ĐÀO MƠ
Thời
ấy, ở một huyện lỵ buồn tẻ, tôi sống như bị chôn giữa bốn bức hàng rào dày, qua
đó tôi trông ra đồng rộng mênh mông như qua then lồng, con chim non nhìn quãng
trời xanh lá biếc. Rất ngắn ngủi những giờ giải trí của tôi, sau những giờ học dài
đằng đẵng.
Ngày
nay đã có lần tôi trở về thăm nơi kỷ niệm cũ. Tôi thấy nó nhỏ hẹp quá. Thời xưa
đối với tôi, nó rộng như một thế giới. Cái hồ sen mà cặp giò nhỏ xíu của tôi
không mấy khi chạy nổi một vòng, bây giờ tôi thấy chỉ như cái bể nước đựng núi non
bộ, tròn trĩnh, nhẵn nhụi, hàng giậu dâm bụt vây chung quanh cắt xén bằng chằn
chặn. Hai cái nhà tây - tây là vì nó có hiên, có trần và có nền cao - đứng đối
nhau hai bên công đường, tôi thấy giống như thứ đồ chơi trẻ con. Trong một nếp
nhà ấy, tôi đã sống bao ngày bằng phẳng, đều đều, với quyển sách chữ nho, với
cái bút lông tô dạm nét son của một ông thầy học nghiêm khắc; với những buổi
chiều hè vang động tiếng sáo diều trên không, và, trong yên lặng hoàn toàn, với
những buổi trưa chán nản kéo dài tiếng cút kít gióng một của chiếc xe lợn trên
con đường thiên lý.
Trong
cái thế giới buồn tẻ ấy, thỉnh thoảng một bọn hát chèo lại đem đến cho mấy anh
em chúng tôi một ít màu tươi của sự thay đổi: một hai tối, có khi luôn một tuần
lễ, cái sân huyện trở nên một nơi hội hè om xòm, tiếng cười của dân phố huyện
đến xem chen với giọng ca của cô đào, tiếng thét của ông tướng mặt xanh mặt đỏ,
câu pha trò của vai hề quê mùa vừa nhạt nhẽo vừa tục tằn.
Rồi
gánh hát từ giã ra đi, cái huyện nhỏ lại rơi vào trong yên lặng buồn tẻ.
Phần
nhiều những phường chèo ấy, tôi còn nhớ tên phường "Kha lý", phường
"Quốc nhớn", phường "Quốc con". Nhưng cái phường, khi ra đi
làm cho tôi ngao ngán, khổ sở nhất, thì tôi lại không biết tên là gì. Chừng vì
đó cũng là một bọn hát tầm thường. Tôi chỉ theo ông thầy học tôi và những người
lớn mà gọi là phường Mơ, vì trong số ba cô đào, một cô tên là Mơ.
Mơ là
một cô gái quê chừng mười tám tuổi. Thân hình uyển chuyển của Mơ càng uyển
chuyển khi Mơ đóng những vai đào lẳng như Vân Dại, Thị Màu hay Vợ quỷ. Và mặt
trái xoan đều đặn của Mơ dưới lớp phấn chèo trông lộng lẫy như trong bức tranh
tiên. Hoạt động nhất là hai con mắt đen láy của Mơ, hai con mắt bao giờ cũng
cười trước khi cặp môi hé mở hàm răng hạt huyền.
Năm
năm, cứ sang xuân, trong thời còn nghỉ học, tôi lại mong nhớ Mơ, sự mong nhớ âm
thầm, buồn bã của một tâm hồn ngây thơ. Quả nhiên, trong hai tháng sau tết, các
phường chèo kế tiếp nhau đến, tựa bầy chim én trở về cùng với những ngày quang
đãng, ấm áp, vui tươi.
Tim
tôi hồi hộp khi tôi thấy những gánh hòm vuông sơn đen, sơn đỏ qua cổng huyện,
tiến vào trong sân. Và tôi thất vọng nếu phường xin hát không phải là phường
Mơ. Nay nhớ lại, tôi còn cảm thấy sự thất vọng của tôi mênh mang không biết đến
đâu tuy chỉ là một sự thất vọng trong phút chốc. Rồi tiếng trống chèo rung đổ
hồi lại đem vui cười vào lòng tôi ngay.
Nhưng
thế nào, sớm muộn, phường Mơ cũng đến, ít ra mỗi năm một lần, trong mùa xuân.
Gặp Mơ, tôi cảm động nghẹn ngào ngây người đứng nhìn. Mơ cũng yêu tôi lắm. Nàng
chạy vội đến bế bổng tôi lên mà hôn chùn chụt ở hai bên má tôi, khiến tôi sung
sướng nóng bừng cả mặt. Rồi nàng thỏ thẻ bảo tôi:
- Cậu
lên xin phép thầy cho chúng tôi hát nhé?
Tôi
cho câu ấy là thừa, vì cũng như tôi, những người lớn đều thích phường Mơ cả,
bắt đầu từ thầy học của tôi. Chỉ trông cánh tay ông giơ cao roi chầu, ra sức
vụt mạnh vào tang trống, khi Mơ múa hát, cũng đủ biết ông yêu Mơ đến bực nào.
Lúc không cầm chầu thì ông trố mắt nhìn Mơ, và lớn tiếng thốt những câu bình
phẩm sỗ sàng để chòng ghẹo Mơ, làm cho Mơ phải mỉm cười dù lúc Mơ đóng vai pho
tượng như tượng đức Phật Quan Âm.
Rồi
sau một, hai hay ba hôm, Mơ lại theo phường bạn rời đi nơi khác. Chẳng bao giờ
tôi cảm thấy tôi trơ trọi bằng lúc ấy. Tôi ngơ ngẩn như người mất linh hồn. Anh
tôi thấy thế cười, bảo tôi:
- Dễ
Linh nó ốm tương tư cái Mơ đấy.
Tôi
xấu hổ, cười gượng, rồi trốn vào xó tối đứng sụt sùi khóc.
*
* *
Từ
khi ra tỉnh theo học chữ Pháp, không một lần nào tôi gặp Mơ nữa. Nhưng mỗi năm,
sau những ngày rét mướt, gió ấm mùa xuân lại thổi vào tâm hồn tôi sự mong ước
nhớ nhung không cỗi rễ. Phải chăng đó là vết tích mối tình thơ ấu của những
ngày sống giữa sự lạnh lẽo nặng nề?
Cách
độ hơn mười năm, một hôm tôi gặp một người kép hát trong một rạp chèo ở một
tỉnh nhỏ. Người ấy nhận được tôi, nói vì tôi không thay đổi mấy. Kỳ thực, người
ấy đã hỏi dò lai lịch tôi. Khi biết bác kép trước cùng ở một phường với Mơ, tôi
vội vàng hỏi thăm tin tức cô đào hát. Bác ta cười bảo tôi:
- Chị
ấy nay đi cầu bơ cầu bất hát chẳng rõ ở đâu.
Rồi
kể cho tôi nghe cái đời khổ sở của Mơ, Mơ lấy lẽ một ông chủ đồn điền. Vợ cả
ghen, ông này đưa Mơ về Hà Nội thuê nhà cho ở. Nàng đã sinh được một trai. Một
tối ông ta cùng Mơ đi xem chèo. Mơ nhớ đến nghề xưa liền bỏ chồng con xin nhập
bọn rạp hát. Chẳng bao lâu Mơ được chủ rạp yêu quí. Nhưng Mơ đã "quen nết
hư" chẳng giữ tình chuyên nhất với một ai, nay đi với người này, mai ở với
người khác. Nhất Mơ lại phóng đãng thái quá nên mất cả giọng, tàn cả nhan sắc.
Tôi
hỏi:
- Mơ
hát không còn hay như xưa nữa?
Anh
kép ngoác cái miệng rộng ra cười:
- ấy,
ông cũng còn nhớ đấy: chị Mơ hát hay lắm, có lẽ hay nhất "Bắc cờ". Mà
chị ấy cũng đẹp hơn hết các cô đào hát "Bắc cờ".
- Thế
bây giờ chị ấy đâu?
- Bây
giờ chị ấy bệ rạc, đói rách lắm, ông ạ, cùng người chồng mù đi lang thang khắp
đó đây hát gõ kiếm ăn.
Tôi
kinh ngạc:
- Chị
ấy lấy sẩm?
Người
kép buồn rầu:
-
Thưa ông cũng không hẳn là sẩm.
Rồi
đột ngột hỏi tôi:
- Ông
có nhớ anh Thiếp không nhỉ?
Tôi
ngẫm nghĩ đáp:
-
Không.
-
Vâng, ông nhớ sao được, ngày ấy ông mới lên bảy, lên tám. Anh Thiếp trước ở
cùng phường với chị Mơ, với tôi. Anh ấy có tài thổi sáo, kéo nhị. ấy, chị Mơ đã
một dạo mê anh ta về tiếng sáo réo rắt.
Người
kép ngừng lại một giây rồi lắc lư cái đầu búi tóc, đọc hai câu Kiều:
Rõ
thực:
Có tài mà cậy chi tài.
Chữ tài liền với chữ tai một vần.
Và kết luận:
- Ông
coi, chẳng qua là duyên số cả, ngày xưa chị ấy đẹp thế, tưởng làm nên bà nọ bà
kia, ai ngờ...
Tôi
buồn rầu ngắt lời:
- Thì
chị ấy chả làm nên bà chủ đồn điền trong một năm là gì!
Bác
kép thở dài:
-
Thưa ông, giá cứ ở hẳn với ông chủ đồn điền thì nay cũng chả đến nỗi.
Bác
ta cười sằng sặc nói tiếp như khi pha trò hề trên sân khấu:
- Giá
ngày xưa mà ông đã lớn tuổi như bây giờ thì dễ thường ông cũng say mê chị ấy,
đấy nhỉ?
Tôi
nóng cả mặt và sợ người kép hát nhận thấy bẽn lẽn, tôi đánh trống lảng cười
theo đáp lại:
- Hẳn
thế, chứ lị!
*
* *
Từ đó
mỗi lần xuống phà hay qua hè phố, gặp một cặp vợ chồng, chồng kéo nhị vợ hát
chèo, tôi lại tưởng nhận được tiếng Mơ. Và tôi miên man nghĩ đến những con chim
sơn ca cùng mùa xuân, đem cái vui tới nơi thôn dã.
Và
buồn rầu tôi thấy hiện ra trong ký ức hình ảnh một cô gái quê xinh đẹp, hình
ảnh vai Vân Dại lẳng lơ, vai Thị Mầu nhí nhảnh, ái tình của cái tuổi thơ lạnh
lùng trơ trọi.
Khái
Hưng
Rút từ tập truyện ngắn Đợi chờ
Nxb Đời nay, Hà nội, 1940.
No comments:
Post a Comment