ĐẠI LỘ
Gửi Dzư Văn Chất
Hôm ấy là một buổi chiều mùa đông, cách một năm trước khi Hà Nội
lọt vào tay V.M. Tôi sắp sửa đến thăm Lan thì Vinh gõ cửa. Tôi đã khoác áo
ngoài chỉ đợi ấm nước trên bếp cồn sôi pha cốc cà phê rồi mới ra ngoài lạnh.
Trời thấp và tôi nghĩ có lẽ Lan đã bật điện để đan hoặc sửa soạn cơm chiều vì
gian nhà tối. Tôi sẽ ngồi vào ghế như thường lệ quên cả tiếng kẹt cửa nhẹ nhàng
của Hà ở trường về. Nếu không việc gì bận tôi sẽ ở ăn cơm cùng hai chị em Lan
quanh tấm phản. Trời sẽ tối sâu mãi, Lan tiếp tục công việc, tôi hỏi chuyện Lan
hoặc Hà. Lúc trở về có thể khuya và rơi mưa lạnh. Lan đưa tôi ra ngõ. Chúng tôi
nắm tay nhau và một đôi khi chúng tôi từ biệt nhau bằng cách trao đổi môi hôn.
Nhưng sự có mặt đột ngột của Vĩnh xáo trộn dự tính của tôi buổi chiều không hề
làm tôi khó chịu vì Vĩnh, Ngọc và tôi là ba người bạn tâm giao. Từ ngày Ngọc bỏ
ra hậu phương tôi ít gặp Vĩnh. Tôi chỉ biết Vĩnh bận công việc buôn bán và tôi
cũng có những công việc riêng. Bao giờ gặp nhau Vĩnh hoặc Ngọc cũng là người nở
nụ cười đầu tiên, trái lại tôi rất tiết kiệm sự biểu lộ cảm tình. Vĩnh cởi cái
áo dạ choàng thấm nước đã cũ và hỏi:
“Bận đi đâu không?”
Tôi trả lời gặp Vĩnh là vui rồi còn phải đi đâu. Vĩnh đến hơ bàn tay –
tôi nhận thấy hơi gầy – gần bếp cồn và nhìn thẳng tôi nói:
“Không nịnh đấy chứ?”
Chúng tôi cùng cười. Trong khi Vĩnh lục soát bàn giấy làm việc của tôi,
tôi loay hoay với phin cà phê. Cà phê nhà chỉ còn đủ pha một cốc, nhưng điều ấy
không quan trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi xẻ đôi cũng như có thể chia ba
nếu còn có Ngọc. Vĩnh cho tôi biết dạo này Vĩnh thường bận rộn những chuyến đi
xa. Vĩnh hỏi về công việc của tôi. Lúc ấy tôi chưa có ý định thành một người
viết văn. Tô đọc cho Vĩnh nghe hai bài thơ của tôi làm tặng Lan nhưng tôi không
cho Vĩnh biết về Lan. Đọc thơ chúng tôi nhắc đến Ngọc vì Ngọc là một thi sĩ,
theo ý riêng của chúng tôi. Ngọc hay làm thơ và thơ Ngọc tha thiết lắm. Theo
tin tức Vĩnh nhận được thì Ngọc bị giữ và chịu những phương sách thi hành cho
một người thay đổi tư tưởng.
“Nhất là người đó giàu tâm hồn thơ” – Vĩnh vỗ vào vai tôi và cười.
Tôi và Vĩnh đều phản đối sự bỏ đi của Ngọc nhưng vì trọng sự chọn lựa
của bạn nên chúng tôi không ngăn cản. Vĩnh cầm cốc cà phê chỉ còn cặn giơ ngang
tầm mắt:
“Tiếc không có nó hôm nay. Câu chuyện sẽ vui biết mấy. Vừa bắt đầu một
mối tình và cần nói”.
Tôi bảo cần những hơi thuốc lá để nhớ Ngọc được đầy đủ. Tôi khóa cửa và
chúng tôi đi ra đường. Buổi chiều không hiểu bắt đầu từ lúc nào vì màu trời
không sao phân biệt. Những chùm lá tối bí mật và những hàng dây điện mảnh như
tóc. Chúng tôi cúi xuống mũi giầy và lá ở ven đường. Thuốc lá đốt lên nghĩ đến
Lan và cho rằng Lan đang nghĩ đến tôi. Còn gì sung sướng hơn được cạnh một
người bạn thân và biết người yêu đang nhớ đến mình? Vĩnh cho tay vào túi quần
tôi và kéo bàn tay tôi ra ngoài, xen những ngón tay Vĩnh qua những ngón tay tôi
và nắm lại. Vĩnh và Ngọc thường thích nắm tay như thế, tôi thì không, nhưng tôi
không phản đối.
“Cậu sẽ mến Châu, tôi tin chắc như thế. Châu không đẹp nhưng đôi mắt của
Châu hoang đường quá lắm”.
Tôi cười: “Thi sĩ thế”.
“Thật đấy, hoang đường quá lắm. Tìm ở thế giới này một cặp mắt hoang
đường và một tâm hồn hiền dịu quả khó nhưng không phải hoàn toàn không có như
thằng Ngọc bi quan. Nếu gặp Châu, nó sẽ phải nhận điều phán đoán của nó là sai
lầm”.
Tôi nhớ một lần tôi đã tranh luận với Vĩnh và Ngọc về đôi mắt của người
đàn bà. Vĩnh và Ngọc về một phe cho là đôi mắt của người đàn bà có dự một phần
quan trọng trong tình yêu của người đàn ông, nhưng chưa đủ. Tôi quá khích nhất
định cho rằng đôi mắt của người đàn bà là cửa ngõ đầu tiên độc nhất để vào tình
yêu, người ta chỉ yêu vì đôi mắt và những cái khác đến sau. Tôi nhắc lại với
Vĩnh ý kiến của tôi và Vĩnh nắm chặt tay tôi thêm.
“Tôi gặp Châu trên những chuyến xe hàng về tỉnh nhỏ nguy hiểm và gian
truân. Châu rất can đảm và hy sinh. Châu chỉ còn hai chị em, một đứa em gái nhỏ
còn đi học”.
Tôi muốn nói tới Vĩnh tại sao Châu lại giống Lan đến thế. Đôi mắt hoang
đường ư? Cũng có thể nói thế với Lan. Có những buổi tối, biết thói quen của
tôi, Lan pha cho tôi một cốc cà phê. Sau làn khói tím của thuốc lá và cà phê
tôi nhìn vào cặp mắt Lan qua một khoảng không gian nhỏ hẹp gần gũi được phóng
đại. Cặp mắt lòng đen to và sâu, mi mắt hơi sưng lên. Tôi nhìn thấy thật xa như
ở quá khứ một đứa em gái nhỏ còn đi học? Chắc cũng giống Hà, bơ vơ bên cạnh chị
và những đồ đạc trong gian nhà. Tôi thường vuốt mái tóc Hà mềm để theo lối Nhật
Bản và giảng cho cô bé những ý nghĩa của bài học thuộc lòng ngộ nghĩnh. Hà ôm
lấy chân tôi và trong mắt thật cảm động. Tôi hổ thẹn vì vẫn giấu giếm những
điều ấy với Vĩnh.
“Tôi hiểu Châu và Châu cũng rõ tôi. Nhưng chắc là không được bằng các
cậu. Nhân thể đến thăm Châu nhé”.
Không ước định với nhau, chúng tôi theo đường đi qua những đại lộ.
*
Nhà Châu ở một phố nhỏ gần ngoại ô tôi chưa qua lần nào. Đường không
trải nhựa nhưng sạch vì dưới đế giày tôi cảm thấy sự tròn trĩnh của những viên
đá xanh lô nhô mặt đường. Phố gồm hai dãy nhà giống nhau. Tôi dò theo mặt Vĩnh
để đoán nhà Châu. Trời đã sụp xuống đột ngột tôi chỉ nhìn thấy gò má của bạn.
Vĩnh buông tay tôi và tiến lên trước. Đứng sau Vĩnh nhìn qua tấm kính cửa sổ mờ
tôi không phân biệt được gì. Châu đón Vĩnh bằng một chuỗi cười hồn nhiên dài và
ấm. Tôi nghe tiếng cười trước khi gặp mặt Châu và tiếng cười ấy chạy qua da
thịt tôi khiến tôi cảm thấy lạnh.
“Anh giới thiệu với Châu đây là anh Tâm mà anh thường nói chuyện với
Châu”.
Châu đứng lui vào bên cửa nhường lối vào vừa chào vừa dò xét. Tôi không
trông rõ mắt nàng. Nàng mời chúng tôi ngồi xuống những chiếc ghế gỗ có dựa theo
kiểu cũ và điện đã bật lên. Mắt nàng to và sâu, buồn lạ lùng mặc dù lúc ấy nét
mặt nàng đang vui. Có một cái gì quyến rũ trong mắt ấy. Tôi rất kín đáo khi
quan sát Châu.
“Em vừa về chiều nay, anh đến sớm thì không gặp”.
Nàng còn mặc trên người tấm áo dài dạ đen.
“Thu đâu?”
“Nó chơi ở trên dì em”.
Vĩnh đứng lên đi lại gần Châu nói:
“Chúng ta lên phố đi”.
“Ở ngoài lạnh lắm phải không anh?”
Nói câu này Châu có ý muốn tôi trả lời vì nàng nhìn tôi rất ý nhị. Tôi
chỉ hơi mỉm cười và lấy tay lật mấy trang sách. Tôi ngồi gần bàn uống nước và
trên ấy có một cái cặp trẻ con ở dưới là một vài quyển vở và sách.
“Đi gần anh còn ngại gì”.
Châu quay người đi nên tôi không rõ ý Châu thế nào. Buồng không hẹp kê
được một bộ phản, một tủ gương đứng, một bàn uống nước và còn thừa một khoảng
rộng làm luôn luôn hơi lạnh. Phía trong là sân tối. Châu đi vào đổi áo dài. Tôi
cầm lấy cuốn sách đã lật và đọc bâng quơ. Cuốn sách giảng về quan niệm luyến ái
theo chủ nghĩa cộng sản. Thấy sự tò mò của mình đi quá xa, tôi đặt trả cuốn
sách xuống dưới cặp. Vĩnh nhìn vào gương và cười với tôi nhưng tôi tin chắc
Vĩnh không chú ý đến cử chỉ của tôi vừa rồi. Ra đến ngoài trời tối hẳn. Chúng
tôi đi dưới ánh điện Châu khoác thêm áo choàng. Nàng kể cho Vĩnh về cuộc hành trình
buổi chiều của nàng. Xe bị mìn đổ, chết người. Ngày mùa đông lạnh lẽo ở vùng
tiền tuyến. Châu rất có khiếu kể chuyện. Tôi đi bên cạnh Vĩnh chú ý nghe như
được nói cho riêng mình. Đến một ngã tư, Châu bảo Vĩnh:
“Anh biết không, suýt nữa em không về nhé. Có người hứa bảo đảm đưa em
qua bên kia sông”.
Giọng Vĩnh hài hước:
“Nghĩa là qua bên kia thế giới chứ gì”.
“Đúng rồi, bên kia thế giới” – Châu nói rất ngây thơ.
“Nghĩa là không bao giờ về” – Vĩnh cười thật vui.
“Mời cô đưa tay, tôi sẽ đưa cô qua bên kia thế giới”. Vĩnh nắm tay và
dắt Châu qua đường.
Tôi đi sau nhìn dáng Châu. Tôi nghĩ đến đến cuốn sách tình cờ đọc ở nhà
Châu. Tôi tin rằng Châu còn tất cả sự ngây thơ. Chúng tôi đi vào hè rộng của
đại lộ nhiều cây lớn. Ánh sáng điện không đủ sức hắt vào hè. Những biệt thự đã
ngủ sâu ở trong. Tôi nghe tiếng giày và giọng của Châu. Một lát, Châu hỏi Vĩnh:
“Anh Tâm ít nói nhỉ?”
Vĩnh hơi suy nghĩ:
“Vì anh ấy là thi sĩ”.
“Ồ thi sĩ nghĩa là làm thơ, vậy chắc anh đương làm thơ, anh đọc cho Châu
nghe xem nào”.
Cả Vĩnh và Châu đều quay về tôi. Tôi bước thêm vài bước. Đến một chỗ ánh
sáng rõ tôi nhìn xuống hè đường. Một dòng số ghi trên viên gạch lát: 1934. Suốt
trong buổi ấy tôi chỉ nói một lần như thế này:
“Viên gạch của bờ hè đại lộ này hôm nay được 18 tuổi khi chúng tôi đi
qua”.
Tôi tưởng sẽ nghe tiếng Châu cười, nhưng không trong luồng gió lạnh chỉ
có một tiếng Vĩnh. Châu im lặng lạ lùng. Tôi hối hận vì câu nói vô nghĩa của
tôi. Tôi nhìn mãi những viên gạch đi qua nhưng không tìm thấy dòng số nào nữa,
cho đến khi qua khỏi đại lộ ấy. Vĩnh và Châu lại bắt đầu nói chuyện nho nhỏ.
Tôi cố không tin sự im lặng đã qua của Châu vì tôi không hiểu nó. Tôi từ biệt
hai người ở ngã ba rẽ về nhà tôi. Vĩnh cố mời tôi cùng đi ăn. Châu đứng khuất
sau vai Vĩnh. Nàng cúi chào khi tôi bắt tay Vĩnh. Tôi vượt qua hàng cây xuống
đường và tiếng bước của hai người bắt đầu. Tôi bỏ đại lộ vào phố nhỏ.
*
Từ ngày ấy tôi không gặp lại Châu nữa. Còn Vĩnh cho đến ngày Vĩnh mất
tích, chúng tôi gặp nhau hai lần. Lần nào tôi cũng đều hỏi thăm Vĩnh về Châu.
Cái cảm giác buổi đi chơi tay ba còn rung động mãi lòng tôi. Và câu nói của tôi
hôm ấy là đầu đề một bài thơ của tôi. Lần thứ hai Vĩnh cho tôi biết là Châu
hoạt động cho ngoài kia. Tôi không ngạc nhiên về điều ấy. Vĩnh tâm sự:
“Châu hay nói dối quá. Tôi không dám tin vào đôi mắt Châu nữa. Người ta
có thể mang một tâm hồn trái nghịch với đôi mắt người ta ư?”
Tôi quả quyết với Vĩnh rằng Châu không dối, Châu thực thà. Và nếu Châu
có hoạt động cho ngoài kia cũng vì sự thực thà ấy, vì lòng yêu nước nhiệt thành
thiếu ý thức mà thôi. Tôi tin Châu, tin vào đôi mắt Châu. Vĩnh lắc đầu:
“Không, còn những chuyện khác nữa”.
Nói xong Vĩnh đốt thuốc lá trầm ngâm. Tôi không muốn hỏi những chuyện ấy
và chỉ cố gắng nhấn mạnh là nên tin Châu, tin đôi mắt của Châu. Đêm ấy Vĩnh ngủ
lại với tôi và đôi mắt của người đàn bà lại là dịp để chúng tôi tranh luận đến
gần sáng. Vĩnh được dịp phơi bày những sự hiểu biết về phái yếu. Những lúc ấy
tôi biết Vĩnh đang đau khổ dữ lắm.
Mãi sau khi Vĩnh biệt tích, tôi mới hiểu đêm ấy là đêm Vĩnh đến từ biệt
tôi. Đó là vào mùa hè năm sau. Sự biệt tích của Vĩnh đột ngột, gia đình Vĩnh
không hay biết, đến ngay tôi là bạn thân cũng vậy. Mẹ Vĩnh tìm tôi, và nhất
định cho đó là lỗi ở Châu. Bà cụ không biết Châu, chỉ biết Vĩnh có liên lạc với
Châu và Châu hoạt động cho ngoài kia:
“Tôi chắc em nghe lời dụ dỗ của nó mà bỏ ra ngoài kia hay là bị ngoài ấy
bắt”.
Tôi cố gắng phân giải cho mẹ Vĩnh biết điều ấy không thể có được. Vĩnh
không bao giờ bỏ ra ngoài. Tôi tin Châu hoàn toàn vô tội. Tô cố an ủi bà và hứa
sẽ dò xét tin tức của Vĩnh.
Sau này khi vào đến Sài Gòn, tôi được tin Vĩnh ở ngoại quốc.
Đưa bà cụ ra về, tôi đến Lan. Không khí mùa hè oi ả, chúng tôi đặt ghế
ngồi ở ngõ. Bao giờ Lan cũng với cuộn len đan để tìm sự tương tự với mắt Châu.
Tôi buồn nhớ Vĩnh. Tại sao lại có sự gãy đỗ giữa Vĩnh với Châu? Liệu tôi với
Lan có giống thế không? Tại sao tôi yêu Lan? Mà không yêu Châu chẳng hạn? Tôi
xua đuổi ý nghĩ này. Nhưng tôi cảm thấy sự ngọt ngào từ mắt Lan và giọng nói
tiếng cười Châu buổi ấy lẫn lộn cùng sự im lặng của Châu sau câu nói vô nghĩa
của tôi…
Tôi hỏi Lan giả thử có một cuộc chia cắt đất đai Lan sẽ đi hay ở lại.
Lan ngửng lên rất lâu trả lời:
“Em chưa rõ nhưng có lẽ em ở lại. Nhưng tại sao anh lại hỏi em như thế?”
Tôi trả lời đó chỉ là câu hỏi và tôi hỏi tiếp giả thử tôi đi thì Lan
nghĩ sao.
“Em không biết. Đó là quyền của anh. Chúng ta chưa phụ thuộc vào nhau”.
Tôi bỗng cảm thấy tôi yêu Lan lắm, yêu muốn phát khóc. Tôi bảo cho Lan
biết tin Vĩnh mất tích. Lan ngừng công việc hỏi:
“Ồ anh Vĩnh mất tích, sao thế?”
Tôi vẫn thường nói về Ngọc và Vĩnh với Lan, nhưng chưa bao giờ nói về
Lan với Ngọc và Vĩnh. Tôi vẫn tự trách như thế là một thái độ thiếu thành thực.
“Anh có rõ nguyên cớ không?”
Tôi trả lời là không được rõ và tôi cũng kể cho Lan nghe về Châu.
“Chắc chị ấy buồn lắm”.
Khuya lắm tôi mới từ biệt Lan. Tôi không về thẳng nhà mà lang thang
ngoài phố. Tôi nhớ cùng một lúc mắt Lan và mắt Châu trên những lùm cây.
*
Mùa hè năm sau, sự chia cắt đất đai thành sự thực. Cũng như chúng tôi đã
nói chuyện với nhau, tôi quyết định bỏ đi và Lan ở lại. Hình như sự chia rẽ
giữa chúng tôi không đau khổ mấy vì chúng tôi cảm thấy điều đó ngay từ lâu. Yêu
nhau trong thời loạn không bao giờ nên tính đến sự bền vững. Tôi không nài ép
Lan theo tôi cũng như Lan không giữ tôi ở lại. Chúng tôi nhận sự chia cách thật
tự nhiên và chua xót. Căn nhà của Lan lặng lẽ thêm, khuôn mặt Lan và Hà càng ủ
rũ. Lan quyết định trở về quê với cô vì nàng còn người anh lớn đi theo kháng
chiến.
Buổi tối trước khi khởi hành tôi hẹn ăn cơm với hai chị em Lan và chúng tôi sẽ
nói chuyện như thường lệ. Sau khi thu xếp mọi công việc, trời còn sáng, tôi dạo
qua các phố để thu lần cuối những ánh hình kỷ niệm vào trí nhớ. Và sự tình cờ
đã khiến tôi gặp Châu. Nàng gầy hơn lần gặp trước cách đây hai năm. Nàng đi bên
đường và cũng nhìn tôi nhưng có lẽ không nhận ra tôi. Tôi gọi tên nàng trước.
Nàng đứng lại hơi ngạc nhiên. Sau khi tôi tự giới thiệu và nhắc lại kỷ niệm cũ,
nàng tỏ ra vui mừng được gặp một người bạn của Vĩnh:
“Đã hai năm đấy anh nhỉ và anh Vĩnh bỏ đi hơn một năm rồi”.
Nàng không thay đổi chỉ gầy đi một chút nên cặp mắt thêm lạ. Tôi hỏi
thăm nàng xem nàng có biết tin tức gì của Vĩnh không và tôi nói thẳng cho nàng
biết nhiều người nghi nàng có dính đến vụ mất tích ấy. Nàng mỉm cười rất nhẹ và
hồi lâu sau nói:
“Nhưng tôi mong rằng anh còn hiểu tôi”.
Chúng tôi cùng bước song song trên đường về nhà Châu. Tôi nói tôi là
người bảo vệ cho nàng. Dáng cảm động, Châu hơi nghiêng sang một bên:
“Cám ơn anh”.
Tôi hỏi về sự quyết định của nàng trước thời cuộc. Châu nhìn vào tôi hỏi
lại:
“Anh biết là tôi hoạt động chứ?”
Tôi mỉm cười gật đầu, bảo với nàng rằng tuy thế tôi tin ở con người nàng
hơn là những hành động của nàng đã qua hay sắp tới. Nàng cúi đầu đáp khẽ:
“Có lẽ anh nhận xét đúng nhưng tôi không đi vì nhiều cớ khác”.
Tôi nói với nàng tôi rất hiểu tâm sự những người ở lại. Tôi so sánh Châu
với Lan. Buổi chiều vàng bệch vài phút rồi tắt hẳn. Chúng tôi đi vào đại lộ cũ.
Chúng tôi cùng bước trên bờ hè ấy. Đèn thành phố đã nhoi lên. Đến một chỗ, Châu
dừng lại hỏi:
“Anh còn nhớ một câu anh đã nói ở đây hôm ấy hay không?”
Tôi nhìn xuống viên gạch. Dòng số 1934 lật ngược trước mắt tôi.
Tôi nói gần như thì thầm:” Viên gạch của đại lộ bờ hè này hôm nay được
hai mươi tuổi khi chúng tôi qua”.
Và tôi nắm chặt bàn tay Châu, hai bàn tay run cảm động. Sự im lặng này
giảng nghĩa sự im lặng hai năm trước.
Tôi đưa Châu về tận nhà, vẫn gian nhà cũ, nhưng không vào. Tôi bảo với
Châu ở cửa rằng tối nay là tối cuối cùng của tôi ở Hà Nội. Châu mỉm cười và tiễn
tôi bằng cặp mắt hằng cửu của nàng.
Tôi không quay về nhà Lan mà đi mãi trên những bờ hè đại lộ.
Sáng hôm sau tôi lên đường khi thành phố chưa dậy.
Thanh Tâm Tuyền
304De9n – llttm- ovv
No comments:
Post a Comment