QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HOÀ: 1968-1975
(RVNAF, 1968-1975)
Tác giả: Bill Laurie – nhà nghiên
cứu về Việt Nam
Nguyễn Tiến Việt dịch
Nổi đau và bất hạnh
của QLVNCH qua ngòi viết của Bill Laurie – nhà nghiên cứu về
Việt Nam
Lời người dịch: Bill Laurie là sử gia Hoa Kỳ, một trong những
chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam và nhân chứng được mời trình bày quan điểm
trong cuộc hội thảo mang tên “Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa: Suy ngẫm và tái thẩm
định sau 30 năm” (ARVN: Reflections and reassessments after 30 years) do Trung
Tâm Việt Nam thuộc Ðại Học Texas Tech tổ chức tại Lubbock trong hai ngày 17 và
18 Tháng Ba năm 2006.
Trong số nhiều diễn giả Việt Mỹ, ông Laurie là
người nêu ra quan điểm trung thực và thẳng thắn nhất của riêng ông về một quân
đội mà ông từng sát cánh với cương vị một chuyên viên tình báo cao cấp trong
nhiều năm, song song với những ý kiến không quanh co che đậy về giới truyền
thông và chính trị Hoa Kỳ trong thời chiến tranh tại Việt Nam. Bài này dịch
thuật nguyên văn bài viết của Bill Laurie, mà ông dùng để trình bày lại, vắn
tắt hơn, trong buổi hội thảo. Bill Laurie gửi tặng bài viết cho dịch giả, cho
phép được dịch và phổ biến trong giới truyền thông Việt ngữ.
Trong bản dịch dưới đây, những chữ in nghiêng trong
ngoặc đơn là chú thích thêm của người dịch để làm rõ nghĩa câu văn Mỹ của tác
giả, những chữ in đậm là nguyên văn tiếng Việt mà tác giả viết trong tài liệu.
Hình ảnh lấy từ website của Trung Tâm Việt Nam, Lubbock, Texas.
★
★★
QLVNCH thay đổi một cách đáng kể cả về số lượng lẫn
phẩm chất trong khoảng thời gian từ 1968 đến 1975. Sự thay đổi không hề được
giới truyền thông tin tức (Hoa Kỳ) lưu ý, và nhìn chung thì đến nay vẫn không
được công chúng Mỹ biết đến, vẫn không được nhận chân và mô tả đầy đủ trong
nhiều cuốn sách tự coi là “sách sử.” Một phần nguyên nhân của sự kiện này là do
bản chất và tầm mức của sự thay đổi không dễ được tiên đoán hay tiên kiến, dựa
trên hiệu quả hoạt động và khả năng của QLVNCH trước năm 1968.
Bài này không hề muốn chối bỏ những vấn đề nghiêm
trọng đã hiện hữu, hay chối bỏ rằng vấn đề tham nhũng, lãnh đạo kém cỏi không
tiếp tục gây họa cho khả năng của QLVNCH bảo vệ đất nước họ. Tuy nhiên, ở một
mức độ nào đó những vấn đề này có được giải quyết, và những khía cạnh tích cực
của QLVNCH không thể bị xóa khỏi trang lịch sử vinh quang.
Tôi đã tự chứng nghiệm điều này, khi đến Việt Nam
cuối năm 1971, phục vụ 1 năm tại MACV, rồi sau đó trở lại thêm hai năm, từ
1973-1975, làm việc ở phòng Tùy Viên Quân Sự.
Khởi thủy, được huấn luyện và dự trù phục vụ như
một cố vấn, tôi tham dự khóa huấn luyện căn bản sĩ quan lục quân tại Fort
Benning, Georgia, tình báo chiến thuật và chuyên biệt về Ðông Nam Á ở Ft.
Holabird, Maryland, và học trường Việt ngữ tại Ft. Bliss, Texas. Tới Việt Nam
thì được biết những nhiệm vụ cố vấn đang được giảm dần để đi đến chỗ bỏ hẳn;
nên thay vào đó tôi được chỉ định vào MACV J-2 với cương vị một chuyên viên
phân tích tình báo, trước hết phụ trách Cambodia, rồi tập trung vào Quân Khu
IV, bao quát toàn vùng đồng bằng châu thổ sông Mekong. Công việc này mở rộng
một cách không chính thức để bao gồm công tác liên lạc giữa Bộ Tổng Tham Mưu
QLVNCH, các toán cố vấn Mỹ, các chính quyền tỉnh của Việt Nam, và cả các đơn vị
QLVNCH ở vùng IV.
Trong 3 năm đó, tôi có mặt lúc chỗ này, lúc chỗ
khác, trên khắp 18 trong số 44 tỉnh của VNCH, liên lạc không những với các đơn
vị Mỹ và VNCH mà cả với người Úc, cơ quan viện trợ Mỹ USAID, và CIA. Khi thì
đứng vào vị trí rất cao cấp trong những buổi thuyết trình ở tổng hành dinh của
MACV cũng như ở Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, tuần lễ sau đó tôi có thể đã lội trên
những ruộng lúa tỉnh Kiến Phong cùng với các binh sĩ Ðịa Phương Quân, hay bay
ngang tỉnh Ðịnh Tường trên một chiếc trực thăng Huey của QLVNCH, hoặc là nằm
trong căn cứ Biệt Ðộng Quân Trà Cú bên sông Vàm Cỏ Ðông.
Nói tiếng Việt là điều vô cùng quan trọng, và trong
vòng một tháng sau khi tới Việt Nam, thật rõ ràng hiển nhiên là những điều tôi
từng nghe ở Mỹ, dù là tin tức báo chí hay là những cuộc thảo luận ngốc nghếch
trong các trường đại học, mà có thể diễn tả được những gì tôi đang trải qua và
gặp phải. Nói vắn tắt, tôi tự hỏi: “Nếu tất cả những người ở Mỹ quả là đang nói
về Việt Nam, thì mình đang ở nơi nào đây?”
Những thời khắc ngoài giờ làm việc của tôi được dàn
trải trọn vẹn trong một kích thước thực tế hoàn toàn Việt Nam. Dù là ở Sài Gòn,
Cao Lãnh, hay Rạch Giá, tôi cũng lui tới những cái quán nhỏ, với những bàn
cà-phê, mì, cháo… háo hức lắng nghe người dân người lính Việt Nam nói chuyện,
tôi hỏi han, và học được thật nhiều, nhiều hơn những gì tôi từng học ở Hoa Kỳ.
★
★★
Sự học tập của tôi không dừng lại ở năm 1975. Từ đó
đến nay tôi đã đọc hằng feet khối những tài liệu giải mật và hằng trăm cuốn
sách, kể cả những tác phẩm tiếng Việt, phỏng vấn đến mức từ kỷ lục này qua kỷ
lục nọ những người cựu chiến binh gốc Ðông Nam Á và gốc Hoa Kỳ, săn tìm trong
hằng trăm trang web Việt Nam và Ðông Nam Á trên Internet. Vẫn còn rất nhiều
điều về Việt Nam, Lào, Cambodia và Thái Lan hơn là những gì công chúng Hoa Kỳ
tưởng, và những kết luận do những người ở những xứ ấy tự trình bày lên thì lại
không phù hợp với những gì mà hầu hết mọi con người (ở Mỹ) tưởng là họ biết.
Quả là có những vấn đề nghiêm trọng về tham nhũng.
Ðúng là có những tấm gương về lãnh đạo bất xứng. Tuy nhiên, chẳng phải ai nói
hay gợi ý gì với tôi, mà chính là ngay lần đầu tiên đến vói Sư Ðoàn 9 Bộ Binh
VNCH, tôi đã phát giác khả năng dày dạn và đầy chuyên nghiệp trong những hoạt
động mà tôi chứng kiến ở một trung tâm hỏa lực cấp sư đoàn. Cũng chẳng ai nói
với tôi là Sư Ðoàn 7 Bộ Binh VNCH, cái đơn vị mãi bị kết tội vì khả năng chiến
đấu kém cỏi ở Ấp Bắc nhiều năm trước, đã biến thái thành một đơn vị có hiệu
năng chiến đấu cao dưới tài lãnh đạo chỉ huy của Tướng Nguyễn Khoa Nam, một con
người thanh liêm không một tì vết, song song với tài năng về chiến thuật, mà đến
nay vẫn không hề được công chúng Hoa Kỳ biết tới, tuy đã được người Việt Nam
tôn sùng đúng mức.
Cũng không hề có ai ngụ ý hay nói với tôi rằng có
thể là lực lượng Ðịa Phương Quân tỉnh Hậu Nghĩa, là những dân quân của tỉnh, đã
làm mất mặt chẳng những một mà tới ba trung đoàn chính quy của quân đội miền
Bắc trong chiến dịch tấn công năm 1972 của Hà Nội. Họ đã nhai nát và nhổ phun
ra nguyên cả lực lượng tấn kích của đối phương, một lực lượng có thể đã làm đổi
chiều lịch sử vào thời kỳ đó. Ðịa Phương Quân không được Pháo Binh và Không
Quân sẵn sàng yểm trợ như lực lượng chính quy VNCH, trong đó kể cả Nhảy Dù,
Biệt Ðộng Quân, Thủy Quân Lục Chiến. Quân địa phương chỉ dựa vào kỹ thuật chiến
đấu căn bản bộ binh. Nếu quân Bắc Việt đánh thủng được chiến tuyến này thì họ
đã lập tức trực tiếp đe dọa Sài Gòn, chỉ cách đó 25 dặm, buộc Sư Ðoàn 21 Bộ
Binh VNCH phải rút khỏi quốc lộ 13, từ đó để cho lực lượng Bắc Việt hướng thẳng
vào An Lộc. Và như Tiến Sĩ James H. Willbanks viết trong tác phẩm xuất sắc của
ông (về trận An Lộc), Sư Ðoàn 21 tuy không thành công trong việc phá vòng vây
An Lộc nhưng cũng đã buộc Bắc Việt phải đưa một sư đoàn đổi hướng khỏi chiến
trường An Lộc, nếu không, nơi này có thể đã sụp đổ với những hậu quả khốc liệt.
Nói vắn tắt, QLVNCH, một cách toàn diện, đã có khả
năng cao hơn nhiều so với những gì tôi biết trước khi tôi qua Việt Nam, và càng
cao hơn nhiều so với những gì được chuyển tới cho người dân Mỹ.
Ngày trước… và ngày nay cũng vậy.
★
★★
Trở lại thời kỳ đang thảo luận trong bản thuyết
trình này, ai cũng biết QLVNCH vướng mắc nhiều vấn đề trầm trọng. Ðiều này là
hiển nhiên. Nếu không như vậy thì đã chẳng cần phải yêu cầu những đơn vị chiến
đấu của Hoa Kỳ, Úc, Nam Hàn, Thái Lan và New Zealand tới đó.
Tuy nhiên, còn có những chỉ dấu cho thấy lực lượng
VNCH khi được trang bị đúng mức và chỉ huy tốt đẹp thì sẽ có khả năng tới đâu.
Năm 1966, một Tiểu Ðoàn Biệt Ðộng Quân VNCH đã gây thiệt hại nặng và đã “giúp”
giảm quân số chỉ còn 1 phần 10 cho một trung đoàn Bắc Việt đông gấp ba lần họ ở
Thạch Trụ. Tiểu đoàn này được Tổng Thống Johnson tặng thưởng “Huy chương của
tổng thống Hoa Kỳ.” Ðại Úy Bobby Jackson, cố vấn tiểu đoàn này, đã mô tả người
đối tác của ông, Ðại Úy Nguyễn Văn Chinh (hay Chính?), như là con người tuyệt
nhiên không hề sợ hãi. Tiểu Ðoàn 2 TQLC, mang huy hiệu Trâu Ðiên, đã từng bắt
nạt nhiều đơn vị Cộng Sản miền Nam và chính quy Bắc Việt, chứng tỏ sự xứng hợp
của huy hiệu “Trâu Ðiên” (càng có ý nghĩa đối với những ai đã từng gặp phải một
con trâu đang nổi giận và bị nó ăn hiếp!) Công trạng của họ không hề được tường
trình trong giới truyền thông tin tức của Hoa Kỳ, và về sau cũng bị bỏ quên
trong cái gọi là “lịch sử”…
Năm 1968, trong bối cảnh cuộc Tổng Công Kích 68
thất bại của Hà Nội, các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ thấy rõ là kế
hoạch Việt Nam hóa phải được tăng tiến, nhưng nhiều người (Mỹ) lại lầm tưởng đó
là ranh giới giữa hai thời kỳ: thời kỳ QLVNCH không chiến đấu, và bây giờ là
lúc họ bắt đầu chiến đấu. Thái độ này đã bỏ quên dữ kiện là mức tử vong vì chiến
sự hằng tháng của QLVNCH đã vượt xa mức tổn thất trong toàn cuộc chiến của tất
cả các lực lượng đồng minh cộng lại.
Rốt cuộc thì QLVNCH cũng được
cung cấp vũ khí tối tân, thay thế những trang bị thời thế chiến thứ hai mà hầu
hết quân lực này phải sử dụng (khoảng đầu năm 1968 chỉ có 5% quân đội VNCH được
trang bị súng M16), nhìn chung thì thua kém vũ khí của Việt Cộng và bộ đội Bắc
Việt. Ðồng thời, quân số cũng tăng
tiến, theo như bảng dưới đây trình bày: (bảng ghi những con số gia tăng quân số
của các lực lượng chính quy và Ðịa Phương Quân, Nghĩa Quân, từ năm 1968 đến năm
1972, cho thấy quân số tổng cộng tăng 28%, từ 820 ngàn lên 1 triệu 48 ngàn
quân. Trong đó, Không Quân gia tăng quân số tới 163%, Hải Quân tăng 110%, Lục
Quân tăng gần 8% quân số).
Trong bảng này, nhóm từ Anh ngữ ARVN, tức the Army
of Republic of Vietnam, có nghĩa là Lục Quân Việt Nam, chỉ bao gồm 38% QLVNCH
(tác giả không đồng ý dùng nhóm chữ ARVN để chỉ QLVNCH, và ông dùng nhóm chữ
RVNAF, Republic of Vietnam’s Armed Forces). Ngoài ra còn những thành phần khác,
gồm Cảnh Sát Dã Chiến, Nhân Dân Tự Vệ, và các Toán Xây Dựng Nông Thôn. Lực
lượng Xây Dựng Nông Thôn không được coi là lực lượng chiến đấu, còn lực lượng
Nhân Dân Tự Vệ thường bị chế diễu nhưng (những lực lượng này) cũng là chướng ngại
cho quân Việt Cộng và quân đội Bắc Việt (North Vietnam’s Army trong nguyên
bản). Có lần một toán Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn đã đẩy lùi cả một tiểu đoàn
Việt Cộng ở tỉnh Vĩnh Long. Các toán viên biết gọi pháo binh của tỉnh yểm trợ.
Chuyện này cũng không được biết đến để ghi nhận vào tài liệu.
Thành phần của lực lượng Nhân Dân Tự Vệ thì quá
trẻ, hay quá già, hay vì thương tật nên không gia nhập quân đội chính quy, chỉ
phục vụ như lực lượng phòng vệ làng ấp chống lại những toán thu thuế, tuyển mộ,
hay tuyên truyền của Cộng Sản địa phương. Nhưng Nhân Dân Tự Vệ cũng là một yếu
tố mà Cộng Sản địa phương phải đối phó sau năm 1968. Trước đó không có lực
lượng này, Việt Cộng ở địa phương tự do đi vào ấp xã lúc ban đêm. Nhiều lúc
Nhân Dân Tự Vệ không có hiệu quả, nhiều khi họ bị tuyên truyền để đi theo Việt
Cộng, nhưng có nhiều lúc khác lại có những báo cáo như sau: (trích từ các sách
vở của các tác giả người Mỹ).
“Hai Việt Cộng đang bắt cóc một Nhân Dân Tự Vệ thì
một Nhân Dân Tự Vệ khác xuất hiện, bắn chết hai Việt Cộng này bằng súng M.1
(không ghi rõ garant hay carbine), tịch thu được một súng AK47 và một súng lục
9 ly.”
Và “cả hai ấp Prey Vang và Tahou đêm nay bị bắn
súng nhỏ và B-40. Nhân Dân Tự Vệ địa phương đẩy lui hai toán trinh sát nhẹ.”
Còn nữa: “Một Nhân Dân Tự Vệ 18 tuổi đã là người
bắn cháy chiếc xe tăng đầu tiên trong rất nhiều xe tăng T 54 của Bắc Việt bị
tiêu hủy tại An Lộc trong cuộc bao vây năm 1972.”
Hà Nội không mấy hài lòng về lực lượng này, theo
như tài liệu sau đây:
“Chúng (QLVNCH) tăng cường các lực lượng bù nhìn,
củng cố chính quyền bù nhìn và thiết lập mạng lưới tiền đồn cùng các tổ chức
Nhân Dân Tự Vệ bù nhìn ở nhiều làng xã. Chúng cung cấp thêm trang bị kỹ thuật
và tính lưu động cho lực lượng bù nhìn, thiết lập những tuyến phòng vệ, và dựng
ra cả một hệ thống phòng thủ và đàn áp mới ở những khu vực đông dân cư. Kết quả
là chúng đã gây nhiều khó khăn và tổn thất cho lực lượng bạn (Việt Cộng).”
Sự kiện này không thể xảy ra trước năm 1968, khi
lực lượng Nhân Dân Tự Vệ được thành lập và trang bị bằng những vũ khí thời thế
chiến thứ hai do các lực lượng QLVNCH chuyển giao lại.
Tương tự như vậy, lực lượng Nghĩa Quân, Ðịa Phương
Quân với sự trợ giúp của các toán cố vấn Mỹ lưu động, được tuyển mộ thêm từ năm
1968 và trang bị vũ khí tốt hơn, khởi sự tiến bộ, như Cố Vấn David Donovan
thuộc một toán lưu động chứng kiến trong một trận tấn công bộ binh năm 1970:
“Chúng tôi vừa vượt khỏi khu mìn bẫy chính thì bị
hỏa lực từ một rặng cây trước mặt bắn tới. Nước văng tung tóe xung quanh, đạn
bay véo véo trên đầu, trong tiếng súng nhỏ nổ giòn. Binh sĩ bây giờ phản ứng
tốt lắm, không giống như trước kia cứ mỗi khi bị bắn là họ gần như tê liệt.
Trung Sĩ Abney chỉ huy cánh đuôi của đội hình hàng dọc, bung qua bên phải, sử
dụng như thành phần điều động tấn kích, trong khi chúng tôi ở phía trước phản
ứng lại hỏa lực địch. Khi toán của Abney tới được chỗ địa thế có che chở thì họ
dừng lại và bắt đầu tác xạ. Dưới hỏa lực bắn che đó chúng tôi tràn tới một vị
trí khác. Hai thành phần chúng tôi yểm trợ nhau như vậy và tiến được tới hàng
cây, sẵn sàng xung phong. Ba người trong toán của tôi bị trúng đạn, không biết
nặng nhẹ ra sao nhưng mọi người đều xông tới. Chúng tôi đã hành động khá hay.”
Kinh nghiệm của Donovan không phải là độc nhất. Cố
vấn John Cook nhắc lại niềm lạc quan của ông vào năm 1970:
“Chúng tôi (tức Cook và sĩ quan đối tác phía Việt
Nam) đang rất lên tinh thần, cảm thấy như mình là ‘kim cương bất hoại.’ Tinh
thần chiến đấu và hăng hái chủ động tấn công trong quận hết sức cao, khiến
chúng tôi truy kích quân địch một cách gần như khinh suất, liều lĩnh.”
Những thành tích như vậy không phải mọi nơi đều có.
Có những đơn vị không đáp ứng được trong thời kỳ thay đổi và vẫn bị lãnh đạo
chỉ huy kém cỏi, chẳng thực hiện một cuộc hành quân lục soát với chiến thuật
chủ động tấn công nào. Có khi cố vấn Hoa Kỳ suýt bị giết hay bị dọa giết bởi
những sĩ quan địa phương của Việt Nam mà họ không hòa thuận được. Nhiều cố vấn
Mỹ khác không gặp cảnh ngộ khó chịu đó, nhưng cũng chẳng có ấn tượng tốt nào về
hoạt động của những đơn vị mà họ cố vấn. Dù sao thì những chuyện tích cực và
thích thú do cố vấn Mỹ chứng kiến cũng đầy rẫy, nhưng lại hoàn toàn vắng bóng
trong những cuộc thảo luận trên nước Mỹ hay trong ý tưởng của những người Mỹ
bình thường, cũng như trong những gì được dạy dỗ tại các trường học Hoa Kỳ.
Sự tiến bộ hay những tấm gương xuất sắc ngay trước
mắt không phải chỉ hiển hiện trong những lực lượng lãnh thổ và những Sư Ðoàn Bộ
Binh VNCH, (là những đơn vị) thường bị cho là không mấy nổi trội về chiến thuật
chủ động tấn công. Cố vấn về kế hoạch bình định của tỉnh Quảng Trị, Richard
Stevens, trước đó từng phục vụ trong Thủy Quân Lục Chiến Mỹ tại Việt Nam, tỏ ra
ngạc nhiên trước thành tích của một đơn vị thuộc Sư Ðoàn 1 Bô Binh Việt Nam
trong trận tấn công một vị trí phóng hỏa tiễn của quân Bắc Việt:
“Tôi có ấn tượng hoàn toàn tốt, và thực sự là kinh
ngạc, về cách thức hành quân và sự táo bạo của họ trong mọi việc… Ðây là cuộc
hành quân thứ 13 như vậy do vị Tiểu Ðoàn Trưởng này chỉ huy. Ta đang nói chuyện
về những chuyên gia hết sức tinh thục trong những gì họ làm, những người đã
từng thực hiện những công tác xởn tóc gáy và vẫn tiếp tục thực hiện… Các cố vấn
của trung đoàn này luôn luôn nói với tôi lúc tôi ra đó, rằng: ‘Anh đang làm
việc với những người giỏi nhất. Chúng ta không có điều gì để mà có thể nói cho
những người này làm. Chúng ta (các cố vấn) chỉ có việc yểm trợ hỏa lực mà thôi.
Còn về sự hiểu biết trong hành quân, thì họ là người dạy chúng ta.’ Chúng tôi
có các cố vấn người Úc và người Mỹ, họ đều nói y như nhau.” (tác giả trích luận
án Master năm 1987 của Howard C.H Feng, Ðại Học Hawaii).
Ở miền Nam, trong lãnh thổ tỉnh Ðịnh Tường thuộc
Quân Khu IV, Sư Ðoàn 7 Bộ Binh VNCH cũng thi hành nhiệm vụ không hề có khuyết
điểm, theo lời xác nhận của các cố vấn và các phi công Mỹ lái trực thăng chuyển
quân cho các binh sĩ Sư Ðoàn 7 trong những trận tấn công. Sư đoàn này từng bị
mang tiếng là sư đoàn “lùng và né” (thay vì “lùng và diệt,” search and
destroy), có thể vì trận Ấp Bắc hồi 1963, nhưng những ai trực tiếp công tác với
họ không thể nói gì hơn là những lời ca tụng, ngưỡng mộ về sự tinh thông chiến
thuật và tinh thần hăng hái xông xáo. Một cựu cán binh Bắc Việt xác nhận về sự
dũng cảm của Sư Ðoàn 7 Bộ Binh:
“Vùng giải phóng bị thu hẹp… Tôi mất thêm thời gian
di chuyển quanh, cố tránh xa các cuộc hành quân của quân đội VNCH.
Ở Bến Tre (tức tỉnh Kiến Hòa), Sư Ðoàn 7 VNCH là
lực lượng chính gây nên nhiều khó khăn. Hầu hết Sư Ðoàn được tuyển mộ ở vùng
châu thổ sông Cửu Long nên họ biết rành hết cả vùng. Họ thông thuộc vùng này
cũng như chúng tôi” (tác giả trích dẫn David Chenoff và Ðoàn Văn Toại, sách
Chân Dung Kẻ Ðịch, Random House ở New York xuất bản năm 1986).
Tình hình còn tồi tệ hơn khi các đơn vị quân đội
Bắc Việt điền khuyết cho các đơn vị “Việt Cộng,” không hiểu biết chút nào về
vùng này và được trang bị kém cho cuộc chiến kiểu các rặng cây ở phía bắc vùng
châu thổ. Một tù binh cho biết bị bắt sống không bao lâu sau khi tới, lúc anh
ta và những người khác được lệnh phục kích một cuộc hành quân càn quét của Sư
Ðoàn 7 vào ngày hôm sau. Bố trí xong trước bình minh, đội quân đáng lẽ phục
kích người ta thì lại bị tấn công từ phía sau do thành phần bên sườn của Sư
Ðoàn 7, trước khi tới lượt lực lượng chính. (tài liệu trích dẫn).
Kết quả của điều này thêm hiển nhiên trong thời gian
giữa 1968 và 1971, thời kỳ mà quân số lực lượng Hoa Kỳ giảm thiểu hơn một nửa,
trong khi những cuộc hành quân tấn công của Việt Cộng và quân Bắc Việt lại bị
suy giảm rõ rệt: (Bảng thống kê trong bài ở đoạn này cho thấy lực lượng Mỹ ở
Việt Nam từ năm 1968 đến 1971 đã giảm 322 ngàn quân, tức 58%, các cuộc tấn công
của Việt Cộng và quân Bắc Việt cấp tiểu đoàn trở lên giảm 98%, chỉ còn 2 trận,
những cuộc tấn công lẻ tẻ của phía Cộng Sản cũng giảm, kể cả những vụ bắt cóc,
khủng bố, trong khi số xã ấp có an ninh tăng 56%, diện tích trồng tỉa lúa tăng
9,8%, thương vong vì chiến tranh của dân và quân phía VNCH giảm 55%, quân số
của Việt Cộng, Bắc Việt trên toàn miền Nam giảm 21%).
Tỉ lệ về các cuộc tấn công lớn nhỏ của phía Cộng
Sản giảm hơn là tỉ lệ giảm quân số, cho thấy một sự sa sút toàn diện về khả
năng quân sự, dưới tỉ lệ dự đoán là 21% quân số sụt giảm. Ðiều này xảy ra trong
khi quân số tham chiến của Hoa Kỳ giảm tới 58%. Quân Cộng Sản Bắc Việt và Việt
Cộng không những chỉ có mặt ít hơn trên toàn lãnh thổ, mà còn kém khả năng tung
ra những cuộc hành quân tấn kích.
Nhiều con số thống kê của VNCH không chính xác,
nhất là con số xã ấp có an ninh thì lại còn kém xác thực hơn, nhưng biểu đồ
khuynh hướng khá rõ ràng, và không có bằng chứng dù về thống kê hay tin đồn
vặt, mà nêu ra điều gì khác hơn là sự xuống dốc thẳng đứng trong thời vận của
quân Việt Cộng và quân đội Bắc Việt trong khoảng thời gian từ 1968 đến 1971.
Trong khi Việt Cộng, gọi như vậy để phân biệt với quân Bắc Việt, không bị tiêu
diệt hoàn toàn, và những ổ kháng cự có ảnh hưởng mạnh do họ kiểm soát vẫn tồn
tại ở những tỉnh như Chương Thiện, Ðịnh Tường, Quảng Nam, Quảng Ngãi, thì Việt
Cộng ở địa phương cũng không còn là một lực lượng chiến lược. Nếu không có sự
xâm nhập đại quy mô của quân Bắc Việt và sự cung cấp vũ khí hiện đại, thì chiến
tranh đã dần dần tự tàn lụi. Những đơn vị và khu vực của Việt Cộng tồn tại được
cũng hoàn toàn không phụ thuộc vào quân đội Bắc Việt để sống còn.
Tác giả “phản chiến” Frances Fitzgerald của cuốn
“Lửa Trong Hồ” (thật khôi hài, là cuốn sách bị đả kích bởi cả người chỉ đạo về
tư tưởng của Hà Nội, Nguyễn Khắc Viện, lẫn người ủng hộ Mặt Trận Giải Phóng và
Hà Nội, Ngô Vĩnh Long), nhìn nhận rằng khả năng sinh tồn của cả Việt Cộng lẫn
QLVNCH hồi năm 1966 là mỗi bên 50%, nhưng đến 1969 thì cơ hội sống còn của Việt
Cộng chỉ còn 10%, trong khi tỉ lệ này phía QLVNCH lên hẳn 90%. Nguyễn Văn
Thành, sau 23 năm theo Việt Cộng, hồi chánh năm 1970, cho rằng cứu cánh của Mặt
Trận Giải Phóng là vô vọng. Ông ta nêu ra những cuộc hành quân gia tăng của
QLVNCH, sự phát triển những đơn vị Nghĩa Quân xã quận và các chương trình Nhân
Dân Tự Vệ, cùng với kế hoạch cải tổ về ruộng đất của chính phủ VNCH, coi đó là
những việc không thể đối phó được nữa. Stanley Karnow khẳng định thẳng thừng
trong cuốn sách được đánh giá cao quá đáng của ông, không cần giải thích nguyên
do, rằng đến năm 1971, thì “riêng phía Việt Cộng không phải là đối thủ của quân
đội chính quyền Sài Gòn.”
Don Colin trải qua nhiều năm ở Việt Nam, được nhiều
người biết đến qua lối bày tỏ thô lỗ, phản bác thô bạo và quá đáng, cộng với
lối rủa sả om sòm những gì mà ông ta coi là tào lao nhảm nhí. Ông này đã phải
chịu đựng những khó khăn trở ngại, những khởi đầu sai lạc cùng những vấn đề
tương tự, bị coi như toàn những điềm gở. Nhưng năm 1971 Don Colin cũng thấy
những kết quả tích tụ hiển hiện ở vùng châu thổ:
“Ba mươi tháng trước, con số những cấp chỉ huy giỏi
ở Quân Khu IV chỉ đếm được trên một bàn tay. Ngay cả tư lệnh Quân Ðoàn, một cấp
chỉ huy tốt, trong sạch và tương đối có khả năng, cũng nhút nhát, thiếu óc sáng
tạo và không đủ sức kích động thuộc cấp vào những hoạt động xông xáo và tích
cực. Cấp tư lệnh sư đoàn thì phần lớn thiếu khả năng, hầu hết các tỉnh trưởng
cũng kém cỏi và tham nhũng. Các cấp chỉ huy thuộc quyền của họ thì chẳng những
noi gương xấu mà nhiều khi còn phạm khuyết điểm quá hơn cấp trên nữa. Nhưng nay
thì chuẩn mực chung về tài năng, sự trong sạch và tận tâm đã tăng lên tới mức
mà trước kia tôi cho là không thể tưởng tượng được. Sự thay đổi đặc biệt này
khiến tôi thêm lạc quan tin tưởng ở khả năng tối hậu của chính phủ trong việc
kiểm soát được Việt Nam và thành lập một chính quyền ổn định.”
★
★★
Rồi tới cuộc tấn công 1972 của Hà
Nội, một cuộc tấn công tốc chiến phối hợp phương tiện cơ khí kiểu cổ điển (a
classical blitzkrieg), với đặc điểm là những vũ khí hạng nặng và những vũ khí
chết người được đưa ra sử dụng như hỏa tiễn tầm nhiệt phòng không SA-7, hỏa
tiễn công phá điều khiển bằng dây AT-3, những đoàn chiến xa T-54 được yểm trợ
bằng mấy trăm khẩu đội hỏa tiễn 122 ly, đại bác 130 ly, hơn hẳn tất cả mọi thứ
từng được Hoa Kỳ cung cấp cho lực lượng pháo binh QLVNCH.
QLVNCH bị đánh tơi bời, có lúc đã
gần tới kết cuộc, và sự đổ vỡ hiển hiện rõ ràng. Nhưng cái Quân Lực đang nằm đo
ván đã đứng dậy ở tiếng đếm thứ 8, hồi phục sức lực và bẻ gãy cuộc tấn công
nặng nề nhất ở Việt Nam, tính tới lúc đó. Không ai khác hơn là học giả hàng đầu
của Hoa Kỳ về Việt Nam, Douglas Pike, đã tuyên bố cuộc xâm lược của Hà Nội thất
bại là vì “…Nam Việt Nam chiến đấu hơn hẳn quân đội xâm lăng đến từ phương
Bắc.”
Nhiều nhà bình luận, kể cả Tướng Ngô Quang Trưởng,
nói tới không lực Hoa Kỳ như một yếu tố quyết định, thì đó đúng là yếu tố
chính. Nhưng những điều ngụ ý nói là QLVNCH không thể chiến đấu nếu như không
có không lực Mỹ, thì đã thiếu sót hai điều căn bản:
– Thứ nhất, quân đội Mỹ cũng chỉ được yểm trợ bằng
không lực giống như QLVNCH đã được.
– Thứ hai, là điểm người ta ít
nhìn ra: không lực Hoa Kỳ là một yếu tố bổ sung để cân bằng với hai lực lượng
vượt trội của Bắc Việt là thiết giáp và, lợi hại hơn cả, là lực lượng pháo binh
hơn hẳn, hỏa tiễn 122 ly chính xác và đại pháo 130 ly gây tàn phá quy mô ở tầm
tối đa 19 dặm (32 km). Hoa Kỳ không cung cấp cho đồng minh của họ, VNCH, những
vũ khí lợi hại ngang bằng, nhất là về pháo binh, như Liên Xô và Trung Cộng cung
cấp cho Hà Nội. Hà Nội có hằng trăm hỏa tiễn 122 và đại pháo 130. QLVNCH không
đủ đại bác để phản pháo, chỉ có 24 khẩu 175 ly, không chính xác bằng, bắn chậm
hơn các loại 122 ly và 130 ly. Cả pháo đài kiên cố cũng không chịu nổi đạn 130
ly khoan hầm, nổ chậm.
Tựu trung, trở lại đề tài không lực, thì Không Quân
Việt Nam đã thi hành nhiệm vụ một cách đáng kính phục trong các trận chiến năm
1972, nhưng vẫn bị giới bình luận Hoa Kỳ hoàn toàn quên lãng. Một chuyên viên
điều không tiền tuyến của Hoa Kỳ tỏ ra ngưỡng mộ một phi công A-37 của Việt Nam
mà anh ta cùng thi hành một vụ tấn công không lục vào vị trí quân Bắc Việt:
“Anh ta đâm chúc đầu chiếc máy bay xuống tới tầm vũ
khí liên thanh, và quả nhiên tôi thấy nhiều lằn đạn lửa vạch đường sáng bao
quanh Pepper dẫn đầu. Tôi la lên báo động, thì đã thấy anh thả bom ở độ cực
thấp và ghi một bàn tuyệt hảo trúng ngay bức tường. Trong những lần oanh kích
tiếp theo ngay đó, các phi công của Không Quân Việt Nam cũng ghi bàng hoàng hảo
mỗi lần đâm xuống, cũng là mỗi lần họ bị đạn phòng không bắn lên xối xả… Hỏa
lực từ mặt đất vô cùng mạnh mẽ. Quân Bắc Việt có vẻ như biết rằng đối thủ của
họ là người Nam Việt Nam.”
“Tôi tin chắc là hai chiếc A-37 sẽ bị bắn rơi,
nhưng cả hai đều xả hết bom đạn của họ trúng đích, không hề hấn gì. Hai phi
công Không Quân Việt Nam đã trình diễn một màn tuyệt vời, và tôi ngưỡng phục
lòng can đảm của họ trên cả sự thông minh. Trong giây phút đó lòng can đảm ấy
đã vượt hẳn sự khôn ngoan trong những tính toán hơn thiệt về sự an toàn của cá
nhân họ.”
Ðây không phải là một sự kiện riêng lẻ, theo như
một quan sát viên Không Quân của Mỹ chứng thực:
“Không Quân Việt Nam tự chứng tỏ sự trưởng thành
trong cuộc tấn kích 1972… Trong trận phòng thủ Kontum, KQVN thật cừ khôi, hết
sức tuyệt diệu.”
QLVNCH lãnh cú mạnh nhất của Hà Nội năm 1972, mạnh
hơn nhiều so với trận Tết Mậu Thân 1968, về khía cạnh quân số và hỏa lực. Ước
lượng có khoảng gần 150 ngàn quân Bắc Việt đã tham chiến trong giai đoạn 1, và
thêm 50 ngàn quân khác bổ sung khi trận chiến tiếp diễn. Mặt khác, trong trận
Tết ’68 chỉ có 84 ngàn quân Việt Cộng và Bắc Việt tham chiến, với pháo binh và
xe tăng rất hạn chế (ngoại trừ ở Quân khu I).
QLVNCH tiếp tục hoạt động tốt đẹp sau khi Hiệp Ðịnh
Paris gian lận được ký kết và bị vi phạm lập tức. Cuối Tháng Mười Một năm 1973,
một lực lượng đặc nhiệm VNCH đã đánh đuổi Sư Ðoàn 1 Bắc Việt ra khỏi căn cứ
Thất Sơn, gây tổn thất nặng tới nỗi Sư Ðoàn 1 này của Bắc Việt phải giải thể,
số quân sống sót phải gia nhập các đơn vị khác. Ít tháng sau, Sư Ðoàn 7 VNCH
tung ra cuộc hành quân lớn để quét các đơn vị Bắc Việt khỏi mật khu Tri Pháp ở
vùng giáp ranh ba tỉnh Ðịnh Tường, Kiến Tường, Kiến Phong, gây tổn thất nặng
cho địch. Tri Pháp chưa bao giờ bị xâm phạm trong suốt cuộc chiến tranh, có đặc
điểm là những vị trí phòng thủ kiên cố; cuộc thất trận gây hổ thẹn tới mức nhà
cầm quyền Cộng Sản cảnh cáo các cấp là phải dấu sự thất bại đừng để bộ đội của
họ biết, sợ bộ đội xuống tinh thần.
Các phái đoàn Ba Lan và Hungary
trong cái Ủy Ban Liên Hiệp Quân Sự Bốn Bên bất lực, chỉ là gián điệp cho Cộng
Sản Hà Nội. Nhưng một trong những báo cáo của họ năm 1973 xác định là không có
đơn vị Việt Cộng nào ngang sức với QLVNCH, và cả những đơn vị thiện chiến nhất
của Bắc Việt cũng không sánh được với các đơn vị Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến
của VNCH.
★
★★
Tuy nhiên đến giữa 1974 thì việc Hoa Kỳ cắt giảm
viện trợ bắt đầu từ từ “siết cổ” QLVNCH, và đạo quân này chỉ còn nước xuống dốc
dần dần từ khi ấy. Ðến 1975 cấp số cung ứng có sẵn (Available Supply Rate- ASR)
dành cho đạn đại bác đã giảm nhanh tới mức không thể chấp nhận, như theo bảng
dưới đây, cho mỗi khẩu đội bắn trong một ngày:
Năm
1972 |
Năm
1975 |
Tỉ
lệ giảm |
|
Ðạn 105 ly: |
180
viên |
10
viên |
94% |
Ðạn 155 ly: |
150
viên |
5
viên |
97% |
Ðạn 175 ly: |
30
viên |
3
viên |
90% |
Mọi thứ bị cắt đến tận xương, rồi tận tủy. Nhiều
binh sĩ bộ binh được cấp số đạn căn bản là 60 viên M16 cho một tuần lễ. Nhiều
đơn vị cấm binh sĩ bắn M16 liên thanh, chỉ được bắn phát một. Các đơn vị chạm
địch có khi bị giới hạn chỉ còn được bắn yểm trợ hai trái đạn đại bác, ngoại
trừ khi bị tràn ngập. Thiếu cơ phận thay thế, xe tăng, tàu giang tuần, máy
bay,… nằm ụ chờ rỉ sét (“cho mối mọt ăn”). Tệ hơn nữa, binh sĩ QLVNCH và gia
đình họ phải chịu thiếu thốn khi nền kinh tế bị lạm phát 50%, và 25% thất
nghiệp. Một bản nghiên cứu của cơ quan DAO thực hiện năm 1974 tiết lộ 82% binh
sĩ VNCH không có đủ thực phẩm cho nhu cầu của gia đình. Ðói kém và suy dinh
dưỡng làm xuống tinh thần cùng khả năng chiến đấu.
Tình hình những tháng sau đó càng xuống dốc, và
người ta đau lòng chứng kiến một cái chết chắc chắn sẽ đến vì hàng ngàn vết
thương. Một năm sau, khi chính phủ Việt Nam cuối cùng sụp đổ, và, theo như
những sách gọi là sách sử, thì nhiều người Mỹ ngạc nhiên, tự hỏi tại sao mọi
thứ có thể sụp đổ nhanh chóng như vậy. Lẽ ra câu hỏi đáng chú ý hơn phải là tại
sao QLVNCH đã có thể chiến đấu dài lâu sau thời gian giữa năm 1974, với sự
thiếu thốn về vũ khí, trang bị, đạn dược, nhiên liệu, thuốc men, với những cái
bụng lép kẹp, và gia đình cũng đói khát không kém?
Khi bắt đầu sự đổ vỡ tan hoang, và đám đông hỗn độn
theo lệnh ông Thiệu rút khỏi vùng cao nguyên, thì khủng hoảng và kinh hoàng xảy
đến, phần nào tăng thêm vì những lệnh lạc trái ngược phát xuất từ dinh Tổng
Thống. Nhưng trong sự sụp đổ nhục nhã sau cùng, vẫn có không ít những trận
“Alamo” nhỏ của những người lính VNCH chiến đấu đến phút cuối. Sư Ðoàn 18 BB
đứng vững ở Xuân Lộc là một trận anh hùng ca, nhưng sự có mặt và vai trò của
của Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù trong trận này không hề được biết đến. Khi Quân Khu II đổ
vỡ và kết cuộc đã gần, Sư Ðoàn 7 VNCH vẫn đánh bại một nỗ lực của quân Bắc Việt
muốn cắt quốc lộ 14, con đường quốc lộ duy nhất nối vùng châu thổ Cửu Long với
Sài Gòn.
Vào ngày cuối, gọi là “Ngày Quốc Hận” (tác giả viết
bằng tiếng Việt), một máy bay AC-119 trang bị liên thanh sáu nòng do các Trung
Úy Thanh và Trần Văn Hiền (hay Thành, Hiển?) còn bay quanh Sài Gòn yểm trợ hỏa
lực cho những đơn vị VNCH lâm chiến sau cùng. Hết xăng, hết đạn, họ đáp xuống
đổ xăng và lấy thêm đạn, sĩ quan hành quân biểu họ không cần cất cánh nữa, tất
cả đã mất hết rồi. Nhưng các trung úy Thanh và Hiền vẫn vững chí, nhận nhiên
liệu và đạn dược, và được hai chiếc A1H-Skyraider tháp tùng do Thiếu Tá Trương
Phụng và Ðại Úy Phúc lái, họ tiếp tục lại một trận chiến tuyệt vọng. Sau cùng
chỉ còn Ðại Úy Phúc sống sót, oanh kích đến khi hết đạn. Hai Trung Úy Thanh,
Hiền và Thiếu Tá Trương Phùng đều bị SA-7 bắn rơi, tử trận. Họ đã chiến đấu đến
mãi tận giây phút cuối cùng!
Một cách tổng quát, cứ bị đói như
QLVNCH đã bị thì không một quân đội nào có thể chống lại cuộc tấn công cuồng
bạo của quân đội Bắc Việt, với thừa ứ những khẩu pháo, xe tăng, vũ khí, nhiên
liệu, xe tải quân, đạn dược, do khối Cộng Sản cung cấp. Trước một đạo quân VNCH
bị rút ruột vì cắt viện trợ như vậy, quân đội Bắc Việt đã phải tung ra tất cả
những gì họ có. Chừng 400 ngàn quân Cộng Sản, gần 90% là bộ đội miền Bắc, được
đưa ra trận để đánh bại QLVNCH. Hà Nội chưa bao giờ từng tung ra một lực lượng
khổng lồ và hiện đại như họ đã ném vào trận chiến năm 1975. Hà Nội chưa từng
rút ra tất cả các đơn vị từ Lào, Cambodia. Về lượng, quân số 400 ngàn là gần
gấp 5 số quân Việt Cộng và Bắc Việt lâm chiến hồi Tết 1968, trong khi về phẩm,
còn có hàng trăm đại bác tầm xa, hàng trăm xe tăng, hàng ngàn xe tải, và nguyên
một kho vũ khí hiện đại, Ðoàn quân viễn chinh năm 1975 có hơn gấp năm lần khả
năng chiến đấu của lực lượng Cộng Sản hồi Tết Mậu thân 1968.
Xem xét sự việc từ một khía cạnh khác, có thể phán
đoán mà không sợ sai lầm rằng giả sử quân đội Bắc Việt bị yếu đi vì cắt giảm
mức cung ứng như QLVNCH đã gánh chịu, thì họ không bao giờ có thể tung ra một
cuộc tổng công kích sau cùng, mà hẳn đã yếu kém hơn thế nhiều. Ưu thế hỏa lực
quyết định chiến trường, chẳng phải là điều gì mới lạ trong lịch sử quân sự.
Vào lúc cuối, QLVNCH chịu sự tổn thất khoảng 275 ngàn tử trận, không kể con số
bị ám sát, trong một quốc gia mà dân số trung bình khoảng 17 triệu. Nước Mỹ với
dân số 200 triệu, nếu chịu tổn thất với tỉ lệ tương đương trong cùng khoảng
thời gian ấy, con số tử vong sẽ là 3 triệu 200 ngàn, cần dựng thêm 56 bức tường
đá đen nữa mới đủ ghi tên tử sĩ. Ðiều này không lọt qua mắt của một số nhà quan
sát. Sir Robert Thompson, tuy biết rõ những nhược điểm của QLVNCH, cũng kết
luận:
“Quân đội và chính phủ VNCH vượt qua những cuộc
khủng hoảng quốc gia và cá nhân mà có thể đã nghiền nát hầu hết mọi người, và
mặc dù mức tổn thất có thể gây kinh ngạc và làm sụp đổ Hoa Kỳ, VNCH vẫn duy trì
được một triệu quân dưới cờ sau hơn 10 năm chiến tranh. Vương Quốc Anh cũng làm
được như thế, theo tỉ lệ tương đương, trong năm 1917, sau ba năm chiến tranh,
nhưng không bao giờ làm được nữa. Hoa Kỳ chưa bao giờ làm được điều này.” (được
nhấn mạnh và thêm vào)
Ký giả Peter Kann, sáng suốt hơn rất nhiều so với
những đồng nghiệp, cũng nhập cuộc, sau khi Sài Gòn thất thủ:
“Nam Việt Nam quả đã phấn đấu để kháng chiến trong
nhiều năm ròng rã, không phải lúc nào cũng được Hoa Kỳ giúp đỡ dồi dào. Ít có
quốc gia hay xã hội nào mà tôi cho là có thể chiến đấu được lâu dài đến thế.”
★
★★
Kế hoạch Việt Nam hóa có hiệu quả không? QLVNCH có
trưởng thành nên một lực lượng chiến đấu có khả năng?
Có thể biện luận rằng kế hoạch Việt Nam Hóa có hiệu
quả, nhưng lại bị moi ruột vì cắt giảm viện trợ chí tử. Năm 1974, có cuộc thăm
dò các Tướng lãnh Hoa Kỳ từng phục vụ tại Việt Nam, nhằm tìm hiểu chương trình
Việt Nam hóa thành công tới mức nào. Các câu hỏi và trả lời như sau:
1. QLVNCH là lực lượng chiến đấu rất đáng chấp
nhận?: 8% đồng ý.
2. QLVNCH xứng đáng và cơ may hơn 50% đứng vững
trong tương lai: 57% đồng ý.
3. Có nghi ngờ khả năng QLVNCH có thể đẩy lùi một
cuộc tấn công mạnh của lực lượng Việt Cộng – Bắc Việt trong tương lai: 25% nghi
ngờ.
4. Ý kiến khác và không ý kiến: 10%
Như vậy 65% các tướng lãnh chỉ huy của Hoa Kỳ dành
cho QLVNCH tỉ lệ phiếu thuận, tuy nhiên những câu trả lời này có thể đã mang
khuynh hướng lệch theo chiều xuống. Không biết bao nhiêu vị Tướng phục vụ trong
khoảng 1966-1967, trước khi QLVNCH thực hiện những đổi thay to lớn nhất. Chức
vụ mà các sĩ quan này đảm trách là gì, họ làm việc với ai, và họ quen thuộc với
Quân đội VNCH ở mức độ nào, sự tăng tiến hiệu năng của lực lượng Ðịa Phương
Quân, Nghĩa Quân, vân vân… cũng không được tiết lộ. Câu hỏi cũng không hỏi:
“Nếu quân đội Mỹ cũng bị cắt giảm cung ứng như QLVNCH vào năm 1974-1975 thì còn
đứng vững được bao lâu?”
Ðiều có thể nói chắc chắn, là QLVNCH từ 1968 trở đi
đã hoàn thành nhiệm vụ tốt đẹp hơn nhiều so với những gì được biết đến một cách
chung chung, rằng các đơn vị QLVNCH đã thi triển tài năng để có thể đứng vững
và đánh bại quân xâm lược Bắc Việt trong năm 1972, thường là không cần tới sự
yểm trợ hỏa lực ồ ạt của pháo binh và không quân chiến thuật, như trong trường
hợp của Nghĩa Quân và Ðịa Phương Quân. Ðiều có thể nói chắc chắn nữa là sự hiểu
biết của người Mỹ về việc này thấp kém đến kinh tởm, thấp tít mù xa như vực
thẳm không đáy.
Một
yếu tố rất quan trọng nữa mà nhiều nhà bình luận bỏ qua và tới nay vẫn không
biết gì hơn, là thế hệ các Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan QLVNCH trẻ trung hơn, hết lòng
hết dạ vì mục tiêu một nước Việt Nam không Cộng Sản. Họ cởi mở, ngay thật, biết
lẽ phải, trong sạch, biết nhìn nhận phải trái, ví dụ như họ cho là người Thượng
không nên được đối xử thấp kém hơn, rằng tham nhũng cần bị công kích, rằng một
quốc gia Việt Nam mới cần được tạo thành, bung ra khỏi mọi xích xiềng quá khứ.
Nhiều người trong số này có thể có vị trí tốt để tránh quân dịch hay giữ một
chỗ an toàn, không ra trận; nhưng họ không cần cả hai thứ đó, đã có mặt trong
hàng ngũ phục vụ tại những vị trí chiến đấu đầy nguy hiểm, với tư cách những
người tình nguyện. Thái độ của họ được một sĩ quan trẻ của QLVNCH bày tỏ:
“Những người ở cỡ tuổi tôi vào quân đội vì chúng
tôi có một lý tưởng, chúng tôi hiểu được cuộc sống trong một thế giới tự do ra
sao, và sống trong thế giới Cộng Sản ra sao. Không phải như người ta nói, rằng
những ai vào quân đội thì chỉ vì đến tuổi lính và không có lý tưởng gì riêng
cho mình. Nhưng người Mỹ không bao giờ có vẻ hiểu ra điều đó.”
Trần Quốc Bửu là chủ tịch Liên Ðoàn Lao Công Nam
Việt Nam, tương đương với AFL-CIO của Hoa Kỳ. Ông có ảnh hưởng và có thể xếp
đặt cho con trai ông tìm một chỗ an toàn, an toàn hơn nhiều so với vị trí của
anh này là một sĩ quan Bộ Binh VNCH. Trong những tuần lễ sau cuối của VNCH, lúc
bị Bắc Việt dập pháo tơi bời, tuyệt vọng trong cảnh thiếu đạn, con ông Bửu viết
cho ông một lá thư:
“Ba phải giải thích cho người Mỹ hiểu sự nghiêm
trọng của tình hình chúng ta… Họ phải cung cấp viện trợ quân sự và kỹ thuật như
họ đã hứa. Con xin ba, ba à, hãy can thiệp với họ. Nếu không, chúng ta sẽ bị đè
bẹp và thất trận. Tụi con không hèn nhát. Tụi con không sợ chết… Trong mọi tình
huống, con sẽ giữ vững vị trí và không rút lui.”
Con ông Bửu hy sinh tại chiến trường.
Bác Sĩ Phan Quang Ðán là Quốc Vụ Khanh về định cư
và tị nạn, một cựu đối lập với ông Ngô Ðình Diệm, nổi tiếng nhờ trong sạch. Ông
có đủ quyền lực và ảnh hưởng để giữ con trai là Phan Quang Tuấn khỏi bị nguy
hiểm. Cả hai cha con đều không chọn điều đó, và Tuấn tình nguyện lái A-1E
Skyraider, chỉ dùng để yểm trợ chiến thuật gần cho các đơn vị dưới đất. Sau khi
tiêu diệt 7 xe tăng quân Bắc Việt tại khu vực ngưng chiến, trong trận tấn công
1972 của Hà Nội, Ðại Úy Tuấn bị hỏa lực phòng không địch bắn rơi, tử trận.
Những cá nhân ấy không phải là duy nhất. Người viết bài này hằng ngày gặp những
phi công trực thăng võ trang trẻ tuổi, những sĩ quan trẻ trong Biệt Ðộng Quân,
Thủy Quân Lục Chiến, Nhảy Dù,… tất cả đều tình nguyện lãnh nhiệm vụ tác chiến
nguy hiểm, bị “lưỡng đầu thọ địch,” với hệ tư tưởng về một nước Việt Nam Cộng
Sản, và với nạn tham nhũng trở thành thông lệ hằng ngày ở Sài Gòn.
Mời độc giả xem chương trình dạy tiếng Anh “ESL
Garage: Bài học về âm tiết”
Một trong những tấm gương gây xúc động hơn nữa về
lòng tận tụy với chính nghĩa Quốc Gia, là cảnh các sinh viên sĩ quan trường Võ
Bị Quốc Gia Ðà Lạt chuẩn bị cho trận đánh sau cùng của họ, mà ký giả Pháp Raoul
Coutard chứng kiến, vào lúc họ tiến ra để chặn các đơn vị quân đội Bắc Việt
đang tiến tới:
“- Anh sắp bị giết đó!
– Vâng. -Một sinh viên sĩ quan trả lời.
– Sao vậy? Ðã kết thúc rồi mà!
– Tại vì chúng tôi không ưa Cộng Sản.
Và, lòng đầy can đảm, những sinh viên trẻ tuổi
trong bộ quân phục mới toanh, tuyệt đẹp, giày bóng loáng, tiến ra để chờ chết.”
Trường Thiếu Sinh Quân ở Vũng Tàu, là trường nội
trú, trong học trình có dạy quân sự cho các thiếu niên Việt Nam có cha tử trận.
Khi đến lúc cuối, những em trai 12-13 tuổi đuổi các em Thiếu Sinh Quân nhỏ hơn
về nhà, lập chướng ngại vật bảo vệ trường và đối đầu với các đơn vị quân Bắc
Việt:
“Họ tiếp tục chiến đấu sau khi tất cả mọi người
khác đã đầu hàng!… Nhiều người trong số họ bị giết. Và khi quân Cộng Sản tiến
vào, các Thiếu Sinh Quân đánh trả. Cộng Sản không vào được ngôi trường ngay lúc
đó.”
Những con người tương tự (lúc đó) đang gia tăng
trong mọi cấp bậc của QLVNCH, và nhu cầu cấp bách của tình hình buộc sự thăng
thưởng phải dựa trên khả năng, không dựa trên quan hệ chính trị hay quan hệ gia
đình.
Giới truyền thông Hoa Kỳ đã thất
bại tại Việt Nam, thua bại hoàn toàn và thê thảm hơn nhiều so với các lực lượng
quân sự của VNCH, Hoa Kỳ và các đồng minh. Họ thường lên án bằng những lối can
thiệp đầy tự phụ và tự mãn. Một cuộc thăm dò 9.604 chương trình truyền hình của
NBC, CBS và ABC từ 1963 đến 1977 cho thấy rõ những sự thiếu sót của những cái
gọi là bài tường thuật truyền hình. 0,7% chương trình nói về việc huấn luyện QLVNCH.
0.8% về bình định. 2.7% về chính quyền hay Quân Lực VNCH hay Cambodia. Tổng
cộng chỉ có 392 chương trình, tức 2.7% toàn bộ các chương trình tin tức truyền
hình Mỹ, tường trình về Việt Nam. Không có một lời nào về hơn 200 ngàn hồi
chánh viên, không một lời về QLVNCH thiện chiến. Không có gì về những phi công
Ong Chúa lừng danh của trực thăng Việt Nam cứu mạng cho những toán Lực Lượng
Ðặc Biệt Hoa Kỳ chạm địch dọc đường mòn Hồ Chí Minh. Hầu hết người Mỹ, nếu
không phải là tất cả, đều nhớ hình ảnh bi hùng của một người Trung Hoa đứng
trước đoàn xe tăng ở quảng trường Thiên An Môn, nhưng không ai biết Trung Sĩ
Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Huỳnh Văn Lượm đứng trên cầu Ðông Hà chặn đứng
đoàn xe tăng Bắc Việt, tác xạ bằng khẩu súng chống tăng LAW của anh:
“Cảnh tượng anh lính TQLC nặng có 95 cân Anh trụ
ngay trên đường tiến của 40 xe tăng không có ý nào muốn dừng lại, trên một khía
cạnh thì là dại dột một cách khó tin. Trên khía cạnh khác, quan trọng hơn, hình
ảnh này mang đầy niềm phấn khích đối với một lực lượng phòng thủ mỏng manh đến
thê thảm, và với nhiều người tị nạn, ít ai trong số đó từng chứng kiến một hành
động thách đố dũng cảm đến thế… Sự anh dũng lạ thường của người lính Thủy Quân
Lục Chiến Nam Việt Nam này đã khiến đợt tấn công bằng xe tăng, tới lúc đó chừng
như chắc chắn phải thắng lợi, đã bị mất đà tấn kích.”
Trong một khoảnh khắc mà giới truyền thông mang tật
cận thị lên tiếng, thì phóng viên Donald Kirk tuyệt đối không tỏ ra sự quan tâm
nào khi đến thăm Sư Ðoàn 7 Bộ Binh VNCH, nơi đã trở nên một đơn vị có hiệu năng
cao tuyệt dưới tài lãnh đạo của Tướng Nguyễn Khoa Nam. Quân nhân trong sư đoàn
nhận thức rõ giá trị những nông trại của sư đoàn do Tướng Nam thiết lập để giảm
bớt gánh nặng kinh tế cho binh sĩ của Sư Ðoàn 7. Nhưng khi Kirk và các phóng
viên khác bị giữ lại ở một điểm chắn đường của quân đội Bắc Việt rồi được thả
ra sau đó, thì Kirk lại thất vọng vì anh ta không có cơ hội để nói chuyện với
bộ đội Bắc Việt:
“Tôi cứ nghĩ mãi về việc trông họ như vừa bước ra
khỏi cuốn phim… Họ có vẻ là những tay chính quy, vậy đó. Tôi chỉ mong sao chúng
tôi đã có thể ở lại thêm và nói chuyện với họ lâu hơn.”
Ông Kirk có thể yên tâm rằng quân sĩ Sư Ðoàn 7 đều
là “những tay chính quy,” rất đáng để nói chuyện, và học hỏi nơi họ. Anh chàng
này, cũng như đông đảo trong giới truyền thông làm tin tức, đã không để ý gì
đến việc đó, cho nên không có gì kỳ bí về nguyên nhân vì sao hầu hết những
người Mỹ từng phục vụ tại Ðông Nam Á đều nhìn cái giới truyền thông tin tức này
với sự khinh miệt gay gắt.
Phải chi giới này chịu khó quan hệ với quân dân
Việt Nam mà họ gặp gỡ, như tôi đã làm nhiều lần, thì đám ký giả hẳn đã biết
trong mắt những người Việt ấy chủ nghĩa Cộng Sản của Hà Nội là điều đáng khinh
bỉ và kinh tởm, như một loại phản bội văn hóa và truyền thống Việt Nam. Không
phải những người Việt này chiến đấu và hy sinh để bảo vệ “chế độ tham nhũng của
Thiệu,” mà là để gìn giữ một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, cho con cái,
và cho đất nước của họ. Một Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam diễn giải và lột tả
chân xác nhất về điều này, khi anh ta nói với tôi rằng sau khi quân đội VNCH
giải quyết xong với quân đội miền Bắc, họ sẽ quay súng lại chống đám tham nhũng
ở Sài Gòn. Những sự kiện thảm thiết bi thương sau năm 1975 đã chứng thực tính
thuận lý và giá trị của điều quyết tâm ấy.
★
★★
Giới truyền thông giải trí và giới giáo dục ở Hoa
Kỳ cũng chẳng khá gì hơn, mà còn mãn nguyện khi lặp lại, nếu không phải là thêm
mắm thêm muối vào cái chuyện thần thoại do truyền thông dựng lên. Một cuốn sách
sử trung học được sử dụng rộng rãi ở Mỹ có chương sử về Việt Nam không hề nói
đến QLVNCH, chỉ viết rằng: “Việt Nam hóa thất bại,” ngoài ra còn gom góp hơn
200 điều khẳng định có thể được chứng minh là sai trái và mang hoàn toàn tính
chất dẫn dắt lạc hướng, trong 13 trang bài học. Có nói đến vụ tấn công sang
Cambodia, nhưng không nói gì về việc quân VNCH tham dự đông đảo hơn lực lượng
Hoa Kỳ, 29 ngàn quân so với 19,300 quân Mỹ tham chiến. Sách cũng không nói lên
rằng trước khi chính thức mở chiến dịch, quân đội VNCH đã tấn công trước vào
các vị trí phòng thủ của quân đội Bắc Việt ở Cambodia. QLVNCH đã hoàn toàn vô
hình, như một đề tài sẽ được trình bày nơi đây (trong cuộc hội thảo).
Phim ảnh và truyền hình lại càng tệ hơn, mặc dù có
được một số phim tài liệu lịch sử. Cả cuốn phim “Bat 21,” nhằm miêu tả cuộc tìm
cứu Trung Tá Iceal Hambleton năm 1972, không thể hiểu được tại sao đã loại hẳn
sự kiện là một chiến sĩ Người Nhái Việt Nam, Nguyễn Văn Kiệt, người cùng thi
hành công tác tìm cứu đó với người nhái Hoa Kỳ Tom Norris, được tặng thưởng huy
chương US Navy Cross do sự dũng cảm và anh hùng của Kiệt. Làm sao công chúng có
thể trông mong được biết bất kỳ điều gì khi mà chế độ “kiểm duyệt” trên thực tế
đã bôi xóa tất cả và từng dấu vết của sự hoạt động gương mẫu của QLVNCH?
★
★★
Sau cùng, cần phải nhìn nhận rằng
QLVNCH đã bị đè bẹp bởi một gánh nặng trầm kha không thể nào vượt thắng: đó là
một đồng minh bất xứng, ngu dốt và gây rối một cách đáng kinh ngạc, dưới hình
thức cái chính phủ Hoa Kỳ.
Một hội nghị chuyên đề toàn diện nên được tổ chức
về đề tài này, và cần phải có hội nghị đó. Những chiến lược giả hiệu phát xuất
từ Washington, về bản chất, phải bị coi là cẩu thả mang tính cách tội ác. Không
một hành động nào được tung ra để chặn và giữ đường mòn Hồ Chí Minh. Không có
con đường này thì cuộc chiến tranh của Hà Nội đã không thể nào tiến hành được.
Không một việc gì được thi hành để giao chiến với chiến tranh thông tin tuyên
truyền-phản tuyên truyền dưới hình thức gọi là địch vận, một trong những chiến
lược quan trọng của Hà Nội, được thi hành với những sự lừa gạt quỷ quyệt xuất
chúng. Không làm một việc gì mãi đến khi cơ quan CORDS được thành lập để ra kế
hoạch và phối hợp những hoạt động quân sự và bình định về mặt tình báo. Không
làm một việc gì để khai triển một liên minh rộng lớn như một chiến trường chung
của người Việt, người Lào, người Cambodia và Thái Lan, chống lại kẻ thù chung.
Trong khi Hà Nội đã làm y như vậy: thiết lập một cấu trúc chỉ huy chiến trường
Ðông Dương nhằm kết hợp mọi yếu tố vào một chiến lược gắn bó cho toàn khu vực.
Lý cớ về lãnh đạo của Hoa Kỳ là mù lòa, lần mò vụng dại như con heo trên tảng
băng, như một con cóc vàng, rất giàu có nhưng cũng rất ngu độn.
Những kế hoạch, những đề nghị đi ngược dòng lịch sử
khó có thể được chứng minh hoàn toàn chắc chắn, và có thể chiến tranh (Việt Nam
đã qua) là một cuộc chiến không thể nào thắng được.
Có thể như vậy. Tuy nhiên những người Mỹ, người Úc
đã phục vụ sát cánh những chiến hữu của họ trong QLVNCH, “những chiến hữu, bạn
bè, giống như anh em ruột,” (viết tiếng Việt trong nguyên bản) mang trong lòng
họ nỗi buồn sâu xa vì đã thua cuộc, hay đã mất biết bao bạn bè tận tụy, mất cả
niềm vinh dự lớn lao cho việc đã cố gắng đạt cho kỳ được một thế giới tốt đẹp
hơn cho những người dân thường của Việt Nam, Lào, Cambodia và Thái Lan. Họ
không bị thúc đẩy vì những quan niệm tinh vi về địa lý chính trị thế giới,
nhưng đúng hơn, là do sự kính trọng và ngưỡng mộ đối với nhiều người Ðông Nam Á
đã biết yêu quý xứ sở, những con người đã “thề bảo vệ giang sơn quê hương.”
Nhiều trang lịch sử còn chưa được lật ra, phản ảnh
sự tiếp nối cái khuynh hướng của Hoa Kỳ chỉ toàn nhìn qua con mắt người Mỹ, bị
lọc qua định kiến của người Mỹ. Một số sách vở nói đến Việt Nam như một “giai
đoạn thử thách đầy khổ đau của Hoa Kỳ,” mà chưa từng một lần hỏi xem người Ðông
Nam Á đã trải qua loại thử thách khổ đau nào. Ðầy rẫy những dữ kiện lịch sử quý
giá và những nét quan sát sắc sảo nằm trong những cuốn sách được viết do người
Việt Nam (và cả người Lào). Thiếu những sách đó, không thể nào có được sự hiểu
biết toàn diện.
Những tác phẩm của Lý Tòng Bá, Hà Mai Việt, Phan
Nhật Nam, Trần Văn Nhựt, và nhiều người khác, đang kêu gào đòi được dịch thuật,
cũng như hằng chục bài phổ biến hằng năm trên sách báo tạp chí quân sự và các
ấn bản khác. Nhiều bài trong đó mô tả những trận đánh, những diễn tiến và những
nhân cách, không hề được các sử gia Hoa Kỳ biết đến. Không tham khảo những
nguồn đó thì chắc chắn là chiến tranh Việt Nam, cũng là chiến tranh Ðông Dương
của Hà Nội, sẽ mãi là những bí ẩn không thể giải đoán, và lịch sử chân thực của
QLVNCH sẽ mãi bị chôn vùi dưới tầng lớp này qua tầng lớp nọ của những chuyện
hoang đường, của sự không thông hiểu, và của sự giả định vô căn cứ.
Bill Laurie – nhà nghiên cứu về Việt
Nam
No comments:
Post a Comment