Wednesday, March 9, 2022

Cuộc Tuyệt Thực Ở Trại Giam Cổng Trởi - Kiều Duy Vĩnh

CUỘC TUYỆT THỰC Ở TRẠI CỔNG TRỜI





 

Tôi không theo đạo Thiên Chúa, và điều ấy có thể đã làm cho tôi sống được đến hôm nay, năm 1994. Vì những người Cộng Sản căm thù những người theo đạo Thiên Chúa nên tất cả mũi nhọn của nền chuyên chính đều chĩa vào những người con Chúa. Thứ nhất là các vị Giáo sĩ trong Giáo Hội, rồi đến các tu sĩ cả nam lẫn nữ. Trong ngục tù Cộng sản, tôi đã gặp hai bà Sơ bị bắt vào xà-lim, rồi đến các ông chánh trương, trùm trưởng, cả đến những người trong Hội Trống, Hội Kèn Nhà Thờ cũng bị bắt đi tù hàng loạt. Tôi thấy đa số họ hiền lành, ngơ ngơ nói năng chẳng ra sao. Không biết họ mắc tội gì mà bị hành hạ đến như vậy: Họ có mỗi một tội là tin vào Chúa Jê-Su. Thế thôi.

Còn tôi, tôi thiếu đức tin đó, và điều đó đã cứu tôi sống. Nói thế không có nghĩa là tất cả mọi người Công giáo đi tù đều chết hết. Có nhiều người còn sống sau cuộc tù đày, những anh Thi, anh Thọ, chị Diệp, là những người trong vụ nổi loạn ở Ba Làng, Thanh Hóa năm 1954, còn Nguyên Công “Cửa” tức Nguyễn Công Môn, ngư dân vượt biển, còn Nguyễn Hữu Bổn, người thôn Vạn Lộc, Nam Lộc Nam Đàn…

Tôi nghe kể khi đọc lệnh tha anh Thi, anh không chịu ra khỏi tù, họ phải lôi anh ra. Ngay cả giáo dân cũng kiên cường như vậy, thảo nào mà những người Cộng Sản xếp họ lên hàng đầu để tàn sát họ, tiêu diệt họ.
Cho đến hôm nay, một ngày năm 1994, tôi vẫn mong mỏi gặp lại vài người còn sót lại trong số 72 người đầu tiên lên Nhà Tù Cổng Trời mà vẫn chưa gặp lại ai, ngoài 1 người Cộng Sản là anh Nguyễn Hữu Đang.
Khi ở Khu A Trại Tù Cổng Trời chỉ còn thưa thớt người thì tù ở các trại dưới được dồn lên để lấp vào các chỗ trống, nên có sự sắp xếp lại. Tôi được chuyển sang Khu B dưới quyền quản giáo mới tên là Duật, người Nam Hà. Kỷ luật Khu B nhẹ hơn khu A, chế độ ăn uống có hơn đôi chút, tù Khu B được làm lao động nhẹ ở sân trại. Ba tháng được viết thư về cho gia đình một lần, được phép nhận thư . Tôi vừa chuyển sang khu B, chưa được viết thư về nhà thì đã nhận được thư của mẹ tôi gửi đến địa chỉ: Công trường 75A Hà Nội C65 HE.

Thư đến, mọi người đều ngạc nhiên, tôi là người ngạc nhiên nhất. Lúc đó nhà tôi ở Số 7 Phố Thi Sách đằng sau Chợ Hôm-Hà Nội. Tính từ ngày tôi bị đưa lên Trại Tù Cổng Trời đến lúc này đã được hơn 3 năm, tôi chưa được viết thư về nhà lần nào. Tại sao mẹ tôi lại biết được địa chỉ này mà viết thư cho tôi, tại sao mẹ tôi lại biết tôi đang ở Nhà Tù Cổng Trời, Hà Giang?
Mãi đến khi được tha tù lần thứ nhất,1970, tôi về nhà gặp lại mẹ tôi, tôi mới biết. Thì ra sau khi tôi bị đưa lên Cổng Trời –1960 — gia đình tôi mất hết tin tức về tôi. Mẹ tôi lên trại tù cũ ở Bất Bạt, Sơn Tây để hỏi về tôi. Chánh giám thị trại là Thiếu tá Thanh trả lời mẹ tôi là tôi bị đưa đi đâu ông ta không biết!
Về Hà Nội, mẹ tôi đến Bộ Công An ở Phố Trần Bình Trọng hỏi về anh con bị tù. Gác cửa không cho vào. Nhưng từ nhà tôi ở chợ Hôm ra Hồ Thiền Quang chưa đến 1 Km nên hầu như liên tục khi nào mẹ tôi đi đâu là mẹ tôi lại tạt vào Bộ Công An quấy rầy họ. Đến nỗi người thường trực cứ trông thấy mẹ tôi là tránh mặt không tiếp.
Mẹ tôi cứ đến hỏi. Hỏi mãi. Riết rồi họ phải trả lời. Nhưng cũng mất hơn 3 năm họ mới cho mẹ tôi cái địa chỉ Trại Tù Cổng Trời: Công Trường 75A Hà Nội. Mẹ tôi lại hỏi tiếp: Thế cái Công trường này nó ở chỗ nào ở cái đất Hà Nội này? Họ bảo họ không biết. Mẹ tôi đời nào chịu. Và cuối cùng họ phải trả lời là tôi đang ở Nhà Tù Cổng Trời ở Hà Giang.
Thế là mẹ tôi đi Hà Giang tìm Nhà Tù đang nhốt tôi. Đi với 2 bàn tay trắng: không có mảnh giấy phép đi tiếp tế cho tù. Quy định đi thăm tù phải có giấy giới thiệu của địa phương cấp, mà địa phương được lệnh không cấp giấy cho mẹ tôi vì thành phần gia đình tôi là địa chủ cường hào đại gian đại ác. Bố tôi bị bắn chết trong cải cách ruộng đất, còn tôi thì đi tù tội phản động nên gia đình tôi là đối tượng của cách mạng cần phải chuyên chính. Mặc, không có giấy giới thiệu, mẹ tôi vẫn cứ đi tìm thăm con. Nhưng lên đến Hà Giang, chưa qua được đèo Quyết Tiến thì mẹ tôi bị Công An đuổi theo, bắt quay về Hà Nội. Mẹ tôi đành viết thơ cho tôi theo địa chỉ trên. Thế là tôi nhận được thư của mẹ tôi.
Cũng có 1 phần do mẹ tôi không chịu mất dấu vết của tôi, làm phiền họ, quấy rầy họ, mà trên Bộ Công An chưa bật đèn xanh cho Ban Giám thị trại xóa tên tôi trong danh sách tù nhân ở Cổng Trời. Đã có lần họ cho người giả làm tù ở cùng trại với tôi về nhà tôi báo tin tôi đã chết. Nhưng mẹ tôi không tin. Mẹ tôi cứ làm tới, sấn tới, và điều đó phần nào đã cứu sống tôi.
Vả lại ở trên Cổng Trời này, đối với các bậc như Cha Vinh, cha Quế, Tu sĩ Đỗ Bá Lang, Tu sĩ Nguyễn Trung Chính tức Nhẫn, tôi là hạng bét so với các đấng Tù ấy nên mũi nhọn của cuộc tàn sát không chĩa vào tôi. Ban giám thị trại đem so tôi với các bậc Thánh đó thấy tôi là một phần tử tốt. Này nhé: Tôi không có đạo, tôi không cầu kinh, không làm dấu thánh, không ăn chay Lễ Phục Sinh, không theo nghi Lễ Giáng Sinh. Như thế là tôi chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của Ban Giám thị quá rồi còn gì nữa.
Còn với các đấng Tù kia. Nội qui trại tù cấm tù cầu kinh, các vị cứ cầu kinh, cấm làm dấu thánh trước trước khi ăn, các vị cứ làm dấu thánh. Ngày Lễ Giáng Sinh các vị tự ý nghỉ, không chịu đi làm.
Và, đáng kể nhât là việc tôi ở cùng buồng giam, tôi ăn cùng với các vị nhưng tôi không tuyệt thực cùng các vị khi có lệnh cấm làm dấu thánh trước khi ăn.

Câu chuyện tuyệt thực của một số vị tín đồ Thiên Chúa Giáo ở Trại Tù Cổng Trời xảy ra như sau:
Một hôm, giám thị tập hợp các Tu sĩ Thiên Chúa Giáo, nói:
– Đây là nhà tù, không phải là nhà thờ của các anh, nên cấm mọi hành vi tôn giáo và tịch thu mọi thứ: thánh giá, kinh bổn, tràng hạt. Cấm các anh đọc kinh, làm dấu trước khi ăn.
Tịch thu thì được, còn cấm thì hơi khó, nếu không nói là không cấm được. Cấm cầu kinh các vị ấy cứ cầu, vì làm thế nào mà biết các vị đang cầu kinh? Ăn xong, ngồi, không nói chuyện, không đi lại, thế là các vị đang cầu kinh đấy. Chỉ có đêm đến, lệnh cấm ngồi là có hiệu lực, chứ ban ngày chả nhẽ lại cấm tù ngồi, cứ bắt tù nằm mãi sao!
Không cấm được, Ban Giam Thị uất lắm! Sau vụ Tu sĩ Đỗ Bá Lang công khai chống lệnh, Chánh giám thị Nguyễn Quang Sáng tỏ ra quyết liệt hơn, cứng rắn hơn, dấn tới một bước nữa. Y tuyên bố:
– Cấm triệt để làm dấu thánh trước khi ăn cơm. Anh nào làm dấu thánh sẽ bị tịch thu phần cơm.
Y lý luận:
– Ai cho các anh ăn? Ai cho các anh bát cơm? Chúng tôi cho các anh ăn chứ không có Chúa nào cho các anh ăn cả. Cấm cầu kinh, các anh vẫn lén lút cầu kinh.
Y quyết định:
– Vậy bây giờ trước khi ăn, tôi cấm các anh làm dấu. Các anh phải cảm ơn người cho các anh ăn. Đúng lắm, nhưng người cho các anh ăn là chúng tôi đây, muốn cám ơn các anh phải cám ơn chúng tôi. Không có con mẹ Maria, thằng Jê-su nào cho các anh ăn cả. Nghe rõ chưa?
Nguyên văn như vậy, tôi xin lỗi các vị, tôi phải viết đúng, không dám xuyên tạc, bịa đặt, báng bổ gì.
Và đến bữa ăn, cơm mang vào, Quản giáo vào buồng, đứng đó. Mọi lần thì cửa phòng giam mở, chúng tôi bê thùng cơm vào trong phòng, quản giáo đóng cửa, khóa lại, tù chia cơm ăn, không có cai tù canh trong bữa ăn. Nhưng hôm ấy, bê cơm vào, cửa vẫn mở, Quản Giáo đứng đó kiểm soát và nhắc lại lệnh cấm của Ban Giám Thị.
– Không được làm dấu trước khi ăn!
Tất cả, kể cả tôi, không ai bảo ai, không chia cơm ra ăn. Đứng mãi chán, Quản Giáo đóng cửa phòng giam lại, đi về.
Đến chiều, tù nhà bếp đến lấy thùng cơm. Cơm canh vẫn nguyên. Buổi chiều, đích thân Chánh Giám Thị xuống xem bữa ăn chiều, mọi việc lại diễn ra đúng như buổi sáng. Không ai lấy cơm. Mặt Chánh Giám thị tái đi vì giận dữ. Nhưng người tù không ăn, làm thế nào bắt họ ăn?
Không có khí thế hừng hực đấu tranh, không có hô khẩu hiệu, những người tù không chịu ăn chỉ lặng lẽ, ngồi im.
Không thể dùng lưỡi lê và sức mạnh để nhét cơm vào mồm họ được. Họ không ăn, thế thôi. Không hò reo, không gõ bát, gõ đĩa, không ai diễn thuyết, kích động, yêu sách điều gì. Im lặng, ai ngồi chỗ ấy. Giám thị Sáng đứng đó, không một ai thèm nhìn ông. Giám thị Sáng đành phải đi ra..

Đêm đến. Tôi đói không thể nào ngủ được. Đã một ngày trôi qua, và hai bữa không ăn. Suốt mười năm tù đầu tiên, tôi không bỏ một bữa cơm nào, ngoài hai bữa hôm ấy. Chỉ khi nào đến ngày giỗ người sinh ra tôi bị bắn chết, là tôi khai ốm và báo nhà bếp cho tôi ăn cháo, vì tôi nghĩ: “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết.”
Dạ dầy tôi là dạ dày thép, nó ngốn, nó nghiền tất cả mọi thứ mà những người cùng tù với tôi, dù cũng đói như tôi, không sao ăn nổi. Tôi ăn sắn sống, khoai sống, ngô sống, om on sống, cả cây ngô non tôi cũng ăn sống được, khoai hà chỉ có ngỗng đói mới ăn, tôi cũng ăn được, khoai sọ, rong, riềng tôi ăn cả vỏ, có lần đi làm tôi lẩn vào ruộng trồng đỗ Mèo, ních một bụng quả đỗ sống, chiều về say gần chết. Ra suối tắm, thấy quả vả mọc hoang tôi bứt ăn, cũng say gần chết. Chỉ gần chết thôi chứ chưa chết hẳn. Ngất ngư lảo đảo thôi. Sắn sống ăn vào là say, ngày nào tôi chả say sắn, mà theo cái đầu óc ngu dốt của tôi thì có lẽ vì tôi ăn sắn sống triền miên mà tôi còn sống đến hôm nay. Chả là rét, lạnh quá, tôi bị sưng phổi. Tôi ho khặc khặc, sốt, tôi không dám nói láo, cứ cúi xuống ngẩng lên là nghe trong phổi có tiếng óc ách. Ở Cổng Trời tù không phải khai ốm, vì có khai với ai được. Ốm mặc, không có thuốc men gì hết.
Quản Giáo trực thấy tôi nằm mọp, hỏi làm sao? Hỏi để mà hỏi. Rồi thôi. Để đấy. Tôi cứ ăn sắn, say sắn. Và rồi tôi hết sưng phổi, tôi sống. Mãi đến khi tôi về Hà Nội, năm 1970 tôi đi khám ở Bệnh viện A để kiểm tra phổi. Sau khi chụp X quang, kết luận: dầy, dính màng phổi. Bác sĩ Kim hỏi tôi bị sưng phổi bao giờ và y viện nào chữa cho? Tôi trả lời là quên mất tôi bị sưng phổi năm nào nhưng nhớ là không có chữa ở bệnh viện nào cả. Bác sĩ Kim rất ngạc nhiên.

Ở Cổng Trời, khu nọ cách biệt với khu kia bằng một hàng rào bao quanh khu. Cấm tù khu này liên lạc với tù khu kia nhưng khi trả thùng cơm canh, thì tù các khu đem đến một cái sân chung để tù nhà bếp đến lấy. Có lần Khu C tù được mua sắn cải thiện để ăn thêm. Tù Khu C ăn sắn, bị say sắn, chết mất 5 người. Sáng ra, quản giáo trực vào khu thấy tù chết vì say sắn nằm một đống, bèn ra lệnh tịch thu số sắn còn lại, cấm không cho ăn, sai tù đem ra tập trung ở chỗ trả thùng cơm. Hôm ấy đến lượt tôi bưng thùng cơm ra trả. Thấy sắn bỏ đó, tôi lấy ngay mấy cây sắn luộc rồi, dấu vào bụng, đem về buồng ăn.

Các vị tu sĩ bảo tôi: Anh em bên ấy ăn sắn này chết mấy người, anh không sợ chết hay sao mà ăn? Tôi nói: Họ có nhiều họ ăn nhiều quá nên họ mới chết! Chứ tôi cứ củ một, củ một, ăn rồi uống nước, chờ cho tiêu bớt, lại ăn, chết thế nào được. Và tôi ăn. Ăn chầm chậm tùng củ một, thấy đắng quá, cứng lưỡi thì tạm ngừng. Có hơi say một chút nhưng chẳng sao cả. Và những chất độc làm người ăn bị say ở sắn đã làm tôi khỏi bệnh phổi, làm tôi no, và, có lẽ vì nhai dữ quá, hai bên quai hàm tôi to bạnh ra. Say sắn có khổ nhưng không khổ bằng đói: tôi chọn cái ít khổ hơn. Chuyện này là sự thật 100%, cứ ăn sắn nhiều là hai bên quai hàm to bạnh ra. Xin các nhà khoa học giải thích hộ cho. Kể lại với quý vị như thế, để quý vị biết tôi đói đến thế nào. Tôi đói lắm ấy! Được ăn 12kg cả gạo cả sắn một tháng, với sức tôi cao 1m76, nặng 78kg, 30 tuổi thì các vị chắc cũng hiểu tôi đói đến như thế nào.

Nay trở về với chuyện tuyệt thực. Thế là qua một ngày và hai bữa không ăn. Tôi xin phép được nhắc lại, mười năm tù đầu tôi không nhịn ăn bữa nào ngoài hai bữa cơm tuyệt thực đó, và tất nhiên là tôi đói lắm. Ở trong Mein Kamp – Cuộc Chiến Đấu Của Tôi – Hitler viết: “Cái đói nó theo tôi như một cái bóng…” tôi xin thêm: “Nó hành hạ tôi khổ sở nữa.”
Tối hôm đó, đã hơn chín giờ, tôi không thể nào ngủ được, cứ trở mình trằn trọc. Tu sĩ Chính tức Nhẫn ở xứ Trung Đồng, Thái Bình, nằm cạnh tôi, hỏi nhỏ:
– Đói không ngủ được à?
– Vâng, đói lắm không ngủ được.
Cha nói:
– Vậy thì ngày mai Vĩnh cứ ăn đi. Tôi sẽ chia cơm để Vĩnh ăn.
Tôi, xin thưa rằng, phần xác tôi nặng, nặng lắm nhưng cơ thể tôi lúc đó thì rất nhẹ. Lúc đó tôi chỉ cân nặng 49 kg. Tôi gầy đến “lõ đít” ra. Tôi xin phép được dùng tiếng “lõ đít”, vì đúng là tôi gầy đến như vậy. Những lúc ngồi xếp bằng, ngồi luyện yoga tôi nhìn xuống đùi, đầu gối ống chân đều trơ xương, khẳng khiu, khô khắc. Trước đó ít hôm ra khênh cơm vào buồng, anh bạn ở nhà bếp khiêng cơm đến nhìn thấy tôi, ra hiệu bằng cách lấy hai bàn tay vuốt vào hai má anh, chúm cái miệng lại ra cái điều là anh thấy tôi gầy quá, má hóp, mồm vêu. Tôi cũng biết vậy, tôi yếu lắm rồi, tay nắm không chặt, cầm vật gì nặng là hay rơi, hai bàn tay xoa vào nhau phát ra những tiếng rẹt rẹt như hai thanh củi khô, không còn cái mềm mại của da thịt. Ở Nhà Tù Cổng Trời này không có gương để soi, xem mặt mũi của mình nó ra sao. Mỗi lần cắt tóc, quản giáo đưa cho một cái tông-đơ, xén tóc, xén râu, thế thôi, không có gương lược, dao kéo gì. Có lần muốn nhìn cái bản mặt mình, tôi bắt chước Nguyễn Tuân đái một bãi xuống đất rồi soi mặt mình lên đó. Nào có thấy chó gì đâu, cái nhà ông Nguyễn chỉ nói ngoa ngôn, phóng đại, xui dại anh em thôi. Vì gầy thế, nên hai cái mông tôi teo lại, cái xương cùng nó thò dài ra, khi đi ngoài, chùi nó chạm, nó đâm vào tay mình. Lúc ấy tôi mới cảm nhận thấy thế nào là “gầy lõ đít.”

Mười năm tù, lúc nào tôi cũng ước có một bữa ăn no, thèm được ngồi trước nồi cơm nóng bốc hơi nghi ngút, muốn ăn bao nhiêu thì đơm bấy nhiêu, và có đầy một bát muối để ăn cơm cho mặn. Cả muối tôi cũng thèm. Tất cả các nhà tù của Cộng Sản miền Bắc mà tôi đã đi qua và sống ở đó tôi đều đói, tôi có thể chết đói ở đấy. Nói cách khác, nếu tôi chết trong những nhà tù đó là tôi chết đói.
Khi ở Trại Tù Bất Bạt Sơn Tây, tôi ở toán kiên giam, biệt lập: phải tự xay lúa, giã gạo trong khu biệt lập kiên giam này. Khi xay lúa, tôi nhớ tới phim “Samson và Dalila,” tôi xem ở Hà Nội năm 1950. Anh chàng Samson mù bị bắt quay cối xay. Chúng tôi cũng vậy. Rào kín và hẹp chả nhìn thấy gì ở ngoài cả. Chế độ ở Khu kiên giam Nhà Tù Bất Bạt cũng học đòi cách quản lý và đối xử với tù của Nhà Tù Cổng Trời, nhưng mà là học trò hạng bét.
Ở Trại Tù Bất Bạt, cũng tù hình sự đem cơm đến để ở cổng khu rồi chạy đi ngay, tù kiên giam cũng không được ra khỏi khu, nhưng tù được viết thư về nhà, còn được gặp và nhận đồ tiếp tế của người nhà đến thăm nuôi. Chứ ở Trại Tù Cổng Trời thì không một người tù nào được thăm nuôi, không một ai được gia đình nuôi trong suốt thời gian 7 năm tôi ở đó.
Khi đói quá, tôi kêu, tôi rên. Tôi kêu đến nỗi Quản Giáo phụ trách Giáo dục tên là Kích, người Liên khu 5 Bình Định đi “tua” nghe tiếng, gọi tôi ra ngoài, hạch hỏi, lên lớp và đe dọa tôi:
– Anh Vĩnh, anh định kích động mọi người, phải không? Cẩn thận. Anh không chịu im là đi suốt đấy.
Tôi nói:
– Thưa ông, tôi đói thật. Tôi kêu vì tôi đói. Phàm cái gì uất ức, đau khổ quá nó phát ra thành tiếng. Có thế thôi.
Tôi vừa lấy hơi vừa cố nói cho rõ tiếng:
– Thứ tôi mà kích động được ai hở ông? Ông xét xem, tôi kích động được ai trong số những người ở cùng với tôi trong buồng này? Tôi nói rất thật, để chứng minh tôi đói thật, ông làm ơn súc cho tôi một bát cám lợn kia tôi sẽ ăn hết ngay trước mặt ông cho ông thấy.
Chả là chỗ nói chuyện gần chỗ nuôi lợn của nhà bếp mà. Chừng quản giáo Kích cũng hiểu ra, nên không trấn áp tôi thêm nữa, cho tôi trở về buồng. Trên đường về, đi qua dàn su-su, quả mới bé bằng ngón tay cái, tôi với tay vặt ngay lấy dăm bẩy quả đút túi về buồng ăn sống.
Người tù Trần Liệu nói:
– Tù được ra khỏi buồng thấy bất cứ cái gì động đậy đều vồ lấy ăn hết, chỉ trừ khi vồ nó mà nó kêu “Ối giời ôi” thì chịu không ăn mà thôi. Hắn ăn giun, ăn dế, ăn gián, ăn cả trứng con bọ hung nữa.
Chúng tôi cùng cười. Trần Liệu cũng đói dữ lắm. Hắn to con gần bằng tôi, vốn là đồ tể Quỳnh Lưu, Cầu Giát, rất thích ăn tiết canh “me”, huyết bê non. Chính vì thế mà tôi thán phục Liệu; hắn cũng chịu được hai ngày không ăn theo các đấng tu sĩ cùng buồng. Trần Liệu là con chiên cực kỳ ngoan đạo.
Ông Chính bảo tôi:
– Mai tôi sẽ chia cơm để Vĩnh ăn. Vĩnh cứ ăn đi. Không sao cả. Tôi sẽ nói với anh em trong phòng để họ cảm thông trường hợp của Vĩnh.
Tu sĩ Chính là người có uy tín nhất trong số tu sĩ bị giam trong buồng. Tôi im lặng. Đối với ông Chính, tôi có món nợ lớn lắm! Lớn mà không bao giờ tôi có thể trả được.
Tôi vốn có duyên nợ với đất Thái Bình, ông Chính là người sinh ra và tu ở Thái Bình. Tôi và ông có rất nhiều điểm tương đồng. Ông hay nói chuyện với tôi. Tôi ở với ông từ ngày đầu đi tù, từ Trại Bất Bạt Sơn Tây lên ở Khu A Cổng Trời, ở cùng nhau cho đến lúc ông bị gọi đi và chết.

Những năm 1950, ở Thái Bình tôi có may mắn gặp Đức Giám mục nguời Tây Ban Nha coi sóc địa phận, tôi gặp cha Chính, cha Trụ ở thị xã, rồi các cha ở Sa Cát, Phương Xá, Bái Bồ Trung, Phù Lưu (ngã ba Đọ) Cao Mái. Những năm ấy tôi hành quân giải vây cho các nhà thờ bị vây hãm. Tôi có nhiều kỷ niệm đẹp về các xứ đạo ở Thái Bình. Tôi nói chuyện với Tu sĩ Chính về những ngày xưa đó, ông và tôi rất tâm đầu ý hợp.
Thấy tôi kêu rên vì đói. Một hôm, tu sĩ Chính nói ông ốm, ốm ở đây ít ai bỏ ăn. Ở Cổng Trời, ốm phải không? Tốt. Tốt lắm! Nếu ốm chết thì rất tốt: Khỏi phải giết! Đỡ mệt. Hôm ấy Tu sĩ Chính bỏ ăn. Ông rất ít khi ốm, từ Bất Bạt tôi thấy ông không ốm bao giờ tuy rằng ông rất gầy và xanh. Nhưng sự chịu đựng gian khổ của ông thì tôi phải ngã mũ kính cẩn vái chào. Lúc nào ông cũng ôn tồn, nhỏ nhẹ, điềm tĩnh cười nói như không cho dù có điều gì xảy ra.
Thấy ông ốm, tôi còn mấy viên thuốc cảm, đưa ông dùng, ông nói không sao đâu, chỉ có miệng ông đắng và bụng ông nó không ổn, thế thôi. Buổi chiều qua đi ông cũng bỏ cơm. Chúng tôi thường ăn vào độ ba, bốn giờ chiều. Cấm nấu nước, đun lại canh, hâm cơm. Với chúng tôi chín giờ đêm là khuya rồi. Tu sĩ Chính lay tôi dậy, nói:
– Vĩnh ăn hộ tôi đi, chứ để mai cơm thiu, bỏ đi. Phí của lắm.
Tại sao tôi lại có thể ăn xuất cơm của tu sĩ Chính như thế được chứ? Tôi từ chối, ông nói như năn nỉ:
– Tôi đắng miệng quá, trong bụng tôi nóng như lửa, quặn đau, không thể ăn được. Vĩnh ăn hộ tôi đi. Nếu Vĩnh không ăn, sáng mai nhà bếp họ lấy cho lợn ăn thì uổng lắm. “
Tôi thấy đúng như ông nói. Ở các trại duới, cơm dư tù có thể phơi khô để dành. Chứ ở đây, thì chỉ có đưa xuống nhà bếp cho lợn ăn. Tại sao lại để cơm cho lợn ăn? Trong khi tôi đói quá lắm, tôi thèm ăn quá lắm.
Lúc đó là 10 giờ đêm. Tôi ngồi ăn hai xuất cơm đó. Đọc tới đây, tất có vị sẽ chửi rủa tôi. Xin các vị cố hiểu mà đánh chữ đại xá cho tôi. Tôi ăn cả hai xuất cơm canh trong nháy mắt rồi nằm xuống ngủ ngon lành. Tôi ngủ yên cho đến sáng. Lâu lắm tôi mới được ngủ đêm mà bụng không đói lắm.
Cám ơn Tu sĩ Chính tức Nhẫn. Cám ơn Ngài nhiều.

Sáng hôm sau, như thường lệ, mọi người, cả Tu sĩ Chính, dậy sớm cầu kinh. Ông Chính bảo tôi ông thấy đỡ nhiều. Chỉ đến chiều hôm ấy, tôi mới biết là hôm qua Tu sĩ đã nhịn hai bữa cơm cho tôi ăn.
Xin cám ơn ông. Cho đến tận hôm nay ba mươi năm trôi qua, tôi vẫn còn món nợ ông mà không thể nào trả được. Tôi chỉ biết cầu Chúa, xin Chúa biết đến sự hy sinh cao cả của ông, đến sự vất vả nhọc nhằn của ông khi ông vác cây thánh giá của Chúa theo Chúa đến chết.
Cầu cho linh hồn ông được tới Thiên Đàng.
Sáng hôm sau, tù lại khênh cơm đến. Quản giáo lại vào phòng, đứng xem. Không ai nhúc nhích. Không ai lấy cơm ăn, kể cả tôi. Tu sĩ Chính đứng dậy, cầm bát, lấy cơm canh đem đến để trước mặt tôi.
Ông nói:
– Đây, phần của anh, anh ăn đi.
Một lần nữa tôi lại xin các vị cố hiểu cho tôi và bỏ qua cho tôi. Tôi không theo đạo Thiên Chúa, tôi không làm dấu thánh bao giờ. Tôi ăn. Hà tất gì tôi lại nhịn không ăn? Không có điều gì bắt tôi không ăn cả.
Thấy tôi ăn, Quản Giáo bèn lên tiếng:
– Đấy, các anh thấy không? Anh Vĩnh, ăn cơm không cần làm dấu, làm diếc gì cả. Có sao đâu nào. Anh ấy vẫn ăn ngon lành, thế thì tại sao các anh lại không ăn? Các anh là đồ ngu dốt, cuồng trí, dại dột dám chống lại Đảng và Chính phủ. Các anh chỉ có nước chết thôi.
Không một người tù nào nói nửa tiếng.
Có tôi nói:
– Xin lỗi ông, ông đọc lý lịch của tôi chắc ông đã rõ, tôi không theo đạo nào cả. Phật không, Chúa cũng không, mà lệnh của các ông thì chỉ có cấm làm dấu thánh trước khi ăn. Tôi, tôi từ thuở cha sinh mẹ đẻ chưa làm dấu thánh bao giờ. Vì vậy tôi ăn, có thế thôi.

Đứng cho đến lúc tôi ăn xong. Quản giáo thấy trơ trẽn quá, quay gót, khóa cửa ra về. Đến buổi chiều, cơm đem đến, không thấy mặt ai cả. Cả Giám thị, cả Quản giáo cả lính coi tù.
Tu sĩ Chính chia cơm canh cho một mình tôi. Tôi ăn.
Các đấng Tu sĩ Tù, kể cả Trần Liệu cũng vẫn không ăn.

Hai ngày trôi qua.
Ngày thứ ba, tù khênh các thùng cơm canh nguội lạnh còn nguyên xuống nhà bếp, rồi khênh đến hai thùng cơm canh mới.
Không có giám thị vào phòng. Cửa đóng, khóa lại.
Cơm canh được chia đều. Các Tu sĩ Tù làm dấu thánh trước khi ăn. Chẳng ai cười, nói, hát hò, reo vui gì khi cuộc đấu tranh giành được thắng lợi.
Và cuộc sống tù đày của chúng tôi lại lặng lẽ trôi như thế cho đến ngày tôi được ra khỏi tù.
Và các vị tù ở lại chết hết trong tù!

Viết tại Hà Nội, Ngày 1 Tháng 8, Âm lịch, năm 1994
Kiều Duy Vĩnh

 

Thi sĩ Hoàng Song Liêm, cư dân Virginia, nguyên là sĩ quan Không Lực Việt Nam CH. Ông quen biết ông Cựu Đại Úy Kiều Duy Vĩnh. Năm 2002 ông Liêm mời ông Vĩnh sang chơi Hoa Kỳ. Tấm ảnh ông Kiều Duy Vĩnh đăng trong trang báo này là do ông Hoàng Song Liêm cho tôi. Từ Trại Tù Cổng Trời, Hà Giang, ông Kiều Duy Vĩnh về Hà Nội, ông sang du ngoạn Kỳ Hoa, ông đến trước Nhà Trắng, đến trước Bức Tường Đen, ông sang Cali thăm khu Bolsa, rồi ông sang chơi Pháp quốc. Ông đến xem Paris có gì lạ không Em? Ông đến sông Seine đi bateau-mouche, ông đến Vườn Luxembourg tìm con đường xưa ông bạn ông — ông Anatole France- tung tăng đi đến trường học, ông đến Nhà Thờ Đức Bà Paris tìm hình bóng nàng Esmeralda. Rồi ông trở về Hà Nội.
Tôi đọc hồi ký của ông với sự kính phục và lòng căm giận chen lẫn ngậm ngùi. Năm 1972 khi dịch The First Circle của Alexander Sozhenytsin ra tiếng Việt — Tầng Đầu Địa Ngục — tôi thấy Solzenytsin viết:

– Trong ngục tù cộng sản, cái làm người tù khổ nhất là cái Đói.

Bọn Cộng sản giết người chúng bắt tù bằng cái Đói. Bao nhiêu người tù chết vì Đói. Những thằng không từng bị bọn Cộng bỏ tù một ngày, những thằng không biết thế nào là cái Đói trong Ngục Tù Cộng Sản, dzài mồm kêu gọi các Bố Tù của chúng nó quên Tội Ác Cộng Sản. Chúng mày là cái gì mà chúng mày kêu gọi Các Bố Chúng Mày Quên? Các Bố Chúng Mày Không Quên. Còn lâu!

 

 

  

No comments: