Wednesday, May 4, 2022

Xin Đừng Thêm Thắt Lịch Sử - Nguyễn Gia Việt

 

XIN ĐỪNG THÊM THẮT LỊCH SỬ


Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch vừa ký quyết định công nhận đưa “Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến, ở huyện Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” . “Hoàng Phi Yến” là một nhân vật hoàn toàn trong trí tưởng tượng rất gần đây, tức không có thực trong lịch sử Miền Nam.  

 

Nguyễn Gia Việt

 

Trước đó, ngày 8/4/2007 miếu bà Phi Yến được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Côn Đảo có tên đường “Hoàng Phi Yến”

Năm 1958, ông Nguyễn Kim Sáu xin dựng một ngôi chùa mang tên An Sơn Tự trên nền ngôi miếu thờ Bà xưa. Thực chất đó là miếu “Bà Ngũ Hành” và không ai nhớ ngày giỗ của Bà. Một người tên là Trần Hữu Khỏe đã thành tâm ăn chay và khấn nguyện nên được Bà “hiện về” cho biết là ngày 18-10 âm lịch (??).

Người Lục Tỉnh chúng ta là người có xuất xứ dân khai hoang, lưu dân,thành ra mang bước chưn từ Miền Trung,từ Ngũ Quảng vô Nam họ mang luôn tín ngưỡng thờ nhiên thần và thiên thần.

Ở miệt quê ngoài đình chùa, ta còn thấy có nhiều cái miếu và miễu kế bên xóm làng, gặp thường nhứt là miếu năm bà, miếu năm cô, miễu ngũ hành

“Miễu linh chẳng dám đứng gần

Đứng xa mà vái, thánh thần chứng tri.”

Chữ “miễu” là đọc trại từ chữ “miếu”,v à có lẽ miễu nhỏ hơn miếu một chút,nó có cái chung là thường dựng ở những nơi âm u,cây cối um tùm.

Năm bà là ai? Người ta kêu đó là thờ mẹ “Ngũ hành” hay bà “Ngũ hành”.

Ngũ hành . Ngũ hành theo quan niệm triết học của người cổ đại để chỉ năm hành (năm sự vận động) cơ bản của vũ trụ bao gồm hành Thủy (nước, chất lỏng), hành Hỏa ( lửa), hành Mộc (cây, gỗ), hành Kim (kim loại), hành Thổ (đất đai, thổ nhưỡng)

Năm loại này tạo ra vũ trụ, tạo ra con người, con người sống không có nó là diệt vong.

Người Việt ảnh hưởng mẫu hệ thích thờ mẹ, thí du Thiên Y A Na, rồi từ đó có Năm Bà Ngũ Hành.  Danh của năm bà là “Ngũ hành thần nữ ” và “Ngũ hành nương nương

Nam Kỳ mình kêu là “Ngũ Hành Nương Nương” , tức là Năm Bà, có nơi kêu Năm Cô , rất logic ,vì mẹ sanh ra con cái, sanh ra vạn vật.  Kim Bà thì mặc áo trắng, Mộc Bà áo xanh, Hỏa Bà áo đỏ, Thủy Bà áo đen ( tím) và Thổ Bà thì áo vàng

Vua Nguyễn sắc phong cho Năm Bà là “Đức Thánh Nương, Trứ Phong Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần”,phân ra là: Thổ Đức Thánh Phi, Hoả Đức Thánh Phi, Kim Đức Thánh Phi, Thủy Đức Thánh Phi và Mộc Đức Thánh Phi

Tại Phú Quốc có Dinh Cậu. Dinh Cậu không phải miếu ngũ hành, xưa miếu thờ “Long Vương thần miếu”, miếu thờ Long Vương.. Nhưng lạ lùng, kêu là “Dinh Cậu” , nguyên thủy thờ Long Vương nhưng miếu ngày nay không có tượng Long Vương mà là tượng 3 má con bà Thiên Y A Na gồm bà cùng con trai là Cậu Tài, Cậu Quý

Tại Côn Đảo có “An Sơn Miếu”

An Sơn Miếu chính là miếu thờ Bà Chúa Ngọc là vị thần bảo trợ dân đi biển,và cũng có thể là miếu thờ Thủy Đức (hoặc Thủy Long) Thánh Phi.

Từ cái miếu thờ dân gian tại sao lại bị “moi” ra thành miếu thờ “Hoàng tử Cải” và “bà Phi Yến”? Hình như có yếu tố tuyên giáo lịch sử? Người ta đơm đặt là miếu thờ bà Phi Yến Lê Thị Răm là một bà phi của vua Gia Long. Chỉ vì một câu ca dao thôi mà đẻ ra một giai thoại

“Gió đưa cây cải về trời

Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”

Thế là “ai đó” dám đơm đặt vầy:

Tại xứ Quảng Nam, năm 16 tuổi cô lái đò Lê Thị Răm quê làng An Hải chèo đò đưa chúa Nguyễn Ánh đến Hội An và cù lao Chàm (đảo Yến) . Sau đó chúa Nguyễn Ánh lấy cô Răm làm Phi Yến và sanh ra hoàng tử Cải ,sau đó cùng gia quyến chạy vô Nam. Và một lần vì can gián chúa Nguyễn Ánh không nên nhờ Pháp giúp đánh lại quân Tây Sơn nên bà Lê Thị Răm đã bị giết chết; còn hoàng tử Cải khóc quá nên bị quăng xuống biển, xác trôi vào bãi Cỏ Ống tại Côn Đảo

Và nay.cái miếu An Sơn của dân An Hải Côn Đảo thờ là miếu của mẹ con bà Phi Yến. Nhưng cái “giai thoại” này tự tạo

Vua Gia Long có cả thảy 21 bà vợ, 13 hoàng tử và 18 công chúa.Lục tung nhà vua Gia Long không có bà phi nào tên Lê Thị Răm thụy là Phi Yến ,không có hoàng tử nào tên là Cải hay Hội An.

Và lật lịch sử thì vua Gia Long mới tới đảo Cổ Long (Koh Kong) ở vùng biển Hà Tiên chứ chưa lên Côn Đảo.

Trong đời vua Gia Long là một ông vua chung thủy, đối xử rất tốt với vợ và các con. Trong cuộc đời mình từ lúc bôn tẩu mạng người như chỉ treo chuông cho tới khi trung hưng thành công vua Gia Long thương yêu ,tôn trọng bà chánh thất Thuận Thiện Cao Hoàng Hậu Tống Thị Lan (mẹ hoàng tử Cảnh) hết lòng .Vua Gia Long nhẹ nhàng với bà thứ phi Thuận Thiên Cao Trần Thị Đang (mẹ vua Minh Mạng).Vua Gia Long cũng thương mến Đệ tam cung là bà Đức Phi Lê Thị Ngọc Bình (con gái vua Lê Hiển Tôn,em gái bà Lê Thị Ngọc Hân) dù bà Ngọc Bình là vợ Quang Toản nhà Tây Sơn

“ Số đâu có số lạ lùng

Con Vua lại lấy hai chồng làm Vua “

Khi quân Nguyễn đánh vào Huế vua Quang Toản ôm bộ sậu bỏ chạy ra Bắc đã bỏ lại bà hoàng hậu Ngọc Bình ở lại Phú Xuân.Chúa Nguyễn Ánh đã thương bà và quyết định lấy làm vợ.

Các đại tướng phản đối, điển hình là Tả quân Lê Văn Duyệt kịch liệt phản đối vì cho rằng “Thiên hạ thiếu gì đàn bà mà lại lấy thừa vợ của giặc”, vua Gia Long vẫn bỏ ngoài tai tất cả, ông trả lời: “Tất cả giang sơn này, cái gì mà ta không lấy từ trong tay giặc, cứ gì một người đàn bà?”

Đức Phi sống êm đềm với vua Gia Long và có 4 con chung .Vua yêu chiều nên con bà Ngọc Bình nổi tiếng là …quậy

Quảng Uy công Nguyễn Phước Quân, là hoàng tử thứ 10 của vua Gia Long và bà Đức phi Lê Ngọc Bình .Đây là ông hoàng tử con bà Ngọc Bình được vua cưng nên hỗn láo,xấc xược có tiếng ,rất khó dạy.Các vị đại thần làm thầy hoàng tử Nguyễn Phước Quân đều than trời

Khi vua Gia Long chết, vua Minh Mạng lên, vua sai các quan là Trần Đại Nghĩa và Nguyễn Đăng Sĩ tới để lo việc dạy dỗ, vua còn ban cho Trần Đại Nghĩa một cái roi và dụ rằng:  “Em nhỏ tuổi của trẫm, sinh trưởng ở trong cung cấm, không dạy thì không nên người có đức được. Ngươi sớm khôn khéo dẫn bảo, có lỗi thì đánh, chớ để cho kiêu lười thành tính”.

Tạo ra bà “Phi Yến” để làm nhục vua Gia Long chi vậy?

Vậy mà dám lấy cái miếu bà ngũ hành của ngư dân đi biển ,rồi gán câu ca dao “Gió đưa cây cải về trời-Rau răm ở lại chịu đời đắng cay” để khẳng định chúa Nguyễn Ánh bỏ mẹ con bà phi Răm ở lại Côn Đảo,sau quăng ông Cải xuống biển cho chết vì ngăn ông đánh Tây Sơn.

Có người cha làm vua nào ác đạn dữ vậy?Nghe có mùi rồi, ghét vua Gia Long, ghét thấu xương phải tìm ra cách đăng tri trét chăng?

Hãy đoc câu ca dao:

“Gió đưa cây cải về trời

Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”

Đó là câu ca dao có hơi hám nói về tình nghĩa,tình yêu trai gái,vợ chồng. Miền Nam mình có vô số những bài ca do bắt đầu từ “gió đưa” đặng nói lên sự trách móc của người đàn bà với người chồng,người tình là đàn ông cho thói bạc nghĩa,bạc tình

“Gió đưa bụi chuối sau hè

Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ

Con thơ tay ẵm, tay bồng

Tay dắt mẹ chồng, đầu đội thúng bông”

Ca dao có gió đưa đều buồn buồn

“Ai về Giồng Dứa qua truông

Gió lay bông sậy, bỏ buồn cho ai”.

Rồi là:

“Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng

Về sông ăn cá, về đồng ăn cua

Bắt cua làm mắm cho chua

Gởi về quê nội khỏi mua tốn tiền”

Tự nhiên đem ép bài ca dao đôi lứa trai gái “Gió đưa cây cải về trời.Rau răm ở lại chịu lời đắng cay” thành chuyện…hai mẹ con Răm và Cải? Ai “ép” cũng là loại vô ý vô tứ tới vô học nè

Bà “thứ phi” tưởng tượng Phi Yến ở Côn Đảo,ghép vua Gia Long vô vậy là có tiếng, ai tới Côn Đảo vì tò mò cũng bước vô coi cái “An Sơn Miếu” . Chỉ tội nghiệp cho bà Ngũ Hành bổn địa của cái miếu ,tự nhiên bị ép “tấn cung” làm vợ vua Gia Long ngon ơ vậy hà!

Nam Kỳ phải ăn rau răm với hột vịt lộn.Vài bữa dám kiếm cái miếu nào vắng vắng rồi đơm chuyện chúa Nguyễn Ánh có đứa con tên Nguyễn Phước Hột Vịt Lộn lắm à?

Ta nói, tâm linh bị cưỡng hiếp cũng không sai . Nhớ Hồ Biểu Chánh trong một đoạn văn đã nói rằng:

“Thường nghe thiên hạ họ dạy nhau rằng:”Người chân chánh thì đáng yêu, còn kẻ giả dối thì đáng ghét“

Chẳng hiểu vì cớ nào họ đã dạy như vậy, mà ở đời thói giả dối ngày càng tràn lan khắp cả quan dân, còn điều chân chánh coi ngày càng tiêu mất hết.Lòng người giả dối đến nỗi người nầy muốn nói chuyện với người khác, khi mới mở miệng phải nói trước: ”Tôi nói thiệt với anh“, nhưng cũng chưa ắt những lời nói ra đó là những lời nói thiệt”

Bà “thứ phi” Phi Yến Lê Thị Răm ở Côn Đảo chắc có bà con với anh “Lê Văn Eight” ở Thị Nghè.Ai muốn tìm phả hệ của hai nhân vật “lịch sử” này xin tìm gặp người “có trách nhiệm”.

Nguyễn Gia Việt

Nguồn fb Nguyễn Gia Việt: https://www.facebook.com/Conduongthienly.vi/posts/1616799872024773

 304Đen – llttm -sgtc

No comments: