Friday, March 18, 2022

Một Quãng Đời Đã Qua - Nguyễn Phước Vĩnh Đương

 

MỘT QUÃNG ĐỜI ĐÃ QUA

 

Sau khi đưa tờ giấy hẹn gặp Counselor cho người thư ký tại Văn phòng, tôi chọn một chỗ ngồi cuối dãy hành lang chờ đợi tên mình được gọi. Mấy hàng ghế đầu là một tốp sinh viên trẻ đang líu lo trò chuyện về việc chọn môn học cho mùa Fall này. Tôi nghĩ đến những môn mà tôi đã ghi danh để theo học không giống ai cả như lớp Máy lạnh xe hơi (Air Conditioning) lớp Chụp hình căn bản ( Photo basic) lớp Pháp Văn căn bản ( French 180). lớp ESL 1…Sở dỉ tôi chọn những môn học này đều không phải bỏ nhiều thì giờ để làm bài hoặc học bài, vì tôi phải còn đi làm để kiếm tiền nuôi gia đình nữa. Về môn tiếng Pháp thì tôi ghi cho có lớp, chứ trước kia tôi đã học chương trình Pháp và đã đậu bằng Trung học Pháp (Brevet) rồi. Dù cho học hết các lớp của môn này đối với tôi cũng không khó khăn gì. Còn môn Anh Văn thì tôi cũng đã từng đi dạy ở các Trung Tâm ở Sàigòn hơn mười mấy năm sau khi đi học tập cải tạo về. Tôi đang lo không biết ăn nói làm sao với Counselor đây khi cô ta hỏi “Major” của tôi trong việc chọn lựa môn học cho mùa Fall này. Tôi ghi danh học không phải để tiến thân hoặc lấy cấp bằng mà mục đích duy nhất là lấy tiền trợ cấp (Financial Aid).

Đang suy nghĩ miên man thì bà thư ký gọi tên, và chỉ tôi vào cái phòng trước bàn giấy của bà ta. Tôi gỏ cửa bước vào, hơi mát của phòng máy lạnh làm tôi cảm thấy thoải mái dễ chịu. Counselor của tôi, cho đến lúc này, tôi mới biết là người Việt, vì trong giấy hẹn gặp Counselor, tôi chỉ biết rằng hôm nay, giờ này, tôi phải có mặt tại trường để gặp Ms.Vanessa.

Tôi chưa kịp chào cô ta thì cô ta đã làm cho tôi thật ngỡ ngàng khi đứng lên nói :

“ Chào thầy ! Thầy còn nhớ em không ?”

Tôi cố hết sức để nhớ lại, nhưng thật sự tôi không còn nhớ nỗi nữa, chi thấy quen quen…Sau những năm tháng trong các trại cải tạo, sau những ngày cơ cực, vật lộn với cuộc sống đã làm cho trí nhớ của tôi cùn đi, không còn được như xưa nữa. Có thể cô ta là một học sinh của tôi trước đây, mà học sinh trước hay sau 1975. Trước 75 trong thời gian dạy tại trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam tại Đàlạt tôi cũng từng dạy nhiều trường tư như Trí Đức, Việt Anh, Văn Học, Quang Trung, còn sau khi đi học tập về, ngoài những trường công lập ở Sàigòn, tôi còn dạy cho các trung tâm Anh Văn của Hội Trí Thức Yêu Nước, của Trung Tâm Nghiên Cứu Dịch Thuật.

Học trò có thể nhớ thầy, nhưng thầy thì không thể nhớ hết học trò cuả mình trong suốt mấy chục năm đứng trên bục giảng với phấn trắng bảng đen.

Để đánh tan sư ngạc nhiên và bối rối của tôi, cô ta nói tiếp :

“Em là Vân Huyền học trò thầy ở lớp 12 trường Văn Học ở Đàlạt.”

Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, tôi nghĩ rằng có thể nào cô học trò trước năm 75 đã một lần được đẩy vào phòng tôi ở khách sạn sang trọng “Grand Hotel” Nha Trang ngày nào, nay lại là Counselor của tôi ? Huyền đã khác xưa nhiều lắm, từ phong cách cho đến thể hình và cách ăn mặc, nên tôi không nhận ra, duy chỉ có đôi mắt đen, to và ươn ướt như hồi còn đi học.

“Chắc thầy ngạc nhiên lắm khi gặp lại em ở đây Chuyện còn dài em sẽ kể cho thầy nghe sau.”

Huyền nói tiếp :

“Khi bà thư ký đưa giấy hẹn của thầy, em thấy tên thầy, em nghĩ không biết có phải là thầy hay không, cái tên Vĩnh Đương làm thế nào em quên được, cho nên em đã đi ra để nhận diện mà thầy không hay biết. Đúng là thầy ! Thầy già đi nhiều, không còn phong độ và đẹp trai như ngày xưa nữa.”

Tôi mỉm cười : “Già rồi ! mấy chục năm rồi còn gì !”

Huyền nói : “Thôi, bây giờ thầy và em ra ngoài này nói chuyện.”

Huyền dẫn tôi ra khỏi phòng, đến ngay bàn bà thư ký, giới thiệu với bà ta, tôi là thầy cũ của Huyền ở Việt Nam. Bà ta bắt tay chào hỏi tôi một cách thân mật, rồi Huyền và bà ta trao đổi với nhau một vài câu gì đó mà tôi không nghe rõ. Huyền đưa tôi ra một tiệm McDonald’s phía bên kia đường. Vừa đi Huyền vừa hỏi về đời sống của tôi hiên tại :

“Thầy qua đây đã lâu chưa ? Hiện giờ thầy làm gì ? Em biết thầy đi học chỉ để lấy tiền ‘Financial Aid’ mà thôi. Ai qua đây, mới đầu cũng vậy hết. Thầy dạy Anh Văn mà lại ghi học ESL 1”

Tôi tình thiệt nói với Huyền là tôi đang làm Assembler cho một hảng điện tử, cái nghề tay chân, không cần bằng cấp và tay nghề, mà phần đông những người mới qua làm để kiếm tiền trong những ngày đầu định cư tại Mỹ, trong khi chờ kiếm được một công việc khá hơn. Lương tiền không đủ để trả tiền thuê apartment nên tôi phải ghi danh đi học vào những giờ nghỉ hay buổi tối để được tiền Financial Aid.

Vào đến tiệm, Huyền chọn một cái bàn trong góc, mời tôi ngồi rồi đi ngay đến quầy hàng…



Những hoài niệm cũ ngày xưa phút chốc trở về…tràn ngập trong trí nhớ của tôi. Ngày đó, thời gian đó là những tháng năm nhàn nhã và đẹp nhất của tôi ở Đàlạt. Ngoài hai giờ dạy môn Luật và Kinh tế cho SVSQ trường VBQGVN mỗi ngày, thời gian còn lại chỉ đi uống cà phê, uống rượu, lang thang khu Hoà Bình. Đêm đến lại đánh bài, xoa mạc chược…có khi thức trắng hai đêm liền bỏ cả ứng trực tại trường. Để bớt rong chơi và kiếm thêm thu nhập một số Sĩ Quan Giáo Sư đã xin phép để được đi dạy thêm ở các trường tư thục. Huyền lúc đó là học sinh của tôi ở lớp 12 trường Văn Học, một trường tư nổi tiếng ở Đàlạt. Tôi còn nhớ rất rõ Huyền ngồi ở bàn cuối lớp. Huyền có đôi mắt đen, to và ươn ướt, lúc nào cũng như muốn khóc, ít nói và trầm buồn… Huyền không đẹp lắm nhưng nhờ có mái tóc dài nên có nét quyến rủ liêu trai.

Hằng ngày tôi di dạy bằng chiếc xe jeep cũ mà tôi đã mua từ Nha Trang, nhưng đến năm 72 khi Hiệp Định Paris được ký kết, quân Mỹ rút khỏi Việt Nam, vật giá bắt đầu gia tăng, nhất là nhiên liệu. Giá xăng lên vùn vụt, tôi không thể dùng xe đó để làm phương tiện di chuyển nữa. Khi một tổ hợp lâm sản có ý định thuê lại, tôi bằng lòng ngay. Hàng tháng họ trả tiền cho tôi sòng phẳng, ngoài ra họ thường rủ tôi đi ăn nhậu hoặc đi chơi xa trong những ngày cuối tuần hay những ngày nghỉ lễ.

Một buổi sáng Thứ Bảy, từ trường Võ Bị ra, tôi gặp Sơn, tổ trưởng tổ lâm sản, rủ tôi ra Nha Trang tắm biển, chiều Chủ Nhật về. Tôi nhận lời ngay, vì muốn thay đổi không khí và không muốn hai ngày nghỉ lại ngồi xoa mạc chược nữa.

Chiều hôm đó Sơn đến đón tôi tại khách sạn Thủy Tiên 2, cư xá giáo sư độc thân của trường Võ Bị

Chúng tôi đến Nha Trang sau 4 giờ lái xe. Sơn đã đặt sẳn phòng cho tôi ở khách sạn Grand Hotel nằm trên đường Trần Quí Cáp. Tối hôm đó Sơn đã đẩy Huyền vào phòng tôi. Vừa nhận ra tôi, Huyền biến sắc, tôi hiểu ngay sự bối rối và tình huống khó xử của Huyền, lanh trí tôi trấn an Huyền trước :

“Em cũng quen anh Sơn à ? Em ra đây lúc nào vậy ?” Huyền như vớ được phao, lí nhí trả lời :

“Em ra đây với mấy người bạn của anh Sơn vào buổi sáng.” Tôi mời Huyền ngồi và bắt đầu gợi chuyện hỏi Huyền để đánh tan cái không khí ngột ngạt, ngượng ngùng giữa thầy và trò trong phòng khách sạn vào ban đêm.

Suốt đêm hôm đó Huyền đã thành thật kể cho tôi nghe hết những gì xảy ra cho Huyền trong những năm qua. Huyền cho tôi biết cha của Huyền cũng là một Sĩ Quan, xuất thân từ trường Bộ Binh Thủ Đức và đã hy sinh trong một cuộc giao tranh ác liệt khi Huyền mới 10 tuổi. Từ đó Huyền được bà Nội đem về nuôi dưởng, để cho mẹ rảnh tay đi buôn bán kiếm sống qua ngày. Bốn năm sau, bà nội mất và mẹ của Huyền cũng tái giá với một thương gia người Hoa giàu có, Huyền lại về sống với mẹ. Người dượng ghẻ là một tay thu mua gạo ở các tỉnh miền Tây, ông ta xin cho mẹ Huyền một môn bài bán gạo ở chợ Bình Tây trong Chợ Lớn. Ông ta thường đi đây, đi đó, ít khi về nhà.

Huyền kể : “Năm em16 tuổi, một hôm mẹ phải đi nhận gạo ở tỉnh, ông ta bất ngờ trở về nhà và đêm hôm đó ông ta đã dùng vũ lực để cưởng bức em…Ấn tượng đó trong đời em không bao giờ có thể quên được. Em đã nói hết cho mẹ em nghe, mẹ em sợ tai tiếng nên không làm lớn chuyện, cắn răng chịu đựng, âm thầm đau khổ. Đến bây giờ em mới thấm thía khi nghe những lời người ta thường ru con ngủ :

Trời mưa bong bóng phập phồng

Mẹ đi lấy chồng con ở với ai

Con đói thì con ăn khoai

Đừng ở với dượng điếc tai láng giềng…

Sau đó mẹ em gửi em lên Đàlạt ở với người dì, không chồng con, bán rau qua ở chợ để tiếp tục đi học lớp 10. Hàng tháng mẹ gửi tiền ăn học cho em. Nhưng một năm sau đó, trong một cuộc gây lộn kịch liệt với ông dượng quí hóa kia, và cũng vì bệnh cao áp huyết, thêm buồn phiền về chuyện của em, mẹ em đã bị tai bến mạch máu nảo rồi mất sau hai ngày hôn mê ở bệnh viện.

Mẹ em mất không để lại gì, từ đó dì em chỉ lo đủ cho em cơm ngày hai bữa, tiền học thì tháng có tháng không, nhiều lúc em phải tự xoay xở lấy. Lúc đó em đang theo học lớp 11, em tự nhủ là phải lấy cho bằng được bằng Tú Tài để đi tìm việc nuôi thân. Em tỏ ra bất cần đời, buông xuôi mọi thứ. Thỉnh thoảng em đi chơi xa với nhóm anh Sơn mà thôi…”

Tôi cũng kể cho Huyền nghe về cuộc đời cơ cực, trôi nổi và tự lập của tôi từ nhỏ để an ủi và thông cảm với Huyền. Tôi hứa với Huyền không bao giờ nói với ai về chuyện tôi gặp Huyền tại nơi nầy. Tôi khuyên Huyền cố học để thi cho đậu, nếu gặp khó khăn trong vấn đề học hành hay tài chánh thì cho tôi biết, tôi sẽ giúp Huyền trong khả năng của tôi.

Sáng hôm sau Chủ Nhật, vừa gặp tôi Sơn hỏi ngay : “Sao, giáo sư !” Sơn cũng gọi tôi là giáo sư như SVSQ thường gọi. Tôi biết ngay là Sơn muốn hỏi tôi về Huyền, nhưng tôi không trả lời trực tiếp, mà nói một cách lấp lửng, hiểu sao thì hiểu.

“O.K, đói bụng quá rồi, đi kiếm gì ăn đi !” Trong thâm tâm tôi, tôi không muốn ai nhắc đến cô học trò của tôi nữa.

Tuần lễ kế tiếp, vào lớp dạy, tôi không thấy Huyền đi học. Tôi muốn hỏi hai nữ sinh ngồi cạnh Huyền nhưng ái ngại. Sau khi viết đề bài lên bảng cho học sinh làm, tôi mở sổ điểm danh và sổ điểm để xem Huyền không đi học giờ của tôi hay tất cả các môn khác nữa. Huyền đã nghỉ học 2 ngày rồi. Chiều hôm đó, trong lúc lang thang trên khu phố Hòa Bình, tôi thấy Huyền từ dưới chợ đi lên. Gặp tôi quá bất ngờ Huyền không thể tránh được, miển cưởng gật đầu chào. Tôi nhìn thẳng mặt Huyền và hỏi ngay : “Tại sao em nghỉ học ? chỉ còn 2 tháng nữa thôi em sẽ phải thi rồi, không thể bỏ ngang xương như vậy được. Trong mọi hoàn cảnh chứng tỏ khả năng. Hãy quên đi mọi chuyện, để nghĩ đến tương lai. Lời khuyên cuối cùng của tôi đó.” Huyền không dám nhìn thẳng mặt tôi, cúi đầu nói :

“Mấy hôm nay dì của em bệnh, em phải ở nhà để giúp cho dì, ngày mai em sẽ đi học lại. Cám ơn thầy đã khuyên bảo em.” rồi xin phép đi.

Tôi biết Huyền nói dối vì chiều hôm qua tôi và một người bạn ghé sạp của dì Huyền mua một bắp sú để về xào trứng cho buổi ăn tối. Nhưng thôi, tôi biết Huyền đang bị khủng hoảng tinh thần, và mặc cảm vì người biết rõ chuyện thầm kín của Huyền chính là tôi.

Hôm sau Huyền đi học lại, vào lớp Huyền cũng như tôi không còn được tự nhiên như trước. Tôi tránh nhìn Huyền và Huyền cũng vậy.

Hai tuần sau kỳ thi Tú Tài, Huyền đã đến tìm tôi tại cư xá Thủy Tiên 2, báo cho tôi biết Huyền thi đậu và mời tôi đi ăn cơm tối. Thực sự tôi đã biết trước khi thầy Hiệu Trưởng lấy danh sách học sinh của trường thi đậu đem về, Huyền là một trong 3 học sinh của trường đậu hạng Bình thứ. Trường Văn Học có tỷ lệ đậu khá cao trong niên học này. Thầy Hiệu Trưởng có vẻ hài lòng, tỏ ra vui vẻ với giáo viên hơn các ngày thường.

Huyền và tôi đi bộ xuống Chic Shangai, một tiệm ăn khá thanh lịch, ngay dưới dốc cư xá, cạnh khu phố Hòa Bình. Trong bữa ăn, Huyền cho tôi biết ý định muốn về Sàgòn tìm việc làm, và nếu có phương tiện, thì sẽ học thêm Anh ngữ. Huyền còn nói nhiều về “Thủy Tiên 2” cư xá của những Sĩ Quan Giáo Sư Văn Hóa Vụ, đối diện Ký Túc Xá của nữ sinh viên Viện Đại Học Đàlạt. Tôi thật không ngờ Huyền biết tên của nhiều người bạn của tôi như : Tô Thế Liệu, Nguyễn Thanh Trang, Bùi Nhữ Trụ, Lê Việt Cường , Nguyễn Kế Nghiệp v ..v.. và cả ông bạn già Phạm Văn Phúc của tôi nữa. (có lẻ ông bạn hiền lành này thường đã cùng tôi đi mua Lan mỗi buổi sáng do người Thượng đem bán ở khu Hòa Bình). Không những Huyền biết tên mà còn biết cả biệt danh (nickname) của từng người nữa. Huyền nói : “Em biết các bạn thường gọi thầy là ‘Râu hay Nhím’ có đúng không vậy ?” Tôi mĩm cười hỏi lại : “Sao em biết ?” Huyền không trả lời câu hỏi của tôi mà nói tiếp : “Em có con bạn nó mết thầy lắm, nó khen thầy đẹp trai. Nó thích nhất là khi thầy măc bộ Jaspé, bộ quân phục dạo phố mùa Đông mà vào lớp dạy, những lúc đó trông thầy giống Robert Taylor trong phim La Valse Dans l’Ombre (Điệu Vũ Trong Bóng Mờ). Hôm ấy trông Huyền vui vẻ và nói hơi nhiều.

Sau bữa cơm, trước khi từ giã Huyền, với những kinh nghiệm của riêng tôi trong cuộc sống, tôi chân thành khuyên Huyền cố gắng quên đi những buồn phiền, những gì không tốt đẹp trong một quảng đời đã qua, để vươn lên. Tôi nói :“Không ai thương mình bắng chính mình. Trong mọi hoàn cảnh chứng tỏ khả năng. Cuộc đời là một chuổi ngày tháng tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân mình, trên con đường dài ấy có mấy ai chưa từng vấp ngã. Giá trị của con người không nằm trên sự vinh hiển thuận buồm xuôi gió, mà ở chỗ có vượt qua được những tai ương bất hạnh hay không. Nếu em muốn thành công , em sẽ thành công.” Huyền có vẻ bùi ngùi, trước khi về Huyền nắm chặt tay tôi. Rồi từ đó tôi không gặp lại Huyền nữa.

Cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt, quân Bắc Việt đã chiếm hầu hết các tỉnh miền Trung, và khi nghe Đà Nẵng thất thủ, tôi và nhiều SVSQ đã khóc. Vận nước nổi trôi, cái ngày đau thương nhất của Miền Nam Việt Nam đã đến (ngày 30 tháng 4 năm 1975) Tôi cùng với hàng trăm ngàn Quân, Cán, Chính khác đã khăn gói vào trại tập trung.

Sau hơn 3 năm trong các trại cải tạo Trảng Lớn, Đồng Bang, Kà Tum, Bùi Gia Mập, Phước Long, tôi đã được thả. Về địa phương trình diện, chính quyền không cho tôi tạm trú mà chỉ đinh cho tôi vào một nông trường tận mãi Cà Mâu. Hằng ngày tôi phải ngâm mình trong các mươn rạch để đốn cây đước đem về cất nhà cho cán bộ. Tôi quyết định trốn về Sàigòn, trong thâm tâm tôi nghĩ rằng nếu có bị bắt laị, đưa vào trại cải tạo một lần nữa vẫn còn dễ thở hơn ở đây.

Về Sàigòn tôi không dám về nhà vì sợ liên lụy đến gia đình bên vợ. Tôi lang thang đi xin việc làm tại một tô hợp đóng thùng gổ của một tư nhân trong Chợ Lớn cùng với một người bạn dạy Võ Bị vừa mới ra trại anh Lê Việt Cường (đã chết một năm sau đó). Ban đêm, có khi tôi ngủ tại nhà ga xe lửa ở đường Phạm Ngủ Lảo (khi nhà ga chưa dời qua Bình Triệu) khi thì ngủ dưới mái hiên của những tiệm buôn dọc theo đường Lê Lợi, khi thì về tá túc nhà bạn Nguyễn Văn Đài (Khoa Nhân Văn) ở Phú Nhuận. Thỉnh thoảng tôi đến đưa mấy đứa con của chị Trương Kim Chung đi chơi sở thú (chồng chị là bạn cùng dạy với tôi tại trường VBQGVN, đã chết vì đói trong trại cải tạo). Tôi đã sống như vậy trong hơn hai năm trời…

Cho mãi đến khi Thành Ủy ra quyết định những người có văn bằng Đại Học được ở lại thành phố, tôi ra trình diện và được chấp thuận cho tạm trú, sau hơn một giờ xét văn bằng, giấy tờ, hạch hỏi và đe dọa. Mấy ngày sau tôi ghi danh vào hội “Trí Thức Yêu Nước” mà chúng thôi thường đùa khi thêm một chữ Ngoài sau chữ Nước, vì chính giáo sư hội trưởng Lê Văn Thới cũng đã vượt biên mà không lọt.

Tôi được bố trí theo học một lớp “Bồi Dưởng Trí Thức” để được đi dạy lại.

Trong thời gian này tôi vừa đi học vừa đi bán rượu lậu để sinh sống. Ngày nào cũng vậy, tôi đi học với hai thùng rượu nếp than 40 lít sau xe đạp, học xong là tranh thủ đi bỏ mối ngay. Để được ra cổng bất cứ lúc nào tôi cũng phải “hối lộ” cho bảo vệ mỗi tuần một lít.

Chỉ còn 2 tháng nữa thì mãn khóa học, một người bạn của tôi, vừa đựợc ra trại đến thăm và rủ tôi vượt biên bằng đường bộ. Tôi bị bắt và giam tại Campuchia, hai tháng sau được đưa về khám Chí Hòa. Tôi đã nghĩ tình trạng xấu nhất sẽ đến với tôi nên yên chí với số phận hẩm hiu của mình. Trong khi đó, ở lớp học, một người bạn thân cùng học không những điểm danh ‘có mặt’cho tôi hàng ngày, mà còn làm bài thi cuối khóa cho tôi nữa. (Tôi thành thật biết ơn bạn Trần Đình Phước, một Sĩ Quan Không Quân hiện cư ngụ tại San José, vì tình bạn đã làm công việc táo bạo này. (A friend in need is a friend indeed)

Tôi được bố trí dạy Anh Văn cho một trường Trung Học tại Quận 1, trong khi tôi còn đang nằm trong tù. May mắn thay, sáu tháng sau tôi được thả ra, có lẽ nhờ khai man lý lịch…

Cầm quyết định bổ nhiệm của Sở Giáo Dục, tôi đến trình diện trường để nhận nhiệm vụ. Nhờ có 3 tháng nghỉ Hè nên tôi chỉ trể một tháng. Tôi lấy lý do bị bệnh thương hàn phải nằm bệnh viện, để chứng minh tôi lấy mũ ra cho ông Hiệu Trưởng thấy cái đầu vừa mới mọc tóc của tôi (thật sự tôi đã bị cạo trọc khi ngồi tù)

Trong thời gian dạy ở trường công, lương giáo viên không đủ sống, tôi đầu quân vào Trung Tâm Nghiên Cứu Dịch Thuật đi dạy các lớp luyện dịch ở trường Cao Đẳng Sư Phạm. Nói về khả năng Anh ngữ, tôi không thể so sánh được với các anh trong Khoa Anh Văn của TVBQGVN như anh Nguyễn Văn Sở, Trương Văn Thuận và các giáo viên khác, nhưng các lớp luyên dịch của tôi học viên rất đông.

Sở dĩ được như vậy vì học viên của tôi đậu khá nhiều trong các kỳ thi tuyển vào Đại Học, nhờ tôi đã dùng giáo trình của Bộ Giáo Dục Xã Hội Chủ Nghĩa. Tôi đã giúp học viên dịch thật nhiều đề tài thời sự nóng bỏng, liên quan đến chính trị, kinh tế, các bài diễn văn, lời phát biểu của các Tổng Bí Thư. của ‘Bác Hồ’ đúng vào trọng điểm lúc bấy giờ, với lối dịch và dùng từ khá đặc biệt của nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Như muốn dịch “Đảng Cọng Sản Việt Nam” thay vì “The Vietnamese Communist Party” thì phải dịch “The Communist Party of Viet Nam”. Theo họ nước ta là một nước lớn, không được dùng tên nước làm tỉnh tự (adjective). Như câu “Việt Nam là một nước nhỏ nằm bên bờ Thái Bình Dương” thì chữ NHỎ phải dịch “đất không rộng, người không đông” chứ không được dung chữ NHỎ.

Một hôm, trong lớp luyện dịch của tôi, khi học về “possessive case” dùng với “reciprocal pronouns” tôi đã viết một câu : “Những hoàn cảnh khắc nghiệt đã xô đẩy tôi vào tay người này đến tay người khác” lên bảng cho cả lớp dịch. Khi học viên đang chăm chú dịch, nhìn xuống lớp, tôi bắt gặp một đôi mắt nhìn tôi có vẻ trách móc, tôi nhận ra ngay chính là Huyền. Tôi đâu có ngờ gặp lại Huyền trong lớp của tôi 10 năm sau. Câu tôi cho học viên dịch không nhằm ám chỉ ai cả, và nếu biết có Huyền trong lớp thì tôi không bao giờ cho dịch một câu như vậy. Giờ giải lao, Huyền đến chào tôi nói chuyện, tôi xin lổi Huyền vô tình đã khơi lại một quảng đời đã qua. Huyền cho tôi biết đã lấy chồng và đang làm việc cho một xí nghiệp nhà nước. Chồng của Huyền là con của một thương gia giàu có trước kia. Gia đình chồng phần đông đều ở Mỹ. Vợ chồng Huyền đang chờ đi theo diện bảo lảnh, trong thời gian chờ đợi cả hai vợ chồng đi học thêm Anh Văn. Huyền đang theo học một lớp đàm thoại và một lớp luyện dịch tại đây. Đó là lần thứ hai tôi gặp lại Huyền và mãi cho đến ngày tôi được qua Mỹ theo diện HO gặp lại Huyền trong một bối cảnh khác. Huyền nay là Counselor của tôi…Ngày xưa Huyền được đẩy vào phòng tôi tại khách sạn, hôm nay tôi lại phải trình diện Huyền taị một văn phòng cố vấn của một trường Đại Học Mỹ. Tôi nhớ đến mấy câu trong bài thơ “Nghe Em Vào Đai Học”của Giang Nam :

Ngày xưa anh dạy em học chữ
Bây giờ anh về, em lại dạy chữ cho anh
Không phải bằng than đen vẽ gạch thềm đình
Không phải phập phồng giữa vòng đai giặc…

***

Trở lại bàn với hai khay thức ăn, Huyền nói : “Em order trứng và chả lụa cho thầy, nhưng tiệm Mỹ không có chả nên thế bằng bacon, thầy dùng tạm vậy. Em biết thầy hay ăn món này vì hồi ở Đàlạt, em biết đêm nào đánh bài ăn là sáng hôm sau thầy và các bạn thường ra quán chị Sáu, ở dưới bến xe uống cà phê và ăn món này.” Tôi không hiểu sao mà Huyền biết được những chuyện như vậy. Trong buổi ăn sáng, Huyền nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa ở Đàlạt, thành phố đối với Huyền có rất nhiều sầu, nhiều luyến thương, thành phố với buổi sáng, buổi chiều mây bay sương phủ. Huyền cho biết một tháng sau khi gặp lại tôi trong lớp luyện dịch, hai vợ chồng Huyền đã nhận được giấy đi Mỹ. Vì gia đình chồng tương đối khá nên cả hai đã được đi học lại. Huyền đã lấy văn bằng Master về Counseling, còn chồng là một kỹ sư điện tử, đang làm cho một hảng computer. Vợ chồng đã có hai con, một trai một gái. Huyền nói :

“Em luôn nhớ lời khuyên và sự khích lệ của thầy để thực hiện những gì em muốn. Sự quả cảm đã giúp em ngẩng đầu cao để đối diện khó khăn và bất hạnh.” Huyền rút trong ví ra một danh thiếp đưa cho tôi và nói tiếp : “Đây là địa chỉ của em, khi nào rảnh mời thầy đến nhà cho biết, thầy cho em số phone của thầy luôn. Em sẽ tìm cho thầy một việc thích hợp với khả năng của thầy hơn” Ăn xong Huyền đưa tôi đến bãi đậu xe của nhà trường, trước khi tôi vào xe, Huyền còn nhắc lại lời bài hát “Tạ Ơn Đời” của Phạm Duy : “…biết bao nhiêu lần gian dối, biết bao eo xèo nhân thế, đời vẫn ban cho ngọt bùi, thầy ạ ” Tôi phụ theo : “Em nói đúng, nhưng điều đáng khâm phục nhất của đời người là biết vươn lên sau khi ngã” Huyền mĩm cười, nhìn tôi, cảm thông và đồng tình với ý tưởng tôi vừa nói.

Một tuần sau Huyền gọi điện thoại hẹn tôi đến trường để đi xin việc với Huyền. Huyền đã xin được cho tôi làm “Teacher Aid” tại một trường Juvenile High School, trường quản chế những thanh thiếu niên phạm pháp (từ 12 đến 18 tuổi)của Tòa Án trên đường Yale ở thành phố Santa Ana. Tôi đến để bà Hiệu Trưởng interview, lương $10.75 một giờ (gấp 2 lần lương của tôi lúc bấy giờ) và đầy đủ benefit. Sau hơn 30 phút khảo sát, bà Hiệu Trưởng nhận tôi ngay, nhất là khi bà ta biết tôi trước đây đã dạy lính ( SVSQ/TVBQGVN) Tôi cám ơn Huyền về sự quan tâm tìm việc cho tôi.

Ngay tuần sau đó tôi nhận lớp, thành thật mà nói tôi đã dạy một trường có kỷ cương như trường VBQGVN nay phải đứng trước một lũ học trò “đầu trộm, đuôi cướp” thì tôi không chịu nỗi, nên sau khi lảnh cái paycheck đầu tiên cũng là lúc tôi đưa đơn xin nghỉ viêc.

Một quảng đời đã đi qua, thành công hay thất bại đều do chính mình. Huyền cũng như tôi đều lấy câu của Dale Carnegie làm châm ngôn cho cuộc sống “Believe that you will succeed and you will”.

Nguyễn Phước Vĩnh Đương
(Cali mùa của Trời gửi tình cho Đất)

Từ trang DĐQGHCTC

 

 

 

No comments: