NỖI BUỒN KHI QUA
DÃY CHU-PAO
Chiếc
Jeep chở năm người: Đinh Cường, trung úy Quỳnh, trung úy Quân, Mai Thảo và tôi.
Đinh Cường mang tranh từ Huế về Pleiku triển lãm. Mai Thảo và tôi ở Sài Gòn
lên, Quỳnh và Quân đồn trú tại đây, nơi “gió lạnh mưa mùa”, kinh đô Tây Nguyên
mà, có thuở, ông tướng văn nghệ Vĩnh Lộc gọi là đất Cao Châu một cách sảng
khoái.
Duyên
Anh
Chúng tôi ngỏ ý muốn đi thăm “Kontum kiêu hùng”. Quỳnh và Quân bằng lòng
ngay. Quỳnh thường viết những bài tiểu luận văn học. Quân thì không. Anh là
người hùng, nhân vật đang xuất hiện mỗi ngày trên truyện dài Đất máu của Dương
Nghiễm Mậu.
Trời hôm ấy lất phất mưa. Chín giờ, đường đã mở xong – thực ra đoạn
đường Pleiku – Kontum khỏi cần mở và chúng ta có thể đi lại ngày đêm nếu chúng
ta thích – Quân cho jeep tới thị xã Pleiku. Con đường thật phẳng phiu, xe lướt
như bay. Mưa hắt đầy người chúng tôi. Gió thổi mạnh đến nỗi phải ngừng xe bật
lửa châm thuốc. Ngồi cạnh tôi, Quỳnh kể lại chiến trận một năm trước. Tôi nghe
bắt rùng mình. Con đường tôi đang đi, họ đã định cắt đứt từng mạch máu. Nhưng
không ai cắt đứt nổi những mạch máu chảy về tim chúng ta. Bởi vì, những người
nhân danh Tình Người chiến đấu đã tình nguyện hy sinh. Để mãi mãi máu chảy về
tim. Cám ơn các anh đã nằm xuống năm ngoái cho năm nay quốc lộ an ninh trăm
phần trăm, cho người Pleiku thảnh thơi lên thăm Kontum, người Kontum xuống
viếng người Pleiku khỏi sợ những viên đạn bắt sẽ bỉ ổi, những trái pháo cố tình
thù hận.
Xe chạy chừng bốn mươi phút; Quỳnh bảo tôi nhìn dãy núi trước mặt. “Chu
Pao đó. Nơi ăn bom B52 nhiều nhất chiến trường Việt Nam.” Quân bớt ga dần rồi
ép vô bên đường. Tôi nhẩy xuống xe, phóng mất quan sát. Chỗ tôi đứng, Quỳnh
nói, “Chúng nó đả pháo tưng bừng xe cộ của ta. Từ bên kia biên giới, chúng nó
âm thầm kéo sang, ngày này, đêm khác với những giàn đại pháo kéo lên núi. Chúng
nó tưởng nuốt gọn Kontum chặt đứt con đường này.” Tôi ngắm dẫy Chu Pao. Cái tên
rất thơ. Bây giờ chẳng còn thơ chút nào, không biết bao nhiêu là bom. Họ chết
không biết bao nhiêu mà đếm. Thây kệ họ. Tại họ thích chết. Điều khiến tôi suy
nghĩ không phải là những cái chết vô nghĩa mà chỉ là cây cỏ trên dẫy Chu Pao.
Tôi không biết rõ tuổi của dẫy Chu Pao. Bốn ngàn năm hay bốn trăm năm.
Những năm trước, Chu Pao hẳn là dẫy núi hùng vĩ, thơ mộng. Cây cỏ xanh um. Chim
muông và thú vật nhởn nhơ sinh sống. Bây giờ cây cỏ cháy đen, trơ làn da đá
trắng phếu vì bom lửa. Đá còn không chịu nổi nữa là người! Do đâu đá cũng bị
đau khổ và cỏ cây tuyệt giống? Người ta đổ vạ lẫn cho nhau. Chẳng ai thích nhận
mình là kẻ gây thù hận. Ai cũng nói mình yêu thường nồng mặn và muốn được yêu
thương tha thiết. Tất cả đều chân thành. Tất cả đều mong mỏi yêu thương xóa bỏ
hận thù. Chúng ta ngây thơ tin rằng sẽ như thế. Nhưng cỏ cây, đất đá Chu Pao
không còn sống để ngây thơ. Cỏ đã chết cháy. Cây đã hóa than. Đá đã hết đời đá.
Biểu tượng của dĩ vãng vĩnh cửu và của tương lai xanh mướt đã hư hỏng. Cơ hồ
một nền văn minh cổ nào đó ngụp chìm dưới hàng ngàn thước đất. Cây cỏ, đất đá
Chu Pao biết rõ ai là kẻ gây hận thù và đủ tư cách trả lời câu hỏi do đâu đá
cũng bị đau khổ và cỏ cây tuyệt giống. Mỗi nhánh cỏ ngâm một tâm sự buồn. Mỗi
lá cây chở một nỗi niềm đau. Mỗi phiến đá ghi một nguồn cơn đòi đoạn. Và đất
pha trộn thuốc đạn, khói bom. Cỏ cây, đất đá chịu đựng oan nghiệt rồi câm nín không
kể lể. Cỏ cây, đất đá chết. Cái chết gây ra sự sống. Chắc hẳn cỏ cây, đất đá
Chu Pao bằng lòng chết. Thì chúng ta chả nên khơi dậy căm hờn.
Thôi, nói về dẫy Chu Pao cây cỏ cháy đen, trơ làn da đá trắng phếu vì
bom lửa. Một vài cây cao chưa chịu ngã, đứng thẳng cơ hồ cột điện gỗ thông.
Cành lớn, cành nhỏ văng hết. Rồi gió mưa sẽ làm ngã nốt. Buồn đến thế là cùng.
Bao giờ cây cỏ mới xanh um trên dẫy Chu Pao? Một trăm năm hay một ngàn năm? Cây
cỏ chưa xanh um thì chim muông không tới. Không có tiếng chim hót tỏ tình trên
Chu Pao. Dẫy núi thiếu tình ái. Như cuộc đời thiếu hơi thở. Như đàn ông thiếu
đàn bà. Như thi sĩ thiếu mộng mơ. Như anh thiếu em. Như ta thiếu nhau. Một dẫy
Chu Pao đã chứa bao nỗi buồn. Nếu được đi khắp quê hương mình chắc anh phải
viết kín nỗi buồn trên những con đường qua lại.
Nhưng còn Chu Pao là còn quê hương và ngày nào đó, kẻ theo người yêu đi
thăm hầm chông mã tấu, người theo mẹ già lên núi tìm xương thân nhân, tôi muốn
được mang hạt cỏ và ít cây, trèo lên Chu Pao gieo rắc, trồng trọt. Ôi, cần gì
tôi thấy cỏ cây xanh um trên dẫy Chu Pao. Cần gì tôi nghe tiếng chim hót tỏ
tình, tiếng vượn hát nhớ con tha thiết. Tôi không cần gì nên mười năm, hai mươi
năm, trăm năm, nghìn năm, cây cỏ trên dẫy Chu Pao có xanh um cũng chả muộn.
Miễn là nó sẽ mọc, nó phải mọc. Để qua đời tôi, những đứa trẻ nhỏ, những chàng
trai, những cô gái được thấy Chu Pao xanh mướt cây cỏ, vang vọng tiếng chim
muông. Và như thế, chẳng còn ai nhớ chuyện thù hận xưa cũ. Mọi người làm thơ
yêu nhau từ dẫy Chu Pao.
Duyên Anh (6-8-73)
304Đen – llttm - sgtc
No comments:
Post a Comment