Phố
xá Las Vegas tấp nập, nhộn nhịp suốt ngày đêm. Có những điều rất tương phản mà
vui vui. Đêm, đèn thắp sáng choang. Thành phố không có một phút nào ngủ. Ngày,
có thể ngắm bầu trời hoàng hôn sẫm tối bên trong khuôn viên những khách sạn. Đó
là những vòm trời nhân tạo nhưng trông “rất thật”. Các khu vực khách sạn nối
kết với nhau như những phần của một thành phố. Nơi đó diễn ra những trò chơi,
những show ca nhạc, xiếc, ảo thuật, hoạt cảnh, và, dĩ nhiên, những sòng bài.
Thật
ra có những người đến Las Vegas không để đánh bài. Họ tìm một không gian thu
nhỏ gồm những biểu tượng của một số nơi nổi tiếng trên thế giới. Họ vui với tháp
Eiffel và Khải Hoàn Môn của Paris, Tượng Nữ Thần Tự Do của New York, những
tượng nhân sư của Ai Cập, hay những tượng thần La Mã; đi thuyền trên dòng kinh
ở thành phố Venice thu nhỏ… trên lầu, rồi thưởng thức nhạc nước, ăn uống… nội
chừng đó cũng đã chiếm hết bao nhiêu thời gian rồi, không còn rảnh để vào
casino…
Tịnh
thưởng thức những thú vui tao nhã ấy, và tay luôn cầm máy để chụp ảnh, quay
phim. Chị thầm cám ơn những kiến trúc sư đã thu gọn thế giới vào một nơi. Nhưng
chị thấy vẫn còn thiếu một cái gì. Tịnh đi rảo trên phố, “phố thật”, nghĩa là
phố ở ngoài trời. Những chú chuột Mickey, cô chuột Minnie, vịt Donald, những vũ
công mặc áo váy gắn lông công vui mắt, những “robot-người” đứng làm động tác
cứng ngắc… mời gọi khách qua đường chụp hình cùng, và nhận những đồng tiền
“tip”.
Đi
tìm một cái thiếu. Tịnh tự cười nhạo chính mình.
Tịnh ngừng lại trước hai người nhạc sĩ trên cây cầu vượt nối liền hai khách
sạn. Họ đang chơi ghi-ta một bản song tấu nhạc Mexico. Một người chơi đàn thùng
còn người kia đàn điện. Tịnh vốn thích thưởng thức lối chơi nhạc trên đường phố
như vậy. Chị hay dừng lại để nghe cho trọn vẹn một bản nhạc rồi mới rời đi, sau
khi đã gửi vào chiếc hộp hoặc thùng giấy của họ vài đồng bạc. Có khi họ là
những nghệ sĩ khá lành nghề, họ hát hoặc đàn để bán đĩa CD nên không để cái hộp
đựng tiền tip, mà họ có bàn bày bán CD, nhận tiền mặt hoặc tính tiền trong thẻ
tín dụng. Khách hàng ái mộ có thể tốn mười hay mười lăm đồng để mua một CD.
Nhưng hai người nghệ sĩ này thì không có CD để bán. Họ cũng không hát nhạc có
lời. Họ diễn tả ý nhạc qua những ngón tay đàn. Tịnh đứng nghe chăm chú. Nhưng
vẫn thấy thiếu một cái gì.
Bỗng
dưng Tịnh muốn chụp ảnh chung với hai người nghệ sĩ này. Tịnh nhờ một người
đứng bên cạnh chụp ảnh giùm, và đến ngỏ lời mượn một cây đàn để chụp ảnh. Người
nhạc sĩ cao lêu nghêu tình nguyện đưa cây đàn thùng cho Tịnh. Nhưng người kia
lại vội giành trao cho Tịnh cây đàn điện của mình. Tịnh mỉm cười, đeo cây đàn
ghi-ta điện vào. Tịnh khảy vài nốt nhạc. Bỗng thấy như rõ từng chi tiết trước
mắt, hình ảnh cô bé học lớp Tám ở Sài Gòn ngày xưa đàn hát trong ban nhạc “Les
Fantasques” của anh cả, đi “lưu diễn” ở các sân khấu học trò. Cô bé nhỏ chút
xíu khệ nệ vác cây đàn điện to cao gần bằng mình, vậy mà cũng “làm ra trò”. Rồi
sau này thỉnh thoảng lại có dịp “phải” chơi đàn điện. Cô sinh viên lên sân khấu
đại học vác cây đàn điện vẫn còn quá nặng so với sức của mình, đàn hát những
bài tình ca. Thật lạ đời!
Ảnh
đã được chụp xong. Tịnh toan trả cây đàn, nhưng người cao lêu nghêu hỏi ngay:
– Cô có muốn đàn một bản với tôi không?
Tịnh thú vị đáp:
– Được ạ. Nhưng tôi chưa nghĩ ra bản gì.
– Không sao, cứ từ trong tâm mình mà đàn ra thôi!
Vâng.
Cứ từ
trong tâm mình! A, anh chàng nhạc sĩ nầy hay nhỉ! Tịnh có một khúc nhạc ở đâu
đó trong trí mà không nghĩ ra lời. Tịnh nhớ thoang thoáng bản “Stand by me” mà
các nghệ sĩ đường phố khắp thế giới đã hát cùng nhau và phối lại nhờ kỹ thuật
thông thường trong thu âm. Đứng bên tôi! Tịnh từ từ nhớ lại và sắp xếp lời
trong đầu vì bản nhạc này chị không thường hát. Trong khi đó thì Tịnh và người
nhạc sĩ kia cứ hát “La la là là lá lá là….” theo âm điệu của “bài nhạc không
tên không lời” đang được chơi một cách tùy ý. Ấy vậy mà lại thành một bản vui
vui. Thế là cứ “la la la”, và cái hộp của hai người nghệ sĩ đường phố cứ đầy
thêm với những tờ giấy bạc, những đồng xu đủ loại.
Thế
rồi cũng đến lượt “Stand By Me”. Nhạc có lời. Nhưng sao Tịnh vẫn cảm thấy có
một cái gì thiếu thiếu…
– Xin cho tôi nghe bản “Rừng Lá Thấp”! (*)
Tịnh
giật mình. Tiếng nói phát ra bên phía đối diện, sau những người qua lại tấp
nập. Một người xuất hiện. Một người đàn ông ngồi trên xe lăn. Người ấy lăn xe
đến gần, nhắc lại:
– Xin hát cho tôi nghe bản “Rừng Lá Thấp”.
Hai
người nghệ sĩ ngạc nhiên không hiểu. Tịnh nghe hiểu nhưng chưa biết mình phải
làm gì. Tịnh nhìn kỹ người đàn ông trên chiếc xe lăn đã đến gần trước mặt. Có
một nét quen quen nhưng không hẳn là quen. Người khoảng ngoài sáu mươi tuổi,
nói tiếng Việt, là một người Việt Nam. Chiếc xe lăn và bộ quần áo lính mặc trên
người đã nói lên tất cả.
– Chào ông!
– Chào cô! Tôi đoán là cô có thể hát bản “Rừng Lá thấp”. Đúng không?
Tịnh
nghẹn ngào:
– Vâng.
– Vậy xin cô hãy hát cho tôi nghe.
Tịnh
quay sang người nghệ sĩ cầm đàn thùng:
– Xin lỗi ông, tôi muốn chơi cây đàn thùng, được không ạ?
– OK, không sao cả.
Hai
người đổi đàn cho nhau. Anh bạn kia cầm hai cái “đùi gà” (maracas), hỏi:
– Chúng tôi phụ họa cho cô. Bản nhạc điệu gì?
– Bolero.
– Được.
– Các ông cứ chơi theo tôi, thật chậm, thật tình cảm nhé! Tôi bắt đầu trước.
Và
như thế, “Rừng Lá Thấp” bắt đầu.
“Rừng
lá xanh xanh cây phủ đường đi
Thành phố sau lưng ôm mộng ước gì
Tôi là người vui chinh chiến dài lâu
Nên mộng ước đầu tôi nghe đã chìm sâu.
Từ máy thu thanh cô nàng vừa ca
Trọn kiếp yêu anh lính khổ xa nhà
Giữa rừng già nghe tiếng hát thật cao
Nhưng giữa rừng già tôi có thấy gì đâu!”
Bỗng
như có một sự đồng cảm qua hồn nhạc, hai người nghệ sĩ kia đã hòa được với
tiếng đàn và giọng hát của Tịnh. Người lính ngồi trên xe lăn nhắm đôi mắt, trán
hơi nhăn lại như để tìm về một đoạn nào của thời tuổi trẻ. Đám đông xa lạ cũng
dừng lại. Đa số họ không hiểu lời, nhưng đã nắm bắt được ý. Trong cái dòng
người đông đảo ấy, chỉ có sự lặng thầm. Họ chăm chú nghe.
Và
cũng một khoảng đời nào trong tuổi sinh viên của Tịnh, bỗng nổi lên như một cơn
sóng. Nó không mạnh, nhưng đủ tràn bờ. Trong những ngày của một mùa hè đỏ lửa,
cô sinh viên áo trắng đi vào quân y viện băng bó cho những người thương binh,
và sau công việc cô ôm cây đàn ghi-ta thùng hát những bài nhạc “theo yêu cầu”
của họ. Cô bắt gặp nhịp đập của từng trái tim, lúc lắng chìm trong nỗi nhớ gia
đình, lúc bùng lên khi xông pha ngoài chiến trận. Cứ như thế. Có người xuất
viện, trở ra chiến trường. Có người mang thương tật suốt đời. Có người đi không
trở lại. Thế nhưng Tịnh đã hồ như thuộc lòng những bản nhạc mà họ yêu thích
nhất. Và “Rừng Lá Thấp” là một trong số đó.
“Sao
không hát cho người giết giặc trên cầu
Khi bùn lầy còn pha sắc áo xanh
Trong khói súng xây thành
Mắt quầng thâm mất ngủ
Tàn đêm khói lửa giờ chỉ cần hai tiếng mến anh
Sao không hát cho những người còn mải mê
Lá rừng che kín đường về phồn hoa
Không hát cho những bà mẹ từng đêm nhớ con xa
Hay hát cho những người vừa nằm xuống chiều qua”.
Đứa
bé Tịnh, nhóc con già trước tuổi, bị nhà trêu là “ông cụ non” vì hay ngồi một
mình trầm ngâm. Đứa bé hay suy niệm về những điều mà người khác coi là bình
thường và dễ bỏ qua. Đứa bé khi mười lăm tuổi đã có bài viết về chiến tranh gửi
đăng báo. Và sau đó, khi ở lứa tuổi lẽ ra chỉ học hành và chưng diện vui chơi
thì cô bé đi vào quân y viện băng bó vết thương cho những người thương binh.
Làm sao mà hồn nhiên như các bạn được? Nhưng là do cô đã chọn. Rồi từ chỗ chỉ
thích hát nhạc Beatles, cô đã hát thuộc những bài ca cho lính. Vì họ thích, và
họ yêu cầu. Không giống các ca sĩ trình diễn trên sân khấu vì không chải chuốt,
cô chỉ khoác chiếc áo “blouse” trắng, tóc cột gọn, và đàn hát bên giường bệnh
của họ.
“Rừng
lá xanh xanh lối mòn chạy quanh
Ðời lính quen yêu gian khổ quân hành
Nghe từ ngày thơ tiếng súng triền miên
Ðánh giặc lâu bền cho non nước bình yên.
Lời hát xin gây rung động thật lâu
Ðừng hát như chim trên vùng lá sầu
Xin thật lòng trong câu hát đầu môi
Như lính giữa rừng yêu lá thấp mà thôi…”
Người
ngồi trên xe lăn bấm nút cho chiếc xe tiến đến gần Tịnh hơn. Ông gật đầu, chớp
nhanh đôi mắt và nói:
– Cám ơn cô. Cám ơn cô rất nhiều!
Ông
đưa bàn tay ra. Tịnh bắt tay ông. Những vết chai sần trên bàn tay và những vết
sẹo trên cánh tay của ông làm Tịnh đau lòng. Còn đôi chân của ông ra sao Tịnh
không thể biết, vì đã được đắp bởi một tấm chăn. Không có ai đi cùng với ông.
Ông sử dụng chiếc xe lăn tự động nên có lẽ cũng không cần ai theo cùng. Nhưng
cuộc đời của ông thì sao? Có là đơn độc như ông đang đơn độc trên đường phố hôm
nay?
Ông
nói:
– Tôi là thương phế binh.
Tịnh
nhẹ gật đầu:
– Dạ, tôi đã đoán biết như thế ạ! Thưa ông, mong rằng ông hài lòng với bài hát
này. Tôi không phải là ca sĩ ạ!
– Tôi rất hài lòng. Tôi rất vui. Bài hát nhắc tôi một thời làm lính. Đó là bài
hát tôi thích nhất.
– Vâng, đó cũng là bài hát ngày xưa tôi được hát nhiều nhất ạ!
Người
lính gật gù. Nhìn thấy ánh mắt lo âu của Tịnh, ông nói
– Xin cô đừng áy náy cho tôi. Tuy tôi mang nhiều thương tật, nhưng tôi may mắn
đến được và sống trên đất nước tự do này. Anh em thương phế binh còn ở lại
trong nước khổ hơn tôi nhiều. Họ rất tội nghiệp.
Ông
nói “thank you” với hai người nhạc sĩ, rồi bỏ vào chiếc hộp của họ một tờ giấy
bạc. Ông chào tạm biệt và bấm nút cho xe lăn đi. Tịnh nhìn theo ông với mái tóc
hoa râm, bằng chứng của thời gian ghi dấu trên con người. Dù sao, ông chắc cũng
cảm nhận được niềm vui của người còn được tự do. Ông sẽ có những giây phút nhớ
thương bạn hữu, nhớ thương những ngày đi làm việc nước non.
Tịnh
xót xa nghĩ đến một người thương binh nằm triền miên trong Khu Tê Liệt của một
bệnh viện, khi tâm sự với cô sinh viên lúc ấy, đã nói về cảnh ngộ của ông. Bị
vợ phản bội và con gái phải gửi cho người bà con nuôi ăn học, ông chỉ mong chờ
đến ngày con của ông được mười tám tuổi, tạm gọi là lớn khôn, lúc đó ông sẽ “tự
diệt”. Ngày đó cô sinh viên đã viết nên một câu chuyện, “làm” cho người cha ấy
quyết định sống để nhìn thấy con mình lớn khôn theo dòng ngày tháng. “Ông” đã
không còn muốn chết. Còn người thương binh ngoài đời thật, sau ngày “đổi đời”,
Tịnh không còn gặp lại ông nữa. Ông có can đảm sống tiếp hay đã làm theo ý nguyện
“tự diệt”của mình? Cuộc đời thật… có khi còn bi đát hơn là truyện!
Còn
những người thương binh khác trên khắp Miền Nam, sau cuộc “đổi đời”, họ đi về
đâu? Họ bị đuổi ra khỏi các quân y viện, người mù cõng người què, lang thang vô
định. Có người về được với gia đình, có kẻ bị xã hội quay lưng hắt hủi. Không
có một sự ưu đãi nào dành cho họ. Họ sống bằng đủ loại nghề vặt vãnh để kiếm
sống qua ngày. Và, một người bạn thương binh của Tịnh, khi tình cờ liên lạc
được với nhau, đã cho Tịnh biết anh đang sống bằng nghề đàn hát dạo ở bến xe đò
miền tây. Thật ra không phải là nghề.
Anh
đi xin ăn thì đúng hơn. Rất nhiều người thương binh lang thang trên các bến xe,
bến đò, trở thành những nghệ sĩ đường phố bất đắc dĩ. Những người lính can đảm
xông pha một thuở, nay đem tiếng hát nghẹn ngào tức tưởi gửi lại cho đời. Xem
ra những bài nhạc ngày xưa Tịnh hát cho họ nghe, đến nay vẫn còn rất thịnh
hành, không phải trên làn sóng radio hay TV, mà ở những “sân khấu đường phố”.
Thịnh hành và được ưa chuộng đến nỗi một nhạc sĩ nổi tiếng thời đó đã phải bật
khóc khi thấy nhạc của ông – và ông – còn ở trong lòng nhiều người như thế.
Tịnh
trả cây đàn thùng lại cho người nhạc sĩ. Hai người nhìn chị với ánh mắt cảm
thông trìu mến. Tịnh cười trong lúc một giọt nước mắt rơi xuống. Tự nhiên cũng
cảm thấy thương mến họ, những người nghệ sĩ trên đường phố. Có lẽ ngày ngày họ
cũng từng hát những ca khúc nói lên thân phận của một nhóm người, một sắc dân,
hay cả một dân tộc nào đó. Không cần biết họ là da trắng, vàng hay đen, ai cũng
có một cội nguồn, một đoạn đời để nhớ. Tịnh bỗng không còn cảm thấy thiếu một
cái gì.
– Tạm biệt hai ông. Cám ơn hai ông nhiều lắm
– Tạm biệt cô. Hẹn gặp lại.
Không
biết một dịp nào trở lại, Tịnh có gặp họ nữa không? Duy một điều có thể, là
người ta sẽ nghe được nhạc Việt, tiếng Việt, do những người nghệ sĩ đường phố
hát. Họ không phải là người khất thực. Có thể họ cũng có một cái hộp đựng tiền
“tip” bên cạnh. Có thể họ có một cái bàn bày CD để bán. Và những lời hát, họ
hát từ trong tâm mình, từ trong kỷ niệm về một quê hương mà ra. Xưa họ hát cho
những người “bùn lầy pha sắc áo xanh”, nay những người chiến đấu đó mang thân
phận thảm thương, họ sẽ hát tiếp để vinh danh những người ấy. Họ hát cho những
người còn ở lại, hay cho những người đang sống kiếp xa nhà. Họ hát cho những
người đã hy sinh một phần thân thể cho quê hương. Họ hát cho những người đã nằm
xuống. Họ sẽ làm được một điều gì đó để tri ân đất nước, tri ân cuộc đời.
©
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
(*) Rừng Lá Thấp: nhạc phẩm của Trần
Thiện Thanh.
304Đen
– llttm – Blog Chotram
No comments:
Post a Comment