Đặc quyền quan "cách mạng"
Thiên hạ đang ồn ào về cái dự án nghĩa
trang Yên Trung dành cho quan chức cấp cao định mở ở ngoại thành Hà Nội. Rộng
hơn trăm mẫu tây, dự chi ngân sách tròm trèm 1.400 tỉ đồng.
Lâu nay, nhà cầm quyền đã tự mặc định chỗ chôn ông to bà lớn ở nghĩa trang Mai Dịch. Nhắc tới cái tên này, một thời đồng nghĩa với sự kính cẩn, khiếp sợ, “nội bất xuất, ngoại bất nhập” bởi đất vàng chỉ dành cho một hạng người nhất định. Nhưng rồi Mai Dịch, phần thì chật chội hết chỗ, phần kém thiêng, nên nhà nước đang tính phải có nơi thay thế, “cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”.
Lâu nay, nhà cầm quyền đã tự mặc định chỗ chôn ông to bà lớn ở nghĩa trang Mai Dịch. Nhắc tới cái tên này, một thời đồng nghĩa với sự kính cẩn, khiếp sợ, “nội bất xuất, ngoại bất nhập” bởi đất vàng chỉ dành cho một hạng người nhất định. Nhưng rồi Mai Dịch, phần thì chật chội hết chỗ, phần kém thiêng, nên nhà nước đang tính phải có nơi thay thế, “cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”.
Nếu ai còn chút lăn tăn, giở từ điển tiếng
Việt thì từ “đặc quyền” được giải thích là “quyền, quyền lợi đặc biệt dành cho
cá nhân, tập đoàn, hay một giai cấp nhất định”. Muốn tin cậy hơn nữa, bởi đây
là từ gốc Hán Việt, thì mở thêm cuốn “Từ điển Hán Việt” của cụ học giả Đào Duy
Anh thì đặc quyền tức “quyền lợi đặc biệt”. Thế là rõ.
Trong xã hội loài người, xét về lý thuyết,
chỉ khi nào tiến lên tới hình thái cộng sản, khi ấy mọi người đều bình đẳng,
thì mới hết đặc quyền. Ấy, cứ nghe bộ
máy cai trị dóng dả tuyên truyền vậy chứ đã ai biết cái xã hội cộng sản nó mặt
ngang mũi dọc thế nào. Giá có sống lâu như cụ Bành Tổ cũng chả mong nhìn
thấy thiên đường “cùng làm cùng hưởng, bình quân chia đều”. Câu này thế hệ
chúng tôi sinh vào thập niên 50 thế kỷ trước đứa nào cũng thuộc, khoái lắm,
nhiều đứa còn mơ mộng sau một đêm ngủ dậy, ngỡ ngàng thấy sự nghèo đói đã lùi
xa tít tắp, ngay cả ăn ngon mặc đẹp cũng không thèm, chả cần làm gì vẫn có ăn.
Xã hội cộng sản là thế, chỉ nghĩ tới người đã tràn cảm giác lâng lâng.
Lại nhớ câu thơ trong bài thơ “Hoa và rượu”
nổi tiếng một thời, trước cách mạng tháng 8.1945, của thi sĩ tài danh Nguyễn
Bính: “Chao ôi là mộng hay là thực/Là thực hay là mộng bấy lâu?”. Xã hội xứ ta
suốt gần nửa thế kỷ nay, nếu kể luôn ở cả miền Bắc trước đó hơn 20 năm nữa thì
những ¾ thế kỷ, cứ lẫn lộn mộng và thực, thực và mộng. Với người này thì là
mộng, nhưng với kẻ kia lại là thực. Xã hội cộng sản không đến cùng lúc cho tất
cả mọi người, dân chúng lại càng không được léo hánh tới nó, nhưng trên thực tế
nó đã vào nhà không ít quan cách mạng. Oái
oăm trớ trêu ở chỗ, những anh ra rả tuyên ngôn về xã hội không còn đặc quyền
đặc lợi, bình đẳng thì lại chính là những anh đặc quyền đặc lợi nhất, đòi hỏi
riêng tư có từ trong máu, và đã được hưởng cuộc sống thiên đường trước hết.
Thời chiến tranh, người dân dễ mủi lòng
trước hình ảnh cán bộ 3 cùng, quần xà lỏn, gối đất nằm sương, chia bùi sẻ ngọt
với dân. Dân chở che, đùm bọc họ bởi dân thấy những con người ấy gần gũi, bình
đẳng, không có sự ngăn cách, đáng tin cậy. Bao nhiêu sinh mệnh, máu xương, của
cái tiền bạc, cả vật chất lẫn tinh thần gom cả lại đi cùng họ, cùng nhau hướng
về một xã hội bình đẳng, không còn bất công, một thế giới đại đồng. Cứ hy sinh
đi, rồi sau này “bao nhiêu quyền lợi ắt qua tay mình”. Những người cộng sản
từng nói rằng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Họ thường nói sai, nhưng
câu này thì hoàn toàn đúng. Không có dân, không có thể chế này.
Nhưng khi cùng hưởng thụ thành quả thì bắt
đầu sinh chuyện.
Tối 6.2, tôi coi tivi nhà nước thấy cảnh
ông Võ Văn Thưởng, yếu nhân phụ trách mảng văn hóa tư tưởng của đảng cầm quyền
(họ gọi là tuyên giáo) đi thăm 2 lực lượng quan trọng lúc này: Bộ Tư lệnh tác chiến
không gian mạng (của quân đội) và Cục An ninh mạng (của công an). Ông này thì
tôi biết tương đối rõ bởi hồi là người đứng đầu Trung ương Đoàn ông không để
lại được dấu ấn, ấn tượng gì cho đám lính lác chúng tôi. Giờ may mắn làm tuyên
giáo, ông phải ăn nói như bất cứ anh tuyên giáo nào. Ông ca ngợi này nọ. Ông
làm nhiệm vụ bảo vệ đảng của ông.
Tôi biên điều ấy ra để nói rằng người ta
thấm nhuần ý thức “đẹp tốt phô ra, xấu xa đậy lại”, chả bao giờ tự phơi bày cái
xấu của chính họ. Bệnh đặc quyền quan cách mạng là một thói xấu, thậm xấu, có
bề dày lịch sử, ông Thưởng biết mà không thể nói, nhưng chúng ta cần chỉ ra cho
mọi người thấy, cũng để những người như ông Thưởng biết rằng chẳng có gì giấu
được mãi.
Đa
số những người cộng sản mắc chứng nói một đằng, làm một nẻo. Thế gian này, nếu
tất cả mọi điều như chính người cộng sản nói thì đẹp vô cùng. Các quan hệ xã
hội, cách đối nhân xử thế, nếu cứ theo họ tuyên bố, thì mọi thể chế, hình thái
xã hội khác đều phải bái phục, vác bút nghiên đến mà học mệt nghỉ.
Như cuối bài phần 1 tôi đã ghi, họ lôi kéo
quần chúng nhân dân đứng lên làm cách mạng, làm cuộc lật đổ chế độ cũ, xây dựng
chế độ mới, với nhiều hứa hẹn hấp dẫn, kiểu như dựng lên xã hội công bằng, dân
chủ, bình đẳng, không phân biệt đối xử, không ngăn cách phân chia tầng lớp, ai
cũng hưởng quyền lợi như ai. Tuy nhiên đến khi có thành quả, đáng lẽ cùng hưởng
thụ thì bắt đầu sinh chuyện.
Tôi lớn lên ở miền Bắc sau khi cuộc kháng
chiến chống Pháp kết thúc, dần dà tận mắt chứng kiến, cảm nhận cụ thể những mâu
thuẫn giữa lý luận, lý thuyết với thực tế. Đội
ngũ quan chức cách mạng đặc quyền hình thành, ngày càng đông, lúc đầu chỉ ở cấp
trung ương, sau như nạn dịch lan tới tỉnh thành, huyện, xã. Một ông bạn tôi
bỏ thành phố về sống ở nông thôn cũng đã lâu, bảo rằng hình như bây giờ chỉ có
trưởng thôn còn trong sạch, bởi đơn giản là anh ta chưa có điều kiện cần và đủ
để được coi là quan, chứ đám quan xã,
chưa cần kể tới quan huyện còn gớm hơn bọn lý trưởng, chánh hội thời anh Pha
chị Dậu.
Quan hư, nguyên nhân sâu xa là thể chế hư
hỏng. Thể chế chính sách hư ngay cả trong thời chiến tranh, nghèo khó, khi đất
nước khó khăn nhất, cái kim sợi chỉ, hột muối giọt dầu cũng thiếu thốn, đáng
nhẽ cần thể hiện sự công bằng nhất thì nhà nước lại công khai chia bôi quyền
lợi theo kiểu đặc quyền đặc lợi. Một mặt thì tuyên truyền đề cao giai cấp công
nông, bốc người cần lao lên tận mây xanh, nhưng mặt khác so đo tính toán với
dân từng xu từng hào, giành giật về cho cán bộ không bao giờ chịu thua kém.
Thời ấy lan truyền câu thành ngữ đúc kết nguyên tắc phân phối của chủ nghĩa xã
hội: “Xẻng cuốc từ dưới lên, đường sữa
từ trên xuống”, nghĩa là dân chỉ có quyền làm việc, “lao động là vinh quang”;
còn quyền hưởng thụ đương nhiên của cán bộ. Điều ai cũng thấy, họ phân chia
các loại tem phiếu, cán bộ càng cao hưởng thụ càng nhiều, dân đen luôn ở mức
thấp nhất. Phiếu thực phẩm, dân thành phố mỗi tháng được 5 lạng thịt, có ô
phiếu định lượng chỉ 20 gam (miếng thịt to bằng 10 viên thuốc cảm), vài ký đậu
phụ, còn nông dân hoàn toàn không có chút nào cả thịt lẫn đậu, trong khi đó cán
bộ trung ương được cao gấp 10 lần dân phố về tiêu chuẩn thịt, đường sữa thì
thoải mái, nhu yếu phẩm khác dồi dào, xài chẳng hết đem tuồn ra chợ đen, kiếm
khoản chênh lệch không nhỏ. Người Hà Nội thời bao cấp chả mấy ai không biết
những cửa hàng thực phẩm, bách hóa dành cho cán bộ có đặc quyền đặc lợi như
Tông Đản, Nhà Thờ dù mình không bao giờ được bén mảng tới. Câu ca “Tông Đản là
của vua quan/Nhà Thờ là của trung gian nịnh thần/Đồng Xuân là của thương
nhân/Vỉa hè là của nhân dân anh hùng” ghi lại một quãng lịch sử xã hội đầy bất
công ngang trái do chính những người cộng sản chế tạo.
Tiện nói về tem phiếu, ngay cả phiếu vải
cũng đầy tính đặc lợi. Cùng chịu chung thời tiết nóng lạnh, cơ thể na ná nhau,
nhưng vải lụa cho cán bộ cứ phải phiếu hạng 5 mét, 7 mét tiêu chuẩn/người, đủ
loại vải tốt vải bền, nào ốc pho, sơ vi ốt, pô pơ lin, si mi li, sa tanh, còn
dân chỉ 3 mét 6 một năm, đủ may một bộ, cũng chỉ quanh đi quẩn lại diềm bâu,
chéo go, phin thô, kaki Nam Định… Trời rét, cán bộ được phân phối chăn len chăn
dạ, áo đại cán ka ki, chứ dân may lắm chỉ kiếm được tấm mền sợi mỏng, áo sợi
dệt kim Đông Xuân cổ lọ ngoài chợ vỉa hè. Ngay
cái áo may ô 3 lỗ cũng từng là tiêu chuẩn đánh giá sự “giàu có” của con người,
“một yêu anh có may ô”, thật hài hước và bi kịch.
Trung ương tự đặt ra quy định tiêu chuẩn
dùng xe, cỡ nào được ngự trên Volga (mà ngay cả Volga cũng phân biệt, ai xe
đen, ai xe trắng hoặc màu khác), cỡ nào cho đi Moskvic, Lada. Làng tôi có ông
Phòng làm lái xe cho cán bộ trung ương, nghe đâu là ông Lê Thanh Nghị, có lần
đưa sếp về Phòng công tác, tranh thủ chạy chiếc Volga đen về qua nhà, cả làng
nhìn ngưỡng mộ lòi con mắt, chỉ dính tới Volga cũng đã oách thế rồi.
Cán bộ to đi xe ô tô, cán bộ thấp dùng xe
đạp (được nhà nước phân phối), dân quanh năm chỉ diện xe cá nhân, mà họ gọi là
xe “căng hải” (nói lái từ chữ hai cẳng, cẳng tức là chân). Đẳng cấp đặc quyền
đặc lợi được mặc nhiên xem như chính sách, bất công từ miếng ăn miếng uống, tấm
áo manh quần, tới chiếc xe đi lại. Dân được hứa hẹn “có độc lập tự do thì có
tất cả” nhưng thực ra chả có gì.
Thời thập niên 80 trở về trước, vừa trải
qua cuộc chiến tranh kéo dài mấy chục năm, thiệt hại vật chất không biết bao
nhiêu mà kể, miền Bắc dù thắng cuộc
nhưng gần như chỉ còn cái xác. Những anh cả anh hai Liên Xô, Trung Quốc
thấy Việt Nam thắng được Mỹ có vẻ vênh váo nên cũng ghét, cắt dần viện trợ. Tôi
còn nhớ những năm 76-77 chi đó, báo Nhân Dân hãnh diện ca ngợi sức mạnh quân sự
của Việt Nam giờ đây mạnh nhất khu vực, riêng
hải quân có thể đứng đầu châu Á bởi thu được của hải quân Việt Nam cộng hòa (mà
họ gọi là ngụy) cơ man tàu chiến hiện đại, đó là chưa kể đám quân dưới quyền đề
đốc Chung Tấn Cang đã lấy không ít chiếc để chạy trốn, chứ nếu không hải quân
ta sẽ vào nhóm mạnh nhất địa cầu. Cứ như cách mô tả của tờ báo lớn này thì
so với tàu chiến lợi phẩm của ta, tàu dạng Hải Ưng (trong một bộ phim Trung
Quốc tôi xem thời niên thiếu) chỉ là con muỗi so với đại bàng. Liên Xô cũng
giảm viện trợ và bắt đầu đòi nợ, khi “bạn chí cốt trên tuyến đầu chống Mỹ” chưa
có tiền trả thì lấy bằng phương tiện chiến tranh do Mỹ bỏ lại, vơ bèo vạt tép,
gom cả hạt điều, tiêu, cà phê, cao su, quần áo may sẵn…, lấy tất. Dùng máu
người Việt ngăn được Mỹ rồi, thế là xong nhiệm vụ quốc tế, không cần giúp theo
tình hữu nghị anh em nữa. Mỹ thì ngày càng cấm vận gắt gao. Người tài bỏ nước
đi từng đàn dù biết có thể bỏ mạng trên hành trình gian khổ. Đất nước vì vậy
càng xơ xác, kiệt quệ. Chính ông Nguyễn Văn Linh tại đại hội 6 của đảng cầm
quyền cũng phải thừa nhận tình hình đang trên bờ vực.
Thực tế là vậy, nhưng tư duy đặc quyền đặc
lợi đã ngấm vào máu cán bộ mất rồi. Sau bao năm chiến tranh gian khổ, giờ phải
là lúc được tận hưởng, chia phần. Không thế, ai thèm dấn thân làm cách mạng.
Ngay cả những vị từng nếm mật nằm gai, vào sinh ra tử, cùng sống chết với dân,
ngọt bùi chia sớt “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” thời chống Pháp, chống Mỹ
cũng ngày càng chễm trệ như ông lớn. Ra đường phải ngựa ngựa xe xe, đến công sở
đòi bàn này ghế nọ. Một mặt họ tuyên truyền ca ngợi tấm gương lão thực, giản
dị, tiết kiệm của cụ Hồ, kêu gọi dân hãy noi gương cụ, mặt khác họ lên chương
trình, kế hoạch chia bôi, giành phần cho cá nhân. Họ mặc nhiên coi đó là chủ
trương của đảng, của nhà nước, chứ mình trong sạch, vô can. Dân có thắc mắc lăn
tăn điều gì, cứ tìm hiểu chính sách của đảng và nhà nước. Mà dân chúng an phận, ngại đụng đến chính sách (bởi bao tấm gương tày
liếp đang đếm kiến trong tù còn sờ sờ ra kia) nên cán bộ cứ ung dung hưởng lợi.
Dần dà, đặc quyền đặc lợi trở thành nếp, anh nào nhảy vào bộ máy cai trị cũng
nghiễm nhiên ngồi “chiếu hoa cạp điều” vênh váo với làng nước.
Chính sách đặc quyền đặc lợi đã làm hư hỏng
cán bộ. Tấm gương “đày tớ trung thành phục vụ nhân dân” xưa rồi. Cha làm quan, phải cố dọn đường lôi con
cháu vào kế nghiệp chốn quan trường. Nếu chúng tài hèn sức mọn thì đã có cửa
chạy chọt mua danh bán tước. Câu kết với nhau, anh lo con tôi, tôi lo cho con
anh vào mỗi kỳ cơ cấu, bầu bán, sắp xếp nhân sự. Làm ông nọ bà kia, nếu không
được hưởng hơn thiên hạ thì tranh đoạt làm gì. Hơn nhau là hơn ở căn nhà,
chiếc xe, lương lậu bổng lộc do chế độ ban phát, không hơn thì thà ở nhà đuổi
gà cho vợ. Cứ như thế, đích phấn đấu là những ân thưởng đặc quyền đặc lợi chứ
chả phải tổ quốc nhân dân gì sất.
Điều lố bịch nhất là bộ máy cai trị không
cần giấu diếm những hành vi vơ vét của họ. Họ nhân danh quốc hội, chính phủ ra
những nghị quyết, nghị định quy định đẳng cấp cán bộ được hưởng đặc quyền đặc
lợi, coi như luật. Chẳng hạn với cái quyết định số 32/2015 của thủ tướng chính
phủ về xe công, họ tự cho phép cán bộ nào được xài xe mấy trăm triệu, cán bộ
nào xe tiền tỉ, cán bộ nào xe vô giá. Thậm chí họ còn tùy tiện tới mức ngay cả
người đã nghỉ làm việc rồi cũng được hưởng đặc quyền đặc lợi vĩnh viễn, suốt đời.
Ví dụ điều 3 nêu rõ: “Các chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô, kể
cả sau khi đã nghỉ công tác, không quy định mức giá cụ thể: 1. Tổng Bí thư Ban
Chấp hành Trung ương Đảng. 2. Chủ tịch nước. 3. Thủ tướng Chính phủ. 4. Chủ
tịch Quốc hội”. Cứ theo như họ cắt nghĩa thì đó là sự biết ơn, đền đáp, có
trước có sau, uống nước nhớ nguồn… Thế chả nhẽ những vị ấy khi đương chức đương
quyền làm việc không công chắc. Ngồi ghế cao, giữ chức to thì ắt lương cao,
bổng lộc nhiều, chức càng thấp thì lương bổng phụ cấp ít theo, không giữ chức
gì thì chỉ làm công ăn lương theo giờ, theo sản phẩm, theo hợp đồng. Nông dân
có việc của nông dân, thủ tướng có việc của thủ tướng. Không ai đáng trọng hơn
ai. Xã hội đã mặc định như vậy, không để ai phải thiệt. Còn làm việc thì còn
được trả công. Không làm thì thôi. Sự công bằng là ở đó. Cớ đâu lại tự định ra
phép đặc quyền ban phát này nọ. Xin nhớ rằng, tất cả những khoản chi đó đều từ
ngân sách, tức là tiền thuế, tiền mồ hôi nước mắt của dân.
Khách quan mà nói không phải tất cả cán bộ
đều xấu, đều đặc quyền đặc lợi. Có những người tốt, rất tốt, có nhân cách, tự
trọng, không hùa theo đám đông hư hỏng. Họ biết từ chối đặc quyền đặc lợi bởi
hiểu rằng như thế là vô lý, là chiếm đoạt quyền lợi của dân. Đơn cử như luật sư
Trần Quốc Thuận, chồng bà Võ Thị Thắng. Ông Thuận có lẽ là vị lãnh đạo cấp cao
có nhân cách nhất trong bộ máy tồn tại bấy nay. Khi còn đương chức Phó chủ
nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội, ông Thuận dứt khoát ủng hộ chủ trương
khoán xe công, tự gương mẫu bắt xe ôm hoặc taxi đi làm. Nhiều người khen ngợi
nhưng cũng không ít kẻ dè bỉu, nhất là những anh thấy bị động chạm đến quyền
lợi. Nhưng tiếc thay, ông Thuận như một anh Đông Ki Sốt đơn độc, không phá nổi
cái bờ tường bảo thủ đặc quyền đặc lợi được trung ương đổ bê tông vững chắc.
Quốc hội đã bao nhiêu lần đưa việc khoán xe công, thuê nhà công vụ lên bàn nghị
sự, cuối cùng đâu vẫn vào đó, ném đá ao bèo. Quốc hội còn thua, cá nhân ông
Thuận ăn nhằm gì.
Một người nữa, chính tôi gặp và trò chuyện
nhiều lần. Đó là cụ Nguyễn Quang Ngoạn, bác ruột của chị dâu tôi, bố vợ của bạn
đồng nghiệp tôi. Cụ Ngoạn tham gia kháng chiến chống Pháp, thời những năm 70-80
đóng hàm đại tá, giữ chức Phó cục trưởng Cục Cảnh vệ (ngang cỡ thiếu tướng bây
giờ). Cụ liêm khiết, tự trọng, nhất định không dùng xe công đưa đón, hằng ngày
đi bộ đến nơi làm việc. Sinh thời, có lần cụ tâm sự, mình từ chối đặc lợi chứ
không phải quyền lợi. Quyền lợi thì mình hưởng. Mình xứng đáng đến đâu thì
hưởng đến ấy, không tham lam, không giành phần của người khác, nhất là tài sản
của nhân dân, do nhân dân tạo nên.
Những người như cụ Ngoạn, như luật sư Thuận
không nhiều. Như con thiên nga trắng giữa bầy quạ đen. Cứ nhìn vào đội ngũ cán bộ là có thể đánh giá được bản chất xã hội. Bao
giờ tỷ lệ phải lật ngược lại thì xã hội mới trở nên tốt đẹp.
Nhà
thì đòi nhà to (có những căn nhà, biệt thự tịch thu của sĩ quan, công chức chế
độ cũ, cấp cho cán bộ, khi chủ nhân mới bán thu vài nghìn cây vàng), xe đắt
tiền, chế độ ăn uống đặc biệt, bác sĩ riêng săn sóc sức khỏe, mua sắm cũng cửa
hàng riêng, ốm đau bệnh viện riêng, nghỉ hưu vẫn cố bám lấy quyền lợi đặc biệt,
dứt khoát không chịu nhả những gì đã hưởng, khi chết còn đòi mộ to sinh phần
lớn nghĩa trang hoành tráng… Tất cả những thứ ấy có vẻ tạo nên một tầng lớp thượng
lưu nhưng thực chất nó là cái tổ mối khổng lồ khiến con đê có thể vỡ bất cứ lúc
nào.
Đáng buồn cười nhất là bộ máy thể chế này mồm leo lẻo nói không đặc quyền đặc lợi
nhưng chẳng ai chịu nhả những phần hà lạm mồ hôi nước mắt của dân. Giá như họ
đừng nói thì đã đi một nhẽ.
Chán, chả muốn biên nữa.
Nguyễn Thông
304Đen - Llttm
No comments:
Post a Comment