
phẫn nộ, ác độc.” Ông Đỗ hỏi bạn cũng biết văn mình ác độc sao; Duyên Anh đáp
gọn: “Biết chứ”.
Trong hai tác giả ở một Duyên Anh, về tác giả thứ nhất không có vấn đề
gì. Chẳng ai phải thắc mắc suy nghĩ: Vì sao mình thương cha nhớ mẹ cảm động đến
thế này, vì sao mình xúc cảm về quê hương dồi dào đến thế kia. Đối với phương
diện thứ hai của tâm tư mình, bao nhiều phân giải của Duyên Anh chứng tỏ rằng
chính ông, ông cũng lấy làm một sự bận lòng.
Duyên Anh thích làm thơ, nhưng cái viết chủ yếu của
ông là viết truyện. Một thứ truyện độc đáo, không phải ở chỗ gần gũi với thơ,
mà là gần gũi với ký. Truyện ông, người quen biết đọc thấy thú lắm. Thú vì nhân
vật, thú vì sự việc. Trong Ngày xưa còn bé, độc
giả gặp những nhân vật tên Thịnh, tên Đặng Xuân Côn, lại gặp cả nhân vật… Long
nữa. Trong Áo tiểu thư, thì ôi thôi, tha hồ
đông đảo sum vầy: nào nhân vật Đặng Trí Hoàn tức Hà Huyền Chi, nhân vật Đỗ Quí
Toàn, Dương Kiền, Đỗ Tiến Đức, nhân vật Hoàng Hải Thủy, Thanh Nam vv…, lại cũng
có luôn cả nhân vật Long – Vũ Văn Long- nhân vật xưng “tôi” trong truyện nữa.
Từ Vũ Mộng Long qua Vũ Văn Long chỉ một chút hóa trang nhỏ, như sửa qua bộ ria,
như chấm thêm cái nút ruồi. Đại khái cũng không khác trường hợp các nhân vật
Song Lê và Phương Tiến trong cuốn Sa mạc tuổi trẻ, hai
vị văn hữu chí thiết đã cộng tác hết mình với nhân vật Vũ trong tòa báo thiếu
nhi. Song Lê? Hai Vợ chồng Lê Tất Điều đều mang họ Lê. Phương Tiến? Thì bà Nhật
Tiến có bút hiệu Phương Khanh. Hóa trang cũng nhẹ nhàng thôi, tí ti thôi.
Vừa rồi là chuyện nhân vật. Chuyện sự việc trong
tiểu thuyết Duyên Anh cũng ngộ nghĩnh không kém. Trong Ngày xưa còn bé, có Thịnh, dân Thái Lọ, bạn cùng nhà
trọ với “tôi” tức Vũ Văn Long, sáng tác bản nhạc mang nhan đề “Duyên Anh”, nhờ
“tôi” cầm tay trao cho ca sĩ Quách Đàm hát trên đài phát thanh. Ngoài đời cũng
lại chính Vũ Mộng Long cầm bản nhạc của Nguyễn Thịnh trao cho ca sĩ Quách Đàm,
rồi khoái cái tên bản nhạc, rồi lấy tên ấy làm bút danh của mình luôn.
Trong Áo tiểu thư, nhân
vật Vũ Văn Long từ Bắc di cư vào Sài Gòn, tạm trú tại Nhà Hát Lớn, ở lầu ba.
Ngoài đời, Duyên Anh vào Sài Gòn cũng ở chính lầu ba Nhà Hát Lớn. Trong truyện,
nhân vật “tôi”, tên Vũ Văn Long, yêu cô con gái một ông giáo cùng tạm trú gần
bên; ngoài đời nhà văn Duyên Anh của chúng ta thuở ấy cũng yêu đúng một cô gái
đẹp con một ông giáo như thế. Trong truyện tình yêu dang dở,
“tôi” đi cao nguyên sinh sống; ngoài đời cũng tình yêu dang dở, nhà văn tạm lên
cao nguyên tìm sinh kế vv…
Trong Nhà tôi, cái gia thế gia sản của nhạc phụ, vai trò của ông bạn “cố
vấn hạnh phúc”, thân thế của nhân vật “tôi” từng làm nghề Sơn Đông bán thuốc,
rồi làm giáo sư tư thục, làm cán bộ lương khoán, rồi làm nhà báo nhà văn vv…
Liệu các sự việc xảy ra trong truyện có chịu nhường chút riêng tư nào dành cho
cuộc sống ngoài đời chăng?
Về cái thực (tại) với cái hư (cấu) trong tiểu
thuyết Duyên Anh, chuyện ấy đã có lắm người chú ý: báo Công An của chính quyền
cộng sản ở Sài Gòn nêu lên trường hợp Đại Ca Thay; chính Đại Ca Thay từng nói
thẳng với Duyên Anh là ông viết truyện đời y; ông Đỗ Tiến Đức cũng từng hỏi tác
giả Những đứa trẻ Thái Bình là hồi ký hay là tự truyện
v.v… Thành thử, vừa rồi tôi chẳng trình ra một phát giác nào.
Đã không mới lạ gì, nói ra làm chi? Người ngoài đời đi ra đi vào nườm
nượp khắp các tác phẩm văn nghệ, lắm lúc xuất nhập nguyên con, không cải dạng
cải danh gì ráo, như thế có gì sai quấy chăng? có vi phạm luật lệ nào chăng? có
sái phép, sái luật chăng?
– Ơ kìa! chuyện ấy dính dáng gì tới tôi? Giữa nghệ thuật với đời sống,
cái ranh giới nằm tại đâu? sự kiểm soát biên giới phải nghiêm nhặt đến chừng
nào? hạng nào qua lại được, diện nào thì bất khả? Tôi lấy tư cách gì mà xét hỏi
thông hành của nhân vật này hộ chiếu của nhân vật nọ? Lố bịch thay. Lại còn
chuyện ranh giới giữa các thể loại văn chương: đến đâu là ký, đâu là truyện?
phá ranh lấn đất thì phạt nặng nhẹ ra sao? Rối rắm quá thể. Xía vào làm chi?
Chuyện nêu lên thực ra là chỉ vì một chút nhận xét: Duyên Anh đi sát
thực tại, chất liệu ông dùng lắm khi còn tươi rói. Như ông Tản Đà vừa cạy sò
vừa ngồi tại chỗ vắt chanh ăn ngay. Sự việc trong tác phẩm có khi rất sống
động, nhân vật trong truyện có kẻ trông rõ mồn một, tưởng có thể vỗ vai hay bắt
tay cho vui. Và viết như thế tác giả mang cả chân tình vào: chỗ này là nỗi phẫn
nộ uất ức đưa tới độc ác, chua cay, táo tợn; chỗ kia là những xúc cảm yêu
thương, là một niềm ẩn hận… Tác phẩm in dấu một cá tính mạnh mẽ. Mặt khác, tác
giả lắm khi có bị xúc cảm chủ quan lôi cuốn mạnh vào cái viết vội vàng dễ dãi.
Võ Phiến
304Đen – llttm - sgtc
No comments:
Post a Comment