ÐỒN LẺ
Ðồn
nằm trên ngọn đồi cao, xung quanh là rừng thông bát ngát. Một vài cây khô nằm
trơ trọi sau đồn. Nhìn xuống phía dưới là con đường thiết lộ ngoằn ngoè uốn
lượn. Nơi đó ngày hai lượt có chuyến tàu đi về. Tàu không dài, chỉ chừng bốn
năm toa, nhưng chạy nghe chừng nặng nhọc. Vì đoạn đường sắt khoảng này dường
như dựng đứng, nên tàu được giữ bằng những đoạn răng cưa. Tốc đô tàu đến đó chỉ
được chạy 5cs/g. Tuy không ai nghĩ có người tán tận lương tâm đặt mìn cho tàu
đổ, song trong chiến tranh nào ai lường nổi tai ương, nên đồn được lập ra. Lính
đóng độ khoảng chừng một trung đội, do một sĩ quan cấp uý điều hành. Nhiệm vụ
vủa đồn là sáng sáng mở đường, để bảo đảm mọi điều yên ổn, chờ đón tàu qua.
Lính chia nhau đi dọc theo hai bên đường sắt, kiểm soát từng tà vẹt, bù lon và
luôn cả các đoạn mối nối. Công việc trông dản dị mà đòi hỏi sự chăm chỉ rất
nhiều. Phải thức dậy thật sớm, uống chút cà phê cho ấm bụng rồi thầy trò tất
tưởi ra đi. Vừa đi vừa về khoảng chục cây số mà có khi về đến đồn là trời sắp
tối. Rồi trời lạnh nữa, ra đi sương sớm còn dày, nắng lên mà cái rét vẫn còn
bén ngọt. Có hôm mới đi đựoc nửa đường, tàu đã chạy ngang qua. Hành khách thấy
mấy anh lính đưa tay chào vẫy vẫy. Rồi chiều về đến đồn, chưa kịp ăn bữa tối
thì đã nghe còi tàu hú dưới khúc quanh. Công việc chỉ có thế, suốt quanh năm
ngày tháng. Ấy vậy mà ngày nào không thấy tàu về là lòng những ngóng, những
trông. Ðó là những ngày đoạn đường sắt nào đó dưới xuôi bị đắp ụ, tàu khựng lại
không đi. Những hôm đó, thầy trò nẳm trong đồn, ngóng dài cả cổ. Cho đến khi
nghe điện báo tàu trở ngại thì thày trò như ngẩn như ngơ.
Anh
ra trường, nhận nhiệm vụ về trấn đồn thay cho một sĩ quan xin thuyên chuyển nơi
khác. Ngày đâu tiên nhận sứ mạng, vài anh lính đã nói với anh ” ở đây heo hút,
buồn lắm ông thày. Không mấy người chịu trụ lâu, được ít lâu là xin chuyển. Tụi
em ở lâu quen rồi. Ðời lính đi đâu cũng vậy, nên nhẫn nhục cho qua. Vả chăng,
sống đâu quen đó. Ở đây vợ con còn có chỗ ở đàng hoàng “. Ðàng hoàng đây là mấy
căn nhà do ga làm cho công nhân hoả xa ở, nay dành cho gia đình lính làm chỗ
trú thân. Ngày ngày các bà vợ vào rừng quanh đó hái măng làm món. Quanh khu nhà
trồng cái cau, cái củ ăn thêm. Gạo, mắm do ga tiếp tế, góp lương nhà họ mua và
gởi theo tàu. Dăm tuần, nửa tháng, tàu dừng lại khoảng mươi phút cho xuống hàng
rồi đi tiếp. Khách trên tàu nghe lao xao và khi nhìn thấy cảnh chuyển hàng cũng
trố mắt ra xem. Không rõ trong trí họ mang ảnh hình nào của cuộc đời ” trấn thủ
lưu đồn “.
Anh nhận nhiệm vụ buổi sáng thì chiều đến lính đưa cho lá thư rơi. Anh đọc thấy
có lời đe doạ sẽ tấn công đồn. Lính biết được nói với anh ” ối hơi đâu ông thày
tin ba cái chiện bá láp đó. Ai mới tới cũng bị mấy chả hăm he làm gỏi, mà em ở
đây từ bao năm rồi có thấy mấy chả làm được gì đâu “. Nói vậy chớ đôi khi đêm
khuya cũng thấy bực mình. Giữa trời đất tối thui bỗng nghe tiếng gõ vào đường
ray ong ong như có người đang phá. Lắng tai nghe nhận định xem tai vạ nơi đâu,
rừng lồng lộng khó đoán ra phương hướng. Lính sành đời báo cho anh ” thường bọn
chúng hay phá phía tây nam “. Anh ra lịnh cho cối nã về hướng đó. Những tiếng
đề pa trong đêm nghe u u như gió. Ðược chừng vài lần là tiếng gõ nghe ngưng.
Sáng đi kiểm, chẳng có đoạn nào bị bóc. Có lẽ chúng muốn uy hiếp tinh thần kẻ
đóng đồn, khiến lâu dần sẽ chán nản.
Một
hôm, nhân tàu ngưng, anh cùng vài người lính đi dạo quanh đồn. Không xa lắm là
một con thác đổ. Nước từ trời cao chảy qua những tảng đá rồi tuôn ầm xuống
khoảng trống bao la. Anh sững người trước vẻ đẹp núi rừng. Nghĩ giá quê hương
không có chiến tranh, thỉnh thoảng đưa người yêu lên đây xem trời mây, cây cỏ.
Những người lính lâu quanh quẩn trong đồn, nay được ra thiên nhiên cũng cảm
thấy vui lâng. Qua rừng thông xanh mướt, những ngọn lá thông như những chiếc
kim nhọn lủng lẳng trên đầu. Dăm giọt sương chưa tan chốc chốc vẫn nhỏ đều giọt
xuống. Ai cũng trầm trồ trước vẻ đẹp quê hương. Len vào sâu chút nữa là rừng
mai trắng muốt. Mùa xuân đã qua mà những cánh hoa muộn chưa tàn. Anh nhặt một
cánh hoa rơi cho vào túi áo. Nghĩ đến khi về sẽ gửi kèm bông hoa núi với lá thư
cho người bạn nhỏ phương xuôi.
Gia
đình lính khoảng chừng có 3, phần còn lại là đọc thân, lính trẻ. Cuộc sống vào
ra chỉ có bấy nhiêu đó nên coi nhau như ruột thịt, người nhà. Lâu lâu các bà
nấu nướng món ăn, mời cả đám cùng dự cho vui. Ở rừng ăn món gỏi măng trộn dấm
cũng thấy ngon như món gỏi thu đủ dưới đồng bằng. Không biết mấy bà gởi mua hay
xoay sở ở đâu ra món rượu đế nóng rân, thày trò dzô cũng sật sừ tới bến. Những
tối đó anh vẫn thường phải cố thức, chỉ sợ đàn em quá chén, say ngủ rồi giặc bò
vô làm thịt cả đồn.
Nhưng hổng lẽ cấm cản hoài thì nỗi buồn chịu sao thấu. Một mình thức với rừng,
rới bóng tối, anh nhớ mung lung. Bắt gặp lại một góc phố nào hò hẹn, một thánh
đường dự lễ misa hay những buổi chiều ngồi bên nhau trong quán. Mới đó thành
phố đã xa tắp, mịt mùng. Anh ước mong một năm được nghỉ vài ngày phép, trở về
nơi chốn xưa để cho con người bớt thui chột, tan hoang. Nhưng cứ đến gần ngày
là anh lại ngại ngùng. Lính tráng dưới quyền đã mấy năm nào có ai tính chuyện
xin đi phép, chẳng lẽ mới về lại lo chuyện riêng tư. Cứ lần khân như thế mà kỳ
phép lại trôi qua thêm bận nữa.
Cho
đến một lần chợt nhìn lại đã thấy anh ở với đồn được mấy năm liền. Những mùa
hoa mai trắng vẫn nở sau đồn với những bữa gỏi măng, nhậu rượu. Tàu bây giờ
cũng không chạy để mặc cho gió rít trên đường ray. Lâu quá không còn nghe tiếng
còi tàu nên nhớ. Chiều đứng trên đồi nhìn suốt theo con đường sắt quanh co trơ
trọi mà thấy hun hút sầu dâng. Ðôi khi cũng muốn nghe tiếng gõ ong ong trong đêm
để được cho vài trái mót chê làm vang động núi rừng mà vẫn vắng hoe, vắng hoắc.
Ðồn vẫn nằm lẻ loi một mình như chiếc bóng trơ vơ bên núi rừng cô quạnh. Dường
như người ta cũng đã quên đi sự hiện diện của chiếc đồn lạc lõng trên đèo. Lâu
lắm mới loáng thoáng nghe có tiếng còi xe đang lên dốc hay một vệt đèn mờ ảo
qua sương. Ðó là lúc anh thấy cái nhớ như thôi thúc, đâm nhói tim mình…
Thanh
Sơn
Nguồn: http://hung-viet.org/blog1/2010/07/22/%c3%b0%e1%bb%93n-l%e1%ba%bb/
304Đen
– llttm -dsc
No comments:
Post a Comment