Monday, September 5, 2022

Cầu Kho - Sơn Nam

 

CẦU KHO

 

Cầu Kho là tên cây cầu bắc ngang qua con rạch ăn vào kho Giản Thảo, còn gọi là kho Cẩm Đệm do chúa Nguyễn đặt ra từ 1741, một trong chín kho ở rải rác vùng Đồng Nai – Cửu Long. Nhưng kho Giản Thảo của Bến Nghé lần hồi trở thành quan trọng, đến năm 1788 mở rộng để chứa lúa thâu từ bốn trấn của đất Gia Định, kể luôn đồng bằng Cửu Long (Cà Mau, Rạch Giá, Hà Tiên nạp vào kho Vĩnh Long).

 

Sơn Nam

 


Năm 1805, kho này tu bổ và mở thêm sáu dãy lợp ngói, thờ thần Tư Thương, hằng năm khi thâu thuế hoàn tất có lệ bày tế lễ.

Trên bản đồ Trần Văn Học năm 1815, kho Cẩm Đệm được vẽ rõ rệt, hình vuông, sông rạch bao bọc như một cù lao. Một phía, rạch Vàm Bến Nghé, ba phía kia là rạch Bến Chiếu ăn qua rạch Bần rồi chảy trở lên rạch Bến Chùa. Gọi Bến Chiếu vì có nhà vựa chiếu lác. Bến Chùa đổ lên vùng cao Tân Triêm của chùa Kim Chương. (1) Rạch Bần với bãi bùn, bần mọc từ ngọn tới Vàm. Hãy còn tên truyền thống chợ Cầu Kho ở bến Chương Dương, quận 1 của thành phố. Rạch Bến Chiếu nay gọi là rạch Bà Đô, rạch Bần còn mang tên cũ. Ta đoán chắc kho lúa thời xưa ở vị trí nhà thờ Cầu Kho ngày nay, trên nền đất còn cao ráo.

Cụ Đồ Chiểu sinh ở làng Tân Khánh. Phải chăng Tân Khánh ở vùng Cầu Kho này. Các cụ già còn nói rằng gia đình họ Võ có người con gái hứa hôn với cụ Đồ cũng là dân Cầu Kho. Đất xưa, có họ Trương Gia, trong đó Trương Gia Hội từng được triều đình đưa ra Bắc cùng với Trần Đức Túc, Nguyễn Trọng Hiệp để hy vọng giải quyết cơn bối rối sau khi mất thành Hà Nội lần thứ nhất.

Khi thực dân Pháp đánh Nam Kỳ xong, Cầu Kho là nơi cư trú của Tôn Thọ Tường, Huỳnh Tịnh Của, Huyện Sĩ. Khu vực bản lề dành riêng cho người Việt; giữa chợ Sài Gòn gợi không khí Tây phương và Chợ Lớn mang hơi hướng khu phố người Hoa.

Trong khu vực hành chánh gọi “đô thành Sài Gòn” do thực dân quy định lúc ban đầu thì lằn ranh đến đường Nguyễn Thái Học ngày nay. Ngoài lằn ranh này, phía Tây là ngoại ô với hình thức làng xã mới lập gồm những người vừa quy tụ. Những làng hồi Tự Đức mặc nhiên đã giải tán. Dân tản cư, chạy giặc từ năm 1859 không còn cơ hội trở lại nền nhà cũ. “Nơi Chợ Lớn trải tới Cầu Thương, quân mọi rợ lẫy lừng nên quá lắm” (Cầu Thương là Cầu Kho, thương lẫm. Bài phú Gia Định thất thủ). Thoạt tiên, bọn cầm quyền đặt tên vùng Cầu Kho là Nhơn Hòa ấp, Nhơn Hòa phố, đến cuối năm 1865 gọi Nhơn Hòa xã(2) . Phía Bắc của Nhơn Hòa giáp làng Thái Bình (tên mới, gồm một phần làng Tân Triêm cũ). Ăn vào Chợ Lớn là làng Tân Hòa rồi đến vùng Chợ Quán (làng Nhơn Giang do tên cũ Giang trạm Tân Lộc phường).

Từ Sài Gòn vô Chợ Lớn ngoài đường thủy, từ xưa sẵn có đường bộ, thực dân chỉnh đốn lại, rộng hơn. Đồng bào gọi Đường trên (Võ Tánh cũ, nay là Nguyễn Trãi chạy tới Cây Mai) và Đường dưới (theo sát bờ sông).

Năm 1879, để nghiên cứu thành lập đoạn đường xe lửa ngắn (sau là xe điện) chở hành khách từ Sài Gòn đến Chợ Lớn, nhân viên công chánh đếm thử các đợt xe qua lại trong một ngày từ 6 giờ sáng đến 7 giờ tối để ước lượng mức độ rộn rịp, dùng những con số ấy làm bài toán về khả năng khai thác thương mãi.(3) 

                            Đường trên     Đường dưới 

Xe kiếng             325 chuyến    384 chuyến

Xe song mã       108                  86

Xe bò                  121                   15

Người cỡi ngựa  25                   24

Không phải người Việt nào cũng tìm đất, cất nhà ở Cầu Kho được. Phải là thương gia, công chức của tân trào, là điền chủ có ruộng vườn ở Cần Giuộc, Gò Vấp hoặc phía Chánh Hưng, Tân An. Họ đến Cầu Kho tìm tiện nghi, hưởng thụ, chờ cơ hội. Một số khai thác ngành đóng xe ngựa, cho mướn. Cơ hội gì? Còn chút lòng yêu nước, sĩ khí, họ chờ sức mạnh của triều đình Huế; bấy giờ miền Trung, miền Bắc chưa bị Pháp chiếm.

Bầu không khí chính trị ở vùng Cầu Kho trở nên sôi động khi Hiệp ước 1874 lại ký kết giữa Pháp và triều đình Huế. Nhượng đứt sáu tỉnh Nam Kỳ cho Pháp. Pháp đặt Tòa lãnh sự ở các cửa biển và thành thị như Qui Nhơn, Huế, Hải Phòng. Triều đình đặt Tòa lãnh sự ở Sài Gòn và Paris. Ngoài hiệp ước nói trên còn thương ước quy định thủ tục mua bán giữa hai nước, ký ngày 31-8-1874.

Nguyễn Văn Tường chỉ muốn đặt Tòa lãnh sự ở Nam Kỳ.

Nhiệm vụ Tòa lãnh sự là binh vực quyền lợi cho người dân từ Bắc, Trung vào mua bán, khi gặp trường hợp phạm pháp, Tòa lãnh sự được quyền can dự vào để xem hình thức pháp lý có được giữ đúng không. Người Pháp hoặc người Âu, người dân cư trú ở Nam Kỳ, tàu thuyền ra Trung, Bắc cần được chính quyền Sài Gòn và lãnh sự Việt Nam ở Sài Gòn kiểm nhận trước.

Tòa lãnh sự của Triều đình hoạt động từ cuối năm 1874 đến giữa năm 1883, non chín năm. Suốt thời gian khá dài này, chức vụ lãnh sự giao cho Nguyễn Thành Ý. Nguyễn Lập chỉ thay thế khi Nguyễn Thành Ý vắng mặt sang Pháp dự cuộc đấu xảo. Chức vụ phó lãnh sự do Phan Khiêm Ích giữ nhiều năm hơn Trần Doãn Khanh. Nguyễn Thành Ý quê ở Quảng Nam, đậu cử nhân; từng làm quan ở Định Tường. Pháp đánh Sài Gòn vào lúc Nguyễn Thành Ý làm tri phủ coi phủ Tân Bình (Sài Gòn, Chợ Lớn, Hóc Môn) nên am hiểu nhiều tình hình và quen thuộc nhiều nhân sĩ, có người đang cộng tác với giặc như Tôn Thọ Tường. Tên Tổng đốc Phương, phủ Trần Tử Ca đều là thuộc hạ nhỏ bé của Nguyễn Thành Ý lúc trước. Khi đại đồn Phú Thọ mất, Nguyễn Thành Ý về miền Trung, giữ chức hải phòng ở Quảng Nam. Phan Khiêm Ích quê ở Biên Hòa đang giữ chức Chủ sự bộ binh.

Tòa lãnh sự Việt Nam hoạt động ngay sau khi ký hiệp ước, trụ sở đặt tại Đường dưới (Bến Chương Dương ngày nay) vào khoảng góc đường Đề Thám về phía rạch Bần. Nhà trệt, khang trang, có nơi cho quân hầu trú ngụ, có chuồng ngựa. Khi ra ngoài thì dùng xe song mã, phương tiện sang trọng nhất bấy giờ. Về mặt nổi, vào tháng 12-1878, Tòa lãnh sự mượn tàu Tây chở gạo ra giúp nạn bão lụt ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Năm 1883, nhiều người từ Quảng Ngãi theo ghe buôn vào đất Gia Định để mưu sinh, sống bềnh bồng. Bọn Pháp bắt giao trả hơn trăm người, Tòa lãnh sự lo chu cấp cho họ về quê. Từ tháng 8-1874, Nguyễn Thành Ý vội đến Sở Ba Son tìm một số thợ có tay nghề để mộ về Huế làm việc cho Triều đình. Năm người thợ trẻ, tay nghề khá xin với nhà cầm quyền Pháp để đi Huế. Trong tình hình bấy giờ, hành động rời quê nhà mà không biết rõ lương bổng quả là tích cực yêu nước. (4) Thực dân chỉ điều tra lý lịch hai thợ tiện, hai thợ đúc, một thợ chuyên làm ống tuy-dô, hai thợ máy rồi chuẩn y. Những năm sau, thỉnh thoảng có người từ Huế, Đà Nẵng vào học nghề coi máy tàu thủy, học chữ Pháp, cách sử dụng điện tín, ngành chích ngừa bệnh dịch. Phía người Pháp yêu cầu Triều đình cung cấp vài thợ giỏi về nghề cẩn xà cừ, làm sơn mài.

Theo sự nhận xét của bọn mật thám Sài Gòn thì hoạt động gây rối của Tòa lãnh sự xuất phát từ địa bàn Cầu Kho, nơi thuận lợi về nhân tâm. Rồi liên lạc lên Gò Vấp, nơi người Việt tập trung đông đảo, đủ ăn, lại có nhiều trí thức khoa bảng, hoặc trở qua Vĩnh Hội, gần thương cảng. Các tỉnh mà Tòa lãnh sự thường liên lạc là Gò Công, Biên Hòa nơi Hiệp ước 1862 quy định các lăng họ Phạm (mẹ Tự Đức), họ Hồ (mẹ Triệu Trị) phải được tôn trọng, những người giữ lăng do Triều đình trực tiếp trả lương bổng, lại còn những dịp cúng giỗ cũng do Triều đình đài thọ. Bà con xa gần của hai họ nói trên khá đông đảo, gọi là thích lý, quan làng địa phương phần nào cũng nể nang.(5) 

Nho sĩ, điền chủ, hương chức làng từ hai tỉnh nói trên thường ra vào Tòa lãnh sự ở Cầu Kho. Nhiều nho sĩ, quan lại ở Quảng Nam, Bình Định, Huế được Tòa lãnh sự bảo đảm cho vào Nam, lưu trú vài tháng để chịu tang cha mẹ, bán đất ruộng, thăm dòng họ. Thực dân đồng ý nhưng bực dọc, cho đó là những tay đột nhập vào Nam để loan tin thất thiệt, bày lạc quyên rồi phát bằng cấp; giấy chứng nhận về chức vụ thường là đội quản – phát cho người chịu hoạt động, khi việc lớn thành công sẽ ưu đãi. Văn phòng Tòa lãnh sự mua báo chữ Pháp ở Sài Gòn, nhờ dịch lại, gởi về Huế. Viên lãnh sự thường lui tới Tòa lãnh sự Đức ở Sài Gòn, nói chuyện kín đáo nhiều lần, bọn mật thám phỏng đoán triều đình Huế muốn nhờ lãnh sự Đức làm trung gian mua súng đạn chở thẳng từ Hương Cảng đến Huế (bấy giờ, ở Sài Gòn bọn đại diện thương mại người Đức mở tiệm bán súng săn, súng lục). Tên mại bản người Hoa theo quốc tịch Anh là Tan Keng Ho thường tới lui gặp viên lãnh sự ở Cầu Kho, thực dân đoán chừng hắn bắt mối mua súng chở từ Singapore thẳng ra Huế; hai người thường đi chung xe song mã. Cũng trong những năm 1879, 1880 viên lãnh sự Anh và tên mại bản thân tín của Tòa lãnh sự ấy đến Cầu Kho nhiều lần. Bọn mật thám suy luận rằng họ gặp gỡ để bàn về việc thực dân Anh đang vận động thành lập một nước Việt Nam riêng rẽ ở Bắc Kỳ, chận đầu kế hoạch mà Pháp sắp thực hiện cho bằng được, sau vụ đánh chiếm Hà Nội lần thứ nhất. Thực dân Anh không bằng lòng cho lắm khi thấy bọn Pháp đặt nền bảo hộ ở Cam-pu-chia và khai thác cảng Căm-pốt (Cần-vọt), gần cảng Băng-cốc mà người Anh đang kiểm soát. Hải Phòng và Hà Nội nếu lọt vào tay Pháp thì sẽ sứt mẻ thanh thế của Hương Cảng phần nào. Vả lại, Bắc Kỳ giàu mỏ than đá, thứ nhiên liệu quan trọng mà tàu bè xí nghiệp chạy bằng máy hơi nước đang cần đến. Từ năm 1879, tên phiêu lưu chính trị Lê Bá Đảnh đã ngấm ngầm đóng vai con bài để cho bọn thực dân Anh đánh sau lưng thực dân Pháp. Lê Bá Đảnh quê ở Nghệ An, vào Thủ Dầu Một làm ăn trở thành thầy dòng Thiên Chúa, xưng dòng dõi nhà Lê, lúc đầu hắn được Pháp tin cậy phong chức huyện hàm, xưng là huyện Thi hoặc Po-lux Thi. Lợi dụng vị trí công khai, hắn lân la với bọn lính tập đang đóng tại trại Ô-ma để mua chuộc, tin rằng số lính ấy sẽ theo chân quân đội Pháp đánh Hà Nội lần thứ nhì. Hắn thường đi Hải Phòng, Hương Cảng. Việc lớn bất thành, hắn đưa đơn kiện một thương gia người Anh ở Sài Gòn về tội giựt số tiền lên đến 12.000 đồng mà Công ty Lên-xten của Đức hứa trả nhưng người Anh nọ không trao cho hắn. Ai cũng hiểu đây là tiền thù lao mà bọn thực dân phiêu lưu hứa trả với hình thức hoa hồng thương mại.(6) 

Xóm Cầu Kho làm cơ sở cho nho sĩ từ miền Trung vào tạm trú trước khi đi Vĩnh Long, nơi chí sĩ Nguyễn Thông từng giữ chức Đốc học. Nguyễn Thông lập Đồng Châu Xã tổ chức của những người quê quán ở Nam Kỳ gom ra Bình Thuận để chuẩn bị lực lượng đánh Pháp. Đầu năm 1883, bọn mật thám theo dõi viên Kinh lịch Mân của Đồng Châu Xã vào bắt liên lạc với người của đạo lành, sư sãi và một số cai tổng. Kinh lịch Mân từ Biên Hòa đến Chợ Lớn, xuống Cần Giuộc rồi đi Vĩnh Long (có tài liệu nói rõ Mân làm chức thừa biện và cũng là Án sát của dinh điền Măng Thít ở Bình Thuận).

Bọn mật thám Sài Gòn lại thắc mắc khi các vị chánh, phó lãnh sự thường lui tới nhà Trương Vĩnh Ký, Tổng đốc Phương, Huỳnh Tịnh Của. Vài hộ trưởng của Sài Gòn và Chợ Lớn công khai bày tỏ cảm tình. Một số thương gia, mại bản liên lạc để làm ăn vì Tòa lãnh sự mua sắm đồ đạc ở Chợ Lớn với số lượng to mà đưa thường xuyên ra Huế.

Nhưng thực dân lại nắm phần chủ động. Thành Hà Nội mất lần thứ nhì. Năm sau, đại tá Ri-vi-e bị phục kích. Pháp đem viện binh củng cố Hà Nội, Nam Định. Tòa lãnh sự ở Cầu Kho biết những gì sắp xảy đến. Một số đông nho sĩ, hội trưởng hương chức hội tề gom lại bến tàu ngày 2-5-1883 đón rước vài quan chức từ Huế vào, được các vị ấy nhắn nhủ: “Sống làm tướng, thác làm thần”. (7) Tên tham biện Đờ Xăm-pô gởi phúc trình trong ngày 9 và 10-6-1883 cho cảnh sát trưởng Sài Gòn để kết luận rằng lãnh sự Việt Nam đã lạm dụng quyền hạn, lạc quyên tiền bạc gởi về Triều đình, loan tin thất thiệt, ủng hộ các hội kín có mục đích gây loạn. Ở Huế, viên lãnh sự Pháp thấy tình hình căng thẳng nên đóng cửa, niêm phong văn phòng, rút về Sài Gòn cùng với tất cả nhân viên.

Ngày 22-6, Thống đốc Nam Kỳ ra lệnh trục xuất chánh và phó lãnh sự Việt Nam, cấm họ trở lại Nam Kỳ, phải rời trong vòng 24 tiếng đồng hồ. (8) Khi chánh và phó lãnh sự, nhân viên và gia đình xuống tàu về Huế thì khá nhiều hương chức ở Phú Lạc, Đa Phước (Chợ Lớn), vài hộ trưởng của Chợ Lớn, vài thân hào ở Gò Vấp công khai đến gặp, dâng những lá thư chia buồn, tạm biệt. Vài viên chức nhỏ của Tòa lãnh sự xin ở lại Sài Gòn, hoặc về Lục Tỉnh. Họ tiếp tục loan tin rằng tình hình sắp thay đổi, thuận lợi cho Triều đình vì vậy thực dân hoảng sợ, trục xuất lãnh sự quán. Bấy giờ, tên Việt gian Nguyễn Đức Hạnh từng được bọn mật thám Sài Gòn tin cậy dựng đứng một âm mưu “khởi loạn”. Hắn trưng ra nhiều giấy tờ, bằng cấp bảo là vừa tịch thu được, chứng tỏ viên phó lãnh sự Phan Khiêm Ích (đã xin nghỉ việc từ trước) đang cầm đầu một tổ chức bí mật với nhiều cai tổng, hộ trưởng, thân hào vùng Chợ Lớn, Bà Rịa. Ngày 1-8, thực dân bắt giam Phan Khiêm Ích đang dưỡng già tại Biên Hòa và những nhà tai mắt bị tình nghi. Điều tra xong, thấy chẳng có gì, chẳng qua tên Việt gian nọ muốn lập công, tống tiền nên làm giấy tờ giả, đóng ấn giả để phao vu. Buồn cười nhất là bọn mật thám đã giảo nghiệm những dấu ấn, nét chữ rồi quả quyết là thật, trước khi bắt bớ.

Non một tháng sau khi Tòa lãnh sự bị đóng cửa, vua Tự Đức mất (17-7). Thực dân đánh vào cửa Thuận An, uy hiếp kinh đô Huế với dụng ý nắm phần chủ động, đề phòng nhà vua mới lên kế vị sẽ xin Trung Quốc phong vương. Ngày 25-8, hiệp ước ký kết sự bảo hộ của Pháp lại đặt tên Trung, Bắc Kỳ.

Đáng ca ngợi trong thời kỳ này Phan Văn Trị (Cử Trị), nhà thơ chiến đấu từng lên án công khai Tôn Thọ Tường ngay từ lúc hắn còn nắm chút ít quyền hạn (Tường chết năm 1877, vợ nuôi cơm cho số người từ Huế vào học kỹ thuật do Tòa lãnh sự chịu trách nhiệm). Cử Trị từng liên lạc với hai viên chức của Tòa lãnh sự Cầu Kho. Một người là ký Toán bị thực dân theo dõi vì nhiều lần tiếp xúc với lính tập trú đóng tại thành Ô-ma, số này sửa soạn đi Bắc Kỳ tham chiến. Người thứ nhì là Nho từng đi Gò Vấp nhiều lần để bày tiệc, tạo cơ hội bàn chuyện chống Pháp (báo cáo mật thám Sài Gòn ngày 1-7-1883). Mặc dầu Tòa lãnh sự bị giải tán, thực dân công khai khủng bố nhưng Cử Trị cũng lặn lội từ Gò Vấp (quê quán của ông) đến Sài Gòn để gặp Nho, nhờ tìm cách liên lạc với ký Toán, bấy giờ mới hay Toán đã trốn vì thực dân đang tìm bắt khi phát hiện những cơ sở hoạt động mà ông này tổ chức ở Bà Ria, Mỹ Tho, Gò Công (báo cáo mật thám Sài Gòn ngày 29-7 năm 1883). Những sự kiện trên đính chính dư luận cho Cử Trị chỉ là nho sĩ gàn, say sưa chè chén, thích chửi bừa bãi.

* * *

Việc thiết lập Tòa lãnh sự Pháp ở Huế, ở Hải Phòng đem lại cho thực dân nhiều lợi thế hơn là Tòa lãnh sự ở Sài Gòn đem lại cho triều đình Huế. Bọn Pháp đặt chân công khai lên miền Trung, miền Bắc, cấu kết với bọn phong kiến đầu hàng, tổ chức dọ thám để làm nội ứng, tạo điều kiện đánh thành Hà Nội lần thứ nhì rồi tràn ra các tỉnh. 

Đành rằng các viên lãnh sự của Triều đình biết lợi dụng vị trí hợp pháp để vận động giới nho sĩ, dò xét tình hình, liên lạc với bọn phiêu lưu nước ngoài nhờ mua súng nhưng bấy giờ ngân sách Triều đình đã kiệt quệ, đối với bọn mại bản phiêu lưu thì mẻ làm ăn ấy không chắc gì đem lợi to. Hơn nữa, thực dân Pháp và thực dân Tây phương tuy có nhiều mâu thuẫn nhưng vẫn cấu kết với nhau. Triều đình theo đường lối chủ bại, không đủ uy tín để lôi cuốn đại đa số nông dân yêu nước. Quan chức, nho sĩ đột nhập vào Nam lúc đầu được tin cậy nhưng lần hồi thì đưa tin quá lạc quan, thất thiệt, một số không nhỏ lại suy thoái cứ lo đi lạc quyên để bỏ túi, hưởng thụ, thậm chí làm bằng cấp đóng ấn giả để bán cho đồng bào, chưa nói đến trường hợp làm dọ thám hàng hai giúp thực dân.

Thái độ của thương gia, công chức ở Cầu Kho cũng trở thành lộ liễu khi hay tin quân Pháp chiếm vùng đồng bằng Bắc Bộ. Họ chạy theo cái lợi trước mắt. Họ bán vàng bạc, bán mấy cỗ xe ngựa (lúc trước sắm cho mướn) để lấy tiền mua hàng hóa chở ra Huế, ra Hải Phòng, theo chân bọn mại bản. Nhưng họ không đủ sức để trở thành một tầng lớp, một giai cấp gì cả. Họ thử lập công ty thương mãi với điều lệ hẳn hòi. Trường Hanh công ty do Huỳnh Quang Vị, thông ngôn tòa án (của Pháp, đã nghỉ việc) đứng điều khiển, được nhà cầm quyền Sài Gòn chuẩn y. Hoạt động dự tính là đấu thầu những dịch vụ của nhà nước, lập kho hàng trong bước đầu ở Sài Gòn, Qui Nhơn nhằm tranh thương với bọn mại bản Hoa kiều. Bản điều lệ chữ in, đề ngày 24-4 năm 1887 chỉ là giấy tờ nó hấp hối từ trong trứng nước mặc dầu gom được số vốn 9.000 đồng (bấy giờ vàng 40 đồng một lượng). Xin trình lại nguyên văn vài lời lẽ trong điều lệ: “Người trong công ty hội tính cùng nhau không có đàn bà dự vào, không đặng chơi cờ bạc”. “Những người trong công ty ăn ở cho thuận hòa cùng nhau, như con một nhà, có điều gì phải giúp đỡ lẫn nhau, chẳng ai đặng kiếm sự gì xấu nói cho người trong công ty khi trông có chứng cớ cho đủ, như hay ra đặng quả là người ấy nói xấu cho người ta, lần đầu phải phạt cho công ty, lần thứ hai, sẽ bỏ ra, không cho hùn nữa”.

Kiểu phường hội, làm ăn nhỏ của giới huyện hàm, hương chức phần lớn thân thuộc, bà con với nhau. Công ty Trường Hanh rốt lại một mình Huỳnh Quang Vị làm chủ, đặt cơ sở tại Bình Định chuyên thầu công ty bán rượu, bán á phiện cho nhà nước. Ba năm sau, người sáng lập trở về Sài Gòn, giúp việc cho trạng sư Pháp, lãnh huy chương, lên chức đốc phủ sứ hàm.

Rạch Vàm Bến Nghé lần hồi mất vai trò quan trọng. Về đường thủy, tàu bè, xà lan chuyên chở lúa gạo ra cảng Sài Gòn đi theo kinh Tẻ và kinh Đôi đào song song với rạch cũ, vừa rộng rãi, vừa sâu hơn. Từ Sài Gòn vào Chợ Lớn, con đường nay là Trần Hưng Đạo, là Ngô Gia Tự, nối qua Điện Biên Phủ trở thành trục lộ chánh, thay cho đường mé sông và đường trên (Nguyễn Trãi). Rạch Cầu Kho (bà Đô), rạch Bần lần hồi cạn, dân lao động cất nhà hai bên bờ mà nương náu, nước chảy không thông, rác rến đầy dẫy, mấy nhánh nhóc lớn nhỏ bị chận từng khúc, trở thành ao vũng. Năm 1900, sáp nhập vào đô thành về mặt hành chánh, nhà cửa rải rác với hàng rào cây xương rồng, với chòm tre. Trước ngày Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, khu vực đường Nguyễn Cảnh Chân hãy còn hỗn độn, nhà lá, nhà lợp tôn, nền ván kê trên vũng bùn, muốn vào phải qua cầu, quanh co. Mỗi căn nhà nhỏ chứa chấp đôi ba gia đình, ngăn ra từng buồng, ban đêm thắp đèn dầu. Tới những năm sau 1955, cả vùng bị cháy vì cuộc tranh chấp giữa Diệm và nhóm Bình Xuyên, sau đó, chỉnh trang lần hồi.

Tòa lãnh sự bị giải tán, nhóm nho sĩ và quan lại lui vào dĩ vãng. Cuộc đấu tranh của đồng bào tiếp tục, với nội dung tích cực ở 18 thôn vườn trầu.

Chú thích:

1/ Chùa Kim Chương quan trọng và đẹp nhất của Bến Nghé, cất từ năm 1755. Qua đời Tự Đức, trong Đại Nam Nhất Thống Chí gọi chùa Thiên Trường, không hiểu tại sao chùa lại đổi tên. Khi Pháp đến, chùa này chẳng nghe nói tới, trong gò đất Ô-ma, chỉ còn miễu Hội Đồng và đền Hiển Trung.

2/ J.Bouchot, Documents pour servir à l’histoire de Saigon, 1859 à 1865. A.Portail xuất bản 1927 trang 509.

3/ Hồ sơ SL.1832 về việc xin khai thác đường xe khách Sài Gòn – Chợ Lớn năm 1879. Văn thư lưu trữ, Sài Gòn.

4/ Tham biện hạt Sài Gòn gởi Giám đốc Nội An ngày 2-9-1874. Hồ sơ SL.1745, Văn thư lưu trữ Sài Gòn. Bấy giờ, thực dân kiểm soát kỹ lưỡng giữa Bình Thuận và Bà Rịa. Dân qua lại thường đi mua ngựa đem về Nam Bộ, dùng để kéo xe. Trên thực tế, chỉ ghe thuyền mới xin chiếu khán, người dùng đường bộ lẻ tẻ thì đi lậu.

5/ Phong Vũ. Lãnh sự Việt Nam ở Sài Gòn. Tuần báo Tri Tân, số 4 ngày 2-6-1942 và báo cáo của nhơn viên mật thám Sài Gòn, hồ sơ SL.4432-SL.4433.

6/ Lê Bá Đảnh từng làm thông ngôn cho Tòa lãnh sự Pháp ở Hải Phòng. Tháng 2-1879, hắn yêu cầu Pháp can thiệp vào miền Bắc để thành lập nước Cộng hòa Bắc Kỳ, toan bạo động nhưng bất thành. Năm 1881, lại đưa yêu sách lập một nước riêng nhưng liên kết với Pháp, lại bị từ chối. Xem G.Taboulet. La geste française en Indochine, quyển 2 trang 765. Theo Kiều Oánh Mậu. Bản Triều Bạn Nghịch Liệt Truyện, Sài Gòn 1963, thì hắn liên kết với giặc biển ở đảo Cát Bà, thuê tàu chiến người Anh, tàu tới Hải Phòng thì Tòa lãnh sự Pháp kháng cự vì không có phép của hai nhà cầm quyền là Pháp và Triều đình, theo tinh thần Hiệp ước 1874.

7/ Báo cáo nhơn viên mật thám ngày 3-5-1883, theo nguyên văn, có mặt đồ Tuyên, đồ Mật (tú tài) ở Vĩnh Hội; đồ Thuận, đồ Sơn (tú tài), cậu Năm Ấm (tù mãn hạn lưu đày ở Cay-en trở về), kinh lịch Phòng, cậu Bảy An, Hai Định, cậu Các ở Chợ Lớn, Trương Minh Điều tức hộ Giác, huyện Luận. 

8/ Cũng dịp này thực dân bắt đội Ân, đội Đường thuộc họ Phạm Đăng, làm chức đội của Triều đình giữ lăng họ Phạm ở Gò Công đưa ra Côn Đảo, buộc tội là liên lạc với hội kín. Huyện Tâm ở Mỹ Tho tự tử, vì cơ mưu chống Pháp bại lộ.

Sơn Nam

304Đen – llttm - sgtc

 

 

No comments: