Saturday, July 9, 2022

Muộn Màng - Kha Tiệm Ly

 

MUỘN MÀNG

 

Khi vừa bước vào ngưỡng cửa trung học, tôi tự cảm thấy mình là “người lớn”! Điều tồi tệ hơn nữa là với trình độ văn hóa đang học lớp sáu, tôi đã tự phong mình là một trí thức lớn! Mọi người quanh tôi, nếu ai không đang ngồi ghế nhà trường thì dưới mắt tôi, họ đều là những kẻ dốt nát; qua bộ đồng phục tươm tất của tôi, những người áo quần lam lũ là hạng người dơ bẩn!

Mẹ tôi là một trong số người đó! Dáng quê mùa của bà đã làm cho tôi xấu hổ với bạn bè rồi, đàng nầy bà lại chỉ có một mắt, khiến tôi càng xấu hổ hơn!



Từ khi ba tôi mất, bà càng tiều tụy, càng quê mùa, càng đen đúa, nên trông bà càng dơ bẩn hơn. Con mắt bị “đui” của bà càng sâu hơn, đôi khi có chất gì đó lầy nhầy từ khóe ứa ra trông nó càng gớm ghiết! Bà thường vuốt ve, âu yếm tôi, nhưng những lần như vậy tôi đếu xô bà ra với sự bực bội không cần giấu giếm.

Mỗi lần nhìn bà đến trường với dáng dấp rụt rè để xin hoãn lại tiền học, hay gì gì đó, là mỗi lần tôi cảm thấy bị xúc phạm. “Mẹ của mầy có một mắt”, hay mỉa mai hơn, “Mẹ của mầy “dách cô ngạn”…” “Mẹ của mầy giống ăn xin!”. Những lúc đó tôi muốn hét lên: “Bả không phải là mẹ tao!”. Nhìn “mẹ người ta” quần là áo lượt, vàng đeo đỏ tay, đi đứng sang trọng, rồi nhìn lại bộ dạng của bà, tôi cố lánh mặt, hay muốn chui xuống đất cho xong!

Năm tháng trôi qua, tôi đã là một thanh niên khôi ngô tuấn tú, trong khi hình hài mẹ tôi càng thê thảm. Tóc bà bạc trước tuổi, người ốm hơn, da đen hơn, má hóp hơn, làm cho hốc mắt bị mù càng sâu hơn nên trông càng quái dị. Cuộc sống sinh viên của tôi là cả một khoảng trời xanh tương lai rộng mở, tôi không thể vì bà mà cản bước tiến thân. Tôi giấu nhẹm chuyện tôi còn mẹ, mặc dù mỗi tháng tôi vẫn về nhà lấy tiền đóng tiền phòng, tiền cơm nước.

Tôi thường về vào chiều thứ bảy mỗi cuối tháng. Những ngày đó bà thường ngồi trước cửa ngóng tôi. Thoạt thấy tôi, bà vui rơi nước mắt, rồi lấy chiếc khăn rằn luôn vắt trên vai, chậm nước mắt. Thấy bà chậm luôn “con mắt không khóc được” làm tôi phát khùng lên!

Bà vừa nói vừa hít mũi:

–Con tắm rửa rồi ăn cơm. Mẹ dọn sẵn chờ con… Nguội rồi, để mẹ hâm lại.

Tôi không để ý đến lời bà, mà nói

–Tháng nầy tiền nhà lên, bà cho tôi thêm.

Nhìn bà lấy tiền từ trong túi quần, được gài cẩn thận bằng cây kim tây tổ bố, và được gói bằng nhiều lớp giấy, cuối cùng là lớp bao nylon, tôi khẽ nhếch môi…

Đang dùng cơm, đột nhiên bà nói:

–Con về vất vả, hay là con cho mẹ biết chỗ con ở để mỗi tháng mẹ mang tiền lên cho con.

Tôi chau mặt nhìn bà:

–Bà già rồi, còn đòi đi đâu nữa?

Cả hai lặng thinh. Bữa cơm khá ngột ngạt. Mẹ tôi không nói vì có lẽ bà đoán biết phần nào ý nghĩ trong câu nói của tôi; còn tôi, lương tri đã lay nhẹ trái tim mình. Tôi thấy tôi có lỗi với mẹ về thái độ của mình từ trước đến nay. Tôi dịu giọng:

–Mẹ già rồi, đi xe cộ đường xa không tốt cho sức khỏe đâu.

Mắt mẹ tôi rạng rỡ lên, bà lại chậm nước mắt; bà đã xúc động vì tiếng gọi “mẹ” của tôi.

oOo

Tôi ra trường, may mắn có việc làm tốt. Tôi ít khi về thăm mẹ tôi, nhưng lâu lâu tôi gởi tiền về cho bà, và cho đó là quá đầy đủ về lòng hiếu thảo của mình. Vài năm sau tôi cưới vợ, tất nhiên vì “tôi mồ côi cha mẹ từ nhỏ” nên không thể có mặt mẹ tôi. Vợ tôi là tiểu thơ của một gia đình giàu có. Tôi sống trong nhung lụa, hạnh phúc bên vợ và các con, nên việc về thăm mẹ tôi, dường như quên hẳn.

Một buổi nghe xôn xao ngoài cổng, con gái nhỏ tôi vù chạy vào nhà, mặt tái mét:

–Bà… bà… già bắt con nít!

Tôi nhìn ra, thoáng thấy một người đàn bà đứng ngoài cổng nhìn vô. Tôi bước ra, bà ta bèn giở nón, vừa cười hiền hậu:

–Con!

Tôi bực mình, không thèm mở cổng:

–Bà lên đây làm gì? Tôi đã gởi tiền cho bà rồi mà!

Tôi vội nhìn vào trong , chỉ sợ vợ tôi vô tình bước ra. Tôi giục mẹ:

–Bà về đi! Khi nào rảnh tôi về!

Mẹ lòn tay qua song cổng, nắm lấy tay tôi; nghẹn ngào:

–Mẹ nhớ con! Mẹ hỏi thăm mãi mới gặp được con.

Tôi lại nhìn vào trong; giục:

–Thôi bà về đi, để vợ tôi ra thấy bây giờ!

Tôi thấy niềm vui hiện trên gương mặt bà:

–Con có vợ rồi à? Vậy là mẹ có dâu rồi! Ba con ở dưới mà biết được chắc ổng vui lắm! Còn đứa bé hồi nãy…?

–Là con của tôi.

–Cháu nội của mẹ? Có vợ có con mà không cho mẹ biết để mẹ mừng.

Tôi muốn la lên :“Tôi sợ bà không hết có đâu mà cho hay?” nhưng kìm lại được. Tôi lại nhìn vào trong; rồi giục mẹ:

–Thôi bà về nhanh đi. Rảnh tôi về thăm.

Thực ra tôi nói câu ấy là chỉ để cho bà vui lòng, nhưng cũng đủ làm bà vui. Bà cúi xuống , tay loay hoay trong chiếc giỏ cũ mèm rồi lấy ra bốn nải chuối được bọc cẩn thận bằng nhiều lớp lá đưa cho tôi:

–Chuối cau nè con. Mẹ biết con thích chuối nầy nên mẹ không bán mà để dành cho con,

Tôi bực mình thở ra:

–Ở đây bán thiếu gì, bà đem lên làm chi!

Để tranh thủ thời gian, tôi cũng nhận lấy. Vừa lúc đó tiếng vợ tôi từ sau:

–Chuyện gì vậy anh?

Tôi lúng túng móc túi đưa hết cho bà một mớ tiền đủ mệnh giá; thúc giục:

–Vợ tôi ra kìa. Bà đi đi kẻo trễ xe!

Mẹ tôi cố nhìn mặt “con dâu” rồi quầy quả bước đi sau tiếng nghẹn ngào:

–Thôi mẹ về!

Tôi thấy bà lấy khăn chậm mắt. Vợ tôi hỏi lại:

–Chuyện gì vậy anh?

–À.. à… có bà già mời mua mấy nải chuối. Anh tội nghiệp…. bả mà mua vậy mà!

Gần năm sau, mẹ tôi mất! Khi tôi về thì đâu đó đã xong . Nhìn ảnh bà được họa lại từ thẻ chứng minh nhân dân nên trông bà càng xấu xí, nhưng lại làm tôi xúc động! Tôi khóc ngất. Có lẽ lương tâm đã phán xét tôi. Chỉ vì sỉ diện hảo mà tôi đã không nhìn mẹ, người mẹ đã tần tảo nuôi tôi ăn học thành tài. Lý ra tôi phải trân trọng, yêu quý mẹ tôi hơn tất cả những người mẹ sang trọng, vàng vòng lấp lánh mà tôi đã từng ao ước.

Một tiếng xì xào trong số bà con lối xóm đến thăm tôi:

–Chị hai thật có phước. Con nuôi mà thương mẹ như con ruột!

–Thì chỉ thương nó, hy sinh cho nó, thì nó thương lại cũng phải thôi!

Tôi quay phắt người lại hỏi:

–Mấy dì nói ai (là) con nuôi?

Im lặng vài giây. Một người lớn tuổi nhất hắng giọng rồi nói:

–Cháu chưa biết sao? Chị hai cũng kín miệng dữ à! Lúc mẹ ruột cháu mất thì cháu còn nằm trong nôi. Ba cháu cưới chị hai đây để đỡ đần trong cảnh tình gà trống nuôi con. Nhưng khổ nỗi, vài năm sau anh hai lại qua đời! Lúc đó cháu mới biết đi chập chững. Một lần không may, cháu vấp té bị cây đâm vào mắt. Bác sĩ nói cháu sẽ bị mù nếu không có một con mắt của người lành thế vào. Thế là chị hai tình nguyên cho cháu một con mắt của mình… Chính dì đây nuôi má cháu trong những ngày nằm viện.

Một người nói:

–Hồi mới về với ba cháu, chị hai xinh đẹp nhất xóm chứ đâu phải như bây giờ…

Tôi gục đầu vào ảnh mẹ tôi; gào lên rồi khuỵu xuống:

–Mẹ!…

Tôi kể chuyện nầy mà lòng còn xấu hổ với bao day dứt vò xé lòng tôi. Nhưng tôi phải kể ra cho lòng vơi bớt, cho lòng được xoa dịu phần nào nỗi ân hận khổ đau; cũng như đề nhắn nhủ với những ai còn mẹ, thì hãy nên trân trọng, giữ gìn: “Trên thế gian nầy không gì quý bắng mẹ”, “Không có kỳ quan nào vĩ đại bằng trái tim người mẹ”

Giờ nầy tôi mới thắm thía câu nói ấy thì đã quá muộn màng. Xin mẹ tha hãy lỗi cho con. Xin mọi người hãy tha lỗi cho tôi!

Kha Tiệm Ly

Từ trang DDQGHCUC

No comments: