Tuesday, July 25, 2023

Chế Lan Viên, Người Cha Của Bạn Tôi - Trúc Xanh

 

CHẾ LAN VIÊN, NGƯỜI CHA CỦA BẠN TÔI

 

Tôi chưa bao giờ coi Chế Lan Viên là cái “đinh” gì. Vậy mà tôi học chung với con gái lớn của Chế Lan Viên, Phan Thị Thắm. Đó là những năm trung học, theo chữ mới là “cấp hai”.

Trúc Xanh

 


Gia đình Chế Lan Viên (Phan Ngọc Hoan, Vũ Thị Thường, Phan Thị Thắm, Phan Thị Vàng Anh) Nguồn ảnh: tinhnhanh.com

Thắm người thâm thấp, nước da bánh mật. Khi cười khoe hàm răng nhỏ, trắng muốt. Đôi mắt Thắm đen, khi cười bỗng dài ra, lúng liếng. Thắm hay cười lắm, ít ra là với tôi. Không hiểu từ lúc nào chúng tôi hút vào nhau vì hai đứa đều cùng thích nghe và kể truyện cười.

Tôi thích truyện cười nhưng phải là truyện đứng đắn cơ, loại truyện đăng trong báo Thời Nay của Sài-Gòn-trước-75. mãi sau này mới biết những truyện ấy được dịch từ tạp chí Reader’s Digest. Còn truyện của Thắm, tôi không biết Thắm kiếm đâu ra, tức nhiên cái cười XHCN thì sức mấy mà (dám) tục, lơ tơ mơ lại bị kiểm thảo là “văn hóa đồi trụy” ngay. Hai đứa tôi giờ ra chơi khều nhau ra một góc thủ thỉ rồi rũ ra cười. Tôi cười khoe hai răng nanh mèo nhọn hoắt, Thắm cười khoe mấy cái răng chuột bé choắt.

Chúng tôi không bao giờ nói chuyện về thơ.

Dĩ nhiên tôi biết cha của Thắm là Chế Lan Viên (CLV). Thắm không bao giờ giới thiệu bố mình thế này, bố mình thế kia, nhưng mấy đứa trong lớp xầm xì, rồi thày cô lâu lâu bỏ nhỏ. Lần nào bị hỏi tới Thắm chỉ cười bẽn lẽn, trả lời qua quít. Giá như Thắm nói nhiều về cha hơn một chút thì tôi đã biết Chế Lan Viên là một nhà thơ nổi tiếng. Đàng này, tôi chỉ biết ông họ Chế ấy qua những bài thơ được giảng trong lớp mà thôi.

Rồi với đôi tay trắng từ Đinh, Lý, Trần, Lê…

Đảng làm nên công nghiệp.

Điện trời ta là sóng nước sông Hồng

An Dương Vương hãy dậy cùng ta xây sắt thép,

Loa thành này có đẹp mắt Người chăng?

(Tổ Quốc Bao Giờ Đẹp Thế Này Chăng – CLV)

Không, tôi không biết và cũng chả cần biết Chế Lan Viên là “con cái nhà ai” hết. Mà biết làm gì vì thật ra đứa nào cũng học môn Văn với nửa lỗ tai thôi, học đủ để lên lớp thôi. Cả thày lẫn trò đều biết vào đại học là phải lo rèn Toán Lý Hóa Sinh, hơi đâu để ý tới mấy lão “bôn” làm gì. Thắm làm luận cũng tầm tầm, chưa bao giờ nổi bật trong lớp, còn thơ thì tôi chưa thấy bài nào. Có lẽ bao nhiêu tinh túy thơ văn cha mẹ đều dồn cả vào cô gái út, Phan Thị Vàng Anh. Mãi tới giờ này tôi vẫn còn nhớ bài thơ “Mèo Con Đi Học” với cây bút chì và mẩu bánh mì con con của cô bé Vàng Anh. Thấy chưa, đâu phải tôi không biết thích thơ, tôi chỉ không biết thích thơ… dở.

Thắm đậu đại học, tôi cũng đậu vì cả hai đứa đều học gạo như điên. Thắm là con gia đình cách mạng nên khỏi nói. Tôi mất hộ khẩu vì gia đình đi vượt biên “bị ta bắt được tha về”, coi như khỏi thi luôn. Nhưng cha tôi giả con dấu phường, đóng vào đơn xin thi, thế là qua phà. Từ đó, chúng tôi không gặp lại nhau nữa.

Mãi sau này, đôi khi tôi chợt nhớ tới Thắm. Đó là những lúc đọc báo, nghe tin về các COCC, CCOC, CCCC – con ông cháu cha, con các ông cả, con cháu các cụ. Những tên oắt con, láo lếu, học thì dốt, nhưng rất giỏi xài tiền, chơi gái, chơi xe. Thắm ngày trước ăn vận giản dị lắm. Tôi còn có khi diện áo ca-rô, quần bò – từ những thùng quà Mỹ gởi về, nhưng Thắm thì lúc nào cũng áo cánh trắng, quần đen. Mỗi lúc nghĩ tới Thắm, tôi lại vẩn vơ tự hỏi “Giá như đứa con nào của các cán bộ cộng sản đều được như Thắm thì nước mình đã khá rồi”. Nhưng đời không có chỗ cho các ước mơ tầm phào kiểu đó, đời là theo định luật Galileo Galilei, một vật rơi tự do trong thì chỉ có thể rơi càng lúc càng nhanh mà thôi (1).

Nhưng cũng có người khi rơi ý thức được mình đang rơi. Cuối đời, Chế Lan Viên làm những bài thơ có giọng khác, rất khác…

Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng

Chỉ một đêm, còn sống có 30

Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?

Tôi!

 Tôi – người viết những câu thơ cổ võ

Ca tụng người không tiếc mạng mình

trong mọi cuộc xung phong.

Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm

Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ

Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ,

Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!

Ai chịu trách nhiệm vậy?

Lại chính là tôi!

(Ai? Tôi! – CLV)

Trong bài “Chế Lan Viên và ba niềm sửng sốt”, Trần Mạnh Hảo viết: “Nếu không có Cách Mạng Tháng Tám chắc Chế Lan Viên vẫn còn phải núp vào Chiêm Thành mà khóc than nỗi vong quốc xa xưa.” Vậy thì có “Cách Mạng Giải Phóng miền Nam” rồi, đất nước “sạch bóng giặc” rồi, cớ sau Chế vẫn còn than còn khóc; không những thế, nước mắt bây giờ phải dấu tuốt vào trong, nước mắt khoét sâu vào lòng thành giếng.

Hằng ngày anh khoét sâu vào hang, vào giếng thẳm lòng mình.

Xem cái vết thương nội tâm kia là tài sản.

Đi đâu, làm cũng lắng nghe tiếng vang từ giếng, từ hang động ấy.

(Giếng – CLV)

Đâu rồi một Chế Lan Viên ngùn ngụt sục sôi, “Hãy đem máu ta ra mà gìn giữ – Nửa thân thể miền Bắc này cho ruột thịt phương Nam!” (Sao Chiến Thắng – CLV). Phải chăng đến khi thấy phương Nam chả có gì là đói nghèo cả, chả có gì là “phồn vinh giả tạo” cả, thì Chế mới vỡ mộng, tỉnh ngộ. Ôi, bao nhiêu năm bị Đảng dối lừa, cho ăn bánh vẽ.

Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ.

Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn,

Cầm lên nhấm nháp.

Chả là nếu anh từ chối,

Chúng sẽ bảo anh phá rối

Ðêm vui

(Bánh Vẽ – CLV)

Ủa, hình như tôi đang viết bài luận bình giảng… đề bài “Em hãy phân tích tâm trạng của Chế Lan Viên qua thơ của ông”. Không viết kiểu đó nữa đâu, rầu rĩ lắm, kể chuyện cười nghe chơi thôi.

–          Bồ muốn nghe một chuyện dzui không ?

–          Nghe chứ. Kể đi!

–          Có một nhà danh thơ kia, người ta bảo ông í nổi tiếng nhờ có “3 niềm sửng sốt”. Sai bét!Thật ra, ông í có tới “5 niềm sửng sốt” lận đó.

–          Tại sao là năm?

–          Bởi có lần ông í bảo “An Dương Vương hãy dậy cùng ta xây sắt thép”. Đùng một cái, nảy nòi ra Vinashin Quả đấm thép. Không sửng sốt là gì?

–          Đó là “bốn sửng sốt”, còn năm?

–          Rồi đến khi Vinashin lăn đùng ngã ngửa, chỉ còn là Vinasỉn – Cục cứt thép. Vậy thì không là “năm sửng sốt” hay sao?

Không biết Thắm có cười nổi? Có thể Vàng Anh sẽ cười, như tôi có dạo đã cười và thích mê các truyện tình-mới-lớn của cô. Nhưng bây giờ, tôi lại nghĩ nhiều hơn về Thắm. Thì ra ngày đó, tôi thích Thắm không phải chỉ vì chúng tôi có cùng “gu” thích truyện tiếu lâm. Thì ra, tôi thích Thắm vì chất giọng Hà Nội chuẩn, ấm áp, giọng bắc-kỳ-54 chứ không eo éo của loại bắc-kỳ-75. Tôi thích cô bạn ấy, cô gái hồn hậu, nhỏ nhẹ, lễ phép, chăm ngoan.

Chỉ tới khi đọc được bút ký “Cha Tôi” của Phan Thị Vàng Anh tôi mới biết Thắm được thừa hưởng tính chăm học từ cha. Vàng Anh kể rằng cha cô rất ham học, ham đọc sách báo, “thấy tờ báo nào ở cạnh cha cũng cầm lên đọc, khi thấy mẹ tôi cầm quyển sách nào đi ngang cha cũng nhìn cho được cái gáy sách, dù đã không hiểu được gì nữa.” Thế nhưng, có cái gì đó không bình thường trong kiểu mê sách này, dường như Chế chỉ muốn bấu víu vào các con chữ để không phải nghĩ đến điều gì đó, ở Chế Lan Viên, không có vẻ ung dung thư thái của các văn nhân thi sĩ tiêu dao cùng chữ nghĩa. Vàng Anh kể:

“Cứ vậy, đầu óc của cha tôi không lúc nào thảnh thơi, đôi lúc tôi nghĩ, cha đã già rồi, đã có một vị trí ít ai dám mơ tới trong văn học rồi, sao cha không nghỉ ngơi một chút. Cha dạy chúng tôi: “Phải học, học không phải để vui, mà để không ai giết được mình!”

Tôi đọc, rợn cả người!

Tại sao phải dùng một hình tượng ghê gớm đến thế? Ai toan giết mình? Mà tại sao họ lại tính giết mình? Hay chính Chế Lan Viên khi nhìn xuống đôi bàn tay của chính mình, đôi bàn tay cả đời cầm bút, để thấy chính đôi bàn tay ấy đã đẩy những Phùng Cung, Trần Dần, Lê Đạt, Quang Dũng, Văn Cao, và biết bao nhiêu con người nữa của hai tờ báo Nhân Văn và Giai Phẩm vào cái chỗ người không ra người, ma không ra ma. Thế thì, ai đã giết ai?

Và thơ này rơi đến tay anh.

Anh bảo đấy là tôi.

Không phải!

Nhưng cũng chính là tôi – Người có lỗi,

Đã phải giết đi bao nhiêu cái

Có khi không có tội như mình.

(Trừ Đi – CLV)

Lòng tôi sao phân vân quá. Một đàng, tôi thật giận cho ông Chế Lan Viên với những bài thơ đáng xấu hổ, để rồi giờ đây “ngàn năm bia miệng”. Nhưng đàng khác, tôi lại muốn cám ơn ông Phan Ngọc Hoan đã làm một người cha tốt, ông không giống mấy cán cộng khác, ông đã nuôi dạy hai người con của mình thật đàng hoàng, nhờ đó tôi mới có được một cô bạn tuổi thơ thật dễ thương như Thắm để nhớ tới.

Bây giờ những Tố Hữu, Chế Lan Viên đã nằm xuống; cả những Văn Cao, Nguyễn Mạnh Tường. Bây giờ là lúc của Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư, Tạ Duy Anh. Ước gì những con người ấy sẽ tới lúc không còn phải ngậm ngùi “Với tôi, tất cả như vô nghĩa / Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau” nữa. Tôi biết, đời không có chỗ cho những “ước gì”, “giá như” đâu, đời là theo định luật Newton, nhưng không phải Newton đã từng nói “Lực và Phản Lực” (Định luật Newton thứ ba) đó sao? Lực càng to Phản Lực càng lớn – Nơi nào có áp bức, nơi đó có đấu tranh. Cứ chờ mà xem!

Trúc Xanh (Nguồn : dcvonline.net)

(1) Giả thiết: vật tương đối nhỏ, đoạn rơi ngắn, không kể sức cản của không khí.

– “bôn” : là tiếng gọi tắt của “bôn-sê-vích” (большевик, tiếng Anh là bolshevik). Theo tiếng Nga, chữ “đa số” là Большинство (bolshinxtvơ – bolshinstvo) và “thiểu số” là меньшинство (menshinxtvơ – menshinstvo). Đảng Bolshevik là tiền thân của Đảng Cộng Sản Nga. Trong thời Chiến Tranh Lạnh, chữ “bolhsie” được dùng ở phương Tây chỉ loại người thiên tả, hung hăng, quá khích, thích nổi loạn. Sau năm 1975 ở miền Nam VN, “bôn” được dùng để chỉ kẻ hùa theo cộng sản để làm trò tồi bại, lố bịch.

– “cứt thép”: chữ đúng là “cứt sắt”. Trong quá trình luyện sắt thép, đá vôi được nung chung với quặng sắt để hút các tạp chất ra khỏi sắt nguyên chất. Hợp chất “bẩn” nay được gọi là “cứt sắt” hay “xỉ”.

– Đọc “Cha Tôi” – Phan Thị Vàng Anh

– Nghe Trần Mạnh Hảo nói về Chế Lan Viên Mặc Lâm, RFA, 14/01/2012

– Đọc Thơ Chế Lan Viên

– Trong Nhân Văn Giai Phẩm – Chương 14 – Phùng Cung (của Thụy Khuê) có đoạn:

Ba người nắm hồ sơ và hoạt động đắc lực nhất trong vụ thanh trừng Nhân Văn Giai Phẩm là Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông và Đào Vũ. Nhưng Chế Lan Viên khôn khéo hơn hai người kia, ông không viết bài đánh nên không có văn bản “để đời”. Nhưng ông thù Phùng Cung vì bài Dạ Ký, trong đó Phùng Cung vẽ biếm họa một số chân dung văn học, đặc biệt bốn vị “tứ bất tử”: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Hoài Thanh và Nguyễn Đình Thi, có thêm “đương kim vô địch khôn” Tô Hoài, và vẽ cả các bạn đồng hành Quang Dũng, Văn Cao, Hoàng Cầm, Lê Đạt.

Tất nhiên Chế Lan Viên không thể thích bức chân dung “nhà thơ giả thiểu số” chuyên dùng khoa “Phật vận” tức là “lấy tiếng chó làm chuẩn để cân đong đánh giá sự gian ngay” mà Phùng Cung hoạ về mình. Bài Dạ Ký đối với bốn vị lãnh đạo văn nghệ “tứ bất tử” là không thể chấp nhận được. Đặc biệt với Chế Lan Viên, sự “phạm thượng” có thể sánh ngang vụ Việt Bắc đối với Tố Hữu. Chế Lan Viên, cuối cùng, đứng lên đề nghị phải lập tức điều công an đến khám nhà và bắt Phùng Cung.

 

304Đen – llttm - sgtc

No comments: