PHẠM THIÊN THƯ
Phạm Thiên Thư
Thập niên 60 Phạm Thiên Thư tham gia nhóm Văn chương của Phạm Kiều
Tùng, Nguyễn Nghiệp Nhượng, Nguyễn Tiến Văn không có gì nổi bật lắm, nhưng để
“trốn” quân dịch Phạm Thiên Thư nương cửa Phật mặc áo cà sa, chuyển bản dịch
Kinh Kim Cang thành thơ lục bát, nhà chùa thấy “ông sư trốn quân dịch” Phạm
Thiên Thư có tài thơ đã trọng dụng; đúng lúc này Phạm Thiên Thư gặp nữ sĩ Tuệ
Mai ái nữ của thi sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải và được nhà thơ nữ này ưu ái “hết
mình” thế là Phạm Thiên Thư tuy mặc áo cà sa nhưng lại làm thơ tình những bài
Ngày Xưa Hoàng Thị, Lên Non Tìm Động Hoa Vàng ra đời trong dịp này cùng tập
Đoạn Trường Vô Thanh.
Con người Phạm Thiên Thư là con người luôn sống theo cái qui luật của
câu tục ngữ dân gian “thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”
nên mặc áo cà sa 19 năm [từ năm 1964 tới năm 1975] thì cởi áo cà sa ra lấy vợ
cưới con gái nhà văn Hoàng Ly Trương Linh Tử một nhân vật thuộc loại “nòi tình”
ở với nhau được mấy đứa con thì “bỏ” chạy theo một nữ nha sĩ và mở quán cà phê
Hoa Vàng.
Mai Trinh DT – Con gái Nhà Văn Hoàng Ly-Vợ
Phạm Thiên Thư
Trong thời gian “tu tại gia” Phạm Thiên Thư “sáng tác” ra phương pháp
chữa bệnh bằng nhân điện mệnh danh là “Phathata” [Pháp thân tâm]; ông luyện
công chữa bệnh thế nào đến mất trí nhớ luôn, điên điên khùng khùng may nhờ một
thầy lang trùng tên họ với ông đó là thầy lang Phạm Kim Long xem mạch hốt thuốc
chữa cho ông lành bệnh.
Lành bệnh rồi Phạm Thiên Thư bắt đầu sản xuất những thứ thuốc như Cao
Tiên Dung và quảng cáo 1 thứ dầu cù là có tên là Cao Tiên Dung với những câu
thơ như sau: “Nâng hộp cao tiên đi cứu khổ Đã nghe trần mộng nở toàn hoa”
Ngoài chuyện sản xuất dầu cù là, bán cà phê ra Phạm Thiên Thư còn làm Tự
điển cười để “quảng bá Tiếu liệu pháp cười vui chữa bệnh”.
Tự điển cười của Phạm Thiên Thư mới chỉ ba chữ ABC in ra đã 500 trang.
Ngoài tự điển Cười ra Phạm Thiên Thư còn soạn Tư điển Ý đẹp với mười ngàn câu;
có những câu khá ngộ nghĩnh như “Biết dốt sẽ lột thành hay”, “Có biến mới
chuyển thành hay” và hoàn thành tập thơ với tựa đề Tân Ngôn mười ngàn câu.
Có người cho rằng “hiện tượng” Phạm Thiên Thư giống như hiện tượng Vô
Thượng sư Thanh Hải nhưng Phạm Thiên Thư ít đệ tử hơn Thanh Hải; tuy nhiên hơn
Thanh Hải ở chỗ không “buôn thần bán thánh” chỉ “cợt nhả” với chữ nghĩa thôi.
Phạm Thiên Thư ăn mày cửa Phật rồi phá giới lấy vợ đẻ con nhưng luôn
miệng tụng câu tục ngữ “Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ thứ ba tu chùa”
tự cho rằng mình không phá giới ma đã chọn con đường tu khó nhất: tu tại gia.
Trên đời này làm được vài câu thơ hay đã “hiếm” rồi huống chi Phạm Thiên
Thư lại làm được tới mấy bài thơ hay chúng ta phải trọng chứ.
Cuối thế kỷ hai mươi trên thi đàn Việt Nam có ít nhất ba nhà thơ đầu óc
không “bình thường” đó là Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư và Nguyễn Đức Sơn nhưng văn
chương thì mỗi người mỗi vẻ, còn sống thì có lẽ Phạm Thiên Thư là người “tỉnh”
nhất trong 3 người không bình thường này.
Tôi còn nhớ cuối thế kỷ hai mươi trong một lần tâm sự với tôi, mẹ vợ
Phạm Thiên Thư là bà Hoàng Ly Trương Linh Tử đã quả quyết với tôi rằng
Phạm Thiên Thư là một con người nhiều mặt dám “qua mặt” cả Phật lẫn thầy; con
gái bà đã ăn phải “bùa mê thuốc lú” mới đi lấy Phạm Thiên Thư. Phạm Thiên Thư
“thôi” con gái bà, bà rất mừng.
Những người đọc qua bản thảo tập Tân Ngôn của Phạm Thiên Thư đều ca thán
với tôi rằng Phạm Thiên Thư đang muốn dùng “lời” để làm một cuộc “cứu rỗi”; tôi
đã nói với những người này rằng người làm thơ thua gì “đấng” sáng tạo đâu,
chúng ta hãy ngả mũ chào Tân Ngôn của Phạm Thiên Thư.
Hồ Nam
GẶP LẠI PHẠM THIÊN THƯ SAU 25 NĂM
Một buổi sáng tháng đầu tháng 9 năm 1981, Hoàng Văn Giang (1) đạp xe
xuống rủ tôi đi uống cà phê. Hai thằng tôi đạp xe từ Ngã Ba Ông Tạ trên đường
Lê Văn Duyệt nối dài (sau 75 VC đổi là Cách Mạng Tháng 8) về hướng Hoà Hưng
định ghé quán café của Tô Duy Khiêm do Chu Vương Miện trông coi ở Hoà Hưng.
Trên đường vừa đi, vừa trò chuyện; như chợt nhớ ra điều gì, Giang nói
với tôi:
- Hay là
mình ghé đến quán café của Phạm Thiên Thư trên đường Yên Đổ; tiện thể thăm
hắn luôn.
- Phải
đấy! Lâu quá không gặp họ Phạm nên ghé thăm nhà thơ Động Hoa Vàng xem sao.
Khi đi ngang quán café của Chu tiên sinh, tôi nhìn thấy Tô Duy Khiêm và
Phan Lạc Giang Đông đang ngồi trong quán. Vì đã có chủ đích đi thăm Phạm Thiên
Thư nên hai thằng tôi đạp xe đi thẳng .
Chúng tôi ngừng xe ở gần góc đường Yên Đổ (VC đã đổi thành Lý Chính
Thắng) và Hai Bà Trưng, dựng xe ở một gốc cây đầy hoa màu vàng, đã thấy Phạm
Thiên Thư chạy ra tận cửa đón chúng tôi vào quán.
Quán cà phê (không có tên) là một căn nhà nhỏ nằm quay mặt ra đường Yên
Đổ gần phía hẻm Bến Tắm Ngựa; Phạm thuê của một bà Dược sĩ, nhìn vẻ tối tăm,
nhếch nhác; lỏng chỏng mấy chiếc bàn thấp lè tè, bên trong quán chai lọ, bình
rượu ngâm thuốc xếp lộn xộn trên ke .
Chúng tôi ngồi ở cái bàn sát tường ngay chỗ lối ra vào. Phạm Thiên Thư
đứng trong quầy pha cà phê từ trong một cái túi đen đuá; loại cà phê dân uống
cà phê hay gọi bình dân là cà phê bít tất. Ở Sàigòn ngày xưa có cà phê Năm
Dưỡng ở Bàn Cờ cũng chuyên bán cà phê bít tất nhưng rất ngon và rất đông khách.
Sau khi bưng ra bàn 2 ly cà phê đá, Phạm quân ngồi xuống trò chuyện với
chúng tôi. Tôi hỏi:
Ông mở cái quán này bao lâu rồi? Bán buôn có khá không? (Hỏi vậy thôi,
chứ tôi nghĩ là không khá vì thấy quán vắng teo nên biết là không khá).
- Cũng
được vài năm nay. Thời buổi bây giờ khó khăn lắm. Cái gì cũng tổ hợp, cũng
hợp tác xã, cũng phân phối…Người dân sau 75 lại cùng đói khổ như nhau nên
ai cũng mở ra buôn bán lặt vặt; ai cũng nghèo xơ xác, nên đâu có nhiều
khách! Phạm nói.
Sau đó Phạm quân hăng say nói với chúng tôi về Đại Trường Ca Việt Nam mà
Phạm Thiên Thư viết để ca ngợi chiến thắng giành độc lập và thống nhất đất nước
của những người cộng sản. Phạm nói với chúng tôi: “…đó là chiến thắng có một
không hai trong lịch sử và Phạm rất hãnh diện được chứng kiến. Nước nhà đã độc
lập thống nhất và thoát khỏi sự nô lệ và o ngoại bang…” Phạm trả lời rất thuộc
bài, nói vanh vách những điều bọn VC đã bắt mọi người phải nói thuộc lòng như
con vẹt lập lại những gì người ta muốn nó nói.
Sau ngày 30/4/1975, toàn thể nhân dân từ Nam ra Bắc, từ thành thị đến
nông thôn, từ rừng sâu núi thẳm cho chí đến những hải đảo xa xôi, từ trung ương
cho đến các địa phương thôn làng, xóm ấp… người dân trở thành những con vẹt chỉ
biết lập lại những điều đảng nói. Anh nào dại dột nói khác với đảng thì sẽ bị
quy chụp những tội tầy trời như: phản động, âm mưu chống đối đảng, âm mưu phản
cách mạng v.v… và tương lai là lao tù đầy đoạ ở các vùng rừng thiêng nước độc,
cưỡng bách lao động không có ngày về hoặc phải chết mất xác trong rừng sâu .
Tôi cười thầm trong bụng về cái sự ngây thơ của một anh thầy tu trốn
lính, khi nói là ngày nay đã không còn bị ngoại bang nô lệ. Anh ta đã không
nhìn thấy những người cộng sản VN đã nô lệ Nga Tàu còn hơn bất kỳ thứ nô lệ nào
trên đời. Chúng đã khiêng cái chủ thuyết ngoại lai vô nhân về tròng cái ách ấy
lên đầu lên cổ nhân dân, dùng những thủ đoạn hèn hạ, khát máu để khống chế
người dân vô tội; tước đoạt mọi thứ quyền của con người mà cái quyền tối thiểu
là quyền sống, quyền làm người cũng bị chúng dìm xuống tận đáy sâu điạ ngục đỏ
Tôi khẽ đá vào chân Hoàng Văn Giang để đang ai có phản ứng gay gắt vì e
bất lợi. Dưới sự cai trị bạo tàn của cộng sản Việt Nam, có rất nhiều cạm bẫy mà
chỉ cần sơ sẩy sẽ ân hận cả đời. Chúng tôi là những người đã có thừa kinh
nghiệm tù đày trong lao tù cộng sản nên cần phải đề cao cảnh giác.
Nhưng tôi vẫn nói với Phạm Thiên Thư là: “Chuyện đó nên để cho lịch sử
phê phán, mình là người cầm bút, làm thơ nên sống với những sự thật và đừng để
lôi cuốn vào sự lừa dối. Khi nào ông viết xong, chúng tôi sẽ được đọc một đại
tác phẩm để đời của ông. Bây giờ bỏ mấy cái chuyện chính trị chính em đó sang
một bên mà hãy nói chuyện văn nghệ hoặc đời sống của ông ra sao.”
Phạm Thiên Thư lại đổi đề tài sang chuyện chữa bệnh bằng nhân điện và họ
Phạm đã tìm ra một loại sâm đặc biệt ngâm vào rượu uống trị được bách bệnh được
ông đặt tên là rượu Hồng Sâm. Vừa nói, Phạm vừa lôi một bình rượu lớn, bên
trong có ngâm mấy loại củ trông giống như củ khoai từ, định rót cho chúng
tôi.Nhưng cả tôi lẫn Hoàng Văn Giang đều cản lại vì giữa trưa nóng nực không ai
trong chúng tôi muốn uống rượu.
Thấy nói chuyện với họ Phạm toàn những chuyện vớ vẩn và nhạt nhẽo, tôi
và Giang đứng dậy từ giã ra về và để tiền trên bàn thanh toán cà phê. Ve nhà,
tôi vẫn còn ấm ức về những chuyện với họ Phạm, nên lấy giấy viết mấy câu thơ
trách móc nhẹ nhàng:
GỬI PHẠM THIÊN THƯ
(Để nhớ lúc gặp Phạm Thiên Thư năm 1981 tại quán cà phê góc dường Yên Đổ
và Hai Bà Trưng)
Bởi chưng xưa “gã từ quan”
Ngày nay ngồi ngắm hoa vàng mung lung
Xót trang bi sử ngượng ngùng
Thất phu thẹn với tang bồng nổi trôi
Mấy năm vật đổi sao dời
Hoài thân lận đận, vẫn đời hoang mang
Trước sân dăm cánh hoa vàng
Ngậm ngùi thế sự, ngàn hàng lệ sa
(Thơ Vũ Uyên Giang – 1981)
Tôi định bụng hôm nào rảnh rang sẽ ghé đưa cho Thư, nhưng tôi không còn
cơ hội nữa khi sáng sớm ngày 8 tháng 10 năm 1981, Huỳnh Bá Thành (tức Thiếu tá
công an Ba Trung, tức tên cộng sản nằm vùng Hoạ sĩ Ớt, chuyên vẽ hí hoạ cho
nhật báo Điện Tín của ông Hồng Sơn Đông) dẫn lâu la đến nhà bắt tôi.
Đứng trong sân, nhìn ra thấy chiếc xe Jeep đậu bên kia đường, ngồi cạnh
tài xế là Huỳnh Bá Thành, kế bên Huỳnh phía dưới đất là một tên nhà thơ của
Miền Nam mang họ Phan làm chỉ điểm cho Thành.
Hai tên công an tuổi chừng 19, hoặc 20 đi vào nhà và hỏi tôi: Anh có
phải là anh Vũ không? Tôi xác nhận là đúng thì chúng nói thuộc Bảo Vệ Chính Trị
2 của Sở Công An Thành phố, có lệnh bắt tôi. Biết tình thế nguy hiểm, nên tôi
đã phóng chạy bằng ngã sau nhà sau khi xin chúng cho vào nhà mặc áo và rửa tay.
Trốn tránh ở Sài gòn cả tháng rồi vượt biển tìm tự do nên không có cơ
hội gặp lại Phạm Thiên Thư để tặng bài thơ. Sau năm 1975 được nhà nước cộng sản
xuất bản một số sách “vớ vẩn” chẳng có giá trị gì như pho (phải dùng đến chữ
pho vì nó rất dầy) sách “Tiếu Liệu Pháp, Tự Điển Cười” gồm các chuyện cười mà
Phạm Thiên Thư góp nhặt được, mới chỉ có 3 mẫu tự ABC đã dày 500 trang; như các
pho sách nói về công dụng của Hồng Sâm và nhân điện và các pho sách nói về Phạm
có “công năng” cõi trên cho để chữa bách bệnh v.v… Những bệnh nan y trên đời mà
y giới (kể cả Đông Y lẫn Tây Y) đều chưa tìm ra cách chữa trị hữu hiệu thì Phạm
Thiên Thư đều chữa khỏi như: Ung Thư, Tiểu Đường, Cao Máu v.v…
Ngày 13/4/2006, vừa đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất, tôi được nhà
thơ Vương Tân (tức ký giả Hồ Nam) chở đến chỗ hiện nay nhà thơ họ Phạm đang trụ
trì ở Quán cà phê Hoa Vàng toạ lạc ở số Y 3 Bis đường Hồng Lĩnh (cư xá Sĩ Quan
Chí Hoà cũ). Bà chủ quán cà phê Hoa Vàng ngày nay (hiền thê của Phạm thi sĩ)
chính là bà Dược sĩ chủ nhà nơi họ Phạm thuê mở quán cà phê không tên trên
đường Yên Đổ – Hai Bà Trưng ngày nào. Chắc bà yêu thơ của thi sĩ nên yêu luôn
cả thi sĩ?
Ngày ngày người ta sẽ thấy một ông già tóc bạc, vóc dáng nông dân thể
hiện rõ nét khi thấy ông mặc quần ống thấp, ống cao chuyên ngồi trước của quán,
vừa trông xe cho khách, vừa phun khói thuốc như ống khói tàu.
Đôi khi ngồi với khách nói chuyện hoang tưởng về việc được “cõi trên”
sai xuống trần cứu nhân độ thế, về “nhân điện” v.v… Tại đây tôi đã gặp lại
những người bạn cũ nhiều năm không gặp như Tô Duy Khiêm, Trần Ngọc Tự, Kha Thùy
Châu, Phổ Đức; mỗi người có những kỷ niệm thời trai trẻ khi cùng nhau sinh hoạt
văn nghệ tại Sàigòn. Ở hải ngoại đã có một thời rộ lên tranh cãi về tác giả bài
thơ Ngày Xưa Hoàng Thị; có người cho rằng bài thơ này của Nguyễn Tất Nhiên; có
người cho rằng đó chính là thơ của Phạm Thiên Thư. Lại có một bà cũng họ Hoàng,
chủ nhiệm một tờ báo ở Nam California đã viết trên báo tự nhận mình chính là
Hoàng Thị Ngọ mà Phạm thi sĩ viết thành thơ. Những người biết chuyện chỉ cười
thầm bà họ Hoàng đã là vợ một nhà tho đã thành danh mà không giữ được chồng lại
còn vơ vào một nhà thơ khác làm gì?
Nàng thơ Hoàng Thị Ngọ của Phạm Thiên Thư là một con người thật bằng
xương bằng thịt, vóc người mảnh khảnh với mái tóc xoã vai. Nàng không đẹp lắm
nhưng vóc dáng thanh tú, hay mặc áo dài màu trắng hoặc đen đi học ở Trường Văn
Lang bằng xe đạp. Nhà thơ họ Phạm sau khi bị trường Chu Văn An đuổi học vì kỷ
luật đã quay về Văn Lang và gặp nàng thơ Hoàng Thị Ngọ.
Phạm
cứ lẽo đẽo đạp xe theo sau nàng không nói năng gì, ôm mối tình câm nín. Có
những lần nàng thơ quay lại mắng anh chàng mũi to, răng vẩu, đen đuá như một
anh nông dân chất phác…
Bà Hoàng Thi Ngọ
Ngày qua ngày, thấm thoắt thời gian đã 3 năm trôi qua, Phạm quân áp dụng phương
châm “đẹp trai không bằng chai mặt”; khi nàng thơ thực sự cảm động mối chân
tình của họ Phạm để đáp lại mối tình câm nín của chàng thì cũng chính là lúc họ
Phạm xuống tóc quy y cửa Phật làm một thầy tu. Dù chỉ đi tu để trốn lính…
Và từ đó đời được thưởng thức những áng thơ tình Phạm Thiên Thư viết
trong Chuà. Tính từ ngày gặp tôi nhà thơ họ Phạm ở quán cà phê không tên trên
đường Yên Đổ năm 1981 cho đến lần gặp lại năm 2006 tại Quán Hoa Vàng Y 3 Bis
đường Hồng Lĩnh, đã là 25 năm; một phần tư thế kỷ trôi qua với biết bao đổi
thay.
Đến lúc đó tôi mới có cơ hội chép bài thơ Gửi Phạm Thiên Thư cho nhà
thơ. Nhân dịp gặp nhau ở Quán Hoa Vàng của Phạm quân, Bùi Đức Dung đưa cho tôi
xem bài thơ viết sau khi đi cải tạo về có nhắc đến Phạm thi sĩ như sau:
KHI VỀ
Khi về gặp Phạm Thiên Thư,
Thầy lang nửa áo thầy tu nửa chùa
Cầm tay bắt mạch như đuà
Vỗ lưng ta gọi bốn mùa rong chơi
Về toàn gặp chuyện trời ơi,
Chuyện may thì ít, chuyện xui thì nhiều.
Bùi Đức Dung
Hoàn cảnh của Phạm Thiên Thư bây giờ thật đáng tội nghiệp vì dù mang tên
là chủ quán Hoa Vàng nhưng thực sự chỉ có cái hư danh để có ngày hai bữa cơm.
Với tiếng tăm của anh, nhất là từ sau ngày Phạm Duy trở về Việt Nam sinh sống
và được hát lại những bài nhạc phổ thơ của Phạm Thiên Thư; khi được báo chí
phỏng vấn, Phạm Duy đã giới thiệu quán Hoa Vàng cua Phạm Thiên Thư nên sinh
viên nam nữ đã kéo đến khá đông. Nhìn thấy nhà thơ họ Phạm cứ phải ngồi vỉa hè
trông xe cho khách và phun khói thuốc lá phì phèo như khói tàu hoả tôi ái ngại
cho bạn tôi quá nên đã khuyên Phạm quân nên bỏ dần thuốc lá vì với tuổi đời gần
70 tuổi đầu, vẫn hút nhiều như vậy không tốt cho sức khoẻ, nhất là anh cũng
không được khoẻ từ sau cái dạo nghiên cứu Pháp Thân Tâm bị tẩu hoả nhập ma đến
nay, dường như anh không còn là một người tỉnh táo mà ngơ ngơ ngáo ngáo như một
kẻ trên mây; bằng chứng là khi ký tên tặng sách, anh cũng quên luôn cả tên Phạm
Thiên Thư ghi ra sao; Trần Ngọc Tự phải ghi giúp anh và nói anh ký tên ở ngay
chỗ có ghi sẵn tên. Tâm trí anh cũng lãng đãng khi nhớ khi quên không còn tỉnh
tao như lần tôi gặp trước (dù anh vẫn có vẻ bình thường như mọi người
bình thường khác) khi anh cứ luẩn quẩn với ý nghĩ hoang tưởng là người có “công
năng đặc biệt do cõi trên trao cho” để cứu nhân độ thế, để chữa những bệnh nan
y cho thế gian như Ung Thư, bệnh Aids, bệnh Tiểu Đường mà cả Đông Y lẫn Tây Y
đều chưa tìm ra cách chữa trị v.v…
Vũ Uyên Giang
(1) Hoàng Văn Giang, Đại úy Đại Đội trưởng thuộc Sư
đoàn 1 Bộ Binh trú đóng ở vùng điạ đầu giới tuyến ở Vùng I Chiến thuật. Anh
thường có bài viết trên Bách Khoa trước năm 1975. Sau ngày 30/4/1975, anh cũng
như bao nhiêu quân nhân QLVNCH bị tập trung trong các Trại tù của cộng sản.
Thời gian từ 1978 đến 1981, anh ở tù chung 1 trại K.1 ở Suối Máu Biên Hoà với
người viết. Hiện nay anh đang định cư ở thành phố Chicago, Illinois và viết
văn, viết báo, viết sách dưới bút hiệu Việt Dương.
304Đen
– llttm - OVV
No comments:
Post a Comment