Friday, March 4, 2022

Duyên Phận - Nguyễn Thạch Giang

 

DUYÊN PHẬN


Trời mưa rỉ rả suốt ngày, buổi trưa quán im lìm không có một người khách. Hai bà bếp mỗi người một kiểu dựa lưng vào ghế vừa ngồi vừa ngủ… được lúc nào hay lúc đó. Anh chàng phục vụ thì lủi vô góc ôm cái phone. Buồn tình Thuý mở dàn máy nghe nhạc sến. Nàng bước đến cửa sổ nhìn ra bên ngoài, góc phố quen thuộc tưởng như mãi không rời xa. Dưng không bà già bảo gởi giấy tờ làm hồ sơ bảo lãnh. Hồi nào tới giờ không tính chuyện đi, từng tuổi này qua đó làm gì?

Đang mơ màng suy nghĩ vẫn vơ, thằng Tôm ở đâu lù lù xuất hiện làm Thuý giật mình. 

 Chị Thuý bữa nay nghe ngâm thơ nữa à! 

Mày đừng vừa nói vừa trề môi xấu lắm. 

Thằng Tôm bước đến bên Thuý nắm tay lắc lắc, "đừng kêu mày tao với em. Báo chị một tin vui, hồi sáng này em thấy anh Dân, ảnh ngồi xe ôm với một cái túi xách bự, chắc là ở ngoài quê mới vô".

Thuý bước đến ngồi xuống ghế, mỗi lần nhắc đến người đàn ông đó là tâm hồn xao động. Thằng Tôm quá biết chị Thúy thương anh Dân, thương thiệt là nhiều không biết để đâu cho hết mà ngày qua tháng lại vẫn chưa có được một vòng tay ôm. Nhìn chị Thuý đôi mắt đượm buồn ngó mưa rơi, thằng Tôm bước đến gần tìm cách an ủi.

Em thấy anh Dân cũng hiền, là người đàng hoàng tử tế mà lại chưa vợ. Nếu chị thật lòng thương ảnh thì tìm cách tiến tới, chớ hai người cứ ngồi một chỗ hoài thì biết đến bao giờ mới mở được cánh cửa thiên đàng. Chị à, ngày xưa Đường Tăng còn chưa thoát được vòng vây của yêu nữ. Nếu chị không mồi chài giăng bẫy thì làm sao mà tóm được con mồi.

Em cưng ơi, chị không phải là yêu nữ mà cũng không có pháp thuật. Nhưng chị nói thiệt với em, chị thà là ôm gối ngủ một mình… chớ không giăng lưới quăng bắt một tình yêu mơ hồ.

Thằng Tôm chợt đứng lên, thôi đi má ơi, hơi giống tiểu thuyết ngôn tình.

Rồi trời mưa trời gió Tôm đi đâu đây.

Hồi sáng tới giờ chạy bở hơi tai mà không đào đâu ra được mười triệu. Ngày mai em đi Thái Lan.

Với bạn trai?

Em mới vừa quen, đẹp như người mẫu nội y, rủ đi đâu cũng đi không hề từ chối.

Chị cũng chịu em luôn, có bao nhiêu tiền cũng đem cho trai ăn.

Thằng Tôm cười hì hì, vậy mà vui, ở đời có qua có lại. Chị có biết bà Tám nhà ở xóm Cống Quỳnh không?

 Biết. 

Hồi nào tới giờ em có kẹt tiền thì hỏi bả. Mười triệu trong vòng một tháng trả mười một. Bữa nay bả nói không cho vay, có đồ đem thế thì được. Em năn nỉ bà dì cả buổi trời mượn chiếc cà rá hột xoàn đem cầm. Bà Tám làm khó đòi giấy rì xíp. Ở đâu mà có hoá đơn với lại rì xíp. Cái miệng đã xấu mà bày đặt nói tiếng Anh. 

Thằng Tôm móc trong túi lấy chiếc cà rá ra khoe, "của đứa cháu mua từ bên Mỹ tặng bà dì. Chị thấy có đẹp không? Để gần ánh đèn chiếu lấp lánh, gì chớ ban đêm không dám đeo đi ngoài đường. Chị làm ơn làm phước giúp em lần này, trong vòng một tháng em sẽ trả lại, người ta tính lời bao nhiêu em trả chị bấy nhiêu".

Thuý bước lại tủ lấy tiền đưa thằng Tôm. "Nè, cho Tôm mượn năm trăm đô, khi nào trả lại cũng được. Chiếc cà rá em đem lại trả bà dì, chị Thuý không lấy tiền lời tiền lãi gì đâu".

Cám ơn chị nhiều, biết là hỏi chị thế nào cũng được. Tôm qua Thái Lan, chị thích gì Tôm mua tặng chị.

Thằng Tuấn mở cửa bước vào vừa đi vừa nói quán xá gì mà vắng teo, nó bước đến gần Thuý miệng bô bô chào bà chủ quán xinh đẹp nhất xóm mà vẫn còn độc thân. Nó ngạc nhiên nói ủa có thằng Tôm ở đây nữa, chú Tôm đẹp trai mà người lúc nào cũng thơm thoang thoảng.

Thằng Tôm nghe khen thì khoái mặc dù đôi lúc nó nói thằng Tuấn ăn nói nham nhở.

Thằng Tuấn nói xéo bên kia đường vừa mở quán phở đuôi bò. Nghe đâu ông chủ là Việt kiều Cali, phở nấu kiểu Mỹ giá mắc bỏ mẹ. Vậy mà quán đông không có chỗ ngồi, hồi sáng mình mới làm một tô đặc biệt một trăm ngàn. Chị Thuý có thử qua chưa?

Chưa.

Vậy để em đãi chị một tô, mặc dù mình cũng bán quán cơm nhưng cũng phải thử qua cho biết, coi ngon lạ bổ rẻ ra sao mà thiên hạ xếp hàng đứng đợi, phải không chị.

Thằng Tuấn xoay qua phía thằng Tôm: À chú em Tôm đẹp trai, nó vừa nói vừa bóp bóp vai thằng Tôm, em có rảnh chạy qua mua ba tô, cho chị Thuý với hai anh em mình cùng ăn cho vui. Em cưng dễ thương.

Em Tôm được anh Tuấn bóp vai thì hồn xiêu phách lạc lật đật chạy đi mua. Anh Tuấn bao nhưng em Tôm trả tiền. Thuý nhìn theo cái dáng điệu lính quýnh của nó mà cười thầm trong bụng, mới vừa năn nỉ ỷ ôi mượn được mười triệu, chưa kịp bước ra khỏi cửa mẻ hết mấy trăm ngàn.

Có một ông đạo mở cửa quán bước vô, không biết ông theo đạo gì, mặc áo dài màu lam đầu cạo trọc. 

Ông đạo ơi, ở đây không có bán cơm chay. 

Dạ không, tui không có đi tu, tui ăn mặn. Tui có việc đi ngang đây, trời mưa lớn quá xin phép bà chủ cho tui ngồi đụt mưa một chút rồi tui còn phải đi về coi chừng hai đứa con còn nhỏ.

Mọi người im lặng thấy có vẻ hơi bị hố.

Tui ở tận dưới miệt Tri Tôn núi Cấm. Hồi nhỏ nhà nghèo vô chùa làm công quả ăn cơm chùa. Sư thầy có quần áo cũ cho gì mặc nấy, riết rồi quen mặc áo lam từ đó cho đến giờ. Tui hồi nào tới giờ hổng có vợ, nhà tui đơn chiếc chỉ có hai mẹ con, tui làm công ai mướn gì làm đó, sống đắp đỗi qua ngày. 



Má tui chết mấy năm rồi. Lúc bả chết trong túi tui không có lấy một đồng. Vậy mà lúc bả chết rồi, tui bây giờ lúc nào cũng có tiền, chắc nhờ má phù hộ độ trì cho con, nhắc lại thấy nhớ bả làm sao! Thấy tội nghiệp má tui quá chừng. Lúc về già bà hơi quên, khi nhớ khi không, có lần bà đi lạc không biết đường về, người quen phải đưa về dùm. Mỗi chiều đi làm về, việc đầu tiên là tui chạy đi coi má còn ở nhà không. Sợ bả đi lạc. Hoàn cảnh đơn chiếc cũng khổ. Má tui lúc già yếu ít nói, làm thinh ngủ hoài. Có nhiều khi nửa đêm thức giấc, thấy má tui nằm im re tui hết hồn, đứng nhìn chờ thấy bà thở mới yên tâm trở vô ngủ tiếp.

Sao hồi nãy chú nói phải đi về coi chừng hai đứa con còn nhỏ?

À à hai đứa con nuôi, số là như vầy nè để tui kể hết cho nghe, tui thì hoàn cảnh đơn chiếc, nhà nghèo mẹ goá con côi, việc làm khi có khi không, làm bữa nào ăn bữa đó đâu dám xin con nuôi làm gì, một đứa sợ còn nuôi hổng nổi làm gì nuôi tới hai. Một hôm tui vừa đi làm về tới nhà, có hai đứa nhỏ bộ dạng thất thểu đi ngang té quỵ. Người tụi nó xơ xác đầy ghẻ, hai đứa ho sù sụ thấy thiệt là thảm thương. Tui lật đật đưa vô nhà thương cấp cứu. Sau này mới biết cha mẹ tụi nó chết bất thình lình, bỏ lại hai chị em bơ vơ không bà con không nơi nương tựa. Cha mẹ tụi nó là người có học thức, ở đâu trôi giạt về đây chớ không phải người xứ nầy. Vì tui là người đưa nó vô nhà thương nên phải lãnh tụi nó về. Tui không biết tính sao, định đưa lên xã giao cho mấy ổng giải quyết. Hai đứa nó ôm chưn tui cứng ngắt, nhìn đôi mắt buồn bã của tụi nó tui thấy tội nghiệp quá không đành lòng. Tui nói nhà ông nghèo lắm con có chịu ở với ông không. Thằng nhỏ chỉ biết gật đầu, con chị khôn hơn vừa nói vừa khóc ông ơi làm ơn cứu chúng con, làm ơn cứu chúng con.

Rồi đâu cũng vào đó, thêm hai miệng ăn cũng chẳng tốn kém gì. Vậy chớ nhờ có hai đứa nó hủ hỉ quanh quẩn trong nhà cũng đỡ quạnh hiu. Lúc má tui yếu quá cũng nhờ hai đứa nó giúp một tay một chân. Má tui chết hai đứa nó cũng để tang cho bà, khóc còn nhiều hơn tui. Mình đâu có tính chuyện nuôi con nuôi, tự nhiên ông trời mang tới. Vậy chớ bây giờ đi đâu thấy nhớ lắm lẹ lẹ về.

Hai đứa có khai sanh đàng hoàng, đứa nào cũng tên Hiếu. Thằng con trai tên là Lê Trung Hiếu, con gái tên Lê Thị Thanh Hiếu. Thằng con trai bữa nay mười tuổi rồi, học giỏi lắm, hạng nhứt lớp. Con chị mười ba, vậy chớ cao lớn như con người ta mười lăm mười sáu. Da trắng mũi cao tóc dài chấm đít, hai chị em đi ra đường ngó như con nhà giàu. Đứa con gái càng lớn càng đẹp, chiều nào cũng có mấy đứa trai làng tụ tập trước nhà dòm ngó chọc ghẹo. Tui ra đuổi tụi nó cũng không chịu đi. Tui thấy coi bộ không xong, tui nói con còn nhỏ mà để chi tóc dài thậm thượt, cắt tóc ngắn cho gọn. Nó cũng nghe lời, con tui tui nói cái gì tụi nó cũng nghe, không bao giờ cãi. Tưởng cắt tóc ngắn cho giống con nít, cho xấu bớt, vậy mà không xấu, cũng còn đẹp. Quần áo tui mua cho mỗi đứa một bộ, để dành đi đây đi đó. Ở nhà chỉ mặc đồ cũ của người ta cho, cái thì rộng cái thì chật, cái thì dài thòng cái thì cụt ngủn. Vậy mà mặc vô không thấy xấu. Con nhỏ có cái đẹp trời sanh.

Đẹp trời xanh?

Thằng Tuấn lên tiếng hỏi. Nảy giờ mọi người làm thinh nghe ông đạo núi Cấm kể chuyện hay quá. Hai bà bếp phía sau cũng chạy ra ngồi nghe.

Trời sanh ra đẹp, đẹp trời sanh.

À à hiểu rồi, đẹp trời cho, trời cho đẹp. Sắc đẹp không cần dao kéo.

Ông đạo ơi, chú ơi! Con trai học giỏi, con gái thì đẹp, chắc mai mốt chú được nhờ.

Người đàn ông cười mỉm, đôi mắt nhìn xa xăm.

Học giỏi đi làm phải lên thành phố chớ đâu có ở dưới quê. Rồi tụi nó đủ lông đủ cánh sẽ bay nhảy tứ phương. Giàu sang thì vợ con nhờ chớ mình không dám mong.

Nghe ông đạo kể chuyện một cách chơn chất thật tình, Thuý thấy có nhiều cảm tình với người đàn ông nghèo khó sống một mình nuôi mẹ. Nàng nói với ông đạo:

Chắc chú chưa ăn gì, ở đây có bán cơm gà rô ti, cơm gà xào xả ớt, cơm tấm bì sườn, cơm xào đồ biển, chú muốn ăn món gì?

Người đàn ông móc túi lấy xấp tiền ra đếm. Đôi bàn tay mân mê những tờ giấy bạc còn mới, xong bỏ vào túi trở lại. Ông ngập ngừng: "chút mưa tạnh tui đi về, tiền có chút đỉnh để dành lo cho hai đứa nhỏ đi học".

Nghe ông đạo nói Thúy chợt thấy động lòng, cảm mến người đàn ông nghèo khổ một lòng thương mẹ thương con.

Chú muốn ăn gì cháu đãi, chú đừng ngại gì cả.

Cám ơn cô chủ, ở đây ai cũng vui cũng tốt. Cô cho tui một dĩa cơm ăn dằn bụng là được rồi, cơm nhiều thịt ít cũng được.

Ăn cơm xong ông đạo lấy từ trong túi giỏ đệm ra một chậu cây nhỏ để lên bàn, ông nói với Thúy:

Cây này là cây Ngải rù quến, mình nuôi nó để nó trong nhà sẽ giúp mình giữ được người thân không bỏ đi, có đi đâu bôn ba rồi cũng sẽ trở về. Nếu mình buôn bán làm ăn, khách sẽ rủ nhau tìm tới, nó là loại "ngải rù quến". 

Thằng Tuấn và thằng Tôm chạy đến cầm lên ngắm nghía:

Có thiệt hông ông đạo, hồi nào tới giờ nghe người ta nói bùa mê thuốc lú mà chưa từng thấy qua, giờ lại có thêm màn "Ngải rù quến".

Ông đạo trầm ngây lát, kể rõ đầu đuôi sự tình.

Số là một hôm tui đi trong núi, thấy có một cây nho nhỏ như cây rau thơm mọc trong vách đá. Cây có bông nhỏ màu tim tím, ong bướm bay lượn dập dìu, thấy ngộ tui bứng đem về nhà trồng. Sau mới biết đó là cây Ngải rù quến, cây này hiếm quý lắm, ai có duyên mới nuôi được nó. Bà chủ quán cơm bình dân xóm tôi ở, một hôm bà đến nhà tui mướn tui làm cỏ sân vườn nhà bả, bà thấy cây Ngải này của tui bà xin đem về nhà nuôi. Từ ngày nuôi cây Ngải đó quán cơm của bà lúc nào cũng đông khách, từ sáng tới chiều. Bà thưởng tui ba triệu còn dặn hễ vô núi có thấy thì mang về cho bà.

Chắc cô chủ cũng biết bà Bồng Lai là chủ khách sạn Bồng Lai ở đầu ngã tư đường này. Bà làm ăn thất bại, tiền bạc sa sút, ông chồng bỗng dưng mê gái bỏ bê nhà cửa quán xá tiệm tùng. Cách đây ba tháng bà có về đám tang người thân ở vùng núi Cấm. Không biết  bà nghe ai nói, bà đến nhà tìm tui hỏi vậy chớ có phải tui có cây Ngải khiến người bỏ đi cũng phải quay về. Bà chuộc cây Ngải tui nuôi trong nhà, còn dặn là khi nào tui có thì đem lên cho bà một cây nữa. Hôm nay tui lặn lội đường xa đem lên cho bà, ai có dè đâu hai vợ chồng làm lành, bữa nay dẫn đi du lịch mấy ngày nữa mới về.

Ông đạo nhìn Thuý rồi nói với nàng:

Cô chủ ơi, ở đời có nhiều cái duyên đưa tới mình không biết trước. Tự nhiên hôm nay tui tạt vô đây mà không ghé chỗ nào khác, hôm nay tui mang cây Ngải này cho người khác không gặp, lại gặp cô, cô cứ giữ cái cây Ngải này đi coi như quà tặng đặc biệt của tui, sẽ giúp cô buôn may bán đắt, người đàn ông của cô sẽ mãi không rời xa. 

Thuý cố gắng không bật khóc. Lời nói đó thật sự đánh nàng gục ngã.

Thuý nằm trùm mền vừa nghe nhạc vừa coi phim. Hết phim hành động tới phim kinh dị, hết nhạc sến xoay qua nhạc sang. Mưa vẫn còn mưa rỉ rả bên ngoài, thích nhất là ngủ trong chăn êm nệm ấm khi ngoài trời mưa gió. Trằn trọc nhớ chuyện đâu đâu. Nhớ đến  ông đạo ở núi Cấm ban chiều, tướng tá điệu bộ quê mùa mà sao biết nói nhiều điều thâm thuý.

Thuý nghe mơ hồ hình như có tiếng gõ cửa, hình như có ai gọi tên mình. Thuý chạy xuống lầu, nàng sững sờ khi thấy người đàn ông không đợi mình mẩy ướt mê.

Ối trời, anh Dân.

Anh ở ngoài quê mới vô hồi sáng nay, có hẹn với chú Tư tối nay về nhà chú ở tạm vài bữa rồi kiếm chỗ ở trọ. Nãy giờ gọi chú hoài không được, lang thang từ sáng tới giờ, hết người này tới người khác kêu nhậu. Từ chối không được, uống nhiều say quá lại mắc mưa, người thấy lạnh run khó chịu. Thuý làm ơn cho anh vô thay đồ ngồi chờ một chút nhe.

Được mà, được mà đâu có gì. Để em nấu chút cháo thịt cho anh ăn uống thuốc.

Thấy anh có vẻ mệt, anh có muốn cạo gió không. 

Chắc thôi không cần, Thúy cho mượn chai dầu nóng, sao anh thấy lạnh quá.

 Người đàn ông thoa dầu lên trán, lên cổ lên bụng, rồi tự nhiên nhờ Thuý thoa lên bờ vai, sóng lưng. Thuý ngồi bên cạnh bàn tay xoa nhẹ người thương mà lòng lâng lâng một cảm xúc khó tả.

Anh Dân cứ nằm trên giường em mà nghỉ, đừng ngại gì hết, chắc anh bị cảm lạnh, uống thêm một viên thuốc nữa nhe. Em chơi một lần hai viên đâu có sao.

 Dân cầm ly nước uống thuốc, xong nằm xuống trùm mền. Thuý muốn nói chuyện, nhưng anh mệt quá say quá, nằm chút xíu là ngủ vùi. Thuý bước đến tắt đèn, leo lên sofa nằm ngủ. Trong lòng vẫn còn cảm giác lâng lâng khó tả. Không bao giờ dám mơ đến ngày người đàn ông này nằm ngủ trên giường của mình. Một cảm xúc khó tả khi xoa nhẹ bàn tay lên tấm lưng trần. Một hơi hướm đàn ông quyến rũ như vẫn còn lảng vảng quanh đây. Thuý nhớ đến lời ông đạo nói ban chiều, ở đời có nhiều cái duyên tự tìm đến. Nàng thầm cầu mong cho người đàn ông của mình sẽ mãi không rời xa khi chìm dần vào giấc mộng.


Nguyễn Thạch Giang

 

No comments: