Tuesday, October 4, 2022

Người Vợ Hai Lần Cưới - Nguyễn Ang Ca

NGƯỜI VỢ HAI LẦN CƯỚI

 

“…Có lần anh An Khê nói cho tôi biết, anh Bình Nguyên Lộc đã chơi đòn tâm lý, nói tôi không lẽ lại chẳng thể viết bằng Ngọc Linh, Sĩ trung, Thanh Thủy, Dương Hà, Trọng Nguyên hay sao? Và khi tiểu thuyết Người vợ hai lần cưới được đăng ở báo Tiếng Chuông dưới bút hiệu An Khê, báo Tiếng Chuông tăng số bán ở đô thành lên cả ngàn số.

Nguyễn Ang Ca

 

Anh Đinh Văn Khai tươi rói nét mặt, cả anh Bình Nguyên Lộc và tôi cũng không ngờ kết quả khả quan ngoài sức tưởng tượng.”

Cố văn sĩ Bình Nguyên Lộc có nói: «Trong làng báo có ba cây viết vừa nhà báo, vừa nhà binh cùng mang tật nói lắp. Đó là Nguyễn Bính Thinh, Nguyễn Đạt Thịnh và Nguyễn Ang Ca, cả ba đều cà lăm khi gặp phải chuyện xúc động hoặc trước… phụ nữ đẹp »

Quả thật An Khê và tôi có lắm sự trùng hợp ngẫu nhiên. Cùng họ Nguyễn và bút hiệu bắt đầu bằng chữ An, tuy chữ Ang của tôi có G, nhưng phần lớn khi biên thư, các bạn hay gọi tôi là An Ca. Anh An Khê và tôi cùng giống nhau giấy căn cước: sanh tại làng Tân Hưng, tỉnh Sa Đéc. Khi chánh thức lãnh lương nhà báo, mang danh xưng ký giả chuyên nghiệp trùng một năm:1950. Tôi và anh An Khê có một người anh chung trong nghề nghiệp, một «nghĩa huynh» mà chúng tôi kính yêu như cùng chung huyết thống: anh Bình Nguyên Lộc. Chưa hết, anh An Khê và tôi cưới vợ một lượt năm 1950.

 


Tiểu thuyết feuilleton “ Người vợ hai lần cưới” được Thái Thụy Phong chuyển thể thành cải lương “Hai chuyến xe hoa”. Tiểu thuyết này còn được chuyển thành phim do Hoàng Anh Tuấn đạo diễn

 

Anh An Khê tên thật là Nguyễn Bính Thinh, con trai của cố bác sĩ Nguyễn Bính (không phải là nhà thơ Nguyễn Bính), gốc người Trà Vinh. Bác sĩ Nguyễn Bính là vị y sĩ Đông Dương xuất thân khóa đầu tiên ở trường Thuốc Hà Nội. Khi còn đi học, bác sĩ Nguyễn Bính làm thơ Đường và viết sách lấy biệt hiệu là Biến Ngũ Nhy.

Ông bà bác sĩ Nguyễn Bính (bà vốn là cô đỡ ở nhà thương Phủ Doãn, Hà nội) có tất cả 11 người con (4 trai, 7 gái). Trong số anh trai của An Khê có người anh thứ tư là dược sĩ kiêm tiến sĩ khoa học, ông Nguyễn Bính Tiên, từng có nhà thuốc tên Pharmacie Tiên ở đường Bonard (sau nầy là Lê Lợi) ngang bịnh viện Saigon. Xuất thân từ báo Đọc Thấy và Đời Mới của cụ Trần Văn Ân, viết hai loại truyện dã sử (ký tên Cửu Lang) và tình cảm (ký Vân Nga). Có một thời, độc giả rất say mê theo dõi loạt truyện dã sử của Cửu Lang như Xương máu Phiên Ngung, Người anh hùng mặt sắt (Mai thúc Loan), Đoàn quân ma (Trần Quốc Toản), Ngai vàng sụp đổ. Còn loại truyện tình cảm của Vân Nga như: Ánh sáng đô thành, Cây kiếng vàng…rất được nữ độc giả hoan nghinh.

Khi giã từ anh Huỳnh Hoài Lạc (gốc người Long Xuyên), chủ nhiệm báo Thời Cuộc (thay cố chủ nhiệm Đinh Xuân Tiếu bị ám sát chết một lượt với ký giả Nam Quốc Cang), tôi sang đầu quân cho nhựt báo Tiếng Chuông của ông Đinh Văn Khai, cũng gốc người Long Xuyên.
Còn anh An Khê thì chia tay với cụ Trần Văn Ân (gốc người Thốt Nốt, Long Xuyên) sang giúp cho báo Dân Đen của ký giả Nguyễn Duy Hinh. Thời kỳ 1950-60, ký giả Nguyễn Duy Hinh có biệt tài viết phóng sự điều tra, rất sôi nổi, anh Hinh lại có tài «quậy», tạo nên nhiều tin giựt gân, hấp dẫn độc giả.

Ngoài ra, anh An Khê còn lãnh viết feuilleton cho báo Buổi Sáng của Tam Mộc Mai Lan Quế và báo Công Nhân của ký giả Trần Tấn Quốc (chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao Công Trần Quốc Bửu cho mượn manchette). Vào thời nầy, anh chị Đinh Văn Khai rất phiền Nguyễn duy Hinh vì đang cộng tác và được ưu đãi ở nhựt báo Tiếng Chuông, anh Hinh tách ra lập báo Dân Đen và đăng một loạt bài công kích anh Đinh Văn Khai một cách kịch liệt.

Anh chị chủ nhiệm báo Tiếng Chuông cũng rất buồn anh Tam Mộc, bởi anh chủ nhiệm báo Buổi Sáng, ở phụ tranh hài hước, với bút hiệu Tám Móc hay phụ họa theo anh Nguyễn Duy Hinh để soi mói đời tư của anh chị Đinh Văn Khai. Lúc đó, người em thúc bá với Tam Mộc là tướng Mai Hữu Xuân có nhiều quyền uy, nên tuy tức tối, anh chi Khai chẳng dám có phản ứng gì!

Trong lúc An Khê có đất dụng võ ở ba tờ báo lớn, anh suýt chút nữa lại làm bể nồi cơm của một phóng viên. Số là ngoài bút hiệu Vân Nga, tên con gái đầu lòng, truyện tình cảm của An Khê viết cho Buổi Sáng, anh còn ký tên vợ là Trương Thanh Vân.

Ở tòa soạn báo Tiếng Chuông có phóng viên kiêm nhiếp ảnh viên Quốc Phượng (có khuôn mặt và nụ cười rất giống với tôi, nên tại tòa soạn báo Tiếng Chuông thường xảy ra lắm chuyện nực cười khi nữ độc giả đi tìm tên thiệt của Trương Thanh Vân). Thường chủ báo buộc cộng tác viên không được viết cho báo khác (ngoại trừ tiểu thuyết gia viết feuilleton và thông tín viên ăn tiền từng bản tin), huống chi báo Tiếng Chuông đang căng thẳng với báo Buổi Sáng, nên anh chị Đinh Văn Khai cằn nhằn Quốc Phượng» ăn cây nào sao không rào cây đó» lại nỡ «ăn cơm tôi mà lại tiếp tay kẻ khác để hại tôi».

Quốc Phượng thề bán mạng là tên Trương Thanh Vân trên báo Buổi Sáng không phải của anh, nhưng chủ nhiệm báo Tiếng Chuông nhứt định không tin, cho người móc nối với thợ sắp chữ Buổi Sáng đem bản thảo của Trương Thanh Vân về coi, nhưng vì bản thảo đánh máy nên oan tình của Quốc Phượng vẫn không giải tỏa, có miệng mà chẳng thể kêu oan, mà có kêu nào ai tin!

Một hôm Quốc Phượng nhờ An Khê chở đi sân Cộng Hòa xem đá banh, vì chiếc xe Lambretta của Quốc Phượng bị hỏng máy. Nhìn cái plaque ở xe mô tô của An Khê có mang tên chủ xe là Trương Thanh Vân, hỏi rõ, Quốc Phượng la lên :
– Trời ơi, ông báo hại tôi bị nghi oan, suýt bể nồi cơm đây, ông nội ơi!

Rồi thay vì nhờ An Khê đưa vào sân Cộng Hòa, Quốc Phượng kêu An Khê chở về đường Gia Long, đến tòa soạn Tiếng Chuông để làm sáng tỏ nỗi oan…Thị Kính.

Sau nầy, khi có dịp tâm sự với tôi, Quốc Phượng kể lúc ông bà Đinh Văn Khai giận, nếu không có sự can thiệp của họa sĩ Phạm Thăng và ký giả Phong Đạm (cũng như các anh Huyền Vũ, Lê Tân, Phong Đạm người gốc Phan Thiết, chuyên phụ trách trang trong. Nhỏ con mà kết duyên một lượt với hai chị em, sản xuất trên chục con…) thì QP đã bị tống ra khỏi báo Tiếng Chuông rồi !

Chỉ trong khoảng thời gian từ 1958-1972, An Khê đã viết trên 200 loạt truyện đủ cỡ, đủ loại, và có lúc, anh dám lãnh viết feuilleton một ngày cho…13 tờ báo. Nhiều anh em trong làng thấy mỗi ngày, anh và con gái anh thay nhau chạy giao bài cho các báo, có lúc phải đưa thẳng bản thảo cho nhà in, vì ấn công đang ngóng cổ đợi bài, anh em đã gọi đùa An Khê là phụng hoàng Lê Thành Các, cua rơ đại tài của làng xe đạp đã tạo nhiều kỷ lục phi thường trên lộ trình có nhiều đèo cao dốc cả!

Mà quả thật, trong làng văn làng báo từ xưa đến lúc đó, chưa ai viết nhanh, viết khỏe như An Khê, và trong cuộc đời sở trường viết feuilleton của An Khê, có lắm giai đoạn thật ly kỳ đặc biệt mà anh em chúng tôi còn nhớ kỹ.

Hại anh Trần Tấn Quốc gần nổi khùng

Viết truyện trinh thám, gián điệp, sau Phú Đức Nguyễn Đức Nhuận (Châu về hiệp phố), Viên Hoành, Nam Đình…nhưng trước Phi Long (Bàn tay máu), Bùi Anh Tuấn (Z28) rất lâu; anh An Khê dành bút hiệu Nguyễn Bính Long (tên một người anh đã qua đời) viết một loạt truyện điệp báo, mật vụ, phản gián (X30 trong lưới nhện)

Sau 1975, Cộng Sản có cho phát hành một cuốn truyện trinh thám và chúng đã mượn tên X30 của Nguyễn Bính Long. Đó là quyển X30 phá lưới có nhắc lại thời kỳ ông Thiệu khi còn là trung úy, tùng sự ở Huế. Quyển truyện nầy nghe đâu do nhà văn Nguyễn Minh Lang ở Hà Nội viết, nhưng về sau lại có hai người khác giành quyền tác giả với Nguyễn Minh Lang.

Sau đây tôi nhắc lại chuyện anh An Khê đáp lời mời của ký giả Trần Tấn Quốc viết truyện Rừng Sát hấp hối cho báo Công Nhân. Lúc đó là trào chánh phủ Ngô Đình Diệm, cụ Ngô mới dẹp xong Bình Xuyên, đang xúc tiến tổ chức quốc hội lần 2. An Khê về Rạch Giá ứng cử dân biểu, nhưng bị ăn gian nên lọt sổ. Vì kẹt ở Phú Quốc nên phải viết bài gởi về qua « Air VN » cho nhà báo. Thay vì đề Trần Tấn Quốc, chủ nhiệm nhật báo Công Nhân, 216 Gia Long Saigon, An Khê lại viết chình ình ngoài phong bì: Rừng Sát hấp hối, rồi địa chỉ nhà báo. Có lẽ An Khê nghĩ rằng đề phong bì như vậy, anh chủ nhiệm khi được thơ khỏi phải mở ra coi mà đưa thẳng cho ấn công để tranh thủ thời gian không bị trể bài.

Bấy giờ Bộ Thông Tin uy quyền rất rộng lớn, chế độ kiểm duyệt báo chí khắt khe, ngoài giám đốc báo chí trực thuộc Bộ Thông Tin, anh em làng báo còn bị đè nặng do áp lực của cơ quan Mật vụ. Cơ quan nầy cũng có văn phòng đặc trách báo chí mà các ông chủ báo rất ngán hai ông Thái Đen, Thái Trắng còn hơn thợ săn đêm ngán gặp cọp.

Tại Tổng Nha Bưu Điện, nhân viên soạn thơ, kiểm duyệt thơ thấy có một phong bì dầy cộm có đề chữ Rừng Sát hấp hối, sợ hỏa tam tinh nên báo cáo lên trưởng phòng. Ông nầy ớn da gà không dám mở ra xem mới trình lên chánh sự vụ, ông nầy cũng phát hoảng hớt ha hớt hải đi trình ông phó giám đốc. Ông Phó đưa phong bì cho ông giám đốc xem.

Trong lúc đó, ở tòa soạn, anh Trần Tấn Quốc ngóng đợi bài của anh An Khê, vì anh em ấn công thúc hối, đang sốt ruột cả mấy bữa thì được thư mời khẩn lên gặp Giám đốc Bưu Điện Saigon. Đến chừng anh Quốc gặp ông giám đốc Nhà Dây Thép, thư được mở ra, mới biết đó là truyện dài của An Khê. Lòng vòng cả tuần lễ và dĩ nhiên anh chủ nhiệm báo Công Nhân phải thay chuyện Rừng Sát hấp hối bằng một chuyện khác.

Trong làng báo lúc bấy giờ, anh Trần Tấn Quốc nổi tiếng có tay nghề cứng, lại vô cùng tôn trọng độc giả mà phải để bài đăng dang dở, lại thêm phải mất công mặc đồ lớn đi gặp chánh quyền khi đang bù đầu «mise » tờ báo, khiến anh Quốc gần phát khùng, nổi sùng An Khê luôn!

Thoạt đầu, Nguyễn Bính Thinh rất bất mãn anh Bình Nguyên Lộc

Phi Vân nghỉ Tiếng Chuông đi làm cho báo Dân Chúng, Nguyễn Kiên Giang được ông bà Đinh Văn Khai mời về làm Tổng thơ ký. Kiên Giang liền mời An Khê về thay Phi Long (tức Ngọc Sơn) để viết truyện gián điệp. Nhưng chủ nhiệm báo Tiếng Chuông lại muốn An Khê viết chuyện dã sử ký là Cửu Lang vì bút hiệu nầy được nhiều độc giả các báo quen biết.

An Khê đánh máy 25 trang bài tóm lược câu chuyện đưa cho tòa soạn Tiếng Chuông. Y ngày hẹn, An Khê đến tòa báo, hỏi điều kiện thì chủ nhiệm và chủ bút Tiếng Chuông đưa An Khê đi gặp nhà văn Bình Nguyên Lộc. Khi đó, Bình Nguyên Lộc vừa về xem trang trong cho Tiếng Chuông, sắp xếp lại bài vở, phụ trang. Gặp An Khê, anh Lộc nói :
– Tôi có đọc các truyện của anh, từ gián điệp đến dã sử. Theo tôi, anh viết truyện tình cảm ướt át lâm ly và hấp dẫn lắm. Anh lại có «fond» hơn bà Tùng Long nhiều, anh yên chí và tự tin đi. Tuần sau, anh đem bài truyện tâm tình đến tôi.

Khi đó, An Khê trong bụng oán trách anh Bình Nguyên Lộc vì từ chủ nhiệm đến chủ bút đều OK cốt chuyện, tại sao anh Lộc lại còn làm khó dễ? Anh Bình Nguyên Lộc còn góp ý :
– Bút hiệu Vân Nga, Trương Thanh Vân đã cũ, Nhuyễn Bính Long thì có vẻ đấm đá quá! Anh nên lấy một bút hiệu mới, không ai biết…là ai mới được! Mình phải tạo cho độc giả yếu tố bất ngờ, tò mò, tìm hiểu…

Rồi chính anh Bình Nguyên Lộc đề nghị :
– Anh là một sĩ quan từng chết hụt trên đoạn đường Qui Nhơn-Pleiku cùng với tướng Nguyễn Khánh. Theo tôi, anh nên chọn bút hiệu An Khê để kỷ niệm cuộc vào sanh ra tử trong cuộc đời binh nghiệp.

Sau nầy, tại tòa soạn báo Tiếng Chuông, có lần anh An Khê nói cho tôi biết :
– Anh Bình Nguyên Lộc đã chơi đòn tâm lý, nói tôi không lẽ lại chẳng thể viết bằng Ngọc Linh, Sĩ trung, Thanh Thủy, Dương Hà, Trọng Nguyên hay sao? Và khi tiểu thuyết Người vợ hai lần cưới được đăng ở báo Tiếng Chuông dưới bút hiệu An Khê, báo Tiếng Chuông tăng số bán ở đô thành lên cả ngàn số. Anh Đinh Văn Khai tươi rói nét mặt, cả anh Bình Nguyên Lộc và tôi cũng không ngờ kết quả khả quan ngoài sức tưởng tượng.

Ba mươi năm trước, tôi còn là một ký giả trẻ trung, nhanh nhẹn hay chọc đùa anh em ở tòa soạn. Mỗi lần thấy anh An Khê cỡi mô tô lại tòa báo giao bài, tôi gọi Việt Quang, Trường Sơn, Phong Đạm, Phạm Thăng rồi nói:
– Ê, người vợ chưa từng tắm lại kìa !!

Về sau, soạn giả Thái Thụy Phong điều đình với An Khê để lấy cốt chuyện Người vợ hai lần cưới dựng thành vỡ tuồng Hai chuyến xe hoa cho Thanh Minh, Thanh Nga. Tại rạp Hưng Đạo, dù trời mưa, đoàn TMTN đã diễn vỡ tuồng nầy trọn 19 đêm, đợt sau ba tuần lễ mà vẫn đông khách nhờ tiểu thuyết đã đăng báo Tiếng Chuông và tài diễn xuất của nữ nghệ sĩ Thanh Nga.

Bạn Hoàng Anh Tuấn nhanh tay lấy cốt chuyện quay phim và nhà xuất bản Sống Mới cũng hốt bạc bộn bàng khi xuất bản quyển Người vợ hai lần cưới.

Một tiểu thuyết thứ hai của An Khê cũng được đưa lên sân khấu Thanh Minh, đó là truyện Bơ vơ, do Nhị Kiều dựng, mà tôi thường gọi đùa là Bỏ vợ. Một đêm nọ, khi gặp tôi trong hậu trường Thanh Minh Thanh Nga, An Khê khều tôi bảo nhỏ :
– Nè, từng mê «kỳ nữ» Kim Cương, đừng có làng chàng đến «tài nữ» Thanh Nga nghe, tía nó !
Tôi phá lại An Khê :
– Còn anh? Coi bộ anh cũng mê mệt bà Bầu Thơ lắm đó nhe. Và anh nên nhớ là tôi lớn hơn Thanh Nga nhiều.
An Khê lắc đầu:
– Mà anh lại nhỏ tuổi và bảnh tẽn hơn…Đổng Lân ! Anh có đọc truyện nầy không ? «Xin đừng gọi anh bằng… chú»!
Không chịu thua, tôi hù An Khê :
– Anh mà chạy theo Bà Bầu, coi chừng tướng Lam Sơn. Ỏng dữ lắm, hay bắn bậy lắm đấy!
Vợ tôi đứng bên cạnh nghe nói, cằn nhằn:
– Anh An Khê thật thà lắm, đừng phá ảnh.
An Khê phát cà lăm:
– Nè, bồ gi..ỡn điệu đó, bà xã tôi nghe được bã đô.. ốt xe mô..m.tô của t.. ôi đó

Những cuộc «đảo chánh» trong làng báo

Ngoài đời, có những cuộc đảo chánh, binh biến để giành quyền lực, còn trong làng báo cũng có những cuộc đảo chánh nữa sao?

Từ thập niên 1960-1970, trong làng báo miền Nam có xảy ra hai cuộc đảo chánh làm chấn động dư luận.

Cuộc đảo chánh thứ nhứt do anh Nguyễn Kiên Giang chủ động. Từ vai tuồng Tổng thơ ký tòa báo Tiếng Chuông, « anh Hai » chiêu dụ Trường Sơn và mấy cây viết chủ lực về giúp anh Dương Chí Sanh làm một tờ báo mới (dường như tờ Saigon Thời Báo?). Nghĩ rằng không phải ký giả chuyên nghiệp như các anh Nam Đình, Trần Tấn Quốc, Phạm Việt Tuyền, Vũ Ngọc Các, Tam Mộc, Hồ Anh, Hà Thành Thọ…, nên nếu tòa soạn mất thành phần chủ lực, anh Đinh Văn Khai sẽ phải sập tiệm tức khắc. Anh Nguyễn Kiên Giang còn điều đình các cây bút chuyên viết feuilleton cúp ngang xương truyện đang viết cho Tiếng Chuông để sang viết cho tờ báo mới ra lò.

Nhưng anh Giang quên rằng trong làng báo, có nhiều người tuy không phải là thợ viết, nhưng lại có lắm sáng kiến, có tài tổ chức, biết cách điều hành tờ báo. Trong số nầy có bạn Trương Hồng Sơn (tổ chức biên tập cho báo Tin sáng) và anh Đinh Văn Khai.

Có gần gũi anh Đinh Văn Khai mới biết được biệt tài của anh. Biết khai thác các tin «local», theo dõi từng feuilleton từ báo nhà đến báo người để xem bộ truyện nào ăn khách, và các bài xã luận đều do ý anh đề ra. Anh cũng đích thân xem «bản vỗ cuối cùng» trước khi đem trình bộ Thông tin kiểm duyệt, duyệt xét lại cái «tít» bài, để khỏi sơ suất có thể bị đóng cửa (vì ấn công, đa số còn trẻ, hay trửng giỡn như trường hợp một tờ báo kia có cái tít : «Cuộc kinh lý của Tổng Thống Ngô Đình… Chậu», báo hại tờ báo suýt bị sạt nghiệp)

Để phá anh Đinh Văn Khai, vợ chồng Nguyễn Kiên Giang đến nhà An Khê bảo đem tiểu thuyết «Người yêu không thể cưới» đang đăng dở dang ở Tiếng Chuông sang Thời Báo. Biết An Khê là người tình cảm, rất yêu quý bạn bè, Nguyễn Kiên Giang cầm tay bị thương của anh và nói:
– Tụi mình là bạn nối khố, không bao giờ bỏ nhau!

An Khê đang lưỡng lự chưa dứt khoát thái độ thì anh chị Đinh Văn Khai đi đòn tâm lý cao đến năn nỉ bác sĩ Nguyễn Bính, thân phụ của An Khê, nhờ can thiệp vì nếu Người yêu không thể cưới bỏ ngang Tiếng Chuông mà sang cưới nhau ở Thời Báo thì Tiếng Chuông chắc chết.
Cha mẹ An Khê từ lâu là độc giả Tiếng Chuông khuyên anh ăn ở sao cho phải đạo.

Tình cờ gặp tôi, An Khê hỏi :
– Ca ơi, mỏa phải làm sao? Anh chị Khai rất điệu với mỏa, còn Nguyễn Kiên Giang là bạn cũ, cùng dân Rạch Giá, cùng lận đận từ thời Đọc Thấy của anh hai Ân.
Tôi đáp :
– Anh và tôi là hai thằng…duy tâm. Chủ trương của anh em mình giống như đại ca Bình Nguyên Lộc, thà người phụ mình chớ mình đừng phụ người.

Anh Bình Nguyên Lộc cũng lên tiếng :
– Có một giải pháp tốt, không ai phiền hà anh hết. Cứ để nguyên Người yêu không thể cưới cho Tiếng Chuông, anh viết một truyện khác cho Nguyễn Kiên Giang.

Thế là An Khê viết một tiểu thuyết mới tựa là « Người đàn bà hai tim » cho Thời Báo.
Ngày nào báo ra, hai bà Dương Chí Sanh, Nguyễn Kiên Giang đều đọc trước phê bình :
– Tiểu thuyết mới cũng hay mà sao không mùi mẫn hấp dẫn như Người yêu không thể cưới.

Còn cuộc đảo chánh thứ hai xảy ra ở báo Dân Ta của anh Nguyễn Vỹ.

Người chỉ huy cuộc đảo chánh là Nguyễn Thế Trung, cựu phát hành viên và quản lý báo Lẽ Sống. Anh Trung không phải là ký giả, nhưng có tài phát hành báo, giao dịch mật thiết với các nhà phát hành như Nam Cường, Đồng Nai, Thống Nhứt và cặp rằng phân phối báo.
Là quản lý của Dân Ta, thấy tờ báo đang bán mạnh, Nguyễn Thế Trung điều đình với Nguyễn Minh Châu (anh Châu đã có giấy phép xuất bản Dân Tiến mà chưa có phương tiện ra báo nên nhường quyền khai thác cho Nguyễn Thế Trung) để ra báo Dân Tiến và kéo cả ban biên tập Dân Ta về Dân Tiến.

Buổi sáng, Nguyễn Vỹ ôm cartable đến tòa báo làm việc, chưng hửng khi thấy tòa soạn vắng tanh, trước sự việc như vậy chỉ còn biết kêu trời. Báo Dân Ta phải tự đình bản cả tuần, nhưng khi tái bản bị mất trớn, mất độc giả, lỗ lả nặng nề.

Nguyễn Ang Ca

304Đen – llttm- sgtc 

No comments: