Monday, September 26, 2022

Nghiệt Ngã Cỏi Trời Riêng - Thuyên Huy

Nghiệt Ngã Cỏi Trời Riêng

Mượn đâu đó vài mảng vụn đời thật, tự dựng, hư cấu tình tiết cho thành chuyện. Tặng người mà đám bạn cùng trường ngày đó còn nhớ

 

    Buổi chiều, ngày cuối đại hội triển lảm của các viện đại học, vẫn còn người lại qua tấp nập, nhất là đám sinh viên học sinh, nắng Sài Gòn cũng như mưa Sài Gòn, mới rực lên hồng một trời rồi bất chợt nhạt nhòa vàng vỏ, gió cũng vẫn vậy, dìu dịu mát như từ sáng, nói cười ồn ào lấn át cả tiếng xe cộ trên đường Hồng Thập Tự.




    Nhìn qua ngó lại, có lẽ trường của Khương so với các viện đại học khác, Huế, Đà Lạt, Sài Gòn, Cần Thơ, Cao Đài, Minh Đức… ít cô cậu nào chú ý, một phần vì nó là người dưng, không thuộc vào ai, nhưng cũng “bon chen” có mặt, tuy không thuộc của ai nhưng ai cũng “nể mặt”, thứ nhì là, các trường chuyên khoa như luật, văn khoa, nông lâm súc, y khoa, dược khoa, kỹ sư Phú Thọ, Sư phạm … có đủ mọi thứ sách báo hình ảnh trưng bày, hấp dẩn lôi cuốn, ai cũng thích thú nhìn, còn trường Khương, ba cái thứ chính trị khô khan, luật lệ dày cộm, sinh viên học nó cũng đã ngất ngư, ba thứ xa xôi mà cô cậu sinh viên học sinh Sài Gòn thấy xa lơ xa lắc.

    Vây mà hai ngày qua rồi cũng vui, vì ít ra cũng có người nhìn người hỏi câu này câu nọ, để mấy anh phụ trách gian hàng tự cho mình còn “có giá “, có chút vui đở tủi thân. Coi vậy mà chiều ngày cuối, đám sinh viên lo chuyện triển lảm xa gần, có lạ có quen cũng bịn rịn, buồn buồn vì ngày mai, “gặp nhau đây rồi chia tay”, biết có khi nào và chừng nào gặp lại. Gian hàng trường chiều nay vắng thật, Khương lặng thinh đứng nhìn thiên hạ lại qua, lên xuống,  mấy tay khác bỏ đi rảo tới rảo lui các gian hàng khác từ lâu, chẳng anh nào màng “được mất hay thành công thất bại”, vài anh chị đi ngang nhìn vào, Khương cười chào nhưng không mời mọc ghé thăm vì thừa sức biết, cái nhìn tò mò chứ không thích thú của họ.

    *

   Vừa lúc kéo ghế định ngồi xuống thì anh Tâm, người đàn anh khóa trên, anh cả trong nhóm phụ trách, cũng vừa trở lại, không biết làm sao mà có hai cô gái áo dài màu, một xanh da trời, một xanh thiên thanh, cao cao đi theo, thẹn thùng cười. Khương bước ra, không hỏi không chờ anh quay lại sau, hai cô còn đứng ngập ngừng, chỉ qua Khương nói “Khương đưa hai người đẹp đi một vòng đi”, không cần Khương trả lời, anh quay mặt giấu cái nheo mắt khoái chí.

   Đường ngoài phố chập chững lên đèn, nắng chiều âm thầm đi, tuy là giờ thứ hai mươi lăm nhưng người càng lúc càng đông, chắc là “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt”như một nhà văn nào đó đã viết. Đi bên nhau, Khương ngừng ở gian hàng này, gian hàng kia, chỉ qua chỉ lại, có vậy thôi, vì ai cũng biết nó là cái gì rồi, được đi bên người đẹp, chiều nay bổng dưng Khương thấy đời mình, đâu đó hình như có “niềm vui trở lại”, niềm vui mà anh đã không có từ lâu lắm rồi, từ ngày người yêu đầu đời, không nói chia tay nhưng bỏ đi xa, xa ngút ngàn khơi nơi xứ người. Nói chuyện qua lại, cả hai cô Hoàng Yến và Thư không còn học, đã đi làm cho nên ngại ngùng nói thật, thấy đông vui, sẳn đi dạo phố chiều, thấy người ta vào ra tấp nập thì cũng theo vào cho biết, vậy thôi. Phải tự nhận lòng mình, Khương xem ra, không hẳn là “tiếng sét ái tình”, nếu đem ra cân nhắc, thì anh thấy có cảm tình với Hoàng Yến nhiều hơn, nghĩ thì nghĩ thầm vậy thôi nhưng ai ngờ, không nói ra, Hoàng Yến lén nhìn Khương nhiều lần, cái nhìn có gì đó ngồ ngộ đủ ngầm cho anh hiểu, chắc Thư cũng có linh tính như vậy cho nên, lâu lâu khẻ nhìn hai người nói câu này câu kia với nhau, cười thầm “chịu người ta rồi”.

    *

    Bữa tiệc cho các nhóm phụ trách gian hàng của các viện đại học do bộ Giáo dục đải, bữa tiệc chia tay, chấm dứt trời cũng ngấp nghé vào khuya, đường phố vẫn còn ồn ào xe cộ xuôi ngược, cũng sắp tới giờ giới nghiêm, bóng dáng xe tuần hổn hợp quân cảnh cảnh sát lên xuống đâu đó ngoài đường, trở xuống gian hàng, ai nấy cũng rục rịch thu xếp về nghỉ, dù không có gì nhiều để dọn dẹp nhưng có hai cô phụ vào, mọi việc xong sớm hơn mấy ngày trước, cả bọn nấn ná noài cổng, chào nhau từ biệt, đi xa một khúc bên lề đường Hồng Thập Tự, anh Tâm quay lại, Khương  còn đứng bên Hoành Yến ở góc đường, Thư đã bỏ về trước đó, chỉ phía Hoàng Yến đưa ngón tay cái làm dấu cười khoan khoái.

    Khương chạy xe Honda chầm chậm bên Hoàng Yến trên xe Honda PC, ngược hướng về Phú Nhuận, nói qua nói lại vài ba câu, không đầu không đuôi, thì không còn bao lâu nữa tới giờ giới nghiêm, dừng ở bên lề đường, trước căn biệt thự kín cổng kín của ai đó, Khương không biết nói gì hơn là, nếu Hoàng Yến rãnh thì sáng mai ra chỗ triển lảm coi dọn dẹp cho vui, cô nàng khẻ cười hai tiếng cám ơn, nhìn đồng hồ đeo tay, vội nhấn ga từ từ chạy bỏ đi, không hẹn gặp lại, bóng Hoàng Yến mờ khuất xa rồi, đèn đường cũng vàng vọt, Khương vẫn còn ngồi trên xe nhìn theo, về tới nhà trọ, từ lúc đầu Khương nói huyên thuyên nhưng giờ chợt biết ra là đã quên không hỏi nhà, không hỏi chỗ, chỉ biết tên, nếu cô nàng không đến thì xem như “nước chảy qua cầu”, biết tìm đâu mà gặp lại, bổng dưng lòng anh đau nhói, tự trách mình, đêm đó là một đêm mà chưa có đêm nào Khương mong trời mau sáng như vậy, ngồi bên bàn học, thức trắng, cái đồng hồ trên bàn đi quá chậm, nhìn qua phía trường, Khương bất giác thở dài “thôi đành” dù lòng vẫn còn đâu đó chút hy vọng nhỏ nhoi. Đêm dài cứ dài, hơn cả những đêm nằm chớ sáng ngày thi Tú Tài.

    *

    Dọn dẹp, thu xếp đồ đạc dùng cho gian hàng, chở về lại trường trời vừa mới giữa sáng, Khương buồn bã thất vọng, cả nhóm cũng buồn theo, thương cho thằng bạn nghèo, tội nghiệp vừa tưởng như đã có lại niềm vui sau mấy năm là người cô đơn. Hoàng Yến không tới sáng nay, như vậy là xong rồi, tình vẫn chưa tới. Mọi việc trả lại trường xong, buổi sáng không có giờ học, cả bọn kéo nhau qua căn – tin ăn sáng, cà phê cà pháo tán gẩu chuyện trên trời dưới đất, nhưng né không đụng chạm vào “trái tim tan vỡ” của anh bạn “sầu tư biếng lự”, đang ngồi nhìn ra sân, cái sân rực nắng sắp vào hạ, chưa một lần nhưng bày đặt thả khói thuốc mà mắt đỏ cay. Cả bọn đứng bật dậy, Khương khục khặc ho vì khói thuốc, ngó ra bác cảnh sát già gát trạm ra vào trường thường ngày, đi tới căn – tin, đẩy cửa nói vọng vào “có người tới kiếm anh Khương đang chờ ngoài cổng” rồi thong thả quay lại bỏ đi, không thêm không bớt lời nào.

    Đứng chết trân, sững sờ, Khương bổng dưng muốn khóc, bác cảnh sát già, mở cái cổng nhỏ, Hoàng Yến đẩy xe Honda PC vào trong, hai người nhìn nhau, cười mà không ai nói được lời nào, Khương tưởng chừng như mơ. Để xe trong nhà xe, Hoàng Yến e thẹn theo Khương trở vào căn – tin, vừa chưa qua khỏi sân quần vợt, đám bạn ùa ra hành lang chào, cô nàng khựng lại, mặt ửng đỏ. Xong bữa ăn, mạnh ai nấy tới quầy tính tiền ghi sổ, chuyện cũ thường tình mà họ, những tên “kẻ ở miền xa” về sống đời ở trọ đã làm như từ khuya, nhất là những ngày giữa tháng tiền học bổng chưa tới. Chia tay, Khương đưa Hoàng Yến về nhà trọ bên kia đường, anh Tâm theo sau vẫy tay chào, qua cổng, Hoàng Yến khẻ cười nhẹ với bác cảnh sát già “con cám ơn”, bác mĩm cười, cái cười thầm nói biết gì rồi.

    *

        Rồi thì chuyện gì đến cũng đến, hai người yêu nhau và cũng có những chiều dạo phố, con đường tình đón đưa hò hẹn, chia ngọt sớt buồn, cùng vui cùng buồn của kiếp đời, những cái nắm tay, cái hôn phớt nhẹ như bao nhiêu cuộc tình khác theo đất trời xưa nay định sẳn. Bữa ăn chiều ở căn – tin trường, dạo này ít thấy Khương như trước, đám bạn chẳng có gì ngạc nhiên, vui cho thằng bạn từ năm đầu, học giỏi, nói năng lịch sự, hay tếu, có cười nhưng ít nói. Khương dạo này, xa bạn bè, bỏ bớt cuộc vui của mấy thằng con trai “đơn thương độc mã” giữa đường phố phồn hoa ngựa xe Sài Gòn, gần người yêu hơn, một tuần đã có ba bốn bữa ăn cơm chiều ở nhà Hoàng Yến nhưng thỉnh thoảng cũng mang về cho những thằng ngồi “ôm gối mộng” xa nhà trong mấy căn phòng lẻ loi của ký túc xá trường cái bánh trái cam, trái xoài từ nhà cô nàng, người mà gần hết bọn này biết mặt, biết mặt mà ngước lên trời cao “thằng này may mắn” thiệt, ăn cho đở tủi thân, vui qua ngày qua tháng, nói vậy chứ, dăm ba tên trong bọn cũng đã tìm được và có đôi với “bóng hồng” nào đó rồi, chẳng tên nào màng hỏi tới.

    Bác Ba Thảo, má Hoàng Yến, làm thư ký tại bộ Kinh Tế, hiền và phúc hậu, bác thương cho con, đứa con gái độc nhất, không bao giờ nói đến ba, và cô nàng cũng quen từ ngày còn trong nôi nên cũng không và chưa lần nào hỏi, học không khá, bỏ học ngang khi chưa xong trung học, nhờ cô Tiền, người bạn thân cũng làm chung phòng với bác, giới thiệu và đi làm cho một ngân hàng tư nhân “Nam Á”, không mấy xa nhà, hai má con sống khuây khỏa, không thừa không thiếu ở một căn nhà phố nhỏ, trong con hẻm khá rộng tại ngã ba sau chợ Phú Nhuận. Thương Khương như con, bác không buồn hỏi và chưa hề hỏi gì nhiều về gia cảnh anh, nghèo giàu, nhà tranh nhà ngói, ruộng vườn đất đai, chỉ biết là ở tỉnh xa đâu đó miệt miền Đông, cũng con một, vậy thôi.

    *

    Giữa năm cuối, trước Tết mấy ngày, theo lời Khương, Hoàng Yến theo anh ta, chở nhau bằng xe Honda về tỉnh, trước là ra mắt ông bà sau là chúc Tết năm mới, vì sắp nghỉ học mùa Tết. Ba má Khương, vui vẻ, hỏi thăm qua loa, cô nàng ấp a ấp úng, tiếng dạ tiếng thưa, chờ ông bà hỏi mà trả lời, thế thôi. Ở chơi gần chiều mới trở xuống Sài Gòn, ông bà theo ra tới cổng rào, đi đường cẩn thận, rảnh thì về chơi, người quen ở khu chợ, kéo nhau đứng lòng vòng trước sân, đi lên đi xuống, xầm xì, nhỏ to, chắc là thấy “gái Sài thành” quần tây áo thun kỳ cục, ngó ngó nhìn nhìn, không biết chê hay khen. Mấy ngày về nhà ăn Tết, ba má Khương không nhắc nhở gì Hoàng Yến, qua Tết, hôm trở xuống trường, vào học lại những tháng cuối, chợt dưng ông bà hỏi lại, gia cảnh cô nàng, Khương nói như những gì anh biết, ông bà nghe mà cười vậy thôi, không tỏ thái độ hài lòng hay không, chỉ thở dài xem ra hình như có cái gì khó nói hay sao đó mà ông bà chưa muốn nói ra.

   Ra trường, Khương về nhà, ở chơi vài hôm trước khi đi nhận nhiệm sở, một tỉnh xa xôi miền tây sông nước. Ba má anh vui rất vui vì thằng con đã “công thành danh toại” nhưng Khương ngỡ ngàng, chưng hửng khi ông bà cho biết ý kiến về chuyện tình của anh và Hoàng Yến, ông bà không một lời chê ít chê nhiều gì về cô nàng và gia đình cô dưới Sài gòn, nhưng, lại một lần nữa ông bà  thở dài, cái thở dài như hôm về nhà ăn Tết, theo ý ông bà chuyện hôn nhân của Khương có lẽ không thành, lòng anh chết lặng, cố giữ mặt thản nhiên ngồi nghe, thì ra cái khó nói hình như của hôm đó, ông bà đang nói ra đây. Khương chào ông bà, nhắc lại câu nói hôm qua “thôi để con đi làm đâu đó tạm yên, rồi mình tính nghe”, tạm biệt cái xe Honda đã âm thầm chịu đựng buồn vui theo anh trong suốt khoảng đời qua, ở lại, chuyến xe đò đầu ngày xuống Sài Gòn chạy khỏi chợ xã khá xa, cái buồn bất chợt không nghỉ là sẽ có vẫn còn kéo dài ray rứt trong hồn.

    *

    Hai má con lặng thinh ngồi nghe Khương, nói lại những gì ba má anh đã nói, bữa cơm chiều cũng đã nguội từ nãy giờ, không ai màng nhắc, xem ra người nào cũng có chút buồn buồn nhưng không đến nổi “sẩu tư biếng lự”. Ba má anh đã hứa hôn với gia đình một người bạn thân, bác Thịnh, người mà Khương đã gặp đôi ba lần, coi như là “ơn cứu tử” không thể không quên được khi ba anh còn lang thang làm mướn trên miệt Xa Cam Hớn Quản, rồi miền Cai Lậy, Mỹ Tho, hai người trước kia là bạn cùng quê. Ơn đó cho tới ngày hai người gặp lại sau gần mấy chục năm, bác Thịnh giờ đã giàu, có tiệm bán nông cơ cụ lớn trên chợ tỉnh, người đó là cô con gái út, đang học năm cuối trường Dược, vì không học chung trường từ nhỏ, Khương chưa một lần biết mặt, dù thỉnh thoảng có nghe ba má anh nhắc tới, cô còn người anh lớn hiện là sĩ quan huấn luyện viên ở một quân trường nào đó.

    Bác ba Thảo, khẻ cười nghe, rồi ôn tồn với Khương, khi anh cho biết, quyết định không nghe theo lời, “chuyện từ từ tính con, ông bà có giận thì cũng không giận hoài được, hùm dữ sao nở ăn thịt con, bác không có gì buồn đâu, con yên tâm, rồi mọi chuyện sẽ qua mà”, Hoàng Yến nghe, gật đầu, nắm tay Khương “như má em nói, anh yên tâm, anh cứ lo đi làm đi, rồi chắc không sao đâu, em chờ mà”.

*

    Không ngờ chỗ làm của Khương, có chị thư ký, quê cùng tỉnh, ở xã bên, cũng một bên quốc lộ, không xa nhà bao nhiêu, cùng chồng là lính trong tiểu khu về phép thăm nhà, anh gởi chị hai cái thư, một cho ba má, cho biết quyết định của mình, xin ba má tha lỗi, không thể nghe lời được, và một cho bác ba Thảo với Hoàng Yến, cũng báo là có thư cho trên nhà về chuyện Hoàng Yến, vì trước sau hai vợ chồng cũng ghé Sài Gòn chơi một hai bữa gì đó nên cũng tiện.

    Tội cho cô Tiền, thay mặt má Hoàng Yến, đón xe đò lên tỉnh, đến nhà Khương, chuyện anh và Hoàng Yến không được kết quả như cô mong có, ba má Khương vui vẻ tiếp, nghe, nhưng cuối cùng, ông bà cám ơn cô đã có lòng, không chê trách gì gia đình Hoàng Yến hết,  nhưng khó cho ông bà đổi ý, còn nếu, “thằng Khương, có còn thương vợ chồng tôi hay có làm được hay không, thì tùy nó quyết định, vợ chồng tôi không hỏi thêm bớt gì nó nữa”.

   *

    Miền Nam thua cuộc, quân nhân công chức miền Nam buông tay, buông súng, lợi dụng tình thế nhá nhem, nhập nhằng, Khương lặng lẽ, về lại thăm nhà trên tỉnh vài ngày, xem cớ sự ra sao rồi tính chuyện đời mình, chuyện đời không biết “ngày sao sẽ ra sao”. Ba má anh không nhắc nhở gì chuyện cũ, đi ra đi vào, đường trước nhà ngập một màu cờ đỏ, cả ba cũng không ai biết nói cái gì bây giờ, gia đình bác Thịnh đã ra đi từ chiều 30 tháng 4, má Khương cứ thở dài ngày qua ngày “phải chi thì đâu phải lo”, chán chường, nản chí, ông bà chỉ nói đi nói lại với Khương “đã mất hết rồi, may mà còn căn nhà, ba má không còn gì để phụ cho con, thôi con ráng mà lo cho thân mình”. Hôm giã từ ông bà trở xuống Sài Gòn, giã từ nhưng không hẹn chắc khi nào trở lại, chưa biết chắc có hay không, dù sao dưới này còn nhiều xô bồ xô bộn, phồn hoa xe ngựa mới mẽ với nhà cầm quyền mới nên có phần dễ lòn lách, tạm dung chờ thời được, ngồi trên xe đò mà rưng rưng khóc, như cái khóc hôm nào khi nghe lời cuối ông bà nói.

    Khương vào tù như hàng ngàn người thua cuộc “bổng chợt buông xuôi thành bại tướng khác”, không một lời hỏi han gì của ba má anh. Ngày “nộp mạng” cho chế độ mới, hai má con Hoàng Yến rưng rưng nước mắt tiễn anh tới chỗ trình diện, giữa rừng người thân còn ở lại, sau cánh cổng sắt lạnh lùng, nhìn lại lần nữa, họ vẫn còn đứng đó, Khương bổng dưng muốn khóc.

   Mang tấm thân chưa đến nổi tàn, được thả sau hơn hai năm từ một trại tù “thâm sơn cùng cốc” giữa rừng núi hoang dã Tam Biên, Khương về, chỗ nương tựa không chỗ nào khác hơn là nhà của Hoàng Yến. Suốt những ngày tháng vật vã, khốn khổ trong tù, cũng vẫn là bác ba Thảo và Hoàng Yến, dù chưa một lời chính thức rể con, “cắt ca cắt củm” từng miếng thịt ruốc, từng miếng đường táng, gói trà gói ghém gởi vào tù cho anh mỗi lần được phép. Vẫn vậy, ba má Khương vẫn không nghe gì về số phận thằng con ra sao, anh cũng không dám biết tại sao, câu “hùm dữ sao nở ăn thịt con” mà bác ba Thảo nói, xem ra không hẳn là vậy rồi.

   Cũng nhờ cô Tiên, chup thời cơ, vốn lanh lợi xông xáo hơn bác ba Thảo, quen biết quan chức mới nào đó, tìm được cho Hoàng Yến chỗ làm tạm qua ngày ở cửa hàng xa xí phẩm trong khu thương xá Tam Đa cũ, nên nhà không đến nổi vất vả, còn ngáp ngáp qua ngày, Khương lăn lộn vào chợ trờ, vàng thau lẫn lộn, cũng tạm yên, chuyện đi về trên tỉnh anh không dám nghĩ tới, yên như vậy cũng là may rồi, đến văn phòng nhà cầm quyền để có được tấm “giấy đi đường” thì “trần ai” nhưng chưa chắc đã được. Một chiều mưa tháng sáu, sau khi đạp xe chở bác ba Thảo đến nhà cô Tiên về, cô Tiên còn ra tới cửa, ngó trước ngó sau, nói nho nhỏ gì đó với bác mà xem ra cũng chưa muốn hết chuyện, về nhà, đêm đó hai má con có phần vui, cái vui mà họ, ba người chưa thật có từ lâu, cả hai không nói gì hết, Khương cũng không hỏi.

    *

    Chiếc ghe đánh cá nhỏ, cũ kỹ, trốc nước sơn, chở hơn ba chục người lớn nhỏ, ra khơi giữa khuya, trời đêm không âm u lắm, gió thỉnh thoảng lộng từng cơn, từ Phước Tỉnh, ậm ừ lướt sóng bình yên suốt hai ngày về hướng nào đó cứ đi. Xế chiều hôm sau trời bất chợt nổi giông bảo, gió gào gió thét, âm u ma quái, mưa trút xuống như thác đổ, gầm gừ như trút giận dữ, chiếc tàu nhỏ vốn cũ giờ xem ra cũ hơn, bị gió thổi dạt lên hướng bắc thay vì hướng nam, nước trong  tàu dâng ngập, người tát người la hét, vẫn vậy, sóng mặc sóng cao hơn nhà, mặc sức lạnh lùng đánh từng đợt hằn học, chiếc tàu cuối cùng bể ra từng mảnh, trong màn đêm tối đen như đêm Ba Mươi, tiếng la tiếng thét thất thanh không át nổi tiếng gió, không ai nghe, người trôi, người nổi bập bềnh trên một vùng biển mênh mông rùng rợn.  




   Những mảng ván trôi, cái không cái có xác người, sóng đẩy ai đó còn bám víu vào cái gì đó trôi dật dờ, dạt càng lúc càng về hướng bờ, qua màn sương sớm mù mờ, trời nhấp nhen sáng, chiếc tàu đánh cá lớn, cờ đỏ lất phất trên mui phòng lái trên đường về, dừng lại, chạy vòng quanh một vùng, người trên tàu hối nhau vớt người vớt xác, còn chừng bảy tám người còn thoi thóp sống. Sóng êm, không còn gầm gừ gió hú, tàu thong thả chậm về bải biển Tuy Hòa. Mặt trời vừa ửng lên ngoài khơi một màu hồng nhạt. Phần lớn người trên chiếc ghe đánh cá chết gần hết, chỉ vớt được năm sáu xác chết, cho chở về nhà xác bệnh viện tỉnh, công an đem số người còn sống, vừa tạm tỉnh lại, trong đó có cô Tiên và bác ba Thảo, về nhốt tại đồn công an. Hai người giờ như người mất hồn, gia đình cô Tiên chỉ còn lại đứa con gái vừa lên mười, bác ba Thảo thì hết rồi, Khương và Hoàng Yến đã vùi thây dưới lòng biển lạnh.

   *

    Cái chùa nhỏ quê nhà Bạc Liêu, người dân thấy giờ có thêm bà ni cô mới, chùa có thêm hồi chuông cầu siêu muộn cuối chiều, bên trong chánh điện đơn giản, có thêm hai bài vị tên Khương và Hoàng Yến. Bác ba Thảo đó, sau ngày được thả về từ Tuy Hòa, căn nhà bên Phú Nhuận còn may, chưa bị lấy, bà giao lại cho cô Tiên, từ biệt, rồi lặng lẽ đón xe về lại quê xưa, xuống tóc bỏ đời, bà đi mà không buồn nhắn báo cho gia đình Khương biết, biết để làm gì, chắc ông bà cũng không cần biết, thôi để cho hai đứa bình yên ở cỏi trời riêng không còn nghiệt ngã.

   

Thuyên Huy

Tháng giữa mùa 2022

  

   

   

   

 

   

  

   

  

 

  

  

No comments: