Friday, July 22, 2022

Thần Thánh Sài Gòn - Bình Nguyên Lộc

THẦN THÁNH SÀI GÒN

 

Trừ vài cái miễu đá có sẵn từ trước, như miếu Ngọc Hoàng ở Đất Hộ mà người ta quen gọi là chùa Ngọc Hoàng hay như cái miễu con con ở đường Ngô Tùng Châu, thì những nơi trú ẩn của thần thánh trong đô thành bị thu hẹp một cách thảm thương. 

Bình Nguyên Lộc

 


“Tiên đã chết !” Đó là tiếng kêu than của nhà văn thủ cựu Alphonse Daudet, trong một truyện ngắn cảm động. 

Đọc Alphonse Daudet, người ta buồn cho vui vậy thôi, rồi người ta cứ việc quên tiên và thần thánh, vì cuộc vật lộn để sống đã trở nên quyết liệt thám khốc lắm rồi. 

Trong cái đám phụ thần ấy, tuy nhiên cũng còn sót lại vài kẻ trung kiên kỳ lạ. Trong cuộc xô lấn của người sống, họ cố giành cho thần thánh một cái bến nho nhỏ gọi là tỏ chút tâm thành. 

Thần thánh có ngự được giữa chốn ồn ào và ô trược nầy hay không thì không rõ, nhưng chắc chắn là còn nguyên vẹn trong lòng của những người nầy cho đến lúc họ xuống mồ.  

Cái miễu to hơn hết là cái miễu dưới gốc da trong vườn Tao Đàn tại cửa Trương Công Định. To hơn hết nhưng hẹp hơn cái buồng nhỏ nhứt của bất cứ nhà nào ở các xóm lao động. 

Bé thế mà xinh xắn lắm, chạm trổ tỉ mỉ và sơn son thếp vàng trông như đồ mả sắp được đốt xuống âm ti. 

Khách thừa lương qua đó không ai mà không nghe như văng vẳng câu hát ru em : 

Cây da trước miễu cây da tàn, 

Bao nhiêu lá rụng thương nàng bấy nhiêu. 

Thương nàng là phải. Lúc chưa mở con đường xuyên viên, chỗ nầy vắng vẻ. Nàng hay đứng đợi Chàng. Có lẽ Nàng đã chết rồi, hay đã đi lấy chồng mà gặp phải bến đục, nên Chàng nhìn chốn cũ mà ngậm ngùi. 

Miễu nầy đã có vài năm trước chiến tranh, dưới một hình thức hết sức thô sơ. 

Một bà lão từ sáng đến chiều cứ dập đầu lạy gốc da. Thế rồi người ta bu lại khấn vái và cúng lễ, biến gốc da thành cái miễu lộ thiên. 

Một ông đô trưởng người Pháp, vừa là thi sĩ vừa là cáo già, trông thấy cảnh đó bèn cho hợp thức hóa cái miễu bất hợp pháp ấy. 

Là thi sĩ, ông ta nhận thức được cái quyến rủ đối với du khách ngoại quốc của cảnh cúng lạy kia. Ngoại tệ sẽ vào xứ một phần nào nhờ vị thần ấy. 

Là cáo già, ông ta làm thế nào được lòng dân, tỏ ra ta đây kính nể tín ngưỡng của dân bản xứ lắm !  

Bé hơn cái miễu cây da vườn Tao Đàn là cái miễu Bịnh viện Bình Dân. 

Ai đi trên con đường Hai Mươi mà tò mò một chút là thấy ngay cái miễu kỳ dị ấy. Nó to chỉ bằng chiếc thùng thông đựng bốn mươi tám hộp sữa bò, nằm trên đầu của một cây trụ hàng rào nhà thương trông từa tựa như “chùa một cột”. 

Miễu đúc bằng xi-măng kiên cố thì tức là nhà thương đã chánh thức nhận cho nó nằm đó rồi. 

Cảm động thay lòng tốt của nhà thương. Không biết được ông bác sĩ giám đốc bệnh viện tên gì để ghi vào sổ những kẻ có lòng. 

Ở đây có gốc da, nhưng dưới chân trụ rào dân chúng quanh vùng cứ đem ông táo bể đầu, ông vôi mẻ miệng mà đấp lên cao ngồn ngộn khiến ta nhớ đến nỗi lo âu của dân Việt Nam ngày xưa kia nỗ lực đấp cho trụ đồng Mã Viện khỏi ngã hầu dân tộc ta khỏi bị diệt theo lời hăm dọa khắc trên trụ đó. 

Cứ lâu lâu, cảnh sát đem xe đến hốt xác ông táo ông vôi một lần nhưng vài ngày sau là đâu vào đó cả, nghĩa là ông táo ông vôi khác lại đến. Hay các ông nầy linh thiêng quá mà hiện trở lộn về ? 

Advertisements

REPORT THIS AD

Xác người cứ ra khỏi nhà thương bằng cửa sau còn xác hai vị thần thì đi ra bằng cửa trước. Xác người đi vô nghĩa địa còn xác thần về đâu ? 

Chiều chiều những người nuôi bịnh nằm nhà thương ra đó thắp nhang khấn vái. Sáng sáng, những con bịnh đã khỏi, trước khi rời ngôi nhà cứu tinh nầy, cũng ra đó mà lễ tạ thánh thần đã phù hộ cho họ qua được cơn nguy. Nếu họ lành bịnh được là nhờ thánh thần, chớ bác sĩ làm gì cãi được mạng trời. 

Sự sùng bái ấy đáng lý chạm lòng tự ái của các vị bác sĩ ở đây lắm. Nhưng lại không. Đáng phục thay ! Chẳng những họ không ganh tỵ với thánh thần, họ còn cho phép xây miễu bằng xi-măng (trước kia miễu ấy bằng gỗ) 

Ông giám đốc bịnh viện nầy quả là một thi sĩ. Danh từ thi sĩ tôi gán cho ông đô trưởng người Pháp hồi nãy là nói mỉa mai đấy. Lần nầy tôi nghiêm trang và thành thật tin tưởng như thế. 

Một người bạn bảo ông bác sĩ ấy duy thần. Tôi chỉ cười. Kết luận vội quá thường khi sai. 

Điều chắc chắn là ông ta rất thi sĩ. Ông đã rung động trước lòng tin của những con bịnh bình dân của ông nên mới dung thứ và hơn thế, khuyến khích sự cúng lạy ở một nơi mà người ta chỉ sợ có thế lực của các thứ thuốc trụ sinh và các lưỡi dao mổ. 

Ông lại là tay sành tâm lý. Con bịnh họ tin khoa học hay tin thần thánh, nào có quan trọng gì. Việc chính là họ phải có lòng tin mới chóng khỏi bịnh. Mà họ khỏi bịnh là điều đáng kể hơn hết. 

Hoan hô Bịnh viện Bình Dân !  

Các bạn đi ngang qua rạp Thành Xương, có để ý đến cây vông nem, bên kia đường, ngay trước cửa rạp hay không ? Đó là một cây vông rất hiếm hoi ở Sàigòn mà điều các bạn không thấy là điều đáng tiếc vì thỉnh thoảng nó rắc máu trên vỉa hè trông rất nên thơ. 

Cây vông ấy, đặc biệt là trên cháng hai của nó có gác một cái miễu con bằng gỗ, còn bé hơn cái miễu Bịnh viện Bình Dân nhiều. 

Sáng sáng, các bà các cô đi chợ hay khấn vái dưới miễu, chắc để cầu xin thần thánh níu chân níu cẳng các ông đừng cho các ông đi đêm nữa. 

Người ta bảo nhỏ rằng đào kép ở hai rạp gần đó cũng thường cầu khẩn dưới miễu, chắc để cầu tài. Tài đây là tài diễn xuất. 

Nhưng đó là họ đồn vậy chớ không phải tôi quả quyết như thế, xin anh chị em diễn viên đừng đính chánh mất công. 

Đi trên vỉa hè Đại lộ Trần Hưng Đạo, từ ga-ra Nguyễn Văn Hảo ra hiệu kem Phi Điệp, nếu bạn ngước mặt lên trời thì bạn sẽ thấy cái miễu con kia, cũng bằng gỗ, treo ở lan can bao lơn một dãy lầu, trông giống như một lồng bồ câu tí hon. 

Ở lầu cao, đường rộng, xe hơi chạy dập dìu cái miễu ấy như buông một nốt nhạc ngang cung trong bản nhạc cuồng loạn của thành thị. 

Thần thánh chắc bực mình lắm, vì bên nầy là tiệm nhảy KIM SƠN, bên kia cũng tiệm nhảy VÂN CẢNH, ô trượt quá đi mất. 

Nhưng ngộ nghĩnh hơn hết là chiếc bàn thờ con trong tòa soạn nhựt báo Buổi Sáng. Bàn thờ treo trơ trơ trên vách tường, ngay sau lưng ông giám đốc chủ nhiệm. 

Có lần tôi hỏi anh Tam Mộc : 

– Thờ ông gì đó vậy đại ca ? 

Tam Mộc chỉ cười hà hà không đáp lại mà nói : 

– Bàn thờ ông thần nầy đã nổi danh trên trường quốc tế. Nhiều ký giả ngoại quốc đã vào đây và không anh nào là không dòm nó một cái. Có lẽ đó là bàn thờ ông Văn Xương, tổ của thợ nhà in. 

Bình Nguyên Lộc, (NHÂN LOẠI, 1957)

 304Đen – Llttm -sgtc 

No comments: