Monday, March 7, 2022

Nhà Văn Duyên Anh - Đời Lưu Vong Bi Kịch - Đoàn Thạch Hản

Nhà văn Duyên Anh: Đời Lưu Vong Bi Kịch




 

Là một trong những nhà văn nổi tiếng của miền Nam trước năm 1975, Duyên Anh được biết đến như một con người nhiều tài, lắm tật, miệng làm hại thân! Tôi quen biết Duyên Anh từ lâu, từ dạo tôi vẫn thường hay chầu rìa những canh xì phé nảy lửa của những “hão thủ” lừng lẫy trong làng báo Sài Gòn trước 1975 với một vài doanh nhân, chính khách. Thuở đó, thân phận và túi tiền của tôi không đủ “tư cách” ngồi cùng chiếu với các đàn anh. Vào sòng xì phé là có thể biết ngay tính cách của từng người. Duyên Anh thích “tháu cáy” và khích tướng đối thủ, nhưng lại rất cay cú khi bị người khách “tháu cáy”. Thế nhưng sau 1975, tôi mới thật sự thân thiết với Duyên Anh. Ông từng coi tôi như một người bạn vai em ruột rà. Điều này đã được ông viết trong hồi ký.

Năm 1954, Duyên Anh di cư vào Nam. Để kiếm sống, ông đã làm mọi công việc của một thanh niên hè phố, chẳng có nghề ngỗng nào nhất định. Khi thì theo một nhóm sơn đông mãi võ, khi tháp tùng đoàn cải lương lưu diễn đây, mai đó. Lại có lúc quảng cáo cho gánh xiếc rong, rồi giữ xe đạp hội chợ… Sang trọng nhất là làm gia sư, dạy kèm cho trẻ con và dạy đàn ghita, sáo trúc cho những người theo học vỡ lòng nghệ thuật.

Duyên Anh làm thơ rất sớm, đến những năm cuối của thập niên 50, ông bắt đầu viết văn xuôi. Viết để thỏa mãn giấc mơ cầm bút, chẳng đăng đâu cả. Mãi đến năm 1960, ông được nhà văn Trúc Sĩ dẫn tới diện kiến nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, lúc đó đang làm chủ bút tờ Chỉ Đạo. Bài thơ “Bà mẹ Tây Ninh” – sáng tác đầu tiên của ông được đăng trên tờ báo này. Một tháng sau, thêm truyện ngắn “Hoa Thiên Lý”, rồi “Con sáo của em tôi” tiếp tục có mặt trên tờ Chỉ Đạo, với lời giới thiệu bốc tới mây xanh của Nguyễn Mạnh Côn. Ngay lập tức, ông được người đọc đón nhận nồng nhiệt. Mỗi truyện được trả nhuận bút 5.000 đồng, thời đó mua được hơn một cây vàng. Nguyễn Mạnh Côn tỏ ra rất ưu ái, tận tình nâng đỡ Duyên Anh để sáng tác của ông thường xuyên xuất hiện trên văn đàn. Và đây cũng là đầu mối oan nghiệt cho cả hai sau này.

Đến năm 1961, khi ông Nguyễn Mạnh Côn rời tạp chí Chỉ Đạo thì Duyên Anh đã thành danh. Ông bắt đầu tung hoành làng báo Sài Gòn với nhiều bút danh khác nhau: Thương Sinh, Mõ Báo, Thập Nguyên, Vạn Tóc Mai, Nã Cẩu, Lệnh Hồ Xung, Độc Ngữ …bằng một giọng văn châm chọc, hết sức cay độc. Thời đó, có hai nhà văn làm báo mà người ta sợ nhất, đó là Chu Tử với bút hiệu Kha Trấn Ác, trong mục Ao Thả Vịt và Duyên Anh. Nạn nhân của Duyên Anh không phải chỉ toàn là người xấu, mà nhiều khi chỉ là một ai đó bị ông ghét, cũng bị ông lôi lên mặt báo, “đánh” không thương tiếc! Sự kiêu căng, miệng lưỡi cay độc của ông đã gây dị ứng cho không ít người. Một nhân vật lãnh đạo chóp bu của Việt Nam Cộng hòa, khi lưu vong ở Mỹ đã bắn tiếng với ông Tô Văn Lai của chương trình Thúy Nga Paris rằng: “Bảo thằng Duyên Anh câm mồm nó lại”.

Duyên Anh được xem như tay tổ trong loại sách “xúi con nít đập lộn”, với những cuốn tiểu thuyết viết về giới du đãng rất ăn khách như “Điệu ru nước mắt”, “Sa mạc tuổi trẻ”, “Vết thù trên lưng ngựa hoang”. Tác phẩm của ông từng ngợi ca tay anh chị Trần Đại (Đại ca Thay) như một kẻ giang hồ mã thượng. Trong một bài phỏng vấn, tuần báo Đời hỏi ông: Tại sao trong thời buổi nhiễu nhương lại tôn vinh một tay du đãng, sống ngoài vòng pháp luật lên tận mây xanh? Duyên Anh trả lời: “Chính vì thời buổi nhiễu nhương, không có thần tượng cho tuổi trẻ, nên phải đi tìm cho họ một mẫu thần tượng. Xem ra, Trần Đại là xứng đáng hơn cả”.

Duyên Anh là người thẳng thắn, yêu, ghét rạch ròi. Đã quý mến ai rồi thì ông sống trọn tình, trọn nghĩa với người đó.

Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, cùng với Doãn Quốc Sĩ, Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, Phan Nhật Nam, Thanh Tâm Tuyền, Duyên Anh bị liệt danh là một trong 10 nghệ sĩ nêu danh là “Những Tên Biệt Kích của Chủ nghĩa Thực Dân Mới Trên Mặt Trận Văn Hóa – Tư Tưởng” và tác phẩm bị cấm lưu hành.

Năm 1978, Duyên Anh gặp lại Nguyễn Mạnh Côn trong trại cải tạo. Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn có thâm niên hơn 40 năm là đệ tử của ả phù dung nên sức khỏe rất yếu. Biến chứng tâm, sinh lý của một con người có quá trình “phi yến thu lâm” (đọc trại cho… sang chữ “phiện, thú lắm”) quá dài nên khi bị bắt buộc phải cai, cơ thể ông bị hành hạ liên tục. Do đó, sinh hoạt của ông rất bê bối, khiến đa số trại viên khác, dù có thông cảm đến mấy cũng không muốn gần gũi, chia sẻ, trong đó có Duyên Anh. Người khác chẳng sao, nhưng với Duyên Anh, Nguyễn Mạnh Côn cho rằng đó là bội bạc. Nhiều lần ông Côn nói với mọi người: “Không có tôi thì đã không có Duyên Anh! Tôi mà không biên tập nát ra thì truyện của nó ai mà thèm đọc”. Và Duyên Anh đã phản ứng theo đúng tính cách kiêu ngạo của ông: “Không có “Côn Hít” thì Duyên Anh vẫn là Duyên Anh. Ông Côn giỏi sao không biến một thằng cha căng chú kiết nào đó thành một văn tài mà phải đợi đến Duyên Anh?” Từ đó, cả hai nhìn nhau tuy bằng mặt, mà không bằng lòng. Cũng chỉ có thế, ngoài ra Duyên Anh không có bất kỳ hành vi, thủ đoạn nào ác ý với Nguyễn Mạnh Côn, như lời đồn đại đầy ác ý của những kẻ thù ghét Duyên Anh sau này. Nhiều người biết rất rõ chuyện này, hiện vẫn còn sống…

Nguyễn Mạnh Côn và Tạ Tỵ

Năm 1981, Duyên Anh được trở về với gia đình khi vợ và các con đã định cư tại nước ngoài. Năm 1983, ông vượt biên sang Malaysia, rồi sinh sống tại Pháp, tiếp tục viết. Cùng phận lưu vong nhưng ông không tiếc lời thóa mạ những đảng phái, phe nhóm chính trị lưu manh đang hoạt động tại hải ngoại. Duyên Anh gọi bọn họ là những kẻ giả hình, những tay lừa bịp, mộng du, chiến đấu trong chiêm bao. Ông cũng lên án đám lãnh đạo, chính khách, tướng tá của Việt Nam Cộng hòa toàn là một lũ vô tài, bất tướng, giàu của cải nhờ bóc lột, nhưng quá nghèo nàn liêm sỉ và nhân cách.

Duyên Anh đã gục ngã ở một nơi được ca tụng như là thiên đường của thế giới tự do. Cũng tại nơi đó, nhà báo Đạm Phong, nhà văn Hoài Điệp Tử… đã bị sát hại một cách tàn nhẫn; cựu sinh viên Đoàn Văn Toại (nhạc gia của ca sĩ Trần Thu Hà) đã bị bắn trọng thương bởi những đồng hương quá khích do bất đồng chính kiến. Năm 1988, Duyên Anh sang thăm Hoa Kỳ. Xui cho Duyên Anh, ngày 30/4/1988, ông cùng một người bạn – họa sĩ Trần Đình Thục đi trên đường Bolsa, đúng vào lúc mặt trận bịp bợm Hoàng Cơ Minh đang biểu dương lực lượng, với mấy chục người loe hoe… Trước đó, Duyên Anh đã từng không tiếc lời chỉ trích mặt trận bịp này trên báo Ngày nay bằng những lời lẽ nặng nề. Ông còn viết cả một cuốn tiểu thuyết mang tựa đề “Tuổi bướm sầu” để vạch trần bộ mặt đểu cáng của những tên chóp bu và những hành động bỉ ổi của mặt trận này. Nhận ra Duyên Anh, một gã thanh niên có thân hình vạm vỡ cầm một cục đá từ trong đám đông xông ra. Duyên Anh bị đánh tới tấp vào đầu, gục xuống trên vũng máu. Sau ca cấp cứu, ông được đưa về Pháp sống đời phế nhân, cánh tay phải và nửa thân hình gần như liệt hẳn. Điều đáng nói, hầu như tất cả các phương tiện truyền thông của người Việt ở hải ngoại, không nơi nào dám lên tiếng bênh vực Duyên Anh, hoặc lên án hành động mang nặng tính khủng bố của những kẻ chủ mưu. Người ta chỉ thấy một vài tờ báo Việt ngữ loan tin một cách hả hê bên cạnh tấm hình Duyên Anh nằm bất tỉnh, đầu vẹo sang một bên, giây nhợ chằng chịt từ đầu xuống cổ!

Dư luận trong cộng đồng người Việt hải ngoại rộ lên nghi vấn chính mặt trận Hoàng Cơ Minh là thủ phạm. Chúng đã cho tay chân sát hại Duyên Anh để trả thù chứ không chỉ là một trận đòn dằn mặt. Một nguồn dư luận khác, cũng không kém phần sôi nổi, và cũng được nhiều người tin, dù rất mơ hồ, không cơ sở: Duyên Anh bị những người yêu mến Nguyễn Mạnh Côn hành hung để phục hận cho những ngày hai người sống chung trong trại cải tạo. Trong giới văn nghệ sĩ của Sài Gòn trước đây đang sống ở hải ngoại cũng có người vì hiềm khích cá nhân với Duyên Anh mà công khai lên tiếng công kích ông một cách mạnh mẽ. Điển hình là trường hợp Tạ Tỵ.

Trước 1975, Duyên Anh và Tạ Tỵ đã như sừng với đuôi. Sau giải phóng, NXB Công an nhân dân có phát hành cuốn sách “Những tên biệt kích cầm bút”, trong đó có điểm tên nhiều văn nghệ sĩ sừng sỏ của Sài Gòn. Tuyệt nhiên không thấy có tên Tạ Tỵ. Nhưng theo Duyên Anh, khi sang Mỹ, đi đâu ông Tạ Tỵ cũng tự nhận mình có tên trong số “những tên biệt kích” đó. Duyên Anh giễu cợt Tạ Tỵ “nhận xằng, khôi hài”. Lửa đổ thêm dầu, Duyên Anh càng trở thành cái gai trong mắt ông Tạ Tỵ.

Nhưng cho dù Duyên Anh có thế nào đi nữa, thì ông cũng là một người cầm bút, không có lấy một tấc sắc trong tay để tự vệ. Nhân danh bất cứ một điều gì để tấn công và hạ thủ một người như thế rõ ràng là một tội ác. Duyên Anh kéo dài cuộc sống tàn phế tại Pháp, cho đến ngày 6/2/1997 thì qua đời vì bệnh xơ gan.

Tác giả bài viết này còn nợ Duyên Anh một món nợ tinh thần. Trong một lần đau ốm, ngỡ mình sắp chết, Duyên Anh đã nhờ tôi học thuộc lòng một bài thơ của ông với lời căn dặn một ngày nào đó, gặp được vợ con của ông thì đọc cho họ nghe. Ông đọc cho tôi, Đằng Giao và Dương Đức Dũng cùng nghe, bắt học thuộc lòng và sau đó xé mất. Đó là bài thơ có tựa đề là “Đảng tử sám hối“. Trong bài có những câu tự vấn lương tâm và thói kiêu ngạo một thời:

 

Ta dại khờ múa hát giữa ngàn hoa
Ca bóng tối cứ ngỡ là ánh sáng
Ta ru hồn ta tháng ngày bịnh hoạn
Với kiêu sa dị hợm chút tài hèn
Hỡi cánh diều căng gió vút bay lên
Ngạo nghễ lắm mà quên dây sắp đứt
Mũi tên oan phóng đi không thương tiếc
Lưỡi gươm đau chém nát đóa môi cười
Anh nhìn anh xưa thế đó em ơi
Những đổ vỡ của một thời lang bạt…
“.

 

Tôi tin là Duyên Anh thật sự sám hối. Hy vọng ở bất cứ nơi nào trên thế giới này chị Phương (vợ của Duyên Anh) và các cháu cũng như những ai một thời là bằng hữu của ông, hoặc từng thù ghét ông sẽ đọc được những câu thơ này bằng tấm lòng độ lượng đối với một người đã không còn trên cõi đời này.

Đoàn Thạch Hãn

 

Phụ Đính:

§  VỀ CHÚT QUAN HỆ GIỮA HAI NHÀ VĂN NGUYỄN MẠNH CÔN VÀ DUYÊN ANH TẠI TRẠI CẢI TẠO XUYÊN MỘC NHỮNG NĂM TRƯỚC 1980

….. Khoảng tháng 10.1979, 150 tù cải tạo còn lại tại Long Thành được chuyển lên khu B, trại Xuyên Mộc.

Vừa bước xuống những chiếc xe khổng lồ nhuộm màu đất đỏ Bà Rịa, những con người đã sống nhiều năm ở thị thành bỗng nghe vang rền bài ca vượn hú chim kêu. Có một loài chim hót vang đều hai tiếng mà người lạc quan nghe ra là “tết về, tết về”, còn người bi quan thì lại nghe “hết về, hết về”.

Trong chuyến đi này, tù Long Thành có ít nhất ba cụ già được nhiều người biết: cụ Nguyễn Bá Lương, cựu Chủ tịch Hạ viện VNCH, cụ Nguyễn Văn Tho, cựu Trưởng khối Dân tộc Thượng Nghị Viện và cụ Cao Xuân Thiệu, một viên chức cao cấp lâu năm của chế độ cũ, cháu trực hệ của đại thần Cao Xuân Dục, Thượng thư bộ Học, Phụ chánh đại thần triều Duy Tân. (Từ “cựu” sử dụng trong trường hợp người đang được nói tới không còn giữ chức vụ trong một thời gian trước ngày 30.4.1975)

Trong số những người được chuyển đến trại trước chúng tôi, có ít nhất bốn người thuộc thành phần văn nghệ sĩ: nhà văn Duyên Anh, đội trưởng đội rau xanh số 17, nhà trưởng nhà 2 (tạm gọi theo thứ tự từ nhà 1, tính từ hàng rào trở vào), họa sĩ Đằng Giao, đội trưởng đội rau xanh số 19, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, tác giả những tập truyện nổi tiếng: Kỳ Hoa Tử, Truyện Ba Người Lính Nhảy Dù Lâm Nạn… và học giả Hồ Hữu Tường.

§  VỀ NHÀ VĂN NGUYỄN MẠNH CÔN

Vừa nhập trại Xuyên Mộc vào buổi chiều thì buổi tối chúng tôi nhận được tin “nóng” đầu tiên về Nguyễn Mạnh Côn. Nghe kể rằng cách đó mấy ngày, trong một buổi sinh hoạt có cán bộ trại tham dự, ông Côn đứng lên dõng dạc tuyên bố là thời hạn ba năm cải tạo đã hết, ông cần được đối xử như một công dân. Các tù chính trị trẻ thuộc thành phần hiện hành vốn ngưỡng mộ nhà văn, cũng nhao nhao lên đồng tình ủng hộ.

Cuối cùng ông Côn bị kết tội xách động và bị biệt giam. Khoảng một tuần lễ sau, có tin gia đình ông lên thăm nuôi, bị từ chối cho gặp, vì theo qui chế trại giam, người bị kỷ luật biệt giam không được hưởng những ân huệ hay quyền lợi như người tù bình thường, như không được ăn đúng khẩu phần, không được thăm nuôi …

Không nhớ bao lâu sau nữa, ông Côn được thả về nhà ở cũ (nhà 2), có lẽ do lúc đó, sức khỏe của ông đã gần suy kiệt. Buồn hơn nữa là vào một buổi trưa đi lao động về, nhiều anh em được tin sáng hôm đó, mấy cậu trật tự (là quân phạm của chế độ mới) dẫn giải nhà văn lên cán bộ trực trại (một người tên Hưng, một người tên Độ) vì bắt quả tang ông Côn lục túi đựng đồ đạc của một đồng phạm, lấy một gói mì tôm. Sự tủi nhục của một con người đến mức đó là cùng.

Nhiều bạn tù với ông không nghĩ là ông tệ đến thế. Trong đời sống trại giam, việc hai ba người góp gạo ăn chung với nhau là chuyện phổ biến, việc ông Côn lấy gói mì của một người ăn chung, hay của một người thường xuyên chia sớt cơm gạo với ông, và bị bọn trật tự muốn lập công làm nhục là điều có thể xảy ra.

Lúc bấy giờ, nhà 1, nơi tôi ở, với nhà 2, nơi ông Côn ở (nhà trưởng là Duyên Anh), chỉ cách nhau khoảng 8 mét, ngăn đôi bằng một hàng rào kẽm gai. Chiều chiều, anh em mỗi nhà tập trung ngoài khoảng sân bên hông nhà, ngồi thành hàng lối để các cán bộ trực trại đến điểm số và lùa vào nhà, khóa cửa lại.

Một buổi chiều, tôi ngồi chờ điểm số, ngó sang sân của nhà 2 qua hàng rào kẽm gai và nhìn thấy ông Côn ngồi ở đầu hàng. Ông gầy rộc như một bộ xương, thần sắc ông không còn một chút tinh anh nào, và tôi linh cảm một kết thúc đang đến rất gần với ông. Thật vậy, chỉ mấy ngày sau là ông qua đời.

Sau này, nghe đâu, sự biệt giam và cái chết của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn là một trong nhiều lý do khiến nhà văn Duyên Anh phải hứng chịu những cách hành xử thô bạo ở nước ngoài. Người ta qui một phần trách nhiệm cho anh với tư cách là nhà trưởng nơi ông Côn ở. Đây là điều mà chỉ những người sống ở nhà 2, gần gũi, thân tình với cả 2 người có liên quan mới có thể nắm được mọi tình tiết. Riêng người đang kể câu chuyện này chỉ có một hình dung rõ nét về một nhà trưởng Duyên Anh mỗi chiều thường xuyên chạy ra chạy vào thét lác anh em sớm tập họp điểm số. Phải chăng sự “năng nổ” và có phần nóng tính này là nguyên nhân gây ra những tai tiếng về anh?

Khác với Duyên Anh là đội trưởng đội Rau xanh số 17, họa sĩ Đằng Giao (Trần Duy Cát), đội trưởng đội Rau xanh số 19, là con rể nhà văn Chu Tử, sống điềm đạm hơn, ít nói hơn (có lẽ do anh không làm nhà trưởng), nên về sau này, không ai gán cho anh tai tiếng gì. Tôi chỉ có một kỷ niệm nhỏ về anh: ngày đó, ngôi nhà chúng tôi đang ở cần tu sửa gấp, chúng tôi bị phân tán đi nhiều nhà, tình cờ, tôi “lạc” vào nhà có Đằng Giao ở và cơ duyên đưa đẩy anh và tôi được một lần nằm cạnh nhau, kể chuyện cho nhau nghe gần suốt một đêm dài…

(Trích bài Facebook ngày 29.4.2020)

<https://www.facebook.com/lenguyenpd/posts/2873550942742863>

§  Ý KIẾN THÊM:

Ai cũng biết rằng trong đời sống ở trại cải tạo, các đội trưởng, nhà trưởng là gạch nối giữa anh em tù và cán bộ trại. Với anh em tù, họ là người đại diện, trình bày ý kiến, nguyện vọng của anh em với cán bộ và ban giám thị trại. Nếu là người tốt, họ sẽ vẽ vời những điều có lợi cho anh em, che giấu những điều có thể khiến cho anh em bị trừng phạt; nếu là kẻ xấu, họ có thể “lập công chuộc tội” bằng cách báo cáo những khuyết điểm có thật hay không có thật của tập thể đội hay của từng cá nhân một, nhất là những cá nhân mà họ có hiềm khích riêng.

Vì thế, với trường hợp nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, trước khi chết, ông là đội viên thuộc đội (và nhà) của đội trưởng đội rau xanh số 17 kiêm nhà trưởng Vũ Mộng Long (Duyên Anh), thuộc khu B trại cải tạo Xuyên Mộc, nên nhiều năm sau, dư luận chung liên kết cái chết đó với vai trò của Duyên Anh tại trại. Thật ra, như phần trên tôi đã viết, ông Côn đã bị biệt giam do lời tuyên bố công khai trước tập thể mà cán bộ trại cho là xách động; với tư cách đội trưởng, nhà trưởng, Duyên Anh có muốn bao che hay biện hộ cũng không được. Mặt khác, lý do về chuyện ông Côn bị trừng phạt đã khá rõ ràng, việc bổ sung vào đó hành vi xấu của Duyên Anh đối với ông là điều đòi hỏi phải có những chứng cứ rõ ràng, cụ thể.

Tòa án tư pháp, tòa án công luận hay tòa án lương tâm đều có một điểm chung: mọi kết luận và biện pháp áp dụng đều phải dựa vào những chứng cứ cụ thể, sự suy diễn theo cảm tính hay bằng một ý thức chính trị cực đoan có thể góp phần tiêu diệt oan uổng số phận một con người.

Chuyện về Duyên Anh đã trở thành quá khứ từ lâu, chúng ta cũng nên ngẫm nghĩ lại để có những nhận thức và quyết định sáng suốt trong tương lai.

Lê Văn Cẩn
Cựu sv khóa 10 HVQGHC

Tù cải tạo tại Xuyên Mộc những năm 1979-1982

Từ trang QGHCUC

  

No comments: