Thursday, September 8, 2022

Cải Lương Trong Thời Pháp Thuộc - Phan Thượng Hải

 

CẢI LƯƠNG TRONG THỜI PHÁP THUỘC

 

Theo ông Trần Văn Khải, hai tiếng “Cải Lương” có nghĩa là “Sửa đổi cho tốt hơn”. Từ xưa ở Việt Nam không có lối diễn tuồng nào khác hơn là Hát Chèo hay Hát Tuồng (ở Bắc Phần) và Hát Bội (ở Trung và Nam Phần)…

Phan Thượng Hải

 


Đến năm 1917 khi Cải Lương ra đời, người mình nhận thấy điệu hát nầy có vẻ tân tiến hơn điệu Hát Bội, nên cho đó là việc cải thiện điệu hát xưa cho tốt đẹp hơn. Vì lẽ ấy người mình dùng hai tiếng “Cải Lương” để đặc tên cho điệu hát mới mẻ nầy. (Tiếng Cải Lương là gốc ở câu Cải Lương Phong Tục mà ra). 

Vào đầu thập niên 1920s đoàn Tân Thinh dùng 2 câu đối:

Cải cách hát ca theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh.

Cải Lương là ca kịch trên sân khấu theo lối tả chân, phải mặc y phục và diễn tả thế nào cho giống hệt ngoài đời (khác với Hát Bội theo lối tượng trưng). Tuy nhiên nó cũng có tính cách “màu mè” để diễn viên lột hết tinh thần của vai trò.

Cải Lương có lịch sử nghệ thuật phổ thông và hưng thịnh ở Nam Kỳ từ năm 1917 cho đến năm 1975.

Nguồn gốc

Đầu thế kỷ 20 ở rải rác trong các tỉnh Nam Phần có “Đờn Ca Tài Tử” của những Ban Tài Tử đờn ca trong các cuộc lễ tại tư gia tân hôn, thăng quan, giỗ quải hay khi nhàn rỗi …nhưng không bao giờ có đờn ca trên sân khấu hay trước công chúng.

Những Tài Tử nầy biết đờn và hát những điệu hát nhứt định tự đặt ra hay biến chế từ nhạc cung đình và gọi là Tài Tử vì họ thuộc thành phần trung lưu khá giả ở Nam Kỳ chỉ hát chơi tiêu khiển chớ không lấy tiền. Những nhạc khí và điệu hát của “Đờn Ca Tài Tử” sau nầy được “Đờn Ca Ra Bộ” và “Hát Cải Lương” xử dụng tiêu biểu như: Tứ Đại Oán, Lưu Thủy Trường, Nam Xuân, Nam Ai, Bình Bán Vắn, Hành Vân…

Những Tài Tử nổi danh ở vùng Tiền Giang: ông Phan Hiển Đạo (cựu Tiến sĩ) đem nhạc cung đình về Nam Kỳ, ông Bảy Triều (ba của ông Trần Văn Khê và Trần Văn Trạch), bà Trần Ngọc Viện (cô của ông Trần Văn Khê) và ông Nguyễn Tri Khương (cháu nội của ông Nguyễn Tri Phương, cậu của ông Trần Văn Khê).

Những Tài Tử nổi danh ở vùng Hậu Giang: ông Hai Khị với con là ông Ba Chột, rể là ông Trịnh Thiện Tư và học trò là ông Sáu Lầu (người sáng tạo bản Vọng Cổ).

Khoảng năm 1910, ở Mỹ Tho có Ban Tài Tử của ông Nguyễn Tống Triều tục gọi là Tư Triều (đờn Kìm) với Chín Quán (đờn Độc Huyền), Mười Lý (thổi tiêu), Bảy Vô (đờn Cò), cô Hai Nhiễu (đờn Tranh) và cô Ba Đắc (ca). Ban Tài Tử Nguyễn Tống Triều nầy đã được chọn đi trình bày cổ nhạc Việt Nam tại một cuộc triển lãm ở Pháp.

Năm 1911, tài tử Nguyễn Tống Triều muốn đưa ca nhạc ra trước công chúng nên thương lượng với ông Chủ nhà hàng “Minh Tân Khách Sạn” ở ngang ga xe lửa Mỹ Tho-Sài Gòn để Ban Tài Tử của ông ca giúp vui cho thực khách. Thực khách rất thích nên đến càng ngày càng đông.

Thấy vậy Thầy Hộ, Chủ rạp hát bóng Casino phía sau chợ Mỹ Tho, mời Ban Tài Tử Tư Triều đến trình diễn mỗi tối thứ tư và thứ bảy trên sân khấu rạp hát của mình trước khi chiếu bóng. Lối đờn ca trên sân khấu của Ban Tài Tử Tư Triều rất được hoan nghinh nhiệt liệt. Nhứt là bài Tứ Đại Oán “Bùi Kiệm Nguyệt Nga” do cô Ba Đắc hát.

Cái sáng kiến đưa đờn ca tài tử lên sân khấu trong rạp hát của Tư Triều từ năm 1912 ở Mỹ Tho đã lan tràn đến Sài Gòn và nhiều tỉnh ở Nam Phần cũng như bài Tứ Đại Oán “Bùi Kiệm Nguyệt Nga” do cô Ba Đắc ca được phổ biến.

Đến năm 1915, ông Tống Hữu Định tục danh là Ông Phó Mười Hai ở Vĩnh Long qui tụ anh em tài tử ở đây cho thủ vai Bùi Ông, Bùi Kiệm và Nguyệt Nga hát trên bộ ván ở nhà của ông vừa ca vừa ra bộ. Đó là “Đờn Ca Ra Bộ” và trở thành phổ biến.

Năm 1916, ông André Thận người Sa Đéc lập gánh hát xiệc có 1 Ban “Đờn Ca Ra Bộ” gồm có đào Hai Cúc và kép Tám Cang và Bảy Thông.

Khoảng năm 1917-1918, ông Châu Văn Tú tức là Thầy Năm Tú, một người khá giả ở Mỹ Tho, chuộc ban “Đờn Ca Ra Bộ” của ông André Thận rồi kêu thêm đào kép mới. Thầy Năm Tú cất một rạp hát mới rộng và đẹp ở gần chợ Mỹ Tho, trang hoàng rạp và sân khấu như rạp hát Tây ở Sài Gòn để ban ca kịch “Thầy Năm Tú” của ông trình diễn. Thầy Năm Tú mua sắm y phục cho đào kép và cậy nhà văn Trương Duy Toản soạn tuồng. Mỗi tối trước khi khai diễn ông bày ra lối chưng “Tableau vivant” (Màn chưng đào kép) để cho công chúng thấy được những mặt làm tuồng trong đêm hát.

Từ “Đờn Ca Tài Tử” qua “Đờn Ca Ra Bộ” thì “Hát Cải Lương” chính thức thành hình từ ông Châu Văn Tú.

Những tuồng đầu tiên của soạn giả Trương Duy Toản là “Hạnh Nguyên Cống Hồ” (phỏng theo truyện thơ Nhị Độ Mai) và “Trang Tử Cổ Bồn Ca” trích từ Trang Hoa Kinh. Ban “Thầy Năm Tú” đầu tiên có thêm Kép như là Năm Châu, Tám Mẹo, Ba Du… và Đào như là Ba Nhàn, Ba Liên, Sáu Huề…

Mỗi tuần gánh ông Năm Tú hát 3 đêm ở Mỹ Tho rồi lên hát ở rạp Eden Chợ Lớn 3 đêm. Ông cũng cho thâu thanh vào dĩa các tuồng hát của Ban Năm Tú với mục tiêu phổ biến điệu hát Cải Lương trong toàn quốc.

Sau đó có 3 ban Cải Lương khác: “Đồng Bào Nam” của cô Tư Sự ở Mỹ Tho, “Nam Đồng Ban” và “Tái Đồng Ban” của ông Hai Cu.

Thời Kỳ Phôi Thai trong thời Pháp Thuộc (1918-1922)

Đầu tiên có 4 Ban Cải Lương tại Mỹ Tho:

Ban “Thầy Năm Tú” của Thầy Năm Tú
Ban “Đồng Bào Nam” của Cô Tư Sự
2 Ban “Nam Đồng Ban” và “Tái Đồng Ban” của Thầy Hai Cu.

Sau đó ít lâu có 4 Ban ở các tỉnh khác:

Ban “Văn Hí Ban” của Ông Huỳnh Kim Vui ở Chợ Lớn
Ban “Sĩ Đồng Ban” của Ông Bảy Sô ở Long Xuyên
Ban “Kỳ Lân Ban” của Bà Huyện Xây ở Vũng Liêm (Vĩnh Long)
Ban “Tân Phước Nam” của Bác sĩ Minh ở Sóc Trăng.

Nữ Nghệ Sĩ:

Hai Cúc, Năm Phỉ, Phùng Há, Tư Sạng, Hai Xiêm, Mười Nhường, Bảy Ngọc, Hai Phụng…

Nam Nghệ Sĩ:

Bảy Thông, Tám Cang, Hai Giỏi, Năm Châu, Tư Chơi, Tám Mẹo, Tư Út, Ba Du, Hai Bông, Năm Long, Mười Mùi…

Soạn Giả:

Trương Duy Toản, Trần Phong Sắt, Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, Ngô Vĩnh Khang, Đào Châu…

Có 3 loại Tuồng chánh:

Tuồng từ Truyện Thơ Nam Kỳ: Vân Tiên Nguyệt Nga, Thoại Khanh Châu Tuấn, Lâm Sanh Xuân Nương, Thạch Sanh Lý Thông…
Tuồng Dã Sử Việt Nam (cũng từ truyện Dã Sử VN lúc bấy giờ): Nữ Vương Trưng Trắc, Lê Lai Cứu Chúa, Trọng Thủy Mỵ Châu, Lê Lợi Khởi Nghĩa, Cao Hoàng Phục Quốc…
Tuồng Tàu (từ Truyện Tàu): Phụng Nghi Đình, Hoàng Phi Hổ Đầu Châu, Tống Tửu Đơn Hùng Tín, Anh Hùng Náo…

Thời Kỳ Hưng Thịnh trong thời Pháp Thuộc (1923-1954)

Gánh hát lần lần trở thành Đại Ban (Đoàn Hát):

Tân Thinh, Trần Đắc, Tập Ích Ban, Tân Hí Ban, Võ Hí Ban, Nhã Tĩnh Ban, Phước Cương, Huỳnh Kỳ, Nhạn Trắng, Mộng Vân, Sao Mai, Hề Lập, Năm Phỉ, Nam Phương, Phụng Hảo, Việt Kịch Năm Châu, Kim Thoa, Hậu Tấn…

Nữ Nghệ Sĩ:

Năm Phỉ, Phùng Há, Tư Sạng, Kim Thoa, Bảy Nam, Thanh Tùng, Thanh Loan, Hai Đàng, Tư Kỳ, Chín Bia, Mười Truyền, Bích Thuận, Năm Sa Đéc, Bảy Lựu, Chín Lê, Kim Cúc, Kim Lan, Ngọc Xứng…

Nam Nghệ Sĩ:

Năm Châu, Tư Chơi, Tư Út, Bảy Nhiêu, Duy Lân, Ba Vân, Từ Anh, Mười Bửu, Năm Định, Năm Nở, Tám Mẹo, Hai Thiêng, Hai Tiền, Tám Danh, Hai Hoành, Văn Ngân…

Những tên tuổi lớn trong giới nghệ sĩ Cải Lương trong thời Pháp thuộc là Năm Phỉ, Phùng Há và Năm Châu.

Nữ nghệ sĩ Năm Phỉ là con thứ năm của ông kỹ sư cầu cống (công chánh) Lê Công. Ông nầy đặt tên những đứa con theo tên của mình “Công Thành Danh Toại, Phỉ Chí Nam Nhi, Bia Truyền Tạc Để”. Cô Năm Phỉ, cô Bảy Nhiêu, cô Chín Bia và cô Mười Truyền đều là đào Cải Lương có danh. Cô Năm Phỉ bắt đầu hát với con ông Hai Cu, chủ “Nam Đồng Ban”, là Hai Giỏi rồi lấy nhau nhưng khi Hai Giỏi chết sớm thì cô Năm Phỉ buồn quá bỏ gánh nên ông Hai Cu lập “Tái Đồng Ban” với 2 cặp Đào Kép là Phùng Há và Năm Châu rất ăn khách nên có câu: “Năm Châu câu Phùng Há, Phùng Há đá Năm Châu”.

Cô Phùng Há lấy kép Tư Chơi rồi sau lấy Bạch Công Tử chủ gánh Huỳnh Kỳ cũng vẫn đóng cặp với Năm Châu. Năm Châu lấy nữ nghệ sĩ Sáu (Ngọc) Trâm rồi vì ghen với cô Phùng Há nên cô Sáu Trâm bỏ nghề và đi mất tích luôn. Do đó Năm Châu lại lấy Đệ Nhứt Nữ Danh Ca lúc bấy giờ là cô Tư Sạng có 4 con nhưng sau đó lại ly dị rồi lấy cô Kim Cúc là con của Bảy Nhiêu (nhỏ hơn Năm Châu 16 tuổi) có 5 con. Cô Tư Sạng lại làm vợ thứ của ông Năm Mạnh là chủ hãng dĩa Asia. Cô Phùng Há sau gánh Huỳnh Kỳ thì thôi Bạch Công Tử và tự lập gánh Phụng Hảo (=Phùng Há). Cô lại tái giá (và là mẹ kế của Đại tướng Nguyễn Khánh).

Cô Năm Phỉ về sau tái giá với ông Nguyễn Phước Cương là chủ gánh Phước Cương nhưng được vài năm thì cô bỏ ông chồng nầy và gánh Phước Cương mà tự lập gánh riêng là gánh Năm Phỉ. Ông Phước Cương lại lấy em của cô Năm Phỉ là cô Bảy Nam và sinh ra cô Kim Cương. Cô Năm Phỉ (1907-1954) ở vậy cho đến khi qua đời. Bảy Nhiêu thường đóng với cô Năm Phỉ nhứt là tuồng “Xử Án Bàng Quí Phi” thủ vai Tống Chơn Tông đối với cô Năm Phỉ (vai Bàng Quí Phi). Tuồng nầy nổi danh tới được sang hát ở Paris vào năm 1931.

Khi cô Năm Phỉ qua đời, người Nam Kỳ đều thương tiếc:

TRUY ĐIỆU CÔ NĂM PHỈ

Chiếm giải hoa khôi khắp kịch trường
Phỉ nguyền, cất gánh vượt trùng dương
Bàng phi đất Bắc, bao người khóc (*)
Lan lụy trời Nam, lắm kẻ thương (*)
Mộ điệu phục tài: thinh lẫn sắc
Tri âm mến tánh: chính mà cương
Thác về, công nghiệp còn roi dấu
Nghệ thuật Tiên Rồng rạng bốn phương.

(Lãng Ba Phan Văn Bộ)

(*) Chú thích:

Đóng vai Bàng Quí Phi.
Đóng vai Lan (Lan và Điệp) theo tiểu thuyết “Tắt lửa lòng” của Nguyễn Công Hoan.

Có 5 loại Tuồng trong thời kỳ nầy: 2 loại Tuồng cũ là Tuồng Dã Sử VN và Tuồng Tàu và 3 loại Tuồng mới là Tuồng Phật, Tuồng Xã Hội Việt Nam và Tuồng Xã Hội Âu Tây.

Tuồng Dã Sử Việt Nam: Giọt Máu Chung Tình (Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà), Hận Nước Thù Chồng (Trưng Vương), Gương Liệt Nữ (Triệu Ẩu), Gia Long Tẩu Quốc…
Tuồng Tàu: Lưu Kim Đính Giải Giá Thọ Châu, Xử Án Bàng Quí Phi, Mạnh Lệ Quân Thoát Hài, Mộc Quế Anh Dâng Cây, Trường Hận (Dương Quí Phi), Xử Án Quách Hoè, Quần Anh Kiệt, Huê Dung Đạo…
Tuồng Phật: Quan Âm Thị Kính, Tiền Thân Phật Tổ, Trần Huyền Trang, Thích Ca Đắc Đạo…
Tuồng Xã Hội Việt Nam (từ tiểu thuyết VN): Lan Và Điệp, Đời Cô Lựu, Đoạn Tuyệt, Hồn Bướm Mơ Tiên…
Tuồng Xã Hội Âu Tây: Tơ Vương Đến Thác, Cách Lan Phương Tử, Túy Hoa Vương Nữ, Hai Khối Tình Hàm Lê (Hamlet)…

Soạn Giả:

Mộng Vân, Đặng Công Danh, Nguyễn Công Mạnh, Nguyễn Thành Châu (Năm Châu), Huỳnh Thủ Trung (Tư Chơi), Trần Duy Lân, Lê Hoài Nở, Trần Hữu Trang…

Đặc biệt có Nghệ sĩ cũng là Soạn giả viết tuồng.

Tư Chơi là soạn giả Huỳnh Thủ Trung bắt đầu viết tuồng xã hội VN như Khúc Oan Vô Lượng, Ai là bạn chung tình….

Năm Châu là soạn giả Nguyễn Thành Châu bắt đầu viết tuồng từ truyện Âu Tây: Giá Trị Và Danh Dự (từ Le Cid của Pierre Corneille), Bằng Hữu Binh Nhung (từ Les Trois Mousquetaires của Alexandre Dumas), Túy Hoa Vương Nữ (từ Marie Tudor của Victor Hugo), Miếng Thịt Người (từ Le Marchand De Venise của Shakespeare), Tơ Vương Đến Thác (từ La Dame Aux Camelias) …

Ngoài trình diễn trên sân khấu của rạp hát là chính, Cải Lương cũng dùng Dĩa để truyền bá Tuồng và các bản ca như Vọng Cổ.

Đầu tiên là Thầy Năm Tú từ 1918 đã dùng hãng dĩa Pathé Phono thu tiếng rồi gửi sang Đức làm dĩa (bằng đá) phải mất từ nửa đến một năm. Thầy Năm Tú cũng mở hãng tự làm máy hát rẻ hơn máy nhập cảng từ bên Đức hay Pháp.

Từ năm 1936 đến 1956, ông Ngô Văn Mạnh (Năm Mạnh) tự làm dĩa lấy ở trong nước và lập hãng dĩa Asia.

Từ năm 1956 thì có máy hát dùng băng cối du nhập vào Việt Nam rồi đến máy dùng băng cassette.

Thời kỳ nầy là thời kỳ độc tôn của sân khấu và dĩa nhạc Cải Lương ở Nam Phần chưa có sự cạnh tranh của Tân Nhạc và Thoại Kịch. Phim Ảnh thì chưa phong phú và phổ biến rộng rãi vì kỹ thuật còn kém. Radio và Báo chí còn dưới sự kiểm soát của Pháp.

Bs. Phan Thượng Hải biên soạn

 

(Bài nầy là một đoạn trong bài Lịch Sử và Nghệ Thuật Cải Lương (Bs Phan Thượng Hải) đã đăng trong phần Văn Hóa Học Thuật của phanthuonghai.com)

Nguồn: Cái Đình

304Đen – Llttm - sgtc

No comments: