ĐÊM CHÔN DẦU VƯỢT TỈNH
Tôi
học hết lớp 2 ở ngoài Bắc. Vào Biên Hòa tiếp tục đi học phổ
thông. Hồi đó cứ vài hôm thầy cô điểm danh là lớp lại hụt đi
mấy đứa. Rồi vài tháng lại thấy nó xuất hiện trở lại. Có
nhiều đứa không có cha mẹ đi họp phụ huynh bao giờ, đôi khi là
ông bà, chú thím, cậu mợ. Có khi do sự lỡ miệng của người
lớn hoặc sự hớ hênh của trẻ nhỏ mà người ta biết cha mẹ
những đứa đó đang ở tù. Hồi ấy cứ nghe đến ở tù là tôi
hình dung những người ấy chắc phải kinh khủng, gớm ghiếc lắm.
Trẻ con có sợ rồi cũng có quên, khi chơi vui quá thì quên mất
đứa đang chơi với mình là “con của tù”. Đến nhà chúng nó chơi,
nó khoe ba mẹ nó mới đi tù về. Nghe đến đấy thì sợ xanh mặt,
nhưng khi gặp “tù” thì thấy rất khác. Có chú “tù” râu con kiến,
cao to, dáng người thẳng hiên ngang nhưng giọng nói rất ôn tồn,
niềm nở “Con học chung bé Lủng hả? Dô sau nhà đi con. Bé Lủng à,
có bánh in lấy cho bạn ăn đi con”. Có chú “tù” da đậm màu, nét
nhọc nhằn khắc khổ cùng suy tư của thời cuộc hằn sâu trên
những nếp nhăn trên trán, miệng bập bập điếu thuốc rê, thấy
1 con bé Bắc kỳ ngồ ngộ nhưng vẫn coi như đám nhóc trong nhà
“Tới trưa rồi, con dô ăn cơm với tụi nó luôn đi”. “Má thằng
Tèo à, bới cho con nhỏ nó tô cơm luôn đi’. Có thím “tù” đi chợ,
con nhỏ Bắc kỳ vòng tay chào, thím giơ tay véo má kêu ngồi xuống
ăn chè, ăn bánh đúc mặn, ăn xong có bịch bánh tằm mang về nữa.
Có dì “tù” hái mít trên cây xuống, bổ ra sai con cắp rổ đi
biếu từng nhà. Có bà ngoại trầu “tù” nặn trôi nước rồi kêu
cả xóm qua ăn. Tù gì sao không kinh tởm, gớm ghiếc? Tù vượt
biên. Người ta bắt được cả nhà vượt biên. Vị thành niên thì
cho thân nhân bảo lãnh về. Những đứa trẻ được ông bà, cô chú
bảo lãnh về lại đi học tiếp nên suốt năm học chúng cứ thoắt
ẩn, thoắt hiện là vậy.
Sau
46 năm, người ta không chôn dầu vượt biển nữa, người ta xin
dầu vượt tỉnh. Những chiếc xe máy rồng rắn người và đồ
đạc chất chồng lỉnh kỉnh nối đuôi nhau tháo chạy khỏi Sài Gòn,
Bình Dương, Đồng Nai và các thành phố khác. Thật sự là một cuộc
tháo chạy theo đúng nghĩa đen. Tháo chạy khỏi bệnh tật, chết chóc
và đói kém. Sài Gòn vốn đầy yêu thương và cưu mang nhưng những
ngày tháng u ám trước mắt không cho họ niềm tin rằng sự bảo
bọc, yêu thương đó đủ để họ tồn tại. Có người nói họ sợ
bệnh, họ sợ dịch, sợ chết. Không sai, nhưng cái sợ trên hết
là sợ đói. Không việc làm, không có tiền để dành đồng nghĩa
với việc không thể trả tiền trọ và ăn uống sinh hoạt trong
những ngày giăng dây.
Sẽ
có những phòng trọ còn chứa đồ của người về quê nhưng chủ
nhân sẽ không bao giờ quay lại lấy.
Sẽ
có những pha mất anh em, bạn bè vì “trước khi về quê nó mượn
tao…rồi có trả đâu”.
Rồi
năm học mới sẽ lại hụt đi vài đứa. Số học sinh đó thoắt ẩn
nhưng sẽ khó có ngày hiện.
Đã
có những món vay chỉ vài trăm ngàn làm tiền xăng và tiền ăn
dọc đường.
Đã
có những món vay chừng 1 triệu chỉ đủ để mua giấy thông hành
cho 2 vợ chồng và 2 đứa con khi qua địa phận các tỉnh.
Giữa
đêm đen mù mịt của dân tộc người ta thấy ấm áp tình người
qua những chai xăng 1 lít rưỡi, những hộp cơm trao vội, những
tờ 500k cùng túi quà của chị bán cá khi xe vụt qua. Và tình đồng
bào cũng bị bốc hốt để làm đẹp mặt nhà cầm quyền khi hình
ảnh những chai nước suối lít rưỡi đựng xăng của “Công an cho”
tràn lan thên FB.
Họ
có biết đi xe máy gần 2000km là nguy hiểm không? Biết chứ. Nhưng
tại sao họ vẫn đi? Trước mắt là 2 cái chết: chết tai nạn và
chết đói. Tai nạn có thể có, có thể không. Nhưng chết đói là
cái chắc. Cái nào ở gần hơn thì sợ hơn.
Hình
ảnh đứa bé vài ngày tuổi, mặt còn mụn gạo trên tay sản phụ,
những đứa trẻ ngồi chết dí trên xe cùng cha mẹ, những con
người lầm lũi đi bộ về quê gặm mì tôm sống, những đoàn
người ngày đi đêm ngủ lề đường dường như không thể đánh
động lương tri của những con người được gọi là lãnh đạo.
Cái
đói cũng làm bố tôi quyết chí dắt vợ con đi tìm miền đất
hứa. Không biết ai bi đát hơn ai nhưng cuộc tháo chạy của nhà
tôi cũng kéo dài cả chục năm trời. Cũng tính toán, xếp đặt,
cân nhắc, thử nghiệm. Đứa khôn ngoan, khỏe mạnh đi trước. Đi
một vài đứa xem tình hình miền Nam thế nào rồi mới đi tiếp.
Cũng cò kè tiền tàu, tiền xe, cũng khai gian tuổi của đứa bé
để được vé trẻ em. Ngày ra đi đứa bé xách túi bé, đứa lớn
xách túi lớn, lỉnh kỉnh nào mâm, nào nồi, nào cối chày, nào bát
đũa. Có lẽ cuộc tháo chạy của nhà tôi và những gia đình khác
thời ấy trên những con tàu “Thống Nhất” bánh sắt giật cành
cạch xuống đường ray an toàn hơn những chiếc xe máy bây giờ
chăng?
Tôi
không tin rằng trong “bọn công an” các tỉnh kia không còn “đứa nào”
là người. Tôi đi phát cơm ở cổng BV Ung Bướu, khi biết xe cơm
từ thiện đội trật tự cũng chỉ hằm hè chửi vài câu cho có
lệ rồi vẫn cho đứng phát. Tôi chở sọt chuối đi sai làn bị
thổi lại mấy chú cũng bỏ qua khi biết mang chuối đi phát cho
bệnh nhân. Tôi chở cồng kềnh cũng được cho qua vì đi gom đồ
từ thiện. Đã từ lâu chữ từ thiện được mặc định cho chút
ưu ái nếu có sai sót. Nhưng chữ từ thiện bây giờ cũng không
là lá chắn nữa rồi. Các hội, nhóm, cá nhân đi phát gạo, phát
sữa mà như đánh du kích, thập thò, lén lút, luồn lách. Ai dám
cam đoan họ sẽ vững tâm thổi tù và hàng tổng mãi?
Người
ta có ác ôn, man rợ, sắt đá đến cỡ nào chắc cũng phải động
lòng trước một đứa bé sơ sinh vài ngày tuổi tơ hơ ngoài nắng
gió. Người ta có lạnh lùng bao nhiêu chắc cũng không thể quá
quắt với những chiếc xe máy chở 4, chở 5 cùng lỉnh kỉnh đồ
đạc. Nhưng những cái gọi là quy định, chỉ thị đã xé toạc bức màn
yêu thương vốn dĩ mỏng manh giữa người dân và những kẻ thừa
hành.
Chủ
tịch tỉnh sợ mất chức giáng xuống đầu các sở, sở giáng
xuống quận/huyện, quận/huyện giáng xuống phường. Cứ thế
chuỗi đè nén vô minh theo hiệu ứng domino mà quân cờ cuối là
con dân lãnh đủ.
CSGT
thừa biết cả nhà có 1 cái xe máy, 2 vợ chồng cùng 2 đứa con
chất lên xe là vi phạm luật GT. Nhưng không vi phạm thì về quê
kiểu gì lúc này. Không phạt mày thì tao cũng mất chức.
Các
ban ngành thừa biết để “chúng nó” về quê chẳng khác nào đày
đọa chúng nó nhưng thôi đứa nào biến hay đứa ấy. Nó mà ở lại
nhỡ đứa nào F0 nó lây cả chùm thì lại toi. Thôi nó vác bệnh
về tỉnh nó cho tỉnh mình đỡ khổ, cho cái ghế của mình đỡ lung
lay.
Dân
không phải không biết thương dân nhưng nhà nào dại dột cho khách
đỗ nhà lúc này lại chả vướng cái tội “vi phạm quy định phòng
chống dịch” khi tiếp xúc với người lạ, tụ tập trái phép.
Chắc
chắn sẽ có những nhà hảo tâm muốn phục vụ những vị khách lỡ
đường vài bữa cơm ấm tình đồng bào. Nhưng ai dám chắc đang
bữa cơm cả chủ lẫn khách không bị “hốt” cả “bầy”?
Luật,
quy định, chỉ thị ban hành không dựa trên tình mà chỉ duy lý nên
nó biến những kẻ thừa hành thành những con vật. Và vô hình
chung những người liên quan cũng bị cuốn vào cái guồng duy ý
chí đó. Dân dù thương dân nhưng cũng đành nhắm mắt làm ngơ
cất chén cơm nhìn đồng bào nhịn đói.
Cái
nghiệp của dân tộc này là nghiệp chạy. Chạy từ đời cha đời
ông qua tới đời con cháu vẫn chưa ngừng. Chỉ một đám búa liềm
mà có thể dồn, dí triệu triệu kiếp người bỏ mồ mả tổ
tiên di cư đến vùng đất mới. Tưởng đã yên thân nhưng bảy ngàn
đêm lại một lần nữa giong buồm sang xứ người. Đất nước đã
bao giờ được như thế này chưa mà con dân lại lần nữa chạy
nạn.
Giọt
nước mắt khóc cho phận thân, hò ơi, hò ơi, phận kẻ lưu vong.
Lưu
vong trên chính quê hương.
-Một người Bắc 75-
Bán Xăng Ôm
♡ Đứt gánh giữa đường ở tuổi 27, chị không đi bước nữa. Chị nói ở vậy cho đàn ông thèm chơi.
Thực tình chị
chẳng hay đầu mày cuối mắt với ai, hằng ngày chỉ chăm chú vào việc bán
xăng lẻ kiếm tiền nuôi con.
Nhưng “ong” vờn
quá nhiều khiến chị ngày càng làm duyên làm dáng và nhận ra rằng mình đẹp.
Không phải là nhà “ong học” chị vẫn biết tỏng con nào tơ, con nào già, con nào
la cà cho vui, con nào bay tới bay lui để đặt mục tiêu… oanh tạc.
Một anh
chàng gốc rễ ở đây, vậy mà vẫn “đi lạc” vào nhà chị, vờ hỏi thăm đường. Rồi anh
bảo chị đổ xăng. Cổ áo trễ tràng, chị cúi xuống… Ôi chao! Anh thấy lâng lâng
như vừa uống rượu. Rồi anh bông lơn, hỏi mồ chồng cỏ héo chưa em? Cặp mắt gợi
tình, chị nói em quạt mỏi tay rồi mà chưa héo. Anh nói hay là em nhổ cho nhanh?
Anh móc
ví tính tiền. Chị đứng sát sạt bên anh. Hương thiếu phụ át cả mùi xăng làm anh
mê mẩn. Chị chủ động rút tờ hai trăm ngàn trong ví anh, nói vô nhà em thối lại
nhé. Anh sướng rơn, nghĩ bụng chắc con cá “đói” đang cắn câu. Chị đứng lấp lửng
ở cửa buồng, bất ngờ tát yêu anh, nói anh đẹp “chai” lắm. Mặt mày đờ đẫn, anh
ôm choàng chị. Anh vừa định đi xa hơn thì chị khẽ đẩy anh ra, nói để khi khác,
con bé em đi học sắp về. Tiền thối đây anh. Anh nói thôi, bo cho em.
Từ đó anh
thường than với bà xã, rằng xăng đã lên lại còn bị đổ thiếu, tiền xăng coi vậy
mà bộn em ơi. Sau lời than, anh có vài trăm từ sự cảm thông của vợ.
◇ Cùng một “kịch bản”
Một lần đi nhậu
thịt dê, bàn anh và bàn kế bên không hẹn mà cùng nói về chị bán xăng. Anh chưng
hửng, thì ra con nhỏ này đâu phải “ban phát” cho riêng mình. Anh ngồi im lặng,
sượng sùng.
Một ông
nói chúng mình đã “chung một điểm rơi” sao không ghép bàn ngồi với nhau hè? Sau
màn cụng ly thề “đừng cho vợ biết”, các ông tranh nhau kể “tình tôi với nàng
đẹp nhất trần gian”. Ông thì kể nàng tình tự với tao thế này, ông thì kể nàng
âu yếm tao thế kia. Có ông còn bạo miệng kể, gần đến lúc “cao điểm” thì con bé
nàng về. Xui thế!
Cuối cùng
ai cũng ngã ngửa vì em này gặp ai cũng diễn cùng một vở: từ khâu gợi tình cho
đến khâu “gợi” tiền. Một ông nhăn nhó, nói nó đổ loại xăng gì mà xe tui cứ nổ
lụp bụp, đi cà giựt cà tưng. Cả bọn mặt nghệch ra, ai cũng “ngậm ngùi” nói xe
tui khác gì xe ông. Lão chủ quán đi ngang cười ha hả: “Đổ xăng ba lăng nhăng
thì phải thế thôi”.
♤ “Phiên tòa” cấp thôn
Dạo này người
làng hay xì xào về vụ “xăng ôm” với một lô tên tuổi quý anh “khả kính”. Mấy bà
vợ “có quyền và nghĩa vụ liên quan” nhảy dựng lên, rật rật tìm nhau bàn tính và
quyết định hai điều: Một là chồng ai nấy… dạy. Hai là gửi đơn cho thôn đề nghị
kiểm điểm con mẹ bán xăng vì hành vi “treo mỡ trước miệng mèo”, làm ảnh hưởng
đến nếp sống văn hóa địa phương.
Điều thứ
nhất có tác dụng vì đàn ông ham vui khều khều chút phở nhưng muôn thuở vẫn là
cơm. Còn “phiên tòa” cấp thôn thì trớt quớt.
Thôn hỏi
vì sao cô bán xăng ôm? Chị thưa, khi em đổ xăng, mấy ảnh lợi dụng ôm em.
Thôn lại hỏi
tại sao cô không xô ra? Chị đáp, xô ra thì xăng đổ. Lỗ em ai chịu?
Vậy sao cô lấy
tiền bo? – thôn hỏi tiếp. Chị lại thưa, đó là tiền lẻ mấy ảnh cho em vì cám
cảnh mẹ giá con côi.
Lại hỏi, cô có
biết là cô đang treo mỡ trước miệng mèo không? Chị nổi tức, nói lạ hè, tui có
mỡ tui treo, ai có mèo nấy giữ chớ!
Thôn cho
chị về. Ra đến thềm, chị quay lại, mắt long lanh, nói: “Bữa nào mấy anh ghé em
đổ xăng cho vui, héng!”.
tản văn: trần cao duyên
No comments:
Post a Comment