Monday, July 4, 2022

Bản Chất Của Cuộc Chiến Việt Nam - Trần Trung Đạo

 

BẢN CHẤT CỦA CUỘC CHIẾN VIỆT NAM

 

LTG: Bài viết không liên quan trực tiếp đến bài hát “Gia tài của mẹ” ngoài hai chữ “nội chiến”. Người viết chỉ mượn câu chuyện thời sự này để bàn thêm và bàn rộng hơn từ bài viết “Gọi tên cuộc chiến” đăng trước đây với hy vọng các bạn trẻ có cái nhìn bao quát và đa chiều khi tìm hiểu về cuộc chiến Việt Nam. Người viết cũng không nghĩ với bài này và một số bài khác có thể nhanh chóng làm thay đổi nhận thức của những người từng là hay đang là nạn nhân của hệ thống tuyên truyền CS. “Tuyên truyền” và “khủng bố” là hai cánh tay của đảng. Mikhail Gorbachev phát biểu tại Columbia University ngày 12, tháng 3, 2002 “cả đời tôi sống trong tuyên truyền” và ông thừa nhận trước thời kỳ perestroika (đổi mới) “LX là một xã hội dối trá”. Gorbachev may mắn thấy được, thoát ra được và góp phần thay đổi vận mệnh của các nước thuộc khối LX. Việt Nam còn ít nhưng cũng có những người thấy được và đang cố gắng thoát ra. Cánh cửa ‘internet’ đã hé mở và mỗi ngày thêm rộng. Không vật cản nào có thể che được ánh sáng của sự thật và công lý. Mọi thay đổi đều bắt đầu từ con người. Những người có cơ hội học hỏi không cần phải nhìn xa, không cần phải so sánh với ai khác, chỉ nhìn lại chính mình để thấy nhận thức của mình khác dần theo thời gian học hỏi, tìm tòi. Với đà tiến đó, Việt Nam như một dân tộc chắc chắn một ngày sẽ thay đổi.

--------------

Hôm đó là ngày 21 tháng Hai, 1972. Mao Trạch Đông thức dậy rất sớm. Ông ta lo cắt tóc và chải đầu bóng loáng. Mao muốn gặp Tổng thống Hoa Kỳ ngay nhưng theo thủ tục, Tổng thống Nixon cần phải nghỉ ngơi và sau đó tham dự buổi tiếp tân do Thủ Tướng Chu Ân Lai khoản đải. Mao đành phải đồng ý nhưng chỉ thị là đưa Tổng thống đến cho y gặp ngay vào ngày mai. Tổng thống Hoa Kỳ Nixon là người đầu tiên xuống xe, theo sau là Tiến Sĩ Henry Kissinger và rồi Winston Lord, người sau nầy là đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc. Thế giới đã phải chờ 30 năm để thấy sự thù địch giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ được giải quyết. Mao tin rằng các quốc gia dù với một hệ thống kinh tế khác nhau vẫn có thể hợp tác được và ông ta đang tìm kiếm sự hợp tác rộng rãi hơn với các nước tư bản. Theo Mao, dù hợp tác, nhân loại đã và đang bị phân chia thành ba thế giới khác nhau. Trung Quốc thuộc vào thế giới thứ ba. Vì vậy, hoà bình, đối với Mao chỉ là tạm thời. (Dr. Li Zhisui, The Private Life of Chairman Mao, Trần Trung Đạo tuyển dịch, Boston 1997)

Các chi tiết về các thỏa thuận được bàn ở cấp thấp hơn nhưng nội dung buổi gặp gỡ ngắn giữa Mao và Nixon cho thấy những vấn đề nhức nhối của thế giới hôm nay, nửa thế kỷ trước cũng đã được đem ra bàn.

Theo tài liệu của chính phủ Mỹ được giải mật ngày 11 tháng 12, 2003, hôm đó TT Nixon nói với Mao: “Tôi hy vọng có thể nói chuyện với Thủ tướng Chu Ân Lai và sau đó là với Chủ tịch về các vấn đề như Đài Loan, Việt Nam và Hàn Quốc. Tôi cũng muốn nói về — và điều này rất nhạy cảm — tương lai của Nhật Bản và vai trò của Ấn Độ; và trên bối cảnh thế giới rộng lớn hơn, tương lai của quan hệ Liên Xô và Mỹ. Bởi vì chỉ khi chúng ta nhìn thấy toàn cảnh thế giới và những thế lực to lớn đang làm thay đổi thế giới thì chúng ta mới có thể đưa ra quyết định đúng đắn về những vấn đề cấp bách và trước mắt luôn chế ngự tầm nhìn của chúng ta.” (Mao Zedong meets Richard Nixon, February 21, 1972, US-China Institute, USC)

Sau một cuộc chiến quá nhiều tốn kém về cả nhân mạng lẫn tài sản, TT Nixon tìm cách rút ra. Nhưng để được rút trong “danh dự”, Mỹ phải thỏa hiệp với một trong hai “đỡ đầu” của CSVN.

Theo sách vở, tại một thời điểm nhất định bạn chỉ nên có một kẻ thù và nếu có hai, kẻ thù tốt nhất bạn thỏa hiệp là kẻ thù đang cần thỏa hiệp, trong trường này là TC. Trong buổi gặp Mao, TT Nixon còn “đổ thêm dầu vào lửa” khi cho Mao biết số quân LX đóng tại biên giới TC còn đông hơn quân LX đóng ở biên giới với các nước Châu Âu. Đó cũng là điểm khác nhau căn bản giữa Chủ thuyết Nixon và Chủ thuyết Truman.

Trước đó, trong diễn văn đọc tại Guam tháng 11, 1969, TT Nixon tuyên bố Mỹ chỉ yểm trợ vũ khí và phương tiện cho các quốc gia đồng minh nhưng bảo vệ lãnh thổ là trách nhiệm của chính phủ và nhân dân các nước đó.

Trong thời điểm đó, Mỹ không quá lo ngại TC về mặt kinh tế. Năm 1972, Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) của TC là 114 tỷ dollar, bằng một phần mười của Mỹ và GDP tính theo đầu người chỉ mới 130 dollar. Cho tới 1980, GDP tính theo đầu người của TC cũng chỉ mới lên đến 307 dollar, đứng sau 127 quốc gia. Nước đứng 126 là Cộng Hòa Trung Phi do hoàng đế và cũng là chàng rể bất đắc dĩ Việt Nam Jean-Bédel Bokassa cai trị. Những hàng hóa xuất cảng của TC rất giới hạn và phần lớn là đồ dùng trong nhà. Mao khoe với TT Nixon, TC xuất cảng ớt sang Nam Hàn.

Điều đáng lưu ý là trong Thông Cáo Chung Thượng Hải, Mao cam kết tiếp tục ủng hộ CSVN hoàn thành các mục tiêu của đảng, tức CS hóa Việt Nam.

Những lời tiên đoán của TT Dwight D. Eisenhower trong “học thuyết Domino” ngày 7 tháng 4, 1954 không đúng cho Đông Nam Á, Á Châu và Châu Đại Dương. TT Eisenhower lo xa khi tuyên bố Miến Điện, Thái Lan, Nhật Bản, Formosa, Philippines, Úc, New Zealand cũng có thể rơi vào tay CS. (President Eisenhower's News Conference, Robert Richards, 4, 1954).

Rút ra khỏi Việt Nam không chỉ là chủ trương của TT Nixon (Cộng Hòa) mà cũng là chủ trương của quốc hội Mỹ do đảng Dân Chủ chiếm đa số tại cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện. Ngày 7 tháng 5, 1974, Thượng Viện Mỹ với tỉ số 43 trên 38, chống lại yêu cầu của hành pháp chi viện thêm 266 triệu dollar viện trợ quân sự cho VNCH. Thượng Nghị Sĩ Edward M. Kennedy, Dân Chủ tiểu bang Massachusetts lãnh đạo cánh chống đối với sự ủng hộ của các thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ. (New York Times, May 6 1974)

Người viết dài dòng đoạn này để các bạn trẻ thấy dù đã có hàng ngàn tác phẩm và vô số hội thảo, tranh cãi, phê bình, oán trách về nguyên nhân, hậu quả, các lý do trực tiếp, gián tiếp dẫn đến ngày 30 tháng 4. Tuy nhiên bên cạnh các lý do không được mọi người đồng ý, một lý do đa số đều đồng ý đó là sự thay đổi chính sách của Mỹ tại Á Châu. Lịch sử bang giao quốc tế diễn ra trong nửa thế kỷ qua cho thấy đúng như vậy.




Nhưng không phải vì việc Mỹ thay đổi chiến lược mà Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ.Trong hơn ba năm sau đó, chính phủ, quân đội và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa vẫn tiếp tục chiến đấu trong một cuộc chiến không cân sức, thiếu thốn về mọi mặt.

Sự hy sinh của 58,220 người lính Mỹ là sự hy sinh to lớn và đáng kính nhưng không thể so với sự chịu đựng của hơn hai chục triệu dân miền Nam Việt Nam, trong đó hàng triệu quân và dân đã chết một cách oan ức. Từ những cụ già ở Huế cho đến những em bé còn mặc tả ở nhà hàng Mỹ Cảnh hay tuổi chưa lên mười ở Tiểu học Cai Lậy đã chết trong tức tưởi vì tham vọng CS hóa toàn cõi Việt Nam của đảng CSVN bắt đầu tại Cửu Long, Hương Cảng tháng 2, 1930.

Thế nhưng, quan điểm chiến tranh Việt Nam là chiến tranh giữa Mỹ và CSVN đã ăn sâu vào nhận thức của không ít các tầng lớp người Mỹ, từ người dân bình thường cho đến giới trí thức, văn nghệ sĩ, nhà làm phim Mỹ.

Ngày 23 tháng 3, 2017, Giáo sư Drew Gilpin Faust, Viện trưởng Viện Đại Học Harvard viếng thăm Đại học Fulbright Việt Nam. Nhân dịp này bà đọc một diễn văn tại Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn. Một phần khá dài của diễn văn, bà dành để nói về Chiến tranh Việt Nam, nội chiến Hoa Kỳ và hòa giải Nam Bắc Mỹ.

Trong suốt diễn văn bà Drew Faust không hề nhắc đến sự chịu đựng của người dân miền Nam Việt Nam hay nhắc đến Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), chính phủ đại diện cho hơn một nửa dân số Việt Nam ngày đó. Người viết không nghĩ bà dè dặt hay không muốn làm buồn lòng quốc gia chủ nhà. Nhưng giống như một số khá đông các trí thức Mỹ trước đây, sau 44 năm từ khi các đơn vị trực tiếp chiến đấu Mỹ rút khỏi Việt Nam vào tháng Ba năm 1973, bà vẫn chưa nhìn sâu được vào bản chất của cuộc Chiến tranh Việt Nam.

Bà Drew Faust không hiểu được trên con đường Việt Nam đầy máu nhuộm chạy dài suốt 158 năm, từ khi viên đại bác của Rigault de Genouilly bắn vào Sơn Chà, Đà Nẵng sáng ngày 1 tháng 9, 1859 cho tới hôm nay, nhiều triệu người Việt đã hy sinh vì độc lập tự do dân tộc. Đảng CS là một nhóm rất nhỏ và chỉ ra đời vào tháng 3, 1930. Cộng Sản thắng chỉ vì họ có mục đích rõ ràng, dứt khoát, kiên trì và bất chấp mọi phương tiện để hoàn thành mục tiêu đã vạch ra.

Bà Drew Faust là người học nhiều, hiểu rộng. Chắc chắn điều đó đúng. Nhưng nghe hay đọc một câu chuyện và cảm thông với những nạn nhân trong câu chuyện là một chuyện khác. Ngôn ngữ không diễn tả được hết nỗi đau và đôi mắt thường không thấy được những vỡ nát bên trong một vết thương. Là một sử gia, bà biết lịch sử được viết bởi kẻ cưỡng đoạt không phải là chính sử. Chính sử vẫn còn sống, vẫn chảy nhưng chỉ được hiểu bằng nhận thức khách quan, tinh tế, chia sẻ với những tầng lớp người đang chịu đựng thay vì đứng về phía giới cầm quyền cai trị.

Người viết xin phân tích một số định nghĩa về bản chất của cuộc Chiến tranh Việt Nam.

Phải chăng Chiến tranh Việt Nam là Chiến tranh Ủy nhiệm (Proxy War)?

Chiến tranh Ủy nhiệm là gì?

Chiến tranh Ủy nhiệm (Proxy War) là cuộc chiến tranh mà các quốc gia bên ngoài, thường là cường quốc, không tham gia trực tiếp cuộc chiến nhưng qua hình thức cung cấp võ khí, tài chánh cho các phe cánh, lực lượng trong quốc gia đó đánh nhau vì quyền lợi riêng của các phe nhóm này nhưng cũng tương hợp với quyền lợi của nước bên ngoài.

Chiến tranh diễn ra tại Syria thường được báo chí gọi là chiến tranh ủy nhiệm. Mỹ, Nga, Iran, Thổ, Anh, Pháp, Saudi Arabia và Qatar góp phần tàn phá Syria khi yểm trợ cho các phe nhóm, nhiều khi bất cần hành vi khủng bố của các phe nhóm này, để tranh giành ảnh hưởng và tài nguyên của vùng Trung Đông.

Không ít báo chí quốc tế và nhà nghiên cứu Chiến tranh Lạnh gọi chiến tranh Việt Nam trước khi Mỹ đổ bộ vào tháng Năm, 1965, là chiến tranh ủy nhiệm, trong đó Trung Cộng, Liên Xô một bên, Mỹ và đồng minh một bên.

Định nghĩa chiến tranh Việt Nam là chiến tranh ủy nhiệm chỉ đúng khi nhìn cuộc chiến từ quan điểm đế quốc dù là Mỹ, Liên Xô hay Trung Cộng chứ không phải từ vết thương, từ vị trí của nạn nhân buộc phải chiến đấu để sống còn như dân và quân miền Nam Việt Nam.

Như có lần người viết dẫn chứng, một người lính nghĩa quân gác chiếc cầu ở đầu làng để mấy anh du kích khỏi về giựt sập cũng là một biểu hiện hùng hồn của lý tưởng tự do và chủ quyền. Chiếc cầu là huyết mạch kinh tế của làng, là trục giao thông chính của làng, là vẻ đẹp của làng, và bảo vệ chiếc cầu là nhiệm vụ sống còn mà người lính nghĩa quân phải làm cho bằng được.

Không ai “ủy nhiệm” anh lính nghĩa quân cả. Anh không bảo vệ chiếc cầu giùm cho Mỹ mà cho chính anh và bà con trong thôn xóm của anh. Lý tưởng tự do của một dân tộc dù thiêng liêng to lớn bao nhiêu cũng bắt nguồn từ những hình ảnh nhỏ nhoi nhưng đầy ý nghĩa đó.

Trong phần lớn chiều dài của cuộc chiến, quyền lợi của Mỹ ở Đông Nam Á và quyền lợi của VNCH tương hợp. VNCH đã nhận hầu hết viện trợ quân sự của Mỹ kể cả nhân lực nhưng không đánh thuê cho Mỹ như CS tuyên truyền.

Chiến tranh Việt Nam là Nội chiến (Civil War)?

Thế nào là nội chiến?

Theo các định nghĩa chính trị học, nội chiến (civil war) là cuộc chiến tranh giữa hai thành phần có tổ chức trong cùng một quốc gia vốn trước đó thống nhất, mục đích của một bên là chiếm đoạt bên kia để hoàn thành ý định chinh phục lãnh thổ hay thay đổi chính sách nhưng không thay đổi thể chế.

Theo định nghĩa này, chiến tranh Nam-Bắc Mỹ là nội chiến, hoặc xung đột võ trang giữa chính phủ da trắng và Nghị Hội Toàn Quốc Nam Phi (African National Congress) gọi tắt là ANC chống chính sách Phân biệt Chủng tộc tại Nam Phi là nội chiến.

Bắc Mỹ dưới sự lãnh đạo của TT Abraham Lincoln thắng cuộc nội chiến Mỹ nhưng chỉ thay đổi chính sách nô lệ, trong lúc cơ chế chính trị và chính phủ cấp tiểu bang gần như không thay đổi nhiều.

Tại Nam Phi cũng vậy. Sau cuộc đấu tranh dài dưới nhiều hình thức, cuối cùng ANC đã thắng nhưng cũng chỉ hủy bỏ chính sách Phân Biệt Chủng Tộc (Apartheid) tại Cộng Hòa Nam Phi nhưng không xóa bỏ tổng thống chế và nền kinh tế thị trường. Không chỉ cựu Tổng thống Frederik Willem de Klerk trở thành cố vấn của TT Nelson Mandela mà nhiều viên chức trong chính phủ de Klerk, các tư lịnh quân binh chủng, lực lượng cảnh sát quốc gia đều tiếp tục nhiệm vụ của họ.

Cuộc chiến Việt Nam về hình thức là nội chiến vì cả hai bên đều là người Việt. Nhưng về bản chất thì không phải. “Nội chiến” theo cách hiểu bình dân nhất là phải có ít nhất hai bên trong một nước đánh nhau để chiếm đất đai, tịch thu của cải, cướp chính quyền. Chính phủ và nhân dân Miền Nam Việt Nam, ngoại trừ các hoạt động tình báo mà các quốc gia có cơ chế chính trị đối nghịch nào cũng đều thực hiện, không ồ ạt đổ quân vượt sông Bến Hải để đánh ra miền Bắc, không chủ trương thôn tính miền Bắc và không nhằm “giải phóng miền Bắc” mà chỉ bảo vệ mảnh đất thiêng liêng họ đã “chọn nơi này làm quê hương”.

Sau Hiệp định Geneva 1954, chính phủ và nhân dân VNCH hoàn toàn không muốn chiến tranh. Suốt thời kỳ Pháp thuộc, người dân Việt chịu đựng không biết bao nhiêu đau khổ dưới ách thực dân, mục đích trước mắt của chính phủ và nhân dân miền Nam là có được cơm no, áo ấm, có được cuộc sống tự do và xây dựng miền Nam thành một nước cộng hòa hiện đại.

Sau khi VNCH bị cưỡng chiếm 30 tháng 4, 1975, đảng CSVN không chỉ thay đổi về chính sách như trường hợp Mỹ hay Nam Phi mà thay đổi toàn bộ cơ chế. Nói theo lý luận CS đó là sự thay đổi tận gốc rễ từ thượng tầng kiến trúc (chính trị) đến hạ tầng cơ sở (kinh tế) bằng các biện pháp dã man không thua kém Mao, Stalin.

Khi một cuộc chiến nhằm thay đổi cả cơ chế kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, lịch sử, về bản chất cuộc chiến đó không còn là nội chiến nữa. Ai gọi chiến tranh Việt Nam là nội chiến chỉ đúng về hình thức, nội dung vẫn là chiến tranh của chính phủ và nhân dân miền Nam yêu chuộng tự do chống ý thức hệ CS xâm lược.

Phải chăng chiến tranh Việt Nam là "Chiến tranh chống Mỹ Cứu Nước"?

Stalin, trong buổi họp với Mao và Hồ Chí Minh tại Moscow giữa tháng Hai, 1950 đã phó thác sinh mạng CSVN vào tay Trung Cộng.

Stalin nói với Hồ Chí Minh tại Moscow "Từ bây giờ về sau, các đồng chí có thể tin tưởng vào sự giúp đỡ của Liên Xô, đặc biệt hiện nay sau thời kỳ chiến tranh, thặng dư của chúng tôi còn rất nhiều, và chúng tôi sẽ chuyển đến các đồng chí qua ngã Trung Quốc. Tuy nhiên vì điều kiện thiên nhiên, chính yếu vẫn là Trung Quốc sẽ giúp đỡ các đồng chí. Những gì Trung Quốc thiếu chúng tôi sẽ cung cấp." Sau đó tới phiên Mao, y cũng lần nữa xác định với Hồ "Bất cứ những gì Trung Quốc có mà Việt Nam cần, chúng tôi sẽ cung cấp."

Theo Trương Quảng Hoa trong "Hồi ký của những người trong cuộc" Hồ Chí Minh nói với Mao bằng tiếng Trung Quốc trên xe lửa từ Liên Xô về Trung Cộng "Mao Chủ tịch, Stalin không chuẩn bị viện trợ trực tiếp cho chúng tôi, cũng không ký hiệp ước với chúng tôi, cuộc chiến tranh chống Pháp từ nay về sau chỉ có thể dựa vào viện trợ của Trung Quốc." (Trương Quảng Hoa, Hồi ký của những người trong cuộc”, Viêm Hoàng xuân thu số 5,1999, Dương Danh Dy dịch và hiệu đính)

CSVN hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Cộng, không chỉ phương tiện chiến tranh, kinh tế, quốc phòng, hệ ý thức, cơ sở lý luận mà cả cách nói, cách ăn mặc, cách chào hỏi. Mao gần như đơn phương quyết định mọi hoạt động quân sự của Việt Minh kể cả việc chọn thời điểm cần phải thắng tại Điện Biên Phủ để giành lợi thế trên bàn hội nghị. (Qiang Zhai, China & The Vietnam Wars, 1950-1975, University of North Carolina Press, 2000)

Sau xung đột Eo Biển Đài Loan, và trầm trọng hơn, sau chiến tranh Triều Tiên với gần 400 ngàn quân Trung Cộng bị giết, trong số đó có Mao Ngạn Anh (Mao Anying), con trai trưởng và gần gũi nhất của Mao, từ đó kẻ thù lớn nhất của Mao Trạch Đông là Mỹ. Mao chỉ thị toàn bộ bộ máy tuyên truyền tại Trung Cộng phải chống Mỹ bằng mọi giá. Chống Mỹ từ xa, chống Mỹ ở gần, chống Mỹ trong lý luận, chống Mỹ trong thực tế, chống Mỹ khi có mặt Mỹ và chống Mỹ khi không có mặt Mỹ.

Tuân lệnh Mao, trong Hội nghị Lần thứ Sáu của Trung ương Đảng CSVN từ ngày 15 đến 17 tháng 7 năm 1954, Hồ Chí Minh và Bộ chính trị đảng CSVN đã nghĩ đến chuyện đánh Mỹ: “Hiện nay đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân thế giới và nó đang trở thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Đông Dương, cho nên mọi việc của ta đều nhằm chống đế quốc Mỹ.”

Khẩu hiệu “Chống Mỹ cứu nước” được thai nghén từ quan điểm và thời điểm này. Nhưng “nước” trong khẩu hiệu “Chống Mỹ cứu nước” phải hiểu là nước Tàu chứ không phải nước Việt, lý do trong thời điểm này chưa có một người lính hay một cố vấn Mỹ nào ở Việt Nam. Hôm đó, 15 tháng 7, 1954, ngay cả Hiệp định Geneva 1954 cũng còn chưa ký.

Thực tế chính trị thế giới trong giai đoạn sau Thế Chiến Thứ Hai là thực tế phân cực và sự chọn lựa của thời đại là chọn lựa giữa Tự do hay Cộng Sản. Không chỉ các nước bị phân chia như Triều Tiên, Đức mà cả các quốc gia không bị phân chia như Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ v.v… cũng chọn thế đứng dân chủ Tây Phương để làm bàn đạp phát triển đất nước.

Miền Nam có tất cả khó khăn của một nước cộng hòa đang chập chững đi lên. Miền Nam có đàn áp chính trị nhưng cũng có đấu tranh chính trị, có ông quan tham nhũng nhưng cũng có nhiều phong trào chống tham nhũng hoạt động công khai, có ông tướng lạm quyền nhưng cũng có ông tướng trong sạch, có nghị gà nghị gật nhưng cũng có những chính khách, dân biểu, nghị sĩ đối lập chân chính.

Nhưng dù có gì đi nữa những khó khăn, bất trắc đó cũng là những vấn đề của nội bộ miền Nam Cộng Hòa không liên quan gì đến miền Bắc CS.

Người dân miền Nam có ước mơ “thống nhất đất nước “ và “đoàn viên dân tộc” không?

Chắc chắn là có.

Nhìn vào kho tàng văn hóa, đặc biệt trong lãnh vực âm nhạc, của VNCH để thấy mơ ước hòa bình, thống nhất, tự do, đoàn viên dân tộc là nguồn thôi thúc cho hàng ngàn tác phẩm, nhạc phẩm của văn nghệ sĩ tại miền Nam. Tình yêu nước trong sáng không bị dẫn dắt hay chỉ đạo thấm đậm trong lòng người dân:

“…Rồi đây dù lạc ngàn nơi

Ta hướng về chốn xa vời

Tìm mộng xưa lãng quên tháng ngày tàn phai

Nghẹn ngào thương nhớ "em"... Hà Nội ơi…”

(Vũ Thành, Giấc Mơ Hồi Hương)

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng từ Đại Lộc, Quảng Nam vào Sài Gòn cuối thập niên 1950. Vùng đất “cày lên sỏi đá” đã để lại trong anh niềm trăn trở sâu đậm về tương lai đất nước. Tại Sài Gòn, nhạc sĩ trẻ còn trong tuổi hai mươi đã đưa những trăn trở đó vào âm nhạc và hình thành nên nhạc phẩm để đời: Kinh Khổ. Kinh khổ với lời nhạc như những tiên tri cho một đoạn đường đầy bi tráng mà dân tộc sắp phải trải qua và ước mơ một ngày nhìn nhau trong tình anh em ruột thịt:

Lời nguyện cầu này cho nhau

Từ khi loạn ly vào đêm đầu

Tình người tiêu hao. Niềm tin bội bạc

Gà giục sang canh mãi ngoài hiên đầu tỏ tròn tiếng gáy

Lạnh lùng một ngày một qua mau

Lời kinh mù sương mờ trên đầu

Mộng chờ sau đêm. Ngày mai thật lạ. Thù hằn anh em

Bỗng nhìn nhau gọi nhau thật đậm đà…

(Kinh Khổ, Trầm Tử Thiêng)

Khát vọng “thống nhất đất nước” như dòng suối luôn chảy trong tâm hồn người Việt ở miền Nam nhưng không thể thống nhất bằng hai bàn tay trắng, bằng cái bụng đói, bằng chiếc áo rách, bằng con đường đất, bằng mái nhà tranh.

Vì thế, chọn lựa xây dựng miền Nam trước và thống nhất đất nước khi thời cơ thuận tiện là chọn lựa đúng không chỉ phù hợp với nguyện vọng của người dân mà còn phù hợp với xu thế thời đại.

Trong giai đoạn Chiến Tranh Lạnh bắt đầu, 1947, ngoài Việt Nam, thế giới có hai quốc gia chia cắt nổi bật là Triều Tiên và Đức và hai quốc gia chia cắt này để lại hai bài học lớn.

Thứ nhất, bài học Triều Tiên.

Mục đích duy nhất của Kim Nhật Thành là tập trung cả bán đảo Triều Tiên dưới chế độ CS do y cai trị. Họ Kim sang LX tháng 3, 1949 và đầu năm 1950 sang LX lần nữa để cố thuyết phục Stalin. Stalin đồng ý trên nguyên tắc vì tin rằng Mỹ sẽ không can thiệp bằng quân sự. Tháng Năm, 1950, Kim Nhật Thành gặp Mao Trạch Đông tại Bắc Kinh để duyệt và phê chuẩn kế hoạch tấn công Nam Hàn. Mao lo lắng nhưng vì Stalin đã đồng ý nên việc họ Kim trình bày với ông ta chẳng qua là “chuyện đã rồi”. (Sheila Miyoshi Jager Brothers at War: The Unending Conflict in Korea, Profile Book, 2014)

Như cả thế giới đều biết, Mỹ đưa quân phản công. Tham vọng điên cuồng “CS hóa Triều Tiên” của Kim Nhật Thành đã thất bại và gây ra cái chết cho khoảng 3 triệu người dân Triều Tiên trên cả hai miền.

Sau khi chiến tranh Triều Tiên ngưng tiếng súng vào tháng 7, 1953 với 780 ngàn quân Bắc Hàn bị giết, Kim Nhật Thành bừng tỉnh và biết giấc mộng CS hóa Triều Tiên của y là một cuộc phiêu lưu điên cuồng. Từ đó, ngoài miệng hăm he nhưng họ Kim không còn nghĩ tới chuyện “thống nhất đất nước” lần nữa.

Tại Nam Hàn, Tổng thống Nam Hàn Phác Chính Hy không chủ trương “giải phóng miền Bắc” mà đặt ưu tiên vào hiện đại hóa Nam Hàn. Con đường Nam Hàn trải qua cũng đầy những ổ gà, gai góc với tham nhũng, ám sát nhưng họ đã vượt qua để ngày nay là một trong những cường quốc của Á Châu.

Thứ hai, bài học Tây Đức.

Thủ tướng Konrad Adenauer của Tây Đức tập trung nỗ lực vào việc đưa Tây Đức trở thành một cường quốc kinh tế trong cộng đồng Châu Âu. Adenauer là một trong những lãnh đạo Châu Âu kiên quyết chống lại sự bành trướng của LX và là một thành viên tích cực của NATO sau khi gia nhập tổ chức này năm 1955. Việc nước Đức thống nhất năm 1990 không tốn một viên đạn phát xuất từ tầm nhìn xa của Thủ tướng Konrad Adenauer.

Đảng CSVN thì sao?

Hai bài học đó đều diễn ra trước Hội Nghị lần thứ 15, tháng 1-1959, của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Lao Động Việt Nam, để quyết định “Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền nam". (Nghị quyết hội nghị Trung ương 15, Nhân Dân, 10-03-2005)

Sách lược của giới lãnh đạo CSVN phản ảnh mục đích CS hóa Việt Nam đã được đề ra từ 1930: “Ðảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc, đại biểu cho quyền lợi chính và lâu dài cho cả giai cấp vô sản, lãnh đạo tranh đấu để đạt mục đích cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản.” (Các cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo điện tử đảng CSVN, 23/03/2020)

Vì “mục đích cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản” đã được đóng đinh và rỉ sét trong đầu các thế hệ lãnh đạo CSVN nên họ không thấy những gì đang diễn ra trên thế giới, không hình dung được một miền Bắc sẽ đói nghèo như thế nào và miền Nam sẽ chết chóc ra sao một khi chiến tranh bùng nổ, không cân nhắc phản ứng của nước Mỹ đang dư thừa bom đạn sản xuất trong Thế Chiến Thứ Hai nếu đảng CS đưa quân đội vào chiếm miền Nam, không hiểu được đường lối đối ngoại cương quyết ngăn chặn vết dầu loang CS (Containment Policy) của các Ngoại trưởng Mỹ Dean Acheson và Mỹ John Foster Dulles, của các Tổng thống Mỹ Harry S. Truman và Dwight D. Eisenhower.

Theo con số do chính đảng CS đưa ra năm 1995, hơn hai triệu người Việt đã chết trong cuộc chiến Việt Nam. Dù mặc áo gì, ăn cơm gì, mang súng gì họ vẫn là người Việt Nam, vẫn là những thanh niên lẽ ra không phải chết. Đó là chưa nói đến “một Việt Nam đánh bại đế quốc Mỹ” để rồi dẫn đến nghèo nàn, lạc hậu, tham nhũng, mất dần biển đảo và ăn mày từng liều thuốc như hôm nay.

Do đó, lý do VNCH không chịu bầu cử mà đảng rao gần như mỗi ngày từ chiếc loa đầu xóm cho đến trường lý luận trung ương chẳng qua chỉ để tuyên truyền. Thủ thuật này đã lôi kéo được nhiều người Việt nhẹ dạ và nặng cảm tính ở cả hai miền. Nhiều trong số những nạn nhân bị tẩy não cho đến nay vẫn không phân biệt được sự khác nhau giữa Pháp và Mỹ.

Giả sử, nếu có bầu cử để “thống nhất đất nước” và đảng CS thua, liệu họ sẽ giải nhiệm các cấp chính trị viên và sáp nhập vào quân đội quốc gia, giải tán bộ máy công an chìm nổi, đóng cửa các cơ quan tuyên truyền, từ chức khỏi tất cả chức vụ điều hành đất nước?

Trừ phi mặt trời mọc ở hướng tây và lặn ở hướng đông điều đó không bao giờ xảy ra. Do đó, tên gọi của cuộc chiến khác nhau tùy theo quan điểm, góc nhìn, quyền lợi và mục đích, nhưng với nhân dân miền Nam, đó chỉ là cuộc chiến tự vệ của những người Việt yêu tự do dân chủ chống lại ý thức hệ CS độc tài xâm lược.

Như người viết đã viết trong bài “Buổi chiều trên nghĩa địa Hàng Dương” đăng lần đầu trên talawas tháng 5, 2009: “Máu đổ, thây rơi, nhà tan, cửa nát ở Hà Nội, Hải Phòng là điều có thật. Những mất mát đau thương vô cùng to lớn của đồng bào miền Bắc đã chịu đựng dưới đạn bom Mỹ là điều có thật. Căm thù, phẫn uất vì thế là những phản ứng tự nhiên. Tuy nhiên không phải chỉ vì đế quốc Mỹ đã đơn phương xâm lược Việt Nam như các thế hệ sinh viên học sinh đã và đang được dạy. Hơn ba mươi năm là một thời gian đủ dài để đồng bào miền bắc, các thế hệ trẻ miền bắc có gia đình chịu đựng đau thương bất hạnh trong chiến tranh, nhìn lại cuộc chiến một cách khách quan và so sánh với thực tế đất nước để qua đó biết rõ những ai và học thuyết nào chính là nguyên nhân của chiến tranh, độc tài và chậm tiến hôm nay.”

Người bình thường nhìn vào một sự kiện qua hiện tượng nhưng người có ý thức phải tìm hiểu từ bản chất, bởi vì không thấy rõ bản chất xâm lược của ý thức hệ CS sẽ khó có thể chọn con đường đúng để phục hưng Việt Nam.

 

Trần Trung Đạo

 Người chuyển bài – HV - USA

No comments: