Monday, September 5, 2022

Những Tiếng Nói Thầm: Phần 1: Gặp Mưa - Thế Lữ

 

NHỮNG TIẾNG NÓI THẦM

1. GẶP MƯA

Đêm hôm ấy bầu trời mây vẩn, mặt trăng còn khuyết không mấy khi hiện hẳn được ra. Không khí nóng bức nặng nề, như mang cái lo ngại. Trong bốn bề toàn đồng ruộng bát ngát, chỉ thấy xa xa mờ mờ, mấy đám cây cối im lặng một cách say sưa, mơ màng.



Trời bỗng thêm mây đen phủ đặc, gió lốc bắt đầu cuốn bụi. Khách rảo cẳng mà vẫn không thấy tiến mau. Trên đầu ầm ỳ sấm chuyển; chớp loáng ở chân trời ngày càng gần lại, ngày càng mau ; mưa to sắp đổ xuống mà làng xóm lại xa, đi chạm thế này chắc không thể nào tìm được chỗ ẩn. Khách vừa băn khoăn vừa gấp bước, nhưng bụi với gió cứ ấn mãi vào mặt, phải giữ chặt lấy cái nón lá cho khỏi lật ra sau gáy, rồi lại phải bỏ ra cầm ở tay. Cũng không xong, gió mạnh và nhanh lắm, như cố tinh bắt khách lùi. Người đã nhọc quá, xem chừng không thể tránh khỏi mưa, khách mới chậm chân để thở. Bỗng thấy một đám cây rậm đang cót két ngả nghiêng ở cạnh một cái đầm con. Nhìn kỹ thì đó như là một cái miễu lớn, ở trong lại hình như có chùa, hay miếu - hay không có gì chăng nữa thì cành lá um tùm thế kia cũng che đỡ cho mình được ít nhiều. Khách liền dấn bước về nẻo miễu.

Trong miễu quả có một ngôi chúa nhỏ; song khách chỉ đứng lại ngoài hiên. Trong chùa vắng ngắt mà tối lắm. Nhờ có chớp nháy khách dần dần trông thoáng được một cái bệ gạch ở giữa những cột to sù. Cái bệ phẳng, trên không có gì qua; mấy tượng bụt thì hình như cụt đầu nằm lăn ở dưới đất. Sau cái bệ ấy là bóng tối mà ánh chớp làm cho đen thêm - cái tối sâu âm thầm, sâu vô tận, người ta không biết trong ấy có những điều bí mật gì.

Khách không bước vào trong chùa, đặt nón ngồi ở hiên, ngảnh mặt trông ra; trong bụng không lo sợ nhưng không được yên lòng hẳn. Hạt mưa đã lác đác đập lên mái ngói và cành lá, rồi ào ào trút xuống, nước bắn vào gần chỗ khách ngồi. Khách phải thu hình lại và lấy nón che chân, sau lại phải ngồi quá vào trong bực cửa.

Bấy giờ cả một phương cảnh vật chuyển động trong đám tối mịt mù; tiếng gió chạy ầm ầm hòa với tiếng nước đổ rào rào không ngớt. Chớp lóe lên từng lát buông vội xuống một tấm màn mưa lấp lánh trước hiên và làm thoáng hiện ra những đám cây ướt đang vạt vã. Bốn phía sấm dồn như vần đá tảng nối vào những tiếng sét như nổ vỡ một tầng trời. Mưa gió tưởng chừng không bao giờ nguôi. Khách cứ lẳng lặng ngồi đó, trong bụng ngày môt thấy xôn xao áy náy. Khách tự nghĩ: "Dễ thường phải ở đây đến sáng cũng nên".

Khách là một người bộ hành từ phương Nam đi lại. Ít lâu nay, người ta đồn rằng ở Bắc thượng có vị Cao sĩ ngoài trăm năm mươi tuổi, sống từ đời Lê Mạt cho đến bây giờ là năm 152; cụ biết được nhiều điều rất mầu nhiệm, suy được những cơ trời huyền bí, nói trước việc tương lai tới hai ba trăm năm trở về sau. Khách là người mộ học, nghe thấy vậv, không quản xa xôi, đi ngay tới Bắc thượng để xin Cao nhân chỉ giáo. Ở nhà đi từ sáng tờ mờ đất, định đến chiều tới Bắc thổn, sẽ tìm vào nhà một ông họ Đàm là bạn học cũ; nghỉ ở đấy một đêm đến sáng hôm sau sẽ lên Bắc thượng. Khách đi không may lạc đường, lúc biết ra thì trời đã gần tối. Khách hỏi thăm cặn kẽ rồi cứ đi không muốn trọ đỗ ở đâu, gần đến Bắc thôn thì gặp mưa, khách phải miễn cưỡng vào ẩn trong miễu.

Ngồi ở cửa chùa đợi tạnh, khách tuy có bồi hồi thực, nhưng đó chỉ là nổi khó chịu của mọi người gặp phải lúc này thôi. Chứ khách có biết đâu rằng hiện khách đang ở trong một cái hang chứa những tai nạn ghê gớm.

Ngôi chùa này nguyên có tiếng là thiêng lắm, chùa dựng lên đã lâu, nghe nói là của một viên quan triều đình cáo lão sai làm để đến tu niệm. Bây giờ, tuy là nơi bỏ hoang, xa cách hẳn làng xóm, nhưng trước kia quanh năm vẫn tấp nập nghingút, khách thập phưong qua lại cầu khẩn rất nhiều.

Bỗng tự nhiên mấy năm về trước đây, chùa này xảy ra một chuyện rất kỳ dị. Sáng sớm hôm rằm tháng chín năm ấy, những người đi lễ đến nơi thì thấy cửa chùa còn đóng. Đợi mãi đến lúc mặt trời đã cao mà chưa thấy nhà sư thỉnh chuông. Đẩy cửa vào thì cửa không cài then trong, mà mâm quả, bát nhang, với bình hương, giá nếu đều đổ vỡ. Các tượng bụt thì bị quăng cả xuống đất, dưới đất có vết máu lênh láng, mà pho tượng nào cũng cụt đầu. Đang kinh ngạc thì người ta lại lôi ở trong xó tối ra mấy cái thây cũng mất đầu, đó là hai vị sư với hai chú tiểu.

Người ta đi trình quan; huyện quan đến khám xét và tra vấn nhưng không ra được manh mối; mà kỳ quá, trong chùa ngoài những thủ cấp của bụt và sư tiểu, thì không thấy mất mát gì qua. Không biết hung thủ làm gì bằng những của ấy. Bốn năm tháng dò xét cũng không thể khám phá được những điều bí mật, đành phải bỏ. Rồi việc ấy dần dần cũng bẵng đi.

Nửa năm sau trong chùa lại có hai nhà sư khác đến ở. Hai nhà sư chưa kịp thu dọn; mới đến hôm trước, hôm sau một ông trốn đi đâu mất, còn một ông chết lăn ra sau phương trượng; người ta không biết được tên họ nhà sư ấy, vì ông ta cũng bị chặt đầu.

Còn đương tầm nã người đi trốn, thì sáng hôm thứ tư có người thấy ông ta ở trước cửa chùa, nhưng đã chết treo dưới cây đại lớn.

Khắp vùng đó nôn nao lên vì những sự quái gỡ. Ngay từ khi xảy ra mấy cái án mạng trước, người bàn đi kẻ đoán lại, phần nhiều người tin rằng chùa này phát hung thần. Nhân đó, mấy người chú ý riêng về việc này đều nói quả quyết rằng: thường thường những đêm ầm ỳ mưa gió, trong chùa Đầm thấy lập lòe một ngọn lửa xanh; họ cố rình xem thì thấy hiện lên những hình thù rất lạ lùng, xúm quanh ngọn đèn mà rì rầm như nói chuyện. Câu chuyện lan ra thực chóng, trước còn những bọn đàn bà con trẻ hay kể lại, lâu dần cả đến người mạnh bạo nhất cũng phải tin rằng có những sự phi thường. Chùa Đầm vì thế hóa ra một nơi độc địa không ai dám bén mảng đến.

Ba bốn năm trời không hương khói, không người coi sóc, không ai dám đoán biết đến những việc xảy ra ở trong. Miễu thành ra um tùm, chùa thành ra thêm bí hiểm, chốn này người ta coi như một nơi tụ họp của vong hồn người chết hay một cái cửa xuống âm phủ, lù lù hiện ra đó để nạt người trần gian. Người ta lại kể chuyện rằng: một hôm có một bọn người đi buôn ở xa đến không biết là chùa dữ, nên rủ nhau vào ngủ một đêm. Sáng hôm sau không ai ra nữa: bọn ấy tất thành ma không đầu. Rồi mỗi năm lại thấy những điều kỳ quái một thêm ra. Khi thì mấy người táo tợn bị thiệt mạng và mất xác vì dám vào dò xét trong chùa; khi thì ông lý trưởng làng trên vì nói động đến chùa Đầm nên tự nhiên bỏ nhà đi đâu mất ; khi thì bọn tuần tráng trong làng gặp thấy trong lức đêm tối những con yêu tinh da trắng tóc xõa chập chờn quanh miễu. Bao nhiêu bệnh nạn ở vùng đó người ta đều cho là các hồn người chết trong miễu gây nên.

Những cái nguy hiểm ở chùa Đầm là thế, nhưng người khách lạ có ngờ biết gì đâu? Có lẽ khách ở xa nên không nghe nói đến các việc trong miễu này bao giờ; dầu cho có máng nghe thấy khách cũng coi như những chuyện huyền hoặc. Bấy giờ mưa đã dần dần ngớt; lúc tạnh hẳn thì đêm chừng đã quá canh ba. Một vài con dế cỏ se sẽ cất tiếng kêu, rồi lại im. Mặt trăng trên đám mây tan cũng nghé con mắt trông xuống. Khách thấy trời khuya đã toan tìm chỗ ngủ. Bỗng nghe ở phía sau có tiếng sột soạt rất nhanh. Khách trông vào: trong xó tối mù có hai con mắt lè lè sáng. Hai con mắt tròn và nhỏ, yên lặng như chăm chú nhìn khách. Cùng lúc ấy có tiếng gừ gừ đưa ra. Khách "suỵt" một cái thì một соn cáo chạy vụt ra ngoài đâm bổ vào đám cây muỗm còn đầm đìa những giọt nước. Bỗng con cáo lại nhẫy lùi lại dựng cả lông mình lên, thì ra một con rắn lớn ở trong cỏ đang bò tới... Khách vừa đứng phắt dậy thì thấy hai con vật đang gầm gừ phì phè lừa vồ nhau. Khách nhẩy sổ ra dẫm chân dép lên đầu con rắn. Nó oằn oại rồi chết ngay. Con cáo đã biến đâu mất. Lắng tai nghe chỉ thấy tí tách rơi xuống một vài hạt nước đọng trên mái ngói hay lá cây mà thỉnh thoảng một cơn gió thổi qua làm rụng xuống gần hết. Trời một ngày một thêm quang quẻ, mà chốn này lắm rắn rết như thế xem chừng không ngủ yên được, nên khách buộc lại dép rồi xách nón đi ra.

Thế Lữ

Trong tập truyện “Những tiếng nói thầm”

No comments: