LẠi BÀN VỀ NHẠC SẾN
Tôi không phải là fan của nhạc sến, nhưng thỉnh thoảng vẫn nghe nhạc
sến. Thật ra, tôi thấy rất khó phân biệt đâu là nhạc sến, và đâu là nhạc
sang, bởi vì lằn ranh quá mong manh, nhất là trong bối cảnh âm nhạc Việt Nam.
Hôm nay thấy trên báo Sức khỏe và Đời sống, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế, có
bài “Nhạc sến biến dị” của Vương Tâm bàn về nhạc sến thời trước 1975 ở trong
Nam. Chúng ta phải ngạc nhiên một tờ báo y tế của Bộ Y tế lại quan tâm đến …
nhạc sến! Cũng là một bài báo lạ.
Nhưng trước hết, chúng ta cần phải biết “sến” là gì và nhạc sến là loại
nhạc nào? Trong bài viết, tác giả không trả lời hai câu hỏi đó. Thay vào đó,
tôi để ý đến đoạn như “Riêng dòng nhạc Sến, những điệu thức Bolero, Ballade…
gắn với nội dung lời ca bi lụy, thất tình, đau khổ về số phận trớ trêu của kiếp
nghèo, tập trung vào những chia ly và mất mát trong tình yêu. Lời hát não nề,
than vãn cầu mong được bù đắp. Nhạc thì được phát triển giàu chất tự sự lê thê,
buồn bã khai thác âm hưởng cổ nhạc theo hướng yếm thế, ru ngủ lòng người tạo
nên cảm giác chán chường bế tắc.”
Tôi thấy một đoạn văn ngắn này có nhiều vấn đề cần phải xem xét lại.
Trước hết, tôi không hiểu “điệu thức” là gì. Còn nhạc thì làm sao giàu chất tự
sự được? Có lẽ tác giả muốn nói đến ca từ giàu chất tự sự chăng?
Điều làm tôi ngạc nhiên là tác giả cho rằng nhạc sến khai thác cổ nhạc!
Nên nhớ rằng cổ nhạc như vọng cổ viết theo điệu ngũ cung (hò, xự, xang, xê,
cống — tương đương với ngũ hành là kim, mộc, thủy, thổ, hỏa), không phải như
loại “tân nhạc” với thể điệu boléro có 7 nốt (do, re, mi, fa, sol, la, si). Mấy
năm sau này tôi thấy có nhạc sĩ (như Minh Vy chẳng hạn) có công soạn tân nhạc
nhưng mang âm điệu ngũ cung (như ca khúc Vọng cổ buồn chẳng hạn), và theo tôi
đó là một nỗ lực rất đáng khen và khuyến khích.
Còn tác giả viết nhạc sến là những bài có điệu boléro, ballade, … chính
là lấy từ chữ của một bài viết trên Thanh niên vào năm 2005. Trong bài báo trên
tờ Thanh niên, tác giả Hà Đình Nguyên viết: “Chưa có một quy định “chuẩn” nào
để phân biệt bản nhạc này thuộc loại “sến”, bản kia không “sến” nhưng không
biết do đâu mà hầu như tất cả các bản nhạc được sáng tác trước 1975 – nhất là
những bản có điệu boléro, rumba, ballade… đều bị quy là nhạc sến (tiếng “sến”
được hiểu theo nghĩa dè bỉu, mỉa mai, khinh thị…).”
Nếu những cho rằng chia li và mất mát trong tình yêu là “sến”, thì tôi
không biết tác giả có xem nhật kí của Bác sĩ Đặng Thùy Trâm là sến không? Tôi e
rằng định nghĩa “sến” của tác giả chưa ổn mấy. Thật vậy, nếu định nghĩa theo
nội dung (như đau khổ về số phận, trớ trêu của kiếp nghèo, những chia ly và mất
mát trong tình yêu) thì tôi nghĩ một số bài “nhạc đỏ” cũng có thể xem là … sến,
vì cũng có những chia li, nhưng trắc trở trong tình yêu, thân phận trong những
bài “nhạc cách mạng”.
Điều làm tôi cực kì ngạc nhiên là tác giả liệt kê ca khúc Giết người
trong mộng của nhạc sĩ Phạm Duy vào hàng nhạc sến! Không hiểu tác giả bài viết
có biết qua hay có nghe qua ca khúc này chưa mà nói đó là một bài nhạc sến. Xin
nói cho tác giả biết rằng ca khúc này thật ra là Phạm Duy phổ từ thơ của Hàn
Mặc Tử đấy. Trong bài Hành khất, thi sĩ Hàn Mặc Tử viết:
Làm sao giết được người trong mộng
Để trả thù duyên kiếp phụ phàng ?
và nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy lấy hai câu này để viết thành một ca khúc
rất hay theo nhịp 4/4. Bài đó rất thịnh hành thời trước 1975. Tôi chưa nghe ai
nhận xét rằng đó là một bài nhạc sến cả.
Tưởng cần nhắc lại rằng trước đây cũng có một ông nhạc sĩ trong nước (là
con của cụ Nguyễn Xiển) viết rằng ca khúc Mùa thu chết của Phạm Duy là xuyên
tạc cách mạng tháng 8! Chưa hết, ông nhạc sĩ này còn viết rằng Phạm Duy từng là
bộ trưởng văn hóa thời Nguyễn Văn Thiệu! Đúng là “hết ý”. Hình như mấy ông viết
mà không chịu tìm hiểu hay làm nghiên cứu về chủ đề mình viết.
Đến đây thì chúng ta cần phải đặt câu hỏi “sến” là gì? Giáo sư Cao Xuân
Hạo giải thích nguồn gốc chữ sến như sau: “Theo tôi, gốc của từ ‘sến’ phải bắt
đầu từ chữ ‘sen’ trong nghĩa con sen, là đứa ở, con ở. […] Từ ‘sen’ đọc trại
thành ‘sến’ bởi sự khinh bỉ, là tầng lớp thấp, văn hóa kém. Còn nếu ứng dụng
vào văn chương, nghệ thuật thì ám chỉ khẩu vị thấp hèn, ít có giá trị. Bàn
riêng về chữ ‘sến’ trong ‘nhạc sến’, tôi nghĩ nghĩa gốc cũng vậy, không thay
đổi nhiều lắm”. Có thể xem thêm bài của Hoàng Phủ Ngọc Phan để biết thêm “câu
chuyện”.
Báo Thanh Niên viết tiếp: “[…] Thôi thì, hễ loại nhạc nào mà các chị
gánh nước mướn, các anh đạp xích lô, thợ thuyền (gọi chung là giới bình dân)
khoái hát thì… đó là “nhạc sến”! Thật vậy, chúng ta chưa có một định nghĩa hoàn
chỉnh nào để phân định rạch ròi giữa nhạc sến và nhạc sang. Trước năm 1975,
người ta ngầm hiểu với nhau rằng “nhạc sến” chỉ những ca khúc “bình dân”, với
điệu nhạc như vừa nói trên (boléro, rhumba, ballade, có khi cả slow), lời nhạc
đơn giản đi thẳng vào những câu chuyện tình cảm éo le, tình nhân xa nhau (em
thì ở “hậu phương”, còn anh ra “tiền tuyến”), hay chuyện cha mẹ không đồng ý
cho cưới vì anh nghèo mà em thì giàu sang, v.v…
Theo tôi, nhạc sến có 3 đặc điểm chính như sau: nhạc điệu đơn giản, cách
hát thì sướt mướt, và lời giản dị. Đặc điểm thứ nhất thì quá rõ ràng, vì phần
lớn những bài ca mà người ta cho là sến thường dễ chơi. Chỉ cần một cây guitar
là đủ. Còn âm điệu thì chỉ cần một hợp âm cũng đủ, hay nhiều lắm là 3 hợp âm.
Thử so sánh bài Người yêu cô đơn với bài Áo anh sứt chỉ đường tà thì thấy bài
nào dễ chơi hơn!
Đặc điểm thứ 2 là cách hát thường ngọt ngào, sướt mướt, và đau khổ.
Không có cách diễn này thì không phải là nhạc sến. Nghe Chế Linh, Thanh Tuyền,
Phương Dung, Hoàng Oanh, Thanh Thúy, v.v… thì sẽ thấy đặc tính này. Riêng Thanh
Thúy mà ca nhạc của Trúc Phương thì ôi thôi nói mùi mẩn làm sao (và sến nữa)!
Đặc điểm thứ 3 có lẽ là “lợi hại” nhất là lời ca đơn giản, đi đẳng vào
vấn đề. Nhạc sến không có những câu triết lí cao siêu, mà toàn là những câu chữ
ngay cả anh tài xế xích lô và chị bán hàng cá có thể hiểu được:
Tại
anh đó nên duyên mình dở dang
em nào mộng mơ quyền quý cao sang
hay
Một
hôm tôi đên tìm em
để từ
giã lên đường
Gửi lại phố phường
chuyện
đôi mình thương mai xa cách ngàn phương
Cuộc đời sương gió,
chiến
chinh nơi miền xa qua những vùng xa lạ quá
Quê hương bao la,
những
chiều đóng quân ven rừng,
gặp
hoa trắng ngày xưa thương em nói sao cho vừa
(bài
Người em xóm đạo)
Làm
sao bảo anh xích lô và chị bán bún mắm hiểu được nhưng câu như sau:
Ta
thấy em trong tiền kiếp với mặt trời lẻ loi
hay
Ôm
lòng đêm nhìn vầng trăng mới về
nhớ
chân giang hồ
Ôi phù du
từng
tuổi xuân đã già
một
ngày kia đến bờ
đời người như gió qua
hay
Từ
giã hoàng hôn trong mắt em
tôi đi tìm những phố không đèn
Thật ra, có mấy người gọi là (hay tự xưng là) “trí thức” hiểu được những
câu trên? Tôi nghĩ không nhiều đâu. Có thể họ nghĩ rằng họ hiểu, nhưng trong
thực tế thì họ không hiểu. Có phải viết ra những câu chữ làm người ta phải vò
đầu bức tóc để suy nghĩ nó có nghĩa là gì là sang chăng? Tôi nghi ngờ lắm.
Người ta tưởng rằng phải dùng từ ngữ của Tây, của Tàu thì mới sang, còn
nói thẳng như người Nam bộ là … sến. Đã có quá nhiều người nói những danh từ
sang, những thuật ngữ khoa học, nhưng nếu hỏi thật thì có bao nhiêu người nói
những thuật ngữ đó hiểu họ nói cái gì hay hiểu thuật ngữ đó có nghĩa là gì.
Kinh nghiệm của tôi cho thấy con số hiểu không nhiều đâu. Nói đến đây tôi
nhớ đến ngày xưa khi học toán, thầy cứ giảng “tuyến tính” và chúng tôi cứ cấm
đầu cấm cổ nói “tuyến tính” mà chẳng hiểu nguồn gốc của thuật ngữ này. Đến khi
sang đây, sách tiếng Anh viết rõ ràng là straightline (đường thẳng). Ôi, dễ
hiểu làm sao! Đường thẳng thì nói huỵch tẹt ra là đường thẳng, mắc mớ gì mà nói
tuyến tính để làm đau đầu học trò? Đọc sách Kinh Dịch của người Việt dịch
tôi chẳng hiểu gì, nhưng đọc sách dịch của người Tây phương dịch thì rất dễ
hiểu. Nhạc sến có ca từ đơn giản đi thẳng vào vấn đề, và theo tôi xu hướng đó
không có gì là có hại cả. Vậy thì xin đừng trách sến nhé!
Trong bài báo trên Sức khỏe và Đời sống, tác giả nói đến ảnh hưởng tiêu
cực của nhạc sến như sau: “Những nỗi đau yếm thế, cô đơn và than vãn trong
nghèo túng là màu sắc điển hình cho dòng nhạc Sến đã làm ảnh hưởng tới tâm lý
người nghe và làm thui chột những khát vọng lớn lao và hướng tới tương lai.”
Nhưng rất tiếc tôi không thấy tác giả trưng bày bằng chứng cho câu phát biểu
này. Theo tôi thì nhạc sến cũng có công làm giàu ngôn ngữ Việt đó chứ. Xin dẫn
chứng một vài bài:
Con
đường xưa em đi
vàng lên mái tóc thề
ngõ hồn dâng tái tê
anh làm thơ vu qui
khách qua đường lắng nghe
chuyện tình ta đã ghi
(bài
Con đường xưa em đi)
hay
chiều
nào nâng li bôi
tình vừa mới chấp nối
chia li mà không nói nhau một lời
để rồi bao năm sau
phong sương mòn vai áo
nhớ cố nhân muốn tìm tạ lòng nhau
(bài Chuyện đêm mưa)
cũng có những ca từ trữ tình ra phết đó chứ.
Đọan này của tác giả làm tôi sợ nhất: “Các nhà quản lý văn hóa của ta
rất cân nhắc trong việc cấp phép cho các ca khúc này được phổ biến ở Việt Nam.
Nhưng đây là chỉ cấm đối với các ca sĩ trong nước chứ các chương trình lậu ở
hải ngoại hàng ngày vẫn được đưa về.” Nghe cứ như là thời bao cấp. Câu phát
biểu còn hàm ý kiểm soát và quản lí tư tưởng văn nghệ của người dân. Nếu tư
tưởng là tự do hoạt động cao quí nhất của con người thì khống chế và kiểm soát
tư tưởng là một hành động bỉ ổi nhất, bởi vì hành động đó làm cho người ta trở
thành nô lệ (do nô lệ là người mất tự do tư tưởng). Có lẽ tác giả nghĩ rằng
phải kiểm soát định hướng sáng tác, cơ quan tuyên truyền bảo phải thích hoặc
ghét cuốn sách nào, khúc nhạc nào, phim nào, thì người dân sẽ thích hoặc ghét
những sách đó, khúc nhạc đó, phim đó. Tôi nghĩ rằng đây là một suy nghĩ sai. Trong
thực tế, chúng ta thấy sau 1975, nhiều ca khúc sáng tác trước 1975 ở miền Nam
bị cấm lưu hành, nhưng trong xã hội thì những ca khúc này vẫn sống và sống
mạnh, thậm chí còn lan tràn ra tận ngoài Bắc. Thử vào các quán karaoke thì biết
ngay. Theo tôi, không nên tìm cách pha trộn văn chương với tuyên truyền,
hay biến nghệ thuật thành chính trị được. Ngày xưa, Mạnh Tử từng nói “quân chi
thị thần như thổ giới, tắc thần thị quân như khấu thù” (Vua mà coi bề tôi như
cỏ rác thì bề tôi coi vua như khấu thù). Bây giờ mình không có vua với thần
dân, nhưng có mấy “ông văn hóa” và người dân, và tôi nghĩ câu nói vẫn còn tính
thời sự của nó.
NVT
304Đen – llttm - ovv
No comments:
Post a Comment