Tuesday, March 15, 2022

Sài Gòn Thân Yêu Còn Đâu - Dương Vân Đình

 

Sài Gòn Thân Yêu Còn Đâu




 

Ôi Sài Gòn thân yêu, còn đâu hình ảnh của Hòn Ngọc Viễn Ðông vui tươi, phồn thịnh ngày nào. Sài Gòn đang héo khô như hoa cỏ mùa nắng hạn. Sài Gòn đang quằn quại như người thiếu phụ trong giờ vượt cạn mà kẻ phụ tình đã cao chạy xa bay... Ở đây, địa ngục chín từng sâu.

Cả giống nòi câm lặng gục đầu,
Cắn chết hàm răng, ứa máu mắt,
Chung xiềng nhưng chẳng dám nhìn nhau.
(Mùa hạn - Tô Thùy Yên)

Làm thân cô giáo như tôi, sớm chiều phải túc trực tại trường sở để học tập đường lối chính sách mới, để được dạy dỗ rằng mình là vợ một tên lính “ngụy,” kẻ tội đồ của dân tộc! Cuộc sống là những ngày nối tiếp ngày tràn ngập lo lắng và sợ hãi. Ðêm đêm trên đường đến lớp dạy bổ túc văn hóa tại trường Lê Quý Ðôn, khi chiếc xe đạp lọc xọc chạy ngang qua câu lạc bổ thể thao (cercle sportif) trên đường Hồng Thập Tự, trái tim tôi dường như bị mũi dao đâm trúng. Trời có mưa không mà mặt tôi nhạt nhòa... “Anh ơi anh đâu rồi...?” Hình như mới hôm qua hay hôm kia thôi, chiều đến, sau giờ tan sở, chồng tôi còn về đón mấy mẹ con đến câu lạc bộ này cho các con bơi lội, chơi đùa...

Thôi giấc mơ đời đã vội tan!

Sài Gòn còn chứng kiến biết bao cảnh chia lìa vì những cuộc trốn chạy trên những chiếc bè mỏng manh như chiếc lá giữa mặt bể mênh mông trùng trùng sóng dữ hay những cuộc vượt rừng một sống mười chết giữa cạm bẫy của súng đạn, rắn độc, bọ cạp và lạc đường... Hình ảnh hai anh tôi quỳ lạy mẹ và ôm tôi từ biệt trước khi ra đi là những kỷ niệm đau đớn tận cùng, dẫu đã cố chôn vùi để quên đi nhưng mỗi năm cứ gần đến tháng tư oan khuất hay tháng 7 giỗ kỵ, nước mắt tôi tự nhiên chứa chan không sao cầm giữ được. Ðứa cháu trai 16 tuổi, đứa con trai duy nhất của anh cả tôi đang giam thân trong trại tù đã do chính tay tôi dắt cháu ra khu chợ cũ Sài Gòn để xuống tàu ở bến Bạch Ðằng trong cái ngày oan nghiệt đó.

Trước lúc chia ly, cháu nắm chặt bàn tay tôi, đôi mắt trong sáng đầy tin yêu nhắn lại, “Cô ơi, bố về cô nói giùm con yêu bố. Con đi, sẽ lo cho cả nhà”! Chuyến tàu định mệnh đó mang theo 10 người thân yêu của tôi ra đi và đi mãi vào trong lòng biển thẳm.

“Khôi ơi, cô xin lỗi con, lời nhắn của con cô đã vĩnh viễn chôn vùi vì không dám khơi dậy trong lòng bố con vết thương mãi mãi chẳng lành!”

Ðêm đêm tôi thường mất ngủ vì những toan tính lúc nào cũng ngập ngụa trong đầu. Làm sao với cái thân thể còm cõi, cô đơn này, tôi có thể gánh vác nổi một gia đình 6 con còn thơ dại, chồng mòn mỏi trong ngục tù đói khát ốm đau, mẹ già liệt nửa thân mình kèm với những cơn đau tim vật vã xác thân kể từ sau ngày hai anh và các cháu ra đi mà biệt vô âm tín?

Làm sao để các con tôi đừng biết rằng ngày mai mẹ chúng không còn đồng xu trong túi, sẽ sẵn sàng bỏ học để lao ra chợ đời phụ mẹ kiếm sống với cái tuổi lên 10, 12, 13? Những câu hỏi cứ chằng chịt ám ảnh tâm trí tôi mà không có lời giải đáp.
Tôi sụm xuống như một bà già tàn tạ. Hình như tôi không còn nước mắt để khóc cho thân phận mình mà trong cõi lòng lúc nào cũng chỉ đầy ắp sự lo lắng và nỗi sợ hãi tận cùng...

Năm 1992 gia đình tôi rời Việt Nam đi định cư tại Mỹ. Tôi bỏ lại sau lưng nắm tro xương của Mẹ, bỏ lại người anh ruột độc nhất còn lại trên thế gian này, bỏ lại thành phố Sài Gòn mà mỗi cành cây, ngọn cỏ, mỗi con đường, khu phố, căn nhà... còn âm vang, còn réo gọi trong tôi những kỷ niệm thiết tha của gần 40 năm gắn bó...

Khi chiếc phi cơ rời khỏi phi trường Tân Sơn Nhất, bay vút lên trời cao, lòng tôi bỗng vỡ vụn những cảm giác xót xa, mất mát!

Sài Gòn ơi tôi đã mất người trong cuộc đời
Sài Gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời
Giờ còn đây, những kỷ niệm sống trong tôi
Những nụ cười nát trên môi,
Những giọt lệ ôi sầu đắng...

(Vĩnh biệt Sài Gòn - Nam Lộc)

Những tháng năm dài nhớ quê hương......

Dương Vân Ðình

304Đen – llttm -YD

*304Đen mạn phép đặt tựa bài vì bài không có ghi.

No comments: